Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Báo động cao ở vùng Viễn Đông, Nga có thể tấn công đáp trả Triều Tiên?; Thử tên lửa bay 700 km - cảnh báo Triều Tiên gửi Nga - Trung


Hải Võ | 

Báo động cao ở vùng Viễn Đông, Nga có thể tấn công đáp trả Triều Tiên?
(Ảnh: Sputnik)

Nga phản ứng vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo hôm 14/5 bằng cách đặt hệ thống phòng không vùng Viễn Đông nước này vào tình trạng báo động cao - theo RIA Novosti.



Mối đe dọa từ Triều Tiên với Nga
Thượng nghị sĩ Viktor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh ở Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông báo:
"Chúng ta phải hiểu rằng lãnh thổ Nga không chỉ là một mục tiêu tấn công, mà còn là địa điểm tên lửa có thể bay vào. Để bảo vệ chính mình khỏi những sự cố có khả năng xảy đến như vậy, chúng ta sẽ đặt hệ thống phòng không ở vùng Viễn Đông vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu."
Động thái hiếm thấy từ Moscow nhằm vào Bình Nhưỡng làm dấy lên nghi vấn về khả năng quân đội Nga sẵn sàng đáp trả bằng quân sự, thậm chí "tấn công phủ đầu" Triều Tiên.
Trong khi đó, phản ứng của Nhà Trắng được tờ Politico bình luận là "kích động" Nga trả đũa cứng rắn trước vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói hôm 14/5 rằng "tên lửa [của Triều Tiên] rơi quá gần lãnh thổ Nga, và thực tế là ở gần Nga hơn Nhật Bản. Tổng thống [Donald Trump] khó có thể hình dung Nga sẽ cảm thấy thoải mái về điều này".
"Triều Tiên đã là một mối đe dọa trong thời gian quá dài," thông cáo báo chí của Nhà Trắng nói. "Mỹ duy trì cam kết mạnh mẽ là sát cánh với đồng minh để đối đầu với mối đe dọa nghiêm trọng do Triều Tiên gây ra. Hãy để hành động khiêu khích mới nhất này là lời kêu gọi tất cả các nước áp đặt những lệnh cấm vận mạnh hơn chống lại Triều Tiên".
Theo nhận định của Global Times (Trung Quốc), Nga tin rằng xung đột ở các khu vực như miền Đông Ukraine và Syria đáng bận tâm hơn vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng nhìn từ thành phố Vladivostok ở Viễn Đông - cánh cửa của Nga ra Thái Bình Dương, một vài nguy cơ đã trở nên thực tế, như khả năng xung đột quân sự Mỹ-Triều Tiên.
Nga chỉ có vài chục km biên giới chung với Triều Tiên, nhưng đã "trải nghiệm" một vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng vài năm trước, khi tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga.
Moscow hiểu Bình Nhưỡng
Nga không phải là đồng minh của Triều Tiên, nhưng phía Nga cho rằng những gì Bình Nhưỡng đang làm là có lý do. Họ hiểu rằng vũ khí hạt nhân là bức tường bảo vệ cho sự tồn tại của chính quyền ở nước này trước Mỹ, mà ban lãnh đạo Triều Tiên học được từ trường hợp của Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi.
Với công nghệ tiến bộ nhanh chóng, việc các kỹ sư Triều Tiên có khả năng phát triển tên lửa hạt nhân phóng tới bờ Tây nước Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nga đã kết luận rằng sẽ chỉ vô ích nếu trông chờ Bình Nhưỡng tham gia vào các cuộc đàm phán hiệu quả nhằm hạn chế chương trình vũ khí của họ.
Theo kinh nghiệm của Moscow trong quá khứ, Washington sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn khả năng Triều Tiên phát triển vũ khí thành công. Vào năm 1962, chính quyền Kennedy thậm chí chấp nhận mạo hiểm nổ ra một cuộc chiến hạt nhân toàn diện với Liên Xô, chứ không cho phép Moscow bố trí tên lửa ở Cuba.
Tương tự, không sức ép chính trị hay trừng phạt kinh tế nào có thể buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Còn nếu hành động quân sự thì bán đảo sẽ bị đẩy đến bờ vực một cuộc chiến quy mô.
Báo động cao ở vùng Viễn Đông, Nga có thể tấn công đáp trả Triều Tiên? - Ảnh 1.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được Triều Tiên đưa ra trong lễ diễu binh hôm 15/4 tại Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)
Điều gì ngăn Nga tấn công Triều Tiên?
Theo Global Times, Nga - giống như Trung Quốc - lo ngại hơn về hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc.
Người Nga vẫn coi các lá chắn tên lửa Mỹ dù ở châu Á, châu Âu hay Bắc Mỹ như một phần của hệ thống hướng đến dài hạn, nhằm làm suy yếu sức uy hiếp của Moscow đối với Washington.
Chương trình hạt nhân Triều Tiên là lý do phù hợp để Mỹ triển khai THAAD, nhưng Nga tin rằng mục tiêu thực sự là Nga và Trung Quốc.
Mặt khác, phản ứng cứng rắn nhằm vào Bình Nhưỡng cũng là hành động "qua mặt" Bắc Kinh, làm hài lòng Mỹ và đồng minh. Đây đơn giản không phải là một lựa chọn cho Nga.
Đồng thời, Nga đang thận trọng để không bị Bình Nhưỡng lợi dụng. Global Times cho hay, trong quá khứ ban lãnh đạo Triều Tiên từng "gài bẫy" để Moscow chống lại Bắc Kinh.
Cho đến nay Nga vẫn giữ thái độ trung tính về cuộc khủng hoảng trên bán đảo. Họ không đưa ra phát ngôn ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc, và bày tỏ lòng tin rằng căng thẳng sẽ sớm hạ nhiệt bất chấp tình hình thực tế đang diễn ra trái ngược.
Global Times nhận định, Moscow gần như không thể bỏ qua việc điều phối hợp lý trong chính sách Triều Tiên với Bắc Kinh - đối tác chính trị, an ninh và kinh tế hàng đầu hiện nay.
Do đó, tên lửa Triều Tiên rơi gần Nga có thể là một đe dọa an ninh thực sự, nhưng khác với Nhật Bản, Moscow khó có khả năng đe dọa tấn công phủ đầu chống lại Bình Nhưỡng.
theo Trí Thức Trẻ

Thử tên lửa bay 700 km - cảnh báo Triều Tiên gửi Nga - Trung

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm qua có thể nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Nga và Trung Quốc rằng "chúng tôi hoàn toàn có thể chạm tới bạn".


thu-ten-lua-bay-700-km-canh-bao-trieu-tien-gui-nga-trung
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Triều Tiên sáng qua phóng tên lửa từ khu vực gần thành phố Kusong, tỉnh Bắc Pyongan. Giới chức Mỹ cho biết tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản sau một hành trình hơn 700 km. Bộ Quốc phòng Nhật Bản ước tính tên lửa Triều Tiên bay khoảng 30 phút và đạt đến độ cao 2.000 km trước khi rơi. Những số liệu trên trùng khớp với thông tin hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa ra, theo CNN.
KCNA cho hay vụ phóng thử nhằm mục tiêu xác định các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của mẫu tên lửa Triều Tiên mới phát triển, đủ khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân cỡ lớn.
Việc tên lửa Triều Tiên có thể vươn tới độ cao và thời gian bay lâu như vậy cho thấy phạm vi tấn công đã mở rộng đáng kể, chuyên gia nhận định. Nếu hoàn thành hành trình, nó đủ khả năng bắn tới đảo Guam ở Thái Bình Dương. Guam là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen.
Cảnh báo
Việc phóng tên lửa hướng về phía Nga dường như là cách để lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi thông điệp tới cả Moscow và Bắc Kinh, Carl Schuster, giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo Chung thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nhận xét.
Tên lửa Triều Tiên "nói với Nga rằng 'Tôi có thể chạm tới bạn'", ông Schuster nhấn mạnh. "Nó còn nói với Trung Quốc rằng 'Tôi không quan tâm bạn nghĩ gì. Tôi độc lập'".
"Trung Quốc sẽ vô cùng thất vọng", Tong Zhao, nhà phân tích Trung tâm chính xách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, nhận định. Ông chỉ ra mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang xấu đi khi Mỹ gia tăng sức ép với Trung Quốc để "kiềm tỏa" chương trình hạt nhân Triều Tiên. Vào tháng này, hãng thông tấn nhà nước Bình Nhưỡng cảnh báo Trung Quốc đang vượt "lằn ranh đỏ" trong quan hệ hai nước, do Bắc Kinh nhảy theo "nhịp điệu của Mỹ".
Mỹ ước tính tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng biển cách khu vực Vladivostok, Nga, 96 km về phía nam. Tuy nhiên, Nga khẳng định tên lửa rơi cách biên giới nước này 500 km và không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào.
Trung Quốc hôm qua tổ chức Diễn đàn Vành đai và Con đường quy tụ nhiều lãnh đạo hàng đầu thế giới. Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng phái đoàn Triều Tiên cũng tham dự sự kiện.
Theo Schuster, thời điểm Bình Nhưỡng phóng tên lửa "không phải sự trùng hợp" và có lẽ ông Kim đang muốn kéo Nga tham gia sâu hơn vào cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua cho biết ông Putin quan ngại bởi vụ phóng và "sự leo thang căng thẳng" trong khu vực.
"Đấy là cách ông ấy nói với người Nga rằng 'Các bạn cần lên tiếng'" và ngăn cản các biện pháp trừng phạt do Mỹ đề xuất nhằm vào Triều Tiên, Schuster đánh giá.
Mô phỏng hành trình của tên lửa Triều Tiên

Ông Peter Layton, chuyên gia tại Viện châu Á Griffith ở Brisbane, Australia, cho rằng Triều Tiên khả năng có lý do khác khi phóng tên lửa tới vị trí gần Nga. Bình Nhưỡng dường như muốn phóng tên lửa ra xa khỏi phạm vi hoạt động của radar Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ để tránh bị thu thập thông tin.
"Radar dễ phát hiện tên lửa tiến đến gần chúng hơn là cách xa khỏi chúng", ông Layton nói.
Mỹ hôm qua kêu gọi trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên vì vụ phóng tên lửa. "Với việc tên lửa rơi gần đất Nga, thực tế, gần Nga hơn so với Nhật Bản, Tổng thống (Donald Trump) không thể tưởng tượng rằng Nga sẽ hài lòng", thông báo từ Nhà Trắng có đoạn. "Hãy để hành động khiêu khích mới nhất này trở thành lời kêu gọi các quốc gia áp đặt những lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên".
Trung Quốc trong khi đó lại kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. "Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên phức tạp và nhạy cảm. Tất cả các bên nên kiềm chế và hạn chế những hành động có thể gây leo thang căng thẳng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ thái độ phản đối kịch liệt, gọi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động "không thể chấp nhận", đe dọa Nhật Bản cũng như vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Vũ Hoàng

Không có nhận xét nào: