Một nhà nghiên cứu người Mỹ đưa ra những nhận định sơ khởi sau khi Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tiếp ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 13/1 |
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật với đương kim Bí thư Thành ủy TPHCM hôm 27/4.
Nói với BBC, chuyên gia Jonathan London, từ Đại học Leiden, Hà Lan, nhận định:
"Với những người đứng ngoài vòng trong cùng của chính trị Việt Nam, không thể biết chính xác những gì đang xảy ra bên trong Bộ Chính trị. Sẽ khờ dại nếu cứ đồn đoán cá nhân nào trong Bộ Chính trị đóng vai trò thúc đẩy cuộc điều tra này.
"Điều thú vị và quan trọng hơn về vụ này, và phần nào đó cũng giúp giải thích những chuyện khác và giúp ta lạc quan, là cách câu chuyện phát triển, và những gì nó cho ta biết về Việt Nam hiện nay.
"Hãy nhớ lại. Các cáo buộc và bằng chứng có thể tin được về sai phạm phát tán ra trong xã hội Việt Nam, tạo nên lo ngại của công chúng, thúc đẩy cuộc điều tra. Toàn bộ diễn ra mà chẳng có thảo luận gì thực sự trên báo chí nhà nước.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao cuộc điều tra đã kéo dài như vậy."
Chống tham nhũng
"Cũng chưa rõ câu chuyện này có ý nghĩa gì cho Việt Nam và chiến dịch chống tham nhũng của nhà nước.
"Có thể ý nghĩa của nó là chống tham nhũng, nếu muốn có hiệu quả, phải tạo điều kiện cho báo chí chuyên nghiệp hơn, tạo ra các kênh cho công chúng tham gia chống tham ô như đã thấy ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan. Ở những nước đó, công dân và nhà báo có thể đóng góp chống tham ô mà không sợ bị trả thù.
"Cũng có thể nó có ý nghĩa là tại Việt Nam, không ai ở trên luật pháp một khi mức độ tố cáo sai phạm và bằng chứng đạt đến ngưỡng nào đó và được tung ra trong dân chúng.
"Dù thế nào, và dù vụ này có tiến triển ra sao, đây là giây phút có lẽ sẽ đóng vai trò quan trọng cho Việt Nam.
Cái chúng ta cần là sự dũng cảm đưa đất nước đến những cải tổ định chế, trong đó nỗ lực chống tham nhũng nhận được sự quan tâm và ủng hộ cần thiết của công chúng.
Jonathan London
"Có lẽ lạc quan hơn cả, đây là giây phút để nhà nước và xã hội nhận thức rằng để giám sát hành vi của doanh nghiệp nhà nước, thì các chính sách đòi hỏi minh bạch, giải trình thì cần thiết đấy nhưng chả đủ. Cần thêm dân chúng được cho quyền. Và cần thêm nền báo chí có trách nhiệm, chuyên nghiệp và cũng có trách nhiệm giải trình.
"Trong trường hợp ông Đinh La Thăng, bằng chứng tung lên không gian công cộng rốt cuộc đang được lắng nghe. Chúng ta cần nhớ rằng nếu không nhờ những tiếng nói dũng cảm trong xã hội dân sự, việc lắng nghe bằng chứng này chắc chả xảy ra.
"Từ chuyện này, cái chúng ta cần không phải là nền văn hóa chính trị dựa trên tin đồn kết hợp bằng chứng cùng cáo buộc tự do lan truyền. Cái chúng ta cần là sự dũng cảm đưa đất nước đến những cải tổ định chế, trong đó nỗ lực chống tham nhũng nhận được sự quan tâm và ủng hộ cần thiết của công chúng."
(BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét