Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Trung Quốc đã âm thầm nhượng bộ Donald Trump, Biển Đông sẽ lặng sóng?

HỒNG THỦY

(GDVN) - Căng thẳng trên Biển Đông vốn do Trung Quốc khới lên, thì Bắc Kinh phải có trách nhiệm hạ nhiệt, đó mới là cách hành xử có trách nhiệm.
Tờ báo Stars and Stripes, Mỹ ngày 6/2 đưa tin, những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về Biển Đông từ Tokyo đã phần nào xoa dịu lo lắng của Bắc Kinh về khả năng xung đột, đối đầu Trung - Mỹ ở vùng biển chiến lược này.
Sau khi các quan chức khác trong Nội các Tổng thống Donald Trump như Ngoại trưởng Rex Tillerson ám chỉ khả năng phong tỏa hải quân với các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông, tướng James Mattis kêu gọi nỗ lực hết khả năng có thể giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao.
Phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc như một viên thuốc an thần "định tâm đan" đã "xóa tan những đám mây chiến tranh mà nhiều người lo sợ chúng đang tích tụ trên bầu trời Biển Đông", tờ China Daily viết trong bài xã luận hôm thứ Hai.
"Mattis đã truyền cảm hứng lạc quan ở đây rằng, những chuyện này có thể không phải xấu như mô tả trước đây", China Daily bình luận. 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, ảnh: ecns.cn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng lập tức lên tiếng hoan nghênh bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Biển Đông là một "sự xác nhận rất xứng tầm". [1]
Trần Phá Không, một nhà bình luận chính trị quốc tế Hoa Kỳ gốc Trung Quốc ngày 6/2 nhận định, dường như Bắc Kinh đang có những bước chuẩn bị thỏa hiệp và nhượng bộ với Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Về vấn đề Biển Đông, trong thời gian tranh cử ông Donald Trump rất ít khi nhắc đến. Nhưng ông cam kết sẽ tăng cường sức mạnh quân sự Mỹ, tăng số chiến hạm hiện có từ 274 chiếc lên 350 chiếc.
Sau khi đắc cử, ông điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Có người chỉ trích ông, tại sao không bàn bạc với Bắc Kinh trước khi nghe điện của Tiến sĩ Văn, ông trả lời bằng cách hỏi ngược lại về Biển Đông:
"Trung Quốc xây dựng các pháo đài quân sự quy mô lớn ở Biển Đông, họ có hỏi chúng ta không?"
Ngày tướng James Mattis nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Donald Trump ký sắc lệnh Tổng thống yêu cầu tân chủ nhân Lầu Năm Góc:
Đánh giá hiện trạng vũ khí trang bị, hoạt động huấn luyện quân sự, duy trì bảo dưỡng vũ khí đạn được, trình độ hiện đại hóa của vũ khí khí tài, cùng Bộ trưởng Tài chính lên kế hoạch mở rộng năng lực quân sự trong năm tài khóa 2017.
Sắc lệnh này cho thấy Trump nói là làm, thực hiện cam kết tranh cử. Và cho đến nay, đây cũng là sắc lệnh rõ ràng duy nhất nhằm vào sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc.
Cùng trong ngày 4/2 khi tướng James Mattis tuyên bố lập trường của Mỹ về Hoa Đông và Biển Đông tại Tokyo, thì ông Dương Khiết Trì đã điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, kêu gọi đảm bảo giữ ổn định quan hệ song phương.
Nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Trung Quốc Trần Phá Không, ảnh: Peoplenews.tw.
Ông Trần Phá Không cho rằng, Trung Nam Hải đang tích cực lôi kéo quan hệ với chính phủ mới của Hoa Kỳ, âm thầm cam kết sẽ "tìm cách giải quyết" những vấn đề mà ông Donald Trump nêu ra, phía Mỹ đặc biệt quan tâm.
Chắc chắn Trung Nam Hải đã tính toán kỹ những mối quan tâm, lưu ý của ông Donald Trump, bao gồm thương mại, tỉ giá đồng nhân dân tệ, vấn đề Bắc Triều Tiên và Biển Đông, nhưng Donald Trump "ngó lơ" vấn đề nhân quyền.
Theo ông Không, Bắc Kinh cho đây là một thời cơ tốt, vì chỉ cần Washington không động đến vấn đề "an toàn chế độ", "an toàn chính quyền" thì mọi vấn đề khác đều có thể thương lượng được.
Lâu nay Trung Quốc luôn xem Mỹ là "chủ mưu diễn biến hòa bình" tìm cách gây "bạo loạn lật đổ" chính quyền Trung Quốc. 
Nay Donald Trump công khai tuyên bố trong diễn văn nhậm chức: không can thiệp vào nội bộ nước khác, không áp đặt hệ giá trị Mỹ, nước nào thấy hay thì học.
Trong cuộc họp báo với Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định thêm: "Thời kỳ Anh - Mỹ can thiệp vào các quốc gia có chủ quyền với ý đồ bắt cả thế giới phải theo mô hình của mình đã qua rồi".
Hiển nhiên những phát biểu này của nguyên thủ Anh - Mỹ đã khiến Trung Nam Hải yên tâm hơn, tạm thời có thể kê cao gối nằm.

Biển Đông: Mattis-Tillerson song kiếm hợp bích, Donald Trump im lặng là vàng

Vì vậy theo ông Trần Phá Không, Trung Quốc đang tính toán, chỉ cần có những thỏa hiệp nhất định với Mỹ về Biển Đông, thương mại, hối đoái, Bắc Triều Tiên là có thể đổi lấy 2 điều cam kết từ nước Mỹ:
Một là Mỹ sẽ không làm gì tổn hại đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai là nước Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ vẫn tiếp tục tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Quốc".
Ông Không lưu ý một ví dụ thể hiện sự thỏa hiệp sau rèm của Bắc Kinh. Đó là trong cuộc gặp Tổng thống Donald Trump hôm 9/1, tỉ phú Trung Quốc Jack Ma cam kết trong 5 năm tới Tập đoàn Alibaba của ông sẽ tạo ra 1 triệu việc làm cho nước Mỹ.
Thời báo Hoàn Cầu từng mỉa mai rằng, nếu so với cam kết của một doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản sẽ tạo ra 50 ngàn việc làm cho Mỹ, Jack Ma rõ ràng đang "cống nạp" cho Hoa Kỳ.
Nhưng theo Trần Phá Không, thực ra trong chuyện này chính Trung Quốc đang âm thầm "cống nạp" cho nước Mỹ.
Về vấn đề Bắc Triều Tiên, sự nhượng bộ của Trung Quốc thể hiện qua việc đột ngột công bố với dư luận hôm 25/1 vừa qua:
"Cấm xuất khẩu sang CHDCND Triều Tiên vật tư, linh kiện, kỹ thuật liên quan đến vũ khí sát thương quy mô lớn và các phương tiện chuyên chở chúng, các loại vũ khí thông thường được nêu trong bản công bố này".
Bất luận đây là động tác giả hay động tác thật, nhưng ý đồ lấy lòng Donald Trump từ Trung Nam Hải thì đã quá rõ.
Về vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ, Bắc Kinh cũng đã âm thầm điều chỉnh. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Robert Casey lâu nay luôn chỉ trích gay gắt chính sách thương mại của Trung Quốc đã xác nhận điều này:
"Trung Quốc gần đây đã có những chuyển biến trong chính sách ngoại hối, không còn tiếp tục cố ý dìm giá đồng nhân dân tệ như trước".
Tuy nhiên áp lực với thương mại Trung Quốc không phải đã hết, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Charles Schumer kêu gọi:
"Tổng thống Donald Trump, nếu ngài thực sự muốn tạo việc làm cho nước Mỹ thì hãy tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Nếu ngài thực sự coi nước Mỹ là trên hết, hãy tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ".
Lần này Donald Trump không ra mặt, mà để ứng viên ông đề cử cho chức Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin giải thích:
"Nếu Trung Quốc lại tiếp tục thao túng tiền tệ, có chính sách bất bình đẳng với đồng nhân dân tệ, khi đó sẽ kiến nghị Tổng thống Donald Trump chính thức liệt Trung Quốc vào nước thao túng tiền tệ".
Nhà nghiên cứu Trần Phá Không kết luận: Trung Quốc đang âm thầm thỏa hiệp và nhượng bộ Hoa Kỳ, nhưng họ chỉ làm không nói.
Trong khi thực ra đây không phải là thỏa hiệp hay nhượng bộ thực chất, bởi lẽ Bắc Kinh gây ra vấn đề và bây giờ họ dừng lại là nghĩa vụ phải làm.
Căng thẳng trên Biển Đông vốn do Trung Quốc khới lên, thì Bắc Kinh phải có trách nhiệm hạ nhiệt, đó mới là cách hành xử có trách nhiệm. [2]
Người viết cho rằng, những thông tin nhà nghiên cứu Trần Phá Không cung cấp rất đang lưu tâm, tham khảo trong quá trình tìm hiểu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là Biển Đông và quan hệ Trung - Mỹ.
Trung Quốc thực sự "quy thuận" hay chỉ giả vờ "quy thuận" Donald Trump có lẽ cần thời gian quan sát thêm. Nhưng ông Trần Phá Không có một luận giải hết sức chính xác:
Kỳ thực, những tuyên bố và điều chỉnh chính sách của Trung Quốc nêu ra trong bài viết này nếu đúng, thì rất đáng hoan nghênh, nhưng đó là trách nhiệm của Trung Quốc phải làm, vì anh gây ra chuyện, ví dụ như vấn đề Biển Đông.
Sở dĩ người viết chú ý đến bình luận này là bởi, trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội giới thiệu sáng kiến "một vành đai, một con đường", học giả Trung Quốc Tiết Lực từng hỏi một nhà nghiên cứu Việt Nam:
Nếu Trung Quốc nhượng bộ trong vấn đề (rút lại / hủy bỏ?) đường 9 đoạn ở Biển Đông, thì Việt Nam sẽ "nhượng bộ" gì? 
Rõ ràng đây là một cái bẫy ngôn từ, nó giống như một kẻ giật bát cơm trên tay người khác. Người kia không chịu, đòi lại thì kẻ này bảo: thôi, bây giờ chia đôi!
Đó là lối "nhượng bộ khôn vặt" mà ông Tiết Lực muốn nói tới, bình luận của ông Trần Phá Không là câu trả lời đầy thuyết phục và đúng mực.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủ

MỘT VÀI NHẬN XÉT BƯỚC ĐẦU VỀ LOẠT 4 BÀI NGƯỜI BUÔN GIÓ PHỎNG VẤN TRỊNH XUÂN THANH…

Phạm Viết Đào.


Tôi đã chú ý theo dõi loạt 4 bài do Người buôn gió phỏng vấn Trịnh Xuân Thanh; Địa điểm, thời điểm 2 người gặp nhau không được xác định như một bài phỏng vấn thông thường…Blog Phạm Viết Đào cũng đã share về đủ 4 bài này và bước đầu có một vài nhận xét:
1/ Đây là một cuộc “phỏng vấn ảo”, không được tiến hành như những cuộc gặp trao đổi phỏng vấn thông thường, mặc dù trong phần cuối Người buôn gió có cam kết: Tất cả những thông tin của bài được ghi là phỏng vấn trực tiếp này có ký xác nhận của Trịnh Xuân Thanh đảm bảo ?
Một cuộc phỏng vấn trực tiếp theo thông lệ bao giờ cũng phải in kèm ảnh hoặc clip quay hình ảnh hoặc chí ít một đoạn ghi âm…ghi lời trao đổi giữa người phỏng vấn và đối tượng phỏng ấn để xác nhận đây không phải là một “tiểu phẩm văn học”…
2/ Nike Name “Người buôn gió” được cư dân mạng biết đến từ trước đến nay, được coi là thế mạnh bởi những loạt bài viết theo lối dã sử, bút pháp thêu dệt kiểu Đại Vệ chí dị; Ít ai ghi nhận, tin vào những bài viết điều tra, phóng sự về các vấn đề thế sự của Người buôn gió vì Người buôn gió không có chuyên môn sâu về các vấn đề kinh tế-xã hội và là người ngoài luồng…
Do vậy, người đọc hết sức cảnh giác khi đọc những thông tin
khi thấy Người buôn gió đụng bút tới những vấn đề thông tin liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh…
Qua trên mạng thấy xuất hiện gần như thường xuyên nike name Người buôn gió liên tiếp phanh phui các thông tin liên quan tới Trịnh Xuân Thanh, cộng đồng mạng bắt đầu hoài nghi rằng: Liệu có một nhóm người mượn Nike Name Người buôn gió, một nike đang “câu wiev” để tuồn thông tin gây dư luận của một nhóm lợi ích nào đó…
Trên tinh thần gạn đục khơi trong của một người thường xuyên theo dõi mạng, người viết bài này cũng chăm chú theo dõi phần lớn các bài viết của Người buôn gió để xem: mục tiêu, mục đích câu wiev của Người buôn gió là gì và sự thật của luồng thông tin đó và nhóm lợi ích nào đứng phía sau…
3/ Những giải trình của Trịnh Xuân Thanh về chuyện lỗ lãi, công tội của vụ thất thoát hơn 3000 tỷ ở PVC với Người buôn gió là một giải trình có nghề, có hiểu biết về quản lý kinh tế thị trường, là người trong cuộc hiểu được chuyện “chấy rận” trong chiếc chăn PVC…
Có điều nếu đúng đây là chính kiến thật của Trịnh Xuân Thanh thì vẫn là những chính kiến đơn phương từ một phía, rất dễ bị coi là ngụy trá, lấp liếm che lấp đối với những ai ít có kinh nghiệm, kiến thức về thương trường…
Những thông tin này cần được kiểm chứng, đối chứng thêm với các nguồn thông tin khác thì mới có thể kết luận được, dán nhãn OTK…Bởi vì, ai ở cương vị Trịnh Xuân Thanh, trong tình thế này cũng chỉ có thể tìm cách thanh minh cho mình, rằng mình bị oan uổng, mình trong sạch…
4/ Sơ bộ qua những giải trình của Trịnh Xuân Thanh thì chuyện lỗ lãi ở các doanh nghiệp nhà nước PVC hiện nay là chuyện mờ ảo; Do đó bảo là có công hay bắt giò là phạm tội đều được hết…
Với cái nền luật pháp hiện tại, với cái thiết chế, cơ chế thị trường kiểu không giống ai này thì muốn bắt, hay trao huân chương cho bất kỳ doanh nhân hay quan chức nào đều đúng cả, đều OK hết; Ai cũng có thể có công và ai cũng có thể bị coi là tội phạm miễn là họ đang thuộc phe nhóm nào: Được làm vua thua làm giặc…
5/ Qua giải trình của Trịnh Xuân Thanh thì anh ta chỉ là kẻ giơ đầu chịu báng cho lối làm ăn ảo, thiết chế kinh tế thị trường ảo và giơ đầu chịu báng, “đổ vỏ” cho cấp trên của anh, cho cái êkip mà anh chấp nhận làm một kẻ lon ton theo hầu…
Ai là kẻ chịu trách nhiệm về những thiệt hại có thật tại PVC, ai đã tham gia bỏ túi một phần tiền, tài sản từ doanh nghiệp nhà nước này, tuy Thanh lấp lửng không nói ra và chỉ mặt nhưng người đọc cũng nhận ra; Phải chăng nhờ đó mà Thanh thoát ra khỏi vòng lao lý, không bị bắt sống…
Việc đúng sai của các thông tin do Trịnh Xuân Thanh mượn Người buôn gió loan ra chỉ có thể làm sáng tỏ bằng một phiên tòa công minh, tranh tụng công khai.
Chừng nào những chuyện lùm xùm như vụ Trịnh Xuân Thanh chưa được ba mặt một lời làm sáng tỏ để tâm phục, khẩu phục dư luận; Để mà đãi phẫu tận gốc rễ… thì mọi biển hiệu về tính ưu việt của nền luật pháp chế độ, cùng với cái cơ chế thị trường không giống ai này là một thứ “hàng chợ quê”, đáp ứng những nhu cầu hạ cấp của những cư dân đang túng đói, hoang dã…
Tóm lại đây là một vụ án cùng với hàng loạt dự án thất thoát hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ dưới cái ô của Bộ Công thương dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kính mến thật sự đang thách thức chế độ: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ-hờ ?!
5/ Qua vụ phỏng vấn ảo này lờ mờ thấy Trịnh Xuân Thanh vẫn cón ẩn nấp đâu đó trong khu vực Đông Nam Á: Vì lý do đó nên Thanh phải chấp nhận “ mai danh ẩn tích” để hạn chế rủi ro…thỉnh thoảng dàn dựng ra những cuộc phỏng vấn ảo…
Vì muốn vượt ra khỏi Đông Nam Á Trinh Xuân Thanh không thể đi bằng đường bộ của các đường dây mafia buôn người hay xuất khẩu chui nô lệ. Mà đi máy bay thì Thanh phải qua một cửa khẩu chính ngạch nào đó từ Việt Nam, có visa đàng hoàng thì mới vào được một quốc gia nào đó.
Dương Chí Dũng đã tính đến con bài hộ chiếu giả mà không thoát…

P.V.Đ.

Hành khách TQ quậy trên chuyến bay VN 513 từ Bắc Kinh- Hà Nội ngày 1/2: Đòn nắn gân của Bắc Kinh chăng ?

Trục xuất khách Trung Quốc gây rối, dọa đánh tiếp viên trên máy bay Vietnam Airlines

Hoàng Đan | 
Trục xuất khách Trung Quốc gây rối, dọa đánh tiếp viên trên máy bay Vietnam Airlines
Một máy bay của Vietnam Airlines.

Do không được đáp ứng ngồi khoang hạng C, một hành khách người Trung Quốc đã gây rối, dọa đánh tiếp viên Vietnam Airlines và đã bị xử phạt, trục xuất về nước.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, trên chuyến bay VN 513 từ Bắc Kinh (Trung Quốc) về Hà Nội ngày 1/2, do không được ngồi khoang hạng C, một hành khách Trung Quốc đã có hành vi gây rối, dọa đánh tiếp viên, hành khách khác.
Cụ thể, khi máy bay trên chuyến VN513 đã thực hiện qua hơn nửa hành trình, hành khách Liu Jun (SN 1968, người Trung Quốc), có ghế ngồi số 26C (hạng Phổ thông) lên khoang hạng C yêu cầu được ngồi tại đây.
Do khách không có vé hạng C, tiếp viên phục vụ khoang C không đồng ý, mời khách về chỗ ngồi ban đầu nhưng ông Liu Jun đã không chấp hành.
Không được đáp ứng yêu cầu, ông Liu Jun lớn tiếng mắng chửi, lăng nhục và doạ đánh tiếp viên trưởng. Ông Liu Jun còn chửi bới, doạ đánh 2 hành khách ngồi tại hàng ghế số 5 của khoang hạng C do 2 hành khách này có ý can ngăn.
Lo sợ bị hành hung, 2 hành khách ngồi ở hàng ghế số 5 đã đề nghị có sự trợ giúp của nhà chức trách sân bay quốc tế Nội Bài khi hạ cánh. Tổ bay đã lập biên bản vi phạm hành chính và bàn giao vụ việc cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc.
Căn cứ Nghị định 147 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với ông Liu Jun, đồng thời, trục xuất về nước.
theo Trí Thức Tr

Dự án nông nghiệp công nghệ cao sẽ tới đâu?

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Một nông dân đang dỡ lớp ni lông che những cây lúa non sau những ngày giá lạnh ở Hà Nội hôm 4/2/2017.
Một nông dân đang dỡ lớp ni lông che những cây lúa non sau những ngày giá lạnh ở Hà Nội hôm 4/2/2017.
 AFP photo
Phát biểu khi khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam ngày 2 tháng 2 vừa qua, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố nâng mức tín dụng lên 100.000 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho đất nước.
Từ 60.000 tỷ đồng tăng lên 100.000 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là thông báo được ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên Đán.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ngân Hàng Nhà Nước tiến hành vận động các ngân hàng khác để có gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng như vừa nêu.
Theo ông, làm nông kiểu  ‘con trâu đi trước cái cày đi sau’ là  cách thức thủ công phải  được cải thiện bằng công nghệ mới, muốn phát triển thì phải theo hướng  nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh, theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là rau quả và chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Phúc còn khẳng định bài toán nông nghiệp Việt Nam chỉ được giải quyết khi có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã làm nông nghiệp chất lượng cao.
Ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, đơn vị đầu tư vào dự án sản xuất nông phẩm sạch tại Hà Nam, dự kiến đến cuối năm thì hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đi vào sản xuất trên diện tích 180 hectares đất, rằng đấy là nông trường ứng dụng công nghệ cao với mọi thứ được cơ giới hóa và tự động hóa, trong lúc sản phẩm các loại như rau quả được chăm trồng trong nhà màng, nhà kính.
Hỗ trợ nông nghiệp là việc cần thiết nhưng để chắc chắn có phải hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao hay không là điều cần bàn cãi. Đó là nhận định khá thận trọng của tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển đã giải thể:
Nói rằng hỗ trợ 100.000 tỷ tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao mà thực sự tôi nhìn thấy ít ra là mấy đại gia đằng sau dự án này.
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Nói rằng hỗ trợ 100.000 tỷ tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao mà thực sự tôi nhìn thấy ít ra là mấy đại gia đằng sau dự án này. Thứ nhất đây là việc mới thì phải để cho người ta thử nghiệm, và khi thử nghiệm thành công  thì nhà nước có thể là hỗ trợ  một chút để cho những người thành  công ấy trên cơ sở thị trường họ lan được ra chứ không phải là bơm tiền cho họ. Tôi không hỏi ông Nguyễn Xuân Phúc lấy đâu ra 100.000 tỷ Đồng, đây  là chuyện của hệ thống ngân hàng, mà hệ thống ngân hàng phải  hoạt động trên cơ sở thị trường. Nếu dùng 100.000 tỷ từ quĩ tín dụng hay phát triển của một ngân hàng phát triển Việt Nam thì tôi e rất có khả năng 100.000 tỷ này sẽ trở thành những khoản nợ xấu không lồ trong tương lai, đấy là điều cần phải tránh.
Một chuyện khác, nếu nói rằng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mô hình thí nghiệm hay thử nghiệm gì đấy của một hai doanh nghiệp, trong trường hợp này là Vingroup chẳng hạn, họ lao vào nông nghiệp nhung họ là tập đoàn thì họ hãy sử dụng vốn của chính họ chứ đừng dựa vào bầu vú ngân  sách, vào sự hỗ trợ của nhà nước. Như kinh nghiệm từ trước đến nay, chuyện hỗ trợ cho các đại gia có thể không phải là giải pháp cho nông nghiệp Việt Nam.
Tóm lại, kích thích, khuyến khích để các tập đoàn kinh doanh tự bỏ tiền đầu tư sao cho sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả và bán được và nếu đã có hiệu quả thì chẳng cần nhà nước phải hỗ trợ cả, tiến sĩ Nguyễn Quang A góp ý:
Tôi nghĩ rằng nông nghiệp công nghệ cao chỉ là một phần của nông nghiệp mà thôi, cho nên tỷ lệ nông nghiệp nói chung sẽ  giảm đi và càng ngày càng giảm đi. Vấn đề cốt lõi của nông nghiệp Việt Nam bây giờ là vấn đề chuyển một lượng người lao động khổng lồ đang làm nông nghiệp sang các khu vực khác, đó   là công nghiệp,là dịch vụ. Đấy là quá trình chuyển đổi rất đau đớn, vất vả, căng thẳng, chính phủ có lẽ phải lo điều đấy là chính.
Ai sẽ làm?
Vẫn theo lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò cần thiết trong việc giải bài toán nông nghiệp của Việt Nam, nguồn nhân lực từ nông dân trong nông nghiệp công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển.
054_bern0358-400.jpg
Nông dân với con trâu tại một cánh đồng ở Ninh Bình hôm 29/9/2016.AFP photo
Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia  nông nghiệp, hiệu trưởng đại học Nam Cần Thơ, cho rằng làm nông nghiệp công nghệ cao  thì mấu chốt la phải có đầu ra:
Làm nông nghiệp công nghệ cao chỉ có thể áp dụng được ở một số ít công ty hoặc cá nhân có khoa học kỹ thuật, đặc biệt có vốn và có đầu ra. Ở Việt Nam mình khi nói nông nghiệp công nghệ cao thường là chỉ nói về nhà màng, nhà kính (green house, glass house), trong đó có máy móc tự động điều khiển khí hậu cũng như điều khiển các dưỡng chất để cung cấp cho cây trồng trong nhà màng. Làm như thế không có người nông dân tham gia được mà chỉ người có vốn nhiều họ đầu tư.  Đây là dịp để một số những đại gia có quan hệ đặc biệt với các bộ ngành, họ muốn lợi dụng chính sách của chính phủ để thực hiện nông nghiệp công nghệ cao. Họ có thể trồng rau, cà chua, dưa hoặc trồng rau trong những nhà màng, còn những sản phẩm khác tôi thấy khó có thể đưa vào nhà màng này.
Mấu chốt ở đây là phải có đầu ra, có tiền thì có thể trồng được nhưng doanh nghiệp, hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ của ta hiện nay cũng đang bí  đầu ra. Ngay cả mặt hàng dạo của mình thì giờ mình bán cũng không được mà, thành ra  nói cho oai cho kêu nhưng mà thực ra công nghệ bình thường của mình thì mình còn chưa sử dụng hết.
Huy động nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao, như ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói, là rất cần thiết song cũng có khá nhiều trở ngại. Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích:
Muốn nông dân trồng có kết quả, có lời và có sản phẩm sạch phải đưa họ vào công nghệ cao. Trở ngại của mình là nông  dân chưa nhận thức được khoa học cho đúng đắn. Họ thấy cái hiện tượng trước mắt mà họ không thấy cái khoa học. Nó xảy ra bên trong cây trồng hoặc bên trong đất và nước nơi cây trồng sinh sống. Nói nông dân có kinh nghiệm nhưng thực tế những kinh nghiệm này đưa tới những tác hại rất lớn đối với nông nghiệp của ta thí dụ như bón phân sai làm cho tiêu chí nhà kính phát thải nhiều hơn rồi quyến  rũ rất nhiều sâu bịnh, từ đó nông dân phải tốn tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả những cái này đưa tới tình trạng hiện nay là sản phẩm kém chất lượng.
Công nghệ cao này cũng không có gì ghê gớm, cũng không cần phải tốn rất nhiều tiền để sắm nhà lưới, nhà kính hoặc nhà màng. Chỉ cần áp dụng khoa học cho chính xác, áp dụng kỹ thuật gọi là Good Agriculture Practice GAP khác với kỹ thuật bình thường nông dân làm trước kia, thì cũng có thể nói là áp dụng công nghệ cao. Kỹ thuật cao này hiện nay chưa được sử dụng hết, mười ông nông dân chỉ một hai ông áp dụng, tám ông kia vẫn dùng kỹ thuật cũ.
Thủ tướng đồng hành cùng ai?
Về một trong những phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân một lần nữa góp ý:
Không nên coi thường doanh nghiệp ngoài quốc doanh vì họ là số đông, họ làm việc tốt, có lời thì ngân sách nhà nước mới lên được.
- Chuyên gia Võ Tòng Xuân
Thủ tướng nên đồng hành cùng nông dân hay nên đồng hành cùng doanh nghiệp? Phải nói ông không có đủ thì giờ  để đồng hành cùng nông dân vì nông dân quá nhiều. Cũng không thể nào đi hụ hợ với nông dân được mà ông có thời giờ để thăm viếng doanh nghiệp này doanh nghiệp kia. Tức là ông sẽ kiểm tra, bảo đảm các ban ngành cung cấp nhu cầu về vốn, về lãi suất, về trang thiết bị cho doanh nghiệp có thể hoạt động được. Không nên coi thường doanh nghiệp ngoài quốc doanh vì họ là số đông, họ làm việc tốt, có lời thì ngân sách nhà nước mới lên được.
Trở lại vấn đề từ 60.000 tỷ đồng lên đến 100.000 tỷ đồng nghe rất là oai nhưng ngân sách Việt Nam mình có bao nhiều tiền đâu, quá nhiều nợ trong nợ ngoài. Không phải bây giờ thủ tướng mới nói đâu, đã có Quyết Định 62, Quyết Định 63 của chính phủ tạo điều kiện ưu đãi để doanh nghiệp có thể kết hợp với nông dân. Nhiều năm rồi nhưng số người tiếp cận được vốn ưu đãi đó có thể đếm trên đầu ngón tay. Từ nhà nước xuống các ban ngành nó hoạnh họe nó đòi đủ thứ điều kiện làm doanh nghiệp rất chán nản.
Báo chí trong nước trích dẫn phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Việt Nam phải chuyển từ nền nông nghiệp cởi trói sang nền nông nghiệp kiến tạo.
Đối với các chuyên gia am hiểu tình hình thì phải chờ xem nông nghiệp kiến tạo có nghĩa như thế nào, khái niệm “từ nông nghiệp cởi trói sang nông nghiệp kiến tạo” có chính xác và có khả thi hay không.

Chính sách Biển Đông quá cứng rắn của Mỹ không có lợi cho Việt Nam

Chính sách Biển Đông quá cứng rắn của Mỹ không có lợi cho Việt Nam
Tổng thống Trump dự lễ nhậm chức của tân ngoại trưởng Rex Tillerson ngày 01/02/2016 tại Nhà trắng.REUTERS/Carlos Barri
Ngay cả trước khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức, các quan chức của chính quyền mới đã thể hiện thái độ cứng rắn trên hồ sơ Biển Đông. Trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 11/01/2017 để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, người được chỉ định làm ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã lên án việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Mỹ phải ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo này.

Tiếp đến, trong buổi họp báo đầu tiên ngày 23/01, phát ngôn viên mới của Nhà Trắng Sean Spicer, cũng đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ “bảo vệ lợi ích” của họ tại Biển Đông. Ngay ngày hôm sau, 24/01, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đáp trả : « Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi tại biển Nam Hải ( Biển Đông )». Chính bản thân ông Trump khi chưa nhậm chức tổng thống trên mạng Twitter ngày 04/12/2016, cũng đã lên án việc Trung Quốc xây “các tổ hợp quân sự khổng lồ” ở Biển Đông.

Những tuyên bố nói trên có thật sự phản ánh một thay đổi trong chính sách Biển Đông của Mỹ theo hướng cứng rắn hơn ? Nếu đúng như thế thì điều này sẽ không có lợi cho Việt Nam, vào lúc Hà Nội đang cố hòa dịu với Bắc Kinh, nhưng vẫn phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước mưu toan độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Đó là nhận định chung của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 01/02/2017.


RFI:Thưa ông Lê Hồng Hiệp, những tuyên bố nói trên là một sự chuyển hướng thật sự trong chính sách Biển Đông của Mỹ, hay chỉ đòn đánh phủ đầu của một chính quyền mới nhậm chức?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Hiện có lẽ còn quá sớm để đưa ra nhận định chính xác về những chính sách của chính quyền ông Donald Trump đối với châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Chính quyền ông Trump chỉ vừa mới nắm quyền.

Một số tuyên bố vừa qua của các quan chức Mỹ có thể cho thấy là trong thời gian tới chính quyền Trump có thể cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, thứ nhất, liệu những tuyên bố đấy có được thực thi trên thực tế hay không ? Như chúng ta đã thấy, ngay trong những ngày đầu tiên cầm quyền, ông Trump và chính quyền của ông đã gặp một số biểu tình phản đối trong nước. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi e rằng chính quyền Trump sẽ vướng vào những vấn đề trong nước và sẽ xao lãng các vấn đề bên ngoài, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy, cho dù có muốn cứng rắn hoặc theo đuổi một chính sách cụ thể nào đấy, chính quyền ông Trump cũng sẽ gặp một số trở ngại trong việc thực thi các chính sách ấy.

Thứ hai, chúng ta cũng cần phải xem xét khả năng chính quyền ông Trump có thể cải thiện quan hệ với các đối tác chính, trước khi có thể trở nên cứng rắn với Trung Quốc hay không.

Trong thời gian qua, chúng ta thấy có xu hướng hay những dấu hiệu cho thấy ông Trump có thể cải thiện quan hệ với Nga, để có thể có một sự phối hợp nào đấy nhằm cô lập Trung Quốc hay ít ra tách Nga ra khỏi Trung Quốc. Trong trường hợp ông Trump không đạt được mục tiêu ấy thì khả năng ông cứng rắn với Trung Quốc có thể sẽ bị hạn chế, tại vì nước Mỹ sẽ không muốn “lưỡng đầu thọ địch”, tức là vừa đối đầu với Nga, vừa đối đầu với Trung Quốc, vì như vậy là lực lượng và nguồn lực của Mỹ sẽ bị dàn trải quá mức.

Thứ ba, bản thân Trung Quốc cũng có thể có những phản ứng. Trước mắt, các chính sách thương mại của ông Trump có thể rất cứng rắn với Trung Quốc. Nếu ông Trump đã cứng rắn với Trung Quốc trên mặt trận thương mại và kinh tế, mà bây giờ lại cứng rắn trên cả mặt trận chiến lược, thì có lẽ tình hình sẽ rất căng thẳng. Liệu ông Trump và chính quyền của ông có sẳn sàng tiến đến đối đầu toàn diện với Trung Quốc ? Khả năng này không cao lắm, vì hiện giờ tuy có những mâu thuẫn lợi ích về mặt chiến lược và kinh tế, nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn có sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn.

Điểm cuối cùng cũng có thể có ảnh hưởng đến khả năng ông Trump cứng rắn với Trung Quốc đến đâu, đó là phản ứng của các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tại vì những nước Đông Nam Á và những quốc gia Đông Á sẽ là những nước chịu tác động trực tiếp từ sự đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc.

Cho tới lúc này, xu hướng chung không khu vực là không muốn bị vướng vào cuộc đối đầu tay đôi giữa Mỹ và Trung Quốc và buộc phải lựa chọn giữa hai bên. Cho nên, các nước trong khu vực cũng muốn Mỹ kềm chế và không có những hành động khiêu khích và họ sẽ có những tác động lên chính quyền Trump, góp phần hạn chế phần nào xu hướng quá khích trong chính sách của ông đối với Trung Quốc, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông.

RFI:Cho tới nay, trước những tuyên bố cứng rắn, đặc biệt là của ông Tillerson, Việt Nam vẫn tỏ ra rất dè dặt. Ông nhận định như thế nào về thái độ này?

TS Lê Hồng Hiệp: Việt Nam đang muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh chính sách của ông Trump, mặc dù có chỉ dấu cho thấy có sự tiếp nối chính sách của chính quyền Obama về Trung Quốc hay Biển Đông. Tuy nhiên, do sự thất thường và cũng do ông Trump mới lên nắm quyền, Việt Nam cũng không chắc chắn về xu hướng ấy, cho nên Việt Nam cũng muốn đề phòng bằng cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, để tránh trường Mỹ không tiếp tục can thiệp sâu vào khu vực và trong trường hợp quan hệ Việt Nam-Trung Quốc căng thẳng thì Việt Nam sẽ chịu thiệt.

Hơn nữa, trong thời gian qua, một số quốc gia trong khu vực như Philippines hay Malaysia đã tích cực cải thiện quan hệ với Trung Quốc và những quốc gia này cũng là những quốc gia tham gia trực tiếp vào tranh chấp Biển Đông.

Trong trường hợp những quốc gia liên quan đó cải thiện được quan hệ với Trung Quốc trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục căng thẳng thì như vậy áp lực ngoại giao lên Việt Nam sẽ rất là lớn. Trong bối cảnh ấy, tôi nghĩ Việt Nam cũng không muốn Hoa Kỳ có những chính sách gây căng thẳng quá mức khu vực Biển Đông, khiến Việt Nam phải rơi vào thế lựa chọn, hoặc là Trung Quốc hoặc là Mỹ. Theo tôi hiểu thì Việt Nam hiện tại vẫn muốn duy trì ổn định ở khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng để phát triển kinh tế xã hội trong nước.

RFI:Việt Nam đang cố hòa dịu với Trung Quốc, nhưng mặt khác cũng phải tiếp tục củng cố lực lượng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Trong bối cảnh chưa biết là chính quyền Mỹ sẽ can dự đến mức nào ở Biển Đông và ở châu Á nói chung, ông có nhận định gì về chiến lược của Việt Nam hiện nay?

TS Lê Hồng Hiệp: Điều anh vừa nói là một bài toán rất là khó, một thế lưỡng nan mà Việt Nam phải đối diện trong xử lý quan hệ đối ngoại của mình. Đương nhiên là sẽ không có một giải pháp đơn giản, dễ dàng cho Việt Nam và Việt Nam phải tiếp tục giải cái bài toán này trong thời gian tới, không chỉ dưới thời chính quyền Trump, mà cả dưới thời các chính quyền tiếp theo.

Việt Nam luôn đề cao vấn đề chủ quyền và coi đấy là lợi ích cốt lõi, lợi ích chung cuộc phải bảo vệ. Nhưng trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ và thực lực của chúng ta chưa thể sánh bằng hoặc là chưa thể tự mình giải quyết tranh chấp được tranh chấp với Trung Quốc, Việt Nam một mặt phải tăng cường nội lực, mặt khác thì phải dựa vào hoặc tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ để có thể đối trọng với sức mạnh đang tăng lên rất là nhanh của Trung Quốc.

Lâu nay chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn dựa trên giả định là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục can dự vào khu vực và trật tự an ninh của khu vực sẽ dựa trên những cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực. Chính vì vậy, khi ông Trump vừa mới lên có dấu hiệu cho thấy ông sẽ rút Mỹ ra khỏi các can dự khu vực thì tôi nghĩ đó là một mối lo của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại thì đó chưa phải là mối lo lớn lắm, vì những dấu hiệu đây cho thấy điều ngược lại.

Mỹ tách ra khỏi khu vực là điều không tốt cho Việt Nam, nhưng họ can dự quá sâu và đẩy căng thẳng khu vực lên quá cao cũng là điều mà Việt Nam không hề mong muốn.

Chính vì vậy mà hiện tại Việt Nam cần thời gian để quan sát xu hướng của chính phủ Trump trong thời gian tới. Tốt nhất có lẽ là Mỹ nên duy trì sự can dự ở mức vừa phải như thời ông Obama. Đương nhiên, nếu Hoa Kỳ có những hành động cứng rắn để răn đe Trung Quốc không có những hành động hiếu chiến trên Biển Đông, thì đó là một điều tốt cho Việt Nam. Nhưng từ quan điểm của Việt Nam thì những hành động này phải trong cái khuôn khổ có thể quản lý được để không làm bùng phát xung đột.

Cho tới lúc này, lợi ích của Việt Nam tương đối chưa bị thay đổi hoặc chưa bị thách thức quá nhiều, vì những lợi ích căn bản của Hoa Kỳ ở khu vực dưới thời ông Trump cũng sẽ không thay đổi, vẫn có sự nhất quán, tiếp nối từ thời chính quyền Obama. Nhưng vấn đề được đặt ra là những hành động thực tế để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực- qua đó gián tiếp giúp củng cố các lợi ích của Việt Nam ở khu vực- đi xa đến đâu và hiếu chiến, khiêu khích đến đâu, có khiến gây bất ổn khu vực hay không. Họ trở nên rời xa khu vực hay can dự sâu vào khu vực đều là những điều không tốt. Chỉ có sự chọn lựa ở giữa, vừa cứng rắn, nhưng vừa không làm tình hình quá nóng, mới có thể giúp Việt Nam bảo vệ được lợi ích của mình.

Thanh Phương

(RFI)