Ngày 20 tháng 4 năm 2017, khoảng 500 công an và cán bộ cùng 4 chó nghiệp vụ tiến đến Đồng Cốc, thôn Vọng Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, để cưỡng chế, thu hồi cánh đồng rộng hơn 14 mẫu, vốn dĩ là mảnh đất trù phú nhất trong thôn. Đáp lại sự cưỡng chế này, bà con nông dân đã mang quan tài ra đặt ngay lối đi vào thôn và tuyên bố quyết giữ đất bởi chính sách đền bù mập mờ, không thỏa đáng của chính quyền thôn Vọng Đông và chính quyền xã Yên Trung.
Bà Phùng Thị Yến, nông dân thôn Vọng Đông, Yên Trung, Yên Phong, Bắc Ninh, chia sẻ với VOA: “Thôn Vọng Đông chúng tôi có ít nhất 14 mẫu đất ở Đồng Cốc. Đây là đất màu mỡ nhất của thôn chúng tôi, chúng tôi dựa vào đó mà mưu sinh lâu nay bởi một năm chúng tôi cấy hai vụ lúa và hai vụ hoa màu. Nhưng giờ nhà nước thu hồi trắng để mở rộng khu công nghiệp, không đền bù cho chúng tôi. Bà con chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn với việc mưu sinh hằng ngày bởi chúng tôi chủ yếu dựa vào nông nghiệp để sống.”
“Thôn chúng tôi có trên dưới 400 người. Giờ thu hồi đất, chúng tôi và các cụ đều không biết làm gì để sống, nhưng họ cũng không đền bù đất Đồng Cốc,” chị Nguyễn Thị Duyên, cư dân trong xã, tiếp lời.
Cũng xin nói thêm, Đồng Cốc là khu đất phì nhiêu và trù phú nhất huyện Yên Phong. Hầu như toàn bộ rau rạch của huyện này đều trồng tập trung ở đây. Tất cả đều được bón phân chuồng và cho năng suất rất cao bởi hiếm có đất nơi nào lại có nguồn dinh dưỡng cho cây tốt như Đồng Cốc.
Dân cho biết chính sách đền bù không thỏa đáng, đầu tiên là ông Trưởng thôn Vọng Đông và ông Bí thư xã Yên Trung đã tự ý chuyển loại hình đất để rồi thay vì đền bù 158 triệu đồng mỗi sào thì họ chỉ đền cho người dân 22 triệu đồng mỗi sào. Người dân bức xúc và không đồng ý với chính sách đền bù bất minh, đã nhiều lần đâm đơn khiếu kiện nhưng nhà cầm quyền địa phương vẫn quyết tâm cưỡng chế lấy đất của nông dân.
Ông Nguyễn Bá Sơn, cán bộ ở xã Yên Trung, nói: “Nếu dân mất đất mà đã được đền bù hoặc chưa được đền bù thỏa đáng thì khi mất đất đấy thì công nghiệp sẽ đến đấy. Như vậy người dân phải chuyển sang dịch vụ bởi đất nông nghiệp không còn. Thực tế là dịch vụ thu nhập cao hơn nông nghiệp. Vậy nên nếu như chuyển đổi nghề nghiệp nhanh chóng được thì đời sống rất ổn, không lo thiếu việc làm.”
Bà Nguyễn Thị Quyên, nông dân thôn Vọng Đông, cho biết: “Như thôn chúng tôi thì đã chia đất theo khẩu, mỗi khẩu được hai thước. Mà giờ thu hồi đất, dân chúng tôi không được đền bù với giá ruộng đất nên dân chúng tôi rất bức xúc. Như hôm qua, bên mặt bằng và bên chính quyền đã đưa công an đến cưỡng chế dân để giải phóng mặt bằng. Chúng tôi vô cùng bức xúc. Chúng tôi không được đền bù, đã ra để giữ đất nhưng không được.”
Bà Hà, một cư dân ở xã Yên Trung, bức xúc: “Tôi là người dân ở thôn khác nhưng tôi thấy người dân ở Vọng Đông rất bức xúc về chuyện ruộng nương ở khu Đồng Cốc. Họ đòi sự công bằng. Hôm qua bên công an đi cả mấy trăm người, công an đủ loại và cả mấy con chó nữa. Họ đến để cưỡng ép người dân Vọng Đông. Tôi là người dân Việt Nam tôi thấy sự công bằng của Việt Nam không có nên tôi bức xúc. Tôi đề nghị giới hữu trách nên nghiên cứu ngay sự công bằng, để cho dân Vọng Đông được sự công bằng, chính trực đạo làm người.”
Câu chuyện thu hồi-đền bù đất tại Việt Nam là câu chuyện dài không có hồi kết bởi đất thuộc về toàn dân nhưng do nhà nước quản lý và cán bộ nhà nước cấp địa phương là người quản lý trực tiếp. Sự bất minh trong vấn đề xử lý tài sản toàn dân của cán bộ địa phương làm mâu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền ngày càng tăng và quyền lợi của người dân bị thu hẹp đến mức họ không thể chấp nhận được nữa. Biểu tình, mang quan tài đi đòi đất hay nằm vật vạ ở công viên Hà Nội chờ kiện tụng đất đai là hình ảnh xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét