Đoạn sóng gió trong cuộc hôn nhân của Tổng bí thư Lê Duẩn
29/04/2017 05:00 GMT+7
Liền cánh, liền cành? Bà như nghẹn ngào kèm cái thở dài rằng cả cuộc đời chồng vợ, bà chỉ được sống bên ông gần ông chỉ vỏn vẹn ba năm mấy tháng chi đó.
Vừa rồi, kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, một triển lãm quy mô đã được khai mạc tại Hà Nội. Triển lãm chia làm 5 phần. Tôi chú ý đến phần 3, Chặng đường 9 năm lãnh đạo cách mạng tại Nam Bộ (1946-1957), trong đó có sự kiện Năm 1950, Tổng bí thư Lê Duẩn kết hôn lần 2 với bà Nguyễn Thuỵ Nga.
Chợt nhớ mùa hè năm 2006, tôi may mắn có được một cuộc gặp cởi mở với bà Nguyễn Thụy Nga tức Bảy Vân. Và dưới đây là cái đoạn sóng gió đã ập xuống gia đình Ba Duẩn - Bảy Vân ngày ấy.
Tổng Bí thư Lê Duần và bà Bảy Vân. Ảnh: Tác giả Xuân Ba cung cấp |
…Đó là những ngày đầu năm 1957. Người của tổ chức đến gặp bà, đại ý: Luật Hôn nhân Gia đình của Quốc Hội ghi rõ gia đình phải một vợ một chồng. Nếu hoàn cảnh đã qua, ai có 2 vợ thì phải giải quyết sao cho hòa thuận. Anh Ba sắp ra rồi. Trước kia vì sự nghiệp chung mà chị lấy anh ấy. Nay cũng vì sự nghiệp chung mà chị nên chủ động ly dị với anh Ba để anh làm tròn nhiệm vụ.
Choáng váng, sững sờ nhưng dần dần bà bình tĩnh lại: "Trước kia chúng tôi lấy nhau cũng hai bên bàn bạc đồng ý, bây giờ muốn bỏ nhau cũng phải có ý kiến hai bên. Việc này phải chờ anh Ba ra, chúng tôi gặp nhau thì mới trả lời được...''
Rồi Anh Ba đã ra...
Gặp lại anh tôi rất mừng. Một hôm, anh nằm gần cửa sổ để tôi nhổ tóc bạc. Tôi nói: "Các anh các chị có đề nghị chúng ta nên ly dị nhau...'' Anh khóc bảo tôi: "Trong hoàn cảnh nào chúng ta lấy nhau, giờ trong hoàn cảnh nào chúng ta bỏ nhau? Lại có với nhau hai đứa con rồi... Cho dù anh làm Tổng Bí thư đi nữa mà phải bỏ nhau trong lòng anh không bao giờ yên ổn được. Người cộng sản phải có thủy có chung, có tình có nghĩa... Nếu làm như vậy không đúng với tấm lòng người cộng sản, anh không thể làm thế được. Và như vậy rồi gia đình cũng tan nát thôi''.
Tôi khóc và nhìn anh khóc mà đau lòng. Anh gầy như que củi, đen như củ súng. Tuy râu anh đã cạo nhưng sự tàn phá của chiến tranh còn in dấu trên người anh. Tôi nghĩ nếu anh hy sinh ở miền Nam thì cũng mất tất cả rồi. Vì vậy mà tôi nguyện làm vợ anh, vượt qua tất cả khó khăn cùng nhau xây dựng một gia đình hòa hợp.
Ba mẹ con chụp ảnh gửi vào Nam cho ông Ba Duẩn. Ảnh: Tác giả Xuân Ba cung cấp
|
Anh đưa tôi tới Trung ương Hội phụ nữ... Anh trình bày hoàn cảnh của chúng tôi mong có sự thông cảm... Nhưng nhiều chị phản đối kịch liệt. Không như hồi anh còn trong Nam, chị em Nam Bộ rất thương anh.
Tôi buồn rầu cô độc. Chiều thứ Bảy, tôi nhìn dòng người lũ lượt trên đường. Họ đi với nhau có cặp có đôi. Có người lại dắt theo con cái nữa. Họ vui biết bao. Họ hạnh phúc biết mấy! Phải chăng họ chỉ có một vợ một chồng? Hay là tôi giải quyết không đúng chăng?
Bà từng nói với tôi là tính bà ngang và thẳng như thừa hưởng tính khí huyết thống bên nội, nhưng tôi cũng đọc được vẻ lịch lãm nín nhịn của bà hằng bao nhiêu năm trời.
Có những điều khó nói nhưng đã được bà buột ra trong nước mắt. Rằng có đêm chúng tôi đang nằm bên nhau đùa giỡn với bé Thành thì có người về đập cửa rầm rầm khóc la ầm ĩ... Anh khuyên tôi "Thôi em tạm lánh đi cho yên''.
Không biết đi đâu, tôi đến nhà chị Bảy Huệ (phu nhân đồng chí Mười Cúc - Nguyễn Văn Linh) ở đường Nguyễn Biểu (lúc đó anh Mười Cúc đang ở miền Nam). Thấy tôi ngồi ủ rũ đến nửa đêm, chị Bảy hỏi han, khi biết chuyện chị động viên tôi rất nhiều. Rồi chị dắt tôi trở lại số 6 Hoàng Diệu. Thấy chị Bảy Huệ đưa tôi về, anh Ba mừng, mắt sáng rỡ...
TBT Lê Duẩn với 3 con trai, Lê Hãn, Lê Kiên Thành, Lê Kiên Trung. Ảnh do tác giả Xuân Ba cung cấp
|
Không có gì mới hơn gia đình. Và cũng không gì cũ hơn… gia đình. Chuyện muôn thuở ghen tuông có lẽ là lý do khá nặng ký để bà quyết tâm sang học tập ở Trung Quốc trong lúc có mang đứa con thứ 3 mới 3 tháng!
Sang Trung Quốc, tham gia công tác quản lý lưu học sinh và thời gian theo học Đại học Bắc Kinh đã choán khá nhiều thời gian của bà. Con trai út ra đời nhằm 12 giờ trưa ngày Mồng Một Tết Âm lịch. Thằng bé khỏe mạnh dễ nuôi. Một thời gian sau, cháu gái lớn Vũ Anh (con gái đầu lòng của Lê Duẩn và bà Nga, lưu học sinh ở Liên Xô cũ, đã mất), con trai thứ hai Lê Kiên Thành đều sang Bắc Kinh với mẹ.
Chất giọng bà vẫn nhẹ tênh. Nhưng sức nặng khó đong đếm.
…Ba chị em có nhau. Tôi cũng vui vui vì có các con bên cạnh nhưng bận vô kể. Tôi làm việc như cái máy làm sao chăm con chăm việc cho đúng giờ. Sáng tôi dậy lúc 4 giờ 30 phút, làm vệ sinh cho Vũ Anh 15 phút, cho Thành 15 phút. Cho 2 đứa ăn sáng xong, tôi cho thằng út dậy. Vệ sinh cho con. Cho con bú. Đúng 7 giờ tôi có mặt tại phòng làm việc. Chiều đi làm về tôi tắm rửa cho các con, xong cho đứa ăn, đứa bú. Đúng 7 giờ tối các con vô mùng ngủ. Tôi đi học Trung văn tới 11 giờ đêm mới về. May cái thằng bé cũng dễ nuôi, không hay khóc. Tôi đặt tên là Lê Kiên Trung. Chữ Trung ở đây là trung trinh để thể hiện tình yêu vợ chồng tôi.
Thời gian này, bà luôn nhận được thư ông. Mà như bà bộc bạch, đó là nguồn động viên hữu hiệu kịp thời.
Tôi may mắn được bà cho coi vài bức. Khi ấy và cho mãi sau này, tôi luôn thường trực một cảm giác ngạc nhiên đến sững sờ! Bởi với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, công việc bộn bề, nhưng ông đã biết cách vượt thoát lên những biến cố gia đình, đồng cảm sẻ chia theo cái cách riêng của ông, ứng và xứng với tầm vóc vị thế của mình trước những đau khổ tất tả của người vợ miền Nam nơi đất khách quê người.
...
Anh thương em, thương nhiều lắm. Em đừng thấy một vài biểu hiện bên ngoài hoặc một vài điều gì không may, không hay xảy ra mà sinh những ý nghĩ có thể hiểu lầm anh. Vì một lần hiểu lầm như vậy có thể tổn thương một ít tình yêu của anh với em. Mà tình yêu cũng giống như mọi của cải quý giá khác của con người cần phải bồi dưỡng và súc tích luôn luôn. Chúng ta phải tìm đủ mọi cách để xây đắp ngày càng lớn càng sâu tình yêu của chúng ta. Hạnh phúc là tình yêu là tấm lòng thiết tha thương nhau, chết sống không bao giờ và không thể bỏ nhau. Đến một lúc thì tình yêu không phải là hạnh phúc vật chất và vật chất cũng không phải là cơ sở nữa mà chính là tấm lòng yêu nhau quý nhau, hiểu biết chân tình ý nghĩ đầy đủ của nhau.
…
Người đàn bà là một linh hồn để xoa dịu những nỗi khổ đau của con người.
Em phải là người đàn bà ấy.
Người đàn bà là bài thơ là bản nhạc hay. Một bông hoa tươi đẹp thơm tho, một luồng gió mát. Người đàn bà là người có hằng hà sa số tình thương, là người bạn tốt nhất đẹp nhất của người chồng. Em phải là người đàn bà ấy. Em tin ở anh. Anh tin ở em. Chúng ta yêu nhau nên tin nhau. Em cố gắng lên. Anh rất vui sướng thấy em hiểu anh nhiều, thương anh nhiều.
Ngày 25-12-1960
Lê Duẩn
Thời gian học Đại học Bắc Kinh, vì bận bà đã cho hai con về nước với chồng, chỉ giữ đứa út ở lại. Sau đó đứa út cũng ốm đau sài đẹn luôn, để có thời gian cho việc học, bà đành gửi con về nốt.
...
Anh viết thư này cho mình để nói lại với mình rằng anh tin mình, anh tin mình vô hạn vì anh biết mình thương anh vô hạn. Anh tin ở người đồng chí yêu quý của anh. Anh tin ở người vợ thương yêu của anh. Anh tin ở người mẹ hiền lành âu yếm của mấy con yêu quý của chúng ta. Anh tin chắc chắn rằng mình sẽ phấn khởi vui vẻ trong việc học hành chăm lo bồi dưỡng sức khỏe như mình đã hứa với anh. Khi gặp anh, mình sẽ học giỏi mạnh khỏe, đẹp đẽ hơn trước nhiều nhiều...
Mấy con đi nghỉ mát. Trung, Thành và Vũ Anh thích tắm biển lắm. Trung biết nhiều lắm và biết ba thương nên hay làm nũng tìm mọi cách để được ngủ với ba.
Khi nằm với ba, Trung hay đùa và thích nghe chuyện đời xưa.
Chúc mình học giỏi và vui vẻ
Hôn mình nhiều, nhiều lắm
Lê Duẩn
Về các con ông viết vậy cho bà an tâm. Sau này về nước bà mới hay, ông và các đồng chí bảo vệ thư ký đã phải vất vả rất nhiều trong việc nuôi dạy chăm sóc ba đứa con. Con gái Vũ Anh đau yếu, ông làm cho con một tễ thuốc bắc. Để con gái uống đúng cữ là cả một việc gian nan.
Ông thương quý, thậm chí rất cưng chiều cậu con út... Có bé Trung bên cạnh bận bịu nhưng cũng có cái hay. Chú bảo vệ kể lại, anh Ba thường làm việc miết có khi gần sáng mới đi nghỉ. Những lúc như vậy, vì nể không tiện nhắc để Anh Ba giữ sức khỏe, các chú thả thằng bé lên... Bé Trung ngồi bên bố rất ngoan không quấy khóc gì nhưng gà gật ngáp ngắn ngáp dài. Ông đành bế con lên giường, hai cha con cùng đi ngủ!
Bút tích bà Bảy Vân trao đổi với tác giả. Ảnh: tác giả Xuân Ba cung cấp
|
Trong căn hộ của bà ở Phú Mỹ Hưng, chuyện lại nối chuyện...
Thời gian tôi ở bên đó anh có đi họp Hội nghị quốc tế với Bác Hồ. Lần ấy, vợ chồng tôi được đi với Bác chơi công viên. Đến bên một cây cổ thụ một gốc có hai nhánh vươn lên thẳng đứng. Bác gọi anh và tôi lại. Bác bảo: “Nào, nào. Cô chú hãy đến đây chụp một bức ảnh. Vợ chồng phải như chim liền cánh cây liền cành như gốc cổ thụ này”.
Liền cánh, liền cành? Bà như nghẹn ngào kèm cái thở dài rằng cả cuộc đời chồng vợ, bà chỉ được sống bên ông gần ông chỉ vỏn vẹn ba năm mấy tháng chi đó.
Nhưng có lẽ là chất lượng sống chứ chẳng phải sự hằng sống? Thời gian thực bên nhau của hai người khó quy thành một đại lượng thời gian tầm thường? Người đàn bà ấy không có trọn quỹ thời gian để chuyên tâm cho chồng con mà phải gánh cả việc nước. Thời buổi này tìm đâu ra được một phụ nữ cắn môi đến bật máu nén nỗi đau rời chồng và 3 đứa con dại trên đất Bắc một mình đoạn trường thui thủi trở lại chiến trường miền Tây Nam Bộ trên con tàu không số huyền thoại?
Lan man nghĩ đến những duyên do để tôi may mắn có buổi gặp bà buổi ấy có thể là anh Lê Kiên Thành, con trai bà chắp nối giới thiệu.
Trong đời viết cũng như đời thực chả lấy gì làm may mắn của mình, những người như chị Nga đếm không quá trên 10 đầu ngón tay. Một bạn văn khi khuyến khích tôi nên gặp bà đã bộc bạch thế…
Xuân Ba
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét