Tập Cận Bình phá vỡ luật lệ Đảng qua loạt phim tài liệu về tham nhũng
Phân tích sự kiện
Suốt 4 năm qua, bất cứ ai sống ở Trung Quốc đều quá quen thuộc với chiến dịch chống tham nhũng của đương kim lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình: hầu như mỗi ngày, các phương tiện truyền thông trong nước đều công bố những thông tin liên quan đến việc điều tra hoặc khai trừ những viên chức làm việc cho chính phủ và các cán bộ trong lĩnh vực quân sự.
Nhưng trong tháng 10 năm 2016 này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dành hẳn 8 ngày để chuyển hướng chiến dịch chống tham nhũng qua một hình thức mới là phát sóng loạt phim tài liệu về vấn nạn này trên truyền hình ti vi hoặc trên các thiết bị điện tử cầm tay của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc.
Phương pháp mới nhằm trấn áp tham nhũng này đã làm trái với quy tắc bất thành văn của Đảng Cộng sản: không bao giờ được công khai những điều đáng xấu hổ hoặc làm hoen ố danh tiếng của Đảng. Giờ đây, Tập Cận Bình không đi theo lối mòn cũ, mà dường như muốn đoạn tuyệt với nạn tham nhũng do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã dung dưỡng, khiến cho nó ngày càng lan rộng khắp cả nước. Và cuối cùng là hạ bệ Giang Trạch Dân.
"Thật là bi kịch”
Mỗi tập phim dài 40 phút của bộ phim tài liệu mới “Vĩnh viễn tại lộ thượng” kể về hàng chục quan chức bị thanh trừng đều phải thú nhận về thói tham lam vô độ, lạm dụng chức vụ, cùng với những tệ nạn và lối sống xa xỉ của họ.
Một trong những trường hợp cùng cực nhất chính là trường hợp của Chu Bản Thuận (Zhou Benshun) nguyên là quan chức cấp cao làm việc tại Hà Bắc – môt tỉnh nằm về phía bắc của Trung Quốc. Chu sống trong một căn nhà 2 tầng, khoảng 800 mét vuông với 16 phòng ngủ. Ông đã trả hàng trăm ngàn đô la tiền lương cho 2 đầu bếp và 2 vú em – trong đó có một người được giao nhiệm vụ chăm sóc thú cưng. Con trai của Chu thường xuyên nhận hàng triệu đô la tiền “vay” từ các doanh nhân địa phương mà không trả lại.
Ông Lý Xuân Thành (Li Chuncheng) – cựu lãnh đạo của thành phố Thành Đô, nằm ở phía tây nam Trung Quốc – lại có một màn diễn đầy cảm xúc khi thú nhận tội lỗi trước các khán giả truyền hình.
“Tôi đã mắc sai lầm”, ông Lý thú tội trong lúc tháo cặp kính ra và úp mặt trong tiếng khóc nức nở: “Tôi đã phản bội lại niềm tin của Đảng và nhân dân… Tôi đã đến gần đoạn kết của sự nghiệp, gần đến tuổi nghỉ hưu rồi nhưng giờ đây tôi lại có kết cục như thế này. Thật là bi kịch”.
Vào tháng 10 năm 2015, Lý Xuân Thành đã bị kết án 13 năm tù vì tội nhận hối lộ gần 6 triệu USD.
Cơ quan chống tham nhũng và cơ quan ngôn luận của nhà nước là Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã hợp tác sản xuất bộ phim tài liệu này. Và khi xuất hiện ở hầu hết những cảnh quay có trong phim, ông Tập Cận Bình luôn được miêu tả như một nhân vật liêm khiết tiết kiệm, với lối sống khiêm tốn, đơn giản và hài lòng với những món ăn đạm bạc. Lực lượng cảnh sát nội bộ của ĐCSTQ thì rao giảng về tầm quan trọng của việc thi hành kỷ luật trong đội ngũ quan chức, còn các học giả thì truy về nguồn gốc của chính phủ trong sạch qua những lời dạy của Khổng Tử cũng như của Hoàng đế Thái Tông thời nhà Đường.
Bộ phim tài liệu “Vĩnh viễn tại lộ thượng” đã thu hút rất đông lượng khán giả xem truyền hình cũng như số người tham gia bình luận. Tập cuối cùng vừa được phát sóng, thì 3 ngày sau, đoạn video clip trên trang web này đã thu hút khoảng 15 triệu lượt xem. Đồng thời, trang web riêng của bộ phim cũng đã thu hút 110 triệu lượt truy cập và hơn 50.000 nhận xét, dựa theo thông tin của tờ báo Beijing Times – một ấn phẩm bán chính thức của Trung Quốc.
Quảng cáo cho mục đích chính trị
Nhà phân tích chính trị Li Tianxiao nói rằng, bộ phim tài liệu này có 3 chức năng chủ yếu: Giúp cho người dân Trung Quốc nắm rõ về các quan chức tham nhũng; “vừa hăm dọa vừa đề phòng” các quan chức Trung Quốc đang tại vị và đã nghỉ hưu nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân; và củng cố vị thế của Tập Cận Bình trước thềm hội nghị chính trị vừa kết thúc gần đây.
Hầu hết các quan chức tham nhũng đều có mối liên hệ với Giang, bao gồm Chu Bản Thuận và Lý Xuân Thành, và kể cả những quan chức “bất khả xâm phạm” một thời, như Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang. Và bộ phim này cũng muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng cho những ai vẫn còn ủng hộ Giang Trạch Dân rằng, không khí chính trị hiện nay là gió đã đổi chiều.
Con đường không phải do mình chọn
Một số nhà bình luận Trung Quốc ở hải ngoại chỉ trích bộ phim tài liệu này đã mô tả các quan chức tham nhũng một cách quá trong sạch. Trong một bài viết đăng trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ phiên bản tiếng Hoa, cô He Qinglian, một tác giả và là nhà kinh tế Trung Quốc nổi tiếng, đã viết rằng “ăn uống vô độ thậm chí còn không được coi là hành vi tham nhũng trong thời Giang Trạch Dân”, và rằng Vạn Khánh Lương (Wan Qingliang) – cựu Bí thư Quảng Châu – khét tiếng vì lối sống trụy lạc của mình chứ không phải vì thói nhậu nhẹt.
Tuy nhiên, việc bộ phim tài liệu “Vĩnh viễn tại lộ thượng” công chiếu những lời thú tội cũng như đi sâu vào chi tiết tham nhũng của các quan chức cũng đủ làm cho ĐCSTQ mất đi thể diện của mình, đây là điều mà các nhà lãnh đạo Đảng thường tỏ ra rất quan ngại. Trải qua gần 2 thập kỷ Giang Trạch Dân cai trị Trung Quốc, hầu như chưa bao giờ có bất kỳ quan chức tham nhũng cấp cao nào bị công bố trên các phương tiện truyền thông.
“Tín hiệu mà Tập Cận Bình đưa ra thì rất rõ ràng”, Li Tianxiao nói: “Cho dù hình tượng và lợi ích của Đảng có bị ảnh hưởng đi chăng nữa, thì những kẻ phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm”.
Li cho rằng Tập Cận Bình đã sẵn sàng hy sinh danh tiếng của Đảng để buộc tội Giang và chấm dứt nền kinh tế có sự móc nối giữa doanh nghiệp với quan chức chính phủ, cũng như những sự vi phạm nhân quyền do Giang gây ra.
“Tình hình chính trị hiện nay sẽ có những chuyển biến rất nhanh chóng”, Li kết luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét