Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Nếu ông Võ Kim Cự và ông Nguyễn Sỹ Kỷ chẳng may bị ốm?

Với những sai phạm đã được chỉ ra và hình thức kỷ luật đã phải nhận, liệu ông Võ Kim Cự có còn xứng đáng với những chức vụ ông đang đảm nhiệm?

Tại kỳ họp thứ 11 từ 15-17/2/2017 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Phó Bí thư, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. 

Kết luận nêu rõ: “Để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về ông Võ Kim Cự trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011 - 2016; Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiêm Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh (2008 - 2010)”.

Sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các bước xử lý tiếp theo sẽ là gì?

Hiện tại, ông Võ Kim Cự là Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 14, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, với cương vị hiện tại ông thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 

Các hình thức kỷ luật Đảng ở mức cao hơn khiển trách, cảnh cáo do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.

Thông tin trên Trang Thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên (số 74 và 75-BC/UBKTTW, ngày 17/4/2017).  

Ban Bí thư đã thảo luận dân chủ, phân tích kỹ lưỡng, khách quan, toàn diện các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý có liên quan đến sự cố về môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. 

Riêng trường hợp ông Võ Kim Cự, hình thức kỷ luật Ban Bí thư đưa ra là: “cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với đồng chí Võ Kim Cự (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định)". [1]

Có thể thấy, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đề cập đến thời kỳ ông Cự lãnh đạo Hà Tĩnh, giai đoạn sau này khi ông trở thành Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và đại biểu Quốc hội chưa được đề cập đến. 

Vấn đề là với những sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra, với hình thức kỷ luật ông Võ Kim Cự đã phải nhận, ông có còn xứng đáng với những chức vụ ông đang đảm nhiệm?

Ông Võ Kim Cự có còn xứng đáng với những chức vụ ông đang đảm nhiệm? (Ảnh: Tuoitre.vn)
Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương chạy vào Hậu Giang, trở thành Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa 14 đã được làm rõ, một số cán bộ Đảng - chính quyền liên quan đến vụ việc đã bị kỷ luật. 

Bản thân Trịnh Xuân Thanh bị khai trừ, bị tước bỏ vai trò đại biểu Quốc hội, bị truy tố trước pháp luật dù đang lẩn trốn ở nước ngoài.

Trường hợp ông Võ Kim Cự có gì đó na ná như Trịnh Xuân Thanh. Ông Cự “chạy” từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, trở thành Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, làm Bí thư Đảng - Đoàn, rồi cũng trở thành đại biểu Quốc hội. 

Trịnh Xuân Thanh nếu không có hậu thuẫn, không được ưu ái nâng đỡ liệu có thể che dấu hành vi phạm pháp để rồi trở thành lãnh đạo tỉnh và đại biểu Quốc hội?

Liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, một số cán bộ, cơ quan Tổ chức, Nội vụ, Bộ Công Thương đã bị kỷ luật vì những lý do khác nhau song dư luận đều hiểu lý do thực sự chính là công tác cán bộ.

Cũng như Trịnh Xuân Thanh, ông Cự không thể tự ứng cử vào Quốc hội, không thể tự mình giành lấy những chức vụ quan trọng khiến ông trở thanh đối tượng do Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý. 

Một mình ông Cự không đủ khả năng điều khiển các cơ quan và tổ chức quần chúng trong các cuộc bầu cử, đặc biệt là việc tổ chức hiệp thương giới thiệu ông ra ứng cử Quốc hội phải do nhiều cơ quan phối hợp thực hiện.

Điều này có nghĩa là việc xử lý ông Cự nên được tiến hành theo hai hướng: xử lý sai phạm của ông Cự thời còn ở Hà Tĩnh và quá trình ông làm thế nào để có các chức vụ Đảng, đoàn thể và Quốc hội như hiện tại.

Xử lý một mình ông Cự là chưa đủ nếu không xử lý các cá nhân và tổ chức liên quan. 

Người dân biết tính chất phức tạp của vụ việc nên sẵn sàng chờ đợi, vấn đề là vì sao với nhiều sai phạm kéo dài từ 2005 - 2015 nhưng ông Cự vẫn đủ “động lực” vượt qua và trở nên “huy hoàng” như hôm nay?

Những sai phạm của ông Võ Kim Cự đã được đề cập rất rõ không chỉ trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Ban Bí thư mà còn trên hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các bộ phận liên quan phải vào cuộc giải quyết không chỉ vì lỗi do ông Cự gây ra mà còn cho thấy có gì đó chưa ổn trong việc không ngăn chặn kịp thời để ông “chễm chệ” thêm một thời gian ở những vị trí khá quan trọng, đặc biệt là việc trở thành đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 14. 

Nếu cơ quan có trách nhiệm tiếp thu ý kiến công luận, dừng việc bố trí ông Cự vào vị trí lãnh đạo cấp cao cũng như không hiệp thương giới thiệu ông vào Quốc hội thì giờ đây việc kỷ luật ông Cự có lẽ sẽ đơn giản hơn nhiều.

Một khi ông Cự cũng là “thường dân” như hơn 90 triệu người Việt thì việc xem xét xử lý sai phạm của ông sẽ là công việc của Công an, Kiểm sát và Tòa án chứ không đến mức Bộ chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc

Chính việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải trực tiếp chủ trì cuộc họp cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề.

Đó là sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ lãnh đạo cao cấp đã dần dần lộ diện, các nhóm lợi ích đã trở thành thế lực đủ mạnh, tiềm ẩn nguy cơ thao túng chính trị - kinh tế.

Các nhóm này đã phần nào thành công trong việc đưa các thành viên vào các vị trí quan trọng, có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và khối đoàn kết toàn dân. 

Việc để ông Cự tiếp tục tham gia công tác Đảng, Quốc hội và Liên minh Hợp tác xã liệu có dẫn tới việc cả ba cơ quan này đều phải tiến hành xử lý sau khi ông Cự đã bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật?

Vấn đề không chỉ là tốn thời gian điều tra, xem xét, tốn tiền thuế của dân. Vấn đề còn nằm ở chỗ xuất hiện câu hỏi rất nghiêm túc về công tác cán bộ sau khi Tổng Bí thư ký ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa 11. 

Vì sao Nghị quyết ra đời được mấy năm mà một người trong khi đang bị dư luận dị nghị với những dẫn chứng rất cụ thể lại có thể vượt qua tất cả để trở thành cán bộ cấp cao như ông Võ Kim Cự?

Về cá nhân ông Cự, người viết đã từng phân tích qua bài “Ông Võ Kim Cự và nguyên tắc “4 chấm” của robot”. [2]

Không biết sau khi nhận quyết định kỷ luật từ Ban Bí thư ông Cự có bị mệt, có phải cảm thán thốt lên như ông Phó Ban Nội chính tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Sỹ Kỷ, rằng “tôi rất đau lòng, chắc tôi ốm mà chết mất”. [3]

Nếu ông Võ Kim Cự và ông Nguyễn Sỹ Kỷ chẳng may bị ốm thật vào giai đoạn này thì có lẽ cũng hoàn toàn “đúng quy trình” bởi không ít người rơi vào hoàn cảnh như hai ông đều thế cả.

Ngày xưa không thiếu những tấm gương “treo mũ từ quan” vì không muốn nhân phẩm bị vấy bẩn. 

Những người có vết tỳ đã bị báo chí phanh phui, bị Ban Bí thư quyết định kỷ luật không giống như người xưa vì nhân phẩm của họ đâu còn trong sạch. 

Tuy nhiên nếu còn chút tự trọng, chưa mất hết lương tâm, danh dự thì cũng nên học tiền nhân “treo mũ từ quan”.

Nhiều người thắc mắc, tại sao tuyệt đại bộ phận những người mắc sai phạm không tự mình xin ra khỏi Đảng, khỏi Quốc hội, khỏi bộ máy nhà nước. 

Thắc mắc thế có lẽ là hơi thừa bởi nếu tự mình xin thôi các chức vụ thì hóa ra họ vẫn còn nguyên vẹn “tự trọng, có lương tâm, danh dự” hay sao?

Trên con thuyền chở đầy lương thực, hàng hóa, lũ chuột thường nấp rất kỹ, có đánh động thế nào chúng cũng không chịu ló mặt. 

Nếu chẳng may thuyền gặp sự cố thì nhảy khỏi thuyền đầu tiên lại chính là lũ chuột, đây là câu chuyện ngày xưa, ngày nay không biết thế nào?

Người như ông Kim Cự, ông Huy Hoàng, ông Sỹ Kỷ,… họ thừa biết việc mình làm là sai nhưng họ lại chẳng mấy khi sai… một mình. 

Họ có hội, có thuyền, có cột chống, có quân sư và cũng có cả “lâu la”, thế nên chừng nào các “đồng chí ấy chưa bị lộ” thì tội gì mà… “xin lộ”! 

Kể từ khi ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa 11 (Nghị quyết số 12-NQ/TW) đến nay, sau gần 5 năm, có bao nhiêu người tự nguyện xin nghỉ công tác vì tự thấy có sai phạm, bao nhiêu quan chức bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm trước khi truyền thông vào cuộc?

Cũng từ khi ban hành Nghị quyết 12-NQ/TW đến nay bao nhiêu trường hợp kê khai tài sản không trung thực bị phát hiện? Trả lời câu hỏi này, xin nêu một số tít báo: 

“Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm có... 1 trường hợp kê khai tài sản không trung thực ...” (Tuoitre.vn 19/8/2016); 

“Kê khai tài sản: Chỉ 5 phần triệu cán bộ không trung thực (?!)” (Tienphong.vn 4//1/2017); 

“1 triệu người kê khai tài sản, không trường hợp nào thiếu trung thực (!)” (Dantri.com.vn 28/10/2016)…

Chỉ có “5 phần triệu cán bộ không trung thực” (khi kê khai tài sản) và những người này đều đã biết tên, ông Kim Cự không thuộc 5% đó nên khuyên ông tự mình xin ra khỏi Đảng, xin thôi đại biểu Quốc hội liệu có phải là hơi … quá đà?

Nói thế chứ thật ra có thể dự đoán, dù ông Kim Cự muốn hay không, dư luận vẫn mong quy trình xử lý Trịnh Xuân Thanh sẽ được áp dụng cho trường hợp của ông. 

Nếu ông tự nguyện, Đảng và nhân dân chắc chắn sẽ để cho ông con đường lùi, ông có thể yên tâm về quê dưỡng già như ông Mãn, ông Truyền… cùng lắm thì học ông Trường Tô rời bỏ quê hương, xây cái biệt thự ven núi, sáng chiều nghe chim kêu, vượn hú.  

Đời người ta, ai chẳng có lúc sai lầm, sửa sai chẳng bao giờ muộn. Chỉ có vài loại người không muốn sửa sai, đó là những kẻ mất nhân tính, kẻ gàn, quẫn hoặc kẻ xem mình là nhất thiên hạ.

Có điều “kẻ” ở đây đôi khi không phải chỉ là “kẻ”.

Tài liệu tham khảo:


Xuân Dương



(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: