Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

FIDEL: sống "hiến dâng máu", chết để lại gì cho Việt Nam?; Con gái Fidel Castro kể chuyện cha mình

2003, Fidel thăm Việt Nam, người Việt, vì chỉ có báo đài Nhà nước, chỉ thấy một Fidel anh hùng giải phóng dân tộc, hào hoa lãng tử, và nặng tình nặng nghĩa với Việt Nam.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm lãnh tụ Fidel Castro hồi tháng 3/2014. Ảnh: Báo Granma (Cuba).
2016, Fidel chết, người Việt, nhờ có Internet và mạng xã hội, lại thấy thêm nhiều Fidel khác.

Một Fidel tham quyền cố vị, nắm quyền suốt 47 năm, và trong thời gian đó đã bắt bớ đối lập, ràng buộc dư luận, khống chế các quyền tự do cơ bản của người dân, đi ngược lại các nguyên tắc phổ quát về nhân quyền được cộng đồng quốc tế công nhận.

Một Fidel xa hoa phóng đãng, sống giàu sang phú quý trên cảnh thiếu thốn của phần đông dân chúng, Fidel đó cũng thất bại trong tư cách một nhà lãnh đạo trong việc đem đến sự thịnh vượng cho quốc gia.

 Một Fidel ủng hộ quyết liệt chủ nghĩa cộng sản, nên do đó, phát ngôn 'Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình', nên được hiểu là thế lực cộng sản Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình để giúp đỡ thế lực cộng sản Việt Nam nắm quyền trên toàn bộ quốc gia, trong một tình hữu ái mác-xít dựa trên ý thức hệ không hơn không kém.

Chọn Fidel nào tùy vào góc nhìn, và đôi khi còn là vào niềm tin của mỗi người.

 Riêng tôi, tôi chọn cái không gian tự do đã mang tới rất nhiều cách nhìn khác nhau về Fidel (và nhiều người khác nữa) - điều đang khiến người Việt trở nên rất khác so với chính họ hơn 10 năm về trước trong những sinh hoạt tâm tưởng, theo một chiều hướng rõ ràng là tích cực hơn.

Từ lúc này, người Việt, hay ít nhất là một tỷ lệ tuyệt đối đa số của họ, chẳng thể nào còn suy nghĩ chỉ theo một lối, vì bị dắt đi bởi chỉ một nguồn phát tin được nữa. Những thần tượng chính trị cũng vì đó mà sụp đổ theo, từng phần từng phần một.

Nhìn từ đó, cái chết của Fidel mang ý nghĩa kiểm chứng, cho một câu hỏi không kém phần quan trọng:

"Liệu người Việt còn có thể sùng bái cá nhân chính trị, như họ đã từng, nữa hay không?"

- Không. Đến như Fidel chết đi mà còn bị đánh giá thế kia cơ mà, huống gì đồng chí X.

Câu hỏi trên quan trong bởi lẽ một khi những tượng đài vỡ toạc sẽ mở ra một chương mới lành mạnh hơn trong mối quan hệ giữa người dân với quyền lực chính trị, trong đó quyền lực chính trị không còn là ông chủ của nhân dân được nữa, mà phải trở về đúng với vai trò công cụ của nó.

Nguyễn Anh Tuấn

(Blog RFA)


Con gái Fidel Castro kể chuyện cha mình

Print Friendly
fidel-castro-with-che-gue-001
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Ngày 19/12/1993, con gái Chủ tịch Cuba Fidel Castro Ruz là Alina Fernandez Revuelta, 37 tuổi, cải trang trốn ra nước ngoài, sống lưu vong ở Mỹ và im hơi lặng tiếng. Thế nhưng trước ngày Fidel Castro phải vào bệnh viện để làm một ca phẫu thuật ruột khá phức tạp, Alina bỗng dưng phá tan sự im lặng bao năm qua, đồng ý để báo “Luận chứng và sự kiện” của Nga phỏng vấn. Lần đầu tiên Alina công bố một số chuyện chưa ai biết về cha mình.
Tuổi thơ ấu hạnh phúc
Từ bé tôi đã gọi cha mình bằng tên của ông – Fidel. Sau này khi biết ông là cha đẻ, tôi cũng chưa bao giờ trước mặt ông gọi ông là “bố”; vì tôi đã quen gọi cái tên Fidel, nếu gọi khác đi tôi thấy ngường ngượng thế nào ấy.
Năm lên 3 tuổi, lần đầu tiên tôi gặp Fidel. Hôm ấy một người đàn ông lạ mặt cao lớn oai vệ, râu ria xồm xoàm, miệng ngậm xì-gà xuất hiện trong nhà tôi. Ông nhả khói um nhà, mới đầu tôi còn chưa nhìn rõ mặt ông – vì nó bị một làn khói xanh che mất. Ông bảo mẹ tôi:[1] “Em xem này, con bé xinh ghê! Trông cứ như một cuộn lông cừu ấy!” Rồi ông dúi vào tay tôi chiếc hộp, cười bảo: “Đây là quà tặng con  Mặt Trời của ta.” Trong hộp có một con búp bê bằng nhựa mặc quân phục màu xanh ô-liu, mặt đầy râu. Bà ngoại tôi tỏ vẻ không vừa lòng bảo mẹ tôi: “Fidel lấy tượng mình làm quà cho trẻ con, anh ta thật quá đề cao mình đấy.” Chẳng hiểu tại sao tôi cũng không thích con búp bê nhựa ấy nữa. Thế là tôi bèn xông đến túm lấy bộ râu của ông. Vì chuyện này, tôi bị mẹ mắng cho một trận nên thân.
Trong mắt Fidel, tôi là vầng mặt trời của ông ấy. Từ đó trở đi, mỗi lần gặp tôi, bao giờ ông cũng âu yếm gọi tôi là “Mặt trời của ta”.
Mẹ tôi cùng Fidel hoàn toàn đắm chìm trong tình yêu thương nhau. Dĩ nhiên, bác sĩ Orlando Fernandez chồng mẹ tôi biết tất cả những chuyện ấy. Thực ra mối quan hệ vợ chồng giữa hai người lâu nay chỉ còn hữu danh vô thực. Nhưng họ đành gắng chịu đựng, vì hai người đều theo đạo Ki-tô, ly dị bị coi là điều không thể tưởng tượng được. Sau cùng họ cãi nhau rồi chia tay. Mẹ tôi say mê làm công tác cách mạng, Fernandez cũng dốc sức vào việc chữa chạy các thương binh.
Cho tới năm tôi lên 10 tuổi, mẹ tôi mới cho tôi biết Fidel là cha đẻ của tôi. Đến lúc ấy tôi mới hiểu tại sao Fidel lại quý tôi như vàng. Lần nào đến nhà, ông cũng mang cho tôi đủ thứ quà và bế tôi ngồi lên lòng. Những lúc ấy mẹ tôi lại nhìn hai cha con chúng tôi với ánh mắt trìu mến. Dần dà tôi bắt đầu quyến luyến ông, không muốn rời ông một bước, lần nào tôi cũng không cho ông đi. Tôi còn nhớ ông mỗi khi lâu ngày không thấy ông đến. Nhưng sau này thì tôi chẳng cần nhớ ông làm gì nữa, vì hình ảnh ông hầu như lúc nào cũng xuất hiện trên màn hình. Có lần Fidel diễn thuyết liền một mạch 12 tiếng đồng hồ!
Fidel rất thích dỗ tôi chơi. Ông khéo tay, hay lấy quân bài làm trò, hoặc lấy các miếng gỗ xếp thành nhà, hoặc dán diều cho tôi chơi. Có lần tôi khóc ầm ỹ đòi: “Mẹ ơi, mẹ gọi điện thoại cho Fidel bảo ông ấy mau đến nhà mình đi, con muốn Fidel sống cùng với mẹ con mình!” Nhưng mẹ tôi chỉ lạnh nhạt trả lời là Fidel bây giờ đã thuộc về nhân dân rồi.
Những người hiếu kỳ hay hỏi tôi: “Cháu là con gái rượu của lãnh tụ cao nhất nước, như vậy cháu có được hưởng đặc quyền gì không?” Lần nào tôi cũng trả lời ngay là không. Thế nhưng nếu hai việc sau đây có thể gọi là đặc quyền, thì có lẽ cũng chỉ có hai việc đó mà thôi.
Việc thứ nhất. Sau ngày cách mạng thắng lợi, có một thời gian nhà tôi không có gì để ăn, hầu như đến bữa chẳng phải nấu nướng nữa. Nhưng mẹ tôi là người khí khái, xưa nay chưa bao giờ ngửa tay xin bố tôi thứ gì. Một hôm bố tôi về nhà đúng lúc mẹ đang bắt tôi phải ăn món đậu hạt, còn tôi thì khóc ầm ỹ không chịu ăn. Fidel không ngờ chúng tôi lại thiếu thực phẩm như vậy. Ông hỏi: “Alina sao thế? Con bé hồi này trông nhợt nhạt quá, hay là ốm rồi?” Cuối cùng ông hiểu ra mọi chuyện. Sau đấy lập tức có người mang sữa cho chúng tôi – đây là sữa sản xuất tại nông trại của cha tôi.
Việc thứ hai. Fidel kiếm cho mẹ con tôi một căn hộ trong khu nhà của những người giàu và một chiếc ô tô. Có điều, nhà tôi từ trước cách mạng đã có một tòa nhà rất to. Ngoài ra chúng tôi chưa được hưởng bất cứ đặc quyền nào khác.
Lấy chồng mấy lần, bố không chịu được
Khi lần đầu tiên tôi ngỏ ý muốn lấy chồng, cha tôi rất không vui. Ông tìm mọi cách ngăn cản, thậm chí còn mắng tôi một trận. Sau đó tôi bình tâm nghĩ lại, thấy cha làm như thế cũng có lý, vì tôi mới 16 tuổi còn bạn trai tôi thì đã 30.
Fidel rất không ưa người tôi chọn. Ông tức giận bảo: “Con còn là một đứa trẻ miệng chưa hết hơi sữa mà đã vội lấy chồng để làm gì hả? Nếu không chịu nghe lời bố thì sau này con không còn là con gái của bố nữa!” Nhưng tôi nhất quyết lấy chồng, cuối cùng ông đành chịu thua, phẩy tay nói: “Thôi vậy, con muốn làm gì thì làm!
Fidel và Alina trong ngày cưới Alina năm 1973.
Fidel và Alina trong ngày cưới Alina năm 1973.
Cha tôi chưa bao giờ tỏ ra thô lỗ, cau mày trợn mắt với tôi. Giận thì có giận, nhưng hôm cưới, cha không những đến dự mà còn đem rượu hảo hạng và thức nhắm ngon đến. Lần đầu gặp ông, chồng tôi sợ im thin thít, chỉ cắm cúi uống rượu cho tới lúc say mềm. Lúc tan tiệc cưới, Fidel không nhịn được tức giận có móc máy một câu: “Ít lâu nữa, bao giờ con đòi ly dị thì nhớ gọi điện báo cho bố biết nhé!” Câu nói ấy thế mà đúng. Một năm sau hai vợ chồng tôi chia tay mỗi người một ngả.
Chồng thứ hai của tôi là một chiến sĩ đặc công, từng chiến đấu ở Congo. Fidel rất thích anh. Nhưng chúng tôi cũng chẳng chung sống được bao lâu, vì tôi nhanh chóng đòi ly dị. Cha tôi lại một lần nữa bực lắm.
Sau đấy ông ra lệnh cho anh bạn trai mới của tôi phải viết một bản lý lịch. Tưởng là sẽ bị cơ quan an ninh nhà nước bắt giam, anh ấy trốn vào sứ quán Mexico ở Cuba.
Khi sắp cưới lần cuối cùng, tôi có nói cho Fidel biết. Lúc ấy ông thậm chí chẳng hỏi gì, cứ tiếp tục nói câu chuyện đang dở. Cha tôi thích nói nhưng không thích nghe. Khoảng một giờ sau, chợt nhớ lại việc tôi vừa nói, cha sầm mặt hỏi: “Con có thể cho bố biết, vật hy sinh tiếp theo của con là ai không?
Vì bất đồng chính kiến mà trốn ra nước ngoài
Cuba từng có một thời gian quan hệ vô cùng khăng khít với Liên Xô, cho nên hồi ấy tôi quyết định học tiếng Nga. Khi tôi ra trường, thấy tôi nói thạo tiếng Nga, Fidel mừng rỡ bảo: “Hay quá, bố gửi con đi Moskva học hóa học nhé!” Nhưng tôi thích học y khoa. Cuối cùng cha tôi đành nhượng bộ, song rõ ràng việc này khiến ông không vui. Từ đó trở đi nghề gì tôi cũng làm, thậm chí làm cả người mẫu chụp ảnh. Đây là nghề cha tôi ghét nhất. Một tờ báo nước ngoài đưa tin tôi làm nghề này dưới đầu đề chạy suốt trang báo: “Con gái riêng của Castro ăn nên làm ra”. Biết việc ấy, Fidel càng không thích tôi làm người mẫu.
Cũng từ đó trở đi hai cha con tôi bất đồng ý kiến với nhau trên nhiều vấn đề. Tôi hay tranh cãi với cha và cảm thấy như luôn có người nghe lén điện thoại của mình. Nhiều người nói bóng nói gió là nếu tôi không chịu ngừng nói những lời chống chủ nghĩa xã hội thì tôi sẽ bị đưa vào nhà thương điên.
Trong hoàn cảnh như vậy, tôi chỉ chờ dịp trốn ra nước ngoài. Vì đã biết rõ hệ thống theo dõi của cơ quan an ninh nên tôi hoàn toàn có thể “chơi” lại họ. Tôi chuẩn bị rất kỹ: trước hết kiếm một tấm hộ chiếu Tây Ban Nha giả, đồng thời tôi tập nói giọng nặng như người Castilia,[2] và ăn nhiều cho tăng cân. Sau đó tôi trang điểm phấn son hệt như một mệnh phụ quý phái rồi lên máy bay ở sân bay Havana. Các nhân viên kiểm tra chẳng ai nhận ra tôi. Nhờ đó tôi đi thoát. Trước hết tôi xuống sân bay Madrid, sau đó bay đến Mỹ.
Cha tôi khó lòng tin được rằng cô con gái rượu của mình lại có thể bỏ ông ra đi bằng cách ấy. Điều làm ông đau lòng hơn là nó lại trốn sang đất nước ông coi là kẻ thù chính – nước Mỹ. Fidel nổi cơn lôi đình. Ngày thứ hai sau hôm tôi bỏ trốn, toàn bộ nhân viên liên quan ở sân bay Havana bị bắt giam.
Nhớ lại tình cha con
Chẳng ai không biết cái tên Fidel, nhưng rất ít người biết ông còn một cái tên nữa là Alexandro. Tất cả các con ông đều có hai tên, trong đó chữ cái đầu tiên của tên thứ hai đều bắt đầu bằng chữ A. Đây là truyền thống cổ xưa của gia tộc Castro. Nghe nói chữ A có thể đem lại sự may mắn và thành công. Ngoài ra người ta còn kính trọng gọi Castro là Tư lệnh.
Fidel chính thức thừa nhận có 7 người con, trong đó có tôi và 5 người con ông có hồi thập niên 1980 với bà Dalia Valle.[3]
Báo đài Cuba thường nói Castro hiến dâng cả đời mình cho cách mạng cho nên không có thời gian lo chuyện gia đình, nhắc quá nhiều về cuộc sống riêng của ông sẽ tổn hại tới hình ảnh cách mạng của ông.
Dân chúng đồn đại Fidel có 50 người con riêng – điều này tôi không tin lắm. Tôi từng đọc một số bức thư tình cha mẹ tôi gửi cho nhau. Năm 1953, Castro mới 26 tuổi dẫn đầu 134 thanh niên tấn công trại lính Moncada định cướp vũ khí để tiến hành khởi nghĩa vũ trang trên toàn quốc. Do lực lượng quá chênh lệch nên phần lớn các chiến sĩ đã hy sinh. Castro cũng suýt nữa bị giết. Trong nhà tù, ông viết cho mẹ tôi nhiều bức thư thấm đậm tình yêu tha thiết nồng nàn. Cuối mỗi bức thư ông đều nắn nót viết: “Người yêu em”, và hôn lên bức thư trước khi gửi đi.
Fidel nói chuyện dí dỏm, hay pha trò và do đó được mọi người mến mộ. Khi trò chuyện với con cái thỉnh thoảng ông cũng đùa cợt. Dĩ nhiên các buổi nói chuyện nghiêm chỉnh thì vẫn nhiều hơn.
Một lần tôi hỏi ông tại sao bây giờ dù các cửa hiệu nhập khẩu rất nhiều loại giày nhưng vẫn chẳng thể mua được đôi giày vừa chân. Nghe xong cha bảo: “Mặt trời của ta, bố lãnh đạo cả một quốc gia chứ đâu có quản lý công tác thương mại.” Lúc đó tôi chẳng biết nói gì hơn.
Một lần khác, tôi kể cho cha biết nạn chợ đen hoạt động rất mạnh, ngay cả công an cũng chịu bó tay. Biết thế, cha tôi rất không vui. Ông thích nghe những tin rỉ tai. Không chỉ một lần ông hỏi tôi người ta bàn tán về ông như thế nào, nhưng ông không quan tâm lắm tới những lời bàn tán cụ thể.
Fidel rất chú trọng giữ sức khỏe, không phải cứ sẵn rượu là uống thỏa thích. Ông có cách dưỡng sinh riêng. Tuy trước đây ông nghiện thuốc lá nặng (đã cai từ lâu), nhưng rượu thì uống rất điều độ. Chưa bao giờ tôi thấy ông say rượu, kể cả khi ăn tiệc. Cho nên Fidel hy vọng có thể sống tới 90 tuổi. Ông luôn chú ý đến đồ ăn thức uống, rất kỹ tính, không ăn thứ có chứa hóa chất. Cha tôi thích ăn ngon, rượu ngon; sau ngày cách mạng thắng lợi ông vẫn không bỏ được hai cái thú đó. Ông thường xuyên tập thể dục thể thao. Fidel coi thường lối sống xa xỉ và hưởng lạc, ông sống trong một căn nhà rất bình thường.
Hồi tôi học tiểu học, Fidel từng nói về ý định muốn xây dựng Cuba thành một viện điều dưỡng quốc tế. Có thể nói ông đã thực hiện được lý tưởng đó – Cuba có hệ thống y tế tốt nhất thế giới. Hàng năm nhiều người nước ngoài đến đây chữa bệnh, họ đều khen ngợi tay nghề cao siêu của các thầy thuốc Cuba. Cha tôi cho rằng đây là một trong những thành tựu lớn nhất của ông.
Fidel có sức thu hút rất lớn. Nếu trò chuyện với ông một lúc là bạn sẽ mê ông ngay – bẩm sinh Fidel đã như một thanh nam châm. Trong các cuộc mít tinh, khi cha tôi nói xong, ai nấy đều điên cuồng hô to: “Chủ nghĩa xã hội hay là chết!” Sở dĩ suốt 50 năm qua Castro được đông đảo dân chúng ủng hộ và đương đầu thắng lợi với Mỹ chính là do ông có sức thu hút quần chúng rất mạnh.
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, Fidel chủ trương trước hết phải tấn công Mỹ đã, vì thế khi thấy Khrushchev thi hành sách lược mềm dẻo với Mỹ, ông rất ngạc nhiên và bất mãn. Dĩ nhiên nếu Mỹ đánh trả thì Cuba sẽ có thể hoàn toàn biến mất khỏi bản đồ, nhưng Fidel chẳng hề nghĩ tới chuyện ấy. Nhớ lại khi còn nhỏ, có lần tôi nói trước mặt ông rằng Khrushchev là đồ ngốc, Fidel chỉ cười không nói gì./.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ bản tiếng Trung Quốc.
Hình: Fidel (trái), Che Guevara và Aleida con gái của Che.
——————-
[1] Alina Fernández Revuelta (sinh ngày 19/3/1956) là con gái của Fidel với bà Natalia Revuelta Clews [Natalia “Naty” Revuelta], một nữ du kích hồi thập niên 1950 khi Fidel chiến đấu trên núi Sierra Maestra. Hồi ấy ông đã li dị với người vợ thứ nhất là bà Mirta Diaz Balart (cưới tháng 10/1948; hai người có một con trai là Fidelito, là Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Cuba thời gian 1980-1992 – theo tư liệu của Phil Davison). Năm 1998, Alina viết Castro’s Daughter: An Exile’s Memoir of Cuba, kể lại quãng đời ở Cuba. Alina có một chương trình phát thanh tên là Simplemente Alina (Simply Alina) ở Miami (Mỹ). Bà có một con gái. Trong lần trả lời phỏng vấn của tạp chí Foreign Policy, Alina nói bà gần gũi với chú mình là Raul Castro hơn là với cha mình.
[2] Người Cuba nói tiếng Tây Ban Nha. Castilia là dân tộc đông người nhất tại Tây Ban Nha.
[3] Sau ngày cách mạng thành công, Fidel sống với bà Dalia Soto del Valle, một cô giáo trung học, được coi là vợ chính thức hiện nay (cưới không công khai) và có 5 con trai  là  Andro, Antonio, Alexis, Angel và Alex.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/11/28/con-gai-fidel-castro-ke-chuyen-cha-minh/#sthash.kJ3jEOFr.dpuf - See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/11/28/con-gai-fidel-castro-ke-chuyen-cha-minh/#sthash.kJ3jEOFr.dpuf

Không có nhận xét nào: