Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Fidel Castro qua đời, Cuba tiếp tục sống

Thu Hằng

mediaVòng hoa tưởng niệm Fidel Castro tại sứ quán Cuba ở Hà Nội, ngày 28/11/2016.REUTERS/Kham
Fidel Castro qua đời tối 25/11/2016 tại La Habana, toàn dân để quốc tang 9 ngày, trước khi đưa tro hài cựu lãnh đạo về yên nghỉ tại Santiago, quê hương cách mạng Cuba, vào ngày 04/12. Các nhật báo Pháp ngày 28/11/2016 dành nhiều giấy mực để phác họa chân dung gây tranh cãi của « Líder máximo » và tương lai của quốc đảo.
Libération dành nguyên trang nhất để đăng hình ảnh Fidel Castro cùng lời kể « Ngày xửa ngày xưa có một cuộc Cách mạng » để bắt đầu câu chuyện về « một lãnh tụ giải phóng dân tộc nhưng sau trở thành một nhà độc tài ». Bài xã luận, trong phụ san đặc biệt của Libération cho rằng cái chết của vị lão trượng Cuba đến quá muộn : 16 năm sau khi chấm dứt một thế kỷ cách mạnh mà Fidel Castro là tâm điểm và 27 năm sau khi thế giới cộng sản tan rã.
« Líder máximo » là một huyền thoại nhưng cũng là hiện thân của nhiều vấn đề trái ngược nhau : từ giấc mơ đang được thực hiện đến niềm kiêu hãnh của thế giới Mỹ Latinh trước gã khổng lồ Hoa Kỳ, từ nhà kiến thiết đối trọng với các cường quốc thế giới đến sự trì trệ quan liêu hay ngăn cản giới trí thức, bắt giữ người đồng tính và bỏ qua mọi nguyền tự do dân sự…
Sự kiện Fidel Castro qua đời được La Croix nhận định đó là « cái chết của thống tướng đáng buồn vùng nhiệt đới ». Qua đời ở tuổi 90, lãnh tụ tối cao Cuba giữ kỷ lục thế giới về thời gian cầm quyền, bỏ xa lãnh tụ của Trung quốc Mao Trạch Đông (27 năm cầm quyền), Tito Franco của Nam Tư (35 năm) và cả Salazar của Bồ Đào Nha (37 năm).
Với Les Echos, Fidel Castro là « con khủng long cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh ». Nhà lãnh đạo là người đưa Cuba vào vòng xoáy căng thẳng với thế giới và bắt người dân sống trong một « quả chuông khép kín », trong khi chỉ cách bờ Florida của Mỹ chừng 150 km. Fidel Castro sống sót qua 10 đời tổng thống Mỹ, bị cấm vận kinh tế, thậm chí âm mưu ám sát và kể cả sau khi khối Liên Xô tan rã, đồng minh và cũng là nguồn viện trợ chính của La Habana.
Thế nhưng, « Fidel để lại Cuba trong tình trạng nguy kịch », theo nhận định của Le Figaro. Dù« Fidel Castro qua đời, Cuba tiếp tục sống », theo đánh giá của Le Monde. Trong khi người em trai Raul Castro từng bước tiến hành bình thường hóa quan hệ với cựu thù Hoa Kỳ, cựu lãnh đạo Cuba tiếp tục công khai chỉ trích gay gắt « kẻ thù không đội trời chung ». Người dân đảo quốc vẫn sống khốn khổ trong nền kinh tế nguy kịch, chế độ La Habana từng bước hướng tới sự giải phóng được tính toán, song không từ bỏ quyền kiểm soát đất nước, như lời kết luận được khẳng định tại Đại hội đảng Cộng sản Cuba vào tháng 04/2016.
Cho tới nay, theo nhận định trong bài « Raul Castro đối mặt với Donald Trump » trên La Croix, người em trai 85 tuổi của Fidel đã tránh được cho mô hình kinh tế lạc hậu của Cuba phá sản dù « kinh tế hấp hối »« sau một nửa thế kỷ bị đồng minh bỏ rơi, bị suy yếu vì cấm vận ». Nhờ vậy, La Habana vẫn duy trì được chế độ độc đảng nơi mọi phe phái đối lập bị nghiêm cấm và kiểm soát được khủng hoảng niềm tin của giới trẻ, lạ lẫm với các giá trị Cách mạng. Thế nhưng, Raul Castro còn phải đối mặt với nhiều thách thức nặng ký hơn, đặc biệt là thách thức gần đây nhất mang tên « Donald Trump ». Tiến trình bình thường hóa giữa Hoa Kỳ và Cuba có thể sẽ bị tổng thống tân cử Mỹ phá vỡ vì với Donald Trump, Cuba vẫn là « một hòn đảo cô độc » và ông cam kết « làm tất cả » để góp phần mang lại « tự do » cho dân tộc Cuba.
Về mặt kinh tế, thách thức mang tên Donald Trump cũng khiến « Tương lai kinh tế và chính trị của Cuba không chắc chắn sau khi Fidel Castro qua đời », theo nhận định của Les Echos. Vì dù hai nước đã nối lại quan hệ ngoại giao, Cuba vẫn bị Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế và chưa chắc Washington sẵn sàng dỡ bỏ lệnh này trong thời gian sắp tới dưới nhiệm của tổng thống tân cử Donald Trump. Một trong những điều kiện để Washington nới lỏng tay là chính quyền Cuba phải công khai từ bỏ chế độ cộng sản. Điều kiện này khó thành hiện thực, Nhà nước vẫn quản lý đến 80% nền kinh tế, dù tuyên bố mở cửa cho lĩnh vực tư nhân.
Cái chết của Fidel Castro có thể là cơ hội để Cuba thúc đẩy một phần cải cách kinh tế mà« đất nước mơ theo mô hình một Trung Hoa thu nhỏ », vẫn theo nhận định của Les Echos. Có nghĩa là, La Habana muốn đi theo nền kinh tế thị trường xen kẽ mô hình tư nhân và Nhà nước kiểm soát. Trong khi chờ đợi, nhiều chương trình cải cách cơ cấu đã được mở ra với luật mới về đầu tư nước ngoài, thành lập vùng phát triển kinh tế đặc biệt xung quanh cảng Mariel, hình thành thị trường xe hơi và bất động sản Nhà nước…

Không có nhận xét nào: