Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Xử lý hình sự ông Thăng chỉ là kế sách yên dân?

Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 13/5 vừa qua đã nói rằng việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho thôi chức vụ trong bộ Chính trị và cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM mới là xử lý vi phạm về mặt Đảng, còn xử lý hình sự thì “đang làm”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng (trái) tại kỳ họp quốc hội tại Hà Nội ngày 20 tháng 10 năm 2016.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng (trái) tại kỳ họp quốc hội tại Hà Nội ngày 20 tháng 10 năm 2016. AFP photo
Có khả thi hay chỉ là “đầu voi đuôi chuột”?

Mạng báo Thanh niên hôm 13/5 đã trích nguyên văn lời Tống bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, Hà Nội: Vừa rồi động đến một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, lớn đến như thế. Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm.

Trước phát biểu trên của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội nhận xét rằng việc xử lý hình sự một Uỷ viên trung ương Đảng như ông Đinh La Thăng rất khó do những thủ tục phức tạp:

Ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo và thôi chức vụ ủy viên bộ Chính trị, đồng thời cũng là thôi nhiệm vụ Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ông ấy còn một chức vụ quan trọng là Uỷ viên trung ương Đảng. Muốn xử lý hình sự một ủy viên trung ương Đảng thì nhiều thủ tục, nhiêu khê lắm, và dĩ nhiên phải được sự đồng ý của bộ chính trị. Bộ chính trị quyết định kỷ luật ông Đinh Lan Thăng như vậy là thảo đáng hợp tình hợp lý rồi. Cho nên nói là sẽ xử lý hình sự thì nói vậy thôi chứ để vượt qua những ràng buộc, những văn bản của ban Bí thư Bộ chính trị như chỉ thị 15 thì cũng không đơn giản.

Bây giờ mà kỷ luật hình sự ông Thăng thì chắc chắn sẽ phải kỷ luật Bộ chính trị lúc bấy giờ. Và lúc đó Tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh và Chủ tịch quốc hội là Nguyễn Phú Trọng.
- Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Chỉ thị 15 mà luật sư Trần Quốc Thuận đề cập được Bộ chính trị ban hành ngày 7/7/2007 dưới thời tổng bí thư Nông Đức Mạnh, theo đó, những vụ án tham nhũng lớn liên quan đến đảng viên phải do nội bộ đảng xử lý trước. Lực lượng công an chỉ được điều tra sau khi có quyết định chính thức của đảng cộng sản. Hồi giữa năm 2016, dư luận từng xôn xao vụ việc Tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc công an TPHCM nói tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, rằng lý do trinh sát không phát hiện được tham nhũng là do phải tuân theo chỉ thị 15. Ông Minh nói thêm rằng hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên.

Tuy theo đánh giá của luật sư Trần Quốc Thuận rằng khả năng ông Đinh La Thăng bị xử hình sự là gần như không có, nhưng ông phân tích rằng xét về mặt pháp lý, tội danh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì những thiệt hại lớn mà ông Đinh La Thăng gây ra, có thể phải chịu án tù từ 20 năm đến 30 năm.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS cũng cho rằng việc xử lý hình sự ông Đinh La Thăng là không thể bởi vì theo ông những sai phạm thời ông Thăng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN có liên quan đến cả bộ Chính trị lúc bấy giờ bởi vì giai đoạn đó Bộ này trực tiếp quản lý PVN:

Tập đoàn dầu khí từ năm 2007-2011 được gọi là Tổng công ty 91, là công ty quan trọng nhất của Nhà nước và trực thuộc thẳng sự chỉ đạo bộ Chính trị và giao cho Thủ tướng chính phủ theo dõi trực tiếp không qua một Bộ nào hết. Tất cả các quyết định chiến lược của Tập đoàn này trong thực tế là pải được sự đồng ý của Bộ chính trị. Bây giờ mà kỷ luật hình sự ông Thăng thì chắc chắn sẽ phải kỷ luật Bộ chính trị lúc bấy giờ. Và lúc đó Tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh và Chủ tịch quốc hội là Nguyễn Phú Trọng.

Nhà báo Phạm Thành, cũng là chủ trang blog Bà Đầm Xòe cũng đồng quan điểm cho rằng khả năng xử lý hình sự ông Đinh La Thăng, biến thành một vụ án để khởi tố, điều tra và ra trước tòa là rất thấp. Theo ông, những lời nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ mang tính chất làm yên dân:

Bản thân ông Trọng có chiêu thức đánh chuột không vỡ bình. Mà vỡ bình tức là ông ấy phải xử lý vụ việc đến nơi đến chốn, đáng tội gì là phải xử lý đúng tội đấy theo luật Việt Nam. Nhưng ông Trọng không bao giờ làm chuyện đó mà chỉ tước bỏ quyền lực rồi xử lý kỷ luật đến mức đấy là thôi.

Theo quan sát của Nhà báo Phạm Thành thì nếu ông Đinh La Thăng bị xử lý hình sự thì ông Thăng sẽ phanh phui hàng loạt các vụ tham nhũng khác trong Đảng. Như vậy “chiếc bình” của Tổng bí thư sẽ bị vỡ:

Quan chức Việt Nam có ông nào không tham nhũng. Ông nào ở vị trí lớn thì tham nhũng được nhiều tiền. Ông nào vị trí thấp hơn thì tham nhũng được ít hơn. Bà Phó chủ tịch Quốc hội cũng từng nói rồi là quan chức ăn không từ một thứ gì của dân. Vừa rồi một ông đại biểu quốc hộ nào đó có nói rằng nếu không tham ô tham nhũng sẽ bị người ta cô lập đến chỗ chỉ còn mình mình.

Truyền thông Việt Nam hôm 7/5 cho biết, Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 của Ban chấp hành TƯ của Đảng CSVN, ông Đinh La Thăng đã nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo của Đảng và sau đó bị cho thôi các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

Hiện tại ông Đinh La Thăng được điều về làm Phó Ban kinh tế Trung ương.

Còn ai bị “lên thớt”?

Cũng tại cuộc tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, Hà Nội hôm 13/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng một loạt các nhân vật khác cũng đang được xem xét hình sự và kỷ luật về mặt Đảng.

Nhà báo Phạm Thành nhận định rằng việc xử lý hình sự các quan chức khác giống như lời Tổng Bí thư nói cũng là điều khó có thể xảy ra. Ông nói rằng những quan chức cấp thấp như ông Trịnh Xuân Thanh, hiện đang trốn ở nước ngoài và bị truy nã, chỉ là Phó chủ tịch một tỉnh, thì có thể sẽ bị xử lý hình sự nếu bắt được. Tuy nhiên, những quan chức cấp cao như Bộ trưởng, ủy viên Bộ Chính trị, theo ông Phạm Thành, khả năng gần như không có.

Việc xử lý hình sự các cán bộ cao cấp mà hiện sau khi kỷ luật vẫn còn là Đảng viên, ủy viên Trung ương, tiến tới một bước nữa là xử lý hình sự, thì khả năng đó, theo ý kiến cá nhân tôi, là không có!
- Luật sư Trần Quốc Thuận 

Họ không dám làm. Làm thì nát bét luôn. Các phe cánh sẽ dồn lại, và đánh nhau loạn tung bành. Ông Trọng có thể không biết. Bên Trung Quốc họ mớm cho ông ấy đường lối này để ông ấy làm. Ông ấy chỉ vặt một cái râu đến vậy là xong, để dọa các đồng chí của ông ấy, nhằm mục đích củng cố quyền lực và yên dân rằng trên trung ương cũng nghiêm như vậy đấy, để che mắt những người dân không hiểu rõ họ sẽ thấy hả hê.

Theo quan điểm của Luật sư Trần Quốc Thuận thì so với Trung Quốc việc xử lý hình sự các quan chức tham nhũng của Việt Nam chưa hiệu quả và triệt để bằng. Ở Trung Quốc nhiều trường hợp quan chức cấp cao tham nhũng bị đi tù nhưng chưa có trường hợp nào như vậy ở Việt Nam. Ông lấy ví dụ như vụ việc sai phạm của ông Đinh La Thăng xảy ra giai đoạn 2009-2011, nhưng sau đó ông này vẫn được vào Trung ương X, XI, XII và vẫn được làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải và được chọn vào bộ Chính trị. Chính vì vậy theo quan điểm cá nhân của ông, việc xử lý các quan chức khác cũng là điều khó xảy ra:

Việc xử lý hình sự các cán bộ cao cấp mà hiện sau khi kỷ luật vẫn còn là Đảng viên, ủy viên Trung ương, tiến tới một bước nữa là xử lý hình sự, thì khả năng đó, theo ý kiến cá nhân tôi, là không có!


Vụ việc kỷ luật ông Đinh La Thăng trong thời gian qua đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện chính sách  chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của ông chủ tịch kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, và trong trường hợp này con hổ lớn là ông Đinh La Thăng.

Lan Hương
(RFA)

Sự ra đời chiến lược ‘Việt Nam hóa chiến tranh’

Posted on  by The Observer

Print Friendly
Nguồn: Stephen B. Young, “The birth of ‘Vietnamization’,” The New York Times, April 28, 2017.
Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ngày 14 tháng 10 năm 1966, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, người chịu trách nhiệm chính cho cuộc chiến chống cộng sản tại Nam Việt Nam, đã thừa nhận thất bại của mình. Chỉ hơn một năm trước khi ông chính thức từ chức Bộ trưởng, ông đã gửi một báo cáo dài đến Tổng thống Lyndon Johnson, khéo léo thừa nhận rằng ông và Lầu Năm Góc không có chiến lược nào để kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho Nam Việt Nam.
Johnson nhanh chóng tìm kiếm một cách tiếp cận mới từ những người khác. Một tháng sau báo cáo của McNamara, Tổng thống yêu cầu hai người – Walt Rostow, cố vấn an ninh quốc gia, và Robert Komer, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia – phải đem lại một giải pháp hiệu quả hơn các chiến thuật chiến tranh tiêu hao và ném bom của McNamara.
Ngày 13 tháng 12 năm 1966, họ đề xuất “bổ trợ chiến dịch tấn công quân chủ lực phía địch và ném bom tấn công bằng các nỗ lực tăng cường nhằm bình định hóa vùng nông thôn và tăng cường sức lôi cuốn” của chính quyền Nam Việt. Thuật ngữ “Việt Nam hóa chiến tranh” đã ra đời một thời gian dài trước khi trở nên phổ biến.
Để triển khai kế hoạch này, Johnson đã chọn ba người: Ellsworth Bunker làm đại sứ Mỹ tại Sài Gòn; Komer chỉ huy một tổ chức chống nổi dậy mới; và Tướng Creighton Abrams tăng cường năng lực quân đội Nam Việt Nam để đánh bại quân chính quy Bắc Việt.
Bunker phải làm việc với lãnh đạo Nam Việt và đảm bảo sự phối hợp của mọi lực lượng – cả dân sự và quân sự, người Mỹ, và các nhà dân tộc chủ nghĩa Việt Nam. Komer và Abrams đảm nhiệm vị trí phó cho Tướng William Westmoreland tại trụ sở của ông này ở ngoại ô Sài Gòn.
Nhưng Bunker mới là người mà Johnson đánh giá có vai trò then chốt. Vai trò đó còn hơn cả nhiệm vụ ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Nam Việt Nam. Đó là giúp Mỹ thoát khỏi cuộc chiến. “Tôi đã giúp ông ấy thoát khỏi Cộng hòa Dominica và đạt được mục đích chính trị ở đó,” Bunker nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn. “Ông ấy muốn tôi làm điều tương tự ở Nam Việt Nam.”
Trong một cuộc gặp riêng không có tài liệu ghi lại, Johnson nói với Bunker rằng ông muốn bắt đầu rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam. Nhưng trước khi các lực lượng này có thể rời đi, một quân đội Nam Việt Nam mạnh hơn, hoàn thiện hơn phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong các chiến dịch tìm và diệt nhằm giữ chân quân đội Hà Nội trên núi và gần biên giới, tách biệt khỏi dân chúng.
Đồng thời, Johnson muốn người Nam Việt Nam phải tăng tốc quá trình phát triển dân chủ và chịu trách nhiệm hoàn toàn về vận mệnh chính trị của Nam Việt. Nói ngắn gọn, Johnson muốn vai trò của Mỹ tại Việt Nam giảm đi với tốc độ tương ứng với sự tăng cường tự lực của Nam Việt.
Johnson và đội ngũ lãnh đạo mới ở Sài Gòn đã tổ chức một cuộc gặp tại đảo Guam vào ngày 20 tháng 3 năm 1967, với hai người đứng đầu chính quyền Nam Việt Nam, Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Họ trình bày với tổng thống một bản hiến pháp mới cho Nam Việt Nam, trong đó kêu gọi các hệ thống kiểm soát và cân bằng, và phân quyền xuống cho các hội đồng địa phương dân cử tại các tỉnh và làng xã.
Tổng thống Johnson đã coi nhẹ tầm quan trọng của cuộc gặp; ông nhấn mạnh trước công chúng rằng cuộc gặp này không bàn về những khía cạnh quân sự của nỗ lực chiến tranh, mà chỉ nói rằng “Tôi nghĩ chúng ta có một vấn đề khó khăn, nghiêm trọng, kéo dài, dai dẳng, đau đớn mà chúng ta vẫn chưa có lời giải đáp.” Nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của cuộc gặp ở Guam. Johnson đã dùng nó để thiết lập một hệ tiêu chí mới nhằm đánh giá thành công trong nỗ lực chiến tranh: xây dựng nhà nước, rút khỏi chiến tranh.
Hai ngày trước cuộc gặp tại Guam, Tướng Westmoreland đã yêu cầu tăng viện 85.000 lính nhằm tăng cường các chiến dịch trên chiến trường để “tránh một cuộc chiến kéo dài phi lý.” Tại Guam, Westmoreland bảo vệ yêu cầu tăng viện của mình. Bunker đã theo dõi phản ứng của Johnson trước báo cáo của Westmoreland. Tâm trạng và vẻ mặt của ngài tổng thống thể hiện sự không thoải mái khi nghe bản phân tích đầy lo ngại của Westmoreland, nó gần như khẳng định lại đánh giá trước đây của McNamara rằng chiến lược chiến tranh cường độ cao của Lầu Năm Góc không thể nào dập tắt quyết tâm của Hà Nội.
Quả thật là Johnson đã phản đối tăng viện. Khi Westmoreland đến Washington một tháng sau đó để tiếp tục yêu cầu tăng quân, Tổng thống trả lời: “Khi chúng ta tăng thêm các sư đoàn, chẳng lẽ phía địch không thể tăng thêm các sư đoàn tương ứng? Nếu cứ như vậy thì khi nào tất cả mới kết thúc?” Vài tháng sau, Johnson đáp ứng một phần đòi hỏi của Westmoreland, gửi thêm 45.000 quân chiến đấu, khoảng một nửa số lượng ông này yêu cầu.
Bunker tới Sài Gòn vào cuối tháng 4 năm 1967, nơi ông phải thể hiện rõ rằng cách tiếp cận của Washington đã thay đổi. Sẽ không còn là một cuộc chiến “sức mạnh cứng” được tiến hành chủ yếu bởi các đơn vị chiến đấu của Mỹ ở Nam Việt Nam, được hỗ trợ bởi chiến dịch ném bom miền Bắc của Mỹ, với tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến vũ trang này. Thay vào đó, ngày 28 tháng 4, Bunker nói với Thiệu rằng “bản chất của thành công” nằm ở việc đem lại an ninh cho tất cả các thôn ấp trên khắp vùng nông thôn.
Bunker đặt ra cho mình bốn nhiệm vụ chính: thuyết phục lãnh đạo Nam Việt Nam về nhu cầu xây dựng một chính phủ chính danh đại diện cho các lực lượng chính trị đa dạng trong nước; tiến hành một chương trình bình định hóa nhằm mang lại hòa bình và trật tự cho làng xã nông thôn; chuẩn bị cho quân đội Nam Việt Nam để tiếp quản gánh nặng chiến đấu trực tiếp với các lực lượng Cộng sản; và thúc đẩy sự phát triển kinh tế để cải thiện điều kiện sống và gây dựng ngân sách cho cuộc chiến chống lại Bắc Việt.
Nói cách khác, mục tiêu của Ellsworth là chuyển gánh nặng duy trì Nam Việt Nam tồn tại như một nước cộng hòa độc lập từ Hoa Kỳ sang cho chính Nam Việt Nam.
Được cử làm phó cho Westmoreland và phụ trách việc bình định hóa, Komer ngay lập tức bắt đầu xây dựng một tổ chức mới – tổ chức Phát triển Cách mạng và Hoạt động Dân sự (CORDS) – nơi tập hợp các cố vấn quân sự và dân sự Mỹ để phối hợp với Nam Việt Nam trong việc vận động dân chúng chống lại Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hay Việt Cộng.
Tại thời điểm đó, mọi thứ có vẻ đang đi đúng hướng. Nam Việt Nam thông qua bản hiến pháp mới, các cuộc bầu cử mang lại một Quốc hội lưỡng viện, và hàng nghìn người đứng đầu các thôn ấp được người dân lựa chọn. Và một chiến dịch tranh cử tổng thống tương đối minh bạch kết thúc với kết quả là Nguyễn Văn Thiệu đắc cử tổng thống và Nguyễn Cao Kỳ đắc cử phó tổng thống. Nam Việt Nam nay đã có một cơ sở hạ tầng chính trị để hỗ trợ các làng xóm, phát triển kinh tế và cung cấp nhiều nhân lực hơn cho lực lượng vũ trang.
Westmoreland cũng có những điều chỉnh đối với các nỗ lực quân sự theo chiến lược mới. Trong một bài phát biểu trước công chúng tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington ngày 21 tháng 11 năm 1967, ông công bố kế hoạch kết thúc cuộc chiến của Mỹ tại Nam Việt Nam. Ông gọi đây là “Giai đoạn IV” hay “giai đoạn cuối cùng,” trong đó lực lượng quân đội Mỹ trở nên “dần dần không còn cần thiết” đối với việc phòng thủ Nam Việt. “Các đơn vị Mỹ có thể bắt đầu giảm dần quân số bởi Quân đội Nam Việt đã được hiện đại hóa và tăng cường năng lực đến mức cao nhất.” Xuất hiện trên chương trình truyền hình “Gặp gỡ báo chí” sau bài phát biểu, Westmoreland dự đoán rằng các lực lượng Mỹ sẽ bắt đầu rút khỏi Nam Việt Nam trong “hai năm nữa hoặc ít hơn.”
Ông ấy đã đúng: các lực lượng Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi chiến trường vào tháng 8 năm 1969 – nhưng đó là sau khi thêm 21.000 lính Mỹ nữa tử trận.
Stephen B. Young là giám đốc điều hành toàn cầu mạng lưới Caux Round Table. Ông làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ở Nam Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Hình: Đại sứ Ellsworth Bunker trình quốc thư lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 28/04/1967. Nguồn: NYT.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/05/16/su-ra-doi-chien-luoc-viet-nam-hoa-chien-tranh/#sthash.1Ap0txLX.dpuf

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Lê Quốc Quân - Triều Tiên làm thay đổi Việt Nam

Bắc Hàn lại vừa bắn 1 quả tên lửa bay đến sát Nga. Nghĩ về những diễn biến gần đây ở Bắc Hàn và thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói là sẽ phải giải quyết, tôi cho rằng có thể là một khởi phát cho những thay đổi tại Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thực tế tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chưa bao giờ nhắc đến Việt Nam như là một định hướng chính sách. Trump cũng chưa bao giờ để tâm nhiều đến chuyện dân chủ hay nhân quyền yếu kém tại Việt Nam hoặc coi Việt Nam như là một cơ hội kinh doanh tiềm tàng như ở Indonesia hay Singapore.

Việc làm đầu tiên trong ngày thứ 2 cầm quyền là ông ký Sắc lệnh bãi bỏ TPP mà Việt Nam đã háo hức tham gia và sắp sửa đưa ra quốc hội chuẩn thuận.

Nhưng câu chuyện thay đổi ở đây liên quan đến tương quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trump là một doanh nhân, một người biết “deal”. Bởi vậy, để giải quyết vấn đề Triều Tiên, Trump cũng có thể nhượng bộ một số điều với Trung Quốc, ví dụ như vấn đề cán cân thương mại, tương quan với Đài Loan hay Biển Đông của Việt Nam.

Cho đến bây giờ thì tôi tin là Trump không nhượng bộ với Trung Quốc ở Biển Đông để xử lý vấn đề Triều Tiên chỉ đơn giản là vì không cần thiết. Mỹ chỉ cần thông báo với Trung Quốc ý định “xử lý” là đủ chứ chưa thèm mặc cả với Trung Quốc để tiến hành.

Nhưng nếu như có xung đột, sau khi đã hạ gục nhanh Bắc Hàn, quá trình thống nhất và gây dựng một Đại Hàn Dân Quốc 75 triệu dân trong dân chủ, tự do sẽ phức tạp, kéo dài và Trung Quốc can thiệp nhiều hơn, sẽ có nhiều tranh chấp và mặc cả hơn và món đổi chác dễ nhất đối với Trump là Biển Đông.

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Dòng thủy triều trên trái đất còn bị tác động bởi mặt trăng xa xôi thì đất nước Việt Nam nhỏ bé chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động của những nước lớn. Trong suốt mấy ngàn năm phát triển, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Trong Thế kỷ 19 và 20, Việt Nam bị tác động bởi nhiều nước lớn khác, trong đó có cả Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nga nhưng giờ đây chỉ còn 2 cường quốc có thể va chạm nhau nhiều về quyền lợi quanh Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc.

Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn lớn tiếng chủ động, độc lập và không liên kết nhưng thực ra cũng như cá chậu chim lồng, đi đâu làm gì cũng phải ngó nghiêng. Muốn có một đoàn đi thăm Mỹ thì trước đó cũng phải dò qua Trung Quốc. 

Chính quyền Việt Nam ngày càng gần gũi với Trung Quốc, không chỉ chính trị mà còn về kinh tế. Càng tăng cường hợp tác, càng vay nợ nhiều, càng xây dựng nhiều xa lộ dọc biên dưới xuôi xuống phía Nam, thì Việt Nam càng lệ thuộc Trung Quốc.

Trung Quốc có vẻ cảm thây Việt Nam như trong lòng bàn tay của mình. Đến 70% rau, củ quả ở chợ đầu mối Hà Nội đến từ Trung Quốc và hàng hóa đi từ bên kia biên giới đổ về còn nhanh hơn đưa trong Thanh Hóa đưa ra. Phần lớn đồ gia dụng trong các gia đình nông thông ở Việt Nam đều là hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc.  

Trung Quốc hầu như chủ động hoàn toàn về việc định giá các loại hàng hóa, không chỉ là khoáng sản hay vật liệu thô mà còn cả thực phẩm và đồ nông sản. Thâm thụt ngân sách với Trung Quốc càng ngày càng cao.

Khi nắm chặt Việt Nam, Trung Quốc có nhiều cơ hội làm giá, và họ có quyền ra giá cao và hiệu quả đến mức ngay cả Asean cũng đã nhiều lần trở mặt.   

Lo ngại Mỹ bắt tay với Trung Quốc

Mỹ thì lại có một hướng tiếp cận khác, Mỹ hiểu rất rõ “lòng dân” đã khác “ý đảng” ở Việt Nam hiện nay nhưng họ chưa bao giờ mong muốn hoặc có “âm mưu” cho sự thay đổi như chính quyền Việt Nam vẫn đôi khi cáo buộc.

Theo tôi cảm nhận thì các đời đại sứ Hoa Kỳ của Mỹ ở Việt Nam vẫn lên tiếng cho dân chủ, nhân quyền nhưng mặt khác đều ủng hộ sự ổn định của chính quyền Việt Nam, dù kín đáo hay công khai.

Việt Nam đang là thị trường kinh tế tốt cho những chính sách về thương mại của Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đều coi Việt Nam như là một đối tác thương mại.

Thực tế Mỹ cũng chẳng có quyền lợi gì nhiều ở Việt Nam ngoài tuyến hải hành ở Biển Đông và một chút gì đó khó định nghĩa ở xa xăm. Nhưng vì vai trò của Việt Nam trong tương lai ổn định của thế giới hòa bình, Hoa Kỳ sẽ có những can thiệp hoặc nhượng bộ để mọi việc thật sự phải ổn định.

Cần đi trước với Hoa Kỳ

Nhân dân Việt Nam có xu hướng “ghét” Trung Quốc và muốn hướng sang Hoa Kỳ. Điều này thể hiện rõ qua việc người dân đón tiếp nguyên thủ của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bởi vậy để đi trước một bước, thiết nghĩ Việt Nam sẽ phải chấp nhận một số nhượng bộ, đưa “ý đảng về sát với lòng dân”, gần gũi với Hoa Kỳ trước khi vấn đề Triều Tiên được giải quyết, trước cả khi Hoa Kỳ thật sự cần Trung Quốc trong việc dàn xếp một nước Đại Hàn Dân Quốc thống nhất trong hòa bình.

Trong hai mối quan hệ thì Hoa Kỳ chắc chắn ưu tiên với Trung Quốc vì ở đó họ có nhiều lợi ích hơn. Thế nhưng khi Trung Quốc đang cố tình đối đầu Hoa Kỳ trong nhiều chuyện, thì Việt Nam nên học hỏi Hàn Quốc hay Nhật Bản khi xưa, khiêm tốn nép mình mà nhận làm đàn em để được Hoa Kỳ giúp đỡ vươn lên.

Chúng ta không có quyền lựa chọn vị trí địa lý, nhưng chúng ta có quyền chọn đồng minh. Nếu chúng ta tiếp tục dính sâu vào Trung Quốc và sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ tăng lên thì Việt Nam buộc phải lựa chọn. Khi đó, kịch bản những năm 1954 về sự chia cắt và binh đao cho dân tộc có thể lại lặp lại.

Vậy thì tại sao không phải ngay bây giờ đảng Cộng sản hãy học lại những bài học cũ và định hướng đi cho đúng, tránh những thảm họa cho dân tộc trong tương lai.

Nghĩ về tương lai

Nghĩ về tương lai mà lo sợ về những sự cắt bởi các thế lực lớn. Thực tế lịch sử chứng minh chia đôi hay thống nhất Việt Nam là điều không khó nếu Trung Quốc muốn. Đọc về Hiệp ước Thiên Tân ký giữa chính quyền Pháp và Nhà Thanh năm 1885 và sau đó là Tuyên cáo chung Thượng Hải giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ký năm 1972 mà thầm lo ngại về một cuộc mặc cả giữa các bên trong tương lai.

Nghĩ về đất nước hôm nay và tương lai mà thấy lo lắng thấy chính lãnh đạo cũng tiếp tục giả mù giả điếc để tin và một lý tưởng xa xôi nào đó bên ngoài mà càng ngày càng dựa vào ngoại bang, không thấy những nguy cơ xung đột, chia cắt, động loạn binh đao trong 20 năm tới.  

Nghĩ về tương lai mà thấy lo cho chính những người Cộng sản khi bên trong không chân thành lắng nghe quyền lợi chính đáng của Nhân dân, để thật sự cho dân được nói, cùng dân bàn bạc để gây dựng tương lai.

Nghĩ về tương lai mà thấy cái lo khi các cuộc biểu tình ngày càng nhiều, tính bạo lực càng cao, những kích động xung đột tôn giáo do chính nhà nước tiến hành đang có dấu hiệu gia tăng. Cách giải quyết đều chỉ là vụn vặt, phần ngọn mà không giải quyết được mâu thuẫn tận gốc.

Trump sẽ sang Việt Nam vào tháng 11 năm nay. Hoa Kỳ đang định hình quan hệ với Châu Á trong đó có Việt Nam và đây là một cơ hội tốt, để những người cộng sản nghĩ về tương lai mà nhượng bộ nhiều hơn với Mỹ trong vấn đề Dân chủ, nhân quyền và Tôn giáo. 

Đó là cách đi trước một bước để gần hơn với ý của dân và tránh được cái giá của những cuộc mặc cả như vậy. Tiếp tục bắt bớ, truy đuổi những người yêu nước là Đảng cộng sản đang tự đứng về phía ngoại bang, làm hại dân tộc. 

Ls Lê Quốc Quân

(Blog Lê Quốc Quân)

Báo động cao ở vùng Viễn Đông, Nga có thể tấn công đáp trả Triều Tiên?; Thử tên lửa bay 700 km - cảnh báo Triều Tiên gửi Nga - Trung


Hải Võ | 

Báo động cao ở vùng Viễn Đông, Nga có thể tấn công đáp trả Triều Tiên?
(Ảnh: Sputnik)

Nga phản ứng vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo hôm 14/5 bằng cách đặt hệ thống phòng không vùng Viễn Đông nước này vào tình trạng báo động cao - theo RIA Novosti.



Mối đe dọa từ Triều Tiên với Nga
Thượng nghị sĩ Viktor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh ở Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông báo:
"Chúng ta phải hiểu rằng lãnh thổ Nga không chỉ là một mục tiêu tấn công, mà còn là địa điểm tên lửa có thể bay vào. Để bảo vệ chính mình khỏi những sự cố có khả năng xảy đến như vậy, chúng ta sẽ đặt hệ thống phòng không ở vùng Viễn Đông vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu."
Động thái hiếm thấy từ Moscow nhằm vào Bình Nhưỡng làm dấy lên nghi vấn về khả năng quân đội Nga sẵn sàng đáp trả bằng quân sự, thậm chí "tấn công phủ đầu" Triều Tiên.
Trong khi đó, phản ứng của Nhà Trắng được tờ Politico bình luận là "kích động" Nga trả đũa cứng rắn trước vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói hôm 14/5 rằng "tên lửa [của Triều Tiên] rơi quá gần lãnh thổ Nga, và thực tế là ở gần Nga hơn Nhật Bản. Tổng thống [Donald Trump] khó có thể hình dung Nga sẽ cảm thấy thoải mái về điều này".
"Triều Tiên đã là một mối đe dọa trong thời gian quá dài," thông cáo báo chí của Nhà Trắng nói. "Mỹ duy trì cam kết mạnh mẽ là sát cánh với đồng minh để đối đầu với mối đe dọa nghiêm trọng do Triều Tiên gây ra. Hãy để hành động khiêu khích mới nhất này là lời kêu gọi tất cả các nước áp đặt những lệnh cấm vận mạnh hơn chống lại Triều Tiên".
Theo nhận định của Global Times (Trung Quốc), Nga tin rằng xung đột ở các khu vực như miền Đông Ukraine và Syria đáng bận tâm hơn vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng nhìn từ thành phố Vladivostok ở Viễn Đông - cánh cửa của Nga ra Thái Bình Dương, một vài nguy cơ đã trở nên thực tế, như khả năng xung đột quân sự Mỹ-Triều Tiên.
Nga chỉ có vài chục km biên giới chung với Triều Tiên, nhưng đã "trải nghiệm" một vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng vài năm trước, khi tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga.
Moscow hiểu Bình Nhưỡng
Nga không phải là đồng minh của Triều Tiên, nhưng phía Nga cho rằng những gì Bình Nhưỡng đang làm là có lý do. Họ hiểu rằng vũ khí hạt nhân là bức tường bảo vệ cho sự tồn tại của chính quyền ở nước này trước Mỹ, mà ban lãnh đạo Triều Tiên học được từ trường hợp của Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi.
Với công nghệ tiến bộ nhanh chóng, việc các kỹ sư Triều Tiên có khả năng phát triển tên lửa hạt nhân phóng tới bờ Tây nước Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nga đã kết luận rằng sẽ chỉ vô ích nếu trông chờ Bình Nhưỡng tham gia vào các cuộc đàm phán hiệu quả nhằm hạn chế chương trình vũ khí của họ.
Theo kinh nghiệm của Moscow trong quá khứ, Washington sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn khả năng Triều Tiên phát triển vũ khí thành công. Vào năm 1962, chính quyền Kennedy thậm chí chấp nhận mạo hiểm nổ ra một cuộc chiến hạt nhân toàn diện với Liên Xô, chứ không cho phép Moscow bố trí tên lửa ở Cuba.
Tương tự, không sức ép chính trị hay trừng phạt kinh tế nào có thể buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Còn nếu hành động quân sự thì bán đảo sẽ bị đẩy đến bờ vực một cuộc chiến quy mô.
Báo động cao ở vùng Viễn Đông, Nga có thể tấn công đáp trả Triều Tiên? - Ảnh 1.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được Triều Tiên đưa ra trong lễ diễu binh hôm 15/4 tại Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)
Điều gì ngăn Nga tấn công Triều Tiên?
Theo Global Times, Nga - giống như Trung Quốc - lo ngại hơn về hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc.
Người Nga vẫn coi các lá chắn tên lửa Mỹ dù ở châu Á, châu Âu hay Bắc Mỹ như một phần của hệ thống hướng đến dài hạn, nhằm làm suy yếu sức uy hiếp của Moscow đối với Washington.
Chương trình hạt nhân Triều Tiên là lý do phù hợp để Mỹ triển khai THAAD, nhưng Nga tin rằng mục tiêu thực sự là Nga và Trung Quốc.
Mặt khác, phản ứng cứng rắn nhằm vào Bình Nhưỡng cũng là hành động "qua mặt" Bắc Kinh, làm hài lòng Mỹ và đồng minh. Đây đơn giản không phải là một lựa chọn cho Nga.
Đồng thời, Nga đang thận trọng để không bị Bình Nhưỡng lợi dụng. Global Times cho hay, trong quá khứ ban lãnh đạo Triều Tiên từng "gài bẫy" để Moscow chống lại Bắc Kinh.
Cho đến nay Nga vẫn giữ thái độ trung tính về cuộc khủng hoảng trên bán đảo. Họ không đưa ra phát ngôn ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc, và bày tỏ lòng tin rằng căng thẳng sẽ sớm hạ nhiệt bất chấp tình hình thực tế đang diễn ra trái ngược.
Global Times nhận định, Moscow gần như không thể bỏ qua việc điều phối hợp lý trong chính sách Triều Tiên với Bắc Kinh - đối tác chính trị, an ninh và kinh tế hàng đầu hiện nay.
Do đó, tên lửa Triều Tiên rơi gần Nga có thể là một đe dọa an ninh thực sự, nhưng khác với Nhật Bản, Moscow khó có khả năng đe dọa tấn công phủ đầu chống lại Bình Nhưỡng.
theo Trí Thức Trẻ

Thử tên lửa bay 700 km - cảnh báo Triều Tiên gửi Nga - Trung

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm qua có thể nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Nga và Trung Quốc rằng "chúng tôi hoàn toàn có thể chạm tới bạn".


thu-ten-lua-bay-700-km-canh-bao-trieu-tien-gui-nga-trung
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Triều Tiên sáng qua phóng tên lửa từ khu vực gần thành phố Kusong, tỉnh Bắc Pyongan. Giới chức Mỹ cho biết tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản sau một hành trình hơn 700 km. Bộ Quốc phòng Nhật Bản ước tính tên lửa Triều Tiên bay khoảng 30 phút và đạt đến độ cao 2.000 km trước khi rơi. Những số liệu trên trùng khớp với thông tin hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa ra, theo CNN.
KCNA cho hay vụ phóng thử nhằm mục tiêu xác định các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của mẫu tên lửa Triều Tiên mới phát triển, đủ khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân cỡ lớn.
Việc tên lửa Triều Tiên có thể vươn tới độ cao và thời gian bay lâu như vậy cho thấy phạm vi tấn công đã mở rộng đáng kể, chuyên gia nhận định. Nếu hoàn thành hành trình, nó đủ khả năng bắn tới đảo Guam ở Thái Bình Dương. Guam là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen.
Cảnh báo
Việc phóng tên lửa hướng về phía Nga dường như là cách để lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi thông điệp tới cả Moscow và Bắc Kinh, Carl Schuster, giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo Chung thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nhận xét.
Tên lửa Triều Tiên "nói với Nga rằng 'Tôi có thể chạm tới bạn'", ông Schuster nhấn mạnh. "Nó còn nói với Trung Quốc rằng 'Tôi không quan tâm bạn nghĩ gì. Tôi độc lập'".
"Trung Quốc sẽ vô cùng thất vọng", Tong Zhao, nhà phân tích Trung tâm chính xách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, nhận định. Ông chỉ ra mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang xấu đi khi Mỹ gia tăng sức ép với Trung Quốc để "kiềm tỏa" chương trình hạt nhân Triều Tiên. Vào tháng này, hãng thông tấn nhà nước Bình Nhưỡng cảnh báo Trung Quốc đang vượt "lằn ranh đỏ" trong quan hệ hai nước, do Bắc Kinh nhảy theo "nhịp điệu của Mỹ".
Mỹ ước tính tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng biển cách khu vực Vladivostok, Nga, 96 km về phía nam. Tuy nhiên, Nga khẳng định tên lửa rơi cách biên giới nước này 500 km và không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào.
Trung Quốc hôm qua tổ chức Diễn đàn Vành đai và Con đường quy tụ nhiều lãnh đạo hàng đầu thế giới. Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng phái đoàn Triều Tiên cũng tham dự sự kiện.
Theo Schuster, thời điểm Bình Nhưỡng phóng tên lửa "không phải sự trùng hợp" và có lẽ ông Kim đang muốn kéo Nga tham gia sâu hơn vào cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua cho biết ông Putin quan ngại bởi vụ phóng và "sự leo thang căng thẳng" trong khu vực.
"Đấy là cách ông ấy nói với người Nga rằng 'Các bạn cần lên tiếng'" và ngăn cản các biện pháp trừng phạt do Mỹ đề xuất nhằm vào Triều Tiên, Schuster đánh giá.
Mô phỏng hành trình của tên lửa Triều Tiên

Ông Peter Layton, chuyên gia tại Viện châu Á Griffith ở Brisbane, Australia, cho rằng Triều Tiên khả năng có lý do khác khi phóng tên lửa tới vị trí gần Nga. Bình Nhưỡng dường như muốn phóng tên lửa ra xa khỏi phạm vi hoạt động của radar Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ để tránh bị thu thập thông tin.
"Radar dễ phát hiện tên lửa tiến đến gần chúng hơn là cách xa khỏi chúng", ông Layton nói.
Mỹ hôm qua kêu gọi trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên vì vụ phóng tên lửa. "Với việc tên lửa rơi gần đất Nga, thực tế, gần Nga hơn so với Nhật Bản, Tổng thống (Donald Trump) không thể tưởng tượng rằng Nga sẽ hài lòng", thông báo từ Nhà Trắng có đoạn. "Hãy để hành động khiêu khích mới nhất này trở thành lời kêu gọi các quốc gia áp đặt những lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên".
Trung Quốc trong khi đó lại kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. "Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên phức tạp và nhạy cảm. Tất cả các bên nên kiềm chế và hạn chế những hành động có thể gây leo thang căng thẳng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ thái độ phản đối kịch liệt, gọi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động "không thể chấp nhận", đe dọa Nhật Bản cũng như vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Vũ Hoàng