Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Việt Nam 1967: Ai chỉ đạo cuộc chiến ở miền Bắc?

Posted on  by The Observer

Print Friendly
Nguồn: Lien-Hang Nguyen, “Who Called the Shots in Hanoi?”, The New York Times, 14/02/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Bất kỳ câu chuyện nào về chiến sự trong Chiến tranh Việt Nam cũng đều nói rằng Mỹ đã phải chiến đấu với một “kẻ thù khó nắm bắt”: những toán lính du kích bất ngờ tấn công rồi nhanh chóng biến mất; hay các tư lệnh tiểu đoàn nhất định không chịu đánh công khai. Tuy nhiên, câu nói sáo rỗng ấy có nhiều ý nghĩa hơn những gì hầu hết chúng ta nghĩ. Thậm chí đến tận năm 1967, quân đội, tình báo và các lãnh đạo dân sự Mỹ vẫn hoàn toàn không biết ai mới thực sự là người ra quyết định tại Hà Nội.
Ai lãnh đạo Bắc Việt Nam?
Ở một mức độ nào đó, đây là những gì chính quyền miền Bắc mong muốn – một ấn tượng rằng mọi quyết định đều là tập thể, dù vẫn có bàn tay dẫn dắt nhẹ nhàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự nhầm lẫn của người Mỹ, dù không cố ý, nhưng cũng phản ánh thực tế là chính trị miền Bắc còn lộn xộn và chia rẽ, một trong những thực tế mà tới nay các nhà sử học mới hiểu được phần nào.
Nhờ có quá trình giải mật hồ sơ lịch sử lúc chậm lúc nhanh, các ấn phẩm hồi ký và lịch sử “không chính thức”, việc lan truyền các bức “thư ngỏ” của các cựu lãnh đạo bất mãn, cùng những nghiên cứu, phân tích cẩn thận và tỉ mỉ từ các chuyên gia Việt Nam, bây giờ chúng ta đã có thể hiểu sâu hơn về việc ai là lãnh đạo cao nhất ở Hà Nội và làm thế nào mà ông ta đạt được vị trí đó.
Trong cuộc chiến, các chuyên gia tình báo Mỹ cứ quanh quẩn trong một danh sách dài những nhân vật tình nghi. Đôi khi các báo cáo và phân tích tình báo chỉ ra rằng toàn bộ 11 thành viên của Bộ Chính trị là những người lãnh đạo thực sự của Đảng Lao động Việt Nam.
Lựa chọn rõ ràng nhất, đồng thời là cái tên luôn được báo chí mô tả là lãnh đạo miền Bắc, chính là Hồ Chí Minh, vị cha già mà chuyến đi tìm đường cứu nước cùng sự nghiệp chống thực dân lừng lẫy đã khiến ông trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới. Một ứng viên khác là Võ Nguyên Giáp, vị tướng có công đánh tan quân Pháp mạnh hơn nhiều lần một cách ngoạn mục tại Điện Biên Phủ. Thậm chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại đàm phán Geneva năm 1954, cũng từng được nêu tên như là “bộ não” thực sự đằng sau cuộc chiến của Hà Nội.
Thực ra câu trả lời không nằm trong số những người này. Lãnh đạo thực sự là Lê Văn Nhuận, người sau này lấy tên là Lê Duẩn, một quan chức đảng không mấy nổi bật, với xuất thân khiêm tốn từ một làng quê miền Trung Việt Nam.
Sự trỗi dậy của Lê Duẩn
Gần như không nằm trong tầm ngắm của tình báo Mỹ, nhưng Lê Duẩn đã cai trị đảng bằng bàn tay sắt từ cuối những năm 1950 cho đến khi ông qua đời vào năm 1986. Từ xưa tới nay, chưa có bất kỳ Tổng Bí thư nào có thể nắm giữ quyền lực được lâu như vậy. Thế nhưng người nước ngoài lại biết rất ít về Lê Duẩn, cũng như làm thế nào mà ông đã đánh bại được quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Sinh năm 1907, Lê Duẩn là một trong năm người con của một gia đình nông dân nghèo ở làng Bích La, tỉnh Quảng Trị. Ông đã chứng kiến sự chuyển đổi của đất nước mình dưới ách áp bức và bóc lột của thực dân Pháp. Ban đầu, ông nối nghiệp cha trở thành một nhân viên đường sắt. Nhưng sau đó, bị cuốn vào phong trào chống thực dân của nhiều thanh niên cùng thế hệ, chàng trai Lê Duẩn 21 tuổi đã chuyển đến sống tại Hà Nội cùng với cô dâu mới là Lê Thị Sương. Tại đây, ngay tại trung tâm quyền lực của người Pháp, Lê Duẩn đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và giành được một ghế trong Ủy ban Giáo dục và Đào tạo nhờ công việc ngành đường sắt của mình.
Nhưng phải đến lúc vào nhà tù thuộc địa thì ông Duẩn mới giành được uy tín cách mạng thực sự của mình. Các tù nhân thường xuyên bị cai ngục người Pháp đánh đập, nhưng họ đã trở nên cấp tiến hơn nhờ được củng cố ý thức hệ và cùng nhau tái xây dựng mạng lưới đảng khi bị nhốt chung trong những buồng giam chật chội. Lê Duẩn đã bị giam trong các nhà tù thực dân không chỉ một, mà là hai lần (năm 1931 và năm 1945.) Khi ông được thả sau lần bị giam thứ hai vào năm 1945, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Thế chiến II đã kết thúc, và nhìn từ bề ngoài thì người Pháp cũng như người Nhật đều đã bại trận. Quan trọng nhất, Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo giàu sức lôi cuốn, đã tuyên bố nền độc lập của Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội vào ngày 02/09/1945.
Tuy nhiên, những ngày sau độc lập đối với Lê Duẩn và Việt Nam là quãng thời gian thử thách. Người Pháp không có ý định để cho đế chế của họ tan rã mà không chiến đấu, và Lê Duẩn hiểu rằng việc khẳng định bản thân trong chính phủ mới là một thách thức. Hy vọng được trở thành bộ trưởng quốc phòng, nhưng ông đã thua Tướng Giáp, người thân thiết hơn với Hồ Chí Minh. Thất bại năm 1945 này có thể là một nguyên nhân khiến Lê Duẩn luôn khinh thường Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh.
Thay vì ở lại Hà Nội làm một ủy viên Bộ Chính trị và giữ một chức bộ trưởng thoải mái nào đó, Lê Duẩn lại phụ trách hoạt động của Đảng ở một nơi có thể được gọi là “miền Nam hoang dã” (Wild South.) Ông đến Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà quyền lực của đảng còn rất yếu so với ở miền Bắc. Không chỉ có người Pháp mong muốn chiếm lại phần phía nam thuộc địa cũ của họ, mà các lực lượng bán quân sự của Phật giáo và các nhóm giang hồ người Hoa ở Chợ Lớn cũng đang kiểm soát tất cả các phần quan trọng của khu vực.
Mối quan hệ với Lê Đức Thọ
Lê Duẩn sẽ không đơn độc trong nhiệm vụ giúp Đảng kiểm soát miền Nam. Năm 1948, Lê Đức Thọ xuất hiện và trở thành ‘phó tướng’ của ông. Là một nhà cách mạng đáng nể từ miền Bắc, người đã thăng tiến trong Đảng qua nhiều năm gian khổ ở nhà tù thực dân, Lê Đức Thọ đã hình thành một mối quan hệ mạnh mẽ với Lê Duẩn, cùng tiêu diệt các đối thủ chính trị và kẻ thù.
Hoạt động của Lê Duẩn ở miền Nam cũng như mối liên hệ với Lê Đức Thọ là những yếu tố quan trọng giúp ông vươn lên trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu và ảnh hưởng tới chính sách của ông trên cương vị đó. Năm 1954, đất nước bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng bị chia tách. Ông Thọ tập kết ra miền Bắc, còn ông Duẩn bí mật trở lại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi ông đã chứng kiến Tổng thống miền Nam Ngô Đình Diệm tàn sát quân kháng chiến, và lời hứa hẹn về một đất nước thống nhất cứ ngày một xa vời.
Trở về Hà Nội, Lê Duẩn nhận thấy Đảng đang bị bao vây bởi những khó khăn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Khi có thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo Đảng cộng sản, thời gian của Lê Duẩn ở miền Nam đã được đền đáp: Ông là ủy viên Bộ Chính trị duy nhất không có liên quan đến chính sách thất bại của Đảng ở miền Bắc (chỉ cải cách ruộng đất – NBT). Sau khi Tổng Bí thư đương nhiệm Trường Chinh từ chức, Lê Duẩn đã lên thay và tiếp quản việc điều hành Đảng Lao động Việt Nam.
Được Lê Đức Thọ ủng hộ, Lê Duẩn đã quyết tâm xây dựng một nhà nước cảnh sát mạnh mẽ ở miền Bắc để chuẩn bị cho chiến tranh toàn diện ở miền Nam. Các lãnh đạo chính thức khác, như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, muốn kết hợp chính trị và quân sự, nhưng Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cho rằng thống nhất đất nước dưới sự bảo trợ của đảng chỉ có thể được thực hiện bằng cách leo thang quân sự bởi lực lượng nổi dậy ở miền Nam.
Chiến lược của Lê Duẩn
Họ mở màn chiến dịch vào cuối năm 1963, sau khi cả Ngô Đình Diệm và John F. Kennedy đều bị ám sát. Nhận thấy cơ hội giành chiến thắng nhanh chóng khi miền Nam đang thiếu lãnh đạo, Lê Duẩn đã thuyết phục các quan chức Đảng sử dụng toàn lực để giành chiến thắng bằng một kế hoạch táo bạo mà ông gọi là “Tổng tiến công và nổi dậy.”
Đó thực là một canh bạc. Năm 1964, khi Lê Duẩn bắt đầu phát triển kế hoạch của mình, lực lượng của phe cộng sản chưa đủ mạnh để tiêu diệt quân đội miền Nam và do đó phải kích động người dân đứng lên – tiến công và nổi dậy – dù cho khả năng lãnh đạo dân sự – quân sự ở miền Nam lúc đó tương đối yếu. Nhưng ông Duẩn đã kiên nhẫn. Gửi binh lính và trang thiết bị từ miền Bắc qua các tuyến đường biển và đường bộ rất mất thời gian, nhưng cuối cùng Lê Duẩn vẫn làm thay đổi được tình trạng chiến sự phía dưới vĩ tuyến 17, từ chiến tranh du kích tiến hành bởi lực lượng nổi dậy miền Nam thành một cuộc nội chiến toàn diện có sự tham gia của quân đội chính quy miền Bắc.
Tính đến mùa thu năm 1964, vị Tổng Bí thư đã hoàn tất “Kế hoạch X”, giai đoạn cuối cùng trong ván cược giành chiến thắng của ông – bao gồm một cuộc tấn công đầy tham vọng nhắm vào Sài Gòn. Cho các đơn vị lính đặc công trang bị vũ khí hạng nặng đến trấn giữ các mục tiêu chủ chốt, còn quân cách mạng thì đóng rải rác khắp Sài Gòn sẽ kích động nhân dân đứng lên giành lấy chính quyền khỏi tay “chế độ bù nhìn” đang sụp đổ. Kế hoạch đã được tính toán rất kỹ càng, năm tiểu đoàn sẽ đóng tại năm hướng trong khu vực ngoại ô thành phố nhằm cách ly vùng trung tâm thành phố khỏi lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa còn lại cho đến khi lực lượng chủ chốt có thể tiến đến.
Sự xuất hiện của quân đội Mỹ vào năm 1965 đã làm thay đổi việc đánh nhanh thắng nhanh với “Kế hoạch X”, nhưng vị Tổng Bí thư vẫn kiên trì. Luôn tin rằng nếu quay trở lại lối đánh du kích nặng về phòng thủ sẽ làm suy yếu tinh thần của lực lượng cộng sản, Lê Duẩn ra lệnh duy trì thế chủ động và khởi động các trận đánh lớn. Tuy nhiên, chiến lược tấn công này gặp phải sự chống trả sâu rộng của Mỹ ở vùng nông thôn miền Nam trong năm 1966 và đầu năm 1967, khiến sự điều khiển chiến tranh của Lê Duẩn đã bị chỉ trích nặng nề tại Hà Nội.
Quyền kiểm soát của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ ở miền Bắc cũng như nỗ lực chiến tranh bất ngờ gặp phải nguy hiểm. Trước khi cả hai có thể tiến  hành một phiên bản nâng cấp của “Kế hoạch X” – theo đó sẽ tấn công không chỉ Sài Gòn mà còn tất cả các thành phố và thị xã trên khắp miền Nam Việt Nam – họ phải đập tan những lời chỉ trích và lấy lại quyền kiểm soát ở Hà Nội. Năm 1967, trong khi người Mỹ ném bom, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng bắt đầu một cuộc chiến chính trị khốc liệt ở Hà Nội, điều cuối cùng trở thành một cuộc thanh trừng lớn nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – và tạo tiền đề cho những gì họ dự định sẽ là chiến dịch đỉnh điểm của Chiến tranh Việt Nam.
Xem thêm: 
Lien-Hang Nguyen là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Columbia và là tác giả của cuốn sách sắp được phát hành “Tet 1968: The Battles That Changed the Vietnam War and the Global Cold War.” 
Các tiêu đề phụ trong bài do Nghiencuuquocte.org tự đặt. 
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/03/14/viet-nam-1967-ai-chi-dao-cuoc-chien-tranh-mien-bac/#sthash.F5oRTP7e.dpuf

Câu chuyện của một nữ y tá Việt Cộng trong chiến tranh; Những phụ nữ Mỹ trên chiến trường Việt Nam

Posted on  by The Observer

Print Friendly
Nguồn: Tong Thi Xuyen, “A Frontline Nurse for the Vietcong”, The New York Times, 21/03/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Đối với nhiều người Việt Nam, ký ức về những gì đã diễn ra vẫn rất sinh động. Gần đây, tôi đã đến thăm bà Nguyen Thi Do, một cựu y tá của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, hay còn được gọi là Việt Cộng. Sau 10 năm phục vụ trong chiến tranh, bà chuyển về Qui Nhơn, một thành phố ven biển ở quê bà, nằm trên bờ biển miền Trung Việt Nam. Tại đây, bà làm quản lý của một công ty đánh bắt cá cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1989. Bà mời tôi vào phòng khách với nội thất được trang trí bằng gỗ sang trọng, tay rót hai cốc trà xanh, và bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình.
Khi tôi 17 tuổi, những người tuyển quân từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã đến làng tôi, làng Lộ Diêu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Người dân xung quanh gọi Lộ Diêu, vùng đất nằm cách 130 dặm về phía nam thành phố Đà Nẵng, là “cái nôi của cách mạng,” bởi vì tất cả mọi người ở đây đều tận tụy cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.
Những người trong độ tuổi của tôi đều được ghi danh, và như vậy, vào ngày 01/01/1966, tôi trở thành một phần của cách mạng. Khi ấy, tôi còn trẻ và ngây thơ đến nỗi điều duy nhất tôi có thể làm là nấu ăn cho các sĩ quan và bộ đội bị thương ở khu trại trong khu rừng gần đó. Cái nồi quá nặng so với sức của tôi, và mỗi khi nấu cơm, tôi phải dùng cái xẻng to để đảo. Nhưng tôi vẫn làm tốt phần việc của mình, vậy nên cấp trên quyết định tôi đã sẵn sàng để trở thành một y tá.
Sau vài tháng huấn luyện, tôi được phân về làm việc tại Trung Đoàn 22. Mặc dù công việc chính là cứu thương, tôi cũng thu hoạch lúa, và đôi khi còn tham gia các trận đánh, chiến đấu giống như một người lính thực sự. Dù anh là ai, nhiệm vụ của anh là phải cống hiến cho cách mạng bằng mọi cách.
Trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, các y tá khác và tôi đã ra tiền tuyến cùng với những người lính, cứu chữa những chiến sĩ và dân thường bị thương ngay giữa trận chiến. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh đồng đội của mình, một y sĩ 22 tuổi quê Yên Bái, đã chết ngay trước mắt tôi khi một quả bom Mỹ nổ tung trong hầm của chúng tôi. Anh chỉ cách tôi một bước chân khi quả bom xé xác anh, còn mái nhà thì đổ ụp xuống cả hai chúng tôi. Một mảnh vỏ bom găm vào đầu tôi, và tôi đã ngất đi. Có lẽ ai đó đã tìm thấy và đưa tôi đến bệnh viện dã chiến để điều trị. Vết thương trên đầu tôi đã lành, nhưng vết thương trong lòng tôi sẽ chẳng bao giờ hồi phục mỗi khi tôi nghĩ về bạn mình.
Khi đã khỏe lại, tôi trở về làm y tá, lần này là trong một bệnh viện ở hậu phương, vậy nên tôi đã không phải chiến đấu. Không bao giờ có đủ thức ăn cho đơn vị chúng tôi và các thương binh. Có những ngày chúng tôi chẳng có gì để ăn ngoài một nắm gạo rang khô. Mọi người cố gắng uống nhiều nước nhất có thể để lấp đầy dạ dày của mình, dù biết rằng người Mỹ đã thả các hóa chất độc hại như chất độc da cam làm nhiễm độc các dòng suối và nước ngầm của chúng tôi. Bởi lựa chọn thay thế là chết vì khát.
Sau Tết Mậu Thân, tình hình trở nên rất căng thẳng. Có thời điểm, 1.000 quân tiếp viện gia nhập đơn vị của chúng tôi, nhưng chỉ sau hai ngày chiến đấu, toàn bộ họ đã bị giết sạch.
Khi đơn vị cạn kiệt thuốc men, tôi đã được phái đi một mình trên hành trình suốt một ngày băng rừng để nhận đồ tiếp tế. Những đồng đội ở nhà kho đã cho tôi thuốc, kèm theo là hai củ khoai mì để ăn tối. Trên đường về, mưa tuôn xối xả. Khi trời tối dần, tôi nghe thấy tiếng động lớn và đoán biết rằng nó đến từ một con thú lớn. Tôi sợ chết cứng và đã đứng bất động cho đến lúc nó rời đi. Khi ấy, tôi mới dám đi tiếp, tim vẫn đập thình thịch.
Khoảng nửa đêm, khi tôi đang nằm trên võng thì một anh lính xuất hiện. Nhưng khi chúng tôi nói chuyện, tôi bắt đầu thấy lo. Tôi đang ở một mình giữa một nơi xa lạ, với một người đàn ông không quen biết, kẻ đã xa vợ suốt một thời gian dài. Tôi cao giọng và bắt đầu nói chuyện với anh ta về các giá trị đạo đức. “Chị là đàn bà,” anh nói, “nhưng cay nghiệt quá.” Bình minh đến, một nhóm bộ đội hành quân qua và tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi có thể theo họ trở về đơn vị. Thật khó tin nổi là tôi đã từng mạnh mẽ như thế.
Ngày hôm sau, khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản.
Năm 1972, tôi được chọn vào một chương trình đào tạo bác sĩ kéo dài ba năm. Tôi và các bạn đã đi bộ suốt ba tháng rưỡi theo đường mòn Hồ Chí Minh để tới Hà Nội.
Sợ nhất là mấy con vắt. Chúng có rất nhiều khắp dọc đường. Chúng tôi không cảm nhận được chúng bám trên người mà chỉ biết khi chúng đã hút no máu và rơi khỏi người chúng tôi.
Nói ra thì thật xấu hổ, nhưng chúng tôi thậm chí còn chẳng có đủ quần áo để mặc. Mỗi người chỉ có hai bộ quần áo tối màu. Chúng tôi băng rừng suốt cả ngày, tới đêm mới dừng lại để tắm ở sông suối. Sau đó, chúng tôi thay quần áo, cố gắng vắt chúng thật khô để có thể dùng làm chăn giữ ấm. Nhiệt độ cơ thể của chúng tôi cũng giúp quần áo khô nhanh hơn.
Những chiến sĩ nữ thậm chí còn không có đồ lót, chứ đừng nói là băng vệ sinh. Chúng tôi luôn xấu hổ mỗi khi tới tháng. Bất cứ khi nào đến được bờ suối, chúng tôi sẽ chờ cho những người khác băng qua trước, còn mình thì dừng lại và rửa sạch hết mức có thể.
Chúng tôi đã bị đói suốt cả hành trình. Đôi khi chúng tôi phải ăn lá hoặc rễ cây. Con đường đã đưa chúng tôi qua các trạm thông tin, nơi chúng tôi hy vọng có thể tìm thấy thực phẩm cho chặng đường kế tiếp. Nhưng thường thì chẳng có gì ngoài khoai mì. Có một lần, ở tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được cho thêm một gói đồ khô to bằng hai ngón tay, thay vì chỉ có khoai mì. Tôi vẫn nhớ lúc đó mình đã nghĩ “Cuộc sống vẫn còn đẹp lắm.”
Cuối cùng chúng tôi cũng đến được miền Bắc “hòa bình,” nơi chúng tôi được chào đón như những anh chị em miền Nam, và được mọi người đối xử rất tử tế. Chúng tôi được ăn tôm, thịt và rau mỗi ngày.
Khi tôi đang học năm thứ ba thì miền Nam được giải phóng. Tôi hạnh phúc lắm và chỉ muốn về nhà ngay. Chồng chưa cưới của tôi đã viết thư nói rằng tôi không cần phải cố  gắng kết thúc khóa học – mà có thể về ngay. Và lần này, tôi đã có thể đi xe đò thay vì đi bộ. Nhà trường đã cho tôi 50.000 đồng, bằng khoảng 2,5 USD hiện tại, nhưng vào lúc đó, số tiền ấy lớn đến nỗi tôi không biết phải làm gì với nó.
Mãi tới sau khi giải phóng, khi nhìn thấy những người Mỹ ăn mừng trên truyền hình, tôi mới biết rằng người dân Mỹ đã phản đối chiến tranh. Giờ đây, ngày càng có nhiều cựu chiến binh Mỹ quay lại Việt Nam. Hai nước cũng đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ lâu. Nhiều người Mỹ hối tiếc về những gì họ đã làm, và tôi cũng chẳng có mong muốn trả thù. Với tôi, hòa giải dân tộc là điều quan trọng nhất.
Tuy nhiên, có một vấn đề khiến tôi lo lắng. Thế hệ trẻ ở Việt Nam bây giờ không quan tâm đến lịch sử, hay những gì mà cha mẹ và ông bà họ đã trải qua. Anh con trai 39 tuổi của tôi là một sĩ quan trong quân đội, nhưng cậu ấy chưa bao giờ thắc mắc về câu chuyện của tôi, hoặc tỏ ra quan tâm đến nó. Tôi lo rằng khi bạn bè, đồng đội và cả tôi chết đi, lịch sử và câu chuyện của chúng tôi cũng sẽ bị lãng quên.
Tong Thi Xuyen là một nhà văn ở Lebanon, bang New Hamshire, người lớn lên ở Hà Nội.
Hình: Bà Nguyen Thi Do. Nguồn: Christian Berg – The New York Times
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/05/02/cau-chuyen-cua-mot-y-ta-viet-cong-trong-chien-tranh/#sthash.K4mcTJhq.dpuf

Những phụ nữ Mỹ trên chiến trường Việt Nam

Print Friendly
Nguồn: Heather Stur, “Combat Nurses and Donut Dollies”, The New York Times, 31/01/2017.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Joyce Denke chỉ mới 19 tuổi khi vị hôn phu của cô, hạ sĩ David Ives, nhận lệnh đến Việt Nam. Khi đó là đầu năm 1967 và anh chỉ còn sáu tháng tại ngũ. Cặp đôi trẻ sống tại thành phố Temple, phía nam thành phố Waco, bang Texas, họ quyết định không để cuộc chiến làm ảnh hưởng đến niềm phấn khởi về một tương lai ở bên nhau và đã bắt đầu lên kế hoạch kết hôn khi anh trở về vào tháng 11.
Chỉ bảy tuần sau khi đến Việt Nam, Ives đã tử trận vào ngày 23/04/1967 ở tuổi 20. Denke vẫn còn giữ bức thư cuối anh viết cho cô vào ngày 19/04/1967. Anh kết thư bằng dòng chữ “mối tình sâu đậm nhất của anh, Dave.”
Cái chết của Ives đã thôi thúc Denke gia nhập Hội Chữ thập Đỏ Mỹ và đến Việt Nam. Cô muốn làm một điều gì đó để vinh danh cống hiến của anh, và vào năm 1970, cô được cử đi trong biên chế Hội Chữ thập Đỏ với tư cách thành viên của chương trình Các Hoạt động Giải trí Hải ngoại (Supplemental Recreational Activities Overseas – S.R.A.O.). Đó là một trong nhiều cách mà phụ nữ Mỹ tham gia vào cuộc chiến.
Câu chuyện về Chiến tranh Việt Nam là câu chuyện về các trận đánh: lính tiền phong, các cuộc phục kích, bẫy mìn, chứng kiến đồng đội tử trận, thoát chết trong gang tấc. Chúng ta thường quan niệm rằng “chiến trận” là việc của những người đàn ông – chúng ta nghĩ đến hình ảnh họ sử dụng vũ khí, lái máy bay và chấp nhận thương vong. Nhưng chúng ta lại quên mất rằng những người phụ nữ cũng đóng vai trò trung tâm trong câu chuyện đó.
Các nữ y tá thuộc biên chế của Quân đoàn Nữ (Women’s Army Corps) và các nữ nhân viên dân sự làm việc cho Hội Chữ thập Đỏ thường chứng kiến những hệ quả của chiến tranh. Với các y tá và ở mức độ nào đó là với những người thuộc chương trình S.R.A.O. như cô Denke, ứng phó với chiến sự là công việc của họ. Y tá chữa vết thương thể xác, còn những người thuộc Hội Chữ thập Đỏ giúp xốc dậy tinh thần của binh sĩ, tức là chữa lành những vết thương tinh thần.
Phụ nữ không bắt buộc phải tham gia quân dịch trong thời Chiến tranh Việt Nam, nhưng đã có hàng ngàn người tình nguyện. Với một số người, cuộc chiến này tạo cơ hội để họ được đi xa và tạm hoãn các nghĩa vụ kết hôn và sinh con, vốn là vai trò mà xã hội vẫn gắn cho các cô gái trẻ trong những năm 1960. Một số nữ quân nhân tình nguyện đến Việt Nam vì họ muốn tham gia vào cuộc chiến hoặc để chính mình trải nghiệm những gì thật sự diễn ra trên chiến trường. Những người còn lại ghi danh vào quân đội để vào đại học và hưởng các phúc lợi việc làm sau khi các tuyển trạch viên hứa rằng họ sẽ không được đưa đến Việt Nam.
Hội Chữ thập Đỏ đã đưa nhiều nhóm phụ nữ ra nước ngoài để hỗ trợ các binh sĩ từ Thế Chiến II. Họ phục vụ cà phê và bánh donut nên họ được gọi bằng biệt danh “Búp bê Donut” (Donut Dollies). Vào năm 1965, lo sợ việc cuộc chiến kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tinh thần binh sĩ, các quan chức của Bộ Quốc phòng đã yêu cầu Hội Chữ thập Đỏ thành lập chương trình S.R.A.O. tại Việt Nam. Từ năm 1965 đến năm 1972, gần 630 phụ nữ đã đến Việt Nam làm việc theo chương trình này. Một số người làm việc cho các trung tâm giải trí tại các căn cứ lớn nơi những người lính có thể chơi bida, nghe nhạc, đọc sách, chơi trò chơi, viết thư hay ngồi nói chuyện. Những người còn lại thì di chuyển, thường bằng trực thăng, tới các căn cứ hỗ trợ hỏa lực (pháo binh) ở những vùng hẻo lánh, nơi binh sĩ chờ chuẩn bị tham gia những trận đánh tiếp theo. Những cô gái S.R.A.O. đi theo cặp và mang theo các bộ trò chơi, đồ ăn nhẹ, sô đa và nước ép.
Trong khoá đào tạo trước khi khởi hành, những hướng dẫn viên đã nói với các cô rằng họ phải mang đến “cảm giác gia đình” cho các binh sĩ, để gợi họ nhớ về vợ, người yêu, mẹ hay chị em gái. Họ phải đóng vai trò như những cô bạn hàng xóm – dễ thương, thân thiện và biết quan tâm. Không phải ham muốn thể xác. Những chiếc đầm xanh nhạt vốn được thiết kế để thể hiện vẻ ngây thơ đầy sức sống nhưng lại không thực tế trong cái nóng, bụi và bùn ở Việt Nam. Hầu hết những cô gái chỉ vừa đôi mươi, chỉ lớn hơn đôi chút so với độ tuổi trung bình nhập ngũ của các binh sĩ.
Luôn tươi cười là một yêu cầu bắt buộc trong công việc của những cô Búp bê Donut, vì thế họ phải gạt những lo sợ và buồn phiền của chính mình về cuộc chiến sang một bên. Nhiều người trở nên thân thiết hơn với các binh sĩ. Emily Strange là một Búp bê Donut đóng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng với Sư đoàn Bộ binh số 9 và Lực lượng Lưu động trên Sông, cô đã kết bạn với một anh lính tên Michael Stacy. Cô thân với Stacy vì họ đều chơi guitar và thường cùng nhau gảy những điệu dân ca. Nhưng sau khi anh tử nạn trong một vụ rơi trực thăng vào tháng 03/1969, cô nhận ra rằng mình phải giữ khoảng cách với các anh lính. Vì thế cô không còn cố  gắng nhớ tên hay kết bạn cùng họ nữa.
Thật lâu sau cuộc chiến, cô tin rằng chắc chắn có những người cô quen biết có tên xuất hiện trên Bức tường Việt Nam. (Bức tường tưởng niệm lính Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam đặt tại thủ đô Washington D.C. – ND). Thế nhưng cô không thể đối mặt với nỗi đau khi biết chính xác họ là ai. Công việc của Strange là động viên tinh thần những người lính cô đơn, đầy lo sợ và cô phải thể hiện sự lạc quan và hoàn thành công việc mặc cho chính cô cũng cảm thấy sợ hãi và lạc lõng. Cô gọi việc làm đó là mang gương mặt “Eleanor Rigby” được cô đặt trong chiếc lọ cạnh cửa. (Trích từ lời bài hát Eleanor Rigby của nhóm The Beatles: “Waits at the window, wearing the face – That she keeps in a jar by the door” – ND)
Trong số những nữ quân nhân phục vụ trong cuộc chiến, hầu hết trong số họ với con số khoảng 5.000 người đã phục vụ trong Quân đoàn Nữ Quân y. Họ đã có mặt tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên: Như sử gia Kara Dixon Vuic đã chỉ ra, Quân đội bắt đầu điều động y tá vào Sài Gòn vào năm 1956 để đào tạo các y tá người Việt. Khi cuộc chiến càng leo thang, họ phải làm gấp đôi công việc khi phải vừa chữa trị những vết thương thể xác cho các binh sĩ và đôi khi là thường dân Việt Nam, vừa phải xoa dịu tinh thần cho những người bị thương và sắp chết. Vài y tá ôm lấy những người lính khi họ kêu gào gọi tên cha mẹ và trút hơi thở cuối cùng. Họ làm công việc thông báo cho người lính biết là anh ta sẽ không đi lại hay nhìn được nữa. Theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, các y tá đưa những người lính bị thương qua ngưỡng cửa từ chiến tranh sang một cuộc sống đã thay  đổi hoàn toàn, hoặc cái chết.
Vài y tá sử dụng nước hoa vì nó khiến bệnh nhân gợi nhớ về quê nhà. Trong một bệnh viện quân sự tại vùng chiến tranh, một chút bình thường thôi vừa là một điều hoàn toàn phi lý, vừa cũng là một nhu cầu cực kì cần thiết. Lynda Van Devanter, một nữ quân y với cuốn hồi kí “Home Before Morning” (Về nhà trước lúc trời sáng) là nguồn cảm hứng cho bộ phim truyền hình “China Beach”,  từng đeo ruy băng trên tóc để khiến cô thêm nữ tính nhằm đáp ứng mong muốn và nhu cầu của các bệnh nhân. Cùng lúc đó, cô phải kìm nén cảm xúc và phải cứng rắn hơn để đối mặt với gánh nặng phải dịu dàng và xinh xắn trước mắt những người lính đang suy nhược và hấp hối.
Linda Pugsley là một y tá 22 tuổi làm việc tại Bệnh viện Thành phố Boston khi cô gia nhập Không quân vào năm 1967. Cô đã trải qua huấn luyện cơ bản, tham gia trường bay và được phong quân hàm thiếu uý. Lúc đó, cô không mang cảm xúc chính trị nào về Chiến tranh Việt Nam, nhưng cô muốn góp sức mình vào việc chăm sóc các thương binh Mỹ ở đó. Cô nhận thấy mình có thể hoàn thành mục tiêu với một lý do rất hay: Các ca trực cuối tuần ở Bệnh viện Thành phố Boston cũng thường đầy những ca bị thương do súng đạn hay đâm chém, tông xe hay các loại thương tích đẫm máu khác.
Tuy nhiên, những điều đó chẳng hề giúp cô sẵn sàng cho Việt Nam. Đủ loại thương tích, tiếng la hét khản đặc liên tục của những người lính bị thương, mất tay chân và đang hấp hối, tiếng ù ù của trực thăng chở càng nhiều người bị thương đến, có nhiều lúc trở nên quá tải. Cũng như Strange, Pugsley cuối cùng không buồn nhớ tên bệnh nhân của mình như là một cách để ứng phó với hoàn cảnh.
Xếp sau các nữ quân y trong số những người phục vụ tại ngũ là những người được điều động đến Việt Nam thông qua Quân đoàn Nữ (WAC). Cũng như y tá, WAC đầu tiên đến Việt Nam là để đào tạo nhân sự cho Quân đoàn Nữ miền Nam Việt Nam. Có khoảng 700 người thuộc WAC phục vụ trong cuộc chiến, hầu hết là công việc bàn giấy, nhưng cũng không thể tránh khỏi tham gia chiến đấu.
Linda McClenahan lớn lên tại Berkeley, bang California và gia nhập WAC sau khi chiếc xe buýt thuộc trường trung học của cô phải chuyển lộ trình vào một ngày nọ vì một cuộc biểu tình phản chiến. Cô từng làm việc ở trung tâm truyền thông của Quân đội từ năm 1969 đến năm 1970, và một trong những công việc của cô là thực hiện các báo cáo về thương vong. Cô thường là một trong những người đầu tiên đọc tên những người đã tử trận. Trung tá Janie Miller, thuộc biên chế WAC từng phục vụ tại Hàn Quốc và Việt Nam, quản lý một nhà tang lễ Quân đội tại Sài Gòn. Cô xoay vòng nhân viên mỗi ba tháng một lần để xử lý vấn đề tổn thương tâm lý do công việc. Khi Pinkie Houser, một thành viên của WAC đã từng tự nguyện đến Việt Nam vào năm 1968, chứng kiến chỉ huy của mình tử trận trên chiến trường, cô lưu giữ các ghi chép và gửi những vật dụng cá nhân của ông về gia đình. Đó là một trong những công việc khó khăn nhất mà cô từng phải làm trong cuộc chiến.
Chiến trận, hay những trải nghiệm chiến tranh đau đớn cùng cực, vẫn luôn giữ vị trí trung tâm trong hồi ức của người Mỹ về Chiến tranh Việt Nam. Số lượng những người phụ nữ phục vụ tại Việt Nam có thể rất nhỏ so với những người đàn ông nhưng chính vì như thế, kinh nghiệm chiến tranh của họ và các hệ quả lại mang tính tập trung. Họ ở đó để giảm bớt gánh nặng của những người lính, nhưng họ lại phải đóng vai trò thật lớn với thật nhiều người mà không thể giảm bớt được gánh nặng cho chính mình.
Heather Stur là phó giáo sư lịch sử tại trường Đại học Southern Mississippi và là tác giả của cuốn sách được xuất bản gần đây nhất “Beyond Combat: Women and Gender in the Vietnam War Era.”
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/04/20/nhung-phu-nu-tren-chien-truong-viet-nam/#sthash.SwGGoieq.dpuf

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Báo TQ khoe chiến công mỹ nam kế phá vụ ám sát Mao Trạch Đông bằng mỹ nhân kế

Năm 1966, Cục tình báo Viễn Đông Mỹ đã quyết định cử một nữ điệp viên xinh đẹp với tài thiện xạ tới Bắc Kinh để ám sát Mao Trạch Đông.

Báo TQ khoe chiến công mỹ nam kế phá vụ ám sát Mao Trạch Đông bằng mỹ nhân kế
Mỹ đã từng lên kế hoạch ám sát Mao Trạch Đông tại quảng trường Thiên An Môn nhưng bất thành. (Ảnh: Sina)
Theo tài liệu từ Ngang dọc sử đảng của học giả Trung Quốc Kha Vân - được Thời báo Hoàn cầu đăng tải, đầu năm 1966, Cục tình báo Viễn Đông Mỹ quyết định lên kế hoạch ám sát Mao Trạch Đông sau quá trình dài theo dõi việc Mao thường lên lầu thành quảng trường Thiên An Môn để tham dự Lễ kỷ niệm quốc khánh hàng năm,

Theo đó, phía Mỹ sẽ cài bom hẹn giờ tại lầu thành Thiên An Môn vào ngày 1/10/1969 nhằm ám sát Mao Trạch Đông, kế hoạch này vì thế còn được gọi là "Kế hoạch ám sát bí mật 69101".

Nữ điệp viên bí mật đến phương Đông

Tài liệu do Hoàn cầu đăng tải cho biết, kế hoạch ám sát Mao là một nhiệm vụ quan trọng do Bộ quốc phòng Mỹ giao cho cơ quan tình báo Viễn Đông. Cục trưởng cục này được biết đến dưới tên Arthur McNess đã chọn nữ điệp viên Arthur Lisa để hoàn thành nhiệm vụ này.

Lisa là con gái của tướng Quốc dân đảng Lý Trọng Thanh - người bị quân đội Trung Quốc bắn chết trong một trận chiến.

Lisa sau được Arthur McNess nhận nuôi nên tướng Mỹ đã thêm chữ "Arthur" vào trước tên cũ của con gái nuôi đồng thời đưa cô vào chương trình huấn luyện tình báo.

Đến năm 17 tuổi, không chỉ là một tuyệt thế giai nhân, Lisa còn được mệnh danh là "Hồ tiên" (Tiên cáo) với khả năng bắn súng trăm phát trăm trúng, cùng các kỹ năng điêu luyện của một điệp viên.

Tháng 6/1966, khi Cách mạng văn hóa Trung Quốc bùng nổ, McNess nhận định, đây là cơ hội tốt nhất để tiến hành "kế hoạch 69101". Đầu tháng 9/1966, đích thân McNess tiễn Lisa ra sân bay. Trạm dừng chân đầu tiên của nữ điệp viên là Philippines với mục đích tìm cho mình một trợ thủ đắc lực.

Theo báo Trung Quốc, Mỹ luôn cho rằng, kế hoạch ám sát Mao của họ tuyệt đối bí mật, thậm chí "thần không hay, quỷ không biết" nhưng thực chất nhất cử nhất động của Washington đã bị cơ quan tình báo Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.

Do đó, Thủ tướng Trung Quốc bấy giờ là Chu Ân Lai đã lệnh cho Cục an ninh Tây Nam nhanh chóng cử người đến Philippines, tìm cách tiếp cận Lisa. Cục này thông qua nghiên cứu kỹ lưỡng đã quyết định phái "Đệ nhất mỹ nam Cục Tây Nam" Hoàng Quốc Hoa đến Manila.

Đầu tháng 10/1966, Bộ Văn hóa Trung Quốc tổ chức đưa đoàn kịch nghệ thuật biểu diễn vở múa Bạch mao nữ sang Philippines lưu diễn. Hoàng Quốc Hoa sang Philippines với tư cách là thành viên đoàn kịch này.

Mỹ nhân kế "mắc bẫy" mỹ nam kế

Báo TQ khoe chiến công mỹ nam kế phá vụ ám sát Mao Trạch Đông bằng mỹ nhân kế - Ảnh 2.
Mao Trạch Đông đọc diễn văn tại Quảng trường Thiên An Môn trong ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, 1/10/1949. (Ảnh tư liệu Trung Quốc)

Vở múa Bạch mao nữ đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả Manila. Một ngày, Hoàng Quốc Hoa nhận được thông báo, Lisa tối hôm đó sẽ đến xem kịch nhưng Hoàng chưa hề biết mặt Lisa, chỉ biết nữ điệp viên là một tuyệt thế giai nhân.

Nhằm gây ấn tượng với Lisa, Hoàng quyết định trong quá trình biểu diễn, ông cố tình lên sân khấu đảo qua hai vòng.

Sau đó, khi buổi diễn kết thúc, Hoàng lại rảo bước trước cửa rạp, bất ngờ ông bị một cô gái va phải, suýt ngã. Cô gái vội vàng đưa tay đỡ ông và nói: "Thưa ngài, tôi xin lỗi". Linh cảm có thể đây là nữ điệp viên Lisa, Hoàng giả bộ tỏ vẻ "háo sắc", sốt sắng hỏi thăm: "Xin hỏi, nhà tiểu thư ở đâu? Hôm nào tôi muốn xin đến thăm".

Cô gái nở nụ cười quyến rũ, nhiệt tình mời Hoàng đến thăm nhà sau khi đưa địa chỉ nhà cho ông.

Mấy ngày sau, Hoàng Quốc Hoa tìm theo địa chỉ đến nhà Lisa. Tối đó, Lisa đánh điện, báo cáo tình hình với McNess. Cục trưởng cục tình báo Viễn Đông Mỹ đã yêu cầu cô dùng mỹ nhân kế để quyến rũ đối phương.

Cùng lúc đó, Hòa Quốc Hoa cũng điện báo với tổ chức về kế hoạch đến thăm nhà Lisa. Cục Tây Nam yêu cầu ông phải diễn "tròn vai" vở kịch này,

Ngay chiều hôm sau, Hoàng lại mang theo một bó hồng đến nhà Lisa. Sau hôm đó, mối quan hệ của hai người phát triển nhanh chóng.

Người đẹp bất ngờ mất tích

Tuy nhiên, mấy ngày sau, Lisa bất ngờ mất tích. Hóa ra, đây là một bài kiểm tra của Cục tình báo Viễn Đông Mỹ với Hoàng Quốc Hoa.

Theo Hoàn Cầu, sau khi nhận được lệnh từ Washington, Lisa đã dùng dao khắc lên cánh cửa gỗ hai chữ "London" bằng tiếng Trung Quốc. Lisa tin rằng, Hoàng Quốc Hoa sẽ đi tìm cô nếu nhìn thấy chữ khắc này.

Sau khi nhận được địa chỉ của Lisa ở London từ Bắc Kinh, Hoàng Quốc Hoa lập tức lên đường tìm nữ điệp viên đối phương.

Tuy nhiên, để tránh nghi ngờ của Washington, Hoàng đã đóng kịch sốt sắng tìm Lisa trên khắp các con phố ở London.

Năm hôm sau, Lisa và Hoàng Quốc Hoa "tình cờ" gặp lại nhau trước cổng một nhà hát. Tối đó, Lisa bất ngờ đưa lời đề nghị với Hoàng: "Anh có muốn tham gia tổ chức của em không - Cục tình báo Viễn Đông? Nhiệm vụ của cục chính là đối phó, tiến hành các vụ ám sát với các nhân vật quan trọng của đảng cộng sản Trung Quốc".

Báo TQ khoe chiến công mỹ nam kế phá vụ ám sát Mao Trạch Đông bằng mỹ nhân kế - Ảnh 3.
Vở kịch Bạch mao nữ hiện nay vẫn được duy trì biểu diễn tại Trung Quốc. Ảnh: CCTV
 Hoàng Quốc Hoa bật dậy, tỏ vẻ tán đồng: "Chống lại đảng cộng sản Trung Quốc ư? Anh đồng ý hẳn 120 lần". 

Tuy nhiên, lúc đó Lisa đột nhiên rút một khẩu súng ngắn từ thắt lưng chĩa thẳng vào điệp viên của Bắc Kinh: "Ông Hoàng, đừng diễn kịch nữa, tôi sớm đã biết ông là điệp viên của Trung Quốc".

"Nếu đã không tin như vậy, em nổ súng đi", Hoàng Quốc Hoa điềm tĩnh đáp trả.

Nhờ đó, Hoàng nhận được sự tín nhiệm của Lisa. Ông ta được Cục tình báo Viễn Đông đưa lên máy bay đến một căn cứ quân sự Mỹ, bắt đầu tham gia công tác huấn luyện mật vụ đặc biệt.

Vụ ám sát thất bại

Đến đầu tháng 7/1969, Hoàng Quốc Hoa hoàn thành lớp huấn luyện đặc biệt của Cục tình báo Viễn Đông Mỹ. Sau kỳ nghỉ ngắn với Lisa ở Anh, hai người lên máy bay về New York.

Dưới sự sắp xếp của McNess, Hoàng Quốc Hoa và Lisa đã kết hôn tại Mỹ. Tuy nhiên, mấy ngày sau, Lisa đột nhiên òa khóc và nói với Hoàng: "Em sợ mình không sống được nữa, cấp trên yêu cầu em đi ám sát Mao Trạch Đông, em làm sao có khả năng đó?".

Hoàng tỏ vẻ buồn bã, đăm chiêu suy tư: "Anh có khả năng thực hiện nhiệm vụ này nhưng không biết cấp trên có kế hoạch cụ thể như thế nào?".

"Anh chỉ cần đến quảng trường Thiên An Môn, tặng một chiếc đồng hồ đeo tay có cài sẵn mìn hẹn giờ cho một quan khách có thể lên được lầu thành, để ông ta đeo nó lên trên lầu cùng Mao Trạch Đông thì có thể hoàn thành nhiệm vụ".

Ngày 15/9/1969, khi máy bay chở Lisa và Hoàng Quốc Hoa sắp vào lãnh thổ Trung Quốc, Hoàng lấy ra một chai nước khoáng đưa cho Lisa. Sau khi uống hai ngụm, Lisa cảm thấy chóng mặt và bất ngờ ngất xỉu.

Hoàng đã bỏ thuốc mê vào chai nước khoáng. Nhân đó, điệp viên Trung Quốc mở chiếc cặp khóa số, tháo hệ thống mìn hẹn giờ, ngăn chặn vụ đại ám sát Mao Trạch Đông.

Theo Hoàn Cầu, Hoàng Quốc Hoa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lễ kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc năm 1969 không xảy ra biến động. Tuy nhiên, ngay trước ngày quốc khánh, Hoàng đã bị hai điệp viên cải trang thành người bán kem ám sát trong một công viên.

Về sau, báo cáo điều tra của Bắc Kinh nói rằng hai điệp viên này là sát thủ do Lisa thuê để bịt đầu mối Hoàng Quốc Hoa từ trước.

Theo Thời đại

( Soha News)