Chủ Nhật, 23/04/2017 11:21
Đối tác và người dân Thái Lan đang lên kế hoạch biểu tình chống lại dự án khảo sát của Trung Quốc tiến hành trên sông Mê Kông.
Đèn xanh
Để phục vụ kế hoạch khơi thông luồng lạch 200km sông Mê Kông, 7 tàu từ tỉnh miền nam Vân Nam của Trung Quốc đã đến Chiềng Rai của Thái Lan. Cuộc khảo sát kéo dài 55 ngày tại 15 điểm trên dòng Mekong, bắt đầu từ Tam Giác Vàng, vùng giao thoa của ba nước Lào, Myanmar, và Thái Lan.
Kế hoạch của Trung Quốc là dùng mìn đánh sập thác ghềnh đồng nghĩa với hủy hoại môi trường sống của các loài động thực vật bản địa bất chấp các thảm họa hiện hữu gây ra bởi 6 đập thủy điện của Trung Quốc và hai đập khổng lồ Xayaburi, Don Sahong đang thi công.
Theo khảo cứu của Đại học Quốc gia Singpaore (NUS), kế hoạch trên sẽ dẫn đến những thảm họa là cơn đói phù sa vốn bồi đắp cho Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam từ 6.000 năm qua.
Đến 2014, lượng phù sa chỉ còn 75 triệu tấn/năm so với không dưới 160 triệu tấn/năm từ 1994 đổ về trước.
Khống chế và tấn công an ninh hệ sinh thái là thủ đoạn không mới trong lịch sử. Nó rất khó nhận diện trong ngắn hạn và có thể làm tàn lụi cả một nền văn minh.
Tàu chở hàng Trung Quốc di chuyển trên sông Mê Kông gần khu Tam giác Vàng, biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Ảnh TNO
|
Từ tháng 4/2001, Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch nạo vét nhằm thông luồng cho các tàu hàng lớn 500 tấn đưa hàng từ tỉnh Vân Nam xuôi về hạ nguồn đến các cảng ở Thái Lan và Lào.
Dự án này được chia làm ba giai đoạn và bước đầu là khảo sát.
Ngay sau đó, 4 nước bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào và Thái Lan đã ký Hiệp định giao thông thủy thương mại, thành lập Ủy ban Điều phối giao thông thủy thương mại (JCCCN) để thúc đẩy quá trình xây dựng thủy lộ cho các thương thuyền.
Thực sự, nếu so sánh với các tuyến đường vận tải đã có, sông Mê kông không phải là đường tắt để trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc, Lào và Thái Lan.
Cụ thể, đường sông dài 590 km từ cảng Tư Mao (Vân Nam, Trung Quốc) qua Huay Xay (Lào) đến Chiang Kong (Thái Lan) trong khi tuyến đường bộ chỉ vào khoảng 450 km.
Tương tự như vậy, khoảng cách đường thủy từ cảng Tư Mao tới Luang Prabang dài 890km trong khi đường bộ chỉ dài 510km. Tuyến đường thủy Mê Kông từ Tư Mao tới Vieniane dài khoảng 1380km trong khi đường bộ chỉ khoảng 890km.
Mặc dầu vậy, theo nghiên cứu của Ủy hội Sông Mê Kông, chi phí vận tải thấp hơn có thể bù đắp được quãng đường chênh lệch giữa đường thủy và đường bộ.
Nghiên cứu cho thấy chi phí để vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ Tư Mao đến Chiang Kong là 39,47USD/tấn, trong khi vận chuyển bằng đường thủy chỉ tốn 23,22 USD.
Vấn đề đáng lưu tâm liên quan đến giá trị kinh tế của việc phát triển dòng sông, đó là trao đổi thương mại giữa Thái Lan với Trung Quốc, Lào và Myanmar trên sông Mê Kông ước tính đạt đến 15,9 tỷ Bath, qua đường cao tốc R3A ước tính khoảng 19 tỷ Bath vào năm 2016.
Điều này cho thấy tuyến đường thủy trên sông Mê Kông vẫn chỉ là lựa chọn phụ so với những con đường bộ thuận tiện.
Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng như một số quốc gia trong khu vực sông Mê kông vẫn duy trì quan điểm sông Mê Kông cần được phát triển như một con đường vận chuyển thay thế và hỗ trợ cho các tuyến đường đã có.
Tuy dự án này vẫn còn đang ở những giai đoạn khởi đầu, nhưng Trung Quốc đã gửi tín hiệu khẳng định quyết tâm thực hiện thành công dự án này.
Chính vì thế, các chuyên gia đã cảnh báo, cơn cuồng vọng Me kông sẽ vô phương dập tắt nếu Ủy hội Sông Mekong (MRC) vẫn khư khư cái vỏ đoàn kết bề ngoài như hiện nay.
Dân Thái Lan biểu tình phản đối TQ nạo vét sông Mê Kông
Khi chính quyền bật đèn xanh, thì trong một diễn biến liên quan, ngày 21/4, điều phối viên Jeerasak Inthayos của Tổ chức Rak Chiang Khong cũng cho hay họ cùng các đối tác và người dân địa phương, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã lên kế hoạch biểu tình, để phản đối chính quyền Trung Quốc khảo sát các thác ghềnh trên sông Mê Kông đoạn đi qua vùng Khon Pi Long, tỉnh Chiềng Rai.
Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường Thái Lan lo ngại Trung Quốc muốn dùng thuốc nổ phá thác ghềnh để mở rộng lòng sông, hủy hoại hệ sinh thái và đe dọa đời sống người dân địa phương.
Trước đó, kênh Channel NewsAsia, ngày 9/3 cũng đưa tin, các chuyên gia Thái Lan khẳng định, việc nạo vét sẽ không mang lại lợi ích nào cho người dân dù chính phủ vẫn quyết tâm tiến hành khảo sát dự án nhằm phục vụ tàu vận tải cỡ lớn.
Cụ thể, nhà bảo vệ môi trường Niwat Roikeaw cho hay: "Việc nạo vét sẽ tác hại nặng nề đến môi trường, an ninh lương thực và đời sống người dân. Năm 2016, một số chuyên gia Trung Quốc đã đến Thái Lan để giải thích về những lợi ích của dự án".
Và đưa ra lời khuyên Trung Quốc nên hủy dự án và cần hiểu rằng “những người khác cũng cùng sống với họ” ở vùng sông Mê Kông. Nếu không, đây sẽ là hành vi xâm phạm kinh tế các nước khác vì lợi ích riêng của họ.
Việc nạo vét đã bắt đầu tại đoạn chảy qua Myanmar và Lào. Ông Kham Yana, một ngư dân Thái Lan, nói rằng ông đã nhìn thấy tác hại: “Dòng nước chảy xiết hơn và ít cá hơn vì những hốc đá dưới sông nơi chúng sinh sản đã không còn nữa”.
Sơn Ca (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét