Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Tổng thống Trump sẽ có thỏa thuận táo bạo với Trung Quốc?; Bản kế hoạch "làm Trung Quốc vĩ đại trở lại" của Bắc Kinh: Tác giả là... Donald Trump

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump (Ảnh: Flickr)
Tổng thống mới của Mỹ có thể sẽ tân trang mối quan hệ Mỹ-Trung và tiến hành một thỏa thuận táo bạo với Bắc Kinh.
Hãng tin Guardian cho biết một số chuyên gia dự đoán rằng ông Trump có thể đang chuẩn bị một màn tân trang ngoạn mục cho mối quan hệ Mỹ-Trung, trong đó ông trùm bất động sản New York có thể sẽ đàm phán một thỏa thuận táo bạo nhất của mình với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Động thái này hứa hẹn sẽ thổi một sức sống mới vào mối quan hệ hai nước vốn đã trở nên căng thẳng dưới thời ông Obama vì một số vấn đề nổi cộm.
Một là tình trạng nhân quyền của Trung Quốc vốn từ lâu là chủ đề gây căng thẳng giữa giới lãnh đạo hai nước. Tâm điểm về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc là hoạt động mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm do chính quyền hậu thuẫn. Hồi tháng 6, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết 343 lên án Trung Quốc về tội ác này.
Một vấn đề khác là tình trạng các tin tặc Trung Quốc đang tấn công nước Mỹ hằng ngày và trở thành mối đe dọa lớn cho chính quyền Washington.
Ngoài ra là mối căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, khi Trung Quốc tuyên bố phần lớn chủ quyền đối với vùng biến và tiến hành xây dựng một loạt các đảo nhân tạo. Điều này được coi là thách thức đối với Hoa Kỳ tại một trong những khu vực địa chính trị quan trọng bậc nhất trên thế giới.

Thỏa thuận như thế nào?

Hiện chưa rõ kế hoạch cụ thể của ông Trump đối với Trung Quốc như thế nào, đặc biệt khi tổng thống Mỹ tương lai là một nhân vật chính trị mới nổi không dễ đoán trước. Tuy nhiên, với phong cách của một doanh nhân thành đạt và táo bạo, khả năng ông sẽ đưa ra những thỏa thuận bất ngờ với Bắc Kinh.
Ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm về Quan hệ Mỹ-Trung tại Asia Society ở New York, tin rằng, tổng thống tương lai có thể sẽ bắt tay vào một cuộc đại tu đáng kinh ngạc cho mối quan hệ giữa Washington-Bắc Kinh.
Ông Schell cho rằng điều đó là dấu hiệu xấu đối với các nhà hoạt động nhân quyền, những người sẽ bị chính quyền Trump gạt sang một bên khi họ nâng cấp tình bạn mới với Bắc Kinh .
Ông Schell cũng là một thành viên của một nhóm đặc nhiệm gồm 20 thành viên đang chuẩn bị đưa ra các khuyến nghị về chính sách về Trung Quốc cho tổng thống mới. Ông cho rằng khả năng ông Trump sẽ tới Bắc Kinh để quyết đạt được một thỏa thuận với ông Tập Cận Bình, người mới giành được vai trò ‘lãnh đạo hạt nhân’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Cách làm việc của ông Trump là đóng vai một nhà lãnh đạo lớn: ‘Tôi là người lãnh đạo. Tôi biết phải làm gì. Cứ để tôi làm điều đó’. Và tôi nghĩ rằng ở đây, trên thực tế, điều này có sự hòa hợp tuyệt vời với Trung Quốc và ông Tập Cận Bình”, ông Schell nói.
“Vì vậy, chúng ta có thể sẽ rất ngạc nhiên khi thấy mọi thứ thay đổi nhanh chóng như thế nào; cách rào cản từng chia rẽ chúng ta về phạm trù giá trị và các quy tắc hoạt động của các vấn đề quốc tế sẽ bị phớt lờ và toàn bộ lăng kính vạn hoa đổi thành một bức tranh hoàn toàn khác”.
“Hãy nhìn vào Biển Đông. Nhìn vào Biển Đông. Người ta có thể tưởng tượng ông Trump chỉ việc nói: ‘Ồ, đừng lo lắng về điều đó. Nếu điều đó quan trọng với các ông, vậy cứ việc. Hãy phân chia thế giới ở đây. Nếu đây là lợi ích cốt lõi của các ông, cứ tiến tới đi. Các ông xử lý việc đó với các nước hàng xóm của các ông. Nhưng sao các ông không cho chúng tôi cái này, cái kia nhỉ?’ “
Một kịch bản như vậy sẽ tàn phá người Mỹ và các đồng minh khu vực của Hoa Kỳ như nhau, theo Guardian. “Tất cả những khái niệm cổ kính này [nhân quyền, luật pháp quốc tế và trung thành với bạn bè] có thể bị bỏ rơi trong tích tắc.”, ông Schell nói.

Trung Quốc hoan nghênh?

Guardian cho rằng khả năng ông Trump sẽ được chào đón bằng thảm đỏ tại Trung Quốc chứ không như Tổng thống Obama.
“Thực tế đã chứng minh rằng việc hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với ông Trump vào hôm 14/11 trong điện đàm đầu tiên giữa hai người. Ông Tập cũng đề cập đến “những cơ hội quan trọng và tiềm năng to lớn” cho mối quan hệ Mỹ-Trung.
Nhưng các nhà quan sát chính trị tin rằng Bắc Kinh ngay lập tức sẽ nhìn thấy lợi ích của mình từ chiến thắng của ông Trump, theo Guardian.
Ông Shen Dingli, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan ở Thượng Hải nhận định: “Ở mọi khía cạnh ông [Trump] tốt hơn so với bà Clinton”.
Với ông Trump làm tổng thống Mỹ, ông Shen dự đoán việc càu nhàu về nhân quyền sẽ giảm bớt, quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc, các tàu sân bay sẽ rút khỏi Biển Đông và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Trung Quốc không được mời tham gia sẽ bị bác bỏ.
Ông Shen nói: “Chúng tôi muốn tích cực làm việc với ông ấy để xây dựng một Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn, vĩ đại hơn và một Trung Quốc mạnh mẽ hơn, vĩ đại hơn. Chúng tôi phải chào đón ông ấy.”
Thu Phương

Bản kế hoạch "làm Trung Quốc vĩ đại trở lại" của Bắc Kinh: Tác giả là... Donald Trump

Hải Võ | 
Bản kế hoạch "làm Trung Quốc vĩ đại trở lại" của Bắc Kinh: Tác giả là... Donald Trump
Hình ảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump trên trang bìa tạp chí Global People của Trung Quốc. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP/GETTY IMAGES)

Trong bài viết trên tuần báo Barron's (Mỹ) ngày 15/11, nhà báo nổi tiếng William Pesek chỉ ra rằng Trung Quốc đã có kế hoạch cho hầu hết nước đi của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Theo Pesek, Bắc Kinh "vờ tỏ ra" ngạc nhiên trước sự chuyển biến theo hướng chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền mới, cũng như những công kích mạnh mẽ của Trump đối với Trung Quốc.
Nhưng trên thực tế, nước này đã chế định xong một kế hoạch để "làm Trung Quốc vĩ đại trở lại" sau 4 năm nữa, mà trong đó "sự giúp đỡ vô tình" của Tổng thống Donald Trump đóng vai trò đáng kể.
Việc Trump nôn nóng đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là một điềm báo.
Xie Zhenhua, Đại diện cấp cao Trung Quốc của Trung Quốc về đàm phán biến đổi khí hậu, từng nói "nhà lãnh đạo tỉnh táo cần hiểu rằng tất cả chính sách đều nên thuận theo trào lưu phát triển của thế giới".
Phát ngôn này đã đả kích Trump ở ba phương diện - nhà báo Pesek nhận định.
Thứ nhất, nhận thức của Tổng thống đắc cử Mỹ về khoa học cơ bản. Ông Trump từng bị bóc mẽ trong cuộc tranh luận trực tiếp với Hillary Clinton, khi nói rằng biến đổi khí hậu là trò lừa của Trung Quốc.
Thứ hai, Trump tạo ra hình ảnh một "kẻ quấy rối" toàn cầu.
Thứ ba, một doanh nhân như ông Trump bỏ qua cơ hội kinh doanh lớn nhất mà hiệp định Paris đem lại, thời đại thay thế nhiên liệu hóa thạch, là một điều khá châm biếm.
Đứng từ vị thế "đạo đức cao" để nhìn xuống, Bắc Kinh đang cho thấy một kế hoạch hoàn hảo xoay quanh Donald Trump. Pesek đã chỉ ra 3 phương diện mà chính phủ Trung Quốc đang rất nôn nóng được hưởng lợi khi Trump chính thức bước vào Nhà Trắng.
Bản kế hoạch làm Trung Quốc vĩ đại trở lại của Bắc Kinh: Tác giả là... Donald Trump - Ảnh 1.
"Tôi sẽ mang công ăn việc làm từ Trung Quốc trở lại" là một phát ngôn nổi tiếng của Trump, nhưng William Pesek cho là không còn đúng với xu thế phát triển hiện nay (Ảnh: Getty Images)
Quan điểm kinh tế lỗi thời
"Mô hình Trung Quốc" mà Trump muốn tấn công đã không còn tồn tại.
Thời kỳ mà lao động giá rẻ Trung Quốc "cướp" việc làm của người Mỹ đang được thay thế bằng thời đại sáng tạo mới của điện thoại thông minh, công nghệ bán dẫn hay xe ô tô tự lái... Những công xưởng gia công khổng lồ mà Trump đề cập đã chuyển sang Ấn Độ hay Philippines.
Chính phủ Trung Quốc đang đặt trọng tâm tạo dựng nền tảng cho thời kỳ sáng tạo "hậu Wal-Mart", trong đó chú trọng phát triển công nghệ thông tin.
William Pesek so sánh, ông Trump hiểu về "phần cứng" của Trung Quốc, nhưng không nắm được "tham vọng phần mềm" của Bắc Kinh. Nước này thậm chí muốn có khu công nghệ cao vượt qua Thung lũng Silicon ở Mỹ.
Có một lý do khiến truyền thông nhà nước Trung Quốc "theo bước Tổng thống Nga Putin" và ủng hộ Trump trong gia đoạn tranh cử. Đó là khi Trump khởi động một cuộc chiến kinh tế nhằm vào mô hình của quá khứ, thì Bắc Kinh đã có đủ không gian thiết kế một "công thức chiến thắng" cho tương lai.
Dùng chính trị che đậy sự thiên vị
Với hùng biện của Trump về phản đối toàn cầu hóa, nhiệm kỳ của ông rất có thể là những ngày tháng tươi đẹp với Trung Quốc, khi chính Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh phải vực dậy các doanh nghiệp quốc gia và hỗ trợ mạnh mẽ cho chính quyền hoặc doanh nghiệp địa phương đang phấn đấu để sản sinh ra "Jack Ma tiếp theo".
Vào năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố bản quy hoạch có tên "Made in China 2025" nhằm thúc đẩy phát triển sáng tạo trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghiệp, nâng tầm các nhãn hàng Trung Quốc, đưa nước này đi đầu trong công nghệ sản xuất sạch để bán ra toàn cầu...
Nhưng đồng thời, mục đích của bản quy hoạch còn là loại trừ sức ảnh hưởng hoặc xâm nhập của nước ngoài vào Trung Quốc.
Nói cách khác, Trump càng tuyên bố "nước Mỹ là ưu tiên số 1" và chống lại toàn cầu hóa, thì càng đi đúng những gì chính phủ Trung Quốc mong muốn.
Một năm trước, dư luận chỉ trích Bắc Kinh về việc họ kiểm soát và chèn ép các doanh nghiệp nước ngoài. Đến nay, Trump đang có kế hoạch làm đúng như vậy ở Mỹ.
Bản kế hoạch làm Trung Quốc vĩ đại trở lại của Bắc Kinh: Tác giả là... Donald Trump - Ảnh 2.
William Pesek là nhà báo nổi tiếng của hãng tin Bloomberg, chuyên viết về kinh tế, thị trường và chính trị châu Á-Thái Bình Dương.
"Điểm mù" thương mại châu Á
Dù phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Barack Obama đạt được, ông Trump chưa có một phương án thay thế khả dĩ nào.
Tác giả Pesek bình luận, điều này chẳng khác nào "hai tay dâng tặng" tầm ảnh hưởng của Mỹ cho Trung Quốc, nước đang toàn lực thúc đẩy Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) - một đối trọng của TPP.
Gần đây, Pakistan đã tiếp nhận lô hàng hóa Trung Quốc đầu tiên qua Gwadar - cảng biển được nâng cấp và cải tạo bằng vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Đây là tín hiệu rất rõ về mối liên hệ ngày càng rộng mở giữa Bắc Kinh với châu Á và các khu vực khác, nhằm thu hút dòng chảy mậu dịch toàn cầu theo hướng mà chính phủ Trung Quốc đã thiết kế, cụ thể là sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của ông Tập Cận Bình.
Trong khi Mỹ sa lầy vào cuộc tranh chấp với Tehran hay Moscow ở châu Âu và Trung Đông, cùng với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) chưa có hồi kết, Trung Quốc đang cố gắng tranh thủ thời cơ để biến Bắc Kinh thành giao điểm thương mại khu vực và toàn cầu, với mục tiêu cuối cùng là "đưa nền kinh tế Trung Quốc vĩ đại trở lại".
Pesek trào phúng nhận xét, Donald Trump thường nói rằng lãnh đạo Trung Quốc thông minh hơn lãnh đạo Mỹ. Đều này, người Trung Quốc làm sao lại không biết!
theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm:

Nguyễn Bích Ngân, tác giả của bài thơ "Xin đổi kiếp này"... là cháu ngoại của dịch giả, nhà văn Đức Mẫn

Gặp nữ sinh viết bài thơ khiến dân mạng lặng người

-Nguyễn Bích Ngân – nữ sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) – tác giả bài thơ làm “dậy sóng” cộng đồng mạng chia sẻ, em không thường xuyên làm thơ, và tự nhận xét mình là người lãng mạn. 
Sau khi bài thơ “Xin đổi kiếp này của Bích Ngân được cộng đồng mạng chú ý, cô bé 14 tuổi cho biết “không nghĩ là nó được chú ý nhiều như thế” và rất cảm ơn mọi người vì đã quan tâm.
Chia sẻ với Vietnamnet, Bích Ngân nói rằng, em không làm thơ thường xuyên, tất cả vốn liếng có lẽ chỉ từ 7-8 bài thơ, vì làm thơ phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Những bài thơ mà Ngân viết cũng chỉ để giãi bày cảm xúc cá nhân và chỉ chia sẻ cho ông ngoại. 
Ngân thừa nhận, tính cách thể hiện ra bên ngoài của em có phần khép kín nhưng cũng có phần mạnh mẽ bên trong. “Con thích nghe nhạc Hàn, và chỉ duy nhất nhóm Big Bang vì con luôn thích cái gì đó mãnh liệt, mạnh mẽ. Bản thân các anh trong nhóm Big Bang cũng là những người suy nghĩ có chiều sâu. Con thích cái cảm giác họ đem lại” – Ngân nói.
Gặp nữ sinh viết bài thơ khiến dân mạng lặng người
Bích Ngân chụp ảnh cùng ông ngoại. Ảnh: NVCC

Ngoài nghe nhạc Big Bang, Ngân còn thích chụp ảnh và vẽ. “Vẽ thì con vẽ ra nháp là nhiều, chứ ít khi vẽ bức nào hoàn chỉnh. Chụp ảnh con chỉ chụp bằng điện thoại thôi. Con đặc biệt thích chụp dưới những bóng cây, chứ không phải cây có màu sắc, mà là khi con đứng dưới bóng cây chụp lên, chỉ có một nền trời xanh trắng và bóng cây màu đen, có cảm giác như những nét vẽ, trông rất sống động”.
Khi được hỏi, ngoài môn văn, em thích học môn gì, cô bé trả lời “các môn khác chỉ ở mức bình thường”. Riêng bài thơ “Xin đổi kiếp này” – Ngân chia sẻ - là sự tích cóp của rất nhiều thứ. “Từ những lời giảng của cô, từ những lần chia sẻ với ông ngoại… Con đã tích cóp nó lại và tóm gọn nó thành một bài thơ”.
Những bài thơ khác của Ngân phần lớn về chủ đề thiên nhiên, về mùa thu, về gió, biển, núi. “Con thích mùa thu. Thường thì người lãng mạn hay thích mùa thu”.
Nói về nghề nghiệp mơ ước sau này, cô bé thẳng thắn chia sẻ: “Nếu là mọi người định hướng thì có rồi. Mọi người định hướng con sẽ đi theo năng khiếu của con là nghề nhà giáo. Nhưng bản thân con thực sự vẫn chưa rõ lắm. Con là người thiếu tự tin. Định hướng là mình phải thấy mình có khả năng vào một nghề nào đấy, nhưng bản thân con thấy rất mông lung”.
Trò chuyện với ông Lê Đức Mẫn – ông ngoại Bích Ngân và cũng là người đăng bài thơ của em lên Facebook cá nhân, ông cho biết ông là người rất gần gũi với cháu gái. “Cháu cũng hay trao đổi với tôi, và có lẽ là người duy nhất trao đổi” – ông nói.
Ông cho biết, hầu như khi nào có bài thơ mới Ngân đều chia sẻ với ông ngoại. Hai ông cháu cũng thường xuyên trao đổi về thơ văn. Năm nay ông đã 76 tuổi, từng là giảng viên tiếng Nga ở ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội) suốt 40 năm. 
Bích Ngân cũng cho biết, ông ngoại là người quan tâm rất nhiều đến văn học. Hai ông cháu từng nhiều lần đi nghe những buổi bình luận văn học của các nhà thơ, nhà văn, sau đó về nhà hai ông cháu cùng nhau thảo luận sâu hơn. “Con nhớ nhất là lần đi nghe về thơ Vũ Quần Phương với ông”.
“Khi bài thơ của con được mọi người chú ý, ông chỉ nhìn con mỉm cười và chúc mừng con”.
Nhận xét về cô cháu gái, ông Mẫn khẳng định: “Cháu tôi ít nói nhưng nhiều suy nghĩ”.
  • Nguyễn Thảo

Dự án Đường sắt trên cao: Có dấu hiệu khai khống hồ sơ rà phá bom mìn?

TP - Xung quanh dự án Dự án Đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, Tiền Phong ra ngày 11/11 có bài: “Nhà thầu yêu cầu tăng phí 40 triệu USD”. Dự án này tiếp tục bị phản ánh có dấu hiệu khai khống hồ sơ rà phá bom mìn, vật nổ, đoạn từ khách sạn Deawoo đến khu Depot (khu bảo dưỡng sửa chữa).

Dự án Đường sắt trên cao: Có dấu hiệu khai khống hồ sơ rà phá bom mìn?
Dự án đường sắt trên cao Nhổn- Ga Hà Nội
Nhiều điểm bất hợp lý
Báo cáo kết quả kiểm tra gói thầu rà phá bom mìn ngày 29/3/2013 với lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (Chủ đầu tư - MRB),  ông Lê Hoài Nam (Phó phòng Kỹ thuật MRB) cho biết: Hồ sơ và phương án thi công rà phá bom mìn của Cty TNHH MTV Lũng Lô (nhà thầu) không thể chứng minh được những hoạt động mà Cty đã triển khai, thậm chí trong hồ sơ phương án thi công có nhiều điểm bất khả thi.



Theo phương án thi công lập ngày 31/3/2010 đã được thẩm định và phê duyệt, Cty Lũng Lô phải triển khai các bước “xác định vị trí hạng mục cần dò sâu 10m; Chia lưới ô vuông 8x8m, đóng cọc định vị vị trí khoan với khoảng cách 8m; Dùng máy khoan tạo lỗ tại các cọc đã định vị tới độ sâu 5m; Sử dụng ống PVC chống để tránh sập lỗ khoan. Sau đó, dùng máy VALLON 1303 A1 đưa đầu dò theo hố khoan kiểm tra xác định tín hiệu từ độ sâu 5-10 m”.  
Tuy nhiên, Tổ công tác của MRB phát hiện biên bản và nhật ký thi công của nhà thầu không phù hợp thực tế. Cụ thể, nhật ký nhà thầu ghi đã huy động 125 nhân công/ đêm/2 tuần liên tục mà không có biến động gì về thời gian thi công, giao thông và hiện trạng thi công san nền Depot? Cũng theo Tổ kiểm tra, nhật ký ghi mỗi ca nhà thầu khoan tối thiểu 14 lỗ, tối đa 18 lỗ với chiều sâu khoảng 5m tính từ mặt đường là không thể thực hiện được bởi kết cấu áo đường lớp trên là bê tông nhựa...
Ngoài ra, tại một số vị trí bên phải thuộc đường vào Depot dọc theo Quốc lộ 70 cũ chưa được giải phóng mặt bằng, nhà dân vẫn sinh sống, song trên hồ sơ hoàn công lại thể hiện các lỗ khoan tại khu vực này. Thêm vào đó, vị trí các lỗ khoan thăm dò dọc theo tuyến QL 32, phố Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy và Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) bị sai với phương án đã được phê duyệt.
Kiến nghị không ký nghiệm thu
Bản kết luận Hồ sơ hoàn công cho rằng, nhà thầu có các biểu hiện như khai khống về khối lượng, chất lượng không đảm bảo... Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện MRB không thực hiện hết trách nhiệm dẫn đến mất khả năng kiểm soát chất lượng và đã nghiệm thu khống khối lượng với nhà thầu.
Ông Lê Hoài Nam (Phó phòng kỹ thuật MRB) đề nghị lãnh đạo MRB không ký nghiệm thu, thanh quyết toán hồ sơ hoàn công do Cty Lũng Lô lập và có văn bản yêu cầu nhà thầu thực hiện lại công tác rà phá bom mìn, vật nổ theo đúng phương án kỹ thuật được phê duyệt. Tuy nhiên, lãnh đạo MRB lại chọn phương án để Cty Lũng Lô làm 2 bản cam kết đảm bảo an toàn số 29/CKAT ngày 17/9/2013 và số 42/CKAT ngày 04/12/2013, đối với gói thầu số 2 – Ga trên cao và gói thầu số 1 – Tuyến trên cao. Đến nay, hợp đồng rà phá bom mìn, vật nổ giữa MRB và Cty Lũng Lô vẫn chưa được nghiệm thu.
Khu vực Ga Hà Nội – Văn Miếu -  Cát Linh – Deawoo là những ga chính của tuyến đường sắt trên cao được thiết kế ngầm. Khu vực này cùng với dãy phố Khâm Thiên là những nơi bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất năm 1972.

Minh Đức

Hà Tĩnh: Quan chức câu cá, giáo chức hầu rượu trong tình cảnh nước ngập tứ bề, biển bị ô nhiễm nặng ?; “Nhiệm vụ chính trị” là gì mà giáo viên không muốn làm thì cũng trốn đằng trời?

Quan chức câu cá, giáo chức “hầu rượu”

Không ai có thể làm suy yếu uy tín của chính quyền nếu những quan chức, cán bộ, đại diện quyền lực của nhà nước, không tự làm suy yếu chính năng lực, nhưng đặc biệt là phẩm cách của họ. Nhất là khi họ vô tình, vô cảm với dân.

Hà Tĩnh là đất địa linh nhân kiệt, đất của đại thi hào Nguyễn Du, vốn gieo neo. Chuyển sang kinh tế thị trường, diện mạo đời sống của Hà Tĩnh cũng thay đổi đáng kể. Nhưng không biết có phải từ dạo có dự án lớn của nước ngoài đầu tư tọa lạc và nổi danh… “ngược” không, mà từ đó đến giờ, cứ thỉnh thoảng, Hà Tĩnh lại được dư luận xã hội chú ý. Có điều xem ra toàn những vụ việc  mua vui cũng được một vài trống canh, nhưng không ít nhức đầu.

Thừa lý thiếu tình…

Tỷ như chuyện sau đây: Từ đầu tháng 10 đến nay, các tỉnh miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh liên tiếp bị những cơn mưa to kéo dài. Đã thế, các đập trên địa bàn tỉnh cũng lại xả lũ, khiến cả tỉnh bỗng như cái hồ lớn, mà t/p Hà Tĩnh, dù mang tiếng là đô thị với những con phố lớp lớp nhà cao tầng, kiên cố cũng không thoát khỏi số phận. Nhất là trận mưa lớn từ 12 đến 16/10 cách đây ít ngày đã khiến người dân Hà Tĩnh nháo nhào tránh mưa chẳng xấu mặt nào.  Mưa chồng mưa, lũ chồng lũ đã khiến không ít nơi trong t/p bị tái ngập cục bộ. Các cơ quan chức năng đã phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, các xe cứu hộ phải luôn sẵn sàng để trợ giúp người dân chống ngập.

Vậy mà trong hoàn cảnh trên trời dưới nước khốn khổ như vậy, ông Chủ tịch t/p Hà Tĩnh bỗng ra quyết định thành lập…. Hội câu cá (?)

Mới nghe, cứ tưởng là chuyện của những người thích … đùa dai. Hóa ra không phải. Văn bản giấy trắng mực đen Quyết định 2300/QĐ- UBND, chữ ký “Hà Văn Trọng”cùng cái dấu đỏ chót rành rành định phận t/p Hà Tĩnh đây. Xin mời xem:

Quan chức câu cá, giáo chức “hầu rượu”

Văn bản Quyết định thành lập Hội Câu cá vừa đưa ra, lập tức… câu được không ít ý kiến, nhưng hầu hết là ý kiến phản ứng, bất bình.

Còn người viết cho rằng, đó là một quyết định rất thiếu nhạy cảm chính trị, của một quan chức cần có trách nhiệm với sự may rủi, sướng khổ, sống chết của người dân trong cảnh màn trời chiếu nước. Ở góc độ khác, nói một cách dân dã, đó là một quyết định khá… vô duyên. Vô duyên vì hoàn toàn không hợp thời hợp cảnh. Thậm chí, vô tình, vô cảm trước nỗi khổ của người dân đang lóp ngóp chạy mưa lũ.

Ai cũng biết, câu cá là một trò vui giải trí, nó lành mạnh và không có lỗi nếu tuân thủ các quy định pháp luật, trong hoàn cảnh bình thường. Nhưng nó thật có lỗi với dân vì cái quyết định đưa ra không đúng chỗ, nó thừa lý mà rất thiếu … tình.

Và thừa… tình thiếu lý

Chuyện thừa lý thiếu tình chưa lắng xuống, dư luận xã hội lại ồn ào trước một vụ việc khác, “thừa tình” thiếu lý. Nhưng nghiêm trọng hơn, vụ việc này đụng chạm đến một vấn đề lớn hơn- nhân phẩm nhà giáo.

Đó là việc 21 cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh, được phân công phục vụ liên hoan dân ca ví dặm do UBND thị xã tổ chức. Điều đáng nói, sau khi nhận nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách, các cô còn tiếp tục phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách.

Ai cũng biết lâu nay, chuyện “tiếp khách” kiểu này, có cả lành mạnh và không lành mạnh. Giới hạn tỉnh và say do rượu của các quan khách là cực kỳ… mong manh.

Thân phận các cô giáo ở các trường, có ai dám chống lại quyết định của cấp trên, ở đây, trực tiếp là ông Trưởng phòng GD thị xã Hồng Lĩnh Lê Bá Thiềm?

Cũng chính vì thế, một số cô giáo chỉ biết phản ứng khi cho rằng việc bị điều đi tiếp khách là sai mục đích công việc của mình, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân. Có cô ngậm ngùi: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…" (GDVN, ngày 13/11).

Đó là một sự thật.

Nhưng bất ngờ nhất, ông Trưởng phòng GD thị xã Hồng Lĩnh Lê Bá Thiềm lại thản nhiên: "… trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống".

Không biết những chuyện bình thường kiểu này ở ông Lê Bá Thiềm có… nhiều không?

Bất ngờ thứ hai, ông Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Văn Hổ- cũng thản nhiên không kém khi “tôn vinh”, các cô giáo đi tiếp khách là nhiệm vụ chính trị, là trong sáng, là niềm hãnh diện. Không hiểu ông cho đó là niềm hãnh diện với ai? Với chồng các cô chăng?

Chính vì lẽ đó, mà dư luận xã hội thực sự nổi giận. Không ít sự bất bình, phẫn nộ đến mức “xỉ vả” trên các trang mạng XH. Vì sao?

Từ xa xưa, trong Kiều, đại thi hào Nguyễn Du có hai câu cảm thán sâu sắc: Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Cái nghiệp vào thân của các cô giáo là dạy học phải gìn giữ tư cách, nhân phẩm chính mình trước học trò, những đứa trẻ tâm hồn như giấy trắng.

Nhân phẩm đó buộc các cô giáo biết gìn giữ từ lời ăn tiếng nói, đến hành vi sư phạm. Mà không thể cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Quan chức câu cá, giáo chức “hầu rượu”
Ảnh minh họa.
Dư luận XH luôn công bằng, công tâm, khi có thể bênh vực số phận một cô gái mà số phận đưa đẩy vào một “nghề” xưa nay vốn bị xã hội coi rẻ, nhưng lại lên án việc một ông Chủ tịch thị xã, một ông Trưởng phòng GD bắt các cô giáo đi tiếp quan khách, kể cả ở nhà hàng, uống rượu, hát hò cùng quan khách.

Cái nghiệp vào thân khiến XH phân biệt rất rõ, phải trái phân minh, vì sao, với việc này thì được, việc kia lại không. Ranh giới đó tưởng rất mong manh, thật ra lại rất rõ ràng và sòng phẳng.

Chính vì thế, dư luận XH hết sức nổi giận, và họ nổi giận có lý trước phát ngôn của ông quan chức ngành GD rằng, khi các thầy cô giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải nói đến trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc. Và, trả lời chất vấn tại nghị trường sáng 16/11, vị quan chức này cho rằng, với địa phương chỉ là vui vẻ thôi nhưng để lại hậu quả, để xã hội nóng lên là không nên, Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm…

Ô, thế ông không hiểu thế nào là lệnh của cấp trên? Và dường như ông cũng vô tình, vô cảm, với nỗi khổ sở, khổ tâm của họ- những cô giáo phận “con sâu cái kiến”, khi mà họ cũng không thể thiếu cái… cần câu cơm. Cho dù ông xin nhận trách nhiệm nhưng XH không hiểu cái ẩn ý chỉ là “vui vẻ thôi” nghĩa là gì? Nếu cái sự “vui vẻ thôi” đó đem lại tai tiếng cho các cô giáo, và đem lại sự… “không vui vẻ”, thậm chí lục đục trong gia đình họ, thì ông nghĩ sao?

Trong nhiều ý kiến về vụ việc này, người viết bài chú ý đến ý kiến của bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (VietNamNet, ngày 15/11) khi bà phát hiện rất tinh tế:

Theo quan sát của tôi, và ý kiến của nhiều người thì chuyện này không hiếm. Vì khá phổ biến cho nên những người trong cuộc không nghĩ rằng mình có gì sai. Người thành công trong quan lộ không thể chỉ là người biết điều hành công việc tốt mà còn phải có những hiểu biết về các giá trị căn bản của con người. Chúng ta coi việc điều giáo viên nữ trẻ đẹp đi tiếp khách và chấp nhận các hành vi, lời nói quấy rối tình dục (phải gọi cho đúng từ) là bình thường, thì chúng ta đang dạy gì cho con trẻ về nhân phẩm, về tôn trọng, về bình đẳng giới?

Cho dù bằng cấp đầy mình, trình độ hiểu biết về các giá trị căn bản ở con người của các quan chức nói trên cũng có phần…. chưa căn bản lắm!

Được biết đến thời điểm này, ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu thị xã Hồng Lĩnh báo cáo, giải trình vụ việc.

Quan chức cơ sở là đại diện cho sự lãnh đạo của chính quyền nhà nước. Trình độ, phẩm cách của họ là uy tín của chính quyền nhà nước, và ngược lại, sự mất uy tín cũng từ đấy mà …. đi.

Không ai có thể làm suy yếu uy tín của chính quyền nếu những quan chức, cán bộ đại diện quyền lực của nhà nước, không tự làm suy yếu chính năng lực, nhưng đặc biệt là phẩm cách của họ. Nhất là khi họ vô tình, vô cảm với dân.

Kỳ Duyên

(Tuần Việt Nam)



“Nhiệm vụ chính trị” là gì mà giáo viên không muốn làm thì cũng trốn đằng trời?

PHAN TUYẾT

(GDVN) - Khi việc điều động giáo viên đi tiếp khách cũng được xem là "Nhiệm vụ chính trị" thì liệu có giáo viên nào khước từ được không?

 LTS: Trước sự việc lãnh đạo ngành giáo dục thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều động giáo viên nữ phải đi tiếp khách, cô giáo Phan Tuyết bày tỏ sự không đồng tình.
Tác giả nhấn mạnh hơn nữa đến vai trò của người lãnh đạo, quản lý trong ngành giáo dục địa phương để bảo vệ quyền lợi của các nhà giáo.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Cụm từ “Nhiệm vụ chính trị” phải được hiểu như thế nào mới đúng? Trong Giáo dục, thường thì khi cấp dưới nghe tới cụm từ này thì bất cứ việc gì cũng phải làm mà không dám có ý kiến phản kháng. 
Nếu không đồng tình hóa ra mình đi ngược với “Nhiệm vụ chính trị” hay sao? Có lẽ nắm được điều này, bất kể việc gì cần sự đồng lòng thi hành, người ta đều đội cho nó cái mũ “Nhiệm vụ chính trị”.

Chẳng hạn, việc giáo viên phải thu tiền bảo hiểm cho học sinh. Có không ít công văn cấp trên gửi về từng trường học nhấn mạnh “Đây là nhiệm vụ chính trị nên các trường phải vận động thu đủ”.

Vì thế, ban giám hiệu triển khai trên hội đồng và buộc giáo viên tìm mọi cách vận động phụ huynh đóng đủ 100%.

Nay dư luận lại một phen dậy sóng khi câu chuyện điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn của ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) vừa qua cũng được xem đó là “Nhiệm vụ chính trị”. 
UBND thị xã điều động giáo viên nữ đi đón tiếp khách. (Ảnh: Báo Thanh niên)
Thế rồi, bỗng chốc hàng chục giáo viên trở thành lễ tân bất đắc dĩ trong các cuộc liên hoan, ăn uống của cán bộ và những vị khách của lãnh đạo thị xã.

Báo Người đưa tin cho biết, sau khi nhận nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách, các cô tiếp tục phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách.

Báo còn dẫn lời một giáo viên mầm non ngậm ngùi: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ.
Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…".

Sau công văn điều động ngược đời ấy, lẽ ra, các cô giáo trẻ phải được sự bảo vệ của ngành mà trực tiếp là các Hiệu trưởng, Trưởng phòng.
Bởi khi giáo viên được điều động đi tiếp khách, những giáo viên ở trường phải dạy thay. 
Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuyên môn nhà trường.
Bởi không ít trường thiếu giáo viên nên chẳng thể bố trí người dạy kịp thời.
Rồi cảnh dồn lớp, hay một giáo viên phải quản một số lượng học sinh rất đông…
Dù thế, ban giám hiệu các trường cũng luôn ngoan ngoãn thi hành bởi họ luôn sợ chính cái ghế họ đang ngồi.
Hiệu trưởng thì thế, còn người đứng đầu phòng Giáo dục thị xã Hồng Lĩnh thì sao? Nếu thấy việc điều động bất hợp lý không phù hợp với ngành giáo dục, ông Trưởng phòng Giáo dục vẫn có quyền từ chối? 

Những câu chuyện thật như đùa chỉ Hà Tĩnh mới có

(GDVN) - Có những chuyện đùa như thật nhưng cũng có những chuyện thật… như đùa. Đó là hai chuyện xảy ra gần đây ở Hà Tĩnh, khiến dư luận bất bình.
Bởi trong Điều lệ trường tiểu học giáo viên chỉ có nhiệm vụ làm công tác giáo dục. Đó là trực tiếp giảng dạy và giáo dục đạo đức học sinh.
Chẳng có quy định nào buộc các thầy cô phải đi tiếp khách ngay cả khi địa phương có các hội nghị hay các lễ hội lớn…
Những điều này lẽ nào những người lãnh đạo của giáo dục nơi địa phương không biết?
Hay biết mà họ vẫn cố tình làm ngơ? Bởi chẳng ai dám chống lệnh cấp trên dù lệnh ấy là không đúng. 
Nhưng đáng buồn thay, ông Trưởng phòng Giáo dục Hồng Lĩnh lại nhất nhất thi hành và hoàn toàn ủng hộ việc này.
Ông Lê Bá Thiềm cho rằng đây là việc “Phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn chứ không phải là đi hội hè, đi chơi đi bời. 
Việc Ủy ban nhân dân huyện điều động để làm những việc rất là chính đáng. Uỷ ban thị xã điều động trong lúc nhân lực thiếu, cả tỉnh người ta tập trung về đấy. 
Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống".
“Nhiệm vụ chính trị” mà các cô giáo ở Hồng Lĩnh phải thi hành là làm “lễ tân” nhưng chính ông trưởng phòng Giáo dục lại thừa nhận với báo chí “ Tôi thì tôi không biết lễ tân là cái gì. Tôi không hiểu lễ tân là gì”.
Chẳng biết do ông Trưởng phòng không hiểu thật? Do suy nghĩ hạn hẹp, thiển cận? Hay do ông sợ cấp trên phật lòng để thỏa hiệp với văn bản điều động vô lý của Ủy ban nhân dân thị xã.
Để từ đó, trực tiếp đẩy những giáo viên, những đồng nghiệp của mình trở thành “con mồi” trong tay những kẻ sổ sàng mang danh quan chức.
Giáo dục Hồng Lĩnh sẽ trông mong gì những người như vị Trưởng phòng Giáo dục này?
Hơn ai hết, các thầy cô hiểu được tầm quan trọng của "Nhiệm vụ chính trị", và vì thế nếu đó là việc đúng, không thầy cô nào từ chối.
Để cho công bằng, nghiêm túc, thì những người ở cấp trên, có thể ban hành yêu cầu, chỉ thị, thậm chí là ra lệnh thì cũng không được lợi dụng "Nhiệm vụ chính trị" để bắt các thầy, cô làm việc.


Hà Tĩnh được coi là đất học.

Thực ra, không riêng gì Hà Tĩnh, hầu hết các địa phương luôn tự phong là đất học.

Nghèo nhưng hiếu học. Đói ăn chứ không để đói chữ. Học trở thành nghề truyền thống. Tố chất nổi trội ấy tạo ra đất học Hà Tĩnh.

Đất học Hà Tĩnh vừa nảy nòi một số kẻ đầu đất. Đầu đất không phải dân đen, mà là quan chức.

Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).
 Điều động nữ giáo viên đi hầu rượu quan chức.

Coi đó là nhiệm vụ chính trị.

Chỉ có đầu đất mới nghĩ và làm như vậy.

Khổ cho một địa phương, nơi được coi là đất học, đứng đầu chính quyền và đứng đầu nghề dạy học lại là những kẻ đầu đất. Vì là đầu đất cho nên họ hành xử với nữ giáo viên một cách vô văn hóa, vô đạo đức, phản giáo dục.

Luật giáo dục. Luật công chức. Luật lao động. Trong các bộ luật ấy, tuyệt nhiên không tìm thấy một dòng quy định nữ giáo viên phải đi hầu rượu và mua vui cho quan chức.

Giáo viên có thể làm thêm như là dạy thêm, do nhà trường bố trí hoặc tự mình tổ chức.

Hầu rượu quan chức thì không và tuyệt nhiên không phải việc làm thêm .

Đi hầu rượu quan chức được coi là nhiệm vụ chính trị.

Phỉ báng chính trị đến thế là cùng.

 Xin mời quý độc giả xem Video : Bộ trưởng GD Phùng Xuân Nhạ lớn tiếng bảo kê cho đám ma cô Hà Tĩnh chăn dắt cô giáo đi khách 


            

Hóa ra, tại Hà Tĩnh, quê hương của 2 cố tổng bí thư là Trần Phú và Hà Huy Tập, chính trị đã bị thoái hóa đến tận cùng.

Trong đảng có những kẻ đầu đất như vậy thì đảng không mất uy tín mới là chuyện lạ.

Dân Hà Tĩnh (Nghệ Tĩnh nói chung) nhục nhã và bị xúc phạm khi quê hương có những kẻ đầu đất nằm trong nhóm quan chức.

Những kẻ đầu đất khi lấp xuống đất cũng làm cho đất bị mang tiếng xấu.

Bá Tân

(Blog Nguyễn Thông)

Danh sách chủ khách trong vụ Hồng Lĩnh

Văn bản điều động của UBND thị xã Hồng Lĩnh
Văn bản điều động của UBND thị xã Hồng Lĩnh
Văn bản điều động của UBND thị xã Hồng Lĩnh
Phan Tuyết