Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Ông Nguyễn Minh Mẫn được Huỳnh Phong Tranh bổ nhiệm vét trước khi nghỉ hưu; INFONET: Vụ ông Nguyễn Minh Mẫn: “Luật Báo chí không cấm phóng viên gọi ngoài giờ”; Quyền Vụ trưởng Vụ III Nguyễn Minh Mẫn:‘Tôi liêm khiết nhất ngành thanh tra’ Thứ Bảy, ngày 26/11/2016 - 02:50

Chiều 25-11, qua điện thoại, PV Pháp Luật TP.HCM  đã đề nghị gặp ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ III - Thanh tra Chính phủ (TTCP), để làm rõ một số thông tin liên quan đến những lời được cho là ông phát ngôn tại buổi công bố thanh tra ĐH Quốc gia TP.HCM hôm 28-9.
Ông Mẫn nói: “Tôi đang là trưởng đoàn thanh tra nên tôi không tiếp nhà báo. Còn các thông tin trên mạng là bịa đặt. Tôi là người chống tham nhũng mạnh nhất của ngành thanh tra, liêm khiết nhất của ngành thanh tra, chưa nhận cái kim sợi chỉ nào của ai”.
Sau đây là đoạn trao đổi với ông Mẫn và chúng tôi xin phép không bình luận về các nội dung này.
“Nói tôi phát ngôn có vấn đề là méo mó”
. Chúng tôi muốn làm rõ một số thông tin liên quan trực tiếp đến ông, không phải về nội dung mà đoàn thanh tra đang thực hiện. Ngoài ra, trong báo cáo của TTCP ngày 30-3-2012 gửi phó thủ tướng về việc bổ nhiệm vụ trưởng Vụ III đối với ông, ngoài nêu những ưu điểm, có đoạn nêu: “Đồng chí Mẫn chưa thể hiện tính minh bạch, có nhiều vấn đề trong phát ngôn, gây tư tưởng không tốt cho nội bộ đơn vị”. Điều này được giải thích thế nào, thưa ông?
+ Từ năm 2011 đến nay, tôi là người trong sạch, liêm khiết và có cống hiến nhiều nhất nên các lãnh đạo TTCP đã giao tôi làm quyền vụ trưởng Vụ III. Anh hãy đọc báo cáo phần ưu điểm: Quan điểm chính trị rõ ràng, chấp hành tốt cương lĩnh điều lệ, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; đạo đức lối sống lành mạnh, chưa có biểu hiện tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.
‘Tôi liêm khiết nhất ngành thanh tra’ - ảnh 1
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về quy trình bổ nhiệm ông Mẫn năm 2012.
Còn có người báo cáo lên tôi suy thoái biến chất là báo cáo méo mó. Nói tôi phát ngôn có vấn đề, gây tư tưởng không tốt cho nội bộ cũng là báo cáo méo mó. Đáng lẽ họ làm công minh, chính trực trong làm quy trình thì tôi đã là vụ trưởng lâu rồi. Vì vậy Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đó mới yêu cầu TTCP báo cáo.
Chưa động đến cây kim sợi chỉ của ai
. Nhưng theo báo cáo trên, quy trình bổ nhiệm trên đối với ông là dân chủ, khách quan, đúng quy định. Theo đó, 9/10 người không đồng ý ông giữ chức vụ trưởng Vụ III, vậy ông nghĩ sao?
+ Tôi trao đổi để cho rõ là nếu làm quy trình công minh thì tôi là người xuất sắc nhất, liêm khiết và cống hiến nhiều nhất cho ngành thanh tra thì giờ tôi đã là vụ trưởng. Bởi lúc tôi là quyền vụ trưởng từ năm 2011, tôi là trưởng đoàn thanh tra của năm đoàn, trong đó có thanh tra diện rộng về kiên cố hóa trường học cho cả nước, sau đó trường học trên cả nước được khang trang.
40 năm nay tôi chưa bao giờ có vi phạm khuyết điểm nào. Tôi chỉ có thành tích đối với Đảng, nhân dân và đặc biệt đối với ngành thanh tra. Rất tiếc tôi đang là trưởng đoàn thanh tra nên tôi không tiếp anh được. Chứ tôi là cán bộ thanh tra cao cấp đầu tiên chưa động đến cây kim sợi chỉ của ai. Tôi bị thương, bị mổ mấy lần nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ sự trong sạch của ngành thanh tra. Anh hãy chờ tôi kết thúc đoàn thanh tra (ĐH Quốc gia TP.HCM - PV), tôi sẽ tiếp anh và chứng minh là tôi không vi phạm gì. Tôi dù sức khỏe yếu nhưng tôi đã trọn đời đóng góp cho ngành thanh tra.
. Còn việc có công văn ngày 31-1-2013 của phó tổng TTCP yêu cầu vụ trưởng Vụ III tổ chức kiểm điểm, chỉ rõ việc tố cáo của ông đối với một phó vụ trưởng Vụ III là không đúng, không có cơ sở, ông có ý kiến gì?
+ Cái này giờ tôi chưa trả lời. Rất tiếc giờ tôi đang là trưởng đoàn thanh tra nên không thể tiếp anh chứ sau này kết thúc đoàn thanh tra rồi tôi sẽ chứng minh cho anh thấy tôi không tố cáo ai, tôi không sai gì.
Tôi là một trong những cán bộ làm nhiều việc lớn cho ngành thanh tra. Tôi là người duy nhất kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện tha hóa khác. Tôi chưa từng vi phạm kỷ luật gì. Họ hoàn toàn bịa đặt vu khống cho tôi, câu kết để cố tình bôi nhọ thanh danh, truyền thống cách mạng, yêu nước hàng trăm năm nay. Tôi cảm ơn nhà báo đã trao đổi. Tôi có thể khẳng định luôn tôi là người chống tham nhũng mạnh mẽ bởi tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước.
. Xin cám ơn ông.
Chiều 25-11, một lãnh đạo TTCP cho biết liên quan đến các phát ngôn được cho là ông Mẫn nói tại buổi công bố quyết định thanh tra ĐH Quốc gia TP.HCM TP đang xôn xao trên mạng thì Tổng TTCP Phan Văn Sáu đã có chỉ đạo làm rõ các phát ngôn của ông Mẫn và yêu cầu ông Mẫn báo cáo giải trình sự việc có liên quan.
NGUYỄN ĐỨC


Vụ ông Nguyễn Minh Mẫn: “Luật Báo chí không cấm phóng viên gọi ngoài giờ”

Đó là ý kiến của Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật Bắc Nam (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) quanh câu chuyện phát ngôn của ông Nguyễn Minh Mẫn (Quyền Vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ trả lời báo chí.
Trước đó, Báo Pháp Tp Hồ Chí Minh đăng bài với nội dung: Chiều tối cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại về các phát ngôn liên quan đến việc bưng bít thông tin đối với báo chí, ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ III , nói: “Tôi đang là trưởng đoàn thanh tra nên tôi không nói gì. Tôi cũng không trả lời qua điện thoại. Tôi không biết anh có phải là nhà báo chân chính hay không. Anh gọi tôi giờ này là không còn giờ làm việc nhá, anh coi lại Luật Báo chí đi”. (PV gọi nhiều lần trong ngày nhưng máy ông Mẫn bận, đến 18 giờ 14 phút cùng ngày mới gọi được ông Mẫn.)
Ông Mẫn nói thêm: “Tổng Biên tập của báo Pháp Luật là cậu tôi đó. Anh muốn hỏi gì cứ hỏi tổng biên tập”. Khi PV giải thích là công tác ở Pháp Luật TP.HCM, ông Mẫn nói: “Vậy báo anh là cơ quan nào chủ quản?”. PV trả lời là Sở Tư pháp TP.HCM, ông Mẫn nói tiếp: “Vậy anh cứ hỏi giám đốc Sở sẽ biết tôi là ai”. Khi PV muốn liên hệ gặp ông Mẫn tại cơ quan để phỏng vấn, ông Mẫn nói: “Tôi đang là trưởng đoàn thanh tra nên tôi không tiếp nhà báo. Còn các thông tin trên mạng là bịa đặt”.
Căn nguyên là trên mạng xã hội xuất hiện Videoclip được cho là lời ông Nguyễn Minh Mẫn có nội dung xúc phạm các nhà báo chân chính.
Để góp tiếng nói từ góc nhìn pháp luật, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Danh Huế về vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)
- Thưa luật sư, cộng đồng đang nóng chuyện phát ngôn của ông Nguyễn Minh Mẫn, quyền vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ tại buổi công bố kết luận thanh tra, càng nóng hơn với những lời ông trẻ lời báo chí. Quan điểm của luật sư thế nào?
- LS. Nguyễn Danh Huế: Theo tôi đây là phát ngôn trái thiếu chuẩn mực của một lãnh đạo cấp vụ.
- Trong lời nói, ông Mẫn có nói "báo chí không gọi ngoài giờ". Thưa luật sư, Luật Báo chí có cấm phóng viên gọi ngoài giờ hay không?
- LS. Nguyễn Danh Huế: Theo quy định của Pháp luật hiện hành thì không có quy định nào cấm các nhà báo gọi ngoài giờ làm việc, đặc biệt đối với những vụ việc nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm thì việc cung cấp thông tin cho báo chí cần phải nhanh chóng, kịp thời, người có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí không thể lấy lý do ngoài giờ làm việc để trốn tránh trách nhiệm cung cấp thông tin.
Tuy nhiên khi cần phỏng vấn thì các Nhà báo cũng cần thông báo trước cho người được phỏng vấn biết về mục đích, nội dung, yêu cầu của cuộc phỏng vấn, nếu không thông báo trước thì phải được người trả lời phỏng vấn đồng ý theo quy định tại điều 40 Luật Báo Chí năm 2016.
Trong luật báo chí quy định cung cấp thông tin cho báo chí là quyền và nghĩa vụ của cá nhân và tổ chức. Theo luật sư, cần hiểu thế nào về quy định này?
- LS. Nguyễn Danh Huế: Điều 25 Luật Báo Chí năm 2016 quy định: “…Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhà báo trừ những tư liệu, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật” Bên cạnh đó , Điều 38 Luật Báo Chí 2016 quy định:
1.Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây:
a) Thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
c) Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố”;
Như vậy, có thể hiểu rằng trả lời báo chí là quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trừ những trường hợp kể trên. Tuy nhiên, những việc không liên quan, những cá nhân không liên quan không thể “mượn cớ” này để cản trở báo chí phản ánh thông tin.
Nếu các cá nhân có quyền và nghĩa vụ trả lời báo chí nhưng không trả lời, viện cớ không trả lời, báo chí có nên dẫn nguyên văn phản ánh đúng thái độ này hay không?
- LS. Nguyễn Danh Huế: Pháp luật đã quy định rất rõ các trường hợp những người có trách nhiệm phải cung cấp thông tin và trả lời báo chí. Việc những người này cố tình không trả lời hoặc viện các lý do để trốn tránh trách nhiệm là hành vi coi thường Pháp luật. Những hành vi này cần được các cơ quan báo chí phản ánh lại, dẫn nguyên văn và phản ánh lại đúng thái độ của người đó để làm căn cứ để xử lý theo quy định của Pháp luật.
- Xin cảm ơn Luật sư!

Hồng Chuyên (thực hiện)

Thanh tra việc ông Huỳnh Phong Tranh dồn dập bổ nhiệm cán bộ

28/10/2016 08:04 GMT+7
TTO - Thanh tra Bộ Nội vụ vừa kết thúc đợt thanh tra công tác cán bộ tại Thanh tra Chính phủ, trong đó có làm rõ việc ông Huỳnh Phong Tranh (nguyên tổng thanh tra) trước khi về hưu đã bổ nhiệm cán bộ cấp vụ, cấp phòng dồn dập.

Thanh tra việc ông Huỳnh Phong Tranh dồn dập bổ nhiệm cán bộ
Ông Ngô Văn Khánh, phó tổng Thanh tra Chính phủ, trả lời tại cuộc họp báo ngày 27-10 - Ảnh: T.HOÀNG
Xác nhận với Tuổi Trẻ thông tin trên, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 do Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức ngày 27-10, ông Ngô Văn Khánh - phó tổng TTCP - cho biết theo yêu cầu, TTCP đã có báo cáo đầy đủ gửi đoàn thanh tra; việc kiểm tra, kết quả thanh tra như thế nào chưa được 
công bố.
Thừa cấp phó
Theo quy định của nghị định 178, “số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức thuộc bộ không quá ba người”. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, tại nhiều cục của TTCP có số lượng cấp phó vượt quá quy định.
Cụ thể tại Cục III đang có số lượng cán bộ cấp phó là sáu người, gấp đôi so với quy định; Cục Chống tham nhũng có bốn cán bộ cấp phó; Cục I và Cục II có bốn cán bộ cấp phó; Ban tiếp công dân cũng có bốn cán bộ giữ chức vụ phó trưởng ban...
Trong chỉ đạo của Ban Bí thư về kết quả kiểm điểm nghị quyết trung ương 4 với Ban cán sự Đảng TTCP có nêu rõ trong công tác cán bộ cần thực hiện điều chuyển cán bộ từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Tuy nhiên, trong thời gian sáu tháng trước khi nghỉ hưu, ông Huỳnh Phong Tranh đã bổ nhiệm 35 cán bộ thanh tra, trong đó nhiều cán bộ cấp phòng, cấp vụ được bổ nhiệm mới mà không thực hiện điều chuyển từ “nơi thừa sang nơi thiếu”.
Thanh tra việc ông Huỳnh Phong Tranh dồn dập bổ nhiệm cán bộ
Ông Huỳnh Phong Tranh - Ảnh tư liệu 
Trả lời về việc bổ nhiệm cán bộ như trên có trái với kiểm điểm nghị quyết trung ương 4 và nghị định của Chính phủ hay không, ông Hoàng Hưng - phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ TTCP - cho biết công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện bình thường, số lượng 35 cán bộ được ông Tranh bổ nhiệm trước khi về hưu nằm trong số biên chế được cơ quan nhà nước giao.
Theo ông Hưng, việc các cục trong TTCP đang thừa cán bộ cấp phó đã tồn tại từ nhiệm kỳ trước. “Thời điểm này chúng tôi đang khắc phục, đến nay còn bốn cục đang thừa cấp phó, trong quá trình sắp xếp bố trí cán bộ sẽ được điều chuyển và sắp tới cũng có một số lãnh đạo cục nghỉ hưu” - ông Hưng nói.
Về lý do không thực hiện điều chuyển cán bộ “từ nơi thừa sang nơi thiếu”, ông Hưng giải thích: “Chúng tôi khẳng định những đơn vị thừa không bổ nhiệm thêm. TTCP cũng thực hiện nghiêm túc sau kiểm điểm nghị quyết trung ương 4, có những quy định như thế nhưng trong quá trình sắp xếp bố trí điều động bổ nhiệm, có nhiều cách sắp xếp, điều động thì phải chọn người phù hợp nhiệm vụ chuyên môn, không thể để cục phó cục chống tham nhũng sang làm tạp chí được”.
Bổ nhiệm vụ phó “phụ trách” vụ trưởng
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, thời điểm trước khi ông Huỳnh Phong Tranh nghỉ hưu đã có một số quyết định bổ nhiệm cán bộ bất hợp lý gây bức xúc.
Đầu tháng 3-2016, ông Tranh ký quyết định số 518 bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Mẫn, phó vụ trưởng Vụ III, phụ trách vụ này.
Tại thời điểm đó, ông Ngô Văn Cao vẫn đang là vụ trưởng Vụ III, chưa có quyết định nghỉ hưu, đến tháng 6-2016 ông Cao mới nghỉ hưu. Do đó tại Vụ III đã tồn tại câu chuyện vụ phó “phụ trách” vụ trưởng trong ba tháng.
Giải thích về việc này, ông Hưng cho biết thời điểm trước khi nghỉ hưu, ông Cao có đơn xin nghỉ phép đi chữa bệnh. Vì vậy, Ban cán sự Đảng TTCP phải bố trí người điều hành đơn vị và cũng thuận lợi cho bàn giao công việc sau này.
Tuy nhiên, theo tài liệu mà Tuổi Trẻ có được, thời điểm trước khi nghỉ hưu, ông Cao vẫn đi làm và điều hành công việc của Vụ III.
Theo thông báo số 73 do ông Cao ký ngày 20-5-2016 thể hiện rõ ông đang điều hành công việc bình thường, do đi công tác nên ủy quyền cho ông Nguyễn Hữu Nhường - phó vụ trưởng Vụ III - điều hành, giải quyết công việc của vụ.
Vẫn bổ nhiệm cấp phòng trong vụ
Theo nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, tiếp đó là quyết định 2218 của Thủ tướng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đều quy định rất rõ về việc “bỏ cấp phòng trong vụ của tổng cục và tương đương”.
Tuy nhiên, tại thời điểm trước khi về hưu, nguyên tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh đã bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, lãnh đạo cấp phòng trong vụ.
Cụ thể, TTCP bổ nhiệm một trưởng phòng và ba phó phòng trong Vụ Tổ chức cán bộ, một trưởng phòng và một phó phòng trong Cục II, một trưởng phòng và một phó phòng trong Vụ Pháp chế...
Trả lời về việc bổ nhiệm như vậy có đúng quy định hay không, ông Hưng nói: “Thông tin thì nhà báo nắm được rồi, trong câu hỏi nhà báo cũng nắm được rồi”.
THÂN HOÀNG

Không có nhận xét nào: