Chiều 6/3, Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo lực lượng chức năng tháo dỡ, đập bỏ nhiều bảng quảng cáo, dù che, bức tường, bồn cây lấn chiếm vỉa hè trên nhiều tuyến đường.
Đúng 14h, Đoàn kiểm tra liên ngành do Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu gồm lực lượng Trật tự quản lý đô thị, công ty THNH Xí nghiệp công ích quận, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông quận đã tiến hành đi kiểm tra, xử phạt các trường hợp lấn chiếm vỉa hè.
Khoảng 15h, đoàn kiểm tra quận 1 cương quyết tháo dỡ bồn cây cảnh nằm trước tòa nhà Bộ Công Thương trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Theo lãnh đạo phường Đa Kao, bồn cây cảnh của Bộ Công Thương đã được chính quyền địa phương thông báo tháo dỡ từ trước nhưng vẫn chưa thực hiện.
Đây là bồn cây được xây dựng trên vỉa hè trái phép, được trồng bằng cây sứ cảnh khá đẹp. Tuy nhiên sau khi kiểm tra việc xây bồn cây cảnh trái phép, Phó chủ tịch quận 1 đã chỉ đạo đập bỏ, tháo dỡ bồn cây cảnh.
Sự việc thu hút khá đông người dân, nhân viên tòa nhà theo dõi. Trước đó, lãnh đạo quận 1 cũng đã cho đập bỏ bức tường nằm cạnh tòa nhà Bộ Công Thương và Sân vận động Hoa Lư xây lấn chiếm vỉa hè.
Đoàn kiểm tra liên ngành quận 1 tiếp tục cho đập bỏ bức tường của một công ty nằm cạnh tòa nhà Bộ Công Thương trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Đa Kao). Dù đại diện công ty không có mặt, cơ quan chức năng vẫn cương quyết đập bỏ hành vi lấn chiếm vỉa hè.
Cũng trong chiều 6/3, Phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải đã chỉ đạo UBND Phường Bến Nghé kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, giấy phép xây dựng của nhiều tòa nhà trên đường Đinh Tiên Hoàng. Thấy cửa hàng Lotteria xây bậc thầm trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lực lượng chức năng tiến hành đập bỏ.
Sau khi kiểm tra hồ sơ, Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo đoàn kiểm tra đập bỏ bức tường xây trái phép của Chi nhánh Gia Định, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam.
17h, đến trước khách sạn Kim Đô, phố đi bộ Nguyễn Huệ, đoàn kiểm tra phát hiện 5 bức tượng để lấn chiếm vỉa hè. Ông Đoàn Ngọc Hải yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra.
Sau khi làm việc đại diện khách sạn, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, cẩu 5 bức tượng về UBND phường xử lý.
Đây là 5 bức tượng đặt nép trong bức tường của khách sạn Kim Đô trên đường Nguyễn Huệ. Dù nhân viên khách sạn ra giải thích nhưng ông Hải vẫn cương quyết xử lý vì cho rằng 5 bức tượng đặt ngay trên vỉa hè, ảnh hưởng đến người đi bộ.
Cũng trong chiều nay, đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành lập biên bản, xử phạt nhiều trường hợp ôtô đậu trên vỉa hè đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé).
Đặc biệt có một ôtô đậu trên vỉa hè ngân hàng PV Bank trên đường Tôn Đức Thắng có bảng ưu tiên của Bộ Công an. Ông Đoàn Ngọc Hải đã yêu cầu lập biên bản, kiểm tra 2 bảng ưu tiên của Bộ Công an thật hay giả, cấp có đúng đối tượng hay không?
Đại diện CSGT quận 1 cho biết, đơn vị sẽ lập biên bản, xử phạt trường hợp đậu xe trên vỉa hè và tịch thu 2 bảng ưu tiên của Bộ Công an về phường kiểm tra.
Ôtô có biển số 51A-78270 được Bộ Công an cấp giấy ra vào cổng cho ông Trần Văn Huấn, hiện công tác tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đoàn kiểm tra cẩu ôtô đậu trên vỉa hè đường Tôn Đức Thắng về trụ sở xử lý.
Trước đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản, dẹp bỏ các bảng quảng cáo, dù che lấn chiếm vỉa hè trên đường Nguyễn Đình Chiểu.
Dù người dân khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu ra phản ứng dữ dội nhưng ông Đoàn Ngọc Hải vẫn cương quyết làm nghiêm. Ông Hải cho biết: "Lập lại trật tự đô thị phải làm nghiêm, công bằng và không nương tay với bất cứ trường hợp nào?".
Sau khi giải thích, người dân đã ký biên bản, tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tháo dỡ các mái che lấn chiếm vỉa hè,
Căng thẳng leo thang, Triều Tiên cấm công dân Malaysia xuất cảnh
Ngày 7/3, Bình Nhưỡng tiếp tục cấm công dân Malaysia xuất cảnh sau khi trục xuất đại sứ quán Malaysia, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA thông báo.
Đại sứ Malaysia tại Triều Tiên Mohamad Nizan Mohamad. (Ảnh: AP)
Tất cả công dân Malaysia ở Triều Tiên sẽ tạm thời bị cấm rời khỏi đất nước này cho đến khi vụ việc đã xảy ra ở Malaysia được giải quyết một cách đúng đắn“, KCNA dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho hay.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã thông báo cho Đại sứ quán Malaysia ở Bình Nhưỡng về lý do của biện pháp này, đồng thời hy vọng rằng những vấn đề giữa 2 nước sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng nhằm phát triển quan hệ song phương.
Hiện chưa rõ số lượng công dân Malaysia ở Triều Tiên là bao nhiêu và quyết định này có áp dụng cho các nhà ngoại giao của Kuala Lumpur hay không.
Động thái này của Triều Tiên tiếp tục đẩy mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur vào tình trạng căng thẳng thêm sau hàng loạt lời chỉ trích lẫn nhau trong thời gian qua.
trước đó, ngày 6/3, đáp trả việc Bộ ngoại giao Malaysia trục xuất Đại sứ Triều Tiên Kang Chol, Bình Nhưỡng đã chính thức thông báo yêu cầu đại sứ Malaysia phải rời nước này và đưa ra thời hạn 48 giờ để ông Mohamad Nizan Mohamad phải về nước.
Nhân viên đại sứ quán Malaysia đã hạ cờ và bắt đầu rời đi trong sáng 7/3. CCTV cho hay các nhân viên đại sứ quán Malaysia đã tiêu hủy tài liệu và đưa hành lý lên xe. Trước đó, vào tối 6/3, đại sứ quán Malaysia tại Triều Tiên đã bắt đầu khởi động “cơ chế khẩn cấp”.
Quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Triều Tiên trở nên căng thẳng sau vụ ám sát một công dân Triều Tiên mang hộ chiếu có tên Kim Chol nghi là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Tuần trước, Malaysia thông báo trục xuất Đại sứ Triều Tiên Kang Chol sau một loạt tuyên bố chỉ trích của ông này đối với cuộc điều tra của nước sở tại.
Triều Tiên cho đến nay vẫn chỉ trích đây là âm mưu chính trị mà các đối thủ của họ thực hiện và chưa thừa nhận người bị chết là Kim Jong-nam. Dù vậy, Triều Tiên vẫn cử phái đoàn cao cấp cùng một nhân vật ngoại giao kỳ cựu tới để đòi xác – yêu cầu hiện phía Malaysia vẫn từ chối.
Theo Zing
Kuala Lumpur đáp trả, cấm công dân Triều Tiên rời khỏi Malaysia
Ngay sau khi Bình Nhưỡng ra lệnh cấm công dân Malaysia rời khỏi Triều Tiên, Kuala Lumpur lập tức ra lệnh cấm công dân Triều Tiên xuất cảnh.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi sáng nay thông báo cấm tất cả cán bộ ngoại giao và công dân Triều Tiên rời khỏi Malaysia, theo China Press.
"Tôi đã chỉ thị cho Cục Di trú thực thi lệnh này", ông Hamidi nói. Hiện chưa có số liệu chính thức về công dân Triều Tiên tại Malaysia. Theo AFP, cộng đồng người Triều Tiên tại Malaysia có khoảng 1.000 người.
Thông báo này đưa ra ngay sau khi Bình Nhưỡng ra thông cáo tạm thời cấm tất cả công dân Malaysia rời khỏi Triều Tiên, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang trở nên căng thẳng vì nghi án Kim Jong-nam.
Theo một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Malaysia, hiện có 11 công dân nước này mắc kẹt ở Triều Tiên, trong đó 9 người ở đại sứ quán Malaysia tại Bình Nhưỡng và hai người đang làm việc trong Chương trình Lương thực của Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi đang làm việc để đưa công dân Malayisa khỏi Triều Tiên. Chúng tôi không thể cung cấp quá nhiều thông tin vào lúc này", nguồn tin cho biết.
Quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Triều Tiên đang căng thẳng do vụ án một người đàn ông mang hộ chiếu có tên Kim Chol bị sát hại tại sân bay ở Kuala Lumpur ngày 13/2. Malaysia cho rằng nạn nhân chết do chất độc thần kinh VX.
Theo Giới chức Hàn Quốc và phó thủ tướng Malaysia, Kim Chol chính là Kim Jong-nam, anh của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dù việc xác định danh tính chưa hoàn tất.
Malaysia trước đó đã hủy chương trình miễn thị thực với Triều Tiên và trục xuất đại sứ nước này Kang Chol do những phát ngôn "thô lỗ về mặt ngoại giao" của ông quanh nghi án Kim Jong-nam bị sát hại.
Triều Tiên cũng tuyên bố trục xuất đại sứ Malaysia Mohamad Nizan Mohamad, yêu cầu ông rời Bình Nhưỡng trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, Malaysia đã triệu hồi đại sứ về để tham vấn hồi cuối tháng hai và ông Mohamad đang ở Malaysia.
Hồng Hạnh
Thủ tướng Malaysia họp khẩn, tố Triều Tiên giữ công dân làm con tin
Thủ tướng Najib Razak yêu cầu Triều Tiên thả ngay lập tức tất cả công dân Malaysia đang bị cấm rời khỏi nước này và triệu tập Hội đồng an ninh Quốc gia họp khẩn về vụ việc.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Ảnh: Astro Awani
Trong tuyên bố vừa được đăng tải trên Facebook, ông Najib lên án mạnh mẽ quyết định cấm công dân Malaysia rời khỏi Triều Tiên của Bình Nhưỡng.
"Hành động ghê tởm này, việc giữ các công dân của chúng tôi làm con tin, hoàn toàn đi ngược lại luật pháp quốc tế và các tiêu chuẩn ngoại giao", ông nói. "Là một quốc gia yêu hòa bình, Malaysia cam kết duy trì mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước. Tuy nhiên, việc bảo vệ các công dân là ưu tiên hàng đầu của tôi và chúng tôi sẽ không do dự áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết khi họ bị đe dọa".
Thủ tướng Malaysia cũng cho biết đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc gia, đồng thời chỉ đạo cảnh sát ngăn tất cả công dân Triều Tiên ở Malaysia rời khỏi nước này cho đến khi an toàn và an ninh của người Malaysia tại Triều Tiên được đảm bảo.
"Chúng tôi hy vọng một sự giải quyết nhanh chóng. Tôi kêu gọi lãnh đạo Triều Tiên ngay lập tức cho phép các công dân của chúng tôi rời đi để tránh thêm căng thẳng", ông nói.
Cảnh sát Malaysia phong tỏa sứ quán Triều Tiên
Bình Nhưỡng hôm nay thông báo tạm thời cấm người Malaysia rời khỏi Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng quanh nghi án Kim Jong-nam, anh của lãnh đạo Kim Jong-un bị sát hại.
Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi ngay sau đó cũng tuyên bố cấm công dân Triều Tiên ở nước này rời khỏi đây và lệnh này có hiệu lực ngay lập tức.
Hiện có 11 công dân Malaysia ở Triều Tiên, trong khi có khoảng 1.000 người Triều Tiên đang sinh sống ở Malaysia.
Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Reezal Naina Merican cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã liên lạc với các công dân ở Triều Tiên, xác nhận họ đang "trong tình trạng an toàn".
Oriental Daily News dẫn nguồn tin riêng cho biết 11 công dân Malaysia đã tới sân bay ở Bình Nhưỡng để về nước, song họ bị chặn lại do lệnh cấm xuất cảnh của Triều Tiên.
Hôm qua, khi được hỏi liệu các mối quan hệ với Triều Tiên có được duy trì trong tương lai sau việc trục xuất đại sứ Kang Chol, Thủ tướng Najib cho biết Malaysia sẽ phải chờ đợi và cân nhắc.
"Chúng tôi sẽ thực hiện từng bước một", ông nói và cho hay hiện Triều Tiên vẫn chưa xin lỗi về cáo buộc Malaysia thông đồng với nước ngoài trong nghi án Kim Jong-nam bị sát hại.
"Malaysia là một nước có chủ quyền và bất kỳ ai đến đây đều phải tuân thủ luật pháp của chúng tôi. Nếu họ đưa ra những cáo buộc vô căn cứ, họ nên xin lỗi đầy đủ và rút lại các phát ngôn đó", ông nói thêm và khẳng định quyết định trục xuất ông Kang là minh chứng cho thấy Malaysia rất nghiêm khắc trong các vấn đề ảnh hưởng đến danh dự và chủ quyền.
Rộng gấp 3 thủ đô Luân Đôn, nhưng hồ nước này đang ‘chết dần’ thành đồng cỏ cháy
Có diện tích lớn gấp 3 lần thủ đô Luân Đôn nước Anh, hồ nước ngọt Bà Dương từng là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên hạn hán đang dần giết chết và biến hồ nước này thành đồng cỏ khô.
Hòn đảo Luixingdun trên hồ Bá Dương khi chưa bị hạn hán (Ảnh: ImageChina/Rex)
Hòn đảo Luixingdun, từng được sử dụng như một điểm mốc và ngọn hải đăng, giờ bao quanh bởi cỏ và gia súc chăn thả. (Ảnh: Xinhua)
Hồ nước ngọt có diện tích lớn nhất Trung Quốc
Hồ Bà Dương (còn có tên là Phàn Dương, Phiền Dương, Phồn Dương) có chiều dài 173km, chiều rộng tối đa 74km và chu vi bờ lên tới 1.200km. Vào mùa mưa, diện tích mặt hồ lớn gấp 3 lần diện tích thủ đô Luân Đôn, Anh.
Hồ có thể được chia ra thành 2 phần bắc và nam. Phần phía bắc hẹp, dài và sâu với chiều dài đạt 40 km, chiều rộng tối đa đạt 2,8 km, là đường dẫn nước từ khu hồ chính phía nam ra sông Dương Tử. Phần phía nam là phần hồ chính, rộng và nông.
Lượng nước từ hồ đổ vào sông Dương Tử mỗi năm đạt 146 km³, vượt qua lưu lượng thoát nước của ba con sông bao gồm Hoàng Hà, Hoài Hà và Hải Hà cộng lại.
Mực nước trong hồ Bà Dương thay đổi theo mùa, dao động chủ yếu trong khoảng 10-15 m. Mực nước trong giai đoạn xuân-hạ lên cao còn về mùa đông thì xuống thấp, để lộ ra các bãi cù lao trong hồ.
Hệ sinh thái thay đổi theo mùa của Bà Dương mang đến môi trường sống độc đáo và quan trọng cho nhiều loài chim nước, trong đó có rất nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Khoảng 98% lượng sếu trắng Siberia trên thế giới trú đông tại hồ, theo Tổ chức Sếu đầu đỏ quốc tế. Ngoài ra, hồ cũng là nơi sinh sống của hơn 120 loài cá và 300 loài chim.
Hồ Bá Dương là nơi trú đông của sếu trắng Siberi. (Ảnh: bookittours.in)
Hồ nước đang “chết dần”
Là nơi cung cấp nước ngọt sinh hoạt và canh tác nông nghiệp cho một vùng đất rộng lớn, hồ Bà Dương đang có nguy cơ biến mất hoàn toàn do hạn hán, Mỗi năm hồ lại bị thu nhỏ hơn và tình trạng hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong năm 2016, hồ gần như bị khô cạn hoàn toàn với diện tích đất ngập nước là 200km2 trong tháng 10 (khi chưa có tình trạng hạn hán, vào mùa mưa, diện tích mặt hồ lên đến 4.500km2, vào mùa khô diện tích xuống dưới 1.000km2.
Nguyên nhân chính của tình trạng hạn hán ở hồ Bá Dương là do đập Tam Hiệp – đập thủy điện lớn nhất Trung Quốc nằm trên sông Dương Tử, nơi hồ đổ nước vào – cần phải trữ nước vào hồ chứa của nó để sử dụng trong mùa đông. Ngoài ra, tình trạng hạn hán tự nhiên do mưa ít cũng được cho là nguyên nhân khiến hồ Bà Dương trở nên ngày càng khô kiệt.
Ảnh chụp vệ tinh hồ Bà Dương trước kia…
(Ảnh: Wiki)
… và bây giờ
(Ảnh: Wiki)
Chính quyền tỉnh Giang Tây đã đề xuất xây dựng một con đập có chiều dài 2,8km có các cửa cống điều tiết nước tại tại phần hẹp nhất của dòng kênh kết nối hồ với sông Dương tử để duy trì mực nước trong hồ. Các nhà khoa học cũng như các nhóm bảo vệ môi trường, Quỹ bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới đã chỉ trích đề xuất này vì cho rằng mực nước nhân tạo trong hồ sẽ ảnh hưởng xấu đến sự đa dạng của động vật hoang dã nơi đây.
Dưới đây là một số hình ảnh về tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại hồ nước ngọt này:
Một con tàu lớn đã bị mắc kẹt trên đáy hồ vào 2/11/2016 (Ảnh: Xinhua)
Giờ đây khách du lịch có thể đi bộ trên nền đất khô, vốn là lòng hồ có sâu từ 9 đến 27m. (Ảnh: Xinhua)
Du khách giờ có thể đi bộ hoặc đi xe máy để đến thăm ngôi chùa nằm trên hòn đảo Luixingdun ở giữa hồ Bà Dương. (Ảnh: Xinhua)
Hồ nước ngọt nổi danh một thời giờ chỉ giống như một đồng cỏ cháy. (Ảnh: boomsbeat.com)
Trang China Topix đã dự báo rằng hồ Bà Dương “có thể sắp chịu chung số phận của biển Aral,” – hồ nước mặn lớn thứ 4 thế giới một thời, nay đã mất 60% diện tích. Bắt đầu từ những năm 1960, hồ nước rộng lớn với diện tích khoảng 26.000 dặm vuông nằm ở biên giới giữa Uzbekistan và Kazakhstan đã bắt đầu biến thành sa mạc khi hai con sông cấp nước cho hồ đã bị chuyển hướng đi nơi khác để phục vụ cho mục đích trồng bông dưới thời Liên Xô cũ.
Đây từng là vùng hồ lớn thứ tư trên thế giới. Hình ảnh vệ tinh của Biển Aral từ năm 1964 đến năm 2014. (Ảnh: konsciouskloud.com)
Vùng biển từng bao phủ khoảng 26.000 dặm vuông, đã bắt đầu khô cạn từ những năm 1960. (Ảnh: konsciouskloud.com)
Những hình ảnh đang đang ‘chết dần’ của tự nhiên ở trên, có lẽ là một lời cảnh báo cho con người ngày nay. Cổ nhân từng dạy: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Hy sinh môi trường để phát triển kinh tế không bao giờ là một lựa chọn khôn ngoan.
Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Biển Đông ngày càng căng thẳng và khốc liệt. Trung Quốc không ngừng bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn, đường băng cho chiến đấu cơ và cơ sở quân sự cho tàu chiến, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, hủy hoại môi trường sinh thái biển. Lên án, phẫn nộ…nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi: Trung Quốc lấy đâu ra lượng cát khổng lồ để bồi đắp số đảo này? Ai đã tiếp tay cho anh bạn hàng xóm phương Bắc “làm mưa làm gió”, uy hiếp và không ngừng củng cố sức mạnh quân sự trên Biển Đông?
Nói đến bồi đắp đảo, chúng ta đều biết nguyên liệu chính mà Trung Quốc sử dụng là “cát”, nhưng cát hút lên từ đáy biển thì không thể dùng trong xây dựng vì có muối. Để bồi đắp hàng km2 đảo đá nhân tạo cũng như xây dựng các công trình quân sự đi kèm như hiện nay, ắt hẳn lượng cát này phải cực kỳ khổng lồ…Vậy thì, Trung Quốc lấy cát ở đâu?
Chắc chắn, với tham vọng và bản tính tham lam, Trung Quốc không bao giờ ngu ngốc tự “cắt” một phần lãnh thổ để đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông, điều đó cũng giống như ta tự cắt ngón tay để đắp thành bàn chân có 6 ngón. Mà họ sẽ vung tiền mua “lãnh thổ”, thậm chí là “cướp” từ các quốc gia lân cận bằng mọi thủ đoạn.
Trung Quốc dùng cát – lãnh thổ của Việt Nam để bồi đắp đảo, xây tiền đồn quân sự trên Biển Đông
Có ai đã tự hỏi những xà lan cỡ lớn chứa đầy cát liên tục vào ra Vịnh Cam Ranh, khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam sẽ đi đến đâu hay không? Có ai đã tự hỏi tại sao dọc theo đất nước Việt Nam hình chữ S, nơi nào cũng có hàng chục doanh nghiệp khai thác cát, thậm chí hoạt động bất chấp sự truy quét từ phía lực lượng chức năng và phản đối của người dân? Tại sao nhu cầu cát lại lớn đến thế? Xin thưa, sau thời gian điều tra của PV, những tàu cát này phần lớn đều được đại diện phía đầu nậu Trung Quốc thu gom, bất kể là số lượng bao nhiêu và giá cả thế nào. Bởi vì với Trung Quốc, tiền là thứ họ không thiếu, đặc biệt là khi Việt Nam lại là con nợ lớn bao nhiêu năm qua. Thứ họ cần là cát, là “lãnh thổ” của Việt Nam mà thôi.
Cát không chỉ là khoáng sản, là vật liệu xây dựng, mà cần phải hiểu sâu sắc hơn, đó là lãnh thổ. Việc khai thác cát không những gây sạt lở, đe dọa trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân; mà nguy hại hơn là đe dọa đến an ninh quốc gia, khiến lãnh thổ bị thu hẹp ở góc độ diện tích đất tự nhiên.
Vùng biển nước ta đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long bị mất 5km2 mỗi năm do sạt lở. Dọc theo các khu vực nạo vét cát trên cả nước, cuộc sống người dân khó khăn hơn trước, nhà cửa bị hư hỏng nặng, thậm chí đổ sập xuống sông và trôi theo dòng nước. Khai thác cát vô tội vạ gây sạt lở đã khiến lãnh thổ nước ta bị thu hẹp ở góc độ diện tích đất tự nhiên.
Trong khi đó, Trung Quốc lại dùng chính lãnh thổ Việt Nam để mở rộng lãnh thổ, thực thi yêu sách vô lý của mình. Cát hút lên từ Việt Nam đang được Trung Quốc thu gom để xây dựng, kiến tạo các đảo nhân tạo, xây các tiền đồn quân sự trên biển, dùng làm “bàn đạp” chiếm Biển Đông, thậm chí là tấn công, uy hiếp Việt Nam khi “thời cơ” đến.
Trong khi lãnh thổ Việt Nam bị sạt lở, bào mòn nghiêm trọng …
Thì Trung Quốc lại dùng chính “lãnh thổ” Việt Nam bồi đắp đảo nhân tạo trên biển Đông
Hàng ngày hàng giờ, chúng ta không ngừng hô hào yêu nước, bảo vệ độc lập chủ quyền, phản đối Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, nhưng đã làm gì khi kẻ thù vào tận nhà xẻo đất để bồi đắp cho các đảo của họ? Chẳng phải vì tham tiền, vì cái lợi trước mắt mà người ta đang tự tay cắt đất, bán “lãnh thổ” Việt Nam cho giặc hay sao? Trung Quốc có bành trướng được trên biển Đông, nếu không có cát hút từ Việt Nam làm nền móng vững chắc?
Trong khi diện tích đất tự nhiên Việt Nam ngày càng thu hẹp, thì Trung Quốc không ngừng bành trướng trên Biển Đông. Trong khi ông cha ta và các chiến sĩ không tiếc xương máu ngày đêm bảo vệ từng tấc đất biên giới, từng tấc lãnh hải trên biển Đông, thì một bộ phận không nhỏ trong chúng ta lại vì cái lợi trước mắt mà cam tâm bòn rút “lãnh thổ” dâng cho Trung Quốc. Đừng trách ai cả, chỉ trách chúng ta quá tham lam, mờ mắt vì đồng tiền.
Từ khoảng tháng 9.2016, sau khi bị dư luận đồn đoán ầm ĩ trên mạng xã hội thì bà Trưởng phòng Quỳnh Anh đột nhiên “biến mất”, cùng với việc tuyển dụng, bổ nhiệm bất thường đối với bà này đã khiến Thanh Niên tiếp tục tìm hiểu vấn đề.
Để làm rõ việc thăng tiến bất thường của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, phóng viên (PV) Thanh Niên đã liên hệ làm việc với các sở Xây dựng và Nội vụ tỉnh Thanh Hóa để làm rõ quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm đối với bà này. Tuy nhiên, từ lãnh đạo cho đến nhân viên của cả 2 sở này đều né tránh.
Tại Sở Xây dựng Thanh Hóa, mặc dù Thanh Niên đã liên lạc và gửi thông tin đề nghị làm việc từ trước đó, nhưng khi PV trực tiếp đến làm việc, ông Trần Xuân Hoàn - Chánh văn phòng Sở Xây dựng, tỏ ra thận trọng đến từng chi tiết khi đề cập đến cái tên Quỳnh Anh. Ông Hoàn nói sẽ báo cáo lãnh đạo sở các nội dung báo chí đề nghị cung cấp song không có dấu hiệu nào là sở này sẽ trả lời. Thậm chí khi PV hỏi “bà Quỳnh Anh hiện nay còn làm việc tại sở hay không?”, ông Hoàn cũng cho rằng phải báo cáo lãnh đạo rồi mới trả lời được.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, từ khoảng tháng 9 năm ngoái, sau khi bị dư luận đồn đoán ầm ĩ trên mạng xã hội thì bà Quỳnh Anh đột nhiên “biến mất” với lý do được cho là sinh con thứ 2.
Chiều 3.3, PV đến Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản tại tầng 5 của Sở Xây dựng Thanh Hóa để tìm hiểu. Những cán bộ phòng này cho biết bà Quỳnh Anh đang nghỉ chế độ thai sản. Tuy nhiên, ngay sau khi biết chúng tôi là nhà báo, cán bộ phụ trách phòng đã vội vã “hội ý” với lãnh đạo sở rồi nhất quyết không cung cấp bất cứ thông tin nào về bà Quỳnh Anh, kể cả việc bà này nghỉ chế độ thai sản từ lúc nào, bao giờ đi làm lại, ai sẽ là người thay thế bà Quỳnh Anh giải quyết công việc của phòng...
PV đã liên lạc trực tiếp với ông Đào Vũ Việt - Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, nhưng khi vừa đề cập đến việc của bà Quỳnh Anh, ông này đã vội cáo bận. Ông Việt cũng không hồi đáp khi PV nhắn tin đề nghị thu xếp một cuộc làm việc.
Từ chối cả việc tiếp nhận thông tin
Tương tự, tại Sở Nội vụ, khi PV đề nghị ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc sở, về việc sẽ cung cấp thông tin việc bổ nhiệm cán bộ gây bức xúc trên địa bàn tỉnh, ông Tùng tỏ ý hoan nghênh và đề nghị PV gửi nội dung về sở để các phòng chuyên môn nghiên cứu, cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến trường hợp bà Quỳnh Anh, lập tức ông Tùng từ chối và đẩy sang cơ quan khác, ông cũng từ chối cả việc tiếp nhận thông tin mà báo chí muốn cung cấp.
Tất cả những biểu hiện chưa đầy đủ trách nhiệm trong việc thực hiện quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của Thủ tướng cũng như thực hiện vai trò quản lý nhà nước tại Sở Xây dựng, Sở Nội vụ đã được Thanh Niên phản ánh trực tiếp với ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ông Xứng nói “sẽ nhắc anh em rút kinh nghiệm và lập tức có sự trao đổi lại tới nhà báo” nhưng đến nay, Thanh Niên chưa nhận được bất cứ phản hồi nào về sự việc.
Những diễn biến bất thường nói trên đang đặt ra hàng loạt câu hỏi, lẽ ra thông tin về tuyển dụng, bổ nhiệm cũng như tài sản của một cán bộ nhà nước phải được công khai thì tỉnh Thanh Hóa lại làm ngược lại, liệu đằng sau bà Quỳnh Anh còn có một bí mật nào đó?
Trong một diễn biến khác, tài liệu mà Thanh Niên thu thập được cho thấy bà Quỳnh Anh không những thăng tiến bất thường, sở hữu nhiều tài sản “khủng” mà còn thiếu trung thực trong kê khai lý lịch để đi học cao cấp lý luận chính trị.
Theo tài liệu lưu trữ tại UBND P.Phú Sơn, TP.Thanh Hóa, bà Quỳnh Anh từng kết hôn với một người tên là C.V (sinh năm 1986, ngụ P.Đông Hương, TP.Thanh Hóa). Tuy nhiên, cán bộ tư pháp của P.Phú Sơn không nắm được thời điểm kết hôn của bà này mà trong hồ sơ chỉ còn lưu lại quyết định ly hôn giữa bà Quỳnh Anh và ông V. của tòa án vào ngày 10.12.2012. Đây cũng là thời điểm bà Quỳnh Anh được điều về Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản của Sở Xây dựng Thanh Hóa. Đặc biệt, bà Quỳnh Anh đã chuyển khẩu khỏi P.Phú Sơn ra khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, H.Thanh Trì (Hà Nội) vào tháng 1.2014. Còn trong sổ bảo hiểm xã hội mang số: 3811007347 của bà Quỳnh Anh thể hiện rõ từ tháng 10.2013 đến tháng 3.2014, bà này nghỉ thai sản.
Ngày 19.9, Tỉnh ủy Thanh Hóa gửi công văn số 297-CV/TU tới các cơ quan báo chí, chính thức bác bỏ tin đồn ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa có 'bồ nhí'.
Từ những tài liệu trên cho thấy, trên danh nghĩa bà Quỳnh Anh từng lập gia đình, có con. Thực tế, trước đây bà Quỳnh Anh vẫn thường xuyên đăng ảnh con trai trên trang Facebook cá nhân của mình (hiện trang này đã bị đóng). Tuy nhiên, tháng 5.2015, khi khai hồ sơ lý lịch để đi học bà Quỳnh Anh vẫn ghi địa chỉ thường trú tại P.Phú Sơn, TP.Thanh Hóa, đồng thời “bỏ quên” không khai tên con vào hồ sơ. Tại mục số 29 (quan hệ gia đình), bà chỉ khai tên 3 người gồm bố, mẹ đẻ và em trai ruột của mình.
Là một đảng viên, lại là đảng viên có chân trong cấp ủy của Sở Xây dựng, nhưng bà Quỳnh Anh đã cố tình khai thiếu, hay nói chính xác hơn là đã thiếu trung thực trong kê khai hồ sơ lý lịch.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 6.3, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, cho rằng tỉnh Thanh Hóa phải làm rõ những vấn đề mà Thanh Niên đã phản ánh.
“Những thông tin báo chí phản ánh như vậy cần được xem là nguồn thông tin để tỉnh Thanh Hóa xem xét theo đúng quy định của pháp luật, xem báo chí viết có đúng hay không đúng về việc thăng tiến nhanh chóng và sở hữu khối tài sản lớn như thế”, ông Đạt nói và cho rằng, trường hợp bà Quỳnh Anh là cán bộ thuộc quản lý của tỉnh Thanh Hóa thì các cơ quan chức năng tỉnh này cần phải vào cuộc xác minh ngay những vấn đề liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ cũng như kê khai tài sản. Trong trường hợp các thông tin liên quan đến cả cán bộ do T.Ư quản lý thì các cơ quan T.Ư cần yêu cầu Thanh Hóa báo cáo để có cơ sở kiểm tra, xem xét.
H.H - T.S
Rất muốn các cơ quan trung ương vào cuộc làm rõ
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội các khóa 11, 12 - nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết câu chuyện về bà Quỳnh Anh - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Thanh Hóa, đã râm ran tại tỉnh Thanh Hóa từ cách đây nhiều tháng. “Có nhiều người dân đã gọi điện hỏi mà nói thật tôi cũng không biết trả lời họ như thế nào, bởi đang có những thông tin u u minh minh mà rõ ràng gây ảnh hưởng rất lớn đến cơ quan nhà nước ở Thanh Hóa cũng như một số cá nhân đồng chí lãnh đạo tỉnh nhưng chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ”, ông Cuông nói.
Cũng theo ông Lê Văn Cuông, trong sự việc của bà Quỳnh Anh, Tỉnh ủy Thanh Hóa từng có văn bản nhưng “dư luận nêu cô này được tuyển dụng, bổ nhiệm bất thường, có khối tài sản lớn thì phải làm rõ những cái đó chứ nói cái khác thì người ta không nghe. Dư luận cũng như bản thân tôi rất muốn các cơ quan chức năng ở T.Ư như Ban Tổ chức T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ vào cuộc, làm rõ”, ông Cuông đề nghị.
“Tôi cho rằng trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 thì các cơ quan chức năng phải làm sáng tỏ thì mới lấy lại niềm tin cho người dân”, ông Cuông nói.
Đại sứ quán Malaysia tại Triều Tiên bắt đầu khởi động "cơ chế khẩn cấp" từ tối qua bằng loạt hành động như hạ quốc kỳ, đốt tài liệu, nhân viên bắt đầu rời đi.
Đại sứ quán Malaysia tại Triều Tiên. Ảnh: China Press
China Press, báo tiếng Trung tại Malaysia, dẫn tin của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV tại Triều Tiên cho biết cơ chế khẩn cấp được thực hiện sau khi Triều Tiên thông báo lệnh trục xuất đại sứ Malaysia Mohamad Nizan Mohamad tại Bình Nhưỡng hôm qua.
Nhân viên đại sứ quán Malaysia đã thiêu hủy tài liệu, đưa hành lý lên xe. Sáng nay, quốc kỳ Malaysia cùng cờ ASEAN đã hạ xuống, sau đó có ba ôtô lần lượt rời sứ quán.
Triều Tiên ra lệnh trục xuất đại sứ Malaysia sau khi Kuala Lumpur ra lệnh trục xuất đại sứ Triều Tiên Kang Chol. Đại sứ Mohamad được yêu cầu rời Triều Tiên trong vòng 48 giờ, tính từ 10h ngày 5/3. Tuy nhiên, tháng trước đại sứ Mohamad đã về nước theo lệnh triệu hồi của chính phủ Malaysia.
Đại sứ Malaysia tại Triều Tiên trả lời báo giới ở Bắc Kinh
Quan hệ ngoại giao giữa Kuala Lumpur và Bình Nhưỡng trở nên căng thẳng sau khi một công dân Triều Tiên mang hộ chiếu có tên Kim Chol bị sát hại ở sân bay Malaysia hôm 13/2.
Giới chức Hàn Quốc và phó thủ tướng Malaysia cho rằng Kim Chol chính là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dù việc xác định danh tính chưa hoàn tất.
Triều Tiên không xác nhận nạn nhân là Kim Jong-nam, cho biết nạn nhân chỉ là Kim Chol như trong hộ chiếu và chết vì trụy tim, chứ không phải do chất độc thần kinh VX như kết luận của Malaysia. Bình Nhưỡng yêu cầu trả xác, tuyên bố "không thể tin tưởng" vào cách Malaysia điều tra, cáo buộc Kuala Lumpur thông đồng với "các thế lực bên ngoài", ám chỉ Hàn Quốc.