Posted on 02/05/2017
Nguồn: Tong Thi Xuyen, “A Frontline Nurse for the Vietcong”, The New York Times, 21/03/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Đối với nhiều người Việt Nam, ký ức về những gì đã diễn ra vẫn rất sinh động. Gần đây, tôi đã đến thăm bà Nguyen Thi Do, một cựu y tá của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, hay còn được gọi là Việt Cộng. Sau 10 năm phục vụ trong chiến tranh, bà chuyển về Qui Nhơn, một thành phố ven biển ở quê bà, nằm trên bờ biển miền Trung Việt Nam. Tại đây, bà làm quản lý của một công ty đánh bắt cá cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1989. Bà mời tôi vào phòng khách với nội thất được trang trí bằng gỗ sang trọng, tay rót hai cốc trà xanh, và bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình.
Khi tôi 17 tuổi, những người tuyển quân từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã đến làng tôi, làng Lộ Diêu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Người dân xung quanh gọi Lộ Diêu, vùng đất nằm cách 130 dặm về phía nam thành phố Đà Nẵng, là “cái nôi của cách mạng,” bởi vì tất cả mọi người ở đây đều tận tụy cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.
Những người trong độ tuổi của tôi đều được ghi danh, và như vậy, vào ngày 01/01/1966, tôi trở thành một phần của cách mạng. Khi ấy, tôi còn trẻ và ngây thơ đến nỗi điều duy nhất tôi có thể làm là nấu ăn cho các sĩ quan và bộ đội bị thương ở khu trại trong khu rừng gần đó. Cái nồi quá nặng so với sức của tôi, và mỗi khi nấu cơm, tôi phải dùng cái xẻng to để đảo. Nhưng tôi vẫn làm tốt phần việc của mình, vậy nên cấp trên quyết định tôi đã sẵn sàng để trở thành một y tá.
Sau vài tháng huấn luyện, tôi được phân về làm việc tại Trung Đoàn 22. Mặc dù công việc chính là cứu thương, tôi cũng thu hoạch lúa, và đôi khi còn tham gia các trận đánh, chiến đấu giống như một người lính thực sự. Dù anh là ai, nhiệm vụ của anh là phải cống hiến cho cách mạng bằng mọi cách.
Trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, các y tá khác và tôi đã ra tiền tuyến cùng với những người lính, cứu chữa những chiến sĩ và dân thường bị thương ngay giữa trận chiến. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh đồng đội của mình, một y sĩ 22 tuổi quê Yên Bái, đã chết ngay trước mắt tôi khi một quả bom Mỹ nổ tung trong hầm của chúng tôi. Anh chỉ cách tôi một bước chân khi quả bom xé xác anh, còn mái nhà thì đổ ụp xuống cả hai chúng tôi. Một mảnh vỏ bom găm vào đầu tôi, và tôi đã ngất đi. Có lẽ ai đó đã tìm thấy và đưa tôi đến bệnh viện dã chiến để điều trị. Vết thương trên đầu tôi đã lành, nhưng vết thương trong lòng tôi sẽ chẳng bao giờ hồi phục mỗi khi tôi nghĩ về bạn mình.
Khi đã khỏe lại, tôi trở về làm y tá, lần này là trong một bệnh viện ở hậu phương, vậy nên tôi đã không phải chiến đấu. Không bao giờ có đủ thức ăn cho đơn vị chúng tôi và các thương binh. Có những ngày chúng tôi chẳng có gì để ăn ngoài một nắm gạo rang khô. Mọi người cố gắng uống nhiều nước nhất có thể để lấp đầy dạ dày của mình, dù biết rằng người Mỹ đã thả các hóa chất độc hại như chất độc da cam làm nhiễm độc các dòng suối và nước ngầm của chúng tôi. Bởi lựa chọn thay thế là chết vì khát.
Sau Tết Mậu Thân, tình hình trở nên rất căng thẳng. Có thời điểm, 1.000 quân tiếp viện gia nhập đơn vị của chúng tôi, nhưng chỉ sau hai ngày chiến đấu, toàn bộ họ đã bị giết sạch.
Khi đơn vị cạn kiệt thuốc men, tôi đã được phái đi một mình trên hành trình suốt một ngày băng rừng để nhận đồ tiếp tế. Những đồng đội ở nhà kho đã cho tôi thuốc, kèm theo là hai củ khoai mì để ăn tối. Trên đường về, mưa tuôn xối xả. Khi trời tối dần, tôi nghe thấy tiếng động lớn và đoán biết rằng nó đến từ một con thú lớn. Tôi sợ chết cứng và đã đứng bất động cho đến lúc nó rời đi. Khi ấy, tôi mới dám đi tiếp, tim vẫn đập thình thịch.
Khoảng nửa đêm, khi tôi đang nằm trên võng thì một anh lính xuất hiện. Nhưng khi chúng tôi nói chuyện, tôi bắt đầu thấy lo. Tôi đang ở một mình giữa một nơi xa lạ, với một người đàn ông không quen biết, kẻ đã xa vợ suốt một thời gian dài. Tôi cao giọng và bắt đầu nói chuyện với anh ta về các giá trị đạo đức. “Chị là đàn bà,” anh nói, “nhưng cay nghiệt quá.” Bình minh đến, một nhóm bộ đội hành quân qua và tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi có thể theo họ trở về đơn vị. Thật khó tin nổi là tôi đã từng mạnh mẽ như thế.
Ngày hôm sau, khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản.
Năm 1972, tôi được chọn vào một chương trình đào tạo bác sĩ kéo dài ba năm. Tôi và các bạn đã đi bộ suốt ba tháng rưỡi theo đường mòn Hồ Chí Minh để tới Hà Nội.
Sợ nhất là mấy con vắt. Chúng có rất nhiều khắp dọc đường. Chúng tôi không cảm nhận được chúng bám trên người mà chỉ biết khi chúng đã hút no máu và rơi khỏi người chúng tôi.
Nói ra thì thật xấu hổ, nhưng chúng tôi thậm chí còn chẳng có đủ quần áo để mặc. Mỗi người chỉ có hai bộ quần áo tối màu. Chúng tôi băng rừng suốt cả ngày, tới đêm mới dừng lại để tắm ở sông suối. Sau đó, chúng tôi thay quần áo, cố gắng vắt chúng thật khô để có thể dùng làm chăn giữ ấm. Nhiệt độ cơ thể của chúng tôi cũng giúp quần áo khô nhanh hơn.
Những chiến sĩ nữ thậm chí còn không có đồ lót, chứ đừng nói là băng vệ sinh. Chúng tôi luôn xấu hổ mỗi khi tới tháng. Bất cứ khi nào đến được bờ suối, chúng tôi sẽ chờ cho những người khác băng qua trước, còn mình thì dừng lại và rửa sạch hết mức có thể.
Chúng tôi đã bị đói suốt cả hành trình. Đôi khi chúng tôi phải ăn lá hoặc rễ cây. Con đường đã đưa chúng tôi qua các trạm thông tin, nơi chúng tôi hy vọng có thể tìm thấy thực phẩm cho chặng đường kế tiếp. Nhưng thường thì chẳng có gì ngoài khoai mì. Có một lần, ở tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được cho thêm một gói đồ khô to bằng hai ngón tay, thay vì chỉ có khoai mì. Tôi vẫn nhớ lúc đó mình đã nghĩ “Cuộc sống vẫn còn đẹp lắm.”
Cuối cùng chúng tôi cũng đến được miền Bắc “hòa bình,” nơi chúng tôi được chào đón như những anh chị em miền Nam, và được mọi người đối xử rất tử tế. Chúng tôi được ăn tôm, thịt và rau mỗi ngày.
Khi tôi đang học năm thứ ba thì miền Nam được giải phóng. Tôi hạnh phúc lắm và chỉ muốn về nhà ngay. Chồng chưa cưới của tôi đã viết thư nói rằng tôi không cần phải cố gắng kết thúc khóa học – mà có thể về ngay. Và lần này, tôi đã có thể đi xe đò thay vì đi bộ. Nhà trường đã cho tôi 50.000 đồng, bằng khoảng 2,5 USD hiện tại, nhưng vào lúc đó, số tiền ấy lớn đến nỗi tôi không biết phải làm gì với nó.
Mãi tới sau khi giải phóng, khi nhìn thấy những người Mỹ ăn mừng trên truyền hình, tôi mới biết rằng người dân Mỹ đã phản đối chiến tranh. Giờ đây, ngày càng có nhiều cựu chiến binh Mỹ quay lại Việt Nam. Hai nước cũng đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ lâu. Nhiều người Mỹ hối tiếc về những gì họ đã làm, và tôi cũng chẳng có mong muốn trả thù. Với tôi, hòa giải dân tộc là điều quan trọng nhất.
Tuy nhiên, có một vấn đề khiến tôi lo lắng. Thế hệ trẻ ở Việt Nam bây giờ không quan tâm đến lịch sử, hay những gì mà cha mẹ và ông bà họ đã trải qua. Anh con trai 39 tuổi của tôi là một sĩ quan trong quân đội, nhưng cậu ấy chưa bao giờ thắc mắc về câu chuyện của tôi, hoặc tỏ ra quan tâm đến nó. Tôi lo rằng khi bạn bè, đồng đội và cả tôi chết đi, lịch sử và câu chuyện của chúng tôi cũng sẽ bị lãng quên.
Tong Thi Xuyen là một nhà văn ở Lebanon, bang New Hamshire, người lớn lên ở Hà Nội.
Hình: Bà Nguyen Thi Do. Nguồn: Christian Berg – The New York Times
Những phụ nữ Mỹ trên chiến trường Việt Nam
Nguồn: Heather Stur, “Combat Nurses and Donut Dollies”, The New York Times, 31/01/2017.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Joyce Denke chỉ mới 19 tuổi khi vị hôn phu của cô, hạ sĩ David Ives, nhận lệnh đến Việt Nam. Khi đó là đầu năm 1967 và anh chỉ còn sáu tháng tại ngũ. Cặp đôi trẻ sống tại thành phố Temple, phía nam thành phố Waco, bang Texas, họ quyết định không để cuộc chiến làm ảnh hưởng đến niềm phấn khởi về một tương lai ở bên nhau và đã bắt đầu lên kế hoạch kết hôn khi anh trở về vào tháng 11.
Chỉ bảy tuần sau khi đến Việt Nam, Ives đã tử trận vào ngày 23/04/1967 ở tuổi 20. Denke vẫn còn giữ bức thư cuối anh viết cho cô vào ngày 19/04/1967. Anh kết thư bằng dòng chữ “mối tình sâu đậm nhất của anh, Dave.”
Cái chết của Ives đã thôi thúc Denke gia nhập Hội Chữ thập Đỏ Mỹ và đến Việt Nam. Cô muốn làm một điều gì đó để vinh danh cống hiến của anh, và vào năm 1970, cô được cử đi trong biên chế Hội Chữ thập Đỏ với tư cách thành viên của chương trình Các Hoạt động Giải trí Hải ngoại (Supplemental Recreational Activities Overseas – S.R.A.O.). Đó là một trong nhiều cách mà phụ nữ Mỹ tham gia vào cuộc chiến.
Câu chuyện về Chiến tranh Việt Nam là câu chuyện về các trận đánh: lính tiền phong, các cuộc phục kích, bẫy mìn, chứng kiến đồng đội tử trận, thoát chết trong gang tấc. Chúng ta thường quan niệm rằng “chiến trận” là việc của những người đàn ông – chúng ta nghĩ đến hình ảnh họ sử dụng vũ khí, lái máy bay và chấp nhận thương vong. Nhưng chúng ta lại quên mất rằng những người phụ nữ cũng đóng vai trò trung tâm trong câu chuyện đó.
Các nữ y tá thuộc biên chế của Quân đoàn Nữ (Women’s Army Corps) và các nữ nhân viên dân sự làm việc cho Hội Chữ thập Đỏ thường chứng kiến những hệ quả của chiến tranh. Với các y tá và ở mức độ nào đó là với những người thuộc chương trình S.R.A.O. như cô Denke, ứng phó với chiến sự là công việc của họ. Y tá chữa vết thương thể xác, còn những người thuộc Hội Chữ thập Đỏ giúp xốc dậy tinh thần của binh sĩ, tức là chữa lành những vết thương tinh thần.
Phụ nữ không bắt buộc phải tham gia quân dịch trong thời Chiến tranh Việt Nam, nhưng đã có hàng ngàn người tình nguyện. Với một số người, cuộc chiến này tạo cơ hội để họ được đi xa và tạm hoãn các nghĩa vụ kết hôn và sinh con, vốn là vai trò mà xã hội vẫn gắn cho các cô gái trẻ trong những năm 1960. Một số nữ quân nhân tình nguyện đến Việt Nam vì họ muốn tham gia vào cuộc chiến hoặc để chính mình trải nghiệm những gì thật sự diễn ra trên chiến trường. Những người còn lại ghi danh vào quân đội để vào đại học và hưởng các phúc lợi việc làm sau khi các tuyển trạch viên hứa rằng họ sẽ không được đưa đến Việt Nam.
Hội Chữ thập Đỏ đã đưa nhiều nhóm phụ nữ ra nước ngoài để hỗ trợ các binh sĩ từ Thế Chiến II. Họ phục vụ cà phê và bánh donut nên họ được gọi bằng biệt danh “Búp bê Donut” (Donut Dollies). Vào năm 1965, lo sợ việc cuộc chiến kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tinh thần binh sĩ, các quan chức của Bộ Quốc phòng đã yêu cầu Hội Chữ thập Đỏ thành lập chương trình S.R.A.O. tại Việt Nam. Từ năm 1965 đến năm 1972, gần 630 phụ nữ đã đến Việt Nam làm việc theo chương trình này. Một số người làm việc cho các trung tâm giải trí tại các căn cứ lớn nơi những người lính có thể chơi bida, nghe nhạc, đọc sách, chơi trò chơi, viết thư hay ngồi nói chuyện. Những người còn lại thì di chuyển, thường bằng trực thăng, tới các căn cứ hỗ trợ hỏa lực (pháo binh) ở những vùng hẻo lánh, nơi binh sĩ chờ chuẩn bị tham gia những trận đánh tiếp theo. Những cô gái S.R.A.O. đi theo cặp và mang theo các bộ trò chơi, đồ ăn nhẹ, sô đa và nước ép.
Trong khoá đào tạo trước khi khởi hành, những hướng dẫn viên đã nói với các cô rằng họ phải mang đến “cảm giác gia đình” cho các binh sĩ, để gợi họ nhớ về vợ, người yêu, mẹ hay chị em gái. Họ phải đóng vai trò như những cô bạn hàng xóm – dễ thương, thân thiện và biết quan tâm. Không phải ham muốn thể xác. Những chiếc đầm xanh nhạt vốn được thiết kế để thể hiện vẻ ngây thơ đầy sức sống nhưng lại không thực tế trong cái nóng, bụi và bùn ở Việt Nam. Hầu hết những cô gái chỉ vừa đôi mươi, chỉ lớn hơn đôi chút so với độ tuổi trung bình nhập ngũ của các binh sĩ.
Luôn tươi cười là một yêu cầu bắt buộc trong công việc của những cô Búp bê Donut, vì thế họ phải gạt những lo sợ và buồn phiền của chính mình về cuộc chiến sang một bên. Nhiều người trở nên thân thiết hơn với các binh sĩ. Emily Strange là một Búp bê Donut đóng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng với Sư đoàn Bộ binh số 9 và Lực lượng Lưu động trên Sông, cô đã kết bạn với một anh lính tên Michael Stacy. Cô thân với Stacy vì họ đều chơi guitar và thường cùng nhau gảy những điệu dân ca. Nhưng sau khi anh tử nạn trong một vụ rơi trực thăng vào tháng 03/1969, cô nhận ra rằng mình phải giữ khoảng cách với các anh lính. Vì thế cô không còn cố gắng nhớ tên hay kết bạn cùng họ nữa.
Thật lâu sau cuộc chiến, cô tin rằng chắc chắn có những người cô quen biết có tên xuất hiện trên Bức tường Việt Nam. (Bức tường tưởng niệm lính Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam đặt tại thủ đô Washington D.C. – ND). Thế nhưng cô không thể đối mặt với nỗi đau khi biết chính xác họ là ai. Công việc của Strange là động viên tinh thần những người lính cô đơn, đầy lo sợ và cô phải thể hiện sự lạc quan và hoàn thành công việc mặc cho chính cô cũng cảm thấy sợ hãi và lạc lõng. Cô gọi việc làm đó là mang gương mặt “Eleanor Rigby” được cô đặt trong chiếc lọ cạnh cửa. (Trích từ lời bài hát Eleanor Rigby của nhóm The Beatles: “Waits at the window, wearing the face – That she keeps in a jar by the door” – ND)
Trong số những nữ quân nhân phục vụ trong cuộc chiến, hầu hết trong số họ với con số khoảng 5.000 người đã phục vụ trong Quân đoàn Nữ Quân y. Họ đã có mặt tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên: Như sử gia Kara Dixon Vuic đã chỉ ra, Quân đội bắt đầu điều động y tá vào Sài Gòn vào năm 1956 để đào tạo các y tá người Việt. Khi cuộc chiến càng leo thang, họ phải làm gấp đôi công việc khi phải vừa chữa trị những vết thương thể xác cho các binh sĩ và đôi khi là thường dân Việt Nam, vừa phải xoa dịu tinh thần cho những người bị thương và sắp chết. Vài y tá ôm lấy những người lính khi họ kêu gào gọi tên cha mẹ và trút hơi thở cuối cùng. Họ làm công việc thông báo cho người lính biết là anh ta sẽ không đi lại hay nhìn được nữa. Theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, các y tá đưa những người lính bị thương qua ngưỡng cửa từ chiến tranh sang một cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn, hoặc cái chết.
Vài y tá sử dụng nước hoa vì nó khiến bệnh nhân gợi nhớ về quê nhà. Trong một bệnh viện quân sự tại vùng chiến tranh, một chút bình thường thôi vừa là một điều hoàn toàn phi lý, vừa cũng là một nhu cầu cực kì cần thiết. Lynda Van Devanter, một nữ quân y với cuốn hồi kí “Home Before Morning” (Về nhà trước lúc trời sáng) là nguồn cảm hứng cho bộ phim truyền hình “China Beach”, từng đeo ruy băng trên tóc để khiến cô thêm nữ tính nhằm đáp ứng mong muốn và nhu cầu của các bệnh nhân. Cùng lúc đó, cô phải kìm nén cảm xúc và phải cứng rắn hơn để đối mặt với gánh nặng phải dịu dàng và xinh xắn trước mắt những người lính đang suy nhược và hấp hối.
Linda Pugsley là một y tá 22 tuổi làm việc tại Bệnh viện Thành phố Boston khi cô gia nhập Không quân vào năm 1967. Cô đã trải qua huấn luyện cơ bản, tham gia trường bay và được phong quân hàm thiếu uý. Lúc đó, cô không mang cảm xúc chính trị nào về Chiến tranh Việt Nam, nhưng cô muốn góp sức mình vào việc chăm sóc các thương binh Mỹ ở đó. Cô nhận thấy mình có thể hoàn thành mục tiêu với một lý do rất hay: Các ca trực cuối tuần ở Bệnh viện Thành phố Boston cũng thường đầy những ca bị thương do súng đạn hay đâm chém, tông xe hay các loại thương tích đẫm máu khác.
Tuy nhiên, những điều đó chẳng hề giúp cô sẵn sàng cho Việt Nam. Đủ loại thương tích, tiếng la hét khản đặc liên tục của những người lính bị thương, mất tay chân và đang hấp hối, tiếng ù ù của trực thăng chở càng nhiều người bị thương đến, có nhiều lúc trở nên quá tải. Cũng như Strange, Pugsley cuối cùng không buồn nhớ tên bệnh nhân của mình như là một cách để ứng phó với hoàn cảnh.
Xếp sau các nữ quân y trong số những người phục vụ tại ngũ là những người được điều động đến Việt Nam thông qua Quân đoàn Nữ (WAC). Cũng như y tá, WAC đầu tiên đến Việt Nam là để đào tạo nhân sự cho Quân đoàn Nữ miền Nam Việt Nam. Có khoảng 700 người thuộc WAC phục vụ trong cuộc chiến, hầu hết là công việc bàn giấy, nhưng cũng không thể tránh khỏi tham gia chiến đấu.
Linda McClenahan lớn lên tại Berkeley, bang California và gia nhập WAC sau khi chiếc xe buýt thuộc trường trung học của cô phải chuyển lộ trình vào một ngày nọ vì một cuộc biểu tình phản chiến. Cô từng làm việc ở trung tâm truyền thông của Quân đội từ năm 1969 đến năm 1970, và một trong những công việc của cô là thực hiện các báo cáo về thương vong. Cô thường là một trong những người đầu tiên đọc tên những người đã tử trận. Trung tá Janie Miller, thuộc biên chế WAC từng phục vụ tại Hàn Quốc và Việt Nam, quản lý một nhà tang lễ Quân đội tại Sài Gòn. Cô xoay vòng nhân viên mỗi ba tháng một lần để xử lý vấn đề tổn thương tâm lý do công việc. Khi Pinkie Houser, một thành viên của WAC đã từng tự nguyện đến Việt Nam vào năm 1968, chứng kiến chỉ huy của mình tử trận trên chiến trường, cô lưu giữ các ghi chép và gửi những vật dụng cá nhân của ông về gia đình. Đó là một trong những công việc khó khăn nhất mà cô từng phải làm trong cuộc chiến.
Chiến trận, hay những trải nghiệm chiến tranh đau đớn cùng cực, vẫn luôn giữ vị trí trung tâm trong hồi ức của người Mỹ về Chiến tranh Việt Nam. Số lượng những người phụ nữ phục vụ tại Việt Nam có thể rất nhỏ so với những người đàn ông nhưng chính vì như thế, kinh nghiệm chiến tranh của họ và các hệ quả lại mang tính tập trung. Họ ở đó để giảm bớt gánh nặng của những người lính, nhưng họ lại phải đóng vai trò thật lớn với thật nhiều người mà không thể giảm bớt được gánh nặng cho chính mình.
Heather Stur là phó giáo sư lịch sử tại trường Đại học Southern Mississippi và là tác giả của cuốn sách được xuất bản gần đây nhất “Beyond Combat: Women and Gender in the Vietnam War Era.”
Xem thêm: Các bài khác trong series Vietnam 1967
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét