Tổng thống mới của Mỹ có thể sẽ tân trang mối quan hệ Mỹ-Trung và tiến hành một thỏa thuận táo bạo với Bắc Kinh.
Hãng tin Guardian cho biết một số chuyên gia dự đoán rằng ông Trump có thể đang chuẩn bị một màn tân trang ngoạn mục cho mối quan hệ Mỹ-Trung, trong đó ông trùm bất động sản New York có thể sẽ đàm phán một thỏa thuận táo bạo nhất của mình với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Động thái này hứa hẹn sẽ thổi một sức sống mới vào mối quan hệ hai nước vốn đã trở nên căng thẳng dưới thời ông Obama vì một số vấn đề nổi cộm.
Một là tình trạng nhân quyền của Trung Quốc vốn từ lâu là chủ đề gây căng thẳng giữa giới lãnh đạo hai nước. Tâm điểm về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc là hoạt động mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm do chính quyền hậu thuẫn. Hồi tháng 6, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết 343 lên án Trung Quốc về tội ác này.
Một vấn đề khác là tình trạng các tin tặc Trung Quốc đang tấn công nước Mỹ hằng ngày và trở thành mối đe dọa lớn cho chính quyền Washington.
Ngoài ra là mối căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, khi Trung Quốc tuyên bố phần lớn chủ quyền đối với vùng biến và tiến hành xây dựng một loạt các đảo nhân tạo. Điều này được coi là thách thức đối với Hoa Kỳ tại một trong những khu vực địa chính trị quan trọng bậc nhất trên thế giới.
Thỏa thuận như thế nào?
Hiện chưa rõ kế hoạch cụ thể của ông Trump đối với Trung Quốc như thế nào, đặc biệt khi tổng thống Mỹ tương lai là một nhân vật chính trị mới nổi không dễ đoán trước. Tuy nhiên, với phong cách của một doanh nhân thành đạt và táo bạo, khả năng ông sẽ đưa ra những thỏa thuận bất ngờ với Bắc Kinh.
Ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm về Quan hệ Mỹ-Trung tại Asia Society ở New York, tin rằng, tổng thống tương lai có thể sẽ bắt tay vào một cuộc đại tu đáng kinh ngạc cho mối quan hệ giữa Washington-Bắc Kinh.
Ông Schell cho rằng điều đó là dấu hiệu xấu đối với các nhà hoạt động nhân quyền, những người sẽ bị chính quyền Trump gạt sang một bên khi họ nâng cấp tình bạn mới với Bắc Kinh .
Ông Schell cũng là một thành viên của một nhóm đặc nhiệm gồm 20 thành viên đang chuẩn bị đưa ra các khuyến nghị về chính sách về Trung Quốc cho tổng thống mới. Ông cho rằng khả năng ông Trump sẽ tới Bắc Kinh để quyết đạt được một thỏa thuận với ông Tập Cận Bình, người mới giành được vai trò ‘lãnh đạo hạt nhân’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Cách làm việc của ông Trump là đóng vai một nhà lãnh đạo lớn: ‘Tôi là người lãnh đạo. Tôi biết phải làm gì. Cứ để tôi làm điều đó’. Và tôi nghĩ rằng ở đây, trên thực tế, điều này có sự hòa hợp tuyệt vời với Trung Quốc và ông Tập Cận Bình”, ông Schell nói.
“Vì vậy, chúng ta có thể sẽ rất ngạc nhiên khi thấy mọi thứ thay đổi nhanh chóng như thế nào; cách rào cản từng chia rẽ chúng ta về phạm trù giá trị và các quy tắc hoạt động của các vấn đề quốc tế sẽ bị phớt lờ và toàn bộ lăng kính vạn hoa đổi thành một bức tranh hoàn toàn khác”.
“Hãy nhìn vào Biển Đông. Nhìn vào Biển Đông. Người ta có thể tưởng tượng ông Trump chỉ việc nói: ‘Ồ, đừng lo lắng về điều đó. Nếu điều đó quan trọng với các ông, vậy cứ việc. Hãy phân chia thế giới ở đây. Nếu đây là lợi ích cốt lõi của các ông, cứ tiến tới đi. Các ông xử lý việc đó với các nước hàng xóm của các ông. Nhưng sao các ông không cho chúng tôi cái này, cái kia nhỉ?’ “
Một kịch bản như vậy sẽ tàn phá người Mỹ và các đồng minh khu vực của Hoa Kỳ như nhau, theo Guardian. “Tất cả những khái niệm cổ kính này [nhân quyền, luật pháp quốc tế và trung thành với bạn bè] có thể bị bỏ rơi trong tích tắc.”, ông Schell nói.
Trung Quốc hoan nghênh?
Guardian cho rằng khả năng ông Trump sẽ được chào đón bằng thảm đỏ tại Trung Quốc chứ không như Tổng thống Obama.
“Thực tế đã chứng minh rằng việc hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với ông Trump vào hôm 14/11 trong điện đàm đầu tiên giữa hai người. Ông Tập cũng đề cập đến “những cơ hội quan trọng và tiềm năng to lớn” cho mối quan hệ Mỹ-Trung.
Nhưng các nhà quan sát chính trị tin rằng Bắc Kinh ngay lập tức sẽ nhìn thấy lợi ích của mình từ chiến thắng của ông Trump, theo Guardian.
Ông Shen Dingli, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan ở Thượng Hải nhận định: “Ở mọi khía cạnh ông [Trump] tốt hơn so với bà Clinton”.
Với ông Trump làm tổng thống Mỹ, ông Shen dự đoán việc càu nhàu về nhân quyền sẽ giảm bớt, quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc, các tàu sân bay sẽ rút khỏi Biển Đông và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Trung Quốc không được mời tham gia sẽ bị bác bỏ.
Ông Shen nói: “Chúng tôi muốn tích cực làm việc với ông ấy để xây dựng một Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn, vĩ đại hơn và một Trung Quốc mạnh mẽ hơn, vĩ đại hơn. Chúng tôi phải chào đón ông ấy.”
Thu Phương
Hình ảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump trên trang bìa tạp chí Global People của Trung Quốc. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP/GETTY IMAGES)
Bản kế hoạch "làm Trung Quốc vĩ đại trở lại" của Bắc Kinh: Tác giả là... Donald Trump
Hải Võ |
Trong bài viết trên tuần báo Barron's (Mỹ) ngày 15/11, nhà báo nổi tiếng William Pesek chỉ ra rằng Trung Quốc đã có kế hoạch cho hầu hết nước đi của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo Pesek, Bắc Kinh "vờ tỏ ra" ngạc nhiên trước sự chuyển biến theo hướng chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền mới, cũng như những công kích mạnh mẽ của Trump đối với Trung Quốc.
Nhưng trên thực tế, nước này đã chế định xong một kế hoạch để "làm Trung Quốc vĩ đại trở lại" sau 4 năm nữa, mà trong đó "sự giúp đỡ vô tình" của Tổng thống Donald Trump đóng vai trò đáng kể.
Việc Trump nôn nóng đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là một điềm báo.
Xie Zhenhua, Đại diện cấp cao Trung Quốc của Trung Quốc về đàm phán biến đổi khí hậu, từng nói "nhà lãnh đạo tỉnh táo cần hiểu rằng tất cả chính sách đều nên thuận theo trào lưu phát triển của thế giới".
Phát ngôn này đã đả kích Trump ở ba phương diện - nhà báo Pesek nhận định.
Thứ nhất, nhận thức của Tổng thống đắc cử Mỹ về khoa học cơ bản. Ông Trump từng bị bóc mẽ trong cuộc tranh luận trực tiếp với Hillary Clinton, khi nói rằng biến đổi khí hậu là trò lừa của Trung Quốc.
Thứ hai, Trump tạo ra hình ảnh một "kẻ quấy rối" toàn cầu.
Thứ ba, một doanh nhân như ông Trump bỏ qua cơ hội kinh doanh lớn nhất mà hiệp định Paris đem lại, thời đại thay thế nhiên liệu hóa thạch, là một điều khá châm biếm.
Đứng từ vị thế "đạo đức cao" để nhìn xuống, Bắc Kinh đang cho thấy một kế hoạch hoàn hảo xoay quanh Donald Trump. Pesek đã chỉ ra 3 phương diện mà chính phủ Trung Quốc đang rất nôn nóng được hưởng lợi khi Trump chính thức bước vào Nhà Trắng.
Quan điểm kinh tế lỗi thời
"Mô hình Trung Quốc" mà Trump muốn tấn công đã không còn tồn tại.
Thời kỳ mà lao động giá rẻ Trung Quốc "cướp" việc làm của người Mỹ đang được thay thế bằng thời đại sáng tạo mới của điện thoại thông minh, công nghệ bán dẫn hay xe ô tô tự lái... Những công xưởng gia công khổng lồ mà Trump đề cập đã chuyển sang Ấn Độ hay Philippines.
Chính phủ Trung Quốc đang đặt trọng tâm tạo dựng nền tảng cho thời kỳ sáng tạo "hậu Wal-Mart", trong đó chú trọng phát triển công nghệ thông tin.
William Pesek so sánh, ông Trump hiểu về "phần cứng" của Trung Quốc, nhưng không nắm được "tham vọng phần mềm" của Bắc Kinh. Nước này thậm chí muốn có khu công nghệ cao vượt qua Thung lũng Silicon ở Mỹ.
Có một lý do khiến truyền thông nhà nước Trung Quốc "theo bước Tổng thống Nga Putin" và ủng hộ Trump trong gia đoạn tranh cử. Đó là khi Trump khởi động một cuộc chiến kinh tế nhằm vào mô hình của quá khứ, thì Bắc Kinh đã có đủ không gian thiết kế một "công thức chiến thắng" cho tương lai.
Dùng chính trị che đậy sự thiên vị
Với hùng biện của Trump về phản đối toàn cầu hóa, nhiệm kỳ của ông rất có thể là những ngày tháng tươi đẹp với Trung Quốc, khi chính Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh phải vực dậy các doanh nghiệp quốc gia và hỗ trợ mạnh mẽ cho chính quyền hoặc doanh nghiệp địa phương đang phấn đấu để sản sinh ra "Jack Ma tiếp theo".
Vào năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố bản quy hoạch có tên "Made in China 2025" nhằm thúc đẩy phát triển sáng tạo trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghiệp, nâng tầm các nhãn hàng Trung Quốc, đưa nước này đi đầu trong công nghệ sản xuất sạch để bán ra toàn cầu...
Nhưng đồng thời, mục đích của bản quy hoạch còn là loại trừ sức ảnh hưởng hoặc xâm nhập của nước ngoài vào Trung Quốc.
Nói cách khác, Trump càng tuyên bố "nước Mỹ là ưu tiên số 1" và chống lại toàn cầu hóa, thì càng đi đúng những gì chính phủ Trung Quốc mong muốn.
Một năm trước, dư luận chỉ trích Bắc Kinh về việc họ kiểm soát và chèn ép các doanh nghiệp nước ngoài. Đến nay, Trump đang có kế hoạch làm đúng như vậy ở Mỹ.
"Điểm mù" thương mại châu Á
Dù phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Barack Obama đạt được, ông Trump chưa có một phương án thay thế khả dĩ nào.
Tác giả Pesek bình luận, điều này chẳng khác nào "hai tay dâng tặng" tầm ảnh hưởng của Mỹ cho Trung Quốc, nước đang toàn lực thúc đẩy Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) - một đối trọng của TPP.
Gần đây, Pakistan đã tiếp nhận lô hàng hóa Trung Quốc đầu tiên qua Gwadar - cảng biển được nâng cấp và cải tạo bằng vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Đây là tín hiệu rất rõ về mối liên hệ ngày càng rộng mở giữa Bắc Kinh với châu Á và các khu vực khác, nhằm thu hút dòng chảy mậu dịch toàn cầu theo hướng mà chính phủ Trung Quốc đã thiết kế, cụ thể là sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của ông Tập Cận Bình.
Trong khi Mỹ sa lầy vào cuộc tranh chấp với Tehran hay Moscow ở châu Âu và Trung Đông, cùng với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) chưa có hồi kết, Trung Quốc đang cố gắng tranh thủ thời cơ để biến Bắc Kinh thành giao điểm thương mại khu vực và toàn cầu, với mục tiêu cuối cùng là "đưa nền kinh tế Trung Quốc vĩ đại trở lại".
Pesek trào phúng nhận xét, Donald Trump thường nói rằng lãnh đạo Trung Quốc thông minh hơn lãnh đạo Mỹ. Đều này, người Trung Quốc làm sao lại không biết!
theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét