Nhân ngày Việt Nam Thống nhất, nghĩ về hoà giải và hoà hợp dân tộc :
CHUYỆN KHÓ ,NHƯNG KHÔNG THỂ KHÔNG LÀM CHO BẰNG ĐƯỢC
Cứ đến ngày 30/4 mỗi năm, tôi lại nhớ đến lời tâm sự thật lòng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm nào khi ông nhắc nhở , đại thể là chúng ta hãy tổ chức ngày kỷ niệm này vừa phải thôi, không nên hoành tráng quá , "vì hôm nay dân tộc này có triệu người vui thì cũng có cả triệu người buồn."
Đó chính là câu chuyện dài về hoà giải và hoà hợp dân tộc.
Gia đình ông nội tôi có lẽ cũng là một điển hình của câu chuyện nói trên khi ông có 8 người con thì có 5 người sống ngoài Bắc trong đó có 3 người con trai tòng quân tham gia 2 cuộc kháng chiến . Nhưng gia đình ông tôi cũng có 3 người con sống trong Nam và đương nhiên , để mưu sinh nên cũng có người tham gia chế độ cũ , bởi vậy cũng có mấy người phải đi học tập cải tạo, người thì vào trại 3 năm, cũng có người vào học chỉ có 3 ngày đã ra . Vì thế, tôi càng hiểu điều này là thế nào .
Tôi đã viết về vấn đề này trên Motthegioi.vn ( 2 kỳ ) vào đúng ngày này năm 2016 (nhưng không đề cập chuyện gia đình tôi vì muốn nói ở góc độ rộng hơn ). Nay , tôi xin đưa lại bài viết cũ để bạn bè cùng đọc như một nỗi băn khoăn mà nhiều người Việt Nam cần chung tay phấn đấu, làm bằng được cái điều mà nhiều thế hệ lãnh đạo trước luôn ấp ủ thực hiện bằng được dù còn khó khăn.
VẪN LÀ CÂU CHUYỆN HOÀ GIẢI, HOÀ HỢP DÂN TỘC( Motthegioi.vn đăng ngày 30/4/2016)
Quốc Phong
Vào dịp 30/4 năm nay, đất nước Việt Nam chúng ta đã bước sang năm lẻ đầu tiên sau 40 năm thống nhất giang sơn, gấm vóc. 41 năm , theo tôi là quá đủ cho chặng đường cam go để trên 97 triệu con cháu của Lạc Long và Âu Cơ đang sống trên chính mảnh đất hình chữ S này ( 93 triệu) cũng như trên 100 nước ở khắp trái đất ( khoảng 4 triệu) có thể đi tới hoà giải , hoà hợp dân tộc( HGHHDT) một cách tốt đẹp nhất.
Kỳ 1:
+Đau đáu một khát khao hàn gắn...
Những năm qua, có thể nhìn nhận một cách công tâm, chúng ta cũng đã làm được nhiều việc, nó cũng là khát vọng to lớn, mong muốn sớm hàn gắn" vết sẹo chiến tranh" của các bậc tiền nhân. Song, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều việc rất nên tiếp tục hoàn thiện để phát triển đất nước , để cho cha anh chúng ta ,cả những người đã khuất cũng như người còn sống đều đã từng góp phần cùng dân tộc giành hoà bình cho Tổ quốc sẽ hài lòng hơn so với những gì đã có.
Hôm mới đây, anh em chúng tôi , những người bạn đồng khoá, đồng môn với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang( ông từng là Trưởng đoàn học viên Khoá 15( 1988-1990) của Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc năm xưa) có dịp ngồi bên nhau tâm tình . Chúng tôi đến chia tay ông nhân việc ông vừa mãn nhiệm trọng trách lớn lao nói trên để trở về thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu một cuộc sống đời thường với gia đình thân thương như một quy luật tất yếu của đời người.
Trong bữa đó, ông tâm sự với chúng tôi khá cởi mở và chân tình. Ông Tư Sang ( tên thân mật mà người Nam Bộ quen gọi của ông) trầm ngâm nói :
Tôi đến với cách mạng và phụng sự cách mạng để tham gia giành độc lập cho dân tộc thực ra lúc đầu cũng chỉ vì yêu kính và cảm phục Bác Hồ, chứ lúc đó tôi còn trẻ quá, nào đã biết gì nhiều về cách mạng . Cả chặng đường tôi tham gia chiến đấu chống ngoại xâm cũng như sau Hoà bình, thống nhất đất nước năm 1975 , tôi cũng đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Sau nhiều năm phục vụ Tổ quốc và đồng bào, tôi hiểu sâu sắc một điều rằng làm người đã khó, làm "quan"càng khó, nếu lại" làm quan của quan" thì lại càng khó. Và rồi thì cuối cùng, tôi đã giữ trọng trách lớn như vừa qua thì lại càng thấm thía hơn, nó vô cùng khó !
Vì sao trong nhiều triều đại phong kiến trước đây, oanh liệt đến như nhà Lê, các vị đã đưa dân tộc ta chiến thắng nhà Minh bên Trung Hoa giành độc lập vô cùng vang dội, ấy vậy mà Vua Lê Lợi lại ít được ghi nhận đóng góp , được biết đến như Danh nhân Thế giới Nguyễn Trãi, một trung thần kiệt suất từng một lòng phò Vua Lê. Lê Lợi không được lịch sử và người đời ghi ơn sâu đậm công lao chỉ vì có lúc ông đã cho chém cả bậc trung thần của mình, khiến người đời chê trách.
Rồi đến đời nhà Trần, với cả thảy 14 vị vua qua hàng trăm năm trị vì đất nước, trong đó có giai đoạn cực kỳ oanh liệt, đi vào sử sách Thế giới với chiến thắng hiển hách chống quân Nguyên Mông xâm lược, chặn đứng cuộc chinh phạt thế giới mạnh như vũ bão của họ . Vậy mà sao người dân họ chỉ nhớ nhiều tới một vị vua, đó là đức Vua Trần Nhân Tông. Nhưng Người cũng đã trả lại ngôi báu, lập môn phái Thiền viện Trúc Lâm nơi núi non heo hút để tu hành và trở thành Phật Hoàng khi cuối đời. Nhưng lại có một người không phải là Vua, ấy vậy mà sao nhiều thế kỷ nay, cụ Trần Hưng Đạo , đức Thánh Trần vĩ đại ấy luôn được nhân dân gọi ông là Đại vương, tức là hơn cả vua ? " Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn" , hay" Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương "...
Nói điều này để thấy việc ai đó đảm đương trọng trách gì, cao mấy cũng không quan trọng. Quan trọng là người ấy có thể chỉ là một người bình thường , nhưng đã làm được những gì, để lại gì cho đất nước, cho dân tộc ?
Rồi ông Tư Sang kể tiếp :
-Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Ông thực sự là một triết gia . Tầm nhìn ở ông cũng rất đặc biệt và đáng kính nể. Hồi ông còn khoẻ, ông cũng từng đến nhà tôi ở trong thành phố Hồ Chí Minh. Ông đến căn nhà gia đình tôi ở đường Thạch Thị Thanh, huyện Bình Thạnh ( cũ ). Đây là ngôi nhà chằn chặn có diện tích khiêm tốn chỉ trên năm chục mét vuông mà tôi vẫn ở cho đến bây giờ. Ông đến thăm nhà tôi không phải để nói chuyện riêng tư hay căn dặn chuyện gì. Ông đến là để qua đó quan sát xem một vị lãnh đạo thành phố như tôi hiện ăn ở ra sao, không phải đơn giản đâu nhé !
Tôi ra Hà Nội công tác, biết tin, ông cũng hay kêu tôi lại nhà trong Phủ Chủ tịch để hỏi chuyện . Qua đó, ông có thêm thông tin mới về một thành phố lớn và đông dân thuộc diện nhất nước hiện ra sao ? Có vấn đề gì không? Ông rất quý tôi sau những dịp tiếp xúc đó.
Với tôi, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng ghê gớm. Nhiều lúc, ông chỉ hỏi bâng quơ rằng : Cậu đã đọc cuốn tiểu thuyết cổ điển nước ngoài này chưa? Cậu đọc cuốn sách mới vừa xuất bản kia chưa ? Rồi ông nhắc tôi nên lưu ý tìm đọc nếu chưa đọc hoặc nếu tôi đã đọc thì cả hai cùng đàm đạo... Quả thật, ông là một triết gia rất đáng nể trọng !
Hồi tôi làm Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh năm 1995, đó cũng là lúc thành phố đang chuẩn bị kỷ niệm 20 năm giải phóng Sài Gòn và Thống nhất đất nước. Thường vụ Thành uỷ giao cho tôi nhiệm vụ chuẩn bị bài phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm này. Tôi ra gặp ông Sáu Dân( tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt) để xin ý kiến chỉ đạo . Ông Sáu bảo sang hỏi Tổng Bí thư Đỗ Mười . Tôi sang gặp Tổng Bí thư thì ông Mười bảo: " Thôi , cậu sang tham khảo anh Tô ( tức nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng) thì hay hơn ".
Khi đó, ông Đồng là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tôi thưa chuyện với ông:" Cháu mong chú góp ý cho một việc quan trọng mà cháu được Thường vụ Thành uỷ phân công này. Cháu lo lắm chú à !". Ông già cười vang :" kha , kha, kha, kha !!!..." giọng đầy hào sảng, rồi nói:
"-Cậu muốn viết gì thì viết, nhưng tinh thần của bài phát biểu đó phải toát ra được cái ý cần khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Nói như thế nào đó để cả dân tộc này thấy được niềm tự hào vô biên về sự nghiệp giải phóng đất nước. Tự hào vì dân tộc ta đã đánh bại được một đội quan xâm lược nhà nghề mạnh bậc nhất thế giới. Viết thế nào để cho thế giới thấy được chúng ta đang đứng ở đỉnh cao của thời đại Hồ Chí Minh mà chú cháu mình đang sống. Nói như thế nào đó để biến thù thành bạn, phải tìm cách lôi kéo những người đang còn thù chúng ta trở thành bạn của chúng ta..."
Thời điểm này, thực ra tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta cũng đã có ý đó. Nó cũng không hoàn toàn quá mới mẻ gì !
Quay trở lại câu chuyện tôi đến xin ông ý kiến chuẩn bị bài phát biểu. Tôi xin phép ông sau khi viết xong thì quay lại để ông tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện thì bị gạt ngay :
"- Tôi đã già, sắp chết rồi. Cậu viết thì cậu phải chịu trách nhiệm. Tại sao lại lại bắt ông già này xem qua ?" ( Nói đến đó, ông lại cười lớn "Kha, kha, kha, kha !!!") và động viên tôi :" Làm Cách mạng là phải tự lực như vậy! Sau này, rồi cậu sẽ còn làm lớn hơn thế !"
Chính vì ông Tô đã nói vậy cho nên ông Tư Sang( kể với anh em chúng tôi) cũng không dám quay lại xin ông Tô góp ý thêm... Song, ông Tư Sang cũng không bao giờ quên được những ấn tượng đó với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Chú Tô kính mến của mình .
Nói câu chuyện này là để thấy chúng ta, ngay từ hai chục năm trước đã rất có ý thức công việc này bởi chỉ có vậy thì hoà bình thực sự mới có trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nó phải là điều được thực hiện bằng tấm lòng và từ trong tâm khảm của những người đứng đầu đất nước và có muốn như vậy thật không? có dồn tâm, dồn sức để thực hiện ý nguyện đó không ?
Trên Vietnamnet 27/2/2015, ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Hoa Kỳ đã bày tỏ rằng ông rất muốn đối thoại với những ai quan tâm đến tình hình trong nước dù cho người đó có quan điểm không đồng nhất. Một điều rất đáng suy nghĩ và cũng rất đáng trân trọng ở một nhà ngoại giao.
Cũng vào tháng đó, đọc báo điện tử VnExpress, tôi được biết, hiện báo này đang là một trong những báo được người Việt ở hải ngoại truy cập nhiều nhất .
Tôi cũng được biết: Theo thống kê của Google Analytics, tháng 1/2015,nếu VnExpress có 34,5 triệu lượt người truy cập thì có gần 16% từ nước ngoài. Điều mà tôi rất quan tâm ở thông tin này, đó là trong 16% nói trên, có tới 6,68% là độc giả từ Hoa Kỳ truy cập. Có thể thống kê này của đồng nghiệp khi phân tích cũng chưa được rõ lắm cái con số 6,68% : Có bao nhiêu người là kiều bào của chúng ta và có bao nhiêu người là người nước ngoài ở Hoa Kỳ trong số đó cùng đọc ? Tôi thì tin rằng, kiều bào ta vào đọc không hề nhỏ khi được biết rằng, cộng đồng người Việt chúng ta sống trên đất Hoa Kỳ hiện gần 2 triệu người ( bằng một nửa số kiều bào trên thế giới ).
Gần 2 triệu người mà đã chiếm 6,68% lượng người truy cập trên một tờ báo. Nếu ta so với gần 90 triệu dân trong nước quả là một tỷ lệ rất lớn, khi biết rằng 93 triệu người trong nước cũng chỉ chiếm có trên 84,3% lượng truy cập .
Có thể thấy , người Việt ta ở Hoa Kỳ vẫn luôn theo dõi tin tức trong nước rất kỹ . Điều đó thể hiện bà con mình có quan tâm nhất định đối với tinh hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước cho dù có thể có một bộ phận không nhỏ trong đó vẫn còn bất đồng quan điểm dù cũng rất yêu nước,luôn đau đáu với mọi chuyện đang diễn ra ở quê nhà . Về điều này, tôi nghĩ sẽ không thể trong một hai chục năm nữa mà đã có thể hoà hợp nhau về tư tưởng bởi ý thức hệ chính trị của chúng ta có khác nhau. Trong một gia đình ở ngay nước nhà thôi, ý thức hệ của con cháu chúng ta nay cũng đã rất khác thế hệ cha ông họ, đó cũng là chuyện bình thường. Song, tình yêu tổ quốc, ý thức và tinh thần dân tộc của cộng động người Việt ở xa tổ quốc thì đâu có khác chi người trong nước? Tôi tin chúng ta vẫn có thể hoà hợp dân tộc là thế !
Theo ông Đại sứ Phạm Quang Vinh,"Điều quan trọng là phải sâu sát, hiểu được những quan tâm, chính kiến của bà con, kể cả đó là xuất phát từ đặc thù khu vực cử tri hay vị trí nghề nghiệp của họ ; trân trọng tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước, dù cách thể hiện của bà con có thể khác nhau ; đối thoại cởi mở, kể cả về những điểm còn khác biệt, để họ hiểu chính sách, chủ trương và sự đổi mới của đất nước; nhất là khuyến khích và tạo điều kiện để bà con về thăm, làm ăn hay đầu tư ở Việt Nam."
Q.P
( còn tiếp kỳ 2)
Chuyện hôm nay
VẪN LÀ CÂU CHUYỆN HOÀ GIẢI, HOÀ HỢP DÂN TỘC
Quốc Phong
Kỳ 2:
+ Đất nước phát triển tốt, tự nó góp phần thúc đẩy HGHHDT.
Trong một dịp tiến sĩ Bùi Đạo, 1 trong 3 nhà khoa học công nghệ về dầu khí là kiều bào ta đang làm việc ở Mỹ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời về nước , tôi đã tìm gặp ông để " moi" chuyện ông đã nói gì với các nhà lãnh đạo Việt Nam . Đây là các chuyên gia có liên quan đến lĩnh vực dầu khí. Họ là những trí thức có uy tín ở bên đó. Họ được mời về Hà Nội là để để trình bày những gì Thủ tướng và một lãnh đạo một số bộ, ngành của Chính phủ ta rất cần biết và tham khảo một vài vấn đề có tính chất chuyên môn. Đây chính là thời điểm mà ở ngoài Biển Đông đang " nóng hầm hập" bởi sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam mà chúng ta đang đối phó.
Tôi tìm gặp ông và sau đó có tâm sự thêm cùng ông xung quanh đề tài HGHHDT bởi tôi biết, ông là người thuần tuý làm khoa học, không hoạt động chính trị nên có thể sẽ bày tỏ quan điểm khách quan hơn với cái nhìn của một kiều bào có tấm lòng với quê hương.
Tôi được TS Bùi Đạo cho hay, vào năm 1968, ông và 59 học sinh tốt nghiệp cấp 3 toàn miền Nam Việt Nam đi du học ở Mỹ do U S Agency for International Development (AID) tài trợ. Anh hùng, Liệt sỹ yêu nước Nguyễn Thái Bình cũng được học bổng này. Hồi đó cả ông và Nguyễn Thái Bình đều thích bóng đá nên có thân quen nhau hơn. Nguyễn Thái Bình học ở Fresno, cách chỗ ông Bùi Đạo quãng 5 tiếng lái xe nên ông hay lên thăm ông Bình và các bạn khác để đá bóng với nhau...
Ông cởi mở khi bày tỏ quan điểm của mình với tôi bằng cách nói của một nhà kỹ trị. Ông nói :
Thứ nhất, HGHHDT muốn đạt được thì phải bắt nguồn từ 2 chỗ: Một là tấm lòng từ bi, thông cảm hoàn cảnh của mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong khoảng 40 năm qua. Thứ hai là tấm lòng yêu nước của cộng đồng. Họ đều có chung mong muốn tạo được sức mạnh đoàn kết dân tộc để xây dựng một nước VN giàu mạnh.
Thứ ba, HGHHDT không phải là một sự tha thứ của bên thắng trận đối với bên thua trận. Nó phải là một quá trình đi tìm sự thật như Nelson Mandela đã làm ở Nam Phi.
Thứ tư, HGHHDT có 3" phe". "Phe thắng cuộc" ( ý của ông Đạo là lực lượng Cộng Sản ( CS) ở cả 2 miền)," phe thua cuộc" (VN Cộng Hòa) ở VN và" phe thua cuộc" ở nước ngoài (Hai "phe" đầu là chính, Việt kiều chỉ là" phe phụ"). Bây giờ nói HGHH DT thì nên chú trọng Việt kiều là chính.
Thứ năm, lịch sử thì cũng đã sang trang. Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ. Phần lớn các lãnh đạo, những người tham gia đều lớn tuổi. Phần lớn dân VN mình cũng không trải qua cuộc chiến. Thế nên hãy để cuộc chiến tranh cho lịch sử phán quyết. Chuyện bây giờ nên coi là quan trọng, theo ông là làm sao theo kịp các nước láng giềng.
Thứ sáu, việc HGHHDT phải đứng trên quan điểm đất nước VN hôm nay là của chung mọi người VN chúng ta," của cả ba phe" nói trên. Khi nói của chung mọi người chính là nói mọi người đều có quyền và nghĩa vụ với giang sơn xã tắc . Mọi người đều có quyền đóng góp, quyền lãnh đạo, nghĩa vụ tham gia việc nước. Đây là một vấn đề cực khó. Làm sao có thể thực thi HGHHDT được khi ta chưa làm được bao nhiêu các tiêu chí này và nó có những cản trở nhất định bắt nguồn từ đây.
Thứ bảy, theo như ông Bùi Đạo thì nó còn có phần bị cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như không ít người dân tại Việt Nam vẫn đang hoài nghi về con đường phát triển đất nước trong tương lai. Và nếu không có HGHHDT thì VN sẽ đi về đâu? Chuyện này khá dễ tiên đoán. VN sẽ không phát triển đúng khả năng và càng ngày sẽ thụt xa đối với thế giới. Những mục tiêu từng đề ra, sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 1990(!) , rồi có hồi lại nói 2010(!), sau đó lại lùi sang 2020( !!!) khiến không ít người hoài nghi.
Liệu rằng đến năm 2030 hay lâu hơn nữa cũng đã chắc chắn hoàn thành chưa ? Ông Bùi Đạo băn khoăn...
Khi viết bài này này, bất chợt tôi giật mình nhớ đến kỳ họp Quốc hội gần đây,Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ngậm ngùi phát biểu :
"Tăng trưởng kinh tế của đất nước hiện chưa bền vững, nợ công, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn; mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là không đạt được".( Tại kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13) .
Và đó lại là hơn một lần niềm tin bị hụt hẫng khiến kiều bào ta vẫn còn băn khoăn, hoài nghi. Điều này chỉ được củng cố cho kiều bào ta ở xa Tổ quốc tin được khi nào con đường chúng ta đang đi sẽ tươi sáng hơn và chúng ta thành công thực sự. Và cũng chỉ khi nào chúng ta có HGHHDT đích thực thì khi đó mới có đoàn kết, mới có thể chung tay huy động được toàn thể người dân Việt mình về nhân lực, tài lực và vật lực phụng sự công cuộc phát triển đất nước.
Tôi được biết,mỗi năm Việt Nam ta có khoảng 12-13 tỉ USD kiều hối. Còn chính xác năm 2015 là 12,5 ti USD .Vậy con số này nói lên điều gì? Có nên mừng hay lo ? Tôi nghĩ, nó vừa là điều mừng nhưng cũng là điều không vui. Mừng vì tình cảm của người thân xa quê vẫn luôn gắn bó họ với ông bà, cha mẹ, anh em ruột thịt của họ nơi quê nhà. Không vui và lo là ở chỗ nó chứng tỏ đời sống của dân mình sau 40 năm hoà bình mà vẫn quá nghèo khổ, nhiều người thân của cộng đồng ta ở hải ngoại vẫn còn phải cưu mang. Người thân nói quê nhà vẫn chưa thoát ra nổi cái " bầu sữa" kia thì buồn lắm chứ! Đó là chưa kể còn có thể trong lượng tiền gửi về nước mỗi năm đó nó có hoàn toàn gửi cho người thân để trợ giúp hay còn một phần trong đó là để rửa tiền hay gì gì đó, cũng không loại trừ...
Nếu ta tinh ý khi nhìn vào một số sự kiện hoặc hiện tượng như cái hồi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Biển Đông của chúng ta; hoặc Trung Quốc xây dựng sân bay và mở rộng kiên cố các công trình quốc phòng trên đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ; hoặc khi vừa rồi,nguồn nước sông Mê Kông bị cạn kiệt...thì ở hải ngoại, tức thì cộng đồng người Việt đã lên tiếng, hoặc tụ tập tuần hành dưới đường, hoặc đấu tranh trên diễn đàn quốc tế hoặc tổ chức hội thảo khoa học tìm ra giải pháp khắc phục thiên tai... Điều này đã cho thấy rằng chỉ khi nào HGHHDT đã chuyển hoá ở mức cao thì mới có được những động thái quý báu đó...
Trong lớp trẻ kiều bào ta ở hải ngoại ( lớp sinh sau 1975 ) hiện nay , họ là thế hệ hai, tôi nghĩ phần lớn lớp trẻ đó cũng chẳng thù oán gì ghê gớm chế độ ta . Họ nay đã là người Mỹ ( hoặc một nước nào khác) có gốc Việt. Tôi cho rằng các bạn trẻ đó vẫn luôn quan tâm đến VN. Âu cũng là bởi vì dù họ ở đâu, họ vẫn là con cháu Vua Hùng đầy hãnh diện nhờ sự thông minh, sáng tạo và chịu khó , chăm chỉ vốn là truyền thống ở mỗi người dân gốc Việt . Còn phần đông thế hệ một , hầu hết họ cũng chẳng còn chống quyết liệt Chính phủ VN nữa. Có thể là họ không ưa và thậm chí là ghét CS cũng là có thật. Họ cũng có thể còn treo cờ vàng vì sợ bị trả thù này khác chứ thực lòng, họ cũng không đến mức oán thù chế độ của ta . Số chống CS ầm ĩ, theo tôi chỉ là số nhỏ, rất nhỏ...nhân có chuyện gì đó mà họ không đồng tình với cách làm của chúng ta.
Ngay như hồi còn sống, cựu Phó Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hoà , ông Nguyễn Cao Kỳ cũng đã nhiều lúc thể hiện mong mỏi sao đó để HGHHDT càng sớm càng tốt...
Tôi cũng thấy vui khi Đảng và Quốc hội đã có chủ trương tăng cường thêm tỷ lệ đại biểu Quốc hội không là đảng viên Cộng sản hơn khoá trước . Tuy số lượng còn ít ỏi nhưng bước đầu cũng đã thể hiện quan điểm của Nhà nước Việt Nam nay đã cởi mở, dân chủ hơn trước . Điều đó cũng đã ít nhiều cho thấy cách cơ cấu này là gián tiếp hướng dần tới mục tiêu HGHHDT thành công hơn trên đất nước Việt Nam . Việc một số ý kiến của ĐBQH khoá này kiến nghị nên sửa đổi Luật Quốc hội để sau này có những kiều bào tâm huyết và trí tuệ được tham gia Quốc hội là rất đáng ghi nhận. Tôi nghĩ, đó cũng là đề xuất cần xem xét , tiếp thu để điều chỉnh Luật hiện hành.
Q.P