Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Chiến tranh Trung-Việt trong mắt người Việt Nam

Print Friendly
6
Tác giả: Vương Cẩm Tư (Trung Quốc) | Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
Khác với tư duy quen thuộc của người Trung Quốc, trong mắt người Việt Nam, chiến tranh Trung-Việt không chỉ là cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam kéo dài nhiều năm sau năm 1979 như dưới góc nhìn của người Trung Quốc, mà còn gồm cả cái gọi là sự “xâm chiếm” Việt Nam do các vương triều Trung Quốc trước đây tiến hành kéo dài tới hai nghìn năm kể từ thời Đông Hán.
Thượng tuần tháng 9 năm 2010, tác giả Vương Cẩm Tư khởi hành từ Bắc Kinh cùng mấy người bạn đến Việt Nam xem tình hình thị trường gỗ hồng. Lúc rảnh rỗi, chúng tôi đã tìm hiểu về cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam.
Đối với một người lớn lên ở vùng Đức Huệ tỉnh Cát Lâm như tôi, Việt Nam là nơi rất xa xôi, hầu như tôi không có quan hệ gì với quốc gia này. Thế nhưng mối liên hệ [với Việt Nam] lại từng gần gũi đến thế, bởi lẽ hồi ở tuổi thiếu niên tôi nhận được sự giáo dục chủ nghĩa yêu nước chính tông và lây nhiễm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quen thuộc “Phong thái nhuốm máu” và “Vòng hoa dưới núi cao”,[1] từng cùng thầy trò toàn trường nghe các anh hùng Lão Sơn[2] báo cáo chuyên đề tại Cung Văn hoá công nhân Đức Huệ, tôi lại còn hăng máu đòi ra tiền tuyến Việt Nam liều mạng với quốc gia này mà không ngại hy sinh, cho dù sức mình còn chưa xách nổi ngọn giáo có tua hồng.
Để tìm hiểu cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam, tôi có chủ ý đi thăm Bảo tàng Quân đội Việt Nam tại Hà Nội. Thật may là Bảo tàng này ở ngay chếch phía trước mặt Đại sứ quán Trung Quốc, cách chưa đầy 100 mét, nhà Bảo tàng không lớn.
Tác giả từng thăm Bảo tàng Quân sự cách mạng Trung Quốc tại Bắc Kinh, cảm thấy cực kỳ hùng vĩ, oách hơn Bảo tàng Việt Nam nhiều. Quy mô và phong thái hai nhà bảo tàng quân sự của hai nước nên là sự thể hiện và hình ảnh thu nhỏ các mặt sức mạnh kinh tế, diện tích lãnh thổ và sức mạnh quân sự của hai nước.
Nhưng vào xem thì căn bản chẳng có trưng bày nội dung nào về cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam, chỉ có các tư liệu Trung Quốc giúp Việt Nam chống Mỹ. Máy ảnh tôi mang theo thế là vô dụng, tôi cảm thấy có chút hẫng hụt.
Thỉnh thoảng có du khách Trung Quốc vào xem Bảo tàng, họ đến Việt Nam theo các đoàn du lịch. Khi nhập cảnh họ được nhắc nhở chớ nói chuyện với người Việt Nam về cuộc chiến tranh này nhằm tránh tổn thương tình cảm của đối phương.
Nhưng tôi thì bất chấp cái tình cảm gì gì ấy, xông thẳng tới hai nhân viên đứng ngoài sân Bảo tàng Quân đội Việt Nam hỏi cho ra nhẽ. Họ cũng mặc quân phục, một nam một nữ. Vì không hiểu tiếng Trung Quốc tôi nói nên họ lập tức đi gọi một hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đến. Anh này chừng 30 tuổi, nói tiếng Trung rất thạo.
Nghe tôi hỏi đoạn lịch sử ấy, nụ cười của anh trở nên nghiêm trang: “Tôi biết Trung Quốc các ông tuyên truyền đây là cuộc chiến phản kích tự vệ, nhưng ông hãy thử nghĩ xem, có thể như thế được không? Việt Nam chúng tôi một nước nhỏ thế này mà có thể xâm lược nước các ông được sao? Hồi ấy cuộc Cách mạng Văn hoá của các ông vừa mới chấm dứt, rất nhiều mâu thuẫn và nguy cơ chưa giải quyết được, các ông bèn xâm lược Việt Nam để đổ vấy nguy cơ. Dĩ nhiên nguyên nhân không chỉ có vậy.”
Tôi nói, vì Việt Nam quấy nhiễu biên giới và xua đuổi Hoa kiều nên Trung Quốc mới phản kích tự vệ. Anh ta nói, chúng ta hãy tạm chưa tranh cãi ai sai ai đúng. Ai ngờ hướng dẫn viên du lịch Việt Nam này nhắc đến cả chuyện Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc đi vào vùng biển đảo Điếu Ngư [Nhật gọi là Senkaku]. “Tôi thấy nhiều thành phố Trung Quốc bắt đầu [biểu tình chống Nhật], thực ra đó là kết quả việc chính phủ và giới truyền thông Trung Quốc kích động. Người Trung Quốc các ông quá thù hận. Người Việt Nam chúng tôi xưa nay không bao giờ thù hận nước khác, chúng tôi là một dân tộc hoà bình” – anh nói.
Điều khiến tôi kinh ngạc không phải ở chỗ anh ta nói có đúng hay không mà là tôi không nghĩ anh hiểu Trung Quốc nhiều như vậy. Bên cạnh còn có một người Việt Nam biết tiếng Trung nói xen vào: Trung Quốc các ông một mặt nói thù hận là không hợp trào lưu của loài người, một mặt lại hết mức thù hằn Nhật Bản và các nước khác. Như thế chẳng phải là tự mâu thuẫn với mình, rất giả dối đó sao? Kinh tế các ông có thành công nữa cũng không được người ta tôn trọng.
Tôi bảo, Nhật Bản có sai, họ cũng từng xâm lược Việt Nam, Trung Quốc căm thù là bình thường, nhưng nhà nước chúng tôi không kích động, người Trung Quốc chúng tôi không căm thù Việt Nam.
Tôi kể, khi lính Trung Quốc gánh nước cho phụ nữ Việt Nam thì bị người phụ nữ ấy bắn lén từ sau lưng mà hy sinh, cả đến trẻ con Việt Nam 11, 12 tuổi cũng bắn giết Giải phóng quân, thật là lấy oán trả ơn. Tôi hỏi hướng dẫn viên du lịch thấy chuyện ấy như thế nào, anh bảo: “Các ông xâm lược vào đây, có thể nào không đánh các ông hay sao?”
Tôi cảm thấy đây là chuyện làm người Trung Quốc chúng ta xấu hổ khó xử. Sau này hướng dẫn viên du lịch ấy có gửi E-mail cho tôi, trình bày quan điểm của Việt Nam đối với cuộc chiến tranh này, viết bằng Trung văn.
Có lẽ là cách viết sách giáo khoa của Việt Nam bắt chước cách viết của Trung Quốc 40 năm sau khi lập quốc, Trung Quốc tô sơn cho cuộc Kháng chiến chống Nhật: năm 1979, “Quân đội Trung Quốc tự cho là có thể chiếm toàn cõi Việt Nam trong một thời gian ngắn nhưng rốt cuộc đã rơi vào biển cả chiến tranh nhân dân của con em Việt Nam anh hùng chúng ta, sau khi trả giá lớn buộc phải hoảng hốt tháo chạy ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.”
Sách giáo khoa và dân chúng Việt Nam còn nói về cái gọi là quân đội Trung Quốc “làm đủ mọi điều hung ác”, “Việt Nam nghèo khổ lạc hậu chính là do Trung Quốc xâm lược và cướp bóc gây ra”.
Cho dù nhà Bảo tàng Quân đội Việt Nam không có nội dung cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam nhưng khi tôi đến Bảo tàng Quốc gia Việt Nam thì lại nhìn thấy cái gọi là ghi chép về việc các vương triều Trung Quốc trước đây xâm lược Việt Nam; tại đây người ta có phát các tài liệu tiếng Trung Quốc giới thiệu lịch sử chuyện đó. Lại còn có trưng bày cái gọi là “Trung Quốc chiếm Việt Nam lâu tới 1000 năm”.
[Tài liệu của] Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc viết bằng Trung văn giới thiệu thế này: “Nhân dân Việt Nam từng nhiều lần bị nước ngoài xâm lược, gồm các vương triều Trung Quốc trước đây như triều Tống (thế kỷ 11), triều Nguyên (thế kỷ 13), triều Minh (thế kỷ 15) và triều Thanh (thế kỷ 18).” Người Việt Nam tự hào vì đã đánh bại quân Trung Quốc từ phương Bắc đến, lưu lại nhiều cái gọi là sự tích anh hùng “Chống Nguyên”, “Chống Minh” và “Chống Trung Quốc”. Trong thời gian đó liên tiếp xảy ra các cuộc khởi nghĩa anh hùng do Hai Bà Trưng (đời Hán), Triệu Trinh Nương (đời Tam Quốc), Mai Thúc Loan (đời Đường), Dương Đình Nghệ (đời Ngũ đại thập quốc) lãnh đạo chống lại sự thống trị tàn bạo của Trung Quốc, nhưng đều bị đàn áp.” Những nhân vật ấy được người Việt Nam coi là thần minh phù hộ bình yên và mưa thuận gió hòa để thờ cúng.
Tác giả Vương Cẩm Tư còn thấy tại trung tâm Hải Phòng, một thành phố ở miền Bắc Việt Nam, có dựng một bức tượng đồng cao hơn ba chục mét, theo giới thiệu là “bà Lê Chân nữ anh hùng Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược thời kỳ Đông Hán”.
Tương truyền Lê Chân xinh đẹp, tính tình hiền thục, quan lại Trung Quốc thèm khát muốn lấy làm vợ. Cả gia đình Lê Chân phản đối, kết quả quan Trung Quốc giết người nhà Lê Chân. Quyết tâm trả thù cho gia đình mình, bà Lê Chân vô cùng đau buồn căm phẫn về quê triệu tập binh sĩ tình nguyện chiến đấu anh dũng, cuối cùng bà hy sinh vẻ vang.
Tại Việt Nam, các nơi đều có nhiều nghĩa trang quân nhân, chủ yếu là kết quả chiến tranh với Mỹ, tiếp sau là các binh sĩ Việt Nam chết trong tác chiến với quân đội Trung Quốc; có thể thấy người Việt Nam vẫn rất tôn trọng họ. Nghe nói có phụ nữ trung niên Việt Nam không bán hàng cho người Trung Quốc, nguyên nhân do chồng bà bị quân đội Trung Quốc bắn chết trong cuộc chiến tranh Trung-Việt hồi trước.
Hiện nay việc hoạch định biên giới trên bộ giữa hai nước Trung-Việt đã được giải quyết. Theo nguồn tin tin cậy, nước ta có một anh hùng chiến đấu năm xưa từng cố thủ trận địa, coi thường cái chết, có thành tích nổi bật, nhưng cuối cùng khi phân chia biên giới thì trận địa đó lại thuộc về Việt Nam; mới đầu tư tưởng người anh hùng ấy rất không thông, về sau anh đã nghĩ thông suốt, lợi ích quốc gia trên hết.
Nói tới chuyện cách nhìn nhận người Trung Quốc, nhiều người Việt Nam đánh giá còn được, cũng có người nói thẳng: “Thường thôi”, “Không tốt, không bằng Nhật”. Lý do là Trung Quốc còn đe dọa họ, phẩm chất người Trung Quốc không tốt, bịp bợm lừa đảo; chất lượng hàng Trung Quốc không tốt, xe máy dùng 1-2 năm là hỏng; xe máy Nhật cấp cao hơn, dùng lâu bền. Quả vậy, tại Việt Nam tôi thấy xe máy đầy đường mà hầu như rất ít xe Trung Quốc, tuyệt đại đa số là xe Nhật.
Lần này tôi sang Việt Nam đúng vào dịp đại lễ 1000 năm thủ đô Hà Nội Việt Nam, tại nhiều nơi có thể cảm nhận thấy ảnh hưởng lớn của lịch sử, văn hoá Trung Quốc.
Như có người nói, trong lịch sử mấy nghìn năm của mình, Việt Nam chiến tranh nhiều, hoà bình ít, xáo động nhiều, yên ổn ít, [người Việt Nam] không suy tính quá nhiều những ân oán trong lịch sử và quý trọng nền hoà bình không dễ đến với mình.
Năm 2010 là dịp kỷ niệm 60 năm Trung Quốc-Việt Nam lập quan hệ ngoại giao, hai nước tận hưởng hoà bình, người buôn bán đi lại ngày càng thân mật, Hữu Nghị Quan thực sự hưởng tình hữu nghị chứ không phải là tranh chấp và khói súng. Phần lớn người Việt Nam rất nhiệt tình với Trung Quốc. Trên đoàn tàu hỏa cũ nát từ Hải Phòng đi thủ đô Hà Nội, tôi trò chuyện với các cô gái Việt Nam bằng thứ tiếng Anh đơn giản. Có một anh chàng biết lõm bõm vài từ tiếng Trung Quốc nói oang oang với tôi trước mặt mọi người trên toa tàu: “Tôi yêu bạn!” Chúng tôi đều cười.
Giới thiệu của người dịch: Vương Cẩm Tư người Cát Lâm, nay ở Bắc Kinh. Tốt nghiệp nghiên cứu sinh Đại học Bắc Kinh ngành truyền thông điện ảnh, từng làm nhà báo, ca sĩ, nay hoạt động tự do. Bỏ nhiều công sức sưu tầm tư liệu về tội ác chiến tranh của Nhật Bản chống Trung Quốc, chủ trương ghi nhớ sự kiện lịch sử nhưng không hận thù. Tác phẩm nổi tiếng: “Nhật Bản được, Trung Quốc lại càng được”, chủ yếu phân tích sự thịnh suy của Trung Quốc trong 100 năm qua, vạch ra thực tế Trung Quốc thua kém Nhật. Gần đây sau vụ đâm tàu ở đảo Senkaku/Điếu Ngư, Vương viết bài kiến nghị Trung Quốc cứ bán đất hiếm cho Nhật, kết quả Vương bị dân mạng chửi là “thân Nhật”. Vương cũng là người viết bài nói lên sự thật Trung Quốc từng ủng hộ Nhật thu hồi 4 đảo phương Bắc do Liên Xô cũ chiếm đóng theo thỏa thuận sau Thế chiến II.
Nguồn: 越南人眼中的中越战争:贫穷落后是中国造成 2010-12-16, http://military.china.com
—————
[1] bài hát và tiểu thuyết Trung Quốc viết về chiến tranh 1979 (ND).
[2] một ngọn núi ở Hà Giang, nơi Trung Quốc tấn công lấn chiếm đất Việt Nam (ND).
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/02/22/chien-tranh-trung-viet-trong-mat-nguoi-viet-nam/#sthash.INQxy0s9.dpuf

Top 25 bài được đọc nhiều nhất trong năm 2016

Print Friendly
Sau đây là danh sách 25 bài xuất bản trong năm 2016 được đọc nhiều nhất trên Dự án Nghiên cứu Quốc tế trong năm qua. Nhân đây, Dự án Nghiên cứu Quốc tế xin gửi tới Quý độc giả, các Cộng tác viên và các Nhà tài trợ lời chúc mừng năm mới 2017 An khang, Thịnh vượng, và Thành công!
  1. Trump: Đây là cách nước Mỹ cứng rắn với Trung Quốc
  2. Chiến tranh 1979 dưới con mắt một viên tướng Trung Quốc
  3. Hội nghị Thành Đô và tình thế ngoại giao Việt Nam
  4. Trung Quốc bình luận việc TBT Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử
  5. Trung Quốc bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Obama
  6. “Vì sao người Trung Quốc ngu thế?”
  7. Chiến tranh Việt-Trung: TQ vạch kế hoạch và chuẩn bị xâm lược
  8. Người Trung Quốc viết về sự kiện Việt Nam ‘xâm lược’ Campuchia
  9. Vì sao người VN ít thân thiện với người TQ?
  10. Phán quyết Biển Đông: Lợi và hại đối với Việt Nam
  11. Lào bầu lãnh đạo mới theo hướng nghiêng về Việt Nam
  12. Đấu đá quyền lực giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường?
  13. Nhật đầu hàng, vì Stalin không phải bom nguyên tử
  14. Đồng chí B nói về âm mưu chống VN của bè lũ phản động TQ
  15. Mấy điều đáng cười về cách nhìn lịch sử của người Trung Quốc
  16. Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt
  17. Nguồn gốc Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ
  18. Putin cáo buộc Lenin đặt “bom hẹn giờ” lên Nga
  19. Con gái Fidel Castro kể chuyện cha mình
  20. Tại sao Việt Nam triển khai bệ phóng rocket ở Trường Sa
  21. Khrushchev mới là người giết chết chủ nghĩa cộng sản
  22. Trung Quốc đã đánh mất Đài Loan như thế nào?
  23. Vì sao vua Gia Long trả thù tàn khốc nhà Tây Sơn?
  24. Koh Tral/Phú Quốc: Giấc mơ tuyệt vọng của Campuchia
  25. Thực trạng Crimea 2 năm sau ngày bị Nga sáp nhập
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/01/01/top-25-bai-duoc-doc-nhieu-nhat-trong-nam-2016/#sthash.haeQFPZa.dpuf

Việt Nam: Quốc gia thành công hay thất bại?


Print Friendly
 vn
Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Các chỉ tiêu đánh giá quốc gia thất bại
Từ năm 2005 trở đi, hàng năm tạp chí chính trị học nổi tiếng thế giới Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại, xuất bản tại Mỹ) đều công bố Bảng Xếp hạng các quốc gia được đánh giá theo Chỉ số Quốc gia thất bại.[1]
Chỉ số Quốc gia thất bại (Failed States Index – FSI) do Quỹ Hòa Bình (Fund for Peace, một thinktank ở Mỹ, độc lập với tạp chí Foreign Policy) tổng hợp 90.000 nguồn dữ liệu định lượng khác nhau được công khai từ đầu năm đến cuối năm của gần 180 quốc gia trên thế giới, để gộp thành 12 thang điểm đo đạc từ mức độ phát triển kinh tế cho đến chỉ số về sự công bằng trong xã hội. Sau đó, tạp chí Foreign Policy công bố Bảng Xếp hạng các quốc gia được đánh giá theo Chỉ số quốc gia thất bại.
Quỹ Hoà bình đưa ra khái niệm chỉ số FSI nhằm để từ đó dùng phương pháp định lượng tìm ra các quốc gia thất bại.
Sở dĩ phải xác định quốc gia thất bại chủ yếu là do các quốc gia đó đang trở thành mối lo ngại cho cộng đồng quốc tế, nhất là lo ngại khi vạch chính sách ngoại giao đối với các quốc gia ấy. Quốc gia có chỉ số thất bại cao nhất là nơi có nền kinh tế yếu nhất, phát triển chậm nhất, nhiều bất công nhất, v.v.. Nói đơn giản, đó là nơi mà phần lớn dân có đời sống hàng ngày rất khó khăn, xã hội bất an; người dân phải phấn đấu để sống sót từng ngày, để được hưởng một chút tự do. Đó là những hoàn cảnh căn bản tạo nên một quốc gia có nhà cầm quyền thất bại.
Có 12 chỉ tiêu (Indicator) đánh giá, gồm 4 chỉ tiêu xã hội, 2 chỉ tiêu kinh tế, 6 chỉ tiêu chính trị. Mỗi chỉ tiêu được đánh giá theo thang điểm 10; điểm càng cao tức càng thất bại, điểm càng thấp thì càng thành công. Cộng điểm của 12 chỉ tiêu này lại được tổng số điểm đánh giá mức độ thất bại, tức FSI của quốc gia đó.
Chỉ tiêu xã hội gồm:
  • (I-1) Áp lực gia tăng số dân (Mounting demographic pressures, viết tắt DP);
  • (I-2) Sự di chuyển quy mô lớn dân tị nạn, tạo ra các tình huống nhân đạo khẩn cấp (Massive displacement of refugees, creating severe humanitarian emergencies, REF);
  • (I-3) Sự lan rộng các nhóm thù địch tìm cách trả thù nhau (Widespread vengeance-seeking group grievance, GG);
  • (I-4) Dân bỏ trốn để thoát cảnh khổ sống trong nước mình (Chronic and sustained human flight, HF).
Chỉ tiêu kinh tế gồm:
  • (I-5) Trình độ phát triển kinh tế không đồng đều theo các nhóm dân (Uneven economic development along group lines, UED);
  • (I-6) Suy thoái kinh tế nặng (Severe economic decline, ECO).
Chỉ tiêu chính trị gồm:
  • (I-7) Mức độ phạm tội và/hoặc phi pháp của chính quyền (Criminalization and/or delegitimization of the state, SL), còn được gọi là chỉ tiêu tham nhũng;
  • (I-8) Tình trạng suy thoái của các dịch vụ công (Deterioration of public services, PS);
  • (I-9) Sự trì hoãn hoặc tùy tiện trong việc áp dụng luật pháp và vi phạm nhân quyền một cách phổ biến (Suspension or arbitrary application of law; widespread human rights abuses, HR);
  • (I-10) Sự vận hành các cơ quan an ninh theo kiểu “nhà nước bên trong nhà nước” (Security apparatus operating as a “state within a state”, SEC);
  • (I-11) Sự gia tăng tình trạng giới tinh hoa chia bè kết phái (Rise of factionalized elites, FE);
  • (I-12) Sự can thiệp của các nước ngoài hoặc thế lực chính trị bên ngoài (Intervention of external political agents, EXT).
Trong bảng xếp hạng năm 2015, các quốc gia được chia làm 4 loại lớn theo tổng số điểm FSI:
  1. Loại Báo động (Alert), – có FSI từ 90 điểm trở lên, là các nước thất bại nhất, kém ổn định nhất (trong đó còn chia làm Very High Alert, High Alert và Alert);
  2. Loại Cảnh báo (Warning), – có FSI từ 60 đến dưới 90 điểm (trong đó còn chia làm High Warning, Warning và Low Warning);
  3. Loại Ổn định (Stable), – có FSI từ 30 đến dưới 60 điểm, trong đó còn chia làm Less Stable, Stable và More Stable [trước đây gọi là Vừa phải Moderate];
  4. Loại Bền vững (Sustainable), – có FSI dưới 30 điểm, là các nước thành công, ổn định nhất, trong đó còn chia làm Sustainable và Very Sustainable.
Như vậy tổng số điểm FSI càng nhỏ (thứ hạng càng thấp) thì càng thành công, và ngược lại, tổng số điểm FSI càng lớn (thứ hạng càng cao) thì càng thất bại. Năm 2015, Nam Sudan có FSI bằng 114,5 điểm và xếp hạng thứ 1, là quốc gia thất bại nhất thế giới, trong khi Phần Lan có FSI bằng 17,8 điểm và xếp hạng thứ 178, là quốc gia thành công nhất thế giới.
Theo thói quen, 60 quốc gia có tổng số điểm FSI cao nhất bị coi là nhóm quốc gia thất bại; các quốc gia còn lại không bị coi là thất bại.
Các quốc gia thất bại thường có một số đặc điểm chung, phổ biến nhất là mất sự kiểm soát lãnh thổ trên thực tế hoặc không thể hoàn toàn nắm được quyền hợp pháp sử dụng vũ lực. Tiếp theo là sự suy yếu khả năng quyết sách tập thể; không thể cung cấp cho nhân dân các dịch vụ công cộng thích hợp, không thể dùng tư cách thành viên chính thức của cộng đồng quốc tế để giao lưu với  các quốc gia khác.
Mười hai chỉ tiêu nói trên hàm chứa nhiều nhân tố của quốc gia thất bại như tham nhũng nặng; các hành vi phạm tội; không có khả năng thu thuế hoặc khả năng được nhân dân ủng hộ; có số lượng lớn người buộc phải bỏ quê nhà tha phương cầu thực; nền kinh tế suy thoái nặng; sự bất bình đẳng giữa các cộng đồng dân cư; sự hãm hại nhân dân một cách có tổ chức hoặc phân biệt đối xử nghiêm trọng; sức ép dân số nặng; giới tinh hoa chia rẽ; môi trường sống bị phá hoại nặng.
Chỉ số FSI đầu tiên được đưa ra vào năm 2005, hồi ấy chưa có ai thật sự nghiên cứu về các quốc gia thất bại một cách có phương pháp. Trong 5 năm qua, việc đưa ra FSI và bảng xếp hạng quốc gia thất bại đã tạo lập được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với nhóm quốc gia này và tăng cơ hội thảo luận giữa các nhà quyết sách ở Mỹ và trên thế giới. Chỉ số FSI khiến họ chú ý đến các quốc gia thất bại, cách đối phó với những thể chế ấy, và các “căn bệnh” đặc biệt của mỗi quốc gia có nhà cầm quyền thất bại.
Bảng Xếp hạng quốc gia thất bại năm 2010
Bảng này được công bố trên tạp chí Foreign Policy số tháng 7-8/2010. Qua đó ta thấy có nhiều nước châu Phi thuộc nhóm 37 quốc gia loại “Báo động” (tức nguy hiểm vì bất ổn).
Somalia 3 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng quốc gia thất bại với tổng số điểm FSI là 114,3. Nước này suốt 18 năm qua không có sự vận hành của bộ máy nhà nước, thiếu luật pháp, rối loạn, nạn cướp biển hoành hành, nhiều nhóm Hồi giáo vũ trang kiểm soát chặt các đường phố thủ đô Mogadishu, nội chiến liên miên, dân chúng không biết dân chủ là gì… Somalia đạt số điểm cao tuyệt đối (10 điểm) về 4 chỉ số : dân tị nạn nhiều; tham nhũng; tồn tại “nhà nước bên trong nhà nước”; và giới tinh hoa chinh bè kết phái.
Tiếp sau là Chad, Sudan, Zimbabwe, Cộng Hòa Congo, Afghanistan, Iraq, Cộng hòa Trung Phi, Guinea, Pakistan, Haiti, Bờ Biển Ngà (Ivory Coast), Kenya, Nigeria, Yemen, Myanmar, Ethiopia, Đông Timor, Bắc Triều Tiên, Niger thuộc số 20 quốc gia thất bại nhất. Hầu hết các quốc gia này đều nghèo đói, rối loạn, chính trị độc tài chuyên chế, nhiều người dân vì khổ cực phải bỏ nước ra đi.
Có những quốc gia nhờ cải thiện được một số chỉ tiêu nên thứ hạng tăng về phía tốt hơn. Như Sierra Leone và Liberia cách đây ít lâu thuộc Top 20 quốc gia thất bại nhất nay đã ra khỏi danh sách đó. Sri Lanka sau khi dẹp xong nhóm Con hổ giải phóng Tamil, từ thứ 22 năm 2009 nhảy lên thứ 25 năm 2010 (tăng 3 bậc về phía tốt). Cộng hòa Dominic cũng tăng 5 bậc.
Các quốc gia xếp ở cuối bảng (số thứ tự lớn nhất) là các quốc gia ổn định nhất, tốt nhất. Ở châu Á, quốc gia tốt nhất là Nhật Bản, xếp thứ 164, với tổng FSI bằng 31,3 điểm; thứ nhì là Singapore, thứ 160 với 34,8 điểm .
13 quốc gia thuộc loại Bền vững gồm: 10 nước châu Âu (có 4 nước Bắc Âu), 1 nước châu Mỹ, 2 nước châu Đại dương. Na Uy là quốc gia tốt nhất, xếp cuối bảng (thứ 177) với FSI thấp nhất, bằng 18,7 điểm. Tiếp đó đến: Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Ireland, Đan Mạch, New Zealand, Áo, Australia, Luxembourg, Hà Lan, Canada, Iceland (thứ 165).
Xếp hạng của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như sau: tốt nhất là Anh – thứ 161, Pháp – 159, Mỹ – 158, Nga – 80, Trung Quốc – 62. Qua đây có thể thấy hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc lại không được coi là quốc gia thành công bằng các quốc gia nghèo hơn.
Có một trường hợp đặc biệt: Trung Quốc năm 2009 bị xếp thứ 57, thuộc vào loại quốc gia thất bại, tức trong nhóm 60 nước có FSI lớn nhất (nhưng năm 2010 tăng 5 bậc về phía tốt hơn, ra khỏi nhóm quốc gia thất bại).
Vì sao một nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới lại bị xếp vào nhóm quốc gia thất bại? Đó là vì Trung Quốc có chỉ số FSI lớn về các chỉ tiêu: – sức ép dân số (chỉ số Demographic Presures bằng 9, do có nhiều người di cư ra nước ngoài), – phân hóa giàu nghèo quá chênh lệch (chỉ số phát triển không đồng đều Uneven Development bằng 9,2), – tồn tại vấn đề nhân quyền (chỉ số Human Rights bằng 8,9),
Bảng Xếp hạng quốc gia thất bại năm 2015
Trong Bảng xếp hạng FSI năm 2015 có 38 nước thuộc loại Báo động. 87 nước thuộc loại Cảnh báo, 38 nước thuộc loại Ổn định và 15 nước thuộc loại Bền vững.
Trong 38 nước thuộc loại Báo động có 4 nước thuộc loại Báo động rất cao: Nam Sudan xếp loại cao nhất (114,5 điểm FSI, xếp thứ 1), rồi đến Somalia (114,6), CH Trung Phi (111,9), Sudan (110,8).
Trong 87 nước thuộc loại Cảnh báo, có 27 nước thuộc loại Cảnh báo cao, 42 nước loại Cảnh báo, 18 nước loại Cảnh báo thấp.
Trong 38 nước thuộc loại Ổn định có 12 nước loại Kém Ổn định, 15 nước loại Ổn định, và 11 nước loại Ổn định hơn.
Trong 15 nước loại Bền vững có 14 nước loại Bền vững và một nước loại Rất Bền vững tức Quốc gia bền vững nhất thế giới năm 2015 là Phần Lan, có tổng số điểm FSI bằng 17,8, rồi đến Thụy Điển (20,2), Na Uy (20,6), Đan Mạch (21,5). Trong các quốc gia Bền vững, có 2 nước ở châu Đại dương (Australia, New Zealand), một ở Bắc Mỹ (Canada), 11 ở châu Âu.
Xếp hạng của các nước Hội đồng Bảo an LHQ: Anh – 33,4 điểm, thứ 161 (tốt nhất); Pháp – 33,7, thứ 160; Mỹ – 35,3, thứ 158; Trung Quốc – 76,4, thứ 83; Nga – 80,0, thứ 65.
Xếp hạng các nước khối ASEAN như sau:
  • Singapore, 34,4 điểm, thứ 159, là quốc gia ổn định nhất châu Á, hơn Nhật, Hàn Quốc.
  • Brunei, 63,0 điểm, thứ 121.
  • Malaysia, 65,9 điểm, thứ 115
  • Việt Nam, 72,4 điểm, thứ 97.
  • Indonesia, 75,0 điểm, thứ 88.
  • Thái Lan, 79,1 điểm, thứ 71.
  • Lào, 84,5 điểm, thứ 55.
  • Philippines, 86,3 điểm, thứ 48.
  • Cam-pu-chia, 87,9 điểm, thứ
  • Myanmar, 94,7 điểm, thứ 27, tức kém ổn định nhất trong Asean.
Như vậy Lào, Philippines, Cam-pu-chia và Myanmar thuộc loại quốc gia thất bại.
Singapore là một trong ba quốc gia châu Á thuộc loại Ổn định hơn (More Stable), xếp cao hơn Mỹ một bậc. Hai nước kia là Nhật (36,0, thứ 157) và Hàn Quốc (36,3, thứ 156).
Việt Nam thuộc loại quốc gia Cảnh báo, nhưng xếp ở bậc tốt hơn Indonesia (75,0, thứ 88), Trung Quốc (76,4, thứ 83).
Đáng chú ý:
  • Nga được 80,0 điểm, thứ 65, gần sát loại quốc gia thất bại;
  • Cuba là nước có FSI được cải thiện nhanh nhất trong một thập niên qua: tổng số điểm FSI năm 2015 bằng 67,4 (giảm 3,4 điểm so 2014, giảm 10,4 điểm so 2010), xếp thứ 121, được xếp vào loại Low warning, bỏ xa Việt Nam.
Việt Nam: Quốc gia thành công thứ tư trong khối ASEAN
Năm 2010 Việt Nam xếp thứ 95 (tức tăng 1 bậc về phía tốt hơn so với năm 2009), như vậy là tốt hơn Ấn Độ (thứ 87), Thái Lan (81), Indonesia (61), Phillippines (51), Cam-pu-chia (40), Lào (40), Myanmar (16); chỉ kém Malaysia (110), Brunei (117), Singapore (160), nói cách khác, Việt Nam là quốc gia thành công thứ 4 trong 10 quốc gia thuộc khối ASEAN.
Năm 2015, Việt Nam vẫn giữ thứ hạng thành công như trên và trong bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam tăng 2 bậc về phía tốt hơn.
Các chỉ tiêu của Việt Nam có số điểm như sau (trong ngoặc là số liệu năm 2010):
– DP: 6,1 (6,9);  – REF: 4,7 (5,2); – GG: 6,5 (5,3); – HF: 5,6 (5,9); – UED: 5,5(5,9);            – ECO: 5,8 (6,6); – SL 8,1 (7,3);  – PS: 5,2 (6,4);  – HR: 7,8 (7,3);  – SEC: 5,1 (6,0);        – FE: 6,9 (7,0);  EXT: 5,1 (6,2);
Tổng cộng Việt Nam được 72,4 điểm (76,6), vẫn thuộc vào loại quốc gia cần được cảnh báo có nguy cơ thất bại. Có hai chỉ tiêu cao từ 7,0 trở lên, và tăng về phía xấu, đó là chỉ tiêu tham nhũng SL có số điểm là 8,1 (7,3); chỉ tiêu nhân quyền HR bằng 7,8 (7,3).
Dư luận một số nước châu Phi có phản ứng khi thấy nước mình bị xếp hạng xấu, cho rằng đây chỉ là cách đánh giá theo quan điểm phương Tây, còn đa số các nước không bình luận. Trung Quốc năm 2009 bị xếp hạng thuộc nhóm quốc gia thất bại nhưng cũng không có phàn nàn gì.
Qua đó có thể thấy phương pháp đánh giá quốc gia thất bại nói trên là tương đối khách quan. Bản thân nước Mỹ cũng không được xếp hạng tốt tương xứng với vị thế siêu cường số một. Dĩ nhiên, như mọi think tank khác của Mỹ, Quỹ Hoà bình và tạp chí Foreign Policy tiến hành nghiên cứu xếp hạng quốc gia thất bại trước hết nhằm phục vụ nhu cầu chiến lược của Washington, vì thế họ chỉ cần làm việc này một cách khách quan, khoa học chứ không cần quan tâm nhiều tới phản ứng của dư luận.
———-
Nguồn tham khảo:
– https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_Fragile_States_Index
Kèm bảng xếp hạng 2015 lấy từ http://fsi.fundforpeace.org/rankings-2015
———–
[1] Gần đây thuật ngữ Chỉ số quốc gia thất bại đã được thay bằng thuật ngữ Chỉ số quốc gia dễ đổ vỡ (yếu kém), Fragile States Index (viết tắt vẫn là FSI), nhưng để tiện đối chiếu với số liệu các năm từ 2005 tới nay, ở đây chúng tôi vẫn dùng từ Chỉ số quốc gia thất bại.
Xem thêm:
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/04/12/viet-nam-quoc-gia-thanh-cong-hay-bai/#sthash.AZKwhTeu.dpuf - See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/04/12/viet-nam-quoc-gia-thanh-cong-hay-bai/#sthash.AZKwhTeu.dpuf - See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/04/12/viet-nam-quoc-gia-thanh-cong-hay-bai/#sthash.AZKwhTeu.dpuf