Theo thông cáo báo chí, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã bắt tạm giam Hoàng Đức Bình (SN 1983, trú tại xóm 6, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyễn, Nghệ An) về hành vi ''Chống người thi hành công vụ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân'' quy định tại điều 257, 258 bộ luật Hình sự.
Thông cáo báo chí của Công an tỉnh Nghệ An
Trước đó, trong thờị gian sinh sống làm việc tại TP. HCM, Hoàng Đức Bình đã tham gia một số tổ chức, hội, nhóm chống đối, mang màu sắc chính trị như nhóm "NoU Sài Gòn", "Phong trào lao động Việt".
Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An cho hay, ngày 25/12/2015, Hoàng Đức Bình đã rải tờ rơi tại TP. HCM và bị Công an TP này bắt tạm giữ 24 tiếng để điều tra về hành vi rải tờ rơi lôi kéo người tham gia “Nghiệp đoàn Độc lập”; phạt vi phạm hành chính 24.000.000 đồng về hành vi vi phạm quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm.
Tuy nhiên, đối tượng Bình không nộp phạt, bỏ trốn về Nghệ An. Sau khi về Nghệ An, Bình thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng.
Sau sự cố môi trường biển miền Trung, với tư cách Phó chủ tịch “Phong trào lao động Việt", Hoàng Đức Bình đã xúc tiến, thành lập “Hiệp hội ngư dân miền Trung” với ý đồ tạo dựng tổ chức ngoại vi, tập hợp lực lượng, lôi kéo giáo dân, ngư dân miên Trung tham gia vào tổ chức, tìm chọn ''hạt nhân'' kích động biểu tình, phá rối an ninh.
Ngày 2/4, Hoàng Đức Bình và Bạch Hồng Quyền đã vào kích động quần chúng giáo xứ Trung Nghĩa (Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà Tĩnh) bao vây, tấn công tổ tuần tra của Công an huyện Lộc Hà và Công an xã Thạch Bằng...
Theo cơ quan CSĐT, việc thi hành lệnh bắt Hoàng Đức Bình đảm bảo theo đúng quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, có sự giám sát của đại diện Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An.
Kiến trúc nhà ở truyền thống của Trung Hoa có lịch sử rất lâu đời và phân bố rộng rãi. Tùy thuộc vào môi trường tự nhiên và tình hình nhân văn các khu vực, mà kiến trúc nhà ở các nơi cũng thể hiện bô ̣mặt đa dạng hoá.
Trung Quốc là một đất nước với khoảng 56 dân tộc cùng sinh sống, và giữa các vùng lãnh thổ có sự khác biệt rất lớn về khí hậu và địa hình, bởi vậy, nhà ở của người dân có sự đa dạng về kiến trúc, và phù hợp với nhu cầu thực tiễn cũng như điều kiện tự nhiên ở địa phương.
Nhà ở Trung Quốc cơ bản có thể phân làm một số loại như: Nhà ở kiểu quy củ (lạc viện), kiểu lầu cao và kiểu hang động. Trong tất cả các hình thức, kiểu quy củ là loại nhà phổ biến nhất ở Trung Quốc.
Nhà ở kiểu quy củ xuất hiện sớm nhất vào thời Tần – Hán (221 – 220 TCN), Tứ hợp viện Bắc Kinh là đại diện điển hình cho kiểu nhà này. Hai loại nhà còn lại thì có đặc trưng địa hình rõ nét, là loại hình kiến trúc bảo tồn được đặc trưng kiến trúc nguyên thủy nhiều nhất.
1. Tứ Hợp Viện (Siheyuan)
Một phần khung cảnh của tứ hợp viện ở Bắc Kinh. (Ảnh: China Daily)
Theo truyền thống, tứ hợp viện là nhà ở của một gia đình với nhiều thế hệ cùng chung sống. Giữa các thành viên gia đình cũng như nhà ở của họ được sắp xếp theo một trật tự nghiêm ngặt.
Các gian nhà trong Tứ hợp viện đều được sắp xếp dành cho chủ nhân theo thứ tự già trẻ lớn bé, những gian nhà khác bất luận ngang dọc hoặc cao thấp, trang trí cũng như xây dựng đều phải thấp hơn gian nhà chính. Kết cấu như vậy khiến cho gian nhà chính không những là trung tâm sinh hoạt của cả gia đình, mà còn là biểu tượng của đời sống tinh thần gia tộc.
Cửa chính của Tứ hợp viện. (Ảnh: Chuansong.me)
Tứ hợp viện là loại nhà ở khép kín; dùng những căn phòng, hành lang, tường bao để quây lại, chỉ có duy nhất một cửa thông ra ngoài, đóng cửa lại trở thành một góc trời riêng, có tính riêng tư rất lớn, vô cùng phù hợp để gia đình sinh sống.
Trước áp lực về dân số, các nhà phát triển và quy hoạch đô thị thường ưa chuộng nhà chung cư hơn hơn là kiểu truyền thống này. Tuy nhiên, cũng có một số dự án đang cố gắng tạo nên một cảm giác mới mẻ khi kết hợp giữa kiến trúc hiện đại với nguyên tắc thiết kế của tứ hợp viện – hồ đồng này.
2. Thổ Lâu (Tulou)
Một ngôi nhà Thổ lâu điển hình tại Phúc Kiến. (Ảnh: VYC Travel)
Nằm ở vùng Đông Nam của tỉnh Phúc Kiến, những “thổ lâu” độc đáo này chính là những ngôi nhà bằng đất của người Khách Gia (Hakka), được thiết kế và xây dựng từ thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ 20.
Thổ lâu là một điểm nhấn độc đáo trong kiến trúc Trung Hoa cổ đại. Người ta kết hợp giữa đất và xà gỗ để tạo nên những bức tường dày, hình trụ. Mỗi thổ lâu có chiều cao từ 3 đến 5 tầng, và nó tạo thành pháo đài bảo vệ người dân khỏi các đợt tấn công từ bên ngoài.
Mỗi thổ lâu chỉ có một lối vào duy nhất ở tầng một và không hề có cửa sổ. Ban công, cửa ra vào, và các không gian mở đều hướng vào bên trong của thổ lâu nhằm tối ưu việc bảo vệ cư dân khỏi nguy hiểm tiềm ẩn từ bên ngoài.
Mỗi nhà cấu trúc dạng này có thể chứa người của cả một gia tộc lên đến hàng trăm, và nó hoạt động như một ngôi làng nhỏ với không gian mở rộng rãi dành cho các hoạt động cộng đồng ở bên trong.
Thổ lâu điển hình ở Phúc Kiến. (Ảnh: Amusing Planet)
Không giống như cấu trúc phân chia nơi ở theo thứ bậc của tứ hợp viện, cư dân sinh sống trong thổ lâu được phân bố bình đẳng. Chính hình dạng vòng tròn của thổ lâu cũng phản ánh việc đề cao giá trị cao cộng đồng này. Năm 2008, tập hợp 46 thổ lâu đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
3. Nhà tre dân tộc Thái ở Vân Nam
Thôn trại của dân tộc Thái Tây Song Bản nạp, Vân Nam. (Ảnh: 8558.me)
Dân tộc Thái là một trong những dân tộc cổ xưa tại Vân Nam. Thôn trại dân tộc Thái thường phân bố trên những đồng cỏ rộng lớn và bên những dòng sông xanh trong, thuận tiện cho sản xuất, sinh hoạt và giặt giũ.
Mặt bằng nhà tre gần như là hình vuông, để thông gió, tỏa nhiệt và tránh ẩm, tầng trệt không ngăn vách, dùng làm nơi nuôi gia súc và chứa đồ đạc. Hành lang trước có mái che, xung quanh được rào bởi những lan can, không khí lưu thông, thoáng đãng, ánh sáng tốt, là nơi chủ nhân dùng để tiếp khách, hóng mát và sinh hoạt.
Những nhà tre nối liền thấp bằng nhau, dưới sự yểm trợ của những cây dừa và rừng trúc xanh mướt càng làm nổi bật sự hùng vĩ của tháp tre và Phật tự. (Ảnh: Chuansong.me)
Bên ngoài có sân phơi ngoài trời, dùng để đặt lu nước và phơi quần áo. Trong nhà là phòng sinh hoạt chung và phòng ngủ, trong phòng sinh hoạt chung có bếp lửa, dùng để nấu cơm và pha trà, là nơi cả gia đình đoàn tụ.
4. Diêu động (Yaodong)
Diêu động kết hợp với nhà hang gạch hình thành nên Tứ hợp viện. (Ảnh: Pinterest)
Diêu động là một kiểu kiến trúc nhà ở phổ biến của các tỉnh thuộc miền Bắc Trung Quốc, trong đó nổi tiếng nhất là ở tỉnh Thiểm Tây.
Diêu động, hay những ngôi nhà trong hang, sử dụng đất lấy từ sườn đồi như vật liệu cách nhiệt để điều chỉnh nhiệt độ, giúp mát mẻ vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông.
Các ngôi nhà có thể được tạo nên bằng cách đục trực tiếp vào sườn đồi, hay đào xuống đất để tạo ra một nơi cư trú dưới lòng đất, hoặc được xây dựng độc lập bằng gạch tự đóng. Nhiều ngôi nhà được xây dựng san sát nhau tạo thành một ngôi làng gồm nhiều cấp và là nơi sinh sống của một thị tộc hoặc gia đình mở rộng.
Khi ngày càng nhiều thanh niên rời làng đến các thành phố lớn để tìm việc làm, ngày càng ít cư dân sinh sống trong diêu động. Tuy nhiên, thập niên vừa qua đã chứng kiến nhiều nghiên cứu đánh giá cao về lợi ích kinh tế và môi trường của cuộc sống ở diêu động, và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đã gặt hái được nhiều thành công trong việc xây dựng và tiếp thị các nhà ở kiểu mới với kiến trúc xanh và các chọn lựa nhà ở tối ưu.
5. Thạch Khố Môn (Shikumen)
Khác với tứ hợp viện, thổ lâu, và diêu động – những nơi cư ngụ đã tồn tại hàng thiên niên kỷ, thạch khố môn của Thượng Hải là di tích của đầu thế kỷ 20, khi người Pháp mang theo văn hóa phương Tây đến pha trộn với phong cách kiến trúc của thành phố này.
Nhà thạch khố môn được làm từ gỗ và gạch được đặt liền kề nhau với độ cao không quá ba tầng… Các dãy nhà tạo nên các con hẻm yên tĩnh. Ngôi nhà tương đối nhỏ và người dân nơi đây thường dành phần lớn thời gian ở ngoài con hẻm để làm mì sợi, giặt quần áo, chơi bài và uống cà phê, một lối sống riêng của người Thượng Hải.
Nhà theo phong các thạch khố môn có cổng làm bằng đá, trên cánh cổng thường có chiếc vòng sắt cỡ lớn dùng để gõ cửa, và chiếc cổng được trang trí hoa văn và gắn hoa theo phong cách nghệ thuật Deco, các họa tiết hình học biểu thị cho Thời đại nhạc Jazz (Jazz Age) của Thượng Hải.
Mặc dù 60% cư dân của thành phố Thượng Hải sống trong các tòa nhà thấp tầng, nhưng gần đây, nhà nước đã giải tỏa nhiều khu nhà thạch khố môn để lấy mặt bằng xây dựng chung cư cao tầng, đổi lại, người dân được nhận tiền đền bù hoặc một căn hộ mới trong các tòa chung cư đó. Tất nhiên, điều này sẽ khiến cuộc sống vỉa hè, một nét truyền thống của người Thượng Hải không còn phù hợp.
Đối với một người dân bình thường, việc ngăn cản hay trì hoãn sự biến mất của thạch khố môn dường như là điều không thể. Tuy vậy, các dự án như Shanghai Street Stories của Sue Anne Tay và Cardboard Thạch Khố Môn của Richard Liwei Huang vẫn đang cố gắng lưu giữ những ký ức và thiết kế nhà ở dựa trên các tài liệu và câu chuyện kể về người Thượng Hải xưa.
Trong sa mạc của Ả Rập Saudi có một tảng đá khổng lồ, niên đại hơn 10.000 năm bị cắt đôi một cách đồng đều và nhẵn đến khó tin, giống như thể được cắt bằng tia laser của công nghệ hiện đại. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất mà con người từng tìm thấy.
Tảng đá khiến các nhà khoa học đau đầu suốt nhiều năm qua vì vết cắt quá ngọt và chuẩn từng milimet. (Ảnh: Pinterest)
Nằm tại Ốc đảo Tamya ở Ả Rập Saudi là một tảng cự thạch bí ẩn khiến các nhà khoa học đau đầu suốt nhiều năm qua, và cho đến hiện tại vẫn chưa có lời giải đáp nào thỏa đáng về nguồn gốc của nó dù cho đã có rất nhiều tranh cãi và giả thuyết được đưa ra.
Tảng đá có tên Al-Naslaa, được Charles Huver phát hiện vào năm 1883. Như có thể thấy, khối đá cổ đại này bị cắt đôi thành hai nửa, mỗi nửa đứng trên một chân đế rất nhỏ, và không biết bằng cách nào chúng giữ được thăng bằng một cách đáng kinh ngạc sau chừng ấy thời gian, thậm chí không xê dịch một chút nào.
Khoảng cách giữa 2 khối đá từ trên xuống dưới đồng đều nhau một cách hoàn hảo. Chính vết cắt ngọt không tì vết ấy khiến người ta nghi ngờ rằng nó được cắt bằng tia laser hay một công nghệ nào đó vô cùng hiện đại.
Thế nhưng nên biết rằng, thậm chí công nghệ laser là vẫn còn rất mới mẻ đối với chúng ta trong thời đại ngày nay, tức là cách thời gian vết cắt này được tạo ra hàng ngàn năm. Làm cách nào con người thời đó có thể chẻ đôi một tảng đá khổng lồ một cách chính xác như vậy chỉ bằng những công cụ thô sơ?
Mặt sau của tảng đá. (Ảnh: Google Plus)
Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho nguồn gốc vết cắt, một trong số đó cho rằng nó bị cắt từ một hiện tượng tự nhiên chứ không phải do bàn tay con người. Từ cách đây rất lâu, đã có những rung động nhỏ trong lòng đất bên dưới tảng đá, tạo ra những vết nứt nhỏ trên bề mặt nó. Dần dần qua nhiều thế kỷ, những vết nứt ấy lan rộng dần rồi bất ngờ toác làm đôi ngay tại trung tâm tảng đá như chúng ta đã thấy.
Thế nhưng lời giải thích ấy vẫn chưa thỏa đáng ở chỗ nếu là vết cắt tự nhiên thì nó không thể nhẵn và chuẩn đến từng milimet đến như thế được. Điều đó làm dấy lên một giả thuyết thứ hai, đó là đã từng có một nền văn minh vô cùng tiên tiến tồn tại quanh khu vực của tảng đá, bằng chứng là có những hình vẽ kỳ lạ được khắc lên mặt phẳng của nó.
Và có lẽ chính họ đã dùng những kỹ thuật nào đó rất cao siêu để cắt đôi tảng đá nhằm phục vụ cho một mục đích nào đó. Nhưng theo thời gian, nền văn minh này đã bị quét sạch khỏi Trái đất. Nếu đó là sự thật thì lịch sử của nhân loại có lẽ sẽ phải viết lại.
Một trong số các hình vẽ bí ẩn được khắc trên mặt tảng đá. (Ảnh: Twitter)
Còn đây là hình khắc mặt người chăng? (Ảnh: taringa.net)
Theo các nhà khảo cổ học, những ghi chép cổ nhất về Ốc đảo Tamya là có từ thế kỷ thứ 8 TCN, khi đó nó được gọi bằng cái tên Tiamat. Những dòng khắc bằng chữ tượng hình có từ thứ kỷ thứ 6 trước CN cũng được tìm thấy tại thành phố này. Vậy có khả năng đây chính là nền văn minh đã tạo ra nhát cắt ngọt như laser kia không?
Nếu đúng là thế thì họ đã sử dụng kỹ thuật nào? Tảng đá đó được cắt đôi để làm gì? Có phải nó chỉ đứng một mình hay là tàn tích của một công trình nào vĩ đại hơn? Chuyện gì đã xảy ra với nền văn minh ấy?
Hiện tại, tất cả những gì xoay quanh Al-Naslaa và vết cắt của nó, thậm chí cả vùng đất xung quanh nó, vẫn còn là điều bí ẩn với nhân loại.
TinhHoa tổng hợp
Những cự thạch đáng kinh ngạc ở Nga – Dấu tích của công nghệ tiên tiến vượt bậc thời tiền sử?
Phải chăng những cự thạch này là bằng chứng của 1 nền công nghệ tiên tiến đã bị mất tích, cho phép những thợ xây bí ẩn cổ đại vận chuyển và cắt gọt chuẩn xác như dùng tia laser, trên những khối đá có trọng lượng lên đến hơn 1000 tấn?
Những tảng cự thạch ở Nga khiến các nhà nghiên cứu không thể lý giải. (Ảnh: Weird Russia)
Mặc dù thế giới đã biết đến các cự thạch nằm rải rác khắp hành tinh như ở vùng Ollantaytambo, Teotihuacan, Sacsayhuaman, Ai Cập,… Tuy nhiên, sự thật là vẫn còn rất nhiều di chỉ cự thạch khác trên thế giới, đặc biệt, người ta đã tìm thấy ở Nga vô số những khối cự thạch được chế tác theo cách kỳ lạ nhất mà các nhà khoa học hàng đầu vẫn chưa thể lý giải.
Nếu đến vùng núi Vottovaara bạn sẽ được 1 lần trải nghiệm những điều kỳ quặc này. Một số ý kiến cho rằng những tảng đá ở Vottovaara được hình thành cách đây khoảng 10.000 năm vào lúc băng giá ở khu vực này tan chảy hoàn toàn, người dân ở đây gọi những khối đá này là Seida, Seyda hoặc Seid.
Tuy nhiên, một số khối đá lại trông như từng được cắt gọt kỹ càng thành những tác phẩm kỳ lạ như chúng ta thấy hiện nay. Nhiều người vẫn hoài nghi về nguồn gốc của của những tảng đá này.
Những cự thạch với các đường cắt gọn gàng đến khó tin. (Ảnh: trinixy.ru)
Những đường cắt hoàn hảo nối tiếp nhau, thật khó tưởng tượng con người từ 10.000 năm trước đã có thể tạo dựng được điều này. (Ảnh: trinixy.ru)
Rời Vottovaara, đến với vùng núi Pidan, chúng ta sẽ tiếp tục thấy một bãi những khối cự thạch nằm ngổn ngang và được bao trùm hoàn toàn trong bí ẩn. Nơi đây được biết đến với 1 tên khác là Livadiyskaya, ngọn núi này có một vài khối cự thạch cổ đại cực kỳ thú vị.
Những đường thẳng hoàn hảo, như thể những viên đá này từng là một phần của các công trình xây dựng trong quá khứ xa xôi. (Ảnh: trinixy.ru)
Nếu đến vùng Perm, chúng ta sẽ bắt gặp 1 nơi có tên là “Thị trấn Đá”. Theo các chuyên gia, những khối cự thạch nơi đây được hình thành do sự xâm lấn của biển Permian. Xói mòn và nhiều hiện tượng khác đã tạo ra những hình thù kỳ dị đáng kinh ngạc cho các tảng đá. Tuy nhiên, nhiều người lại tin rằng, đằng sau đó vẫn còn nhiều bí ẩn hơn là chỉ sự xói mòn tự nhiên. Chúng ta hãy cùng xem.
Hẳn là có sự tác động của xói mòn, động đất và các hiện tượng tự nhiên khác, tuy nhiên nếu xét 1 cách logic thì nó vẫn còn khá nhiều bí ẩn. (Ảnh: trinixy.ru)
Những đặc điểm này có phải là 1 sản phẩm của mẹ thiên nhiên? (Ảnh: trinixy.ru)
Nằm sâu trong những dãy núi ở Siberia, người ta đã khám phá ra một di chỉ cự thạch gây sửng sốt. Tọa lạc trên núi Shorria ở miền Nam Siberia, khu vực này bao gồm những khối đá khổng lồ với bề mặt bằng phẳng, các góc cạnh vuông vắn hoặc sắc nhọn như những khối đá hộc được dùng trong xây dựng.
(Ảnh: trinixy.ru)
Những siêu cự thạch này được ông Georgy Sidorov tìm thấy và chụp ảnh đầu tiên vào năm 2013. Nếu các nhà nghiên cứu kết luận những tảng cự thạch này là công trình của người cổ đại, thì lịch sử của chúng ta có lẽ sẽ phải viết lại.
Một tảng cự thạch đồ sộ. (Anh: trinixy.ru)
Theo các báo cáo sơ bộ, người ta ước tính rằng một số khối đá hoa cương khổng lồ này có trọng lượng khoảng 3.000-4.000 tấn, đó thực sự là rất nặng. Điều làm cho di chỉ này trở nên thú vị hơn là các khối đá cực kỳ nặng này được xếp chồng lên nhau đến chiều cao 40 m. Giới khảo cổ học sẽ phải mất một thời gian khó khăn để giải thích những cấu trúc kỳ lạ này.
Những góc cạnh vuông vức như có sự góp mặt của bàn tay con người. (Ảnh: trinixy.ru)
Có một di chỉ cự thạch nữa giống với Gornaya Shoria, gần con sông Amur, tại Nijnetambovskoïe, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một số cấu trúc đá kỳ lạ.
Được che phủ bởi những lớp thực vật dày đặc, một số trong những tảng đá này vẫn bị che khuất tầm nhìn. (Ảnh: trinixy.ru)
Khi kiểm tra kỹ hơn, sẽ phát hiện một số tảng đá to lớn vuông vắn kỳ lạ. (Ảnh: trinixy.ru)
Một địa điểm kỳ lạ khác là hang động tại Kabardino-Balkaria. Với độ sâu khoảng 80 m, hang động bí ẩn này chứa những cấu trúc đá đáng kinh ngạc bên trong. Bao gồm các “khoang” khác nhau, hang động có các khối đá hoa cương láng bóng và cao lớn mà theo những người từng vào đây, là nhân tạo.
Các nhà nghiên cứu thám hiểm hang động. (Ảnh: trinixy.ru)
Những tảng đá khổng lồ ở đây có vẻ không giống sản phẩm của tự nhiên. (Ảnh: trinixy.ru)
Những bức vách bằng phẳng này trông thật chính xác đến hoàn hảo. (Ảnh: trinixy.ru)
Có thể di chỉ cự thạch này chính là bằng chứng của một nền văn minh tiền sử mà con người chưa từng biết đến? Dường như bất kỳ hình ảnh nào trên đây cũng có thể chứng minh cho sự hiện diện của nền công nghệ tiên tiến trong thời cổ đại?
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguồn gốc, mục đích cũng như phương pháp xây dựng những công trình cự thạch ở các di chỉ này. Tuy nhiên, sự hoàn hảo, chính xác và tầm quan trọng của chúng sẽ vẫn là một đề tài tranh luận sôi nổi trong những năm tới.
Trong buổi tham vấn về việc Lào sắp xây thêm đập thủy điện Pak Beng trên sông Mekong, các chuyên gia Việt Nam lo ngại công trình sẽ tác động lớn đến dòng chảy của sông Mekong vào mùa khô, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 20 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long.
Lào dự kiến khởi công xây đập thủy điện Pak Beng vào năm 2017. (Ảnh minh họa từ Internet)
Ủy ban sông Mekong Việt Nam vừa tổ chức tham vấn quốc gia về thủy điện Pak Beng, dự kiến được xây dựng trên sông Mekong ở Tây Bắc nước Lào. Buổi tham vấn diễn ra tại Cần Thơ nhằm ý kiến của chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh phía Nam.
Các chuyên gia cho rằng số liệu trong tài liệu phía Lào cung cấp đã cũ, giải pháp cũng lạc hậu, không đánh giá tác động xuyên biên giới. Ba công trình thủy điện của Lào gồm Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng tác động lớn đến dòng chảy của sông Mekong vào mùa khô; sẽ làm tăng hiện tượng xâm nhập mặn trên sông Tiền và sông Hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 20 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu xét tác động tổng thể cả chuỗi 11 đập thủy điện trên sông Mekong mà hai nước Lào và Campuchia dự kiến xây dựng (Lào 9 đập, Campuchia 2 đập) thì lượng nước xuống hạ nguồn thiếu hụt đến 28%; nước mặn sẽ lấn sâu vào đất liền. Mặt khác, hồ chứa Pak Beng lưu giữ đến 90% bùn cát đáy và một phần bùn cát lơ lửng từ thượng nguồn…
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long (Viện Sinh thái học miền Nam) cho hay, đồng bằng sông Cửu Long được hình thành do phù sa sông Mekong nên vùng đất này sẽ bị sụt lún khi không còn phù sa. Hơn nữa các đập thủy điện lần lượt chặn dòng chính Mekong sẽ khiến biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn, nặng nề hơn. Do đó, báo cáo dự án nên bổ sung nghiên cứu vấn đề xuyên biên giới với Việt Nam, nhất là về tác động sinh thái biển.
Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân cho rằng báo cáo dự án thủy điện Pak Beng có các vấn đề là thiếu số liệu, chuỗi số liệu quá ngắn so với các thời gian sử dụng của đập, không tính đến tác động địa chất trong không gian và theo thời gian…
“Một đập thủy điện hoạt động trăm năm chứ không phải 20 năm nên phải đánh giá rõ ràng tác động như thế nào? Đặc biệt là tích lũy trầm tích, phù sa bị con đập này giữ lại thì sẽ vô cùng tai hại cho đồng bằng phía hạ lưu“, ông nói.
Giáo sư Trân cũng lưu ý đập Pak Beng nằm trong vùng động đất hoạt động rất mạnh mà báo cáo của dự án chưa nói tới. Chu kỳ động đất 10-20 năm là 5-6 độ Richter, 50 năm thì 7 độ Richter. Gần nơi Pak Peng sẽ toạ lạc, nhiều địa phương đã ghi nhận các trận động đất 6-7 độ Richter. “Trên dòng Mekong Lào xây dựng đập dây chuyền, nếu xảy ra động đất thì sẽ đổ vỡ dây chuyền“, ông quan ngại.
“Tôi đề nghị Lào hoãn xây dựng đập, làm báo cáo đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ hơn để trình các quốc gia trong khu vực“, giáo sư Trân nói và cho biết đối với Việt Nam, đây là vấn đề sống còn nên khó khăn cách mấy cũng yêu cầu phía bạn hoãn lại.
Các đập thủy điện trên sông Mekong.
Địa phương vừa xảy ra sạt lở nghiêm trọng ở bờ sông Vàm Nao – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cho rằng các đập thủy điện thượng nguồn đều gây lo lắng cho cả miền Tây và cấp độ quốc gia. Tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá tác động riêng kinh tế, xã hội và môi trường là chưa đủ. “Nếu như Lào và Campuchia cho xây toàn bộ 11 đập trên song Mekong và các công ty của Trung Quốc đầu tư tất cả thì tình hình sẽ như thế nào?“, ông Thi nói.
Tiến sĩ Dương Văn Ni (Khoa môi trường, đại học Cần Thơ) nói tham vấn thủy điện Pak Beng lần này cũng giống như khi tham vấn thủy điện Xayaburi mấy năm trước. Khi đó, Thủ tướng Việt Nam cũng có văn bản đề xuất Lào cho dời lại 10 năm sau hãy xây đập. “Nhưng nước bạn vẫn xây, vì sao? Vì tham vấn chỉ mang tính góp ý chứ không có tính pháp lý. Rõ ràng chúng ta đang rơi vào vòng luẩn quẩn“, ông Ni lo lắng.
Hồi tháng 2, trong buổi tham vấn tại Lào, tiến sĩ Davong Phonekeo – thư ký thường trực của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào – cho rằng dù có tăng trưởng kinh tế ấn tượng gần đây, Lào vẫn là quốc gia kém phát triển nhất khu vực Mekong. Do đó việc phát triển thủy điện theo cách bền vững và có trách nhiệm là chất xúc tác cho phát triển kinh tế và giúp cho hàng triệu người nước này thoát nghèo.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lào Sommath Pholsena cho rằng, dư luận không nên quá lo lắng về các tác động từ dự án đập thủy điện Pak Beng. Lào sẽ phải đảm bảo và chịu trách nhiệm đối với người dân Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.
Pak Beng là thủy điện thứ nhất trong chuỗi 11 bậc thang thủy điện dòng chính dự kiến xây dựng trong vùng hạ lưu sông Mekong. Đây là công trình thứ 3 của Lào (thuộc huyện Pak Beng, tỉnh Oudomxay, Tây Bắc Lào), sau Xayaburi và Don Sahong, cách đồng bằng sông Cửu Long gần 2.000 km.
Chính phủ Lào cho biết công trình đập Pak Beng dự kiến được khởi công năm 2017, hoàn tất vào năm 2023 và bắt đầu đi vào hoạt động thương mại năm 2024. Trước đó, Lào đã nộp cho Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) báo cáo về nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường và xã hội của thủy điện Pak Beng. Cuối năm 2016, các nước thành viên MRC thống nhất quá trình tham vấn cho dự án thủy điện này trong vòng 6 tháng.
Bạn có thể tự hỏi chúng ta biết gì về tinh thần làm chủ kinh doanh ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - nền độc tài cộng sản. Nếu bạn hỏi tôi chỉ một vài tuần trước, tôi đã có thể trả lời "có lẽ không có gì." Tuy nhiên, gần đây tôi đã dành một tuần ở Việt nam và dành thời gian đọc và tìm hiểu về quốc gia này. Tôi đã thay đổi ý nghĩ.
Việt Nam vẫn là một quốc gia cộng sản (kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975), với kế hoạch kinh tế 5 năm của chính phủ và quyền sở hữu tập thể toàn bộ đất đai (ít ra là chính thức) ảnh hưởng đến nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới; Tôi được biết rằng khoảng 80% trong số 92 triệu dân Việt Nam có các công việc liên quan đến lúa gạo.
Tuy nhiên khi nói chuyện với các hướng dẫn viên người Việt, hình ảnh về sự kiểm soát toàn bộ của chính phủ về lúa gạo bắt đầu thay đổi. Các hộ gia đình đã chia ruộng ra để trồng lúa cho nhu cầu riêng và thậm chí sở hữu máy móc (hoặc trâu nước). Ngoài ra, họ còn nuôi gà, vịt và bán trứng dư thừa.
Những bước tiến nhỏ này đối với doanh nghiệp tư nhân đã được thực hiện thông qua cải cách kinh tế như tư hữu hóa một phần các doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa thương mại và tăng cường nhận thức về quyền sở hữu tư nhân mà chính phủ Việt Nam khởi xướng năm 1986 để tránh nạn đói ở quy mô lớn ở đất nước bị cô lập khi đó. (Xem Báo cáo về Tự do Kinh tế của Quỹ Di sản)
Tuy nhiên, sức mạnh của tinh thần làm chủ doanh nghiệp có thể nhìn thấy rõ nhất trong ngành công nghiệp chủ đạo khác của Việt nam: du lịch. Đất nước có vẻ đẹp tự nhiên đa dạng, từ những bãi biển đến những dãy núi cho đến quần đảo ở Vịnh Hạ Long và thủ đô Hà Nội cũng như các thành phố khác cung cấp những cái nhìn thú vị về lịch sử các triều đại ( Trung Quốc) và thuộc địa ( Pháp) ở Việt nam.
Du lịch kinh doanh chủ yếu là tư nhân, thường do các công ty nhỏ, thuộc sở hữu của gia đình cạnh tranh khốc liệt để cung cấp giá trị và dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch. Ví dụ: Khu Phố Cổ của Hà Nội có nhiều khách sạn nhỏ với đội ngũ nhân viên chu đáo, thân thiện, nơi có phòng đẹp có giá chỉ bằng một phần giá phòng ở Bắc Mỹ. Tương tự như vậy, các nhà hàng và cửa hàng là của tư nhân và cung cấp thực phẩm Việt tươi ngon cùng nhiều loại hàng hoá khác nhau từ quần áo do người Việt thiết kế mẫu cho đến cà phê Việt Nam. Các nhà khai thác du lịch đưa ra các dịch vụ sáng tạo từ các tour đi bộ ở đường phố tại Hà Nội đến tour đi bộ và ở nhà người bản địa tại miền núi phía Bắc, và nhiều người dân địa phương đã tự thuê mướn và tự làm hướng dẫn viên.
Và Uber đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2015 (lâu hơn ở thành phố quê nhà của tôi ở Calgary), tạo cơ hội cho những người lái xe không nói được tiếng Anh.
Để trông không giống như một công cụ quảng cáo cho ngành du lịch Việt Nam, chúng ta hãy xem xét một cách nghiêm túc để xem những gì còn thiếu ở đất nước này, ngăn cản những người Việt Nam chăm chỉ làm việc không có được những cơ hội thịnh vượng mà tinh thần làm chủ kinh doanh tự do tạo nên. GDP bình quân đầu người, mặc dù đã tăng nhanh chóng trong 10 năm gần đây, vẫn chỉ còn khoảng 6.000 USD.
Mặc dù tự do hóa thương mại, tư nhân hoá và tôn trọng quyền sở hữu tư nhân, người Việt Nam vẫn không có tự do kinh tế ở mức độ như Bắc Mỹ. Chính phủ quy định nhiều ngành (kiểm soát giá cả) và các quy định về thị trường lao động đặc biệt cứng nhắc, ngăn cản người dân tìm kiếm việc làm trong các lĩnh vực họ chọn. Điều này cùng với hệ thống tư pháp yếu kém đã làm cản trở đầu tư nước ngoài vốn bị hạn chế khả năng tiếp cận vốn đối với nhiều người có thể làm chủ.
Nhưng điều quan trọng nhất là để đạt được sự phát triển đầy đủ, người Việt Nam cần không chỉ là tự do kinh tế mà còn là tự do chính trị. Điều này có nghĩa là thay đổi chính phủ từ chủ nghĩa cộng sản và kế hoạch hóa trung ương trở thành một chính phủ thừa nhận các quyền cá nhân, không chỉ đối với tài sản mà còn đối với cuộc sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc.
Như chúng ta đã thấy trong trường hợp của Trung Quốc, sự thay đổi như vậy sẽ không xảy ra trong một đêm vì các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản không muốn từ bỏ quyền lực và thừa nhận rằng hệ tư tưởng cộng sản của họ không phù hợp với yêu cầu về sự tồn vong và phát triển của con người.
Tuy nhiên, vẫn còn có hy vọng cho Việt Nam, vì lãnh đạo chính trị phải thừa nhận rằng các chính sách của họ có thể dẫn tới nạn đói và sau đó họ đã mở rộng tự do kinh tế. Một khi người dân Việt Nam có nhiều cơ hội thịnh vượng hơn nhờ vào tự do kinh tế và tinh thần làm chủ doanh nghiệp, họ sẽ cái gì là có thể và có thể họ đòi hỏi (hay đúng hơn là yêu cầu) nhiều hơn về cả tự do chính trị lẫn kinh tế.
Trong cuộc , có thể bạn đã từng nghe câu nói: “Đời người như ván cờ, đi sai một bước, cả ván đều thua”. Quan sát ván cờ cuộc đời, có những lúc khiến người ta do dự không quyết được, sau khi đã đặt quân cờ xuống bàn cờ thì cho dù là thắng thua ra sao, đều không thể đi lại được nữa.
Người ta thường nói rằng:“Người đứng xem thì luôn tỉnh táo”. Trong lúc người khác chơi cờ, tôi không thích bình phẩm nước cờ, mà chỉ thích xem thi đấu. Vì xem thi đấu chỉ là quan sát, bất luận đôi bên ai thắng ai thua, tâm cảnh của tôi cũng không nằm ở trong đó, nó đã sớm vượt ra ngoài thắng thua rồi. Xem thi đấu, luôn có thể nhìn ra được triết lý nhân sinh mà trong đời sống không dễ dàng phát giác được, những đạo lý đó đều có thể khai ngộ ra trí tuệ nhân sinh hiếm có.
Ví dụ, trong một ván cờ, binh tốt chắc chắn sẽ chết trước. Là vì không chỉ do vị trí của nó đứng ở ngay hàng trên cùng nhất, còn vì quy tắc quy định những quân cờ khác sau khi quá hà (qua sông) còn có thể tụt lùi về phía sau, binh tốt sau khi quá hà thì không được tụt lùi về phía sau nữa, cho dù gặp phải quân địch lớn mạnh ra sao, cũng chỉ có thể dũng cảm tiến về phía trước. Do vì nguyên nhân này, tuy số quân của binh tốt là nhiều nhất, nhưng binh tốt có thể sống sót đến phút cuối thì lại rất ít.
Kỳ thủ đấu cờ, đều vô cùng trân quý các quân cờ “xe- pháo – mã” của mình, còn về sự tổn thất của binh tốt thì lại không bận tâm. Nào biết rằng đấu đến lúc tàn cuộc, một binh một tốt mới là mối chốt quan trọng để giành thắng lợi, quân tốt tuy yếu kém nhưng lại có thể khắc được tướng già, trong một số tàn cuộc thì 2 quân tốt còn mạnh hơn quân xe.
Quân xe tuy có thể phi nước đại khắp bàn cờ, nhưng vẫn không thể thoát khỏi vài nước đi, và nó cũng không thể quay vòng tiến quân. Người chơi sử dụng quân xe chém giết mạnh bạo, luôn bị thiếu hụt sức mạnh về sau; kỳ thủ lợi dụng mã và pháo hỗ trợ tấn công, cờ nghệ có cao hơn một bậc, ngang dọc bắt chéo nhau, từng bước ép chết, luôn làm cho đối thủ chỉ còn sức đổi quân với nhau, mà không còn sức đánh trả lại.
Kỳ thủ cao minh nhất là biết tận dụng sức mạnh của binh tốt, bởi vì quân cờ tung hoành ngang dọc, khắc chế quân địch để giành thắng lợi trong rất nhiều màn tàn cuộc, rất có thể là một quân tốt nhỏ không được xem trọng. Sinh mạng vốn dĩ không có sự phân biệt nặng nhẹ sang hèn, chỉ cần đặt quân tốt vào đúng vị trí thích hợp, trong giờ phút quyết định có thể là quân yếu nuốt chửng quân mạnh, một nước chiếu tướng giành thắng lợi.
Vì vậy, tôi thường nghĩ rằng tính quan trọng của mỗi quân cờ đều giống nhau, quan trọng là do kỳ thủ đặt nó vào vị trí nào.
Trên đời này không có quân cờ nào là vô dụng cả, nhưng lại có vô số kỳ thủ bất tài không biết dùng cờ, tuy là một lòng muốn chiến thắng, nhưng lại vì tham lợi nhỏ mà không có tầm nhìn quan sát toàn cuộc, cuối cùng xé lẻ hết các quân cờ rồi đi vào con đường tự hủy diệt.
Đi một bước cờ, cần phải tĩnh tâm suy nghĩ. Thật ra đạo lý của đời người không phải cũng như vậy hay sao?
Nếu như mỗi ngày đều có thể duy trì một tâm thái ôn hòa, đã là người giành chiến thắng của cuộc đời rồi! Lúc tâm trạng bực tức, bất luận là chơi cờ, làm việc hay viết văn chương, đều có cảm giác không thể làm được theo ý muốn. “Tắm gió xuân nhìn trời cao, dung hòa với tự nhiên thành nhất thể”, làm được như vậy, đời người sẽ không còn trận đấu giữa người với người nữa, mà chỉ còn là tâm thái im lặng xem thi đấu mà thôi.
* “Tắm gió xuân nhìn trời trong, dung hòa với tự nhiên thành nhất thể”: Hai câu này nói về một cảnh giới tương tối cao trong tâm, mượn hình ảnh của thiên nhiên để diễn đạt tâm thái ung dung tận hưởng những gì đang diễn ra trước mắt, hòa nhập tâm tư suy nghĩ với tự nhiên làm một, không phán xét và nhận định, để mọi thứ diễn ra một cách chân thực nhất.