Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 40)
Paris có một đường sinture dài 35 km bao bọc lấy nội ô Paris. Đường này phải thi công tới 17 năm mới xong. Con đường vòng tròn khép kín Paris ấy là để khi nào kẹt đường trong nội ô, người lái xe có thể chạy ra đường vòng cung để thoát và lại tiếp tục vào nội ô nơi không kẹt đường. Ngoài vòng trỏn 35 km đó là ngoại ô Paris. Vẫn nhà cửa san sát nối liền với nội ô làm nên vùng Il de France tới 11 triệu dân mà ta quen gọi là vùng Paris. Nhưng ở vòng ngoài 35 cây số đó thì vùng ngoại vi Paris thuộc các đơn vị hành chính khác, thuộc tỉnh khác. Trong nội ô chỉ có hơn 2 triệu dân. Như thế quản lý mới dễ. Thủ đô của một nước lớn như nước Pháp cũng chỉ quản lý hơn 2 triệu dân trong vòng 35 km. Thủ đô Hà Nội của ta mở rộng đến tận huyện Thạch Thất, Hà Tây, chùa Tây Phương ở trên núi cũng thuộc Hà Nội, Mê Linh quê hương Hai Bà Trưng ngày nay cũng thuộc Hà Nội thì đó là một ý tưởng quái thai. Quốc hội đều cũng thông qua qui hoạch ấy vì quốc hội Việt Nam thực chất là tên đầy tớ đê tiện nhất của đảng độc tài. Con cháu chúng ta sau này sẽ nguyền rủa việc mở rộng Hà Nội một cách lưu manh như thế vì các lợi ích nhóm trong Đảng. Chắc chắn sau này Thạch Thất, Mê Linh lại trở về với Hà Tây. Tôi tin là như thế. Lúc còn sống ông Kiệt cũng kịch liệt phản đối việc này.
Nhà báo Thâu và Hải, chủ nhân tạm bợ của ngôi nhà số 5, Rue de Tremple Villeneuve la Garremme đã sống buồn tẻ trong ngôi biệt thự này. Hàng ngày các anh phải nấu lấy để ăn uống, sinh hoạt. Anh Thâu vừa nấu ăn vừa chữa các bếp điện, vừa chửi: – Ở Paris, người mua nhà thì bắt chủ cũ phải vứt hết các cái bếp này đi, vậy mà bọn tài vụ của ông Hạnh lại phải trả tiền cả những cái bếp vứt đi này. Giá tính lại cao hơn giá mua bếp mới! Chúng nó ăn cũng phải vừa phải thôi chứ, phải nghĩ đến người khác chứ, ai mà đun nấu nổi bằng cái thứ bếp đã nát hỏng giữa Paris giá lạnh thế này!
Thực chất như anh Thâu nói thì không cần đến cái Cơ quan thường trú với cái villa này, chỉ cần một phóng viên thường trú của Đài, ở bên Sứ quán ta như thường trú báo Nhân Dân là đủ.
Anh Thân nói rất đúng. Nhưng Trần Mai Hạnh và bậu xậu của y phải vẽ ra mua nhà, sắm xe, mua cả máy móc như thu thanh, phát thanh như một cái đài phát thanh thì chúng mới lấy được tiền nhà nước và ăn chia với nhau được. Thấy nhà sang quá, tôi hỏi Thâu, sếp Hạnh sang đây ở phòng nào? Thâu bĩu môi nói: “Chưa bao giờ ở đây cả, hắn thuê khách sạn 5 sao trong nội ô Paris ở!!!”
Đúng là cái anh nhà quê mắt toét, nghèo đói, khi được làm quan (ủy viên trung ương) thì tìm mọi cách để vơ vét và hưởng thụ là thế! Những điều mỹ miều bọn chúng nói trên diễn dàn chỉ là bịp bợm mà thôi. Nhưng nguy hiểm nhất là chúng luôn luôn dọa Nhà nước rằng: “phải phát triển cơ quan ngôn luận để đối phó với các thế lực thù địch trên mặt trận thông tin, để giữ vững chế độ, bảo vệ chế độ…”!!! nói đến việc “bảo vệ chế độ”, thì bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của dân đóng thuế cũng đem ra tiêu xài không thương tiếc. Thời Trần Mai Hạnh, y đã mua nhà ở Paris, ở Băng Cốc, ở thủ đô Ai Cập để lập cơ quan thường trú của Đài, những thứ hoàn toàn là bịp bợm. Chỉ có những người trong ngành phát thanh và truyền hình thì mới biết là nó vô tác dụng, chỉ để đốt tiền của dân. Những ngày ở ngôi biệt thự số 5, Rue du Tremple Villeneuve, chúng tôi nhặt củi ở vườn sau nhà, đưa vào lò sưởi ngay trong nhà (kiểu lò sưởi ở các nhà cổ của Pháp ở Hà Nội cũng có) để đốt, vừa uống rượu, vừa ăn thịt cừu nước, nói chuyện đến 1-2 giờ sáng mới ngủ. Sáng hôm sau, Thâu và Hải ngủ đến 9-10 giờ. Những đêm như thế, Thâu thường kể cho tôi nghe đủ chuyện ở Paris. Thâu biên chế bên Bộ Công an. Cơ quan báo chí nào đi thường trú thì “mượn” anh đi làm trưởng cơ quan đại diện ở nước đặt thường trú. Anh vui tính và lúc đó đã khoảng 40 mà chưa lập gia đình vì cứ phải đi “thường trú” xa. Thâu kể, TBT Lê Khả Phiêu sang đây chả ai đón tiếp cả, xuống sân bay, cả bậu xậu phải về một khách sạn ở ngoại ô để ở. Vì Pháp là nước đa đảng, TBT của một đảng không phải là nguyên thủ quốc gia thì chẳng có lý do gì để người ta phải tiếp. Đồng bào ở Paris rất muốn coi mặt ông vua nước Nam mình mổm ngang mũi dọc ra sao mà chẳng có báo chí truyền hình nào nó đưa một giọt tin. Năn nỉ mãi để Tồng thống Jacques Chirac tiếp, nể lắm mới được diện kiến 45 phút. Nhưng nguyên thủ nước ngoài người ta tiếp khách là chuyện lớn, phải có nội dung hai bên mua bán cái gì, ký kết hợp đồng làm ăn giữa hai quốc gia ra sao mà mình thì đòi tiếp xã giao. Ở nước Pháp không có chuyện một Tổng thống lại tiếp xã giao ai bao giờ. Vì thế, cuộc đón tiếp rất khiên cưỡng và bẽ bàng. Vậy mà, với 45 phút đó, báo chí trong nước tung hô rầm rĩ là Phiêu được đón rước long trọng.
Thâu rất vui và rất trung thực. Có sáng tôi dậy sớm, thấy bát đĩa ăn hôm qua còn vứt ngổn ngang, tôi thu dọn đem rửa. Thâu dậy thấy thế nói ngay: – Anh là khách của tôi, đừng làm thế!
Hôm tôi về, cả hai anh Thâu và Hải đều đi tiễn. Cà hai đều khuyên tôi ở lại chơi thêm. Các anh đều muốn về nước sớm. Hải thì có vợ con ở Hà Nội, Thâu thì chưa vợ (Mới đây tôi được tin Thâu đã lập gia đình, thật vui!).
Sau hội nghị Paris, sau cả 30.4.1975, chú tôi vẫn chưa được về nước dù đi thường trú nước ngoài từ sau hòa bình 1954, vì chưa cử được người qua thay. Đến cuối 79 đều 80, thì tai họa đến với ông. Một lá thư của ông Hoàng Văn Hoan gửi cho ông do biết nhau từ khi ông đi thường trú ở Bắc Kinh sau 1954. Chú Năm tôi nói: – Suy nghĩ mãi, chú đem bức thư đó trình với tổ chức, với ý nghĩ là mình trung thực, báo cáo mọi điều với Đảng, không giấu giếm điều gì. Không ngờ có người bạn thân, mật báo với ông là ông sẽ được đưa sang điều trị tại Đông Đức, nhưng đó là cái cớ. Chỉ cần tới Đông Đức là sẽ có an ninh kè ông về Hà Nội, và khi bước xuống sân bay sẽ bị còng tay ngay. Hết đường tiến thoái, ông xin tị nạn và ở lại Paris.
Khi Thông tấn xã VN tổ chức công bố kỷ luật ông, tôi còn ở Hà Nội và đến dự. Tội danh của ông là “phản quốc”.
Một lần ông dẫn tôi đi chơi tháp Eiffel, một tên police (cảnh sát) đến hỏi: – Ngài có phải là người Trung Quốc không? Ông nổi nóng, mắng tên police này và nói: “Tao là người Việt Nam”, “nhưng nếu mày cần dịch tiếng Trung thì tao dịch hộ”. Tên police xin lỗi, nhưng nó vẫn nhờ ông dịch hộ vì nó vừa giữ một người Hoa, nghi là nhập cư trái phép. Dịch hộ thằng police mắc dịch này xong, ông bảo với tôi: – Chú cứ nói đại rằng tên người Hoa kia có nhà ở phố X, quận Y để cứu nó. Nhưng thực ra nó nhập cư trái phép, đi bán dạo mô hình tháp Eiffel.
Sau chuyến đi Paris, về Hà Nội, tôi tuyên bố với cả dòng họ, Lê Phú Hào không phản quốc, vì người ta hỏi ông có phải người Trung Quốc không, ông đã chửi và tự hào xưng là người Việt. Ông chỉ phản Đảng mà thôi. Vậy mà cái dòng họ Lê Phú của tôi, đa phần là đảng viên, lúc đó đã gạch tên Lê Phú Hào và Lê Phú Khải trong gia phả nhà họ Lê Phú. Đó có lẽ là cuốn gia phả duy nhất ở Việt Nam mà cháu đích tôn của dòng họ và chú ruột của nó bị gạch tên trong gia phả. Bây giờ, những người ở thế hệ trước đã ra đi tất cả, không ai biết là ai đã gạch tên Lê Phú Hào và Lê Phú Khải. Nhà văn Phạm Đình Trọng có nói trong một bài viết là “Đảng Cộng sản chia rẽ khối đoàn kết dân tộc”, tôi phải viết thêm là “chia rẽ đến cả các dòng họ, các gia đình…”, mà dòng họ Lê Phú của tôi là một ví dụ! Bây giờ cái học thuyết đấu tranh giai cấp đã sụp đổ tan tành, xem ra dòng họ nhà tôi lại hòa hợp!
Sau khi ở lại Paris, chú tôi sống trong nỗi buồn xa xứ. bà Bích Ngọc, người vợ mới của ông đã chia sẻ với ông những ngày cuối đời. Bản thân bà cũng là một nỗi buồn mênh mông. Vốn là một cô gái nhan sắc nghiên thành, con nhà giàu có ở Nam Định, thời quân Tưởng tràn sang ta, một tên sĩ quan cao cấp Tưởng Giới Thạch vu oan cho em bà ăn cắp súng và định đem xử bắn. Hắn chỉ tha tội chết cho em bà nếu bà chịu lấy hắn! Thương em, gia đình ép bà phải lấy tên sĩ quan này. Hắn đem bà về Trung Quốc, nhưng sau đó tên sĩ quan này lại theo Hồng quân Trung Hoa, làm đến cấp tướng nên sau hòa bình 1954 bà được sứ quán ta ở Bắc Kinh cho vào làm việc ở sứ quán. Bà quen biết chú tôi từ đó. Sau này bà được ông Phạm Văn Đồng bảo lãnh cho đi Paris để nhận gia tài của một người anh rể sắp mất. Trái đất tròn, bà lại gặp Lê Phú Hào ở Paris, và trong cơn hoạn nạn, họ lại tìm đến nhau.
Trong một loạt bài đăng trên báo An ninh Thế giới (1998), để phê phán các cán bộ cao cấp VN tị nạn tại Pháp như Vũ Hùng ở Bộ Văn hóa, Bùi Tín ở báo Nhân Dân, Lê Phú Hào ở Thông tấn xã VN, tác giả đã mượn câu chuyện éo le của bà Bích Ngọc để khai thác câu khách trong bài viết về Lê Phú Hào (không dám dùng tên, chỉ viết tắt là LPH), xin trích nguyên văn: “LPH là một phóng viên kỳ cựu, một cán bộ có trách nhiệm trong ngành thông tin tuyên truyền của VN, đã đào nhiệm năm 1979. LPH phụ trách bộ phận thông tin báo chí của VN tại Pháp. LPH có lẽ là một trong số những phóng viên VN đầu tiên được ra nước ngoài công tác. Đó là vào những năm 50, khi VN mở Đại sứ quán ở Trung Quốc. LPH phụ trách báo chí tuyên truyền của Đại sứ quán. Công việc cũng tỏ ra rất hợp với một thanh niên trẻ, đẹp trai và nhiệt huyết. Đại sứ quán lúc đó chỉ có gần chục người nên công việc bề bộn, vất vả. Một thời gian sau trong Đại sứ quán xuất hiện một phụ nữ VN trẻ đẹp giúp việc. Chị có cái trên rất đẹp: Nam Hồng (bông hoa hồng nước VN), được bạn giới thiệu vào làm việc giúp ĐSQ. Chị kể, chị có một cuộc đời đắng cay, quê ở Nam Định, gia đình thuộc loại giàu có. Năm 1945, khi quân Tàu Tưởng tràn vào để giải giáp quân Nhật, chị mới 15 tuổi. Tên thiếu tá chỉ huy quân Tàu Tưởng gần nhà chị, thấy chị có nhan sắc liền tìm cách ép gia đình phải gả chị cho hắn làm vợ bé. Hắn vu cho em trai chị (13 tuổi) ăn cắp súng của quân Tàu tưởng và dọa sẽ đưa ra xử bắn. Để cứu em và gia đình, chị buộc phải nhận lời. Năm 1946, khi quân tưởng rút về nước, tên sĩ quan đưa chị về Trung Quốc. Do không chịu được sống chung, chị đã mang 2 đứa con gái đi theo phục vụ (nấu ăn, văn nghệ) cho quân giải phóng quân Trung Quốc. Khi Trung Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, chị được giới thiệu vào làm việc ở Đại sứ quán VN tại Bắc Kinh. Tuy đã có hai con nhưng chị còn rất trẻ (ngoài 20 tuổi) và đẹp nên được nhiều cán bộ trong đại sứ quán ta có cảm tình. Với kinh nghiệm từng trải, chị đã dễ dàng chinh phục được LPH và hai người đã có những năm tháng hạnh phúc trên đất khách quê người. Họ dự tính sẽ đi đến hôn nhân. Đầu năm 1960, LPH hết nhiệm kỳ công tác, trở về nước, còn Nam Hồng tiếp tục ở lại làm việc trong ĐSQ. Họ vẫn tiếp tục thư từ cho nhau. Nhưng gia đình LPH, một gia đình danh giá, đã phản đối quyết liệt mối tình này và thu xếp để LPH lấy một cô gái khác…” (An ninh Thế giới, số 83 ngày 17/7/1998, trang 1 và 28). Tác giả N.D.C. viết như thế. Có những chi tiết bịa đặt hoàn toàn như “thu xếp để LPH lấy một cô gái khác”. Trong khi Lê Phú Hào đã có vợ từ trong kháng chiến chống Pháp. Bà vợ tên là Hồng và con gái tên là Thủy, lúc đó bà là cán bộ của Thông tấn xã VN tại Hà Nội! Báo chí cộng sản độc quyền nên tha hồ nói láo, không ai dám bắt bẻ, vì thế họ rất sợ tự do báo chí, sợ sẽ có kẻ vả vào mồm họ!
Những ngày lưu vong buồn chán, chú tôi mượn âm nhạc để gửi gắm tâm tư. Nhà ông tôi thấy toàn nhạc cụ. Đàn Organe, violon, guitar, mandolin, nhị, sáo, đàn bầu, trống. Ông chơi điêu luyện các nhạc cụ này. Ở nhà ông tôi thấy luôn có người đến nhờ lên dây đàn đủ loại. Ông kể, hồi thím ốm, nằm bệnh viện, chú đến thăm nuôi và đem cây đàn mandolin theo, đến giờ nghỉ trưa, đem ra chơi. Bọn tây đầm thấy chơi hay quá, chúng ôm nhau nhảy, có đứa còn bảo: – Tao mong vợ mày bệnh quanh năm!
Duy có một nhạc cụ, tôi phải “mách” để các nhà nghiên cứu âm nhạc VN chú ý, đó là cây nhị. Chuyện là thế này, một hôm ông chú tôi thấy cô đầm hàng xóm sang chơi, đem theo một hộp bánh. Ở Pháp không ai tự dưng sang chơi nhà hàng xóm bao giờ. Nhà nào biết nhà nấy. Biết là có chuyện nên ông chú tôi nhận quà và chờ đợi. Sau một hồi nói chuyện không đâu vào đâu, cô đầm hàng xóm mới nói thật. Cô ta chỉ vào cây nhị treo trên tường và khẩn khoản xin ông chú tôi đừng bao giờ kéo cây đàn ấy! Cô kể rằng, mỗi khi nghe tiếng ở cây đàn ấy phát ra âm thanh thì đứa con gái 5 tuổi của cô đều khóc. Nó khóc thút thít rất tội nghiệp.
Vậy là “cái thú đau thương” (Phạm Duy) của một tâm hồn Việt Nam lưu lạc, mượn cây nhị để giải bày, của chú tôi cũng không còn nữa. Nước Pháp, một đất nước văn minh, có cuộc sống hạnh phúc, với khẩu hiệu: “Joie de vivre” không có không gian nào cho cây đàn nhị VN rầu rĩ nữa.
Chú tôi đã sống những ngày cuối đời ở Paris hoa lệ trong cảnh nghèo mà không được buồn cùng cây nhị Việt Nam. Sở dĩ tôi nói chú tôi nghèo vì ngoài tiền trợ cấp cho người già, ông không còn khoản nào nữa trừ ít phụ cấp của bảo tàng Louvre do ông có vài năm làm giảng viên cho Trường Louvre. Bảo tàng Louvre có một trường đào tạo nhân viên riêng. Giảng viên của trường này là những trí thức tên tuổi của Paris. Chỉ có hai người châu Á được nhận làm giảng viên ở đây, trong đó có 1 người Nhật Bản và chú tôi, nhờ ông biết đến 5 ngoại ngữ thành thạo. Với góc nhìn của người Pháp thì Lê Phú hào là một công dân Pháp (quốc tịch Pháp) biết tới 5 ngoại ngữ: Việt, Hoa, Anh, Tây Ban Nha, Nga. Chính diễn văn của Fidel Castro năm 1959 được phổ biến ở Việt Nam là do Lê Phú Hào dịch từ tiếng Tây Ban Nha. Nhà báo VN đầu tiên đi thường trú nước ngoài và biết 5 ngoại ngữ thành thục đó đả yên nghỉ trong nghĩa trang Pere Lachaise năm 2008 (nơi yên nghỉ của Chopin). Thấy tôi quan tâm đến vấn đề dân chủ hóa đất nước, trước lúc chia tay ông bảo tôi: “Cháu cứ yên tâm về nước, dân nào thì chính phủ đó, Internet sẽ dân chủ hóa đất nước”. Nghĩ đến tình hình đất nước hiện nay, tôi thấy lời ông thật chí lý.
Sau chuyến đi năm ấy (2001), về tới Sài Gòn, tôi đến cơ quan, gặp giám đốc Đào Quang Cường và trả lại ông 100 đô la. Tôi nói, lúc đi ông tặng tôi 100 đô la, tôi nhận, nay đi về không tiêu đến đồng tiền của ông nên tôi trả lại, cám ơn ông. Giám đốc Cường nói: – Có 100 đô la mà cũng trả lại. Tôi nói: – Ở bên ấy 100 đô cũng quí. Tôi đổi 200 đô la ra đồng franc, rủ ông chú tôi đi uống cà phê, lúc trả tiền tính ra đến 30.000 đồng VN một ly! Chú tôi kêu “nó chém” quá (giá năm 2001). Trong khi đó thì đồng bào bên ấy lấy làm kinh ngạc người ở VN qua Paris “tiêu tiền như đốt pháo”!
Tôi kết thúc câu chuyện với giám đốc Cường bằng việc kể về con trai ông Trần Đức Lương qua Paris đốt tiền. Một hôm, bà thím tôi đi đâu về hốt hoảng nói: – Trần Đức Lương ở VN làm gì hả cháu? Tôi nói, làm chức như ông Jacques Chirac ở Pháp hiện nay. Bà thím tôi lắc đầu: Hèn chi thằng con nó sang đây tiêu tiền đến triệu phú ở Paris cũng phải kinh hồn khiếp vía!
(Còn tiếp)
Đọc tất cả những bài đã đăng ở tại trang: Lời Ai Điếu
Đọc bài trước:Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 39)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét