Một người mặc trang phục gắn đầy những chiếc nút đòi "Truất phế Trump" tại New York, 04/05/2017. |
(Le Monde 18/05/2017) Bị cáo buộc quá lắm lời trước các nhà ngoại giao Nga, tổng thống Mỹ nay còn bị nghi ngờ là ngăn trở tiến trình tư pháp, một tội phạm có thể dẫn đến thủ tục truất phế. Sau đây là phần hỏi đáp “live” giữa nhà báo Alain Frachon và bạn đọc nhật báo Le Monde hôm nay.
Phải bao nhiêu vụ xì-căng-đan nữa thì tổng thống Trump mới bị truất phế?
Ở đây không phải là chuyện số lượng. Tổng thống có thể bị phế truất nếu phạm tội theo luật Mỹ - phản quốc, ngăn trở tư pháp v.v…Nói chung đang có một cuộc điều tra được tiến hành. Nếu hội đủ các yếu tố, Ủy ban Tư pháp Hạ viện có thể quyết định điều tra tiếp, và sau đó sẽ bỏ phiếu. Nếu số phiếu quá bán, vụ việc được đưa lên Thượng viện, và cần đến 2/3 số phiếu của 100 thượng nghị sĩ hiện nay để truất phế tổng thống.
Một biện lý độc lập vừa được bổ nhiệm là ông Robert Mueller, cựu giám đốc FBI. Ông sẽ điều tra về vấn đề: Liệu có sự thông đồng giữa ê-kíp tranh cử của Donald Trump năm 2016 và các viên chức Nga để bôi xấu ứng cử viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton, hay tạo điều kiện cho Donald Trump đắc cử. Kết quả điều tra sẽ được chuyển cho bộ Tư pháp, và bộ sẽ giao cho Hạ viện. Hiện nay cuộc điều tra chỉ mới bắt đầu.
Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa có nhất trí ủng hộ ông Trump?
Đảng Cộng Hòa hiện chiếm đa số ở lưỡng viện. Hiện nay đại đa số vẫn ủng hộ tổng thống Trump. Chỉ có vài ngoại lệ nhất là ở Thượng viện, với các thượng nghị sĩ như John McCain hay Lindsey Graham, cả hai thường chỉ trích cách hành xử của Donald Trump.
Nếu nhóm Cộng Hòa ở Hạ viện không thay đổi ý kiến, ông Trump chưa bị nguy hiểm cho đến thời điểm bầu lại một phần Hạ viện trong một năm rưỡi tới. Trừ phi từ đây đến đó biện lý đặc biệt Mueller có những kết luận rất cụ thể.
Uy tín Donald Trump có bị ảnh hưởng bởi vụ này hay không?
Tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Trump vốn thấp, từ 30 đến 35%. Trong sáu tháng đầu của nhiệm kỳ, tất cả các tổng thống tiền nhiệm đều đạt tỉ lệ khoảng 50%. Nhưng cần phải nói thêm là trong số những cử tri của ông Trump vẫn có đến 87% ủng hộ, cho dù đang dần suy giảm theo nhịp độ các xì-căng-đan ở Nhà Trắng.
Ông Robert Mueller (trái) và cựu giám đốc FBI James Comey. Ảnh tư liệu chụp ngày 21/06/2013. |
Liệu có thể coi ông Robert Mueller là thực sự độc lập, đứng ngoài các đảng chính trị và không bị ảnh hưởng trước áp lực?
Vâng. Một biện lý đặc biệt hầu hết được chỉ định trong số các chưởng lý cao cấp đã về hưu, mà sự nghiệp không hề bị ảnh hưởng bởi chính phủ - dù là FBI, bộ Nội vụ hay Tư pháp. Họ thường rất giàu kinh nghiệm tư pháp, sang làm trong khu vực tư nhân sau thời gian dài là viên chức cao cấp của chính phủ.
Ông Mueller từng là giám đốc FBI từ 2001 đến 2013, làm việc với các tổng thống cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, và luôn chứng tỏ tính độc lập. Ông từng chỉ trích gay gắt một số dự án được giao cho NSA, về quyền hạn rộng rãi nghe lén các công dân Mỹ. Cho đến lúc này, trên báo chí Mỹ chưa hề có một lời phê phán nào về tính độc lập của ông Mueller.
Người ta đã nói nhiều về fake news và quan hệ căng thẳng giữa Nhà Trắng và truyền thông. Cùng với hàng loạt tiết lộ mới đây, chiến lược thông tin của báo chí và ê-kíp ông Trump có thay đổi?
Trong chuyện này cũng như trong chiến dịch tranh cử 2016, cần hiểu rằng có hai loại truyền thông. Báo chí truyền thống, những nhật báo và tạp chí uy tín, nhất là ở bờ Đông, và các kênh truyền hình lớn không ngớt chỉ trích ông Trump. Từ khi bước vào Nhà Trắng hồi tháng Giêng, và các dự luật hạn chế nhập cư, tân tổng thống bị báo chí đả kích dữ dội. Việc thải hồi giám đốc FBI chẳng hạn, được các báo đều cho là lạm dụng quyền lực.
Bên cạnh đó, kênh truyền hình Fox News thuộc tập đoàn Murdoch và một số trang web rất mạnh thì ủng hộ Donald Trump. Họ không đưa tin là ông Trump đã sa thải giám đốc FBI James Comey, mà nói rằng ông Comey đã tự ý từ chức.
Tóm lại, có hai luồng thông tin song song. Báo chí truyền thống thì rất nghiêm khắc đối với ông Trump, và loại thứ hai - thường khác xa với thực tế - từ mạng xã hội, kênh Fox News hay các đài phát thanh cực hữu, luôn ủng hộ Donald Trump.
Liệu có quá sớm khi so sánh với cuộc khủng hoảng Watergate thời ông Nixon hay không?
Vụ Watergate là âm mưu nghe lén văn phòng của đảng Dân Chủ trong chiến dịch tranh cử 1972. Một ê-kíp đã đặt các micro trong trụ sở Dân Chủ, nằm trong khu nhà có tên gọi là Watergate bên bờ sông Potomac. Một cuộc điều tra của tư pháp đã được mở ra, và dẫn đến thủ tục truất phế tổng thống Nixon vào mùa hè 1974. Ông Richard Nixon đã chọn lựa việc từ chức, trước khi thủ tục này được đưa lên Thượng viện bỏ phiếu. Do tổng thống từ chức, cũng như trong trường hợp bị truất phế, phó tổng thống sẽ nắm quyền cho đến khi hết nhiệm kỳ.
Hiện nay với tổng thống Trump thì chưa đến mức đó. Cuộc điều tra tư pháp đang tiến hành, và chưa chắc sẽ dẫn đến kết quả là thủ tục truất phế. Nhưng tại Washington hiện nay, cũng như trong xì-căng-đan Watergate, không khí nghi ngờ đang bao trùm lên tổng thống, như hồi năm 1974.
TT Donald Trump và PTT Mike Pence tại Washington ngày 15/05/2017. |
Giả sử rằng thủ tục « impeachment » được tiến hành đối với ông Trump, thì sẽ kéo dài bao lâu và ai sẽ lên thay ?
Cuộc điều tra của biện lý Mueller sẽ mất không ít thời gian, thậm chí có thể kéo dài đến sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Không có giới hạn thời gian nào được ấn định. Trong trường hợp tổng thống Bill Clinton, cũng bị thủ tục truất phế, cuộc điều tra của biện lý Ken Starr đã kéo dài nhiều tháng.
Còn thủ tục phế truất thì nhanh hơn. Hạ viện sẽ nhanh chóng quyết định là tổng thống có tội hay không, và Thượng viện sẽ bỏ phiếu. Nếu bị truất phế, phó tổng thống sẽ lên thay cho đến hết nhiệm kỳ, và hy vọng đó sẽ là ông Mike Pence.
Ông Mike Pence là người như thế nào ?
Mike Pence thuộc phe Cộng Hòa Cơ Đốc giáo. Ông nằm trong khối truyền thống của đảng Cộng Hòa - chống phá thai, ủng hộ việc bán vũ khí cho cá nhân, giảm thuế, ủng hộ tư thục và chính sách đối ngoại tích cực. Ông Trump chọn ông Pence làm phó vì vậy, để chắc chắn có được sự ủng hộ của cử tri truyền thống đảng Cộng Hòa.
Mike Pence, thống đốc tiểu bang Indiana, còn là người có kinh nghiệm trên chính trường, trong khi Donald Trump hoàn toàn thiếu. Ông Pence cũng chiếm được cảm tình của Hạ viện vì sự lịch lãm, và quan hệ tốt đẹp với nhiều dân biểu. Ông Trump cũng không có được lợi thế này.
Đã từng có bao nhiêu vụ « impeachment » trong lịch sử nước Mỹ ?
Tổng có 19 thủ tục truất phế đã được tiến hành kể từ khi Hiến pháp 1789 có hiệu lực, nhưng chủ yếu nhắm vào các thẩm phán liên bang. Chỉ có ba vụ liên quan đến tổng thống Hoa Kỳ.
Năm 1868, Hạ viện đã cáo buộc tổng thống Andrew Johnson vì không tôn trọng thủ tục bổ nhiệm các chức vụ cao cấp của hành pháp ; và năm 1998 đối với tổng thống Bill Clinton vì đã « tuyên thệ trái với sự thật » và « ngăn trở tư pháp » trong vụ Lewinsky. Thượng viện sau đó đã bỏ phiếu « trắng án » cho hai tổng thống trên. Còn trong vụ Watergate, khi vừa tiến hành thủ tục thì tổng thống Richard Nixon năm 1974 đã từ chức trước.
Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Kislyak đến tham gia một sự kiện tại Mayflower Hotel ở Washington năm 2016, trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump. |
Phải chăng đang có tâm trạng chống Nga quá trớn ở Washington ?
Câu hỏi này quá rộng ! Chiến dịch tranh cử 2016 in đậm dấu ấn vụ tin tặc tấn công đảng Dân Chủ, lấy trộm hàng ngàn email trao đổi giữa ứng cử viên Hillary Clinton và giám đốc chiến dịch về việc làm suy yếu phía đối thủ Bernie Sanders. Việc này mang lại một hình ảnh không tốt đẹp cho bà Clinton, trong lúc bà đang bị chỉ trích về việc lưu trữ các email trên các thiết bị cá nhân trong thời gian làm ngoại trưởng, cộng vào đó là việc bà được Wall Street chi trả hậu hĩ cho hai, ba cuộc hội thảo.
Tình báo Mỹ đã điều tra để xác định xuất xứ của tin tặc. Sau cuộc điều tra này, toàn bộ các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đều chỉ ra thủ phạm là tin tặc Nga, và nhấn mạnh rằng các tin tặc này không thể hành động nếu không được điện Kremlin bật đèn xanh.
Sự việc là như thế ! Đại đa số báo chí Mỹ và các dân biểu đã chấp nhận giả thiết của cơ quan tình báo, trước thực tế là tổng thống Nga Vladimir Putin không ưa bà Hillary Clinton vì đã ủng hộ đối lập trong các cuộc bầu cử gần đây của Nga. Là ngoại trưởng thời ông Obama năm 2008-2012, bà Clinton đã có chính sách cứng rắn với Nga, nhất là trong vụ Nga chiếm Crimée của Ukraina.
Còn ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump trong suốt chiến dịch tranh cử đã không ngừng ca ngợi ông Putin, bênh vực các chủ trương của Nga nhất là về Ukraina. Do đó một số người ở Washington tin rằng Nga có can thiệp vào tiến trình bầu cử Mỹ. Số khác thì không muốn tin, cho rằng đây là một hiện tượng chống Nga quá trớn.
Ông Donald Trump đã khiến người ta thêm nghi ngờ, khi chưa bao giờ giúp đánh tan những hoài nghi về số tiền tài trợ cho tập đoàn của ông sau khi suýt bị phá sản gần đây. Luôn từ chối công bố bản khai thuế, ông Trump đã nuôi dưỡng các tin đồn về trợ giúp của các ngân hàng Nga, và như vậy bản thân ông đã góp sức vào không khí hoài nghi, thậm chí chống Nga tại Washington hiện nay.
Thưa nhà báo Frachon, với kinh nghiệm lâu năm trong nghề báo, ông đánh giá như thế nào về tương lai của ông Donald Trump ?
Tôi cho rằng ông Trump đang bị suy yếu về chính trị, có thể bị tiến hành thủ tục truất phế. Có quá nhiều khả năng về xung đột lợi ích : gia đình ông vẫn lãnh đạo tập đoàn kinh doanh, con gái và con rể ngự trị tại Nhà Trắng, Trump vẫn chưa hề công bố bản khai thuế, liên tục đăng các tin Twitter vô tội vạ, và nhất là cuộc điều tra của biện lý Mueller đang tiến hành.
Quá nhiều yếu tố dễ tổn thương, trong một không khí chính trị mà cả phe Dân Chủ lẫn Cộng Hòa ngày càng nhiều tiếng nói cất lên, cho rằng ông không hội đủ những phẩm chất để lãnh đạo nước Mỹ.