"Khi đồng minh tháo chạy", tựa đề một cuốn sách của TS Nguyễn Tiến Hưng, vừa được nhắc lại trong một bài báo. "Lần thứ nhì Mỹ bỏ rơi Việt Nam?" là tựa đề bài báo đó, cũng là một câu hỏi, một nghi vấn.
Theo tôi, nếu xét lại nội dung của từ "đồng minh", ta thấy rằng trong lịch sử nước Mỹ, nước này chưa bao giờ bỏ rơi một "đồng minh" nào của họ cả.
"Đồng minh" có nghĩa là gì ? Tiếng Pháp là "allié, alliance", tiếng Anh "ally, alliance", có nghĩa là (các nước) cùng ký minh ước với nhau nhằm hợp tác về chính trị, quân sự, kinh tế... vì quyền lợi chung của nhau.
Nhắc lại chút lịch sử là Mỹ can thiệp vào miền Nam VN không thông qua một thỏa thuận nào (có hiệu lực trên tinh thần quốc tế công pháp). Khi Mỹ đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng (8-3-1965), những tướng tá ở Sài Gòn còn đang tranh chấp với nhau về quyền lãnh đạo. Hầu như không ai nắm được tin Mỹ đổ quân. Tổng thống Diệm bị lật đổ, miền Nam như rắn không đầu. Chính trường miền Nam chỉ tạm thời ổn định sau khi "Ủy ban lãnh đạo quốc gia" được thành lập (14-6-1965). Tức là Mỹ đổ quân vào VN trước ngày "Quân lực VNCH" 19-6-1965 hiện hữu.
Mỹ vào VN không theo một trình tự nào, một thỏa thuận nào thì Mỹ cũng sẽ rút ra (khỏi VN) bằng một lối tương tự như vậy.
Từ những năm đầu mới lên tổng thống, nhiều lần ông Diệm được lãnh đạo Mỹ đề nghị giúp đỡ nhằm "xây dựng một quốc gia Nam Việt Nam giàu mạnh và phú cường". Tức là Mỹ khuyên ông Diệm (và ông Kỳ, ông Thiệu sau này) tuyên bố miền nam độc lập, lấy tên nước là Nam Việt Nam (South Viet Nam). Bởi vì Mỹ chỉ có thể ký kết ước "đồng minh" với một quốc gia "độc lập, có chủ quyền". Miền Nam, hiến pháp VNCH, luôn khẳng định "VN thống nhứt lãnh thổ từ Nam Quan đến mũi Cà Mau". Do hoàn cảnh lịch sử, phần nhiều lãnh đạo miền Nam xuất thân từ miền Bắc, không có người nào chủ trương từ bỏ quên hương mình. VNCH (cũng như miền bắc VNDCCH) chỉ là những "quốc gia chưa hoàn tất", bên nào cũng muốn "thống nhứt đất nước".
Mỹ không ký kết hiệp ước nào với VNCH vì không thể giúp VN thực hiện việc "thống nhứt" lãnh thổ. Mỹ chỉ muốn một "ranh giới" rõ rệt đê thuận tiên cho việc "bảo vệ thế giới tự do". Không có "kết ước đồng minh", quyền lợi và nghĩa vụ không rõ rệt, thì không có gì ràng buộc lẫn nhau.
Vì vậy nói "khi đồng minh tháo chạy" là không đúng, nếu hiểu nghĩa từ "đồng minh" một cách "hàn lâm".
Bây giờ đặt ra vấn đề "lần thứ nhì Mỹ bỏ rơi Việt Nam" ?
Không, theo tôi là không. Mỹ chưa hề "trở lại" VN, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Huống chi là "đồng minh".
Nhiều lần lãnh đạo Mỹ "lẩy Kiều" cho thấy ý muốn của họ. Năm ngoái, Joe Biden nhân tiếp Nguyễn Phú Trọng, có "lẩy" rằng : "Trời còn để có hôm nay, Sương tan đầu ngõ vén mây giữa trời". Ý nghĩa là gì nếu không phải là nói thẳng với VN là "hai bên không còn gì khúc mắc"? Cho đến ông Obama sang thăm, ông này lấy bài "Nam quốc sơn hà" ra đọc. Đây là bản "tuyên ngôn độc lập" đầu tiên của VN. Ý nghĩa là gì nếu không phải là hứa hẹn sẽ giúp cho VN giữ vững cõi bờ ?
Vấn đề là do phía VN. Có lẽ do thờ "thần rùa Hòan Kiếm" nên lãnh đạo CSVN cái gì cũng chậm chạp, rùa bò. Từ 1995 đến nay, trên 20 năm, quan hệ Việt-Mỹ vẫn không "mặn mà". Trong khi chỉ có Mỹ mới có thể giúp VN phát triển như Nam Hàn, Nhật, Đài Loan... Và chỉ có Mỹ mới có thể giúp VN đối trọng với Tàu, trong các vấn đề chủ quyền biển, đảo. Để ý, sau khi Obama dẫn "Nam Quốc sơn hà", ta thấy hiện tượng xuyên tạc các nhân vật lịch sử VN lại trỗi lên. Muốn hạ thấp giá trị bài Nam Quốc Sơn Hà cách tốt nhứt là bôi nhọ tác giả của nó. Ngay cả "quốc sư" VN cũng nói rằng Lý Thường Kiệt là "hỗn" khi đánh TQ.
Ta có thể kết luận là nội bộ đảng CSVN khuynh hướng theo Tàu vẫn áp đảo.
Không có lãnh đạo Bắc Kinh nào muốn VN trở thành "đồng minh" với Mỹ. Đơn giản vì họ không muốn một nước giàu mạnh như Nam Hàn ở cận bên.
Lý do VN không thể thân cận hơn với Mỹ là vậy. Nhưng dầu thế nào thì lỗi cũng do VN. Người ta chưa vào nhà mình là do mình không hiếu khách. Người ta bỏ đi thì tư cách gì mình trách người ta "bỏ đi lần thứ hai"?
Theo tôi, VN sẽ hối tiếc, nếu tân tổng thống D. Trump không tiếp nối di sản của các chính phủ Clinton và Obama về bang giao với VN.
VN đã bỏ lỡ "nhiều chuyến tàu" để đưa đất nước cất cánh "thành rồng". Chậm trễ ký kết với Hoa Kỳ những hiệp ước về an ninh hỗ tương, là trễ một chuyến tàu định mạng.
Nhắc lại là Mỹ chưa bao giờ bỏ rơi "đồng minh" của họ. VNCH chưa bao giờ là "đồng minh" với Mỹ cả.
Trường hợp Phi Luật Tân. Ở đây người ta trách Mỹ không can thiệp khi TQ chiếm bãi Scarborough. Vấn đề là từ năm 1951, lúc Chu Ân Lai tuyên bố (bên lề Hội nghị San Francisco) bãi Hoàng Nham (Scarborough), cũng như các đảo phía nam (Tây sa và Nam sa, tức HS và TS của VN) thuộc chủ quyền của TQ. Phái đoàn Phi không lên tiếng phản đối, từ thời điểm này và về sau, cho tới thập niên 70. Nhà nước Phi đã im lặng, trước một sự kiện đòi hỏi quốc gia phải có một thái độ. Sự im lặng của Phi có nghĩa là "đồng thuận ám thị". (Trong khi phái đoàn VNCH thì lên tiếng khẳng định HS và TS thuộc chủ quyền của VN từ lâu đời).
Mỹ không can thiệp là có cái "lý" của họ. Cái "lý" ở đây là không có sự ràng buộc can thiệp của đồng minh đối với đồng minh (về vấn đề Scarborough). Trong khi trên phương diện quốc tế công pháp, tuyên bố của Chu Ân Lai (nếu Phi không phản đối) là có giá trị pháp lý.
Đối với Nam Hàn, Nhật cũng vậy. Có bao giờ Mỹ "bỏ" hai nước đồng minh này ? Trường hợp Đài Loan, Mỹ đã không (vận động hành lang hay bỏ phiếu veto), để đại hội đồng LHQ bầu chỉ định Bắc Kinh đại diện cho TQ tại LHQ. Nhưng Mỹ vẫn cam kết bảo vệ đảo quốc này theo tinh thần kết ước "Relations Taiwan Act".
Dầu thế nào, trách Mỹ bỏ VN lần thứ hai là không đúng. Lỗi là do phía VN chậm lụt như rùa. Bây giờ "cụ rùa" đã chết. Nhưng thái độ của VN vẫn "khệnh khạng" ta đây, theo kiểu "VN vẫn sống không có TPP mà"!
Ừ, thì cho mầy sống. Vấn đề là sống ưởng ngực "le lói" với đời hay sống làm cu li, bán mồ hôi lấy bát cơm, bán trôn nuôi miệng như ngày hôm nay ?
Trương Nhân Tuấn
(FB Trương Nhân Tuấn)
(FB Trương Nhân Tuấn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét