Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Đỗ Minh Tuấn - Trộm đêm ,cướp ngày và minh triết của lòng dân

Tôi viết status này giải mã ngắn gọn toàn bộ bối cảnh, nhân vật, lộ trình và thái độ nhân dân xung quanh vụ Đinh La Thăng đang sôi nổi bàn luận trên mạng xã hội hiện nay. Cảm hứng viết bài này xuất phát từ hai nguồn:

Nguyễn Phú Trọng tung đòn “huỷ diệt” Đinh La Thăng trước thềm Hội nghị Trung ương 5

1/Những câu hỏi và những bình luận trên FB với tôi: Đại loại vì sao tôi đã viết những status phê phán Đinh La Thăng thời ông còn ở Bộ Giao thông liên quan đến dự án đường sắt trên cao, và viết nhiều status lên án bọn tham nhũng nhân danh phát triển để vay tiền và bảo lãnh vay tiền, ăn chia trong nhóm lợi ích khủng và làm những công trình kém chất lượng vì bị rút ruột quá nhiều, chất lên vai dân tộc núi nợ ngàn đời chưa trả hết....mà bây giờ lại có vẻ bênh vực bọn tham nhũng, vay nợ, xây núi nợ ngàn đời cho dân ấy?

2. Những vấn đề anh Lưu Trọng Văn gợi ra trong một status sâu sắc về tâm lý và thái độ lựa chọn của nhân dân trong bối cảnh phải lựa chọn giữa hai cái xấu thì nhân dân lựa chọn cái ít xấu hơn và có nhiều hy vọng đổi đời hơn.

Trong status này tôi vừa gián tiếp trả lời những câu hỏi về ứng xử của tôi, vừa giải mã cội nguồn, bản chất thái độ ứng xử của xã hội, nói gọn là lòng dân, với vụ Đinh La Thăng, vụ Đồng Tâm nói riêng và thể chế chính trị hiện hành nói chung. Đây là góc nhìn của một người nhân sỹ trí thức văn nghệ sỹ, không phải đảng viên, nhưng gắn bó xây dựng Đảng CSVN có hiệu quả thực tế từ 30 năm nay theo phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh chuyển hoá, và tự ý thức rằng sự dũng cảm nhất của mình không phải là đối mặt trắng phớ với cường quyền trong nhiều phát ngôn và ứng xử, mà là dám đối mặt với sự hồ nghi, chê trách, dèm pha, lo lắng và ngờ vực của bạn bè, xã hội để “chơi với Đảng”, để bênh vực Đảng trong nhiều chuyện (điều được đa số nhân dân mấy thập kỷ nay coi là xấu là cơ hội), với một niềm tin sâu thẳm của Thị Kính, biết mình là ai trong cuộc đời này như tôi đã giải mã trong bài “Bản lĩnh phớt đời của Thị Kính” đăng trên An ninh thế giới ngày 20-5-2009 (http://antgct.cand.com.vn/…/Ban-linh-phot-doi-cua-Thi-Kinh…/).

1.TRỘM ĐÊM VÀ CƯỚP NGÀY: Trộm đêm thì ai cũng biết. Trong vấn đề ta đang bàn, đó là những kẻ tham nhũng, trộm cắp lén lút, không để lại dấu vết nhưng ai cũng biết, phải bắt quả tang hay điều tra mới có thể kết tội. Còn cướp ngày là những kẻ đặt ra những nguyên tắc, những luật chơi, những chuẩn mực công khai để cướp ngang nhiên của cải, quyền sống và quyền nhìn nhận, phán xét của người khác, cho dù, những phán xét và nhận định đó là đúng với nhân tính, văn hoá và luật chơi truyền thống. 

Chẳng hạn, Lưu Linh, tự là Bá Luân, người đất Bái Trung Hoa xưa, thân hình xấu xí, thường thu nhỏ vũ trụ của nhân gian coi như đồ vật của mình và hành xử với đời như chủ nhân của vũ trụ ấy. Có lần khách vào nhà Lưu Linh, thấy ông ta trần truồng trong nhà bật cười, Lưu Linh mắng: “Ta lấy trời làm nhà, lấy nhà làm quần áo, sao lại chui vào ống quần ta và cười như vậy?”. 

Câu chuyện trên có thể dùng để làm rõ bản chất điều 4 Hiến pháp và Luật đất đai của Việt Nam. Các nhóm lợi ích, các thế lực cướp ngày trong Đảng CSVN đã chiếm dụng quyền điều hành đất nước và quyền sở hữu đất đai theo nguyên tắc: “Ta lấy Trời làm nhà, lấy nhà làm quần áo” để cấp đất, cướp đất, bán rẻ các nguyên tắc, rước các dự án của Trung Quốc vào khắp đất nước. Khi người dân bị cướp đất, bị mất biển, bị mất nghề đánh cá, bị đầu độc môi trường trong những vụ Formosa, Đồng Tâm gần đây và hàng ngàn vụ trước đây kiện cáo và thắc mắc thì những kẻ cướp ngày không trả lời minh bạch, lại đàn áp những người đấu tranh đòi đất quyền sống, kết tội họ: “Sao lại để các thế lực thù địch kích động mà chui vào ống quần ta để tụ tập gây mất trật tự công cộng, chống đối ta như vậy?”. Ngược lại, với kẻ thù của nhân dân là bọn Trung Quốc chiếm đất, chiếm đảo, đầu độc thực phẩm và môi trường, thao túng thị trường, o ép lãnh đạo…thì luận điệu của đám cướp ngày là “Ta coi Trời là nhà, nhà của ta, ta cho ai vào chẳng được? Ta coi nhà là quần áo, ta muốn cho ai tụt quần ra là việc của ta. Việc tiếp khách nào, chơi với ai, tụt quần làm tình với ai cứ để ta lo”.

2. MINH TRIẾT CỦA LÒNG DÂN: Với nhân dân, bọn cướp ngày hành nghề bằng những Hồ lô pháp lý vĩ mô để công khai cướp bóc đất đai, của cải, tiền bạc và quyền sống của đồng bào, đày đoạ nhân dân và rước hoạ ngoại xâm, diệt tộc vào một cách hợp pháp…đó là mối bức xúc, lo âu và căm giận lớn nhất, lâu dài nhất và sâu thẳm nhất. Vì thế, khi thấy các vị lãnh đạo hiện hành giơ cái Hồ lô pháp lý vĩ mô (mà dân biết tỏng là cái gì) để bắt đám trộm đêm, thì dân vốn ghét bọn này lại quay ra nổi điên lên với cái Hồ lô đã nhốt chặt mình và đồng bào mình trong đó từ gần thế kỷ nay. Và thay vì khoái chí với việc bọn bị coi là trộm đêm bị bắt, bị trừng phạt, dân lại nhớ đến những cơ hội đổi đời mà đám này hứa hẹn (thoát Hồ lô, thoát Tàu, Luật Biểu tình.v.v) nhưng luôn bị những đám cướp ngày ngăn chặn nên không thực hiện được những lời hứa đó. 
Thế là sự đồng cảm với trộm đêm cũ được tăng lên. Hơn nữa, đại đa số nhân dân đều tin rằng đám cướp ngày cũng có bọn trộm đêm của mình đang núp sau Hồ Lô quyền lực và pháp lý lén lút hành nghề trong các vụ Formosa, Đồng Tâm.v.v.nhưng chủ Hồ lô lại không dơ Hồ lô ra bắt chúng, mà chỉ mải mê giơ Hồ lô bắt bọn trộm đêm trong quá khứ. 

Vì thế, với sự nhân hậu, từ bi, công bằng thẳm sâu trong tâm thức truyền thống, người dân Việt Nam thấy bọn trộm cũ hoá ra cũng có chút gì đó bị đối xử bất công. Nên khi Đinh La Thăng bị thông báo và đồn đại là một kẻ trộm đêm, nhân dân vẫn không đồng thuận với kế hoạch dùng Hồ Lô cướp ngày của Lưu Linh để thu nạp kẻ trộm đêm trong quá khứ. 

Đó chính là minh triết của lòng dân.

Đỗ Minh Tuấn



(FB Đỗ Minh Tuấn)

Không có nhận xét nào: