01/05/2017 05:10 GMT+7
Tai họa mang tới cho tôi biết bao ngang trái, đớn đau, bất hạnh nhưng đã giúp tôi “ngộ” ra nhiều điều, giúp tôi có một cái nhìn điềm tĩnh, thấu đáo hơn, và nó đã cứu sống cuốn sách này.
Nhưng làm sao tránh được sự thiên kiến về góc nhìn và quan điểm chính trị, nhất là khi ông đang cầm bút và cầm súng cho “phía bên này”?
Tôi suy nghĩ rất rõ ràng: Nếu không tôn trọng sự thật, đem quan điểm chính trị chủ quan của mình áp đặt vào các sự kiện, sự việc và tình tiết, trình bày nó theo mong muốn chủ quan của mình, thì cuốn sách sẽ hỏng hoàn toàn. Lịch sử là tự nó viết ra – đó chính là sự thật. Lịch sử không phải do bên thắng trận muốn nói thế nào cũng được, và bên thua trận muốn giải thích thế nào cũng xong. Không phải thế! Sự thật cuối cùng cũng trở về với sự thật.
Mặc dầu là một tác phẩm văn học, thể loại tôi lựa chọn là tiểu thuyết tư liệu lịch sử, nhưng trong suốt 19 chương với gần 600 trang sách, tôi tuyệt đối không chen bất cứ nhận xét, bình luận cá nhân nào, hoàn toàn không có sự hiện diện của tác giả.
Toàn bộ nội dung và những bản văn, tư liệu được viện dẫn trong sự dung tưởng của tác giả phục dựng từng sự kiện trong từng trang sách, tự nó nói lên tất cả.
Ảnh tư liệu do nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp. |
Để có được những tài liệu quý giá đó, ngoài may mắn được chứng kiến, được tắm mình trong các sự kiện với những trang ghi chép tại trận suốt dọc đường chiến dịch cho tới giờ phút toàn thắng, tôi phải có được những cơ duyên vô cùng kỳ lạ và sự hỗ trợ của rất nhiều người. Sự sắp đặt của cuộc sống nhiều lúc lạ lùng đến mức tôi không hiểu nổi, không cắt nghĩa nổi.
Năm 2000 cuốn sách cơ bản viết xong, tôi đã thay đổi tên sách 5 lần, với tựa sách lúc đó là: “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa”, và đã đăng một vài chương trên Báo Văn Nghệ, với cách nhìn và kiểu diễn đạt “bên nguỵ bên ta”, “ta thắng địch thua” bên ta thì gọi tên, viết hoa, xưng hô trang trọng, bên kia thì hạ thấp, miệt thị, coi thường... Nếu cuốn sách ra đời thời điểm đó, theo cách đó, nó đã chết và bị thời gian đào thải lâu rồi...
Đúng là tai hoạ nghề nghiệp rồi vướng vòng lao lý đã mang tới cho tôi bao ngang trái, bao hệ lụy kinh hoàng. Nhưng cũng chính tai họa đã cứu cuốn sách này. Lúc vụ việc xảy ra, cuốn sách của tôi chỉ còn một chương cuối cùng là hoàn thiện.
Tại toà tôi có nói: “Tôi không có tội. Tôi bị oan. Thời gian sẽ chứng minh. Nhưng nếu tòa cứ tuyên án, thì tôi xin lui 15 ngày để hoàn thành nốt cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử quan trọng với những tài liệu vô giá mà tôi đã trình bày trước tòa, rồi sau đó sẽ thụ án”.
Nhưng tòa không chịu và nói tôi mang tài liệu vào trong trại mà viết. Từ đỉnh vinh quang bỗng rơi vào tình cảnh bi thảm đó, tôi mới thực sự thấm thía và có điều kiện suy ngẫm sự đời, nhìn nhận cuộc sống một cách điềm tĩnh và thấu đáo.
Tôi đã ngộ ra rất nhiều điều, nhìn nhận sự việc khách quan hơn, nhân văn hơn với cảnh ngộ, số phận của những người ở phía bên kia. Tôi hiểu rằng, dù dữ dội và đau đớn đến đâu, cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi. Những năm tháng khổ đau, máu và nước mắt của bất cứ bên tham chiến nào cũng không bao giờ bị lãng quên và tất yếu trở thành một phần của lịch sử.
Cuốn sách còn dang dở luôn ám ảnh tâm trí tôi. Nhiều đêm thức giấc, tôi bừng tỉnh nhớ lại dọc đường chiến dịch, từ Huế đến Tây Nguyên, Sài Gòn tôi đã chứng kiến bao câu chuyện đau thương của con người. Những xác chết chưa phân huỷ hết dọc đường chiến dịch. Có bà mẹ ôm xác con, chạy bộ di tản theo quân đoàn 2 suốt từ Pleiku về Tuy Hòa, suốt ba ngày cứ ôm xác con chạy bộ đến kiệt sức vì không tìm được chỗ chôn con. Hàng nghìn bà con vì luận điệu tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn là ở lại sẽ bị “Việt cộng tắm máu”, mà bồng bế nhau chạy theo binh lính quân đoàn 2.
Cũng là đồng bào mình chứ ai? Mình có nên viết về những điều đó bằng sự lạnh lùng, hả hê của người thắng trận không hay viết bằng sự cảm thông sâu sắc với thân phận con người trong chiến tranh?
Sau khi trở lại với cuộc sống và công việc thường ngày, có lúc tôi bỗng thấy mình có phần may mắn. Tai họa mang tới cho tôi biết bao ngang trái, đớn đau, bất hạnh nhưng đã giúp tôi “ngộ” ra nhiều điều, giúp tôi có một cái nhìn điềm tĩnh, thấu đáo hơn, và nó đã cứu sống cuốn sách này.
Dù sau biến cố đó nhiều năm, tôi vẫn chưa viết được thêm dòng nào, thậm chí đã có lúc bất lực, không sao có hứng thú tiếp tục, có lúc tôi muốn đốt hết những tài liệu đó đi. Và rồi tôi chợt bừng thức, rỡ cuốn sách ra viết lại hoàn toàn, dưới ánh sáng của tình hình mới, với tinh thần quả cảm trước sự thật lịch sử, với cái nhìn khách quan, không thiên kiến, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia, đảm bảo sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện, sự việc, tình tiết đã diễn xa. Và cuốn sách đã mang một diện mạo hoàn toàn khác.
Trong suốt quá trình đó, điều gì làm ông ngạc nhiên hoặc khác với những gì ông vẫn hình dung trước đó?
Trong cuốn sách có 21 tài liệu nguyên bản tuyệt mật được in toàn văn trong phần phụ lục. Đó là những tài liệu ta thu được trên bàn làm việc và nơi ở của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tại Dinh Độc Lập và trên bàn làm việc của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam cộng hoà tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn vào buổi trưa và chiều tối ngày 30-4-1975. Những tài liệu này làm tôi vỡ ra rất nhiều điều.
Ví dụ trên bàn làm việc của tướng Cao Văn Viên có đầy đủ các tập kiểm điểm, tường trình của tướng tá quân đội Sài Gòn thuộc các quân binh chủng, các quân đoàn, sư đoàn tại các mặt trận, các tuyến phòng thủ sau khi thất trận chạy về Sài Gòn.
Sau khi mất Tây Nguyên, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Thiệu đã lập một Ủy ban điều tra nguyên nhân thảm bại, bắt tất cả tướng lĩnh thất trận chạy về Sài Gòn phải viết tường trình và “dọa” đưa tất cả ra tòa án binh... Đọc những bản tường trình ấy, tôi vỡ ra nhiều điều. Nếu quân đội Sài Gòn không có quân phong quân kỷ, hỗn quân hỗn quan, chạy bán sống bán chết như không ít tác phẩm, bài viết mô tả, thì làm sao trong những ngày sụp đổ cuối cùng còn bắt viết tường trình được, và làm sao tướng lĩnh quân đội Sài Gòn có thể ngồi viết những bản tường trình đầy đủ và chi tiết như vậy được.
Nếu không có những bản tường trình đó, thì cũng khó mà có cuốn sách này.
Nhà báo Trần Mai Hạnh trên đường tiến vào Sài Gòn. Ảnh tư liệu do Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp |
Cuốn sách được thể hiện dưới dạng tiểu thuyết, hẳn có phần hư cấu. Ông cân bằng thế nào?
Đã gọi là tiểu thuyết tư liệu lịch sử, tôi mong muốn tác phẩm của mình có giá trị văn chương, nhưng trước hết phải có giá trị vững chắc vê sự thật lịch sử.
Một ví dụ đơn giản thế này. Tác phẩm có tất cả 270 nhân vật, đều là người thật, việc thật. Chỉ cần sai một cái tên, thậm chí sai họ, sai tên lót thôi là có thể đổ vỡ tất cả.
Ví dụ tướng Nguyên Cao Kỳ, tác giả lại viết là tướng Nguyễn Quang Kỳ là “vất đi” tất cả. Không ai tin nữa, thậm chí bị phản ứng dữ dội từ người đọc.... Sau khi sở hữu khối lượng tài liệu đồ sộ, với sự dung tưởng phong phú của một nhà văn tôi đã hóa thân sang phía bên kia để phục dựng lại từng sự việc, từ diễn biến trên chiến trường, đến các cuộc họp cơ mật của hội đồng an ninh quốc gia..., ngày giờ diễn ra sự kiện, sự việc, các tranh luận, quyết sách, mệnh lệnh đều phải có các căn cứ, viện dẫn để người đọc thực sự tin cậy đó là sự thật...
Ví dụ, trong chương “Nước cờ định mệnh”, tôi dựng lại chi tiết cuộc họp tuyệt mật tại căn cứ Cam Ranh do Thiệu chủ trì đi đến quyết định rút bỏ Tây Nguyên.Dự cuộc họp chỉ có 6 người: Thiệu, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Trung tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh cao cấp của Thiệu, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh quân đoàn 2, Đại tá Lê Hữu Đức, Quyền Tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh.
Tại cuộc họp đó, trước sức ép nặng nề của Quân giải phóng, trước nguy cơ quân đoàn 2 bị tiêu diệt, Thiệu đã buộc phải đưa ra một quyết định mang tính “định mệnh” - rút khỏi Tây Nguyên.
Cuộc họp được phục dựng lại chi tiết trong từng cử chỉ, thái độ, lời lẽ và lập luận của các thành viên dự họp. Đương nhiên, để phục dựng một cuộc họp quan trọng và sống động như vậy, không thể không có sự sáng tạo, tưởng tượng của nhà văn. Nhưng tất cả sự tưởng tượng đó đều trên cơ sở căn cứ của những tài liệu nguyên bản, căn cứ lời tường trình của các nhân chứng, các bản văn tin cậy đã được kiểm chứng từ nhiều nguồn.
Cùng một sự việc, được nhiều tướng lĩnh đề cập đến ở những góc độ khác nhau: từ bản tường trình nộp cho Nguyễn Văn Thiệu, biên bản lời khai sau khi bị Quân giải phóng bắt hoặc không di tản, ra trình diện chính quyền cách mạng, những người chạy ra nước ngoài bị triệu tập, viết tường trình kể lại chi tiết diễn biến sự việc tại Trung tâm Lịch sử quân sự lục quân Hoa Kỳ và trả lời báo chí quốc tế, hồi ký của nhân chứng… đã giúp rất nhiều cho việc thu thập, đối chiếu, kiểm chứng để phục dựng trung thực các sự kiên, sự việc, tình huống, thậm chí cả tình tiết đã diễn ra trong những ngày sụp đổ cuối cùng của chính thể Việt Nam Cộng hòa...
Ông đặc biệt ấn tượng với nhân vật nào nhất?
Nhân vật chính trong toàn bộ tác phẩm là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tôi thậm chí có cả số thẻ căn cước và ngày cấp thẻ căn cước của cả Thiệu và vợ Thiệu. Thiệu đi lính, tiến lên từ quân đội đến khi vào Dinh Độc Lập làm Tổng thống.
Từ Dinh Độc Lập, Thiệu gọi điện cho tất cả các quân sư đoàn, trực tiếp chỉ huy toàn bộ cuộc chiến. Một con người cực kỳ thông minh, quyết đoán, lật lọng, mưu toan, thủ đoạn tàn bạo, bám Mỹ đến cùng và chống cộng sản đến cùng.
Ngoài ra, trong các tướng lĩnh Việt Nam cộng hoà, người khiến tôi ấn tượng nhất về mặt nhân cách là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh quân đoàn Quân khu 4.
Khi đọc hồ sơ về ông ta, nhiều lần tôi lặng người. Khi chủ trì cuộc họp Bộ tư lệnh quân đoàn 4, đúng lúc Dương Văn Minh tuyên bố buông súng đầu hàng, cuộc họp biến thành cuộc tranh cãi gay gắt. Tướng Nam yêu cầu mang chiếc radio ra để giữa bàn và nói: “Tổng thống đã tuyên bố đầu hàng. Tôi cũng tuyên bố Quân đoàn 4 bỏ súng”.
Các tướng lĩnh khác lập tức chất vấn Nguyễn Khoa Nam: Tại sao đầu hàng, trong khi Quân đoàn 4 còn nguyên vẹn hải lục không quân, chưa một trận chạm súng với Quân giải phóng. Tranh cãi gay gắt, loạn xạ. Nguyễn Khoa Nam đã buồn rầu, nhưng vẫn cương quyết ra lệnh: “Tình thế đến lúc này không đảo ngược được. Tôi còn có trách nhiệm với 165.000 gia đình binh sĩ và đồng bào. Không thể để đổ máu thêm nữa. Tôi quyết định buông súng”
Chiều 30/4, Nguyễn Khoa Nam mặc quân phục nghiêm chỉnh, vào quân y viện thăm binh lính Sài Gòn bị thương nặng, phải nằm một chỗ không di chuyển được. Ông ta đến từng đầu giường nắm tay những người lính và chảy nước mắt.
Khi quay về, viên tỉnh trưởng gọi điện xin lệnh nổ mìn đã đặt sẵn để phá cầu, chặn bước tiến của xe tăng Quân Giải phóng. Nguyễn Khoa Nam lập tức ra lệnh: “Để cầu lại. Không được phá.”
Chiều tối hôm đó có hai cán bộ Quân giải phóng đến trụ sở Bộ tư Quân đoàn 4, gặp Nam yêu cầu Quân đoàn 4 buông sung. Nguyễn Khoa Nam tiếp đón lịch sư. Xong việc, khi bước ra ngoài sân Bộ tư lệnh, chia tay, Nguyễn khoa Nam đã bắt tay hai cán bộ Quân giải phóng.
Ngay sau đó, Nguyễn Khoa Nam đã lệnh truyền đạt cho chỉ huy tất cả các đơn vị trực thuộc Quân đoàn 4 yêu cầu buông súng, giương cờ trắng, chủ động gặp Quân giải phóng bàn giao căn cứ, súng đạn, tránh tuyệt đối đụng độ, đảm bảo an ninh tối đa cho dân chúng.
Đêm hôm đó, máy bay trực thăng riêng túc trực ở sân Bộ tư lệnh. Nguyễn Khoa Nam có thể lên trực thăng bay ra tầu chiến của Mỹ đang đậu ngoài khơi, di tản đi nước ngoài. Nhưng Nguyễn Khoa Nam đã chọn quyết định ở lại, và đêm đó sau những giằng xé, giông bão về nội tâm, Nguyễn Khoa Nam đã rút súng ngắn bắn vào đầu tự sát...
Những bản tường trình của tướng tá Quân đoàn 4 có mặt tại các cuộc họp cuối cùng của quân đoàn do Nguyễn Khoa Nam chủ trì, lời kể của cần vụ ở bên cạnh nguyễn Khoa Nam tới phút chót, lời kể của bác sĩ khám nghiệm tử thi lúc Nguyễn Khoa Nam qua đời, biên bản pháp y... đã giúp tôi xây dựng chương sách có đề cập đến quân đoàn 4 và khắc họa với chừng mực nhất định nhằm đảm bảo sự tin cậy vào tính chân thực về hình ảnh của nhân vật Nguyễn Khoa Nam...
Còn có những câu chuyện hay uẩn khúc nào mà ông chưa thể đưa vào cuốn sách?
Cuộc chiến đã kết thúc hơn 4 thập kỷ. Quan hệ Mỹ - Việt cũng đã được bình thường hoá. Không còn rào cản nào về việc phục dựng trung thực sự thật lịch sử. Không còn chuyện dám đưa hay không. Mà chỉ là đưa như thế nào? Lần đầu tiên xuất bản, tôi không in các tài liệu nguyên bản ở phần phụ lục.
Đến lần tái bản thứ nhất tôi in toàn văn 21 tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật ở thời điểm đó. Còn để sử dụng được hết nguồn tư liệu đồ sộ, cuốn sách phải lên đến nghìn trang. Nếu có thể, tôi mong sẽ đưa được những tư liệu còn lại tới độc giả khi tiếp tục tái bản có bổ sung cuốn sách này vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025)
Hoàng Hườngthực hiện