Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Trần Đại Quang đến Bắc Kinh, Trung Quốc nói chuyện ‘tích cực’ về Biển Đông

BẮC KINH (NV) – Trung Quốc và Việt Nam đã thảo luận “tích cực” về khu vực Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, không bên nào chỉ trích bên kia, theo một viên chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang ở Bắc Kinh hôm 10 Tháng Năm 2017. (Hình: Getty Images)
Nói với báo chí sau cuộc thảo luận giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang hôm 11 Tháng Năm 2017, ông Liu Zhemin (Lưu Chấn Dân) thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho hay vấn đề Biển Đông cũng đã được nêu ra trong cuộc thảo luận, theo tường thuật của Reuters.

Ông Trần Đại Quang dẫn đầu một phái đoàn thăm viếng Trung Quốc đồng thời tham dự diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” từ ngày 11 đến 15 Tháng Năm 2017.

Trung Quốc tổ chức diễn đàn này để cổ võ tham vọng lấy Trung Quốc làm đầu tàu kết nối với một dọc các nước đến Âu châu phát triển kinh tế và mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trên bình diện toàn cầu.

‘Vấn đề (Biển Đông) đã được thảo luận nhưng với giọng điệu tích cực.’ Lưu Chấn Dân nói với báo chí. Ông Lưu giải thích thêm rằng “Theo tôi nghĩ, cuộc thảo luận về Biển Đông lần này là một tin rất tích cực. Không có bên nào đả kích bên kia. Không có lời nào đi ra ngoài khuôn khổ.”

Tân Hoa Xã chỉ có một bản tin ngắn về cuộc thảo luận giữa hai ông Tập Cận Bình và Trần Đại Quang khi viết rằng “Ông Tập Cận Bình nói hai bên nên hợp tác chặt chẽ với nhau để áp dụng các sự đồng thuận đã được các nhà lãnh đạo thỏa thuận, thắt chặt sự hợp tác trên nhiều lãnh vực khác nhau, nâng cao thỏa hiệp đối tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới.”

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) viết rằng “Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhằm định hướng chiến lược, chỉ đạo thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, kịp thời trao đổi, giải quyết các vấn đề nảy sinh, duy trì cục diện hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định cho quan hệ Việt-Trung”.

Dịp này, TTXVN cho biết, ông Trần Đại Quang không quên nhắc lại là “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, có nhiều nét tương đồng, quan hệ hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” …. Chủ tịch nước khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng, chân thành mong muốn phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước Trung Quốc, đây là sự lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.”

Mới tháng trước, Hà Nội lên tiếng phản đối Bắc Kinh ra lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông từ Tháng 5 đến đầu Tháng 8 là “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”. Việt Nam phản đối Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm cướp của Việt Nam từ thập niên 1980 và biến các nơi này thành các căn cứ quân sự khổng lồ khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông.

Mỗi khi có tin tức gì về các hoạt động của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội đều cho phát ngôn viên lập lại lời tuyên bố chủ quyền lãnh thổ có các bằng chứng lịch sử “không thể tranh cãi” dù bị Bắc Kinh lờ đi.

Từ đầu Tháng Năm 2014, Bắc Kinh đưa giàn khoan nước sâu khổng lồ tới phía nam quần đảo Hoàng Sa dò tìm dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cuộc đối đầu trên biển giữa hai nước kéo dài hai tháng rưỡi cho đên khi Bắc Kinh rút giàn khoan HD 981 về. Sự căng thẳng giữa hai nước bị chùng xuống một thời gian ngắn rồi dần dần ấm trở lại qua các cuộc thăm viếng qua lại giữa các lãnh tụ cấp cao của hai bên.

Trong bản tin chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của ông Trần Đại Quang với tựa đề “Nâng cao hiệu quả hợp tác Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, TTXVN kể lể rằng “Hai bên tiếp tục tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, nổi bật là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1/2017) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (9/2016); cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC tại Peru (11/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Lý Khắc Cường nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 11 tại Mông Cổ (14/7); chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Ủy viên Trưởng Nhân đại Trung Quốc Trương Đức Giang (11/2016) và nhiều chuyến thăm cấp Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ.”

Theo Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam, năm 2016, mậu dịch hai chiều Việt Nam-Trung Quốc được gần $72 tỷ (tăng 7.9% so với năm 2015). Trong đó, Việt Nam xuất cảng gần $22 tỷ, nhập cảng gần $50 tỷ, thâm thủng $28 tỉ.

Dư luận và truyền thông tại Việt Nam từng có lời kêu gọi “thoát Trung” sau cuộc đối đầu trên biển năm 2014 nhưng càng ngày Việt Nam càng lún sâu vào sự lệ thuộc nền kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương 3 tháng đầu năm 2017 được gần $19 tỷ (tăng 27.5% so với cùng kỳ năm 2016), theo TTXVN. (TN)



(Người Việt)

Đinh La Thăng , nhân vật của tiểu thuyết; Huy Đức - Cử tri Thanh Hóa không bầu ông Đinh La Thăng?

Vừa qua nghe tin anh ông Đinh La Thăng chia tay Đảng bộ tp HCM. Nghe lời nghẹn ngào của anh ấy nói lời xin lỗi, tôi suy nghĩ rất nhiều.

Tôi cũng đọc lại toàn bộ commen của nhiều bạn FB trên Fb dưới bài viết của tôi: Tài và Đức của người lãnh đạo.-Nhân sự kiện kỉ luật Đinh La Thăng...

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, cận cảnh

Đọc cả trên những link bài viết ko thuôc về trang của tôi.

Tôi đọc nhiều bài báo ngoài nước, Tây viết...Hé hé, Tây ko phải tụi nào cũng giỏi hay công bằng, chúng cũng biết ăn theo...Tất nhiên có bài phân tích rất khá.

Chiều xuống, lòng tôi bao câu hỏi: Sao đất nước ta dễ chia rẽ thế?

Chuyện anh Thăng, rõ ràng chia ra hai phe quyết liệt. 

Một phe kiên quyết bênh anh, cho anh như 1 anh hùng. Đại tá , nhà văn , nhà báo Như Phong coi anh như một người Quân tử. Một vài nhà văn nhà thơ phụ họa với bác Phong, đon đả và chê bai người khác chính kiến là ngu dốt, thiển cận khi phê phán anh Thăng và như thế họ coi án kỉ luật của Hội nghị trung ương hóa ra sai lầm ư? Có nhà văn lại viết bên cô Hằng Thanh là: Đức lớn từ cái việc mắng Tầu. Trời ạ, mắng một tụi thầu khoán Tầu 1 câu là có Đức lớn, ông ta không nghe nhân dân đã mắng tụi Tầu tận Bắc Kinh sa sả ư. Mắng 1 câu là đức lớn, còn thất thoát cả ngàn tỉ, để hệ lụy vạn vạn dân đói nhăn răng, bệnh viện và trường học thiếu trăm bề, đất nước trăm ngàn khó khăn để cho sự đục nước béo cò mà có Đức lớn ư?

Trường hợp bác Như Phong thì cũng dễ hiểu, vì bác Phong theo cái lí thông thường của người tiểu quân tử và viết bênh người nâng đỡ mình là phải đạo lắm, chứ bây giờ mà ông Phong im lặng thì hóa ra tay Phong là kẻ bội bạc lắm ru? Tôi mà rơi vào hoàn cảnh như bác Phong, có lẽ cũng hành xử như bác, chứ không như ai lớn tiếng về Đức Lớn, nhưng lịch sử của văn học Việt, chả đã hai lần đâm lưng ông Hữu Thỉnh trên báo chí, thọc dao trước Đại hội Nhà văn chính người bao lần nâng đỡ mình đó ư?

Tôi không dám coi thường bác Phong, nhưng riêng về việc này không đồng ý quan điểm khi nhìn vào hiện tượng ĐLT về bên ngoài với truyền thông để tô vẽ, còn bác chưa minh chứng được việc thất thoát cà ngàn tỉ của ĐLT là không có lỗi, đấy là chưa nói tới ở cương vị Bộ trưởng ông ĐLT có nhiều quyết sách thiếu kích cỡ của ghế đại quốc công thần.

Bên phê phán anh cũng rất nặng. Cái nặng thì rõ rồi! Để thất thoát cả ngàn tỉ, những quyết sách rất sai lầm về chiến lược khi ngồi ở ghế giao thông vận tải về xử lí cảng biển chả hạn, sao gọi là khuyết điểm nhẹ. Nhưng đáng suy nghĩ nhất là nhiều ý kiến trong những người phê phán đã hoàn toàn xóa toẹt tất cả những gì biểu hiện tốt đẹp của ĐLT, trước và khi làm bí thư TP. Họ, "không phải cá" sao biết Thăng là giả dối hay thực lòng ở vài hành vi mà vốn chả quen biết gì anh Thăng, ko 1 lần ăn lộc lớn nhỏ như Trần Đăng Khoa đã dẫn. Thật cũng cảm động. Ừ, không cảm động sao được khi ĐLT nghe tin xấu ở nước ngoài rơm rớm nước mắt, không cảm động sao được khi lập tức góp vào quỹ xây 1 cây cầu cho lũ trẻ thơ.

Trước khi viết về ĐLT, tôi đọc khá nhiều. Tôi thân với 1 bác già xưa làm lãnh đạo của ĐLT. Bác già thông minh, giỏi chuyên môn và tính cũng như trúc vàng, đã gợi ý cho tôi mang cái bình rỗng đi lấy nước, nhìn nhận ông ĐLT phải ở nhiều góc chiếu.

Một bạn FB trên trang tôi nói, bạn đi nhiều hơn tôi, lại ở ngành anh Thăng từng, nói về hiện tượng ĐLT như đúng rồi. Sự phủ nhận anh ĐLT toàn diện và triệt để là sự phủ nhận cảm tính. Tôi nhận ra điều ấy một phần bởi tôi nhắc lại, không phải cá sao biết cá vui hay buồn, tôi nhắc lại, trước khi lĩnh hội 1 vấn đề gì phải để lòng trống không như cái cái bình rỗng không. Còn nếu như trước cái mới, cái chưa sờ mó thấy, vẫn mang đầy định kiến như chai nước đã đầy nước cũ thì sao lấy được nguồn nước mới? ( ý ko phải của tôi, từ Phật Pháp)

Tôi có lợi thế hơn nhiều người, ko quen biết chịu ơn anh Thăng lại không gần gũi anh như vài người nên hoàn toàn ko có mặc cảm về anh ta. Lại nữa tôi xác định tôi không phải là cá, lại tin ở con người và hiểu trạng thái tâm lí con người nên không phủ nhận sạch trơn anh Thăng. Là 1 người tuy không đi nhiều như anh bạn nào đó, những chuyến đi công vụ vốn ào ào cưỡi ngựa xem hoa. Tôi chỉ đi vài chục nước, chắc thua anh bạn kia nhiều, nhưng tôi cũng từng có gần 30 năm sống dưới 1 xã hội tiên tiến, đầm mình sống, chứ không hời hợt sống, lặn ngụp ở xứ người ta, lại quen xét người xét từng việc, trước hết phải tin người....nên tôi nhìn hai mặt ở ĐLT, nhìn kĩ hơn thấy ĐLT qua văn bản cái không được lớn nhất của ông ĐLT, một ủy viên bộ chính trị, 1 nguyên Bộ trưởng, nguyên giám đốc dầu khí.

Do vậy tôi đã viết bài viết, anh Thăng Là Con Người Thú Vị, năng động, con người của đốc chiến. Và xã hội ta đang cần các lãnh đạo như vậy.

Nhưng ở chuyện văn bản của Trung ương chỉ ra thì với cương vị như dẫn, anh không có đức lớn, chỉ là kẻ quân từ mọn, anh có tội lớn với đất nước với nhân dân khi làm tổn thất 1 số tiền rất lớn khi đẻ ra những kế hoạch gây hậu họa nghiêm trọng lâu dài khó khắc phục cho đảng và nhà nước.
Như vậy là Anh ĐLT là 1 dạng người phức tạp, luôn có hai mặt và điển hình cho 1 tuýp người trong giai đoạn đang diễn ra của đất nước.

Dẫn lời bác già bạn vong niên của tôi, ông nói: "Với bè bạn và quần chúng Thăng cởi mờ và chơi đẹp. Với công việc Thăng xông xáo, nhưng thông minh. Thăng rất giỏi nắm bắt các cơ hội, hơn người."
Rõ ràng, Con người ấy-ĐLT- nếu gieo vào đất tốt nở hoa hồng ngát, rơi vào đất xấu, ( lại trong tháo túng của sự xấu) phát huy quyền lực thì ĐLT sẽ gây hậu họa khôn lường.

Cho tới ngay bây giờ tôi vẫn không ghét bỏ cái con người cụ thể ĐLT, thậm chí vẫn coi anh là tuýp người thú vị. Ở góc chiếu xã hội anh là dạng mạnh dạn sống, sống có mục đích, chứ không tẻ nhạt được chăng hay chớ. (Uống rượu với anh chắc rất thú) Song tại sao con đường anh đi lại dẫn tới những kết quả xấu như vậy? Lỗi của anh là bao nhiêu? Bản ngã có đất xấu tạo ra mầm xấu là bao nhiêu? Lỗi của kẻ trên anh là bao nhiêu. Cái tử tế, tốt đẹp về phần Người hư hao bao nhiêu bởi một cơ chế sai lầm bao năm từ khi anh làm dầu khí tới tận qua Bộ Trưởng mà vẫn Đột xuất có phiếu tín nhiệm ngoài định hướng của Bộ CT để anh lại trở thành Ủy viên BCT?

Ở đây có câu hỏi đặt ra trong 1 đảng viên như tôi: 

-Vậy các lá phiếu của tất cả các ủy viên trung ương tiến cử anh trước khi Ban kiểm tra của đảng vạch ra ở Hội nghị lần này, trước sự thu thập chứng cớ của ngành an ninh, các ủy viên Trung ương suy nghĩ thế nào khi tiến cử 1 người như anh ĐLT vào vai trò trụ cột lớn nhất của đất nước?

Cũng nói luôn và ngay rằng, vấn đề dầu khí thất thoát ko phải vấn đề mới. Nếu công tác cán bộ thận trọng và được Kiểm soát quyền lực như nghị quyết gần đây của Đảng, thì có lẽ ĐLT không bao giờ ở cương vị Bộ trưởng. Nếu như các ủy viên trung ương của Đảng thật công tâm, luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên sự cảm tình ca nhân, lợi ích giữ gìn sự trong sáng của Đảng như mắt mình,lắng nghe quần chúng và suy nghĩ kĩ khi cầm lá phiếu nghĩ tới đất nước cao nữa tôi tin là ĐLT ko bao giờ được làm ủy viên BCT.

Ai đã làm ngơ và bỏ qua dư luận? Ai đã làm ngơ trước sự tố cáo về ĐLT trước bao tổn thất mà anh ở cương vị lãnh đạo dầu khí gây ra trước đại hội?

Rõ ràng Con Người ĐLT quá phức tạp lại sống trong 1 hệ cơ chế phức tạp để hệ lụy tới cái án kỉ luật nặng nề hôm nay. Sự phức tạp ở cơ chế chọn lựa cán bộ, quyền lực trao vào tay nhưng kẻ đồng lõa không coi lợi ích của nhân dân, nhà nước, Đảng ra gì nên đã tạo ra 1 hiện tượng ĐLT không cá biệt.

ĐLT thực sự là Con Người Của Tiểu Thuyết. Ông là điển hình cho 1 dạng thức nhân vật mà qua đó phản ánh rất rõ không chỉ tính hai mặt, bản ngã chông chênh của 1 dạng điển hình người Việt và phản ánh nhiều mâu thuẫn của 1 giai đoạn xây dựng đất nước khó khăn như 20 năm vừa qua. Ai đó còn trẻ, xin gần gũi anh Thăng, nghe anh tâm tình, gần gũi các cán bộ điều tra tìm hiểu thông tin để , nếu giỏi nghề, có thể dựng lên 1 cuốn tiểu thuyết sống động và tôi tin là sẽ đắt khách. Than ôi, tôi già quá, bao công trình còn dang dở nếu không tôi sẽ viết về: Mùi dầu

Vấn đề cá nhân ĐLT không phải mục tiêu của các bài viết của tôi. Tôi ko có động cơ nổi tiếng để nhọc công viết về ông ta, cũng như vấn đề cá nhân ĐLT đã là quá khứ nhưng trường hợp ĐLT mãi là bài học cho tất cả những ai còn quan tâm tới dân tôc, tới sự chán hưng của đảng và nhà nước.

Lời cuối ở đây cũng chúc mừng ông Đinh La Thăng ít nhiều tỉnh táo dũng cảm vượt qua cơn bí dĩ này cũng xin khuyến cáo các vị còn đang lọt lưới rằng, khi làm chính trị, quan hệ với giói truyền thông cũng hay ho lắm, ít nhiều nếu nắm được kĩ nghệ FR thì cũng mang lại hiệu qủa ghê lắm, nhất là với một đám đông nặng cảm tính trong 1 tâm thế bài Trung như hôm nay....song các vị nhớ cho, 
truyền thông không phải (tất cả) ngu ngơ

Quần chúng cũng chẳng tù mù mãi đâu:

Mọi sự luôn có hai mặt của nó. Tiền bạc và danh vọng không phải là sự bất biến, đều như sông, nếu coi nó quá quan trọng mà không biết giữ cái thanh cao của Đại Thần, cái Đức trọng của người ở cương vị lớn thì sẽ có ngày thân bại danh liệt bởi 1 nguyên lý rất đơn giản là:

Nhân Dân Có Mắt.

Nguyễn Văn Thọ

(FB Nguyễn Văn Thọ)


Cử tri thanh hóa không bầu ông Đinh La Thăng và nay thì ông trở thành "đại biểu" của họ bằng một quyết định điều chuyển. Từ việc chỉ đạo UBTV Quốc hội làm thủ tục kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng đến việc chỉ đạo miễn nhiệm ông Võ Kim Cự cho thấy Ban bí thư đang công khai thể hiện vai trò "đảng cầm quyền".

Kết quả hình ảnh cho Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Nên trắng phớ ra như thế, dân cũng cần được biết thực chất quyền lực đến từ đâu.

Nhưng như thế thì các cuộc bầu cử hóa ra lại tốn kém không cần thiết. Cho dù đảng Cộng sản vẫn đang là đảng cầm quyền ở VN thì cũng nên cầm quyền thông qua nhà nước. Và, nếu đảng nhận thức rằng quyền lực của mình sẽ bớt tha hóa nếu dân có tiếng nói thì nên cấu trúc "cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất" thành hai viện: một viện của dân và một viện của đảng.

Viện của đảng có thể cơ cấu như Viện Nguyên lão (Anh) hoạt động như thượng viện gồm (đương nhiên) các vị đã được đại hội đảng bầu vào Trung ương. Viện của dân gồm những người tranh cử từ dân thực sự. Họ xuất phát từ lá phiếu của dân, sống gần dân, chẳng có ban bí thư nào điều chuyển.

Võ Kim Cự cũng chính đảng đưa vào Quốc Hội; Trịnh Xuân Thanh cũng đảng đưa vào Quốc Hội. Dân đã mất một buổi cày đi bỏ phiếu rồi bây giờ ngơ ngác nhìn đảng đưa họ ra.

Có minh bạch nguồn gốc của quyền lực thì mới minh bạch trách nhiệm. Dân chúng chỉ hợp thức hóa một danh sách đảng cử mà bị buộc phải chịu trách nhiệm như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng tuyên bố thì tội cho dân lắm.

Huy Đức

(FB Trương Huy San)


 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thống nhất để đại biểu Quốc hội Đinh La Thăng chuyển sinh hoạt từ đoàn TP.HCM về Thanh Hóa.

Về việc ông Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương có nguyện vọng chuyển sinh hoạt từ Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao với việc này.

Trong công văn ký ngày 11/5 trả lời Đảng đoàn Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho hay trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ông Đinh La Thăng ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Thanh Hóa và trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu rất cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ĐBQH, được cử tri tỉnh Thanh Hóa ghi nhận và đánh giá cao.

Ong Dinh La Thang se chuyen ve doan dai bieu Quoc hoi Thanh Hoa hinh anh 1
Đại biểu Quốc hội Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Hà.
Sau khi nhận được công văn của Đảng đoàn Quốc hội thông báo về nguyện vọng của đại biểu Quốc hội Đinh La Thăng, Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa đã tham khảo ý kiến từng thành viên của đoàn và nhận được sự đồng thuận tuyệt đối.

Theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện các thủ tục chuyển sinh hoạt của ĐBQH Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, từ Đoàn ĐBQH TP.HCM về Đoàn ĐBQH Thanh Hóa.

Sáng 11/ 5, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.  Theo quyết định này, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM (nhiệm kỳ 2015-2020), được phân công nhiệm vụ Phó ban Kinh tế Trung ương.  

Trước đó, sáng 10/5, các quyết định về công tác cán bộ cũng đã được công bố tại TP.HCM. Ông Nguyễn Thiện Nhân được phân công giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, tân bí thư Thành ủy TP.HCM, sẽ chuyển từ Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh về làm trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM.

Công Khanh



(Zing)

Nhà Trắng nổi giận vì bức ảnh “độc quyền” của Nga

Dân trí Nhà Trắng ngày 11/5 tỏ ra không hài lòng khi Nga công bố hình ảnh về cuộc họp kín giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Phòng Bầu Dục. Bức ảnh đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi khi truyền thông Mỹ bị “cấm cửa” tại sự kiện này.
 >> Nga lên tiếng chuyện phóng viên Mỹ bị “cấm cửa” trong cuộc gặp Trump - Lavrov
 >> Chi tiết "lạ" trong cuộc họp kín giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Nga

Ông Trump tiết lộ cuộc họp kín với Ngoại trưởng Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại cuộc hội đàm kín ở Nhà Trắng ngày 10/5. (Ảnh: TASS)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại cuộc hội đàm kín ở Nhà Trắng ngày 10/5. (Ảnh: TASS)
Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 10/5 đã đăng tải một bức ảnh cho thấy Tổng thống Trump tươi cười bắt tay với Ngoại trưởng Nga Lavrov trong cuộc họp kín tại Nhà Trắng. Điều đáng nói là, TASS là hãng tin duy nhất có được những bức ảnh về cuộc họp kín được cho là “cấm cửa” với truyền thông, kể cả truyền thông Mỹ.
Trên trang Twitter, Bộ Ngoại giao Nga cũng đăng bức ảnh khác cho thấy ông Trump tươi cười bắt tay với Đại sứ Nga Sergey Kislyak, người bị coi là trung tâm trong cuộc điều tra về nghi vấn mối liên hệ ngầm giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với Nga. Ngoài ra, trên trang Twitter này còn có một đoạn video ông Lavrov đáp lại câu hỏi của phóng viên Mỹ: “(Giám đốc FBI) Comey bị sa thải ư? Chị đùa đấy à?”.
Các tin tức sau đó nói rằng, một phóng viên ảnh của Ngoại trưởng Nga Lavrov đã được trao đặc quyền để có mặt tại cuộc họp kín giữa ông Trump và ông Lavrov hôm 10/5.
Theo New York Post, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã nói với CNN rằng: “Họ (Nga) đã chơi xỏ chúng tôi”. Quan chức Nhà Trắng nói rằng, họ không biết rằng, phóng viên ảnh riêng của ông Lavrov lại cũng là phóng viên ảnh của hãng thông tấn Nga TASS. Và đó là lý do tại sao truyền thông Nga có hình ảnh độc quyền về cuộc họp mà truyền thông Mỹ bị “cấm cửa”.
Nhà Trắng cũng cho biết, ngoài phóng viên Nga, một phóng viên ảnh của Nhà Trắng cũng có mặt trong cuộc họp kín của ông Trump và ông Lavrov, tuy nhiên chính phủ Mỹ không công bố các bức ảnh.
Một quan chức Nhà Trắng nói rằng, đây là quy tắc giữ kín về các cuộc họp của Tổng thống với các quan chức nước ngoài ở cấp thấp hơn, không giống việc cho phép truyền thông tiếp cận và đưa tin về cuộc họp giữa các nguyên thủ.
Cuộc họp kín giữa ông Trump và ông Lavrov diễn ra hôm 10/5 tại Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng. Đây là liên hệ cấp cao nhất giữa chính quyền của Tổng thống Trump và chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi ông Trump nhậm chức hồi đầu năm nay. Bất chấp những lùm xùm xung quanh việc truyền thông Mỹ bị “cấm cửa” để nhường “đặc quyền” cho truyền thông Nga tham gia đưa tin về cuộc họp, cả ông Trump và ông Lavrov đều mô tả đây là một cuộc hội đàm “rất tích cực”.
Minh Phương
Theo New York Post, NYTimes

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tác phẩm xứng đáng thì liên quan gì tới "ghế"

nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu
nha-tho-quang-thieu
Đúng là tôi có thể đăng ký xét giải từ lâu, chẳng hạn 7 năm trước nhiều người đã khuyên tôi. Nhưng lúc đó tôi không muốn, vì tôi vừa vào Ban chấp hành (BCH) Hội nhà văn Việt Nam (2010) mà đã đăng ký giải thưởng thì cho dù được một cách xứng đáng tôi vẫn cảm thấy áy náy với các hội viên của mình.
Điều này xuất phát từ một quan niệm lâu nay rằng khi một người ở vị trí nào đó, ví dụ như BCH, được giải thì dư luận dễ nghĩ người đó nhờ vị trí. Đúng là trong hiện thực có những người ngồi ở một vị trí nào đó luôn giành được nhiều quyền lợi hơn. Song, cách nhìn nhận như thế cũng cho thấy sự thiếu công bằng và chưa chính xác trong xã hội ta.
Ngay tại một số nước phương Đông rất gần gũi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, họ rất rành mạch. Dù cho anh ở vị trí nào thì tác phẩm của anh là tách biệt, nó không liên quan tới cái “ghế”, tới xuất thân của anh… mà chỉ duy nhất liên quan tới việc tác phẩm có xứng được giải hay không.
Bây giờ nhìn nhận lại, tôi thấy mình đăng ký là chuyện bình thường và việc xét thưởng chỉ liên quan đến những gì tôi đạt được trong tác phẩm của mình.
nha-tho-quang-thieu
LÂU NAY NGƯỜI TA VẪN ĐẶT RA CÁI NGHỊCH LÝ LÀ CÁC GIẢI THƯỞNG MANG TÍNH CHẤT CHÍNH THỨC ĐÔI KHI CHƯA ĐỒNG VỌNG ĐƯỢC VỚI TIẾNG NÓI, MONG MUỐN CỦA PHẦN ĐÔNG ĐỘC GIẢ. ANH NGHĨ GÌ VỀ CHUYỆN NÀY?
Người ta vẫn nói giải thưởng của bạn đọc là cao nhất, nhưng đó cũng chỉ là cách nghĩ của một phía. Tôi cho rằng mọi giải thưởng đều có ý nghĩa khi nó được nhìn nhận và xét trên sự công bằng, vì nghệ thuật, vì con người. Giải thưởng của một tổ chức nghề nghiệp, một cộng đồng, một chính thể, một nhà nước…cũng quan trọng chứ, không ít quốc gia có giải thưởng của Nhà nước, hay ở Nga có giải thưởng của Tổng thống chẳng hạn.
Còn chuyện giải thưởng đồng vọng được bao nhiêu với số đông độc giả là một điều thật không dễ dàng, có những giải thưởng mà có thể khi đưa ra dư luận không mặn mà hay cảm thấy không xứng đáng. Có hai lý do.
Song, hướng thứ hai có thể là có những tác phẩm xứng đáng, nhưng việc tiếp cận nó chưa đảm bảo, chưa đến nơi, không chỉ với bạn đọc thông thường, mà ngay cả những người nhà nghiên cứu, nhà phê bình. Trên thế giới không thiếu những tác phẩm đoạt giải bị ruồng bỏ, tới sau này người ta mới thấy sự quay lưng đó là một sai lầm.
Sáng tạo ra một tác phẩm lớn, một tác phẩm vừa kinh điển, sâu sắc vừa là một tác phẩm để mọi người đều hiểu, đều yêu thích không chỉ là mơ ước của nhà văn Việt Nam, mà là mơ ước của toàn bộ những người cầm bút trên toàn thế giới, trong mọi thời đại. Nhưng khát vọng ấy đôi khi cũng trở thành vô vọng, bởi khả năng thấu hiểu, tiếp cận một tác phẩm là khác nhau giữa các độc giả/ nhóm độc giả.
nha tho quang thieu
NHƯ QUAN SÁT CỦA CHÚNG TÔI, NHỮNG NGƯỜI NGOÀI CUỘC, CÓ LẼ NHIỀU NĂM RỒI VĂN ĐÀN VIỆT NAM THƯỜNG CHỈ ĐƯỢC QUAN TÂM MỖI KHI CÓ TRANH CÃI VỀ MỘT GIẢI THƯỞNG HAY TÁC PHẨM NÀO ĐÓ. VẬY VỚI MỘT “NGƯỜI TRONG CUỘC”- NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU THẤY NHỮNG CUỘC TRANH CÃI TRONG NỘI BỘ CÁC NHÀ VĂN CÓ ĐƯA ĐẾN SỰ TRƯỞNG THÀNH HƠN CỦA NỀN VĂN HỌC NƯỚC NHÀ KHÔNG?
Bạn dùng từ “tranh cãi” khi bàn về đời sống văn học Việt Nam là khá chính xác. Đấy là những tranh cãi có tính vị kỷ, độc đoán, không chịu chấp nhận, chê bai, phủ nhận, thậm chí phỉ báng, vùi dập người khác là một đặc điểm của một số nhà văn Việt Nam. Tranh luận thực sự phải dựa trên những cơ sở những lý luận, những phản biện đầy khoa học chứ không phụ thuộc vào yêu, ghét cá nhân.
Và điều này tác hại vô cùng, nó khiến đời sống văn học “chậm lớn”, không lành mạnh, rối tung. Chỉ khi sòng phẳng, công tâm chúng ta mới có thể làm cho một lĩnh vực, một xã hội phát triển. Tôi có thể mất đi quyền lợi cá nhân khi phát biểu điều này, nhưng tôi nghĩ cần nói ra để nó tác động một phần nào đó, cho dù rất nhỏ vào đời sống văn học của chúng ta.
nha-tho-quang-thieu
CẢNH BÁO QUAN TRỌNG NHẤT
LÀ VỀ SỰ SUY ĐỒI TÂM HỒN
ĐỌC MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA ANH, CHẲNG HẠN NHƯ “MÙA HOA CẢI VEN SÔNG”, NGƯỜI TA CÓ THỂ THẤY HỤT HẪNG VÌ NHỮNG CÁI KẾT KHÔNG CÓ HẬU. ĐIỀU GÌ KHIẾN ANH “ĐƯA ĐẨY” NHÂN VẬT CỦA MÌNH ĐẾN CHỖ ĐÓ?
Người đọc luôn luôn có một mong muốn vừa hay nhưng cũng vừa dở, đó là muốn những cái kết có hậu. Nhưng những tác phẩm khiến chúng ta cảm thấy mất mát một cái gì đó chứa đựng trong nó một sự cảnh báo, điều đó đánh thức con người mạnh mẽ hơn, có tính giáo dục cao hơn.
Trong Mùa hoa cải ven sông, rốt cuộc đôi trai gái đã phải trả cái giá rất đắt, vĩnh viễn không đến được với nhau. Đó là cái kết buồn, nhưng cũng là lời cảnh báo lớn, mọi cái ác, cái cực đoan, phong kiến đôi khi chúng ta phải chấp nhận cái giá của nó và có lúc nào đó chúng ta không đi qua nổi nó. Điều đó cũng gửi đi một thông điệp để không bao giờ con người đi lại con đường ấy nữa. Còn nếu cho họ gặp nhau, đám cưới xum xuê, hai gia đình hòa hợp thì người ta sẽ mất cảnh giác, người ta có thể lại lặp lại con đường cũ.
Văn học đến với người đọc từ hai phía. Nó vừa làm con người tin rằng dù thế nào đi nữa người ta vẫn hướng đến điều tốt đẹp, vừa cảnh báo rằng dẫm vào những vết xe đổ của sai lầm sẽ dẫn con người đến vực sâu.
ANH VỪA NÓI ĐẾN CHỨC NĂNG CẢNH BÁO NHƯ MỘT CHỨC NĂNG RẤT QUAN TRỌNG CỦA VĂN HỌC. VỚI TƯ CÁCH MỘT NHÀ VĂN, ANH THẤY ĐÂU LÀ VẤN ĐỀ LỚN NHẤT MÀ VĂN HỌC PHẢI LÊN TIẾNG HIỆN NAY?
Đối với tôi, cảnh báo là yếu tố quan trọng nhất. Cảnh báo trong văn học là cảnh báo về sự suy đồi tâm hồn. Khi con người trở nên mỗi một ngày vô cảm và giá lạnh, ích kỷ thì họ bắt đầu gây ra những hành động tội ác. Tôi cho rằng đó là cái cốt lõi nhất mà văn học muốn chạm đến, muốn lý giải, muốn đào sâu, muốn mở rõ ra, muốn gửi thông điệp tới tất cả mọi người là về “cái chết tinh thần” của nhân loại.
CÓ PHẢI CŨNG CHÍNH VÌ THẾ MÀ ANH KHÔNG NGỪNG TRĂN TRỞ VỀ VIỆC SỐNG TỬ TẾ?
Nó là điều không bao giờ rời bỏ nhà văn một khi anh ta còn cầm bút. Bởi cái khiến nhà văn cảm thấy bị xúc phạm, sợ hãi và cần phải lên tiếng chính là những điều không tử tế. Thế gian chúng ta sẽ không mang nỗi sợ hãi hết thóc gạo để ăn, nhưng con người cần mang nỗi lo sợ thường trực về nguy cơ bóng tối tràn lên và chiếm phổ toàn bộ tâm hồn con người.
Tôi vẫn thường cảnh báo từ cách đây hàng chục năm rằng xã hội Việt Nam có 3 ngôi nhà giống như 3 thành trì quan trọng, đầu tiên và cuối cùng bảo vệ đức hạnh, cái tốt của con người, mà nếu một trong số đó bị phá vỡ thì con người cũng có nguy cơ bị giết chết. Đó là nhà trường, nhà chùa và ngôi nhà của mình.
Tôi nghĩ trong cả ba ngôi nhà đó đều đang có những lỗ thủng lớn và chúng ta phải bắt đầu đi lại từ đầu, một cách bền bỉ, để tìm lại tất cả nguy cơ, nguyên do. Làm việc này rất lâu dài, bởi ném một cái rác bẩn xuống chỉ mất một giây, nhưng để một người đi qua biết cúi xuống nhặt nó lên thì mất cả trăm năm.
LIỆU TRONG NHỮNG LỖ THỦNG MÀ ANH VỪA ĐỀ CẬP, NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM PHẦN NÀO? CÓ PHẢI NHỮNG TÁC PHẨM CỦA CHÚNG TA VẪN CHƯA LÊN TIẾNG ĐỦ, CHƯA THỰC SỰ ĐI VÀO NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÁNG PHẢI CẢNH BÁO ĐÚNG LÚC?
Tất cả những người không thuộc về trẻ con, nói cách khác người lớn chúng ta, đều có lỗi. Nhưng với nhà văn, chính họ phải dày vò, phải day dứt hơn trước mọi người, phải cảm thấy bị xúc phạm hơn trước mọi người và họ phải cảnh báo trước mọi người.
Đến lúc nào đó chúng ta phải cùng nghiên cứu, cùng bàn giải tại sao ngày xưa có những cuốn sách có thể thay đổi những con người, đưa vào họ một thế giới khác. Tôi tạm nghĩ có hai lý do.
Thứ nhất là sách lúc đó rất ít, các phương tiện nghe nhìn khác hầu như không có, cho nên những cuốn sách luôn là con đường duy nhất để những con người hay những đứa trẻ bước vào một thế giới đầy trí tưởng tượng, đầy đức hạnh và vẻ đẹp. Hai nữa là mọi cuốn sách hồi đó hầu như đều thống nhất là truyền bá cái đẹp, mang đến vẻ đẹp.
Còn bây giờ chúng ta xuất bản sách một cách tràn lan, cho phép những cuốn sách vô bổ, có thể tác động xấu ra đời. Bên cạnh đó, ngày nay mở mạng ra chúng ta có thể xem được bất kỳ cái gì, nào sách ngôn tình, những cuộc tình ngập nước mắt, rồi scandal giới showbiz…
Hãy nhìn sang một đất nước rất gần gũi với Việt Nam là Nhật Bản, nơi mà tính giáo dục nhân tính cao và hiệu quả vô cùng. Xem những phim tài liệu về giáo dục, những nghiên cứu về thiên nhiên, con người, nội dung giáo dục cơ bản trong các trường tiểu học, trung học hay đại học Nhật Bản, chúng ta sẽ thấy họ đã làm xuất sắc vì con người.
Vừa rồi tôi xem một bộ phim tư liệu của Nhật Bản rất xúc động và sâu sắc về một dự án gọi là Cứu vớt kỷ niệm. Với dự án này, người Nhật đi tìm lại những cuốn sổ ghi chép, những cuốn nhật ký, những bức ảnh gia đình…đã tan nát sau thảm họa kép động đất sóng thần. Họ có thể mất nhà, mất xe và mất cả thành phố nhưng không được đánh mất ký ức. Chỉ có những đất nước vì con người, hiểu thấu cái gì sẽ tạo dựng nên thế giới của nhân tính, mới làm được những việc như vậy.
CHÚNG TA THƯỜNG NÓI ĐẾN NỖI TRĂN TRỞ VĂN HỌC VIỆT NAM CHƯA SẢN SINH ĐƯỢC NHỮNG TÁC PHẨM LỚN, XỨNG TẦM THẾ GIỚI. LÀ MỘT NGƯỜI CẦM BÚT, CÁ NHÂN ÔNG SUY NGHĨ GÌ VỀ ĐIỀU NÀY?
Tôi từng nói nhân loại không bao giờ bỏ sót vĩ nhân của mình, cho dù người đó sống trong một căn buồng chỉ 3m2. Điều quan trọng với những người cầm bút là, hãy viết những tác phẩm thật chân thực và khát vọng lớn, cho dù có những tác phẩm hiện nay chưa xuất bản được bởi rất nhiều điều, bởi những quy định, bởi cả sự tiếp cận, bởi cả dân trí.
Tất nhiên ở ta, do nhiều lý do, nhiều điều kiện mà sự tự do xuất bản chưa được mở rộng đến như mong muốn của một số nhà văn.
Nhưng lấy điều này, điều kia làm cớ để không có tác phẩm lớn là ngụy biện. Nếu thật sự vì dân tộc, vì con người thì hãy viết những điều lớn lao nhất, để đến một ngày kể cả khi anh mất rồi, chúng tôi sẽ đến ngôi nhà của anh như một cuộc hành hương, mở tác phẩm của anh đọc, tôn vinh nó.
CÓ PHẢI ANH ÁM CHỈ RẰNG SỰ DẤN THÂN CỦA NHÀ VĂN VIỆT NAM VẪN CHƯA ĐỦ?
Xin kể một câu chuyện. Có một người năm đó làm đơn vào Hội nhà văn không được, anh ấy nói với tôi sẽ không viết văn nữa. Tôi nói lại với anh ấy rằng, nếu anh ấy viết văn chỉ để vào hội nhà văn, để nổi tiếng, để lấy một giải thưởng thì đừng viết, không ai đợi chờ những tác phẩm đó với mục đích đó. Anh ấy phải viết văn như thể anh ấy không còn cách nào nữa, đau đớn phải bật tiếng kêu lên, hạnh phúc phải bật tiếng kêu lên, kinh ngạc phải bật tiếng kêu lên.
Sự dấn thân, đồng thời nhận thức đời sống, xã hội cũng như kiến thức của nhà văn chúng ta còn mong manh vô cùng, nó còn chưa đầy đủ. Họ phải sống, phải học, phải lao động, phải dấn thân, phải vô lợi ích… Lúc đó hội tụ tất cả, cộng với nhiều điều khác nữa mới làm nên một nhà văn lớn.
ĐẤY LÀ VỀ MẶT LÝ TƯỞNG, NHƯNG XÉT CHO CÙNG NHÀ VĂN CŨNG PHẢI SỐNG, GIỜ ANH BẢO LÀ HY SINH TẤT CẢ NHƯ THẾ ĐỂ CÓ MỘT TÁC PHẨM LỚN THÌ LIỆU NGƯỜI TA CÓ THỂ THEO ĐUỔI?
Câu hỏi đấy đã chứa đựng sự yếu hèn của một nhà văn. Hãy đọc tiểu sử của nhiều nhà văn danh tiếng trên thế giới, không phải tự nhiên họ lớn, họ phải làm tất cả các thứ, phải sống đôi khi như một kẻ cùng quẫn và ăn mày, để được viết văn.
Trừ khi anh không có cái gì ăn thì chết đói, hoặc bị cách bức với việc sáng tác… còn thì chúng ta tự do trên máy tính, tự do trên trang giấy và toàn quyền với trí tưởng tượng, với ngòi bút của mình.
nha-tho-quang-thieu
KỲ VỌNG
NHỮNG TÁC PHẨM LỚN Ở
THẾ HỆ SAU
VĂN HỌC CŨNG NHƯ MỌI LĨNH VỰC ĐỀU CẦN SỰ TIẾP NỐI. ANH THẤY THẾ HỆ CÁC NHÀ VĂN TRẺ HIỆN NAY RA SAO?
Tôi nghĩ rất nhiều người trẻ thực sự đã mang lại một hơi thở, cách nhìn và một thi pháp mới mẻ đặc biệt trong thi ca, có những người khi xuất hiện khiến tôi hoàn toàn nể phục. Trong nghệ thuật, người đi sau luôn luôn khó khăn, anh ta phải chọn một con đường mà chưa ai đi cả, mở một con đường mới, làm nên một chiều kích mới.
Không thiếu những định kiến cho rằng nhà văn trẻ ngày nay còn mù mịt, họ làm mất bản sắc, xa lạ với tính dân tộc. Nhưng đó là một cách nhìn nhận không công bằng, phiến diện đôi khi sai lầm. Hãy thấy rằng, họ viết bằng tiếng Việt, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, viết bằng hiện thực dân tộc họ, gia đình, xã hội…của họ nhưng bằng một cách nhìn khác. Và qua đó, họ giúp tiếng Việt mở rộng chiều kích, mang tới vẻ đẹp mới cho tiếng Việt.
NHÌN VÀO THẾ HỆ KẾ TIẾP, ÔNG CÓ KỲ VỌNG SẼ CÓ TÁC PHẨM LỚN CHO VIỆT NAM?
Có những nhà văn nước ngoài nói với tôi rằng họ khát vọng “một mẩu” hiện thực của dân tộc ta. Đúng vậy, dân tộc Việt Nam chứa đựng nhiều yếu tố, hiện thực đầy phong phú, đa dạng và đầy bi thương trong lịch sử. Đó là những năng lượng, nguyên liệu tuyệt vời cho một nền văn học, cho những nhà văn lớn.
Ngay như cuộc chiến tranh của chúng ta, nó đã đi qua 40 năm, nhưng tôi tin sẽ có những nhà văn với những dữ liệu, tư liệu thực sự của cuộc chiến tranh này sẽ viết nên những tác phẩm tầm cơ đúng với bản chất của cuộc chiến tranh này.
NẾU PHẢI MỞ MỘT CÁNH CỬA QUAN TRỌNG NHẤT ĐỂ NHỮNG THẾ HỆ NHÀ VĂN ĐI SAU LÀM ĐƯỢC VIỆC MÀ THẾ HỆ NHÀ VĂN HIỆN NAY CHƯA LÀM ĐƯỢC THEO ANH ĐÓ LÀ CÁI GÌ?
Đây là một câu hỏi khó. Điều quan trọng nhất có lẽ là mỗi thế hệ làm đúng bổn phận của thế hệ mình và tôn trọng sự khác biệt của những thế hệ khác. Đôi khi sự động viên, chia sẻ và tôn trọng là chất xúc tác vô cùng quan trọng giữa những người viết với nhau, đặc biệt giữa những người viết ở các thế hệ khác nhau.
Không thiếu những định kiến cho rằng nhà văn trẻ ngày nay còn mù mịt, họ làm mất bản sắc, xa lạ với tính dân tộc. Nhưng đó là một cách nhìn nhận không công bằng, phiến diện đôi khi sai lầm. Hãy thấy rằng, họ viết bằng tiếng Việt, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, viết bằng hiện thực dân tộc họ, gia đình, xã hội…của họ nhưng bằng một cách nhìn khác. Và qua đó, họ giúp tiếng Việt mở rộng chiều kích, mang tới vẻ đẹp mới cho tiếng Việt.
Có không ít những người trẻ khi bị các nhà văn, nhà thơ lớn tuổi chê, họ bắt đầu thay đổi hướng đi, dù họ đang đi trên một con đường tắt, một con đường tự do băng qua cánh đồng, mạo hiểm nhưng đầy kỳ vĩ.
Khi tôi cất lên giọng nói của chính tôi trong tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, đã có những người cùng thế hệ rời bỏ tôi, vì cho tôi là một kẻ vô loài, lạc lõng. Nhưng tôi phải ra đi, phải trải nghiệm, phải tìm con đường của tôi, cho dù có thể tôi sẽ không trở thành gì cả.
Điều quan trọng của mỗi một nhà văn là anh ta phải mang chính giọng nói của anh ta. Sự khác biệt làm cho con người muốn sống, muốn sáng tạo, còn tất cả đều giống nhau thì khác nào đám hàng mẫu bày trong tủ kính, chúng ta chỉ đi qua một lượt và không bao giờ muốn quay lại.
XIN CẢM ƠN NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU VỀ CUỘC TRÒ CHUYỆN.

Biển Nha Trang bất ngờ xuất hiện vòi rồng cao hàng trăm mét

Vào chiều 10/5, bầu trời trên TP Nha Trang, Khánh Hòa bỗng dưng trở nên âm u, nhiều mây đen kéo đến, xuất hiện vòi rồng cao hàng trăm mét giữa khu vực Dốc Lết.


Vòi rồng là hiện tượng khi lốc xoáy di chuyển bên trên hồ nước hay biển cả, trông như một cột nước trắng xóa, thường kèm theo sấm sét. Chiều 10/5, người dân ở gần khu vực Dốc Lết (TP Nha Trang, Khánh Hòa) bất ngờ thấy vòi rồng cao hàng trăm mét giữa biển.Hình ảnh cùng đoạn clip trên ngay khi vừa đăng tải đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cư dân mạng:
“Đúng là Dốc Lết thật, hồi giờ mới có, không biết có biến gì không đây?”, tài khoản K.M chia sẻ.“Lần đầu tiên chứng kiến cảnh này mà kinh hoàng. Tự nhiên lo sợ cho những tàu thuyền ngoài khơi, không biết có gặp phải hiện tượng này hay không”, người dùng mạng tên U.P nhận xét.
Tài khoản L.P.B.M cũng bày tỏ tương tự, “dạo này thời tiết thất thường, hay xuất hiện mưa to, giờ lại thêm cảnh tượng này. Tự nhiên thấy lo lắng quá”.
Trước đó, vào sáng 23/10/2015, hiện tượng vòi rồng xuất hiện tại vùng biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã được một người dân quay lại và đưa lên Facebook. Ngay sau đó, video đã gây sự chú ý của cộng đồng mạng với hàng nghìn lượt xem và chia sẻ.
Gần đây, vòi rồng cũng xuất hiện ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) khiến hàng loạt cây cối và cột đèn chiếu sáng bị quậy gãy. Hàng chục ngôi nhà quây bằng tôn ở một khu chợ bị hất tung. Nhiều người đi đường vội vã tăng ga tháo chạy.
Tinh Hoa tổng hợp

Tam Quốc Diễn Nghĩa: Bí mật đao pháp vô song của Quan Vũ

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có rất nhiều chỗ mê chưa thể lý giải được. Ví như võ công của Lữ Bố, Quan Vũ, Trương Phi từ đâu mà có, sư phụ họ là ai, hoặc kết cục của Điêu Thuyền… Trong đó không thể không nhắc đến nguồn gốc đao pháp của Quan Vũ.

đạo Pháp, xuan thu, Tam quốc diễn nghĩa, quan vu,
Đao pháp của Quan Vũ từ đâu mà có? Đây là bí mật mà không mấy người biết được. (Ảnh: Nipic.com)
Mọi người đã biết, trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” điều được coi trọng nhất là chữ “Nghĩa”, mà Quan Vũ chính là đại biểu cho chữ “Nghĩa”, trong ông có đầy đủ “Trung, Nghĩa, Tín, Trí, Nhân, Dũng”, hàm chứa luân lý, đạo đức, lý tưởng của văn hóa Trung Hoa truyền thống, thấm nhuần nho học thời Xuân Thu, cũng như giá trị nhân sinh sâu sắc của Thích giáo, Đạo giáo.
Chuyện kể rằng, Quan Vũ chính là Sở Bá Vương – Hạng Vũ chuyển thế. Hạng Vũ anh hùng cái thế, mặc dù đã sát phạt rất nhiều người, nhưng vì không giết Thái Công, không làm nhục Lữ Hậu, không dùng quỷ kế, có tam đức này, nên sau khi chết, Hạng Vũ chỉ cần sửa họ không thay tên, gọi là Quan Vũ, đầu thai vào thời Tam Quốc, để viết tiếp truyền kỳ Trung, Nghĩa của mình.
Khi chưa xuất sơn, Quan Vũ là một thanh niên nhiệt huyết, hành hiệp trượng nghĩa, không quản khổ nhọc ngày ngày luyện tập múa thương, chính vì vậy mà trong phạm vi 10 dặm quanh thôn, ai ai cũng biết đến danh tiếng của Quan Vũ.
Có một ngày, Quan Vũ đến núi ở sau nhà sớm hơn một chút để luyện tập đao pháp, múa đao chém bên này bên kia, thuyên chuyển rất náo nhiệt. Quan Vũ luyện đến chỗ đắc ý nhất thì nghe thấy bên cạnh có tiếng cười quái lạ.
Quan Vũ Quay đầu nhìn lại thì thấy đó là một con vượn đang đứng một bên cười và quan sát mình, con vượn thấy Quan Vũ nhìn thì liền nhặt một cành cây trên mặt đất, rồi múa máy ngoe nguẩy bắt chước dáng điệu múa đao của Quan Vũ, sau đó ôm bụng cười nắc nẻ.
Mặt của Quan Vũ bừng đỏ lên, nghĩ thầm: “Súc sinh này to gan, lại dám cười nhạo ta, để ta cho ngươi một đao”.Vừa định động thủ, Quan Vũ chợt nghĩ lại: “Nó chỉ là một con vượn, đánh nó thì chứng tỏ mình tâm địa quá nhỏ nhen, chuyện này truyền ra ngoài sẽ khiến người khác chê cười”. Vì thế Quan Vũ không để ý tới nữa, tiếp tục luyện tập.
Nào ngờ, con vượn lại tiếp tục nhại lại các động tác, dáng điệu của Quan Vũ, sau đó xông đến chỗ Quan Vũ ngoắc tay một cái, thần sắc tỏ ra rất khinh miệt. Quan Vũ trong tâm bốc hỏa, khua đao để dọa cho con vượn chạy đi. Ai ngờ đại đao vẫn chưa kịp vung lên, thì ngón tay cái của Quan Vũ đã bị con vượn cầm cành cây gõ vào một cái.
Quan Vũ tức giận vung đao chém mạnh vào con vượn cho hả giận, nào ngờ chém tới chém lui, vẫn không chém được dù chỉ là nửa cọng lông con vượn, mà ngược lại ngón tay cái của Quan Vũ lại liên tục bị con vượn cầm cành cây đánh vào, đau đến nỗi đại đao cũng không cầm nổi nữa.
Thế là con vượn càng cười đắc chí hơn, cũng không quan tâm đến Quan Vũ đang tức giận sôi cả máu lên, con vượn nhẹ nhàng cầm đao của Quan Vũ lên, rồi múa vung vẩy, và càng lúc múa càng nhanh.
Quan Vũ thấy con vượn múa đao tạo thành một vòng sáng xoay quanh, giống như hoa lê trong tuyết, đón gió tung bay, đao lướt qua lại như tia chớp, khí lạnh thấu xương. Quan Vũ kinh ngạc trợn mắt há mồm, đầu óc trống rỗng, cảm thấy đao pháp này giống như đã nhìn thấy ở đâu rồi, cũng nhớ không rõ là đã gặp ở chỗ nào. Trong mơ mơ màng màng thì chỉ nghe thấy một tiếng“keng”, con vượn trắng ném đao xuống mặt đất, rồi bỏ đi mất hút.
Lúc này Quan Vũ mới ý thức được đó là thần tích đã xuất hiện, chỉ giận mình tính tình ngu dốt, đã không giữ được thần vượn ở lại, cũng không nhớ rõ được những đao pháp mà thần vượn đã múa, hổ thẹn cho mình tự xưng là đao pháp tinh xảo, anh hùng vô địch, thực ra chỉ là con gà đất trong khe suối nhỏ, con cóc ngồi ở đáy giếng mà thôi, Quan Vũ vừa hối hận vừa hy vọng có thể gặp lại được thần vượn.
Sáng sớm hôm sau, Quan Vũ lên núi từ rất sớm, định cố nhớ và học lại những đao pháp ngày hôm qua. Nhưng thật bất ngờ, khi Quan Vũ đến thì thần vượn đã ở đó đợi mình rồi. Quan Vũ cung kính dâng đại đao lên, thần vượn liền múa lại đao pháp ngày hôm qua, chỉ là tốc độ chậm hơn nhiều, rõ ràng là có ý muốn dạy Quan Vũ, thần vượn múa đao xong rồi rời đi, để Quan Vũ ở lại một mình tự học.
Cứ như vậy mấy tháng, một bên dạy một bên học, cuối cùng Quan Vũ đã học được 28 đao pháp.
Quan Vũ vốn là võ thánh chuyển thế nên đã rất nhanh lĩnh ngộ ra được những điều tinh túy trong bộ đao pháp này. Việc tham thiền ngộ đạo trong võ thuật, chính là nói đến căn cơ và ngộ tính của người luyện tập.
Một ngày, thần vượn sau khi dạy xong cho Quan Vũ thì không về như thường ngày, mà ở lại đưa đao cho Quan Vũ, bĩu bĩu môi tỏ ý bảo Quan Vũ luyện. Quan Vũ hiểu ý, cầm đại đao lên, múa lại những gì mình đã học được cho thần vượn xem.
Thần vượn cẩn thận quan sát rồi khẽ gật đầu, mỉm cười tỏ vẻ hài lòng, vui sướng, sau đó thần vượn hóa thành đường ánh sáng trắng vút lên trời xanh rời đi. Quan Vũ theo phương hướng thần vượn biến mất, Quan Vũ bần thần một lúc rồi nghĩ, thần vượn không thể nói, bộ đao pháp này cũng không biết tên là gì, nghĩ thật là đáng tiếc.
Quan Vũ vừa nghĩ xong thì ngay lập tức trên trời đột nhiên rơi xuống một dải lụa trắng, trên đó có viết bài thơ:
Huyền nữ tọa hạ viên chân quân, vi thụ xuân thu thiên lý hành.
Quân hậu bất khả sinh giải đãi, đào viên chi trung nhân chủ hưng.
Tạm dịch
Huyền Nữ hóa thân khỉ, thuận ý trời truyền binh pháp Xuân Thu
Nghiệp phò vua không buông trễ, kết nghĩa vườn đào sử sách ghi.
Quan Vũ bừng tỉnh đại ngộ, hóa ra thần vượn là đồ đệ của Cửu Thiên Huyền Nữ. Cửu Thiên Huyền Nữ là tiên nữ chỉ xuất hiện mỗi khi thiên tượng có đại biến, để dạy người ta binh thư và bí thuật, để dẫn dắt hướng đi của lịch sử, vì thế còn được gọi là nữ chiến thần.
Quan Vũ mừng thầm trong tâm nghĩ mình có thể được Cửu Thiên Huyền Nữ dạy bảo, tương lai ắt sẽ có sứ mệnh. Thảo nào cảm thấy bộ kiếm pháp này trông rất quen, thì ra là từ sách “Xuân Thu” diễn hóa mà đến.
“Xuân Thu” là do Khổng Tử viết, với những lời lẽ nhẹ nhàng, ý nghĩa sâu sắc. Bản tính của Quan Vũ và “Xuân Thu” là tương hợp với nhau, vì thế bộ đao pháp này thực sự phù hợp với Quan Vũ.
Đây chính là lý do vì sao trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” thường viết Quan Vũ cầm đuốc đọc sách “Xuân Thu”, bí mật trong đó chính là như vậy. Lý giải “Xuân Thu” càng sâu, đao pháp càng lợi hại, vì thế Quan Vũ tay không rời “Xuân Thu”, đàm luận về Xuân Thu.
Hai câu cuối của bài thơ đã chỉ ra cho Quan Vũ sau này sẽ có mệnh quân hầu, chỉ cần tìm được chủ nhân. Do đó Quan Vũ hăng hái đọc thấm nhuần “Xuân thu”, khổ luyện đao pháp, âm thầm chờ đợi chủ nhân xuất hiện.

Lê Hiếu biên dịch