Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Sự thất vọng của Trump khi không thể điều hành chính phủ giống doanh nghiệp; TT Donald Trump: ‘Giới truyền thông là kẻ thù của dân Mỹ’

Các trợ lý và đồng minh cho biết ông Trump ngày càng bối rối và bực bội trước những thách thức từ công việc điều hành bộ máy hành chính liên bang đồ sộ.

su-that-vong-cua-trump-khi-khong-the-dieu-hanh-chinh-phu-giong-doanh-nghiep
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Ba tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump thất vọng nhận ra rằng điều hành chính phủ không dễ dàng như quản lý một doanh nghiệp vì những đấu đá nội bộ và những thách thức ngáng trở các quyết định của ông, theo Politico.
Trong các cuộc phỏng vấn do Politico thực hiện, hơn 20 người làm việc bên cạnh Trump trong ba tuần sau ngày ông nhậm chức cho biết ông liên tục bất ngờ và tức giận khi đối mặt với trở ngại công việc điều hành nhà nước, từ việc quốc hội trì hoãn phê chuẩn các quyết định bổ nhiệm của ông, các cuộc đấu tranh pháp lý ngáng chân các sáng kiến quyết liệt của ông cho đến nội bộ đấu đá và rò rỉ thông tin ra bên ngoài.
Giới phân tích nhận định những ngày khởi đầu đầy sóng gió của chính quyền mới là một bước thụt lùi đối với một tổng thống vốn là doanh nhân tỷ phú, người đã quảng bá bản thân mình là người duy nhất có năng lực chấn chỉnh những vấn đề của đất nước. Tuy nhiên, theo lời mô tả của những người thân cận tổng thống thì rõ ràng việc chuyển từ việc giám sát một doanh nghiệp gia đình sang điều hành một đất nước đã làm khó Trump.
Trump thường hỏi những câu hỏi đơn giản về các chính sách, đề xuất và nhân sự. Và khi các cuộc thảo luận lâm vào bế tắc, tổng thống lại nhanh chóng thay đổi chủ đề để cho thấy mình luôn kiểm soát tình hình hoặc hướng các câu hỏi về chi tiết sang cho chiến lược gia trưởng Steve Bannon, con rể Jared Kushner hay Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, một quan chức cấp cao của chính quyền tiết lộ.
Trong các cuộc trao đổi riêng, Trump bày tỏ nghi ngờ năng lực của các thẩm phán, công chức hoặc các nghị sĩ gây trì hoãn thậm chí ngăn chặn việc ông bổ nhiệm các vị trí trong nội các và thực hiện các chính sách.
Phát cáu vì nội bộ rò rỉ thông tin
Sau khi Trump phát cáu vì các nguồn tin nội bộ tiết lộ các cuộc điện đàm căng thẳng của ông với các lãnh đạo nước ngoài, một cuộc điều tra đã được tiến hành để truy tìm nguồn rò rỉ thông tin, một trợ lý của Nhà Trắng cho biết.
Các nhân viên ở Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) được chỉ đạo phải hợp tác với các cuộc điều tra, bao gồm các yêu cầu kiểm tra các thiết bị liên lạc điện tử của họ. 
Chính quyền mới đang cân nhắc việc hạn chế cho phép các trợ lý tiếp cận các cuộc điện đàm hoặc bản chép lại nội dung điện đàm, một quan chức chính quyền cho hay. Người này còn tiết lộ thêm rằng các vụ rò rỉ thông tin và cơn giận của Trump xung quanh các vụ việc này đã tạo ra bầu không khí khiến mọi người rất thận trọng khi nói chuyện với người khác.
Tổng thống và các đồng minh tin rằng các nhân viên chuyển công tác từ cơ quan khác đến NSC đã quấy nhiễu họ. Ngược lại, các nhân viên NSC cho rằng Trump không có đủ năng lực thẩm định chi tiết và có độ tinh tế cần thiết để xử lý các vấn đề nhạy cảm được thảo luận trong các cuộc điện đàm. Họ cũng cho rằng ông Trump đã chính trị hóa NSC bằng cách chỉ định chiến lược gia trưởng Bannon trở thành thành viên thường trực của NSC.
Tuần trước, Trump tâm sự với một người bạn rằng ông thấy mệt mỏi trước cảnh đấu đá nội bộ và rò rỉ thông tin từ các nhân viên Nhà Trắng "vì điều này ảnh hưởng đến uy tín của tôi" và rằng ông sẽ triệu tập các nhân viên để chỉ thị họ "dừng ngay những việc làm ngớ ngẩn này".
Một người nắm rõ nội tình cho biết Trump càng bực bội hơn sau khi biết các rắc rối xung quanh việc ông bổ nhiệm Anthony Scaramucci, một trong những người vận động quyên góp quỹ chính trị cho ông, làm cố vấn. Theo Trump, các rắc rối này xuất phát từ đấu đá nội bộ giữa các trợ lý của ông.
"Trump rất tức giận. Ông ấy không thích chuyện ngớ ngẩn này", người này nói.
Dù có các nỗi thất vọng đó, ông Trump vẫn say sưa đắm mình trong những biểu tượng quyền lực của tổng thống. Ông yêu thích Phòng Bầu dục, nơi ông dành phần lớn thời gian để làm việc. Sau cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp, ông đã dẫn họ đi thăm căn phòng nổi tiếng này.
Tuy nhiên, ông cũng tìm cách chạy trốn khỏi áp lực của công việc tổng thống bằng cách thường xuyện gọi điện cho bạn bè cũ và rủ họ đi chơi golf. Các trợ lý của Trump nói đùa rằng họ ước sếp mình dành nhiều thời gian ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida, nơi ông cảm thấy thoải mái hơn.
Thùng thuốc súng chực chờ bùng nổ
Hầu hết những người trả lời phỏng vấn Politico cho biết các hoạt động bên trong Nhà Trắng càng trở nên căng thẳng hơn vì tổng thống có xu hướng quản lý chi tiết khi gặp thất vọng và đổ lỗi cho trợ lý.
Các cuộc phỏng vấn cũng cho thấy thùng thuốc súng chực chờ bùng nổ tại Nhà Trắng, nơi nhiều trách nhiệm công việc chưa được phân công rõ ràng, tinh thần làm việc của một số người rất thấp, chủ nghĩa bè phái tràn lan và tình trạng mệt mỏi đang dâng cao.
Các phe nhóm ở Washington đang chuyển qua bàn luận về khả năng sẽ diễn ra một cuộc sắp xếp lại nhân sự Nhà Trắng. Một người gần gũi với Trump nói: "Tôi nghĩ ông ấy muốn thực hiện điều ấy ngay bây giờ nhưng ông ấy biết như vậy là hơi sớm".
Những người thân cận tổng thống tỏ ra lo lắng trước viễn cảnh đó vì họ cho rằng đó sẽ là một sự ghi nhận ngầm rằng đội ngũ của họ đang đấu đá.
Có lẽ công việc mà Trump quản lý kỹ nhất là thư kí báo chí Nhà Trắng của Sean Spicer, người đóng vai trò như bộ mặt của Nhà Trắng nhưng luôn không làm hài lòng người rất ý thức về hình ảnh như Trump.
Trump, một người thích xem các kênh truyền hình cáp, từng nhiều lần phê bình các trợ lý và người đại diện về những lần xuất hiện của họ trên tivi. Sau các cuộc họp báo của Spicer, Trump nói với người phát ngôn rằng ông không hài lòng về một số câu trả lời hoặc thái độ của Spicer. Spicer tâm sự với nhiều người rằng ông thấy cảm thấy công việc của mình rất khó khăn.
Quan hệ căng thẳng tại Nhà Trắng
su-that-vong-cua-trump-khi-khong-the-dieu-hanh-chinh-phu-giong-doanh-nghiep-1
Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus (trái) và Steve Bannon (phải), chiến lược gia trưởng của Trump, đang có mối quan hệ căng thẳng. Ảnh: Boston Globe
Tình hình nhân sự đấu đá ở Nhà Trắng có thể không nhanh chóng kết thúc. Hiện vẫn còn căng thẳng giữa Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và Bannon, chiến lược gia trưởng của Trump. Các cố vấn của Priebus chỉ trích đội ngũ của Bannon đã vội vã ra sắc lệnh hành pháp để cấm công dân của 7 nước Hồi giáo lớn nhập cư và cho rằng những người này đã không thu thập thông tin cần thiết trước khi đưa ra sắc lệnh đó.
Một số người ngạc nhiên khi biết rằng đệ nhất phu nhân Melania Trump quyết định thuê Lindsey Reynolds làm chánh văn phòng của bà và đưa Stephanie Winston Wolkoff vào vị trí cố vấn cấp cao. Cả hai người này làm việc trong nhóm lên kế hoạch cho lễ nhậm chức tổng thống nhưng Reynolds đã đột ngột rời bỏ công việc trước ngày nhậm chức. Một số người cho rằng quyết định ra đi của Reynolds khi đó là do các mâu thuẫn cá nhân với Wolkoff.
Dù vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy một đội ngũ Nhà Trắng mới đang nỗ lực tìm cách củng cố để ổn định tình hình. Các trợ lý hàng đầu và các đồng minh của Trump đang gấp rút tìm kiếm người gánh vác chức vụ giám đốc truyền thông, một vai trò khó khăn mà Spicer đang phải gánh vác cùng nhiệm vụ thư kí báo chí Nhà Trắng.
Hôm 8/2, một số cố vấn cấp cao của Trump gặp James Baker, một chính khách của đảng Cộng hòa, người giữ ghế chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush để xin lời khuyên.
Dù những ngày mở đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump trải qua những gập ghềnh và bất thường, nhiều người ngưỡng mộ ông không cảm thấy lo lắng bởi điều này.
"Tôi không thất vọng về công việc của tổng thống. Ông ấy điều hành giống như nhiều giám đốc điều hành vĩ đại mà tôi biết. Và tôi hy vọng ông ấy sẽ tiếp tục quản lý đất nước theo phương thức khác với cách chúng ta đã thấy trong quá khứ", Michael Caputo, một trợ lý trong ban vận động tranh cử trước đây của Trump, cho biết.
Xem thêm: 100 ngày đầu nhiệm kỳ - thước đo thành công của tân tổng thống Mỹ
Hồng Vân

TT Donald Trump: ‘Giới truyền thông là kẻ thù của dân Mỹ’


Tổng Thống Donald Trump họp báo tại East Room - Tòa Bạch Ốc ngày 16 Tháng Hai. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)
MIAMI, Florida (NV) – Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Sáu tiếp tục tấn công giới truyền thông Mỹ, gọi một số cơ quan là “kẻ thù của Người Dân Mỹ.”
Trong bản tweet gửi ra vào chiều ngày Thứ Sáu, ông Trump cho hay các cơ quan truyền thông mà ông gọi là “loan tin giả” (fake news), gồm NBCNews, New York Times, ABC, CBS, CNN, không chỉ là kẻ thù của ông mà “cũng là kẻ thù của dân Mỹ.”
Trước đó ông Trump cũng đã gửi ra một bản tweet có nội dung tương tự nhưng chỉ nêu tên ba cơ quan truyền thông, chấm dứt bằng chữ “Bệnh Hoạn!” (SICK!).
Bản tweet sau, được đưa ra 16 phút sau đó có thêm tên ABC News cùng CBS vào danh sách.
Việc ông Trump tấn công truyền thông không là điều gì mới lạ. Những chỉ trích của ông nhắm vào truyền thông là điều thường thấy trong các buổi vận động tranh cử và ông thường xuyên chỉ vào các ký gỉa đi tường thuật là “những kẻ bất lương nhất.”
Tổng Thống Donald Trump nói rằng “báo chí nay trở nên quá bất lương đến nỗi nếu chúng ta không nói về việc này, chúng ta làm hại chính người dân Mỹ.”
Hiệp Hội Ký Giả Chuyên Nghiệp Mỹ lên án bản tweet của ông Trump hôm Thứ Sáu, nói rằng “việc một đương kim tổng thống Mỹ tấn công vào nền báo chí tự do là một cái tát vào nền dân chủ, vào những người lập ra quốc gia này cũng như người dân Mỹ.”
Nghị Sĩ John McCain, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Chuck Todd đài NBC News, dù không nêu tên Tổng Thống Trump, nói rằng, “khởi đầu của các nhà độc tài là chặn tự do báo chí.” (V.Giang)

BBC: Cuộc chiến 1979 và báo chí 35 năm trước; Báo Đại Đoàn Kết gỡ bỏ bài báo duy nhất đã lên khuôn bài báo về chiến tranh Biên giới 2/79

  • 14 tháng 2 2014


Bản quyền hình ảnhHOANGSA.ORG
Image captionTranh cổ động chống TQ được treo trên khắp các con đường tại VN năm 1979.

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung, ông Nguyễn Công Khế, Cựu Tổng Biên tập Báo Thanh Niên kể lại với BBC cách truyền thông Việt Nam của 35 năm trước đưa tin về cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt này.
BBC: Khi cuộc chiến nổ ra năm 1979 thì ông đang công tác ở đâu, và báo chí lúc đó đưa tin về cuộc chiến như thế nào, thưa ông?
Nhà báo Nguyễn Công Khế: Lúc đó tôi làm phóng viên của báo Phụ nữ Việt Nam. Tôi nhớ lúc đó ông Hoàng Tùng là Bí thư Trung ương Đảng phụ trách về tư tưởng, đã viết một bài xã luận rất mạnh trên báo Nhân Dân, nếu tôi nhớ không nhầm thì có tựa là "Đánh sập thói hung hăng của quân Trung Quốc xâm lược."
Hồi Trung Quốc đánh Việt Nam thì phải nói là cả nước rất đồng lòng.
Tôi nhớ khi đó Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và các đài khác đều phát bài của Phan Nhân mà bây giờ hát lại vẫn rất hay, có đoạn là "Bọn bành trướng Trung Quốc hãy cút ra khỏi Việt Nam ngay".
Tôi nghĩ rằng chuyện Trung Quốc đánh sáu tỉnh biên giới phía Bắc và tàn sát người Việt Nam thì toàn dân đều ghi nhớ. Và đó là một cuộc chiến đấu rất anh dũng của người Việt Nam trước thế lực bành trướng phương Bắc.
BBC: Ngoài những bài xã luận thì những bài tường thuật về tình hình chiến trường có được đăng tải thường xuyên không, thưa ông?
Nhà báo Nguyễn Công Khế: Lúc đó đăng tải thường xuyên chứ.


Khi đó ông Võ Văn Kiệt đã nhân danh là Bí thư thành ủy để đứng trước rất nhiều cuộc mít tinh trước Nhà hát lớn thành phố và lên án Trung Quốc rất mạnh mẽ.
Từ Bộ Chính trị của Việt Nam đến Trung ương và toàn dân rất quyết tâm để bảo vệ biên giới phía Bắc.
Các tầng lớp nhân dân, từ lao động, xe ôm đến các tầng lớp trí thức đều biểu hiện quyết tâm rất cao.
BBC: Ông có thể thuật lại quan sát của ông về sự thay đổi trong cách đưa tin cũng như chủ trương về cách đưa tin xung quanh sự kiện chiến tranh biên giới năm 1979 trước và sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ?
Nhà báo Nguyễn Công Khế: Tôi nghĩ thế này. Các nước đều phải cẩn trọng trong việc xử sự với nhau để bảo vệ đối sách ngoại giao của mình.
Thế nhưng anh kỷ niệm chiến tranh với người Mỹ thì rất lớn, mà máu của người Việt Nam đổ ra trong các cuộc chiến tranh, thì máu nào cũng là máu, đâu phải nước lã.
Tôi đã từng trao đổi với những vị lãnh đạo lớn ở Việt Nam. Tôi nói vì sao chiến thắng Điện Biên Phủ chúng ta làm rất lớn, rồi chiến tranh với người Mỹ cũng kỷ niệm rất lớn, trong khi cuộc chiến tranh năm 1979 để bảo vệ Tổ quốc, cuộc chiến ghê gớm như thế, cuộc chiến mà chúng ta bị tàn sát, hy sinh nhiều như thế, lại không kỷ niệm.
Người lãnh đạo đó mới nói với tôi rằng cái đó cũng phải kỷ niệm chứ, đó cũng là một cuộc chiến của người Việt Nam chống ngoại xâm, chúng ta kỷ niệm chiến thắng quân Nguyên-Mông, chiến thắng của Quang Trung Nguyễn Huệ, đó là vấn đề bình thường, không có gì phải bàn tán.
Đối sách ngoại giao của Việt Nam đối với một nước khác, với Mỹ, Thái Lan hay Campuchia cũng vậy. Ngoại giao là của nhà nước, còn báo chí là kênh riêng.
Những việc vì lợi ích quốc gia như việc kỷ niệm chiến tranh biên giới năm 1979 là việc rất đáng làm, không có gì phải ngần ngại cả. Tôi nghĩ nếu anh cấm thì rất vô lý, lúc đó thì giới trẻ và nhân dân nghĩ về anh thế nào?


Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên
Image caption'Trong các cuộc chiến tranh, thì máu nào cũng là máu, đâu phải nước lã' - Nguyễn Công Khế

BBC: Thế nhưng những loạt bài về chiến tranh biên giới năm 1979 trên PetroTimes hoặc báo Một Thế giới đều bị gỡ, thưa ông?
Nhà báo Nguyễn Công Khế: Có hai trường hợp, có thể người ta ngại ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc nên người ta bảo rút. Nhưng tôi nghĩ khả năng đó thấp thôi.
Các tổng biên tập báo trong nước người ta cũng tự kiểm duyệt, khi người ta đăng lên rồi người ta cũng vì sợ hay ngại cái gì đó mà tự rút thì cũng có.
Chính ông Nguyễn Thế Kỷ là Phó Ban Tuyên giáo Trung ương mà đã nói là không có lệnh cấm đó, thì tôi cũng tin một phần nào đó là không có chuyện đó.
BBC: Nếu Việt Nam có tự do báo chí thì phải chăng là lãnh đạo Việt Nam sẽ đỡ phải khó xử mỗi lần kỷ niệm các cuộc chiến, bởi những gì xuất hiện trên mặt báo không thể hiện quan điểm ngoại giao của nhà nước?
Nhà báo Nguyễn Công Khế: Nếu giả sử tôi là người lãnh đạo hoặc tôi có quyền gì đó, thì việc báo chí, báo chí cứ làm, việc Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao làm.
Trung Quốc một mặt thì nói là hữu hảo, 16 chữ vàng, nhưng một số báo của Trung Quốc như Hoàn cầu Thời báo cũng nói về Việt Nam rất không đúng và tệ hại.
Khi chúng ta hỏi họ thì họ nói là trung ương không chủ trương mà là các báo tự làm. Trung Quốc luôn luôn đối xử như vậy đấy.

BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT XÓA BỎ KÝ ỨC VỀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI 2/79


Báo Đại Đoàn Kết gỡ bỏ bài báo duy nhất đã lên khuôn bài báo về chiến tranh Biên giới 2/79

Huu Nguyen
(Nhà báo, Báo Đại Đoàn Kết)

Biết là nhục, nên hôm nay đã cố tình vào rừng trốn. Thế nhưng vừa ra khỏi bìa rừng đã nhận bao nhiêu là tin nhắn, bao nhiêu cuộc gọi nhỡ. 

Toàn là của những bậc trưởng lão, tiền bối đáng kính trọng nên ngay lập tức mình phải gọi lại.

Và nghe mắng. 

Báo ĐĐK (tiền thân là Cứu Quốc, Giải Phóng) mà không có chữ nào về ngày 17/2/1979, thì thật là đáng xấu hổ. 


Toàn là những người yêu mến tờ báo, đọc báo ĐĐK từ nhiều chục năm qua không sót một kỳ, nói rằng báo mình lẽ ra phải nói mạnh nhất, nhiều nhất, sâu sắc nhất về sự kiện lịch sử không thể bị lãng quên này. Thế mà... đáng tiếc, đáng buồn, đáng trách...và đáng giận lắm!!!!

Mình chẳng còn biết phải nói thế nào. Chỉ thấy quá buồn, quá nhục và có lỗi quá lớn.... Dù ai cũng biết lỗi và đáng trách là do ai đó chứ mình thì là cái đinh gì, có quyền gì???.

P/S: Một đồng nghiệp cho biết, số báo ĐĐK ngày 17/2/2017 đã lên trang một bài viết đề đề tài chiến tranh ̣biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược. Thế nhưng, đến giờ chót đã bị chính lãnh đạo của báo bóc ra.

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Tháng Hai, hoa sim vẫn nở…


Bắt đầu câu chuyện về ngày 17 tháng Hai năm 1979, chúng tôi xin được lấy cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Duy, vào thời điểm lúc ấy ông công tác cho báo Văn nghệ Quân đội và được đưa lên tận chiến trường Lạng Sơn để viết tin. Ông kể lại những gì ghi nhận được:

“Ngay sáng ngày 17 tôi đi cùng với nhóm phóng viên của báo Văn nghệ quân đội lên mặt trận biên giới phía Bắc. Tường là lên lấy thông tin rồi về thôi nhưng mà ở cho đến 1 tuần lễ trên mặt trận cho đến lúc quân mình rút về thì mình cũng phải rút thôi. Bọn mình vào ngồi trực tiếp ở cái hầm chỉ huy của trung đoàn An Lão của sư đoàn Sao Vàng chốt ở Tam Lung. Lúc mình lên thì Đồng Đăng mất rồi lính chốt lại ở Tam Lung tức là cách Đồng Đăng 6 cây số. Mình ở với ban chỉ huy trung đoàn và không có cách nào ra ngoài được, người ta không cho mình ra chỉ ngồi trong hầm. Sư đoàn Sao Vàng từng đánh nhau với quân Hàn Quốc ở Bình Định.

Có một thực tế thế này, toàn bộ trang bị của quân Việt Nam hoàn toàn sử dụng vũ khí của Trung Quốc hết. Súng của Trung Quốc, đạn của Trung Quốc thậm chí lương khô cũng của Trung Quốc. Cái mũ, cái ngôi sao cái đôi dép trên chân vẫn là trang bị của Trung Quốc từ hồi chiến tranh tức là đem cái đồ của Trung Quốc ra bắn lại quân Trung Quốc”.

Nhà văn Ngọc Bái cũng từng tới chiến trường phía Bắc đã thấm thía với những gì ông cảm nhận khi mỗi năm ngày 17 tháng Hai lại đến:

“Những ngày này đối với người dân Việt Nam và cá nhân tôi thì tôi luôn luôn thấy cuộc chiến tranh này thật là vô nghĩa. Nò là một sự phản bội của một quốc gia lớn đối với đất nước của chúng ta. Quân Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam ở khắp các tỉnh biên giới. Hâu quả nó để lại cho người dân Việt Nam nói chung và quân đội Việt Nam nói riêng rất nặng nể và cái di chứng, hậu quả cuộc chiến tranh nó còn tồn lưu đến tận bây giờ”

Nhà thơ Nguyễn Duy với mắt nhìn sắc sảo và nhân ái, ông ghi nhận hình ảnh Lạng Sơn bị tàn phá như sau:

“Thị xã Lạng Sơn không còn một cái nhà nào còn nguyên lành cả, Trung Quốc nó đánh bằng bộc phá, giật sập tất cả công sở và những ngôi nhà xây, chỉ chừa lại lều quán hay các nhà nhỏ thì không vấn đề gì. Ngay cả chợ Kỳ Lừa hay cầu Kỳ Cùng nó cũng giật sập”

Kỷ niệm của nhà thơ Nguyễn Duy đáng nhớ nhất là câu chuyện một cô giáo của trường Đông Kinh Phố. Cô là một trong bốn thầy cô giáo ở lại trực chiến tới giờ phút cuối cùng của ngôi trường này. Hình ảnh một cô gái xinh đẹp đứng giữa đổ nát hoang tàn trên vai khoác khẩu súng nặng trĩu đã làm nhà thơ bừng lên niềm sáng tạo để cho ra đời bài thơ mà ông ưng ý nhất trong suốt cuộc đời mình, bài thơ có tên: Lạng sơn 1989.

Ta về thăm chiến trường xưa 
em – hoa đào muộn Kỳ Lừa mùa xuân 
gió đi để lạnh mưa dầm

người đi để buốt dấu chân trên đường 

Đồng Đăng... Ải Khẩu... Bằng Tường... 
chợ trời bán bán buôn buôn tít mù 
ta đầy một bị ưu tư 
giá như cũng bán được như bán hàng 

Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan 
giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo 
A. Q. túm tóc Chí Phèo 
để hai bác lính nhà nghèo cùng thua 

Nỗi Tô Thị xót xa chưa 
giá như đừng biết ngày xưa làm gì 
giá như đã chả vô tri 
để ta hỏi lối trở về thiên nhiên 

Giá như ta chớ gặp em 
để không mắc nợ cái duyên Kỳ Cùng 
giá như em đã có chồng 
để bòng bong khỏi rối lòng người dưng.

Đâu chỉ riêng ngày 17 tháng Hai năm 79 mà kéo dài sau đó nhiều năm nữa Trung Quốc vẫn tiếp tục thọc bàn tay đẫm máu của họ vào mảnh đất Việt Nam, nơi trước đây họ vẫn thường hãnh diện gọi là đồng chí. Nhà văn Ngọc Bái chia sẻ:

“Sau ngày 17 tháng Hai năm 79 thì đến ngày 12 tháng Bảy năm 1984 nó lại gây hấn ở Hà Giang và chính cuộc xâm lăng của nó một lần nữa đã để lại quá nhiều đau thương cho người Việt Nam. Năm 2016 tôi và một số anh em đã lên ngày giỗ trận tại Hà Giang và thấy cuộc chiến tranh mà Trung Quốc nó gây cho mình rất vô lý. Người Trung Quốc không phải ai cũng biết sự vô lý này vì tôi được biết sự tuyên truyền của họ về cuộc chiến tranh này rất là sai lệch đấy là điều mà tôi suy gẫm khi cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng Hai năm 79 cho tới tháng Bảy năm 84 cho tới cuối năm 88”

“Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan /giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo /A. Q. túm tóc Chí Phèo /để hai bác lính nhà nghèo cùng thua”

A.Q của Trung Quốc và Chí Phèo của Việt Nam theo nhà thơ Nguyễn Duy xứng đáng một cách buồn bã đại diện cho hai đội quân với hình ảnh của những binh sĩ nhà nghèo, đặc biệt là phía Trung Quốc chỉ biết cầm súng theo lệnh của Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh xâm lược.

Đau thương mất mát thuộc về người dân và chiến sĩ Việt Nam bởi họ là nạn nhân, là đội quân yếu thế, là nhân dân không tấc sắt trong tay để tự vệ. Bởi lẽ nhân chứng sống đã chứng kiến, ghi lại biết bao cảnh tượng đau lòng mà dưới đôi mắt của loài người không ai có thể đưa ra một lý do gì để biện minh sự xâm lược ấy.

Nhà văn Ngọc Bái kể lại những nhận xét của ông sau khi đến hiện trường đầy tan nát:

“Lính và những người dân trải qua chiến tranh thì họ cũng ghi xương khắc cốt cái đau thương đó còn những lớp trẻ thì tất nhiên bây giờ người ta đâu có triệu thú vui cho nên người ta đâu có quan tâm có thể vì không nhớ. Cái người đã từng trải qua chiến tranh qua tâm sự với tôi thì hầu hết người ta nói rằng nó là một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ. Cuộc chiến tranh do phía đối phương chủ động đã gây cho chúng ta nhiều mất mác, hy sinh.

Nếu như người Việt Nam nào mà không biết căm thù bọn lính Trung Quốc và nhà cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ thì đấy là những người cực kỳ vô tâm”

Vâng, người Việt vì nhiều lý do vẫn còn những người vô tâm đối với ngày 17 tháng Hai. Hàng năm khi đến ngày này người Sài Gòn không chú ý lắm vì khi xảy ra chiến tranh họ còn đang vật lộn với đời sống khó khăn đói nghèo trong các chiến dịch “kinh tế mới”, nhưng người Hà Nội và các tỉnh biên giới thì có lẽ sẽ không bao giờ quên, bởi nó dính liền tới máu xương của những người thân trong gia đình, dòng họ.

Tuy nhiên sự vô tâm lớn nhất thuộc về cán bộ còn đang làm việc trong guồng máy. Không phải là không biết, không nhớ cái ngày này, nhưng những người làm việc cho chính quyền tuy ý thức ngày kỷ niệm nhưng lại nghe theo lệnh cấp trên cản phá, sách nhiễu, bạo hành đối với ai quan tâm tới ngày 17 tháng Hai. Nhà giáo Tô Oanh kể lại việc ông và bạn bè bị cản trở khi đi thăm nghĩa trang liệt sĩ Lạng Sơn:

“Sáng 14 tháng Hai vừa rồi chúng tôi có 10 người tất cả thuê một chuyến xe để lên thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc ở Lạng Sơn. Nhưng rất tiếc khi lên đến đó, chúng tôi vừa dừng xe thì đã có trên 30 cán bộ an ninh mặc thường phục ập đến vây quanh chúng tôi trong đó trên một nửa là lực lượng nữ an ninh. Khi chúng tôi trình bày là vào viếng các ngôi mộ thì họ không cho vào, họ nói muốn vào thì phải liên hệ trước, phải có giấy giới thiệu rồi phải được địa phương đồng ý. Chúng tôi lấy máy ảnh ra chụp hình thì họ không cho họ bảo địa phương ở đây quản lý tất cả không cho phép. Chúng tôi đành lỡ cuộc thắp hương này”

Mỗi năm một lần, dù ai nhớ hay quên ngày 17 tháng Hai thì hoa sim tím nơi vùng cao tuyến đầu ấy vẫn nở, vẫn âm thầm nhắc tới máu xương người nằm xuống. Nói như anh Lê Đức Dục qua tám câu thơ đầy hình ảnh:

“Mặc ai cấm rằng không được nhắc

bạn vàng Trung Hoa từng thảm sát dân mình

Nhưng làm sao cấm hoa đào hoa mận

Nở rưng rưng rụng xuống những mộ phần

Kệ báo chí cứ phập phồng chờ đợi

Nói hay im? Ngồi nghe ngóng công văn

Những bông hoa không cần chỉ thị

Cứ ra Giêng, rụng thắm đất anh nằm…”

Mặc Lâm

(RFA) 

Vì sao TQ muốn quên cuộc chiến 1979?

  • 20 tháng 2 2014
Bản quyền hình ảnhNA
Image captionTrung Quốc vẫn xem cuộc chiến năm 1979 với Việt Nam là một 'chiến thắng'
Nhân dịp 35 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung, BBC đã có cuộc phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từ Học viên Quốc phòng Úc, để tìm hiểu nguyên nhân vì sao Bắc Kinh lại muốn lãng quên cuộc chiến nước này gọi là 'chiến tranh tự vệ' mà Trung Quốc đã 'chiến thắng'.
BBC: Trung Quốc đã tuyên bố cuộc chiến năm 1979 là nhằm mục đích "dạy cho Việt Nam một bài học", và một số nguồn nói quyết định giới hạn cuộc chiến trong vòng hai tuần đã được đưa ra nhiều tháng trước khi nó chính thức bùng nổ. Xét những yếu tố trên, ông đánh giá thế nào về mức độ thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến với Việt Nam?
Giáo sư Carl Thayer: Căng thẳng dọc biên giới Việt-Trung đã bắt đầu leo thang từ năm 1976 và dẫn đến kết cục là việc Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh với Việt Nam.
Bắc Kinh đã lên kế hoạch đánh Việt Nam từ năm 1978 nhưng sau đó đến tận giữa tháng Hai năm 1979, quyết định cuối cùng mới được đưa ra.
Đặng Tiểu Bình đã có cuộc họp với các quan chức cấp cao vào ngày 16/2, một ngày trước khi nổ ra chiến tranh biên giới. Ông tuyên bố cuộc chiến sẽ được giới hạn về cả phạm vi lẫn thời gian, và lực lượng tham chiến chỉ bao gồm các lực lượng trên bộ.
Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta nghĩ rằng họ có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra chỉ trong vài ngày. Điều này đã không xảy ra.
Trung Quốc đã sử dụng việc chiếm được Lạng Sơn ba tuần sau khi tiến quân qua biên giới để tuyên bố chiến thắng và đơn phương rút quân.
Những mục tiêu mà Trung Quốc đề ra, trong đó có việc buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia nhằm giảm sức ép cho đồng minh Khmer Đỏ của họ, đã không thể đạt được. Việt Nam đã tiếp tục tấn công Khmer Đỏ và không rút quân khỏi Campuchia để tiếp viện cho biên giới phía Bắc.
Trung Quốc cũng muốn tiêu diệt các lực lượng chính của Việt Nam ở cấp sư đoàn đang đóng gần khu vực biên giới. Tuy nhiên Việt Nam đã giữ các lực lượng chính lại phía sau và Trung Quốc đã không thể loại các đơn vị này ra khỏi vòng chiến. Việt Nam chủ yếu chỉ sử dụng dân quân và bộ đội địa phương trong suốt cuộc chiến với Trung Quốc.
Một trong các mục tiêu khác của Trung Quốc là chiếm các tỉnh lớn như Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn, và phá hủy hệ thống phòng thủ cũng như cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trung Quốc đã đạt được mục tiêu này, nhưng không phải chỉ sau vài ngày, mà là sau nhiều tuần giao tranh ác liệt và phải chịu thiệt hại nặng nề.
Bản quyền hình ảnhNA
Image captionVũ khí quân PLA sử dụng trong chiến tranh năm 1979 không được cho là hiện đại

Không ngờ được thất bại

BBC: Một số ý kiến cho rằng Đặng Tiểu Bình phát động chiến tranh với Việt Nam vì ông ta muốn giữ cho quân đội bận bịu để rảnh tay giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Ông có đồng ý với điều này?
Giáo sư Carl Thayer: Trước Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 vào tháng 11-12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã được phục chức và có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đa số trong giới lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ.
Đặng là người có quan điểm cứng rắn chống lại Việt Nam kể từ khi hai nước bắt đầu có xung đột về vấn đề Hoa kiều. Việc Việt Nam đưa quân vượt biên giới Tây Nam để tiến vào Campuchia tháng 12 năm 1978 có lẽ là một giọt nước tràn ly.
Khi Đặng Tiểu Bình đã có thể ra lệnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) "dạy cho Việt Nam một bài học", điều đó cho thấy ông ta là một lãnh đạo không có đối thủ.
Bên cạnh đó, Đặng Tiểu Bình cũng cho rằng Trung Quốc có thể thu về những kinh nghiệm chiến trường cần thiết từ cuộc chiến với Việt Nam.
BBC: Nhiều sử gia cho rằng cuộc chiến là cách Đặng Tiểu Bình thử khả năng chiến đấu của quân PLA và nó phục vụ kế hoạch hiện đại hóa quân đội của ông ta, bởi nó làm bộc lộ nhiều điểm yếu của quân đội PLA thời bấy giờ. Ông nghĩ gì về điều này?
Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc đã thực hiện 'Bốn hiện đại hóa' một năm trước khi phát động chiến tranh với Việt Nam, trong đó hiện đại hóa quân sự được ưu tiên cuối cùng.
Việc thử khả năng chiến đấu của quân PLA không phải là điều Đặng Tiểu Bình muốn ưu tiên hàng đầu, mà thay vào đó, ông ta muốn có một chiến thắng vang dội trước Việt Nam, và cùng một lúc, thu về những kinh nghiệm quý giá trên chiến trường.
Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta không ngờ rằng quân PLA đã không đủ khả năng thực hiện 'chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại'.
Bản quyền hình ảnhNA
Image captionCác lực lượng tham chiến của Việt Nam năm 1979 chủ yếu là dân quân và bộ đội địa phương

Vì sao muốn lãng quên?

BBC: Theo ông thì vì sao Trung Quốc lại muốn lãng quên một cuộc chiến mà họ gọi là 'chiến tranh tự vệ', nhất là khi họ đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến đó?
Giáo sư Carl Thayer: Ít có quốc gia nào muốn nhớ đến thất bại của mình trong chiến tranh. Trung Quốc cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Cái khó của Trung Quốc là làm sao có thể tưởng niệm chiến tranh biên giới mà không làm dấy lên nghi vấn về tuyên bố chiến thắng của Đặng Tiểu Bình.
Một mặt khác, nếu nhìn lại cuộc chiến biên giới năm 1979 thì có thể thấy là chính Trung Quốc, không phải Việt Nam, là nước đi xâm lược.
BBC: Cuộc chiến đã thay đổi những chính sách ngoại giao và quân sự của Trung Quốc như thế nào, thưa ông?
Giáo sư Carl Thayer: Cuộc chiến biên giới là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Bắc Kinh, buộc họ phải hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân PLA.
Trong cuộc chiến năm 1979, Trung Quốc đã sử dụng những đợt tiến công với quân số đông đảo như thời Chiến tranh Triều Tiên.
'Chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại' là chiến lược dùng để bảo vệ Trung Quốc trước một kẻ thù hiện đại hơn. Đó là một 'chiến tranh nhân dân' được sửa đổi để sử dụng cho việc xâm lược một nước khác.
Trong 'chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại' vào năm 1979, quân PLA đã không sử dụng những loại vũ khí đặc biệt hiện đại.
Yếu tố duy nhất của 'chiến tranh nhân dân' trong cuộc chiến năm 1979 đó là việc huy động dân quân cho công tác hậu cần vào bảo vệ hậu phương. Tuy nhiên ngay cả khi đó, các đơn vị của Việt Nam cũng vẫn có thể tiến qua biên giới của Trung Quốc nhằm "phản công để tự vệ", dù họ không gây ra thiệt hại nặng nề.
Quan hệ Việt-Trung đã đóng băng hơn 10 năm và trong thời gian này, Trung Quốc vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Khmer Đỏ.
Chính sách ngoại giao của Trung Quốc chỉ bắt đầu thay đổi sau sự sụp đổ của Liên Xô dưới thời Gorbachev. Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng chỉ thay đổi đáng kể sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991 và sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia năm 1989.

Lưu Trọng Văn - Vài nhời trao đổi với con trai ông Lê Duẩn.

Kết quả hình ảnh cho lê kiên thành
Ông Lê Kiên Thành
Gã quý trọng tâm huyết và cả những tư duy cấp tiến của ông Lê Kiên Thành con trai của ông Lê Duẩn về hiện trạng và tương lai đất nước.

Gã quen biết nhiều con của các ông là lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước một thời, rất buồn là đa số họ co vòi, hoặc lo làm ăn, hoặc bo bo yên phận với những gì đã có, hoặc bảo thủ bởi những vòng kim cô mà các phụ huynh để lại như một truyền thống, duy Lê Kiên Thành khác. Ông nồng nhiệt quan tâm vận nước và thẳng thắn lên tiếng đấu tranh với những gì trì kéo dân tộc, hăng hái đóng góp ý kiến cho con đường phát triển của dân tộc.

Tuy vậy cái khó của ông Thành là ông chưa dám nhìn thẳng vào sự thật của đất nước có căn nguyên cả từ thời cha ông là vua ngự trị đất nước này.

Gần đây ông Thành trả lời trên Tuần Việt Nam về những gì ông biết qua cha ông về sự kiện ngày 17 tháng Hai năm 1979 tạo nên một làn sóng không nhỏ trong dư luận nước nhà.

Điều rõ nhất là qua bài trả lời phỏng vấn, gã và người đọc tin tưởng ông Thành luôn đứng về phía dân tộc chứ không hề bao che, núp bóng những thế lực nào đó để biện minh cho kẻ thù dân tộc. Gã và người đọc tin rằng ông Lê Duẩn luôn đứng về dân tộc để chống lại bọn ngoại xâm.

Tuy vậy, có một sự thật khác, còn một sự thật khác mà vì là bổn phận người con kính yêu cha nên ông Thành không thể và có thể cả không đủ nhận thức để đánh giá đầy đủ vai trò của cha ông đối với vận nước, và con đường đi của đất nước.

Đó là ,nếu ông Thành cho rằng cha ông biết rất rõ âm mưu của Mao và Đặng Tiểu Bình từ trước cả năm 1975 sẽ tìm mọi cách thôn tính Việt Nam như trả lời của ông Thành trên báo thì tại sao, cha ông không hề có phương án chuẩn bị tốt nhất cho đất nước?

Chắc chưa ai quên ông Lê Duẩn đã tuyên bố hào hứng thế nào khi đất nước thống nhất 1975: Vĩnh viễn từ nay đất nước ta sạch bóng quân thù.

Nếu ông Lê Duẩn như ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu có tầm nhìn chiến lược về Trung Cộng ngay từ năm 1954, lo sợ VN sẽ bị Trung Cộng thôn tính, thì tại sao ông lại vội vã khẳng định "vĩnh viễn không còn kẻ thù" như thế?

Nếu ông Lê Duẩn có ý thức chiến lược về kẻ thù tiềm ẩn và nguy cơ bị xâm chiếm qua bài học năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và năm 1972 Trung Quốc bắt tay với Mỹ bán rẻ VN vì lợi ích của Trung Quốc thì ông có chịu coi Đặng Tiểu Bình là người bạn thân thiết chí cốt của mình không để rồi sau này ông ngỡ ngàng về cái gọi là sự phản bội tình bạn ấy?

Liệu ông Lê Duẩn có dám cao ngạo cộng sản, cao ngạo kẻ chiến thắng để đưa đất nước vào cảnh bị cô lập trên thế giới, để dân tộc VN bị chia rẽ, hàng trăm ngàn người của chế độ cũ bị tù đày, ruồng bỏ, hàng ngàn trí thức của dân tộc, những tinh hoa làm nòng cốt cho sức mạnh dân tộc bị đẩy ra biển, vượt biên không?

Hơn ai hết là người kế thừa ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn thừa biết dân tộc đoàn kết mới có sức mạnh.

Ông Lê Duẩn là người am hiểu lịch sử Dân tộc,hơn ai hết ông biết nước mạnh về kinh tế, chính trị, đoàn kết thì không kẻ nào có thể xâm chiếm được.

Lòng dân thì tan hoang vậy.

Kinh tế thì ông Lê Duẩn kiên định và duy ý chí theo chủ thuyết "làm chủ tập thể và kinh tế tập trung bao cấp" phá bỏ mọi quy luật thị trường đã dẫn đến nghèo đói, sức dân, lực nước kiệt quệ mà di hại của nó còn đến tận bây giờ.

Sự thật phải là sự thật.

Gã tin cha của ông Thành là người yêu nước.

Nhưng gã không tin cha ông Thành là người sáng suốt và có tầm nhìn chiến lược, toàn diện về vận nước về kẻ thù và về con đường đi của đất nước.

Vì không sáng suốt nên mới chủ quan trước những cảnh báo về quân xâm lược, mới bị động hầu như không hay biết sẽ có 600.000 quân Trung Quốc tràn qua nước ta vào sớm 17.2.1979.

Đó là chưa kể có vấn đề khó hiểu về nhân tâm khi chính cái tối 17.2.1979, lúc nước sôi lửa bỏng như thế, khi mà hàng ngàn chiến sĩ, người dân bị Trung Quốc giết hại dã man, khi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc bị dày xéo bởi quân xâm lược thì hầu hết lãnh đạo cao nhất của đất nước cùng ông Lê Duẩn tổng tư lệnh tối cao vẫn đến dự đám cưới của ông Thành, con trai ông Duẩn. Và, theo tường thuật của ông Thành thì các vị vẫn nói cười bình thường như chiến tranh chưa hề xảy ra.

Những người cha, người mẹ, người con, người vợ của những người bị quân xâm lược thảm sát sẽ nghĩ sao khi người thân và quê hương của họ chìm trong máu lửa thì những vị lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất với đất nước vẫn dành thời gian cho một cuộc vui của con lãnh tụ?

Gã nghĩ lịch sử đã đến lúc cần lên án hành động thiếu nhân văn và trách nhiệm này.

Có thể đêm ấy có đám cưới của một người lính, rồi ngày mai người lính ra trận.Và có thể người lính sau đêm tân hôn vĩnh viễn không trở về.

Nhân dân vẫn chia vui cùng người lính ấy.

Ông Thành cũng là người lính lúc ấy.

Nhưng ông Thành còn là con của tổng tư lệnh. Hành động phải đạo nhất là chính ông Thành quyết định hoãn đám cưới ngày vui của mình để cha mình, tổng tư lệnh tập trung vào việc chỉ huy chiến trận trong lúc đất nước thập tử nhất sinh.

Nếu người con không sẵn sàng hoãn đám cưới thì chính người cha tổng tư lệnh phải đề nghị con hoãn đám cưới vì lúc này tình hình đất nước chưa cho phép.

Còn không thì, cứ đám cưới thật đơn giản người cha cùng dàn lãnh đạo tới có lời chúc mừng trong mấy phút rồi rút về vị trí chỉ huy của mình.

Nhưng sự thực qua lời kể của ông Thành thì đám cưới của ông không diễn ra theo kịch bản như gã vừa nêu.

Tiếc rằng sau 38 năm chính ông Thành cũng không nhận ra lỗ hổng nhân tâm này.

Câu chuyện ông Thành kể về sự kiện ngày 17.2.1979 theo gã vẫn nóng hổi bài học cho những ai đang cầm quyền và cho cả những nhà viết sử.

Lưu Trọng Văn



(FB Lưu Trọng Văn)