23/11/2016
Phạm Trần
23-11-2016
Chiến thắng Tổng thống Mỹ của Donald Trump đã giúp cho Nga-Tầu
xích lại gần nhau hơn, nhưng Việt Nam cũng khó mà được sống yên trong gọng kìm
Trump-Nga-Tàu.
Lý do vì ông Trump đã nói sẽ rút khỏi TPP, là một trong những
hành động của 100 ngày đầu tiên sau khi nhận chức ngày 20/01/2017. Quyết định
này được chính ông Trump thu hình rồi phổ biến trên mạng báo cá nhân tối thứ
Hai, 21/11/2016. Ông Trump có thể làm được việc này bằng một quyết định hành
chính mà không phải qua Quốc hội.
Lời tuyên bố của Donald Trump, tất nhiên đã khiến cả Nga và
Trung Quốc mở cờ trong bụng vì trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ
tịch Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình đã thảo luận tại Peru ngày 19/11/2016, bên
lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC,
Asia-Pacific Ecenomic Conference), về việc hợp tác để thành lập “một khu vực mậu dịch tự do ở Á Châu và
Thái Bình Dương” thay
thế TPP.
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama, không nhắc đến ý định
rút khỏi TPP của ông Trump, nhưng đã tuyên bố tại Peru rằng “nếu Mỹ ngừng thúc đẩy TPP, thì điều đó
sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”
Hãng tin chuyên về tài chính và kinh tế Bloomberg viết từ Peru
rằng: “Lãnh đạo một số quốc
gia khác tham dự APEC cho biết họ có thể sẽ tìm cách điều chỉnh TPP để khiến
thỏa thuận này trở nên hấp dẫn hơn đối với Tổng thống đắc cử của Mỹ, hoặc tiếp
tục thúc đẩy thỏa thuận này mà không có Mỹ.”
Ông Donald Trump khi tuyên bố sẽ bỏ TPP đã nói ông muốn thương
thảo “song phương” với các nước để đạt được thỏa hiệp thương mại tốt hơn và
công bằng cho nước Mỹ. Điều này cho thấy chính phủ Donald Trump đã nhất quyết
từ giả TPP như để xóa đi dấu vết lịch sử sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống
Obama.
Nhưng Donald Trump không cho biết thương thuyết song phương cái
gì, bao giờ và với nước nào?
Cả Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull lẫn Thủ tướng Nhật
Shinzo Abe đều bầy tỏ quan ngại đối với quyết định của ông Trump. Ông Turnbull
nói TPP “là một chiến lược
quan trọng đối với Mỹ.” Còn
Thủ tướng Nhật thì cũng chán nản không ít khi bảo rằng “TPP sẽ không có ý nghĩa gì nếu vắng
mặt Mỹ”.
Tại cuộc họp báo ở Á Căn Đình (Argentina), sau hội nghị APEC, Thủ
tướng Abe nói:”Hiệp định này
(TPP) không thể đàm phán lại. Vì “việc này sẽ phá vỡ thế cân bằng nền tảng về
lợi ích”.
Vậy quyết định bỏ TPP của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đưa
đến hậu qủa chính trị và kinh tế ra sao?
HẬU QUẢ BỎ TPP
Trước hết, có nhiều người lầm tưởng TPP chỉ là một Hiệp định
thuần túy kinh tế giữa 12 nước gồm Úc, Brunei, Gia Nã Đại (Canada), Chí Lợi
(Chile), Nhật (Japan), Mã Lai Á (Malaysia), Mexico, Tân Gia Ba (Singapore), Tân
Tây Lan (New Zealand), Peru, USA (Mỹ) và Việt Nam. Thật ra TPP là một Thỏa hiệp
mang tầm vóc chiến lược an ninh và quốc phòng phản ảnh qua chính sách xoay trục
quân sự từ Âu sang Á của Hoa Kỳ, sau ngày Tổng thống Dân chủ Barack Obama đắc
cử năm 2008. Vì vậy nó mới có tên là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược
Xuyên Thái Bình Dương(Trans-Pacific Strategic Economic Partnership
Agreement, gọi tắt là TPP).
Tuy không nói ra nhưng các chuyên gia quân sự, quốc phòng chiến
lược và kinh tế toàn cầu đều đồng ý, nếu được thi hành, TPP sẽ giúp cho tuyến
phòng vệ của Mỹ và các nước đồng minh bền vững hơn trước đe dọa bành trướng
quân sự và kinh tế mỗi ngày một lan rộng trong khu vực của Trung Quốc.
TPP VÀ BIỂN ĐÔNG
Bằng chứng là Mỹ luôn luôn cảnh giác Trung Hoa về các hoạt động
gây bất ổn định của họ trên Biển Đông từ mấy năm qua. Nghiêm trọng nhất là việc
Bắc Kinh đã biến dạng để xây dựng các bãi đá thành đảo mà họ chiếm của Việt Nam
ở Trường Sa để cho quân đồn trú và tầu Hải quân qua lại.
Trung Quốc nói họ có quyền tự do hành động trên các bãi đá và
vùng nước chung quanh ở Biển Đông vì đó là chủ quyền lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên, sự tiếm nhận của Bắc Kinh đã bị Tòa án trọng tài
thường trực của Liên Hiệp Quốc “Permanent Court of Arbitration, PCA)” phủ nhận.
Tòa này phán ngày 12/07/2016 rằng Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý để yêu sách quyền lịch sử đối với
tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.”
Tòa quyết định như vậy trong vụ án Phi Luật Tân kiện Trung Quốc
ra Tòa Quốc tế để yêu cầu phủ nhận quyền chủ quyền của Bắc Kinh tự vẽ trong
hình lưỡi bò (hay còn gọi là Đường 9 Đọan) đối với các vùng đảo và bãi đá ở
Biển Đông mà Phi, Việt Nam, Trung Hoa, Mã Lai Á, Đài Loan, Brunei cùng tranh
chấp trong vùng Trường Sa.
Trong thông cáo phổ biến, Tòa cũng nói: “Dù trong lịch sử, những người đi biển
cũng như ngư dân từ Trung Quốc, cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo
tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử
Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài
nguyên tại đây.”
Dù thất bại nhưng Trung Quốc tiếp tục bồi đắp và xây dựng các
đảo nhân tạo để làm bàn đạp quân sự khi cần. Đó đó, nếu còn TPP thì đối trọng
kinh tế có trị gía 28,000 Tỷ dollars ($28 trillion dollars), chiếm lối 40% tổng
sản lượng của Thế giới, TPP sẽ là một khối kinh tế hùng mạnh và có khả năng
ngăn chặn các hành động qúa khích của Bắc Kinh ở Biển Đông.
NGUY CHO VIỆT NAM
Rất tiếc TPP sẽ không có cơ may sống lại dưới chính quyền Trump
như một khối Kinh tế thống nhất có lợi cho cả Mỹ lẫn 11 nước thành viên. Nếu
một Hiệp ước kinh tế mới do Nga và Trung Quốc sáng lập và được các nước Châu Á
và Thái Bình Dương tham gia như họ đã làm, sau 7 năm thượng thuyết vất vả của
TPP, thì chính nước Mỹ sẽ bị khối kinh tế này bao vây chứ không phải Nga hay
Tầu.
Chính sách “xoay trục quân sự thời Tổng thống Obama”, tất nhiên
sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu không muốn nói là lâm nguy ở Á Châu và Thái
Bình Dương khi 2 nước Nga-Hoa liên kết với nhau ở khu vực.
Đối với Việt Nam thì mất TPP là mất cả thế đứng kinh tế và chính
trị trong khu vực và trên thế giới. Về kinh tế, Việt Nam không còn cơ may thoát
khỏi kìm kẹp của Trung Quốc. Nếu bị thêm nước Nga đè đầu nữa thì hòn đá tảng
ngàn cân Nga-Trung sẽ nặng thêm hàng triệu cân nữa, vì ngay bây giờ, Việt Nam
đã nằm gọn trong đống vũ khí, tầu ngầm và máy bay chiến đấu của thỏa hiệp quốc
phòng Việt-Nga.
Riêng về áp lực Việt Nam của Trung Quốc ở Biển Đông thì một tài
liệu xuất hiện trên báo VNEXPRESS (trong nước) ngày 10/6/2015 đã liệt kê 7 Bãi
đá mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam ở Trường Sa đã được biến thành đảo cho nhu
cầu Quân sự như sau:
1) Bãi đá Châu Viên nằm ở phía tây quần đảo Trường Sa của Việt
Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Philippines cũng có tuyên bố chủ
quyền với bãi đá này.
Châu Viên bị Trung Quốc cải tạo chủ yếu trong hè năm 2014. Quá
trình xây dựng các cơ sở, tòa nhà hiện vẫn tiếp tục.
2) Đá Chữ Thập nằm ở phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam và
cũng bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988. Hoạt động cải tạo đất tại đây bắt
đầu từ tháng 8/2014. Phần đất rộng dành cho xây dựng được hoàn thành vào tháng
1/2015 và Trung Quốc đang xây một đường băng ước tính dài 3.110 m và một
cơ sở cảng biển.
(chú thích của Phạm Trần: Chữ Thập chỉ cách Đà Nẵng 400 cây số)
3) Đá Gaven là một rạn san hô hình trái tim, thuộc quần đảo
Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 và đưa quân đồn trú trái phép tại
đây từ năm 2003.
4) Đá Tư Nghĩa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1988, sau
đó Bắc Kinh xây dựng nhiều công trình kiên cố để quân lính đồn trú tại đây.
Trung Quốc bắt đầu hoạt động xây dựng quy mô lớn từ hè 2014.
5) Đá Gạc Ma nằm ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích
khoảng 7,2 km2, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Đến đầu năm
2014, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng
và một đơn vị đồn trú.
(chú thích của Phạm Trần : Đá Gạc Ma, đang tiếp tục được mở
mang, nằm trên đường tiếp tế cho quân Việt Nam, tính từ Khánh Hòa. Nếu bị chặn,
liệu lương thực có đến được lực lượng đồn trú ở Trường Sa?)
6) Đá Vành Khăn nằm ở phía đông quần đảo Trường Sa, là một rạn
san hô hình bầu dục, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1995. Bãi đá bị cải tạo quy mô
lớn dọc theo rìa phía tây kể từ đầu năm 2015.
7) Đá Subi là một rạn san hô vòng phía tây nam quần đảo Trường
Sa, dài khoảng 6,5 km, rộng 3,7 km. Trung Quốc chiếm đóng Subi từ năm 1988
Như vậy thì Việt Nam đã bị mất biển đảo chưa hay khi nào quân
Tầu vào đến tận Hà Nội thì mới chịu thua?
Vì những hoạt động trái phép của Trung Quốc đe dọa an ninh lưu
thông ở Biển Đông mà Tổng thống Obama, từ năm 2008, đã chuyển phần lớn lực
lượng Quân sự và Hải quân của Mỹ sang Châu Á và Thái Bình Dương để bảo vệ an
ninh lưu thông cho tầu bè đi lại trên vùng biển quan trọng này.
Lý do ông Obama quyết định ưu tiên bảo vệ vùng biển này vì nó
chiếm tới 70% bề mặt của địa cầu, và 50% mặt đại dương. Mỗi năm có gần 42,000
chiếc tầu hàng hoá lưu thông qua Biển Nam Hải (Biển Đông).
Đường biển chiến lược quan trọng này nối liền 3 khu vực từ Đông
bắc Châu Á với Đông Nam Á và Trung Đông. Hàng hoá trao đổi giữa các nước trong
vùng Á Châu Thái Bình Dương được ước tính lên tới 1.5 tỷ tấn, chiếm 1/3 tổng
toàn cầu. (Tài liệu của Asia Pacific Center for Security Studies, Honolulu,
Hawaii)
Như vậy, liệu chính quyền Donald Trump có thấy được lợi hại khi
giết TPP đối với Việt Nam, hay cứ để cho nước này tự do nhào lộn trong cơn lốc
Trump-Nga-Trung?
Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP được xem là có lợi cho Trung Quốc - Ảnh: EPA/BBC.
Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc lợi thế nào?
An Huy |
Việc Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng chắc hẳn là một tin tốt đối với Trung Quốc - hãng tin BBC nhận định.
Theo BBC, trong mấy năm trở lại đây, Bắc Kinh đã nghe chính quyền của Tổng thống Barack Obama nói nhiều về việc TPP, thỏa thuận thương mại gồm 12 quốc gia thành viên, là một cách để tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á.
Tầm quan trọng của TPP
Trung Quốc không phải là một thành viên của thỏa thuận và ông Obama đã bằng những cách riêng nhắc nhở khu vực rằng đây hoàn toàn không phải chuyện ngẫu nhiên.
TPP cho phép Mỹ - và không phải những quốc gia như Trung Quốc - viết nên các quy tắc của thế kỷ 21, một vấn đề đặc biệt quan trọng tại một khu vực năng động như châu Á - Thái Bình Dương.
Và ý nghĩa của TPP không chỉ nằm ở lĩnh vực thương mại. TPP còn là phần cốt lõi trong chiến lược xoay trục về phía châu Á của chính quyền Obama.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng nói rằng ngoài việc thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, TPP sẽ củng cố các mối quan hệ chủ chốt của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực, và thúc đẩy các giá trị Mỹ.
“Đối với tôi, việc thông qua TPP cũng quan trọng như việc có thêm một hàng không mẫu hạm nữa”, ông Carter nói.
Bởi vậy, không có gì là khó hiểu khi Bắc Kinh xem chiến lược xoay trục của Mỹ, trong đó có TPP, là một kế hoạch nhằm mục đích kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc.
Mới chỉ cuối tuần này, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc miêu tả TPP như “cánh tay kinh tế trong chiến lược địa chính trị của chính quyền Obama nhằm đảm bảo sự thống trị của Mỹ trong khu vực”.
Tuy nhiên, ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ một phần nhờ một làn sóng tâm lý chán ghét và nghi kỵ các thỏa thuận thương mại và toàn cầu hóa của cử tri Mỹ.
Không ít người bỏ phiếu cho Trump vì lời hứa mà ông đưa ra về rút khỏi TPP. Và ông Trump đã thể hiện sự tôn trọng lời hứa này khi tuyên bố vào ngày 21/11 rằng ông sẽ đưa Mỹ ra khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên làm Tổng thống.
Uy tín của Mỹ
Thỏa thuận mà Trump hứa rút khỏi cũng chính là thỏa thuận mà người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Obama, đã ký kết và dành nhiều năm trời để hối thúc các nước đồng minh làm điều tương tự.
Giờ đây, Bắc Kinh có thể “khuyến khích” các quốc gia trong khu vực so sánh mức độ đáng tin cậy giữa những lời hứa của Trung Quốc với những lời hứa mà Mỹ đưa ra.
Bắc Kinh có thể thuyết phục các nước khác rằng Mỹ chỉ là cường quốc tại châu Á khi nào Mỹ muốn, còn Trung Quốc là cường quốc không bao giờ rời bỏ khu vực.
Trong chuyến thăm Washington hồi tháng 8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thẳng thừng cảnh báo rằng đối với các đối tác của Washington trong khu vực, TPP đặt “uy tín của nước Mỹ trên đường ranh giới”.
“Mỗi nước đều đã vượt qua sự phản đối chính trị trong nước, tính chất nhạy cảm, một phí tổn chính trị để đạt thỏa thuận này”, ông Lý Hiển Long nói. “Và cuối cùng, nếu chú rể đợi ở nhà thờ mà cô dâu không tới, thì tôi cho rằng đó sẽ là một sự tổn thương rất lớn”.
Việc ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP rõ ràng đặt các nhà ngoại giao của nước này vào thế khó tại châu Á.
Trước đây, họ nói với các đối tác trong khu vực rằng việc thúc đẩy TPP sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Bởi vậy, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này đương nhiên đồng nghĩa với việc làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Khoảng trống quyền lực
Trung Quốc có vẻ đã sẵn sàng nhảy vào lấp chỗ trống quyền lực mà Mỹ để lại.
Tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Lima, Peru vào cuối tuần vừa rồi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các nhà lãnh đạo trong khu vực rằng giờ là thời điểm cho các mối quan hệ thắt chặt, các giải pháp các bên cùng có lợi, và các sáng kiến chiến lược.
Ông Tập khẳng định, Trung Quốc sẽ không đóng cửa mà sẽ mở rộng hơn nữa cánh cửa đối với thế giới bên ngoài.
Các quan chức Trung Quốc tháp tùng ông Tập trong chuyến đi này không bỏ phí thời gian mà thay vào đó tích cực chuẩn bị cho việc tái khởi động đàm phán các thỏa thuận thương mại mà Bắc Kinh khởi xướng, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Khu vực Mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Những động thái này diễn ra trong khuôn khổ sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, thương mại, và ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc trên toàn châu Á.
Song song với đó, Trung Quốc cũng rót vốn cho những định chế cho vay phát triển mới như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) nhằm tạo đối trọng với những định chế phương Tây như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Châu Á bất an?
Từ góc nhìn trò chơi quyền lực có tổng bằng 0 (zero-sum game) ở khu vực châu Á, việc Mỹ rút khỏi TPP đem lại lợi ích chiến lược cho Trung Quốc, không chỉ bởi sự mất đi một thỏa thuận thương mại do Mỹ hậu thuẫn hay một trụ cột trong chiến lược xoay trục của Mỹ.
Tuyên bố của ông Trump sẽ rút Mỹ khỏi TPP có thể được coi như “điềm báo” về sự bất ổn lớn xung quanh những dự định của Washington thời chính quyền Trump.
Liệu nước Mỹ thời Trump có tiếp tục theo đuổi một hệ thống dựa trên những nguyên tắc bình đẳng và cởi mở? Hay chủ trương “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump đồng nghĩa thay thế cam kết đối với chủ nghĩa quốc tế hợp tác bằng một sự diễn giải hẹp hòi hơn về các lợi ích quốc gia của Mỹ dựa trên cạnh tranh?
Nếu quyết định của Trump đối với TPP là một sự dịch chuyển theo hướng thứ hai, thì các đồng minh của Mỹ ở châu Á có lẽ đang chờ đợi những tuyên bố của ông trong vấn đề an ninh với tâm trạng bất an hơn nhiều.
Liệu các nước đồng minh của Mỹ còn có thể tin cậy Mỹ sẽ ra tay giúp đỡ trong trường hợp họ bị một Trung Quốc đang nổi lên đe dọa? Dù câu trả lời là gì, thì chỉ riêng việc các đồng minh của Mỹ đặt ra câu hỏi này cũng đã là một tin tốt đối với Trung Quốc.
Không chỉ có vậy, kế hoạch 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng của Trump còn không đề cập gì đến lời hứa mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử về “dán nhãn” Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá và đánh thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc.
Sự im lặng, ít nhất đến lúc này, của Trump về những vấn đề trên, và việc ông rút khỏi TPP thực sự là một loạt thông tin tốt mà Bắc Kinh nhận được.
theo VnEconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét