Posted on Tháng Mười Một 28, 2016
Chu Mộng Long – K. Marx nói: Lịch sử là tự nhiên. J. Derrida nói: Lịch sử là trò chơi hủy-tạo liên tục của loài người. Chưa biết ai đúng ai sai. Xem ra dân gian vẫn thông thái nhất khi đúc kết nên cái gọi là “con tạo xoay vần” của lịch sử. Lịch sử có những giai đoạn lẩn quẩn như chiếc cối xay. Và vô tình hay hữu ý, nó không chỉ vận động quanh co mà còn thành cái cối xay thịt khổng lồ để loài người phải sống và chết cùng nó.
Người hùng, theo tôi, là người đã quay cái cối xay ấy. Họ tạo ra chiếc cối xay thịt đồng loại và tự động cuốn theo sự xoay vần của nó. Như Tần Thủy Hoàng, như Lưu Bang, như Hạng Võ, như Tào Tháo, như Lưu Bị, như Thành Cát Tư Hãn, như Napoleon, như Hitler, như Stalin, như Mao Trạch Đông, như Tưởng Giới Thạch.v.v…
Vòng nguyệt quế cho người hùng được xâu bằng những chiếc sọ người và tô điểm bằng máu của đồng loại.
Bài viết này tôi dành cho Fidel Castro, người hùng của thời đại được cho là văn minh nhất của lịch sử loài người.
Fidel Castro vừa ra đi. Người ta nói nhiều về ông. Dù ai nói ngã nói nghiêng thì trong tôi, ông vẫn là một người hùng, dù lí tưởng và tính cách của ông khác hẳn với những nhân vật được nhắc ở trên.
Tôi hình dung ông là một hiệp sĩ Tây Ban Nha hơn là một người cộng sản. Bởi gốc gác của ông không vô sản mà là con nhà giàu có, có thể được xem như dòng giống quý tộc Tây Ban Nha. Ông có chất Don Quijote giữa đường gặp trận bất bằng chẳng tha, nhưng cao hơn Don Quichote ở sức mạnh cơ bắp lẫn trí tuệ. Ông là một con người của tự do và bình đẳng với khát vọng xóa tan cái nhà tù khổng lồ mang tên kẻ độc tài và phân biệt chủng tộc Batista. Cuộc cách mạng do ông khởi xướng, ở điểm xuất phát cho đến hoàn thành, đơn thuần chỉ là khát vọng mang lại sự tự do, bình đẳng cho người dân Cuba. Lí tưởng ấy không đối lập với cuộc cách mạng vĩ đại của người Mỹ, nhưng giới chính trị Mỹ lại không ủng hộ ông mà lại ủng hộ Batista. Đó là nghịch lí của kẻ nhân danh tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng lại ủng hộ kẻ độc tài. Thật ra, giới tài phiệt Mỹ đã không thể thay đổi sự hiến định đã thỏa ước như đinh đóng cột từ cuộc cách mạng của những bậc tiền bối nên chỉ chấp nhận sự tự do dân chủ của nhân dân Mỹ chứ chưa chịu chấp nhận sự tự do dân chủ của nhân dân các nước khác. Bằng chứng, họ đã từng dựng lên những chính phủ độc tài như Park Chung Hee của Đại Hàn dân quốc, Ngô Đình Diệm của Việt Nam, Tưởng Giới Thạch của Trung Quốc và nhiều nhân vật khác ở những quốc gia vừa giành độc lập khác. Đó là trò chơi của nước lớn, trò không muốn kẻ khác hùng mạnh như mình.
Ban đầu Fidel không chống Mỹ, thậm chí kết nối ngoại giao với Mỹ và tuyên bố tôn trọng hiến pháp dân chủ. Hiển nhiên Fidel ghét bọn tư sản tham lam chỉ biết làm tiền bằng sòng bạc, ma túy và gái điếm, cho nên ông đã quốc hữu hóa các công ty tài phiệt và giải tán những thứ mà theo ông là vô đạo đức. Đó là lí do giới tài phiệt Mỹ ghét ông. Chuyến thăm tháng 4 năm 1959 của Fidel đến Mỹ bị tổng thống Eisenhower từ chối đón tiếp là gáo nước lạnh dội lên đầu ông khiến ông nổi cơn thịnh nộ như một sự bị lăng nhục. Sự cấm vận sau đó nhắm vào Cuba cùng những vụ ám sát do CIA Mỹ tổ chức nhắm vào cá nhân ông đã đẩy ông vào thế không thể nhân nhượng và hòa giải với người Mỹ cho đến phút chót của đời ông.
Ông theo chủ nghĩa cộng sản chỉ vì không còn lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn đồng minh để trả đũa mối hận mà bọn tư sản hoang dã đã gây ra cho cá nhân ông.
Tâm lí ấy đã biến ông thành kẻ độc tài. Ông ném thẳng lời hứa tuân thủ hiến pháp dân chủ sau cách mạng để nắm quyền lực độc tôn và thống trị Cuba hơn nửa thế kỉ. Ông sẵn sàng ném thẳng cổ những tên trọc phú tư bản chống ông xuống biển bằng sức mạnh chuyên chính vô sản nếu những kẻ đó rắp tâm phá hoại cách mạng Cuba và mưu toan ám sát ông.
Fidel đã phải dùng chính sách độc tài để chống độc tài. Cỗ máy lịch sử biến thành chiếc cối xay thịt. Ông tuyên bố sẵn sàng hy sinh đến người Cuba cuối cùng trên trận tuyến chống Mỹ.
Tất nhiên, dưới sự lãnh đạo của ông, người Cuba không đến mức đổ máu quá nhiều như người Việt, người Hàn hay người Trung Hoa. Đó là thành công của ông.
Người ta chỉ trích ông độc tài, nhưng lại cố tình quên ông cũng thuộc loại cực kì hào phóng khi phóng thích hơn 125 ngàn người Cuba xuống tàu tự do di tản sang Mỹ, trong đó có vợ con ông, điều mà những kẻ độc tài khác còn lâu mới dám làm. Chất hiệp sĩ Tây Ban Nha mạnh mẽ hơn chất cộng sản. Đó là lí do trong thời chiến tranh lạnh, ông vẫn gửi hàng ngàn nhân viên y tế đến khắp nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, để hỗ trợ y tế cho những nơi thiên tai và chiến tranh.
Công lao vĩ đại của Fidel là đạp đổ chế độ độc tài cũ để hình thành nên chế độ độc tài kiểu mới. Ông mang lại cho dân Cuba quyền bình đẳng, quyền được hưởng phúc lợi y tế và giáo dục, nhưng ông cũng tước đoạt quyền phát ngôn và trình bày chính kiến của người dân. Trong ốc đảo mà ông mang lại cho người dân của ông quyền bình đẳng theo ông nghĩ thì tiếng nói của ông lại đứng trên và lấn át mọi tiếng nói. Ông hùng biện, ông trấn áp, kể cả giết chóc để tồn tại như một thần Zeus một mình một cõi trên đỉnh Olympus.
Với người Cuba, Fidel là Zeus, nhưng đồng thời cũng là Narcissus. Tự cho mình đỉnh cao trí tuệ, Fidel trở thành kẻ cô độc nhất mọi thời đại vì cả đời ông không còn nghe được tiếng nói của ai khác. Ông không cần vợ con, chỉ cần những mối tình chớp nhoáng, có khi chỉ một đêm hay vài giờ, bởi ông không yêu ai hơn yêu chính mình.
Trong số hơn 10 triệu dân Cuba, hình như không có ai là bạn của ông, bởi những thần dân đó chỉ biết cúi đầu quy phục ông như quy phục một vị thần tối cao. Đó là lí do ông phải tìm bạn ở nơi khác, mà lại là những người cô đơn như Hemingway, Márquez. Khi nhà chính trị làm bạn với nhà văn thì chỉ có thể là sự trang điểm hơn là sự tri âm. Cũng có thể máu hiệp sĩ ở hai nhà văn này gặp gỡ với con người hiệp sĩ Fidel, nhưng điều đó không làm thay đổi con người chính trị đang ở đỉnh cao quyền lực như ông.
Khi người Mỹ thấm thía cái giá phải trả về sự trịch thượng đối với ông trong quá khứ bằng hành động cởi bỏ cấm vận đối với đất nước ông, với trí tuệ như ông, tôi tin ông đã nhận thức lại nhiều điều. Ông hiểu, trong cuộc thư hùng với người Mỹ, những tên tư sản hoang dã đã bớt hoang dã hơn để đối xử với người dân của ông văn minh hơn, và chính ông cũng như những người cộng sản mà ông gọi là đồng chí cũng bớt kiêu ngạo hơn. Nhưng mối hận quá khứ trong ông vẫn chưa nguôi khi chưa nhắm mắt. Đó là lí do, ông cảm thấy cần rút lui về hậu trường cho người em của ông làm cuộc hòa giải sau hơn nửa thế kỉ thư hùng. Lẽ ra, chính ông phải làm điều đó, nhưng ông không thể bước qua lời nguyền. Đó là sự tự ái, kể cả tự kỉ quá mức cần thiết.
Lấy độc tài chống độc tài chỉ có thể làm trì hoãn tiến trình phát triển của lịch sử và thúc đẩy chiếc xay lịch sử quay về điểm xuất phát.
Fidel kém xa Nelson Mandela ở điểm ấy. Mandela cũng từng đứng về phía những người cộng sản, nhưng đã tự thoát ra một cách nhẹ nhàng vì một thứ khác lớn hơn, cấp bách hơn: đó là sự hòa giải dân tộc và quốc tế để dân Nam Phi tồn tại bình đẳng với nhau và với những dân tộc khác. Mandela không muốn biến lịch sử Nam Phi thành cỗ máy xay thịt, vì cá nhân ông đã trải nghiệm quá nhiều xương máu trong nhà tù độc tài.
Bây giờ thân xác Fidel được đưa vào lò lửa theo di nguyện của ông. Đó là một cuộc hủy-tạo có tính lịch sử để một con người trí tuệ nhưng cũng đầy bản năng, cả bản năng sống lẫn bản năng chết, có được khoái lạc tìm về cội nguồn. Lửa đã sinh ra con người đầy nhiệt huyết như ông và cuối cùng đưa ông về với lửa.
Không thể phủ nhận Fidel là người hùng như những người hùng của lịch sử, mặc dù người dân Cuba vì ông đã phải chịu nhiều hy sinh mất mát không cần thiết. Fidel là con người rất hiện thực với tinh thần cao cả của một bi kịch chứ không là một huyền thoại dưới hình thức anh hùng ca. Với tôi, ông không là tấm gương mà là một bài học lịch sử. Tôi tin người dân Cuba từ bài học ấy sẽ thoát khỏi chiếc cối xay định mệnh của lịch sử để hồi sinh và vụt đứng lên như những cường quốc.
CML
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét