Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

‘Vạch mặt, chỉ tên’ sai phạm vụ lỗ ngàn tỉ của Xơ sợi Đình Vũ

Thanh tra Chính phủ kết luận nguyên nhân thua lỗ tại dự án nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ là do VTex, PVN, Vinatex, các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng dự án.

Chiều 24/11, Thanh tra chính phủ có thông báo kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ.

Nguyên nhân thua lỗ được xác định là do trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng dự án, Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Cựu sếp PVTex Vũ Đình Duy
Cựu sếp PVTex Vũ Đình Duy
Cụ thể, Vinatex là tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may, song đã thiếu trách nhiệm trong việc góp vốn điều lệ, không thực hiện trách nhiệm của cổ đông mà ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án.

Trong khi đó, PVN là tập đoàn có vốn chi phối tại PVTex, nhưng trong quá trình điều hành, giám sát còn nhiều vi phạm, thiếu sót, chưa thực hiện hết trách nhiệm. Đặc biệt, việc nhận chuyển nhượng vốn từ Vinatex và Tổng Công ty cổ phần Phong Phú không đúng quy định, dẫn đến phải chịu toàn bộ lỗ của dự án hơn 1.472 tỷ đồng.

Liên quan đến quan lý nhà nước, kết luận chỉ rõ trách nhiệm của bộ Công Thương đã “thiếu mục tiêu chiến lược, thiếu trách nhiệm trong quá trình kiểm tra, giám sát, chuyển nhượng vốn tại hai công ty này”.

Riêng PVTex, kết luận chỉ rõ nhiều sai phạm trong việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án, cụ thể: việc chỉ đạo điều hành thông qua kiểm tra, đôn đốc, giám sát người đại diện vốn của PVN tại PVTex trong việc thực hiện dự án còn thiếu thường xuyên, dẫn đến quá trình thực hiện có nhiều sai phạm, dự án không hiệu quả.

Thứ nữa, lãnh đạo PVTex phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng mức đầu tư khi không tổ chức thẩm định; nội dung dự án không đảm bảo phù hợp, đồng bộ với thiết kế kỹ thuật tổng thể; phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chi phí vốn lưu động, tăng sai một số khoản chi phí trị giá 38.742.310 USD.

Cùng với đó, PVTex không tổ chức thẩm định trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phân chia dự án thành các gói thầu thiếu cơ sở; sơ tuyển nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt và trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu; hồ sơ mời thầu không yêu cầu các tiêu chuẩn cơ bản về năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm trong xây dựng nhà máy xơ sợi đối với nhà thầu là một điều kiện quan trọng có tính quyết định đến sự thành công và hiệu quả dự án.

Từ đó, thanh tra chính phủ kiến nghị thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan một số nội dung. Cụ thể, bộ Công Thương cần chỉ đạo PVN đánh giá toàn diện thực trạng dự án, đề xuất phương án xử lý phù hợp; chỉ đạo PVN và Vinatex thực hiện nghiêm chủ trương của chính phủ về phát triển ngành xơ sợi; tìm rõ nguyên nhân chất lượng sản phẩm loại A thấp, yêu cầu lắp đúng thiết bị như hồ sơ thầu ban đầu.

Khu xử lý nước thải nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ. Ảnh Thành Công/PVTex
Khu xử lý nước thải nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ. Ảnh Thành Công/PVTex
Đối với PVN, thanh tra chính phủ kiến nghị tiếp tục hỗ trợ PVTex ổn định sản xuất, tái cơ cấu; rà soát chi phí dự án; xuwe lý dứt điểm tranh chấp hợp đồng và quyết toán vốn đầu tư. Riêng PVTex cần xử lý dứt điểm tranh chấp hợp đồng với nhà thầu trong thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Kết luận thanh tra cho biết đã phát hiện, đề nghị xử lý tổng số tiền gần 55 tỷ đồng và 23 ngàn USD. Đồng thời, đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Dự án Xơ sợi Đình Vũ được phê duyệt từ 2008, do PVTex làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 325 triệu USD, trong đó, chủ đầu tư chỉ có 30% vốn. Theo tính toán, dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày, dự kiến hoàn vốn toàn bộ sau thời gian 8 năm 8 tháng.

Tháng 8/2013, dự án nghiệm thu sơ bộ và bàn giao đi vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn. Tổng mức đầu tư cho dự án từ dự kiến ban đầu đến khi triển khai trên thực tế đã phải điều chỉnh từ 325 triệu USD lên thành hơn 359 triệu USD.

Hoàng Hưng

 (VTC)

Không có nhận xét nào: