Nguồn: “Fyodor Dostoevsky is sentenced to death,” History.com (truy cập ngày 15/11/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1849, một tòa án Đế quốc Nga đã tuyên án tử hình đối với đại văn hào Fyodor Dostoevsky vì những cáo buộc hoạt động chống chính phủ có liên quan đến một nhóm trí thức cấp tiến. Bản án của ông cuối cùng được bãi bỏ vào phút chót.
Cha của Dostoevsky là một bác sĩ tại bệnh viện dành cho người nghèo ở Moskva, nơi ông lớn lên trong gia cảnh đủ giàu có để mua ruộng đất và nông nô. Sau cái chết của cha mình, Dostoevsky, vốn mắc chứng động kinh, theo học kỹ thuật quân sự và trở thành công chức trong khi âm thầm viết tiểu thuyết. Cuốn đầu tay của ông, Những kẻ bần hàn, và cuốn thứ hai, Con người kép, cùng ra đời năm 1846 – cuốn đầu được đánh giá cao, cuốn còn lại là một thất bại.
Năm 1847, Dostoevsky bắt đầu tham gia một nhóm thảo luận trí thức cấp tiến gọi là Nhóm Petrashevsky. Nhóm này bị tình nghi là có các hoạt động lật đổ, dẫn đến việc Dostoevsky bị bắt giữ năm 1849, và sau đó bị tuyên án tử hình.
Ngày 22 tháng 12 năm 1849, Dostoevsky được dẫn ra pháp trường nhưng nhận được lệnh ân xá của Sa hoàng vào phút cuối và được đưa tới một trại lao động ở Siberia, nơi ông làm việc khổ sai trong bốn năm sau đó. Ông được thả năm 1854 và đi lính phục dịch trên biên giới Mông Cổ.
Dostoevsky kết hôn với một góa phụ và cuối cùng trở về Nga năm 1859. Một năm sau đó, ông thành lập một tạp chí văn học và bắt đầu hành trình lần đầu tới châu Âu hai năm sau đó. Năm 1864 và 1865, vợ và anh trai ông lần lượt qua đời, tạp chí đóng cửa, và Dostoevsky bắt đầu vướng sâu vào nợ nần vì bài bạc.
Năm 1866, Dostoevsky xuất bản cuốn Tội ác và hình phạt, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Đến năm 1867, ông cưới một cô gái đánh tốc ký rồi hai người cùng bỏ trốn sang châu Âu để trốn chủ nợ. Sau cuốn tiểu thuyết Lũ người quỷ ám thành công năm 1872, hai người trở về St. Petersburg. Năm 1880 ông xuất bản cuốn Anh em nhà Karamazov – tác phẩm ngay lập tức được độc giả đón nhận – và qua đời một năm sau đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét