Rộng gấp 3 thủ đô Luân Đôn, nhưng hồ nước này đang ‘chết dần’ thành đồng cỏ cháy
Có diện tích lớn gấp 3 lần thủ đô Luân Đôn nước Anh, hồ nước ngọt Bà Dương từng là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên hạn hán đang dần giết chết và biến hồ nước này thành đồng cỏ khô.
- Tìm hiểu sản phẩm Sữa tươi nguyên chất và Sữa tươi không đường của Dutch Lady
- Tìm hiểu ý nghĩa của giấc mơ: Giải mã giấc mơ
Hồ nước ngọt có diện tích lớn nhất Trung Quốc
Hồ Bà Dương (còn có tên là Phàn Dương, Phiền Dương, Phồn Dương) có chiều dài 173km, chiều rộng tối đa 74km và chu vi bờ lên tới 1.200km. Vào mùa mưa, diện tích mặt hồ lớn gấp 3 lần diện tích thủ đô Luân Đôn, Anh.
Hồ có thể được chia ra thành 2 phần bắc và nam. Phần phía bắc hẹp, dài và sâu với chiều dài đạt 40 km, chiều rộng tối đa đạt 2,8 km, là đường dẫn nước từ khu hồ chính phía nam ra sông Dương Tử. Phần phía nam là phần hồ chính, rộng và nông.
Lượng nước từ hồ đổ vào sông Dương Tử mỗi năm đạt 146 km³, vượt qua lưu lượng thoát nước của ba con sông bao gồm Hoàng Hà, Hoài Hà và Hải Hà cộng lại.
Mực nước trong hồ Bà Dương thay đổi theo mùa, dao động chủ yếu trong khoảng 10-15 m. Mực nước trong giai đoạn xuân-hạ lên cao còn về mùa đông thì xuống thấp, để lộ ra các bãi cù lao trong hồ.
Hệ sinh thái thay đổi theo mùa của Bà Dương mang đến môi trường sống độc đáo và quan trọng cho nhiều loài chim nước, trong đó có rất nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Khoảng 98% lượng sếu trắng Siberia trên thế giới trú đông tại hồ, theo Tổ chức Sếu đầu đỏ quốc tế. Ngoài ra, hồ cũng là nơi sinh sống của hơn 120 loài cá và 300 loài chim.
Hồ nước đang “chết dần”
Là nơi cung cấp nước ngọt sinh hoạt và canh tác nông nghiệp cho một vùng đất rộng lớn, hồ Bà Dương đang có nguy cơ biến mất hoàn toàn do hạn hán, Mỗi năm hồ lại bị thu nhỏ hơn và tình trạng hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong năm 2016, hồ gần như bị khô cạn hoàn toàn với diện tích đất ngập nước là 200km2 trong tháng 10 (khi chưa có tình trạng hạn hán, vào mùa mưa, diện tích mặt hồ lên đến 4.500km2, vào mùa khô diện tích xuống dưới 1.000km2.
Nguyên nhân chính của tình trạng hạn hán ở hồ Bá Dương là do đập Tam Hiệp – đập thủy điện lớn nhất Trung Quốc nằm trên sông Dương Tử, nơi hồ đổ nước vào – cần phải trữ nước vào hồ chứa của nó để sử dụng trong mùa đông. Ngoài ra, tình trạng hạn hán tự nhiên do mưa ít cũng được cho là nguyên nhân khiến hồ Bà Dương trở nên ngày càng khô kiệt.
Ảnh chụp vệ tinh hồ Bà Dương trước kia…
… và bây giờ
Chính quyền tỉnh Giang Tây đã đề xuất xây dựng một con đập có chiều dài 2,8km có các cửa cống điều tiết nước tại tại phần hẹp nhất của dòng kênh kết nối hồ với sông Dương tử để duy trì mực nước trong hồ. Các nhà khoa học cũng như các nhóm bảo vệ môi trường, Quỹ bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới đã chỉ trích đề xuất này vì cho rằng mực nước nhân tạo trong hồ sẽ ảnh hưởng xấu đến sự đa dạng của động vật hoang dã nơi đây.
Dưới đây là một số hình ảnh về tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại hồ nước ngọt này:
Trang China Topix đã dự báo rằng hồ Bà Dương “có thể sắp chịu chung số phận của biển Aral,” – hồ nước mặn lớn thứ 4 thế giới một thời, nay đã mất 60% diện tích. Bắt đầu từ những năm 1960, hồ nước rộng lớn với diện tích khoảng 26.000 dặm vuông nằm ở biên giới giữa Uzbekistan và Kazakhstan đã bắt đầu biến thành sa mạc khi hai con sông cấp nước cho hồ đã bị chuyển hướng đi nơi khác để phục vụ cho mục đích trồng bông dưới thời Liên Xô cũ.
Những hình ảnh đang đang ‘chết dần’ của tự nhiên ở trên, có lẽ là một lời cảnh báo cho con người ngày nay. Cổ nhân từng dạy: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Hy sinh môi trường để phát triển kinh tế không bao giờ là một lựa chọn khôn ngoan.
Theo trithucvn.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét