Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

RFI: Castro tắt thở, Cuba thở phào; « Bội tình » : hệ quả của phát triển kinh tế thần kỳ Trung Quốc ?


Minh Anh


mediaẢnh vẽ Fidel Castro tại một khu chợ ở Managua, Nicaragua, 27/11/2016REUTERS/Oswaldo Rivas
Fidel Castro ra đi đã được một tuần, nhưng báo chí Pháp vẫn chưa ngớt lời nói về ông. Mỗi tuần báo đều tìm cách khai thác một khía cạnh nào đó về cuộc đời và sự nghiệp chính trị. Nhìn chung các tuần báo đều phê phán tính cách "hai mặt" của con người được đánh giá là nhân vật lịch sử của thế kỷ XX.
Một xác ướp đã chết
« Những ngày cuối cùng của Viejo » là tựa đề bài viết trên L'Obs. Tuần báo trích một phần trong quyển sách đề tựa "Castro", tập tiểu sử mới của tác giả Serge Raffy sắp ra mắt độc giả Pháp vào ngày 14/12 tới đây. Theo tác giả, những năm gần đây, nhà độc tài Cuba đã bị mất trí nhớ. Phải chăng đó là cách tốt nhất để thoát bản cáo trạng mà các nạn nhân ngày nay đang đòi công lý ?
Phần cuối bài viết, tuần san trích nhận định nhà văn Leonardo Padura cho rằng, sự ra đi của Fidel Castro không phải là một sự kiện lớn ở Cuba. « Ông chưa bao giờ là anh hùng, mà chỉ là người làm trò múa rối ». Bóng ma của ông không như là bóng ma của Che, người đã ra đi ở độ tuổi xuân xanh, độ tuổi thanh niên đẹp nhất đời người, mà là cái bóng ma của một kẻ già nua vẻ mặt quạu quọ và run rẩy, xung quanh vây đầy mấy vị bác sĩ vồn vã. « Một xác ướp buồn ?», tuần báo đặt câu hỏi. 
Đối với Courrier International, với cái chết của cựu lãnh đạo, « nước Cuba đã được giải phóng » như hàng tít lớn trên trang bìa. Cũng giống như L’Obs, Courrier International không chỉ xem Fidel như là « một xác ướp », mà còn là « một xác ướp đã chết » như hàng tựa của bài xã luận. Đó là người đã làm cho đất nước điêu tàn sau hơn nửa thế kỷ cai trị với bàn tay sắt. Từ chỗ là một « vựa đường » của thế giới, Cuba buộc phải nhập khẩu đường. Từ vị trí là một nền kinh tế thứ 4 của châu Mỹ Latinh, ngày nay với chỉ có 11,5 triệu dân nhưng đất nước phải vất vả trong việc tự cung tự cấp các nhu yếu phẩm.
Nhưng giờ điều đáng lo nhất là cùng với sự ra đi vĩnh viễn của Fidel Castro, chiến thắng của Donald Trump có thể sẽ làm thay đổi cục diện tại Cuba. Tổng thống Mỹ tương lai cho biết sẽ xem xét lại việc nối lại bang giao do Barack Obama đưa ra. Nếu như ông Trump từ bỏ dự án hủy bỏ lệnh cấm vận, cả Hoa Kỳ và Cuba đều thiệt. Hoa Kỳ sẽ mất hết các triển vọng kinh tế. Còn đảo quốc vẫn sẽ bị đông lạnh. Cho dù là lần này « xác ướp » đã thật sự chết rồi như lời hài hước của nhiều người dân Cuba dành cho Fidel Castro.
Fidel : Nhà cách mạng thích lối sống xa xỉ
Dẫu sao thì trong vòng 90 năm hiện hữu (1926-2016) Fidel Castro cũng đã tạo cho mình «một huyền thoại và một nền độc tài » như hàng tựa nhận định của L’Express. Tuần báo mở hẳn một hồ sơ dài 24 trang bao gồm cả hình ảnh để nói về cuộc đời và sự nghiệp chính trị. Bắt nguồn từ một thảm họa kinh tế và bất ổn tinh thần, nhà lãnh đạo đã lừa phỉnh cả thế giới để đạt được mục tiêu duy nhất rất quan trọng đối với ông : đi vào Lịch sử. Cái chết của ông hôm thứ Sáu 25/11/2016 đã lộ rõ mặt tối của « người khổng lồ thế kỷ XX ».
Ngoài việc thuật lại những năm tháng cai trị đất nước với bàn tay sắt, trấn áp mọi tiếng nói đối lập, tuần báo trích đăng một đoạn trong quyển sách đề tựa « La vie cachée de Fidel Castro» (Mặt trái của Fidel Castro) nói về lối sống xa hoa của nhà lãnh đạo.
Không như những gì Castro tuyên bố cả đời ông chẳng có chút tài sản nào ngoài « túp lều cá» khiêm tốn. Theo lời kể của Juan Reinaldo Sanchez, cận vệ riêng của ông trong vòng 17 năm đồng bút ký sách với nhà báo Axel Gylden, « lều cá » mà ông nhắc đến trên thực tế là nơi nghỉ mát sang trọng, huy động mọi phương tiện hậu cần đáng kể để bảo đảm an ninh và bảo trì. Trích đoạn của L’Express còn cho thấy rõ những sở thích giải trí của ông ngang tầm với sở thích của một nhà đại tư sản.
"Theo Fidel thì được, chống Fidel thì không"
Tuần san L’Express có bài phỏng vấn đặc biệt với bà Juanita Castro, em gái của cố lãnh đạo Cuba. Năm nay 83 tuổi, hiện đang sống lưu vong tại Miami, bà sẽ không về dự tang lễ người anh. Trong tâm khảm của bà, người anh lý tưởng, nhà cách mạng Cuba Fidel Castro đã chết từ lâu, ngay từ những ngày đầu thắng lợi của cuộc cách mạng.
Ngoài việc chỉ trích chính sách cai trị độc tài của người anh, bà cho độc giả thấy rõ những cá tính độc đoán của Fidel Castro : một con người khép kín, không chấp nhận mọi sự trái ngược. « Bất kể ai đi ngược lại ý kiến, kế hoạch, dự án của ông đều trở thành kẻ thù không đội trời chung… dù đó là một người thân trong gia đình (…) Năm 1961, ông đã đưa ra một công thức, trở nên nổi tiếng, cho thấy rõ tính ngang ngạnh : Theo cách mạng thì được, chống cách mạng thì không. Nhưng trên thực tế, điều này phải được hiểu là : Theo Fidel thì được, chống Fidel thì không».
Khác với người em Raul - vui tính, hài hước, tình cảm, Fidel Castro là một người cô độc, chỉ nghĩ đến mình, ít cởi mở và nhất là ích kỷ. Bà Juanita Castro nhớ lại ngày Fidel Castro, lúc ấy còn là sinh viên được cha tặng một chiếc xe hơi mới. Thay vì chia sẻ niềm vui với các em, ông đã cấm họ đến gần xe. « Không một ai được chạm vào xe. Kể cả đó là người em Ramon, người đã dạy ông lái xe ».
Castro ra đi, Cuba nhẹ nhõm
Giờ ông thật sự đã ra đi, tương lai nào cho Cuba hậu Fidel Castro. Trao đổi với L’Express, sử gia Elizabeth Burgos, có một giai đoạn sống gần với những người thân cận của Lider Maximo, đã lạc quan suy nghĩ như sau :
« Barack Obama đã thông minh hiểu ra là giải pháp cho vấn đề có tính chất sinh học. Một khi Raul không còn nữa, con cháu của những người theo chủ nghĩa Castro, vốn dĩ cũng rất thực dụng sẽ phải bắt tay với các nhà tư sản Mỹ gốc Cuba, cũng là anh em dòng tộc của họ. Những người Cuba tị nạn sẽ mang về dòng tư bản, và những người ủng hộ Castro sẽ mang về các sổ danh bạ khách hàng – tại châu Mỹ Latinh, châu Phi hay châu Á, vì những người này đã được sắp đặt ở khắp nơi.
Định mệnh của Cuba sẽ là một cường quốc. Đảo quốc này sẽ trở thành cầu nối đối thoại giữa Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh. Ông Trump là người của tình huống lý tưởng. Cùng với những thế hệ lãnh đạo tương lai, ông Trump sẽ biết cách thương lượng các thương vụ. Tôi khá tin rằng một ngày nào đó sẽ có Trump Tower tại La Habana. Trái với những gì ứng viên tổng thống đảng cực tả Pháp Jean-Luc Melenchon đang nghĩ, người Cuba rất thích làm ăn với Trump ».
Nói tóm lại, « Castro tắt thở, Cuba thở phào », như tựa đề một bài viết trên tuần san Le Point, cho rằng lời hứa hẹn « một nền dân chủ nhân văn » đã bị biến thành nửa thế kỷ độc tài.
Khi cấm « Tự do ngôn luận » cũng bị toàn cầu hóa
« Tự do, tôi quên tên bạn rồi » là cảnh báo đáng buồn trên tuần san Courrier International. Tự do hóa và toàn cầu hóa dường như đã làm xói mòn các quyền cơ bản của con người. Tuần báo phối hợp với tổ chức nhân quyền Amnesty International trích dịch các bài báo quốc tế phác họa bức tranh tổng thể cho thấy tình hình « tự do ngôn luận đang lâm nguy » như hàng tít nhỏ trên trang bìa, tại nhiều nước trên thế giới.
Nếu như tại Nga, các nhà đấu tranh cho nhân quyền dự báo « một giai đoạn khó khăn », tố cáo « các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp đang bị tấn công một cách bài bản », thì tại Trung Quốc « một thời kỳ băng giá » đang ập xuống xã hội dân sự, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012. Các chiến dịch trấn áp các tiếng nói chỉ trích, các nhà bảo vệ nhân quyền đã diễn ra dồn dập với một tần suất chưa từng có, theo như tường thuật của tờ Trung Hoa Dân Chủ (Minzhu Zhongguo).
Trong khi đó tại các nước châu Phi, giới đồng tính lại là đối tượng tấn công như tại Magreb, Tunisia chẳng hạn. Tại Burundi, truyền thông trở thành công cụ đấu tranh cho phe đối lập, thì ngược lại tại Trung Đông giới phóng viên lại là mục tiêu của các vụ ám sát, mà ví dụ điển hình là tại Liban. Số lượng các phóng viên phóng sự bị sát hại ngày càng nhiều. Có 9/10 thủ phạm đều được tha bổng trong các vụ án. Nhất là tại Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ sau cú đảo chính hụt, làn sóng trấn áp đã lan sang cả các tờ báo đối lập.
Liên quan đến nước Mỹ, nhật báo Đức Der Spiegel kêu gọi « Ân xá cho Snowden ». Người báo động đã cho thế giới thấy rõ cách thức hoạt động của cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Theo báo Đức, ông Obama có lẽ sẽ còn được vinh danh hơn nữa nếu ông ban hành ân xá trước khi rời Nhà Trắng.
« Bội tình » : hệ quả của phát triển kinh tế thần kỳ Trung Quốc ?
Tiến trình mở cửa và phát triển kinh tế dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong xã hội và gia đình. Tại Trung Quốc, tình dục là một bộ phận của tân chủ nghĩa duy vật. Theo nhận định của tạp chí The Economist, sự thay đổi các tập quán trong lĩnh vực tình dục cũng như tỷ lệ ly dị tăng vọt đã làm suy giảm các mối liên hệ trong gia đình.
Việc có « vợ lẽ » đang ngày càng phổ biến. Mốt này không chỉ dành cho giới doanh nhân giàu có mà còn hiện hữu cả trong giới quan chức tham nhũng. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã làm lộ rõ nhiều gương mặt quan chức chính phủ, từ Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu bộ trưởng Công An, cho đến cả Cựu bộ trưởng Đường Sắt Lưu Chí Quân (Liu Zhijun) được cho là có tới 18 nhân tình.
Tác động của hiện tượng này là làm cho giá các căn hộ tăng vọt như tố cáo của truyền thông Trung Quốc. Một số khu chung cư trong thành phố nổi tiếng là nơi có những căn hộ mà những kẻ giàu có mua cho nhân tình và thậm chí chu cấp nuôi dưỡng nhân tình suốt đời.
Thực ra, theo The Economist, chuyện tì thiếp đã có từ thời cổ xưa trong lịch sử Trung Quốc. Dưới thời phong kiến, « trai năm thê bảy thiếp », nhưng « gái chính chuyên một chồng ». Sau năm 1950, chuyện nhân tình nhân ngãi bị cấm và ngoại tình, không chung thủy bị coi như là một thói hư tật xấu của tư sản. Cho đến tận những năm 1980, rất ít người có quan hệ tình dục với một khác ngoài vợ hoặc chồng của mình.
Thế nhưng trong ba thập niên vừa qua, các tập quán về tình dục bị buông thả. Thanh niên thanh niên Trung Quốc có quan hệ tình dục ngày càng sớm và với nhiều đối tác khác nhau. Một số người vẫn tiếp tục cặp bồ sau khi kết hôn. Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc đại học Bắc Kinh, trong năm 2015, trong số 80 ngàn người được hỏi thì có 20% đàn ông và đàn bà không chung thủy sau khi cưới.
The Economist cho rằng tình trạng « bội tình » ngày càng gia tăng là một hệ quả có thể nhìn thấy trước được của sự phát triển kinh tế. Người ta đặt sở thích, thú vui cá nhân trên các nghĩa vụ gia đình hay danh tiếng. Việc cải thiện trình độ giáo dục và các điều kiện sinh sống cho phép người ta có nhiều phương tiện tài chính để ngoại tình. 
Tình trạng di dân, từ nông thôn lên thành thị tìm việc làm đã làm cho nhiều cặp vợ chồng phải sống xa nhau. Ngay cả khi sống cùng với nhau thì các phương tiện truyền thông xã hội cũng phần nào làm tăng hoặc tạo thuận lợi làm nẩy sinh các ham muốn, ý định ngoại tình.
Theo các cuộc điều tra, thì ngoại tình, không chung thủy là sát thủ số một của hôn nhân. Năm ngoái, tại Trung Quốc, 3,8 triệu cặp vợ chồng đã ly dị, tăng gấp đôi so với một thập niên trước đây. Tỷ lệ ly dị hàng năm tại Trung Quốc là 2,8 trên một ngàn người. Không cao bằng châu Mỹ là 3,2 nhưng cao hơn so với nhiều nước châu Âu. The Economist cho biết, một trong những nguyên nhân là luật pháp Trung Quốc làm nhụt chí những ai muốn có con ngoài giá thú. Tuy vậy, số các cặp vợ chồng vẫn sụt giảm.
Bộ mặt dân nhập cư Trung Quốc thay đổi
Cũng liên quan đến Trung Quốc, The Economist chú ý đến hiện tượng « Bộ mặt dân nhập cư Trung Quốc thay đổi ». Xin nói rõ, khái niệm dân nhập cư ở đây là cư dân từ nông thôn lên thành thị tìm việc làm và sinh sống. Trong đợt « di dân » đầu tiên, đa phần là độc thân lên thành phố kiếm việc, bỏ lại vợ con, gia đình ở nông thôn. Trong những năm gần đây, họ mang theo con cái, bố mẹ. Chính yếu tố này đã làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của tầng lớp cư dân mà tại Trung Quốc, người ta gọi là « dân công ».
Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, đa số dân nhập cư đều là « lao động trẻ » trong độ tuổi 20-30. Những làn sóng di dân lớn chưa từng có trong lịch sử, đã mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích về mặt kinh tế nhưng gây ra những bất công, rạn nứt nghiêm trọng trong xã hội.
Chế độ « hộ khẩu » đã không cho phép con cái của « dân công » được đi học và chăm sóc sức khỏe tại những nơi họ làm việc. Do đó, đa phần « dân công » phải để lại con cái ở nông thôn cho ông bà hoặc người thân chăm sóc. Nhiều gia đình tan vỡ. Thành phố thì tràn ngập người lao động thành niên, còn ở nông thôn thì đa phần là trẻ nhỏ và người già.
Với việc cải cách chế độ « hộ khẩu » trong những năm gần đây, những « dân công » mới này mang theo cả gia đình lên thành phố, tức là ba thế hệ cùng lúc. Trong vòng 10 năm (2000-2010), số trẻ nhỏ theo bố mẹ là « dân công » đã tăng gấp đôi từ 14 lên 29 triệu.
The Economist cho biết, đa số « dân công » gặp ba khó khăn chính : mức hưu bổng trợ cấp thấp, điều kiện làm việc cực nhọc, không có hệ thống bảo hiểm y tế phù hợp. Một phần ba số « dân công » có hưu bổng nhưng đa phần chỉ được hưởng mức « hưu bổng nông thôn », tức là rất thấp, vì tính theo điều kiện sinh sống ở nông thôn. Trợ cấp hưu bổng 600 nhân dân tệ (90 đô la) mỗi tháng, không đủ sống tại thành phố.
Theo thống kê của chính quyền Trung Quốc, khoảng 22% dân lao động ngoại tỉnh ngoài 50 tuổi có việc làm. Hai phần ba số lao động cao tuổi chưa bao giờ được đi học, hoặc chỉ hết tiểu học. Chính vì thế, họ không có được những việc làm đòi hỏi tay nghề : 70% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ như quét dọn, lau chùi, thời gian làm việc nhiều mà lương thấp. Hơn một nửa số « dân công » phải làm việc tới 56 giờ mỗi tuần.
Một chuyên gia tại đại học Nhân Dân, ở Bắc Kinh nói với Trung Hoa Nhật Báo (China Daily), rằng « xã hội đã không chú ý đúng mức đến nhóm lao động này và chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa mở rộng các dịch vụ phúc lợi cho họ ». The Economist kết luận : Điều thường xuyên xẩy ra tại Trung Quốc là chính phủ không đủ khả năng ứng phó với các thay đổi xã hội.

Không phải chuyện “nhà giàu đứt tay” mà là… “Thiên triều nặng bụng”

Đọc tin mới về cứu người bị nạn trên biển, nhà cháu bật nhớ chuyện tháng 5/2013:
◉ “Cấp cứu một thủy thủ Trung Quốc bị nạn trên biển
Ngày 2-12, tàu SAR 412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 – Danang MRCC đã đưa bệnh nhân người Trung Quốc cập cảng an toàn, chuyển đến bệnh viện chữa trị.
Trước đó, rạng sáng cùng ngày, Danang MRCC nhận được thông tin từ đại lý VITACO – Đà Nẵng có xảy ra sự cố. Theo đó, tàu UNICORN BRAVO trên tuyến hành trình từ Thái Lan đi Hong Kong, khi ngang qua vùng biển Quảng Ngãi, thuyền viên Wang Xiaogang 42 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) bị đau bụng dữ dội, yêu cầu được cấp cứu khẩn cấp.
Danang MRCC phối hợp với Trung tâm Cấp cứu Đà Nẵng hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân, yêu cầu tàu UNICORN BRAVO chuyển hướng hành trình về Đà Nẵng. Đồng thời, điều động tàu SAR412 cùng các y, bác sĩ Trung tâm Cấp cứu y tế 115 rời bến đi cứu nạn…” (http://plo.vn/…/cap-cuu-mot-thuy-thu-trung-quoc-bi-nan-tren…).
◉ “Đường dây nóng tiếp tục… lạnh, ngư dân tự thuê tàu cứu nạn
Chiều ngày 27/5, ngư dân vùng biển Quảng Ngãi phải tự thuê tàu cá để cứu tàu thuyền của mình. Trong khi đó, khi PV liên lạc tới đường dây nóng của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (có địa chỉ phường Thọ Quan, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) nhưng không thể liên lạc được.
… Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận định đây là trường hợp yêu cầu cứu hộ (tàu bị nạn chi trả kinh phí theo điều 187 luật Hàng hải) nên chỉ hướng dẫn ngư dân tự thuê tàu đi cứu” (http://baodatviet.vn/…/duong-day-nong-tiep-tuclanhngu-dan-t…).
◉ “Ngư dân phải tự thuê tàu đi cứu nạn
Sáng 28.5, bà Võ Thị Phượng, chủ tàu cá QNg 95004, cho biết bà đã thuê tàu cá QNg 95831 của ông Võ Sơn ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi để đi cứu tàu cá QNg 95004 sắp chìm cùng 11 ngư dân.
… Ông Trần Văn Long, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) cho hay sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) đồng thời đề xuất đưa tàu SAR lên đường ứng cứu.
Tuy nhiên, do Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Việt Nam MRCC nhận định đây là trường hợp yêu cầu cứu hộ (tàu bị nạn chi trả kinh phí theo điều 187 luật Hàng hải) nên chỉ hướng dẫn ngư dân tự thuê tàu đi cứu…” (http://thanhnien.vn/…/ngu-dan-phai-tu-thue-tau-di-cuu-nan-4…).
image
Bạn Nguyễn Hồng Kiên chạnh nhớ đến những chuyện đáng buồn trong quá khứ cách đây 3, 4 năm, chỉ vì bạn vừa mới đọc được trên trang Dân Việt một tin mới toanh: vào sáng ngày 2-12, trên chiếc tàu Unicorn Bravo trên đường hành trình từ Thái Lan đi Hong Kong, khi qua vùng biển Hoàng Sa gần tỉnh Quảng Ngãi thì thuyền viên Wang Xiaogang ( SN.1974, quốc tịch Trung Quốc) bị đau bụng phải đánh điện kêu cứu khẩn cấp. Nhận được tin, tàu Sar 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (đóng tại Đà Nẵng) gồm đội ngũ Bác sĩ cứu nạn Việt Nam tức tốc băng vời đi ứng cứu, mặc dù trên biển lúc ấy, do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc, thời tiết trong khu vực gió cấp 7, giật cấp 8,  sóng cao tới 4m nên việc tiếp cận tàu gặp nạn hết sức khó khăn. Nhưng cả con tàu Việt Nam đã dốc hết sức lực vượt qua sóng lớn tiếp cận được tàu Unicorn Bravo tiến hành sơ cấp cứu bệnh nhân và đưa nạn nhân về Đà Nẵng an toàn (Xin xem Tàu Việt Nam vượt sóng lớn cứu thuyền viên Trung Quốc bị nạn).
Một hành động mới đẹp đẽ làm sao! Đúng là tình vô sản quốc tế cao cả. Nhưng như những chuyện nói có sách mách có chứng bạn Nguyễn Hồng Kiên vừa đề cập, sao đối với bà con mình là chỗ đồng bào ruột thịt “bầu ơi thương lấy bí cùng” thì đội quân vô sản của chính quyền CHXHCN lại bắt khoan bắt nhặt khủng khiếp thế nhỉ? Quái lạ làm sao!
Không chỉ thế thôi đâu. Còn tệ hơn hại thế nhiều! Chúng tôi lại nhớ đến một câu chuyện xảy ra vào cuối năm 2015 tức là còn nóng hổi trong trí nhớ mọi người, mà nhạc sĩ Tuấn Khanh đã kể trong bài viết rất ám ảnh của ông: Đối diện con quái vật! Đó là chuyện một ngư dân ra vùng biển Trường Sa thuộc lãnh hải của nước Việt thân yêu của mình để đánh cá, bỗng bị tàu kiểm ngư Trung Quốc vô cớ kéo đến bắn luôn 2 phát chết thảm. Thảm thê hơn nữa là cả nhóm ngư dân trên tàu lập tức đánh điện về kêu cứu, vậy mà chẳng một con tàu kiểm ngư nào của Việt Nam chạy ra ứng cứu, cũng chẳng tàu cứu nạn Việt Nam nào đưa đội ngũ cứu hộ ra giúp đỡ những người dân gặp nạn. Họ đành phải tìm cách luồn lách khỏi họng súng tàu giặc rồi cứ thế lênh đênh trên biển 4 ngày ròng mới đưa được người bị nạn vào bờ, trong sự thờ ơ tuyệt đối của hết thảy các cơ quan chính quyền Việt Nam.
Qua câu chuyện quá thương tâm, người viết chợt rút ra một điều mà hình như ông ấp ủ đã từ lâu:
“Bối cảnh Việt Nam luôn thấp thỏm trước các lời đe doạ sẽ bị tiến và chiếm trong 24 giờ của báo chí chính thống Trung Quốc, thì thống kê cho thấy nạn trốn nghĩa vụ quân sự cũng tăng cao bất ngờ. Thậm chí, trên các trang mạng xã hội, giới thanh niên nồng nhiệt bàn với nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự. Thậm chí cẩm nang có 17 cách thoát chuyện đi lính được chia sẻ khắp nơi. Mệt mỏi đối phó với tình trạng này, năm 2013, Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cũng đã từng đề nghị cho phép hợp pháp việc không phải đi lính, bằng việc đóng tiền thế thân.
“Quả là một nghịch cảnh mà lịch sử Việt Nam từ thời sơ khai đến giờ mới có. Một dân tộc từng đánh bại mọi quân đội ngoại bang, ngay cả lúc túng cùng nhất, lại rơi vào thảm cảnh như vậy. Lẽ nào dân tộc Việt Nam hôm nay không còn yêu nước, hay không còn tin vào những món hàng vũ trang quân sự “khủng” hàng đầu thế giới vẫn được thông tin là đã về đến, đã trang bị cho quân đội nước mình?
“Đây là một vấn đề thật đáng suy nghiệm lâu dài, nhưng để trả lời nhanh, rõ ràng con người đang mất niềm tin. Trong mọi sự hy sinh cho Tổ quốc, chắc chắc nhân dân không ngại, nhưng họ muốn sự dâng hiến của mình phải có ý nghĩa. Và thật là ngu ngốc, nếu chết không cho ai, để làm gì, và chết thay một cách ngu ngốc”.
Bao nhiêu nỗi niềm chất nặng trong những dòng suy tư một người nghệ sĩ. Chúng tôi muốn góp thêm vài lời: Nếu chết cho những kẻ chuyên tìm cách đưa họ hàng bà con đoàn lũ léo hánh lên đầu mình mà cướp bóc đủ cách; biến cha mẹ mình thành dân oan; đẩy bà con xóm giềng mình đi lang thang vật vờ khắp đầu đường xó chợ không tìm ra miếng gì để sống; mà ngày ngày khối nợ do bọn chúng vay nước ngoài để tiêu pha xả láng lại cứ đè nặng lặc lè trên cổ mình như một hòn đá tảng mỗi năm một phình lên khiến mình và không chỉ mình mà ông bà cha mẹ vợ con mình hổn hển, muốn ngẩng mặt lên cũng không được nữa; trong khi đó thì chúng cứ điềm nhiên rước những vị khách “bụng một bồ dao găm” nhưng lại được coi là “môi hở răng lạnh” vào tận Hội trường Diên Hồng để tung hô 16 chữ vàng, chẳng thèm cân nhắc đến nơi đến chốn ảnh hưởng lợi hại ra sao trước bàn dân thiên hạ; thì thử hỏi cái gọi là “chết cho Tổ quốc”, “vì nước hy sinh” có còn ý nghĩa gì không?
Cái người được gọi là lý luận gia Mác xít là ông Nguyễn Phú Trọng hiện đang bày ra nhiều mưu mẹo “đả muỗi diệt ruồi” trong hơn nửa năm qua mà chưa thấy con ruồi nào chết. Nhưng có bao giờ ông nghĩ đến một việc còn quan trọng hơn gấp nghìn lần là tìm cho đúng căn nguyên và xử lý thật triệt để những gì – tổ chức, cơ chế, con người, chính sách… – đã dẫn đến sự cạn kiệt tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam?
Chắc là KHÔNG.
Bauxite Việt Nam

Đối diện con quái vật
Tuấn Khanh
image
Thái độ công dân đối với quốc gia mình, phản ánh rất nhiều điều để nghĩ. Nó có thể người tay hân hoan vỗ tay cười, và có thể khiến từng cá nhân gục mặt khóc âm thầm.
Tháng 11/2015, sau khi nước Pháp bị tấn công bởi quân IS, số lượng thanh niên xin tòng quân để bảo vệ Tổ quốc và đáp trả lại những kẻ đã giết hại đồng bào mình tăng gấp bốn lần. Các cơ sở tuyển quân của Pháp cho biết họ bất ngờ trước các lời xin nhập ngũ và các thư thắc mắc về tiêu chuẩn nhập ngũ lên đến 1500 hồ sơ, mỗi tuần. Theo ước tính, từ đây đến năm sau, Pháp sẽ nhận thêm 25.000 tân binh nữa. Hầu hết các lý do trong đơn xin nhập ngũ, được ghi rõ rằng họ muốn bảo vệ Tổ quốc mình.
Tổ quốc là cái gì đó rất mơ hồ, không cụ thể. Nhưng đứng trước những hình ảnh nơi sinh sống của mình đang lâm nguy, những người chung tiếng nói, quốc tịch của mình bị giết, bị đe doạ, ý thức về Tổ quốc bừng dậy như một bản năng cao quý.
Nước Pháp không phải là ngoại lệ. Vụ khủng bố ngày 9/11/2001 ở Mỹ cũng đã khiến tinh thần ái quốc của người Mỹ đa chủng tộc lên cao bất ngờ. Các thống kê cho thấy chỉ một tháng sau vụ đánh vào Toà tháp đôi, trang mlive.com cho biết hàng chục ngàn thanh niên đã xin đăng lính vào nhiều binh chủng, đặc biệt ghi rõ là họ sẵn lòng đi đến bất cứ nơi đâu để tiêu diệt kẻ tấn công vào đất nước mình, người dân của mình. Năm 2002, nước Mỹ đón nhận thêm 80.000 tân binh. Tình trạng bùng nổ bất ngờ này làm gợi nhớ số lượt đăng lính tăng vọt sau vụ người Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) vào năm 1941.
Đọc những tin tức này, những ai yêu lẽ phải và mang trong mình lòng tự hào dân tộc đều có thể ứa nước mắt vì xúc động. Dâng hiến cuộc sống cho Tổ quốc mình và giờ phút nguy nan, là niềm hãnh diện và cao quý mà không phải nền giáo dục nào, văn hoá nào cũng có thể may mắn có được.
Đã từ nhiều năm nay, các bản tin về tàu Trung Quốc tấn công ngư dân Việt mỗi lúc càng nhiều, càng hung hãn. Tàu “bạn hữu nghị” từ phương Bắc tràn xuống, cướp, giết, bắt cóc… kể cả bao vây đường biển của Việt Nam – nói chính xác là một cuộc xâm lăng trong thời đại mới. Thanh niên Việt trong đời sống xã hội chủ nghĩa đã làm gì?
Thật kinh ngạc, tăng dần theo thời gian là số lượng cha mẹ đưa con cái đi du học, đi xa đất nước như một cuộc đào thoát lớn lao và kiên nhẫn, bao gồm trong đó là các bậc phụ huynh có chức vụ, miệng luôn hô hào xây dựng đất nước và tồn tại hoà bình, 16 chữ vàng với Bắc Kinh.
Bối cảnh Việt Nam luôn thấp thỏm trước các lời đe doạ sẽ bị tiến và chiếm trong 24 giờ của báo chí chính thống Trung Quốc, thì thống kê cho thấy nạn trốn nghĩa vụ quân sự cũng tăng cao bất ngờ. Thậm chí, trên các trang mạng xã hội, giới thanh niên nồng nhiệt bàn với nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự. Thậm chí cẩm nang có 17 cách thoát chuyện đi lính được chia sẻ khắp nơi. Mệt mỏi đối phó với tình trạng này, năm 2013, Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cũng đã từng đề nghị cho phép hợp pháp việc không phải đi lính, bằng việc đóng tiền thế thân.
Quả là một nghịch cảnh mà lịch sử Việt Nam từ thời sơ khai đến giờ mới có. Một dân tộc từng đánh bại mọi quân đội ngoại bang, ngay cả lúc túng cùng nhất, lại rơi vào thảm cảnh như vậy. Lẽ nào dân tộc Việt Nam hôm nay không còn yêu nước, hay không còn tin vào những món hàng vũ trang quân sự “khủng” hàng đầu thế giới vẫn được thông tin là đã về đến, đã trang bị cho quân đội nước mình?
Đây là một vấn đề thật đáng suy nghiệm lâu dài, nhưng để trả lời nhanh, rõ ràng con người đang mất niềm tin. Trong mọi sự hy sinh cho Tổ quốc, chắc chắc nhân dân không ngại, nhưng họ muốn sự dâng hiến của mình phải có ý nghĩa. Và thật là ngu ngốc, nếu chết không cho ai, để làm gì, và chết thay một cách ngu ngốc.
Ngày 29/11/2015, thêm một ngư dân Việt bị bắn chết thảm thương trên biển ở Trường Sa, Quảng Ngãi. Ông bị bắn không có thông báo, không có lời cảnh cáo, bị bắn đến 2 phát đạn vào một cơ thể chỉ biết quăng lưới và thả câu.
Người ngư dân này bị bắn chết trên biển, bởi niềm tin được thúc giục từ các nhà lãnh đạo trên bờ vẫn thúc giục rằng hãy cứ ra khơi và cứ đánh bắt như một cách “thực thi chủ quyền của Tổ quốc”. Những người còn sống hãi hùng đã đưa thi thể của người ngư dân này về đất mẹ, thật cô đơn, vì bởi hàng trăm hải lý đầy kẻ thù đó, cũng có những tàu cảnh sát biển đi tuần tra “khống”, báo cáo láo để ăn tiền dầu, tiền hoạt động, để vui vẻ an sinh trên bờ.
Người ngư dân bị bắn chết ngày 26/11, đến ngày 30 thì thi thể mới giao được cho gia đình. Thế nhưng trong những ngày di chuyển về nhà, chiếc tàu này thật cô đơn vì chỉ có một mình, dù đã báo với bộ đội biên phòng chuyện mình bị tấn công và có người tử nạn. Không có tàu kiểm ngư nào ra đón, không có ai đi cùng nỗi kinh hoàng của họ trong chuyến quay về. Mọi trang thiết bị hiện đại trên biển luôn được tuyên truyền, như chỉ nặng phần trình diễn cùng sự thờ ơ của chính quyền.
Dân tộc Việt Nam hôm nay mới đáng thương làm sao, đi biển mà yếu ớt như trẻ nhỏ. Ai cũng có thể bắt nạt. Ai cũng có thể cướp và giết. Láng giềng thì mặt cười thân thiện, quay lưng thì tay súng, tay dao. Nhưng đáng thương hơn bao giờ hết là chuyện ngư dân chết trên biển đã ngày càng nhiều và thường hơn, còn những người trên bờ nghe chuyện tang thương ngoài khơi, giờ chỉ mệt mỏi, nhíu mày thương hại mà cũng không thấy cần phải làm gì.
Người Việt Nam như đang được các chính sách đối ngoại của chế độ tập quen dần thói quen ích kỷ, sợ mình bị mất mát, nhưng lại im lặng và chọn lựa thay thế bằng mất mát của những ngư dân nghèo khó. Nó giống như những câu chuyện cổ tích về các ngôi làng xưa phải hiến tế ai đó cho con quái vật để được yên. Vẫn có những người tin rằng việc hiến tế không bao giờ đến lượt mình, và mỗi ngày vẫn ăn ngon ngủ yên với những con cá đẫm máu đồng loại. Họ không muốn một cuộc chiến đối diện thẳng với con quái vật vì chỉ sợ mất mát cho riêng họ.
Cũng như những ngôi làng khiếp nhược và u mê ấy, có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng chúng ta sẽ mất – mất rất nhiều – thậm chí mất tất cả, mà các loại quái vật không cần mất sức cho bất kỳ một cuộc chiến tranh nào. Và những người lãnh đạo ngôi làng, nếu không có dũng khí để đối diện với cái ác để bảo vệ mọi người, thì họ tồn tại để làm gì?
T.K.
1-12-2015

NHỮNG MỐI ĐE DỌA CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG:

Thay đổi khí hậu sẽ nhấn chìm Đồng bằng sông Cửu Long?

(Will climate change sink the Mekong Delta?)
David Brown
Bình Yên Đông lược dịch
Lời giới thiệu của người dịch: Đây là loạt bài của David Brown, một viên chức ngoại giao làm việc tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn trước năm 1975, phân tích về những mối đe dọa mà Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam đang đối mặt. Những mối đe dọa này – dù có thể thấy trước mắt (những dự án phát triển thủy điện và thủy nông ở thượng nguồn sông Mekong) hay chỉ là những suy đoán “mờ mịt” cho nhiều thập niên trong tương lai (ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, mực nước biển dâng…) hay là những điều cấm kỵ của chế độ (chánh sách phát triển sai lầm và thiển cận của Hà Nội sau chiến thắng 1975) – là có thật và cần có những giải pháp cấp thời và hữu hiệu để cứu vãn “vựa lúa của cả nước”. Tuy là một nhà ngoại giao, những ý kiến của tác giả khá trung thực và chính xác về mặt khoa học, rất đáng để những người có trách nhiệm hiện nay suy ngẫm và thực hiện.
*
* *
Bài viết dưới đây được cộng tác viên của BVN, ông Bình Yên Đông dịch cách đây mấy ngày, nhưng do biết ông David Brown là người cẩn trọng nên chúng tôi chờ dịch giả xin phép trực tiếp. Nay đã có ý kiến của tác giả tán thành cho sử dụng (xin xem 2 thư trao đổi giữa dịch giả và tác giả), nên xin được công bố rộng rãi để bạn đọc tham khảo.
On Fri, Dec 2, 2016 at 10:53 AM, <qmnguyenla@aol.com> wrote:
Dear Mongabay.com,
I am a retired Water Resources Engineer and was working for the South Vietnam’s National Commission on Water Resources in Saigon before 1975.  I am writing to request for the permission from Mongabay.com and Mr. David Brown to translate the Mekong Delta articles into Vietnamese and post them on Vietnamese websites for educational purposes.  The translated drafts are attached for your review.
Thank you very much.
BYD
From: Mongabay Rights <rights@mongabay.com>
To: qmnguyenla <
qmnguyenla@aol.com>
Sent: Fri, Dec 2, 2016 8:56 am
Subject: Re: Permission to translate Mr. David Brown’s articles on the Mekong Delta and post on Vietnamese websites for educational purposes
As long as you didn’t make any changes to the text and credit and link back to the original article, then we give permission to reproduce this article. 
Thanks!
Tiffany
Bauxite Việt Nam

clip_image002
Không có đồng bằng nào trên thế giới bị thay đổi khí hậu đe dọa nhiều hơn. Liệu Việt Nam sẽ hành động kịp thời để cứu vãn?
  • Các nhà khoa học cho rằng mực nước biển dâng lên 1 m vào cuối thế kỷ sẽ khiến cho 3,5-5 triệu cư dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dời chỗ. Mực nước biển dâng lên 2 m có thể buộc gấp 3 số người đi đến vùng cao hơn.
  • Những thay đổi về mưa và lũ lụt cũng đe dọa một trong những môi trường sản xuất nông nghiệp trù phú nhất trên thế giới.
  • Chánh quyền Việt Nam ở Hà Nội hiện nay có trách nhiệm chấp thuận một kế hoạch tổng thể để thích ứng và giảm thiểu thiệt hại (comprehensive adaptation and mitigation plan).
Đây là bài đầu tiên trong một loạt 4 bài phân tích chi tiết nhằm tìm hiểu những mối đe dọa đối với ĐBSCL và làm thế nào để đối phó.
Một thực tế đáng buồn là đã có nhiều thập niên để nói về thay đổi khí hậu nhưng vẫn chưa có những nỗ lực nghiêm chỉnh để thích ứng với hiện tượng hầu như không thể tránh được này. Theo các nhà tâm thần học vì chúng ta là con người. Chúng ta không theo kịp những đe dọa to lớn, phức tạp và diễn biến chậm. Phản ứng theo bản năng của chúng ta là thờ ơ, chớ không hành động. Nghịch lý đó ở trong trí của tôi trong suốt thời gian trở lại ĐBSCL thần thoại và trù phú của Việt Nam, một đồng bằng sũng nước rộng bằng Thụy Sĩ. Đây là nơi sinh sống của 20% dân số 92 triệu người Việt Nam và đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi thay đổi khí hậu và nhân tai, dường như do việc xây đập không ngừng nghỉ trên thượng nguồn sông Mekong.
Samuel Johnson từng nổi tiếng khi nói rằng “không có gì gây ấn tượng cho bằng sắp sửa bị treo cổ”. Đã 9 năm kể từ khi nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới xem ĐBSCL như là một trong những nơi trên hành tinh bị đe dọa nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng. Nếu ở nơi khác, tôi tưởng tượng, tôi có thể cảm thấy sự khẩn trương. Tôi sẽ tìm trước những biện pháp thích ứng.
Tôi đã sai. Các bộ trong Chánh phủ Việt Nam, chánh quyền địa phương, chuyên viên ở các trường đại học và tổ chức quân sư Việt Nam, chuyên viên của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu và các chánh phủ ngoại quốc: tất cả đang đưa ra những kế hoạch và chánh sách. Vấn đề là phải lựa chọn những ý tưởng tốt nhất, có quyết định thích hợp và tìm tài nguyên cần thiết để thực hiện một cách chặt chẽ và đúng lúc.
Mọi việc cuối cùng có lẽ đã đến, tôi kết luận sau khi nói chuyện với một số quan chức địa phương, giáo sư, phóng viên và nông dân vào giữa tháng 6. Không ai phủ nhận thực tế của vấn đề. Nhiều người còn liên kết câu hỏi làm thế nào với thay đổi khí hậu với những tranh luận trước đây về những cách tốt nhất để canh tác tốt hơn và nhiều hơn.
Một số người nói chuyện với tôi mong rằng Chánh phủ mới của Việt Nam sẽ tiết lộ chiến lược của Chánh phủ vào cuối năm 2016. Họ hy vọng Hà Nội sẽ làm đúng. Việt Nam là một quốc gia độc đảng. Khi một chánh sách được chấp thuận và truyền xuống, rất khó để thay đổi đường lối. Tuy nhiên, nếu các biện pháp không hợp lý cho 13 tỉnh của ĐBSCL, các đại diện đảng/nhà nước/địa phương có thể không thi hành. Ở Việt Nam, rất thường thấy những viên chức thiếu lương tâm, thực hiện những biện pháp của Hà Nội theo cách thông thường, không có trách nhiệm, và sau cùng, không có kết quả.
Vì nguy cơ rất cao, giả sử rằng chỉ có một câu trả lời đúng: trong vài tháng sắp tới, Hà Nội sẽ chấp thuận một kế hoạch tổng thể để thích ứng và giảm thiểu thiệt hại cho 13 tỉnh ĐBSCL, và các tỉnh đủ hài lòng để thực hiện nó. Ít hơn thế sẽ là một kết quả thảm khốc.
clip_image004
Hình trái: Sông Mekong và lưu vực. Sông bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Hoa, có tên là Lan Thương (Lancang); nó chảy qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam. Hình phải: Hạ lưu vực sông Mekong. [Ảnh: Wikipedia and Penprapa Wut/Wikimedia Commons].
Sự thịnh vượng mong manh
Cao độ trung bình của ĐBSCL cao hơn mực nước biển không quá 2m. Hầu hết rất thích hợp để trồng lúa. Nông dân cũng trồng cây ăn trái và dừa và nuôi tôm cá. Thu hoạch của họ phong phú nhờ có lũ lụt hàng năm và hệ thống kinh rạch chằng chịt, đập và cống.
Đó là một môi trường được kiến tạo cao, một xã hội được thủy lợi hóa hiện đại dựa trên thâm canh và cơ sở hạ tầng phản ánh lũ lụt, xâm nhập của nước mặn, giao thông thủy và ngư nghiệp, và cung cấp đủ nước ngọt cho thủy nông [?]. Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng thế. Khi những người Việt đầu tiên định cư ở ĐBSCL cách đây 300 năm, họ đương đầu với địa hình thay đổi bởi gió mùa, bão tố, thủy triều và lũ lụt hàng năm của sông Mekong. Các quan lại triều đình, và sau đó là các kỹ sư thuộc địa người Pháp, đã huy động hàng ngàn người tiên phong để đào kinh dẫn thủy và thoát thủy. Theo thời gian, công việc xây dựng cơ sở hạ tầng được cơ giới hóa. Nhiều thập niên chiến tranh làm chậm việc thuần hóa ĐBSCL, nhưng ngay trong những năm “Chiến tranh Chống Mỹ (American War)” cũng có cải cách ruộng đất và du nhập cái gọi là “lúa thần kỳ (miracle rice)” – một giống lúa có thể cho gấp đôi năng suất nếu có đủ nước, phân và thuốc trừ sâu.
clip_image006
Trực thăng võ trang trên ĐBSCL năm 1967. Ảnh: ManhHai/Flickr.
Các viên chức miền Bắc vào Nam sau khi chánh quyền miền Nam sụp đổ năm 1975 có ý định cải cách nông nghiệp theo kiểu Xô Viết, như họ đã làm ở Đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc. Tuy nhiên, tập thể hóa không mang lại kết quả. Nông dân không chăm sóc những thửa ruộng hợp tác xã giống như họ chăm sóc hoa màu trên đất riêng của họ. Mười năm sau, Hà Nội thừa nhận thất bại của kế hoạch tập trung, tái phân phối đất nông nghiệp và cho phép kinh tế tư nhân hoạt động cùng với các công ty quốc doanh.
Những cải cách gọi là “đổi mới” này đã đưa đến sự phát triển kinh tế đáng ngạc nhiên cho Việt Nam trong ¼ thế kỷ. Đối với ĐBSCL, tiền cho vay và viện trợ từ các quốc gia Tây Phương tài trợ cho việc sửa sang và nới rộng cơ sở hạ tầng thủy lợi. Sự du nhập các loại lúa cao sản, nới rộng diện tích trồng lúa và chú trọng vào việc trồng hai mùa, và nhiều nơi, ba mùa khiến cho sản lượng lúa gia tăng nhanh chóng, từ 7 triệu đến 24 triệu tấn mỗi năm. Việc Việt Nam hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu mở rộng thị trường cho lúa gạo và các nông sản mới – đặc biệt là tôm và cá tra nuôi trong ao hồ.
Dĩ nhiên là có những hoài nghi về tính bền chắc (sustainability) của sự thịnh vượng chưa hề có này. Một số nhà khoa bảng thắc mắc về sự khôn ngoan của việc tập chú không ngừng vào việc độc canh lúa. Họ nói rằng trong những vùng không còn bị ngập lụt hàng năm, cần phải có một số lớn phân hóa học và thuốc trừ sâu để duy trì sản lượng. Nhiều nông dân than phiền rằng Công ty Lương thực miền Nam của nhà nước hưởng lợi từ việc buôn bán lúa gạo của họ trồng. Khi nền kinh tế lương thực của quốc gia chuyển từ khan hiếm qua dư thừa, Hà Nội vẫn tiếp tục chú tâm đến “an toàn lương thực (food security)” – có nghĩa là, ở ĐBSCL, dành riêng hơn ½ đất canh tác cho việc trồng lúa – càng ngày dường như càng lỗi thời.
Nhưng, khi sản lượng lương thực và xuất cảng tăng hàng năm, có thể tưởng rằng thịnh vượng sẽ thường trực với ĐBSCL. Chỉ mong rằng những cảnh báo của các nhà nghiên cứu thay đổi khí hậu, các đập khổng lồ đang được xây cất ở thượng lưu, và lợi tức thấp triền miên của nông dân trồng lúa sẽ không bao giờ đến.
Cồng báo động: tương lai đã đến
Đã nhiều năm, Dương Văn Ni và các công sự ở Đại học Cần Thơ đã cảnh báo mọi người có quan tâm đến những thay đổi của ĐBSCL. Dữ kiện đã có và có tính thuyết phục.
Vào một buổi chiều giữa tháng 6, khi mưa mùa đập trên mái tôn của quán cà phê ở gần trường, Giáo sư (GS) Ni chỉ cho tôi trường hợp (scenario) mà nhân viên của DRAGON (Delta Research and Global Observation Network (Hệ thống Quan sát Toàn cầu và Nghiên cứu Đồng bằng)) đã thực hiện và trình bày với vô số cử tọa. Nó kết hợp hơn 100 năm dữ kiện khí hậu và thủy học với hệ thống GIS (geographic information system) và dữ kiện viễn thám do Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey (USGS)) cung cấp.
clip_image008
Ảnh ĐBSCL chụp từ vệ tinh của NASA.
Không có một vùng đồng bằng nào – không phải cửa sông Ganges, sông Nile hay sông Mississippi – dễ bị tổn thương hơn cửa sông Mekong đối với những ảnh hưởng thay đổi khí hậu được tiên đoán. Mực nước biển dâng 1 m được dự đoán vào cuối thế kỷ 21st, mọi thứ khác giống nhau, sẽ dời chỗ từ 3,5 đến 5 triệu người. Nếu mực nước biển dâng lên 2 m, và nếu không có những biện pháp đối phó có hiệu quả, khoảng 75% dân số 18 triệu của ĐBSCL sẽ phải dời lên chỗ cao hơn.
GS Ni nói, lượng mưa vào đầu mùa mưa năm nay đã giảm đáng kể, và sẽ có nhiều mưa vào cuối mùa. Đỉnh lũ của sông Mekong giảm 1/3 kể từ năm 2000. Nước từ thượng nguồn chứa ít phù sa để bồi đắp vùng ngập lụt. Khối lượng nước ngọt giảm trong khi mực nước biển dâng cao. Điều nầy khiến cho nước mặn xâm nhập càng ngày càng sâu vào các cửa sông và vùng đất ngập nước ven biển trong mùa khô.
Mô hình của khuynh hướng hiện nay cho thấy nhiệt độ trung bình của ĐBSCL sẽ tăng trên 3 oC vào cuối thế kỷ này. Lượng mưa hàng năm sẽ giảm trong nửa thế kỷ đầu, và sau đó sẽ tăng cao hơn mức trung bình của thế kỷ 20th. Vùng ngập lụt trong mùa thu không thay đổi nhiều, nhưng lũ sẽ không kéo dài.
Mọi thứ khác như nhau, năng suất lúa sẽ tụt giảm khi nhiệt độ tăng lên [?]. Mưa nhỏ trong những tháng đầu của mùa mưa là một thách thức cho sự khéo léo của nông dân. Mực nước biển dâng và lưu lượng của sông giảm sẽ là một thử thách nghiêm trọng cho hệ thống đê biển. Bờ sông và bờ biển ĐBSCL đã vỡ vụn; và nó sẽ tăng tốc. Nông dân không có khả năng đối phó sẽ di cư về phía bắc để tìm việc làm trong ngành kỹ nghệ và xây cất.
Chưa hết. Ở slide 70 (trong số 86 slides) của phần trình bày DRAGON, sự chú ý được chuyển sang việc xây cất đập ở thượng lưu đối với cơ chế thủy học của ĐBSCL. Đối với Trung Hoa, Lào và Thái Lan, tiềm năng thủy điện của sông Mekong dường như là một cơ hội phát triển không thể cưỡng lại được. Có thể tất cả các đập mà họ dự trù sẽ không được xây ngang sông chánh Mekong. Dù có một vài hay nhiều đập, ảnh hưởng của chúng đối với nông nghiệp của Việt Nam và Cambodia sẽ rất tiêu cực. GS Ni, các cộng sự của ông ở Đại học Cần Thơ, và chuyên viên ở các tổ chức khác ở miền Nam đã gióng tiếng cồng báo động trong nhiều năm. Chuỗi đập là mối nguy hiểm gần và dễ thấy hơn, và hiển nhiên thay đổi khí hậu thì không thể dừng được.
Phần trình bày của DRAGON kết thúc với lời kêu gọi hành động. Tương lai ảm đạm nhưng không phải tuyệt vọng nếu những chiến lược thích ứng và giảm thiểu thiệt hại thích hợp được đề ra. Cái mà ĐBSCL cần là: phát triển bền và chắc (sustainable development) dựa trên nền tảng hữu hiệu của an toàn nguồn nước, an toàn lương thực và an toàn xã hội.
Sơ lược về tác giả
clip_image010
David Brown là viên chức ngoại giao từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau đó, ông là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ ở một loạt nước Đông Nam Á khác. Ông rời nhiệm sở năm 1997 và nay được đánh giá là một chuyên gia về Đông Á cũng như những vấn đề năng lượng quốc tế. David Brown từng trở lại Việt Nam triển khai các dự án giáo dục, bảo tồn môi trường trong nửa cuối của thập niên trước và hiện vẫn đi lại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài viết phân tích về tình hình biển Đông và về vấn đề thời sự ở Việt Nam trên tờ báo Asia TimesAsia SentinelEast Asia ForumChina Economic QuarterlyAsianomicsForeign Affairs và Yale Global.
B.Y.Đ.
Dịch giả gửi BVN

Đại sứ Nhật hy vọng thuyết phục Trump về TPP

03.12.2016
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Hoa Kỳ Kenichiro Sasae và phu nhân.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Hoa Kỳ Kenichiro Sasae và phu nhân.
Đại sứ Nhật tại Mỹ tuyên bố sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống tân cử Donald Trump đảo ngược cam kết rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận tự do thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Tại cuộc họp hôm 1/12 ở Washington, ông Kenichiro Sasae phát biểu: “Trong tình hình hiện nay, chúng tôi vẫn muốn thuyết phục” chính quyền sắp tới của ông Trump.
Thỏa thuận giữa 12 nước hiện nay “là phương tiện tốt nhất về lợi ích chiến lược của Mỹ và lợi ích kinh tế,” đại sứ Nhật nhấn mạnh.
Khi được hỏi liệu một thỏa thuận thương mại song phương Mỹ-Nhật có là một lựa chọn hay không, ông Sasae đáp “còn quá sớm” để nói tới khả năng đó.
“Phải đạt một số tiến bộ trong các cuộc tranh luận ở nội bộ Hoa Kỳ,” đại sứ Sasae lưu ý.
Ông cũng cho biết Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và ông Trump đã thảo luận “cởi mở” về các đề tài bao gồm những vấn đề toàn cầu và Châu Á-Thái Bình Dương trong cuộc hội ngộ tại New York tháng rồi.
Vẫn theo nguồn tin này, ông Abe và ông Trump nhất trí với nhau về “tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật và đồng ý rằng hai nước có thể nỗ lực hơn nữa.”
Cách đây vài ngày, liên minh cầm quyền tại Nhật quyết định triển hạn kỳ họp Quốc hội hiện nay thêm nửa tháng, một phần vì đảng cầm quyền của Thủ tướng Abe vẫn còn hy vọng thông qua TPP.
Truyền thông Nhật loan tin thời hạn hội họp của Nghị viện Nhật trong năm nay sẽ kéo dài tới ngày 14/12 thay vì là cuối tuần này.
Theo dự kiến, TPP sẽ được thông qua tại Nhật vì đảng của Thủ tướng Abe kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Hạ viện Nhật đã thông qua TPP hồi tháng trước.
Theo Jiji Press, Kyodo

Henry Kissinger bất ngờ gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh; Cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger tiết lộ điều gì?

X em thêm:

Trump gặp Henry Kissinger chắc là bàn sách lược “ DÙNG CỘNG DIỆT CỘNG" ...

https://nvphamvietdao5.blogspot.com/.../trump-gap-henry-kissinger-cha...


(Reuters) -Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger gặp Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong ngày hôm nay.

Henry Kissinger bất ngờ gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh

Ông Kissinger, năm nay 94 tuổi,  dù không giữ  bất cứ chức vụ nào trong chính quyền Hoa kỳ kể từ khi chấm dứt vai trò ngoại trưởng từ năm 1977, nhưng điều đáng ghi nhận là, trong cuộc gặp gỡ ông Tập cận Bình tại Bắc Kinh sáng nay, còn có sự hiện diện của quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Trung Cộng như Ngoại trưởng Vương Nghị, Ủy viên quốc vụ viện đặc trách ngoại giao Dương Khiết Trì, đại sứ Thôi Thiên Khải.

Trong cuộc trò chuyện, ông Tập nói với ông Kissinger rằng hiện nay Bắc Kinh đang quan sát chặt chẽ nền chính trị Hoa Kỳ, sau khi ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump đắc cử tổng thống.

Trong thời gian vận động tranh cử, ông Donald Trump tìm cách thu hút sự chú ý của truyền thông bằng cách chỉ trích Trung Cộng gay gắt. Ông Donald Trump cam kết tăng mức thuế của hàng hóa Trung Cộng nhập vào Hoa Kỳ lên 45%, đồng thời gọi Trung Cộng là đất nước thao túng tiền tệ.

Vài ngày sau khi ông Donald Trump đắc cử, ông Tập gọi điện thoại chúc mừng và nói với ông Donald Trump rằng hợp tác để ổn định và bền vững là sự lựa chọn duy nhất cho cả Trung Cộng lẫn Hoa Kỳ. Ông Tập cũng đề nghị 2 nước tiếp tục phát triển mối quan hệ thương mại song phương, để 2 bên cùng hưởng lợi.

kissinger-le-duc-tho
kissinger-le-duc-tho
 Không rõ cựu ngoại trưởng Kissinger gặp ông Tập Cận Bình với vai trò gì, nhưng trong thời gian vận động tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần đến gặp ông Kissinger để tham khảo về những vấn đề đối ngoại. Nghi vấn về vai trò đại diện cho tổng thống đắc cử Donald Trump của ông Kissinger tăng lên khi trong phần đáp từ, ông Kissinger tỏ ý rằng: ” Như là một người bạn cũ của Trung Cộng, ông tin tưởng rằng tân chính phủ Hoa kỳ sẽ tiếp tục duy trì, ổn định và phát huy tốt hơn quan hệ Mỹ – Trung.  Ông hy vọng là, cá nhân ông sẽ tiếp tục đóng góp và giữ vai trò tích cực trong sự hợp tác giữa hai quốc gia.


Cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, dưới thời tổng thống Richard Nixon, được xem như là người mở bức màn sắt Hoa Lục, bắt tay với Mao Trạch Đông và chấm dứt chiến tranh Việt Nam khi nhận Nobel Hòa Bình năm 1973. Hai năm sau, ngày 30/4/1975, miền Nam Việt Nam bị mất vào tay Cộng sản Bắc Việt. 

Phong Ly

(SBTN)

Cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger tiết lộ điều gì?


Ông Tập Cận Bình mới gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger tại Bắc Kinh hôm thứ 6 vừa qua.

Cuộc hội đàm giữa cựu Ngoại trưởng Mỹ Herry Kissinger và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể cho Trung Quốc biết thêm thông tin về định hướng quan hệ giữa hai nước trong khi tổng thống đắc cử Trump chuẩn bị nhận chức.
Ông Tập gặp Kissinger tại Trung Quốc vào hôm thứ 6 vừa qua. Ông Tập nói với Kissinger trước các phóng viên: “Cuộc bầu cử tổng thống đã diễn ra ở Mỹ và giờ đây chúng ta đang ở thời điểm quan trọng. Về phía Trung Quốc, chúng tôi đang theo dõi tình hình rất sát sao. Hiện nay đang trong giai đoạn chuyển giao”.
Báo Business Insider dẫn lời ông Tập nói: “Chúng tôi đã đồng thuận trên nhiều vấn đề về định hướng xây dựng mô hình mới trong quan hệ hai nước lớn. Nhìn chung, chúng tôi hy vọng quan hệ Trung – Mỹ phát triển ổn định và bền vững”.
Ông Kissinger nói với Chủ tịch Trung Quốc rằng ông đánh giá cao cuộc gặp. Báo Daily Mail dẫn lời ông Kissinger nói: “Tôi không thể tưởng tượng được có một ngày mà Trung Quốc và Mỹ cùng có thể ngồi với nhau để thảo luận về tương lai hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới”.
Ông Kissinger từng chuẩn bị cho chuyến thăm lịch sử giữa cựu lãnh đạo Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc vào năm 1972. Ông Kissinger từng được giải Nobel Hòa bình vào năm 1973.
Ông Tập nói với ông Kissinger: “Chúng tôi luôn chào đón ông đến Trung Quốc. Ông là người phá băng cho quan hệ hai nước”.

Ông Trump là trung tâm của cuộc thảo luận

Chuyến thăm diễn ra 2 tuần sau khi Kissinger gặp ông Trump ở New York, trong đó mối quan hệ với Trung Quốc là nội dung chính tại cuộc thảo luận giữa hai người.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Kissinger, 93 tuổi, nói ông Trump không nên giữ tất cả lời hứa của ông trong chiến dịch bầu cử.
Ông Kissinger mô tả Trump là một tổng thống đắc cử “độc đáo nhất” mà ông từng gặp. Ông nói Trump “không có ràng buộc với bất cứ nhóm cụ thể nào bởi vì ông ấy trở thành tổng thống bằng chiến lược riêng của ông ấy”.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump cam kết đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 45% và gọi nước này là ‘kẻ thao túng tiền tệ’.
Bình luận của ông Trump đã khiến quan hệ hai nước bất ổn và giới ngoại giao phân vân về triển vọng này.
Cả hai phía Mỹ và Trung Quốc không tiết lộ lý do của chuyến viếng thăm của Kissinger, nhưng những nhà quan sát ngoại giao ở Trung Quốc cho rằng các nhà lãnh đạo ở nước này muốn biết một bức tranh rõ hơn về Trump và cố gắng giảm căng thẳng và khả năng bất ổn giữa hai nước.

Giới bình luận Trung Quốc đánh giá cuộc gặp

Giáo sư Zhang Zhizhou, từ Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh nói: “Ông Kissinger với những hiểu biết về Trump, sẽ đưa ra thông điệp rằng hợp tác với Trung Quốc vẫn là trọng điểm của chính quyền Trump. Ông Kissinger đóng vai trò then chốt trong việc định hình quan hệ Trung – Mỹ. Ông ấy cũng đồng ý rằng quan hệ hợp tác và ổn định giữa hai nước là rất cần thiết”, theo báo SCMP.
Ông Su Hao, một giáo sư chính trị Trung Quốc, nói Kissinger có nhiều mối quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc, và Trump sẽ sử dụng để “trao đổi ý kiến” với Bắc Kinh, trước khi ông nắm quyền.
Giáo sư Chu Shulong ở Đại học Tsinghua, nói: “Mặt khác, Kissinger cũng sẽ giúp chuyển những lo ngại của Trung Quốc đến Trump hoặc những người xung quanh ông, khi ông quay về New York”, theo báo SCMP.
Trước đó, hôm thứ 5, ông Kissinger đã gặp ông Vương Kỳ Sơn, người phụ trách chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc.
Dương Minh
Xem thêm: