Phó TGD FPT Đỗ Cao Bảo |
Tôi nhận được một số ý kiến cho rằng việc gì phải lý luận lòng vòng và nhiều như vậy về việc Làm gì để thoát nghèo. Họ nói lời giải rất đơn giản: "Chỉ cần học Mỹ và phương Tây là xong" hoặc "Cứ làm theo Nhật, Hàn Quốc là đất nước sẽ giàu"...
Học ai để thoát nghèo?
Đi tìm lời giải để Việt Nam thoát nghèo, tôi đã nghiên cứu các lời giải thoát nghèo của các học giả, các chuyên gia cả trong nước lẫn ngoài nước. Lời giải để Việt Nam thoát nghèo do các chí sĩ yêu nước, các học giả, các chuyên gia trong nước lẫn ngoài nước bao gồm:
1. Nâng cao dân trí của hai cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu
2. Học tập mô hình các nước tiên tiến Âu, Mỹ, Nhật Bản
3. Học tập mô hình Singapore, Hàn Quốc
Tôi đã nghiên cứu, suy nghĩ, phân tích sâu các lời giải đó. Có rất nhiều điểm trong lời giải đó thuyết phục tôi, nhưng tôi cũng đã tìm thấy rất nhiều phản ví dụ là nhiều quốc gia ASEAN, Nam Á đã đưa ra lời giải gần giống như vậy cho quốc gia, dân tộc mình từ 30-40-50 năm nay, mà vẫn chưa thật sự thoát nghèo.
Chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu ba lời giải thoát nghèo trên:
Cách đây 111 năm, cụ Phan Chu Trinh cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Trần Qúy Cáp là những người thấy rõ những điểm yếu cố hữu của con người và xã hội Việt Nam, và chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao dân trí.
Với mục tiêu "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", họ khuyến khích cải cách giáo dục, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, thay đổi tập quán cũ lạc hậu.
Cũng thời gian ấy, cụ Phan Bội Châu tổ chức Phong trào Đông Du, với mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập.
Nhưng cuối cùng, cả 2 phong trào này đều thất bại bởi Việt Nam khi đó còn Pháp thuộc, chưa có tên quốc gia trên bản đồ thế giới; số lượng người đi trải nghiệm thế giới văn minh quá ít (200 người) và Nhật Bản khi đó chưa đại diện cho thế giới văn minh, mà vẫn đang trong quá trình nâng cao dân trí.
Với quan điểm học tập theo các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản, các học giả dựa theo tiền đề đây là các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, giàu có nên mô hình của họ đúng đắn, trong khi tố chất của người Việt không hề thua kém.
Dẫu vậy, nhiều quốc gia khác ở châu Phi, Nam Á, ASEAN đi theo con đường này, nhưng đất nước họ vẫn loanh quanh ở mức thu nhập trung bình. Philippines, Banglades là ví dụ điển hình của sự thật bại trong áp dụng mô hình phương Tây.
Trong khi đó, nếu học tập mô hình Singapore, Hàn Quốc - các quốc gia được coi là kỳ tích châu Á, phát triển lên từ nền rất thấp, nhờ tinh thần tự cường và thái độ chăm chỉ hàng đầu thế giới - Việt Nam sẽ gặp khó vì những bất đồng trong diện tích, dân số cũng như thể chất.
Nếu so với Việt Nam, Singapore có diện tích rất nhỏ, dân số ít, nên dễ dàng tập trung chính sách, nguồn lực.
Riêng Hàn Quốc lại chứa đựng những điểm mạnh mà người Việt không có, như thể chất và độ nhanh nhạy, khéo léo (Hàn Quốc thuộc top đầu châu Á), tinh thần quyết liệt, nỗ lực đến cùng (mỗi người Hàn Quốc làm việc tối thiểu 9-10 tiếng/ngày, sẵn sàng làm thêm giờ để hoàn thành công việc) và họ có tôn ti trật tự rất cao, trên dưới rõ ràng, ý thức phục tùng cấp trên gần như tuyệt đối.
trong 20 năm đầu tiên của đổi mới kinh tế, tivi Hàn Quốc chỉ có vẻn vẹn hai chương trình là "dạy làm người" và "dạy làm ăn"; từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng cho đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, cách tạo dựng một nhà máy.
Họ tiến hàng cải cách giáo dục bằng cách dịch nguyên sách giáo khoa của người Nhật sang tiếng Hàn để giảng dạy, trừ các môn Địa lý, Lịch sử và Văn học (1968); cử những sinh viên giỏi Toán nhất theo học ngành tài chính ở các trường đại học lớn của Mỹ, và quan trọng nhất là nhận thức các điểm yếu cố hữu của người Hàn Quốc và quyết tâm thay đổi.
Thoát nghèo cũng giống như đi học
Chúng ta ai cũng từng đi học và đều chứng kiến một thực tế là cùng một chương trình, nội dung học, cùng thầy cô giáo, cùng điều kiện học nhưng người thì học giỏi, thi đỗ, người thì học kém thi trượt. Tại sao vậy? Đơn giản là tố chất, thể chất hay nội lực và nền tảng kiến thức của mỗi người không giống nhau, nên khả năng hiểu, khả năng tiếp nhận kiến thức khác nhau.
Việc đưa đất nước thoát nghèo cũng giống như đi học, người Việt Nam có tố chất, thể chất, trí tuệ khác người Mỹ, người châu Âu, người Nhật, người Singapore, người Hàn Quốc, nên học họ, làm giống họ chưa chắc chúng ta sẽ thoát nghèo.
Có thể nhiều bạn cho rằng tố chất chúng ta tương đương họ, bằng chứng là khi làm cùng, chúng ta không hề thua kém đồng nghiệp Âu, Mỹ. Thực ra, bạn nào đã làm cùng hãng với đồng nghiệp Âu, Mỹ thì bạn đã là thuộc nhóm người tiên tiến của dân tộc Việt, còn đồng nghiệp Âu Mỹ của bạn chỉ thuộc nhóm người trung bình của dân tộc họ mà thôi, nên so sánh như vậy là không ngang bằng.
Thậm chí dù công nhận tố chất chúng ta và họ ngang bằng nhau thì hiển nhiên văn hóa và dân trí hiện tại của chúng ta vẫn kém họ.
Như vậy muốn học họ, muốn làm như họ đã làm, ít nhất chúng ta phải có nền tảng dân trí, văn hóa gần ngang bằng họ. Điều này cũng hiển nhiên như việc chúng ta muốn cùng họ học đại học, mà họ đã tốt nghiệp lớp 12, chúng ta mới tốt nghiệp lớp 9 thì việc đầu tiên buộc chúng ta phải làm là học và tốt nghiệp lớp 12.
Toàn cầu hóa, Internet: Cú lội ngược dòng của Việt Nam?
Nói về ưu điểm của người Việt sẽ có nhiều nhận định, nhiều ý kiến khác nhau, cá nhân tôi cho rằng người Việt có một số ưu điểm có tác động lớn đến phát triển kinh tế đất nước, đó là:
• Người Việt yêu quê hương đất nước
• Người Việt kiên cường, bất khuất trước xâm lược, cường quyền
• Người Việt đoàn kết rất cao khi gặp khó khăn, nhất là khi ở hoàn cảnh ngặt nghèo
• Người Việt có lòng tự hào, tự tôn dân tộc với truyền thuyết con Rồng cháu Tiên
• Người Việt thông minh, sáng dạ, học nhanh, nhất là công nghệ mới
• Người Việt ham học, bố mẹ luôn quan tâm đầu tư cho việc học tập của con cái
• Người Việt thân thiện và mến khách
Trong thời gian qua chúng ta có nhiều bài báo nói Việt Nam ngày càng tụt hậu, khoảng cách giữa Việt Nam với các nước ASEAN ngày càng xa, nhưng số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF lại cho kết quả hoàn toàn ngược lại.
Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì trong 15 năm qua (2000-2015) tốc độ phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao nhất khu vực ASEAN, khoảng cách giữa Việt Nam với các nước đã được rút ngắn đáng kể.
Từ những nhận thức trên, kết hợp giữa lời giải thoát nghèo của hai cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, học tập lời giải thoát nghèo của Hàn Quốc, tôi cho rằng lời giải để Việt Nam thoát nghèo là "Nâng cao dân trí trong thời đại toàn cầu hóa và Internet".
Theo đó, 6 điểm chính yếu cần thực hiện là:
1. Nhận thức rõ những điểm yếu cố hữu làm cản trở sự phát triển kinh tế đất nước của người Việt. Xây dựng hệ thống triết lý về phát triển đưa hoạt động sản xuất, thương mại, doanh nghiệp, doanh nhân về đúng vai trò là trọng tâm của xã hội; xác định đúng giá trị của tiền bạc; xác định đúng thế nào là người tài và sử dụng người tài.
2. Tăng cường giao lưu quốc tế kể cả tham quan học tập ở nước ngoài, du học nước ngoài, với điều kiện đưa cán bộ vừa nhậm chức đi thay vì cho người sắp về hưu đi; lấy thâm nhập thực tế thay vì chờ xe đón rước, theo lịch trình của đối tác làm trọng điểm
3. Đẩy mạnh toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao dân trí và phát triển kinh tế đất nước. Chỉ cần toàn cầu hóa thành công, chỉ cần ký được nhiều hợp đồng ở nước ngoài thì hiển nhiên sẽ đưa được nhiều người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, mở mang được dân trí.
4. Phổ cập CNTT và Internet cho toàn dân, nhất là nông thôn và vùng núi.
5. Loại bỏ các điểm yếu cố hữu của người Việt, để người Việt hiện đại chăm chỉ hơn, dám nghĩ lớn hơn, tránh suy nghĩ chủ quan, cho mình là "đúng nhất"; hiểu đúng về nhân tài và sử dụng nhân tài, hiểu đúng về giá trị đồng tiền, hiểu đúng về doanh nhân, đặt doanh nhân, doanh nghiệp và hoạt động thương mại tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của nó.
6. Học tập các điểm hay của dân tộc khác, xây dựng lòng tự tôn dân tộc, tính kỷ luật và chuyên nghiệp trong lao động, tôn trọng và tuân thủ các quy định của luật pháp, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, coi trọng tính hệ thống, không khuyến khích tính lanh trí, khôn lỏi trong xử lý các vấn đề chính yếu.
Lời kết
Những lời giải này chỉ mới dừng ở mức ý tưởng, nhưng nếu nhiều người Việt Nam nhận thức ra, nhiều người đồng tình, nhiều người chia sẻ, đặc biệt là quyết tâm thay đổi chính mình thì tôi tin tưởng tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng, tốc độ phát triển kinh tế của đất nước sẽ tăng trưởng nhanh hơn.
Chúng ta vẫn còn nhiều khiếm khuyết, thế mà 15 năm qua, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã cao nhất khu vực ASEAN, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể, nếu chúng ta cùng đồng lòng, tự nhận thức, tự hành động thay đổi chính mình để nâng cao dân trí của chính mình, của gia đình mình, của người thân mình, của bạn bè, đồng nghiệp mình thì tôi tin tưởng sâu sắc rằng nhất định Việt Nam sẽ thịnh vượng.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét