Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Ba mối đe dọa đối với nền kinh tế Trung Quốc; TQ đi thẳng vào "vết xe đổ" của Nhật Bản

Print Friendly
china-economy-2
Nguồn: Zhang Jun, Three Threats to China’s EconomyProject Syndicate, 28/10/2016.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Sau nhiều thập niên “tăng trưởng thần kỳ”, nền kinh tế Trung Quốc gần đây lại trở thành một mối lo. Vài yếu tố đã nhận được rất nhiều sự chú ý, chẳng hạn như những món nợ chồng chất của các tập đoàn, hay công suất dư thừa của khu vực kinh tế nhà nước. Nhưng ba xu hướng ít được bàn luận tới dưới đây sẽ chỉ ra những mối đe dọa khác đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Đầu tiên, bất chấp sự suy giảm của tăng trưởng GDP, tổng tài chính xã hội – và đặc biệt là tín dụng ngân hàng – đã tăng lên. Điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề nợ của Trung Quốc: việc các khoản nợ lớn được quay vòng giãn nợ đòi hỏi phải liên tục có thanh khoản, thậm chí ngay cả khi đầu tư thực tế không tăng. Những kiểu “mở rộng tín dụng” như vậy – mà thực sự là chỉ là nợ chồng nợ – là không bền vững.
Rõ ràng, vấn đề nợ phải được giải quyết. Và chính phủ Trung Quốc đang làm điều đó bằng cách thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ tái cơ cấu nợ. Ví dụ, chính phủ trung ương đã giúp các chính quyền địa phương quay vòng khoản nợ rủi ro trị giá 3,2 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2015, và dự kiến sẽ tiếp tục quay vòng thêm 5 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm nay. Kế hoạch hoán đổi nợ thành cổ phần của các công ty có thể làm gia tăng tác động của những nỗ lực này.
Nhưng những chiến lược này không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề nợ của Trung Quốc, nhất là khi phần nợ lớn nhất ở Trung Quốc đều là của doanh nghiệp nhà nước. Một giải pháp hữu hiệu, vốn dĩ chưa được đề xuất, sẽ phải liên quan đến việc tái cơ cấu sâu rộng các doanh nghiệp nhà nước lớn. Việc bán, chuyển nhượng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp chi trả các khoản nợ, giúp khu vực kinh tế nhà nước thoái khỏi tình trạng nợ nần hiện tại. Cách tiếp cận này cũng sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy tư nhân hóa, từ đó khuyến khích sự đổi mới và tăng năng lực cạnh tranh.
Xu hướng rủi ro thứ hai là sự suy giảm nhanh chóng trong đầu tư tài sản cố định, từ khoảng 20% xuống còn khoảng 8% hiện nay, thể hiện rõ nhất là trong khu vực tư nhân. Trong giai đoạn 2002-2012, tăng trưởng trong đầu tư tư nhân trung bình khoảng 20%; vào cuối năm ngoái, con số này xuống còn khoảng 10%, và sang tám tháng đầu năm nay thì chỉ còn 2,1%, trong đó chỉ số trong tháng 7 đã giảm mạnh chỉ có 1,2%. Đầu tư vào bất động sản cũng đã chậm lại, sau khi tăng hơn 1% trong năm ngoái, vì một số hạn chế chính sách.
Do các khoản đầu tư tư nhân chiếm ít nhất 60% tổng đầu tư trong ngành sản xuất, xu hướng này chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả kinh tế vĩ mô. Và, mặc dù tăng trưởng đầu tư nhà nước đạt hai con số sẽ làm dịu bớt tác động tổng thể, điều đó cũng cho thấy vấn đề khi kinh tế nhà nước thống trị. Các công ty tư nhân phải chật vật mới giành được tín dụng từ các ngân hàng thương mại nhà nước và hiện đang ở thế bất lợi trong thị trường tài chính trực tiếp. Hơn nữa, các công ty tư nhân đang bị ngăn chặn xâm nhập vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế, các ngành thâm dụng vốn, và các ngành dịch vụ cao cấp. Ở hầu hết các lĩnh vực dịch vụ hiện đại, các công ty ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng rất nhỏ, dẫn đến hạn chế đầu tư tư nhân.
Xu hướng thứ ba khiến Trung Quốc phải lo lắng là tỷ lệ thất nghiệp vẫn tương đối ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp không quá cao tưởng chừng là một dấu hiệu tốt, nhưng thực ra nó phản ánh một số xu hướng tiêu cực – bắt đầu với sự yếu kém lâu dài trong việc nâng cao năng suất.
Tăng trưởng năng suất của Trung Quốc, đạt trung bình 8% trong vòng 20 năm qua, có thể sẽ giảm xuống ít hơn 6%. Và nước này chưa hội đủ điều kiện để có tăng trưởng đột biến về năng suất. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, ngay từ năm 2010, nhóm ngành dịch vụ đã vượt xa nhóm ngành sản xuất về tăng trưởng việc làm. Đây là một sự đảo chiều của xu hướng trước đó.
Nếu xét đến nhu cầu của Trung Quốc trong việc chuyển từ sản xuất sang dịch vụ, đây không hẳn là một tin xấu. Nhưng hầu hết các công việc được tạo ra trong khu vực dịch vụ đều là các việc làm năng suất thấp. Tệ hơn nữa, chúng thường là những việc làm không chính thức, với đặc trưng là tỷ lệ bỏ việc cao, gây cản trở tích lũy nhân sự dài hạn.
Mức việc làm ổn định ở Trung Quốc cũng phản ánh – một lần nữa – những hạn chế trong khu vực nhà nước. Rất ít người nghỉ làm ở doanh nghiệp nhà nước, bất chấp sự suy giảm tăng trưởng tổng thể. Nói cách khác, đây chính là tình trạng “thất nghiệp ẩn” đáng chú ý trong khu vực kinh tế nhà nước của Trung Quốc, một tình trạng vốn dĩ đã phổ biến do dư thừa công suất.
Trung Quốc không có lựa chọn nào dễ dàng để giải quyết vấn đề này. Nếu chính phủ tiếp tục chống đỡ cho doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các công ty “xác sống”, thì việc tập trung một số lượng lớn nhân công có năng suất thấp trong các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục làm suy yếu tăng trưởng năng suất. Nhưng nếu Trung Quốc tái cơ cấu lại khu vực nhà nước, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên. Và, một khi đã thất nghiệp, người lao động trong khu vực nhà nước thường sẽ mất nhiều thời gian hơn để tìm việc mới so với các lao động trong khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, tái cơ cấu khu vực nhà nước dường như là điều không thể tránh khỏi. Thật vậy, nó sẽ giúp giải quyết một số những thách thức cơ bản nhất của Trung Quốc, từ nợ và dư thừa công suất, cho đến sự thiếu hụt khả năng cạnh tranh.
Chắc chắn rằng một số người sẽ nghĩ doanh nghiệp nhà nước phải được phép tiếp tục hoạt động, với lý do họ đem lại lợi nhuận khổng lồ. Nhưng những lợi nhuận đó là kết quả của tình trạng độc quyền và các khoản đầu tư rất lớn từ nhà nước, nên thực chất họ có tỉ suất lợi nhuận thấp hơn so với đầu tư tư nhân. Đó là lý do tại sao cải cách doanh nghiệp nhà nước là rất cấp bách, bất kể những thách thức ngắn hạn và thậm chí trung hạn mà nó có thể tạo ra.
Hai thập niên trước đây, Thủ tướng khi ấy là Chu Dung Cơ đã bắt đầu theo đuổi những cải cách như vậy, với mục tiêu củng cố hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và tạo thêm không gian cho đầu tư tư nhân. Nhưng các cải cách của ông lại chỉ nửa vời. Một số thậm chí còn có tác dụng ngược, vì trong một số trường hợp, doanh nghiệp nhà nước đã giành lại thị phần.
Năm 2013, Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã đưa ra một kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua sở hữu hỗn hợp. Nhưng ngay cả tiến độ thực hiện kế hoạch này vẫn chưa đủ. Và, thực tế là, nếu không tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước một cách chiến lược, thì sở hữu hỗn hợp cũng sẽ chỉ xuất hiện ở những ngành kinh tế không quan trọng.
Nếu Trung Quốc muốn thành công trong việc tái cơ cấu kinh tế, nâng cấp công nghiệp, và mở rộng các ngành dịch vụ có năng suất cao, vai trò của doanh nghiệp nhà nước cần phải được giới hạn lại trong một vài lĩnh vực phù hợp. Chỉ khi đó Trung Quốc mới có thể lấy lại sự năng động và giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Zhang Jun là Giáo sư Kinh tế và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/11/24/ba-moi-de-do%cc%a3a-doi-voi-nen-kinh-te-trung-quoc/#sthash.S1v0QLUg.dpuf

TQ đi thẳng vào "vết xe đổ" của Nhật Bản, nhưng tệ hơn là không một ai có thể cứu được

Hải Võ | 
TQ đi thẳng vào "vết xe đổ" của Nhật Bản, nhưng tệ hơn là không một ai có thể cứu được
(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Nhà kinh tế học người Mỹ đoạt giải Nobel năm 2008, ông Paul Krugman hôm 17/11 bày tỏ quan ngại, Trung Quốc đang ở tình trạng giống Nhật Bản năm 1989, ngay trước "thập kỷ mất mát".

Tham dự một hội thảo ở Viện Peterson, Washington ngày 19/11, ông Krugman cho biết mối lo không đến từ sự đe dọa do nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy mang lại với xã hội quốc tế và Mỹ, mà đến từ nguy cơ bất ổn trên phạm vi toàn cầu khi kinh tế Trung Quốc đi xuống.
Trung Quốc "chưa đủ lớn để không thể sụp đổ"
Trả lời câu hỏi liệu cộng đồng quốc tế có thể giải cứu Trung Quốc theo cách tương tự chương trình cứu trợ tài chính ngân hàng mà chính phủ Mỹ khởi động sau cuộc khủng hoảng 2007-2008, Paul Krugman lắc đầu:
"Không. Ngay cả khi các nước khác có sẵn lòng đến mấy, thì [quy mô nền kinh tế-xã hội] Trung Quốc cũng quá lớn... Nó chưa đủ lớn để không bị sụp đổ, nhưng lại quá lớn để được giải cứu."
Ông lý giải thêm: "Ai có thể làm được điều đó (cứu thị trường Trung Quốc)? Chính quyền Trump? Hay Liên minh châu Âu (EU), vốn cũng đang 'tan đàn xẻ nghé'? Không, sẽ không có màn giải cứu toàn cầu nào hết."
Hậu quả chính trị mà sự suy thoái kinh tế gây ra ở Trung Quốc là một nỗi lo rất lớn mà các nước lớn cần phải lưu tâm. 
Krugman nói: "Trung Quốc đủ lớn để tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng lên phần còn lại của thế giới, chủ yếu vẫn là ở châu Á. Nhưng tôi bắt đầu lo ngại về vấn đề kinh tế chính trị. Điều gì sẽ xảy đến đối với sự ổn định nội bộ của Trung Quốc? Chắc chắn không phải là những chuyện tốt đẹp gì."
TQ đi thẳng vào vết xe đổ của Nhật Bản, nhưng tệ hơn là không một ai có thể cứu được - Ảnh 1.
Nhà kinh tế học Paul Krugman (Ảnh: VOA)
Trung Quốc giống Nhật Bản năm 1989 nhưng không có "lưới an toàn"
Theo chủ nhân giải Nobel Kinh tế, Trung Quốc của năm 2016 đang tồn tại hàng loạt dấu hiệu tương đồng với Nhật Bản năm 1989, trước khi Nhật rơi vào "thập niên mất mát".
"Thập niên mất mát" là tên gọi thời kỳ trì trệ kinh tế kéo dài của Nhật suốt thập niên 1990. Sau khi bong bóng tài sản vỡ vào những năm 1990-1991, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này thấp hẳn đi.
"Nhìn từ các hiện tượng như người dân gửi tiền tiết kiệm quá nhiều, thiếu cơ hội đầu tư và bong bóng bất động sản, có thể thấy hiện trạng Trung Quốc rất giống [Nhật Bản] ngày trước, nhưng lại thiếu hẳn 'một tấm lưới an toàn'," ông nói.
Theo ông Krugman, chính trường Nhật Bản rất ổn định và "rất giỏi trong việc bảo đảm tạo công ăn việc làm". Chính phủ Nhật đã "rót lượng tiền khổng lồ vào xây dựng cơ sở hạ tầng - một giá trị đáng ngờ - mà vẫn giữ được ổn định xã hội". Nhưng khó có thể hình dung như thế về Trung Quốc.
Với môi trường chính trị ngày càng được kiểm soát một cách nghiêm ngặt, đặc biệt sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành "lãnh đạo hạt nhân" của nước này tại Hội nghị trung ương 6 khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi cuối tháng 10, rất khó nhận định diễn biến nào sẽ, hoặc không xảy ra trong vài năm tới.
Tại hội thảo ngày 19, Krugman chỉ ra rằng, trong khi hai nền kinh tế hàng đầu châu Á đều có tầm ảnh hưởng đáng kể lên các vấn đề quốc tế, cũng như nhiều phương diện kinh tế khác, nhưng Trung Quốc lại dễ rơi vào khủng hoảng tài chính hơn nhiều.

Không có nhận xét nào: