Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Thủ tướng: Kiểm tra “nhiều dự án đất vàng được phê duyệt kỳ lạ”; Thế Kha Còn bao nhiêu dự án thất thoát, thua lỗ lớn, trở thành gánh nặng cho đất nước?; Lo ngại căng thẳng nợ công và nguy cơ vỡ nợ

Dân trí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về việc Thanh Hoá có nhiều dự án đất vàng được phê duyệt kỳ lạ khiến ngân sách thất thu.


Vị trí một khu đất vàng được yêu cầu làm rõ (Ảnh: báo Gia đình&Xã hội)
Vị trí một khu đất vàng được yêu cầu làm rõ (Ảnh: báo Gia đình&Xã hội)
Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng nêu nội dung báo chí phản ánh về việc Thanh Hoá phê duyệt các dự án bất động sản như Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương, khu biệt cự cao cấp Quảng Cư (Thị xã Sầm Sơn), “đất vàng” được giao cho nhà đầu tư với giá bèo. Việc đất vàng không được đấu giá và mức giá phê duyệt quá thấp đã khiến dư luận cho rằng ngân sách nhà nước thất thu tiền tỷ.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan kiểm tra một số tỉnh, thành phố, trong đó có Thanh Hoá có nổi lên vi phạm như báo chí phản ánh hay không; báo cáo Thủ tướng trong quý 2/2017.
Theo thông tin báo chí phản ánh, giai đoạn năm 2013 - 2014, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có sự khởi sắc, ấm dần lên với nhiều tín hiệu đáng mừng. Nhưng giai đoạn này UBND tỉnh Thanh Hóa công bố kết quả lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 3 dự án bất động sản lớn với mức giá “siêu rẻ”, thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường và với chính mức khung giá do cơ quan này phê chuẩn.
Đó là Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc Khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa là khu “đất vàng” có mặt bằng tương đối sạch và nằm ngay mặt đường Đại lộ Lê Lợi- tuyến huyết mạch của TP Thanh Hóa, xung quanh là hàng loạt các cơ quan nhà nước của tỉnh, khách sạn Lam Kinh, Trung tâm thương mại Big C, tòa nhà Viettel, Đông Á, Khu đô thị Bình Minh, quảng trường Trung tâm thành phố, siêu thị điện máy HC, Trần Anh… Tuy nhiên, thay vì tổ chức đấu giá đất công khai để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thu tiền sử dụng đất tối đa cho ngân sách thì UBND tỉnh Thanh Hóa dùng hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Bằng Quyết định số 3013 của UBND tỉnh Thanh Hóa đã biến toàn bộ 2,911ha đất “vàng” thành mức giá quá “bèo””, doanh nghiệp chỉ còn phải nộp vào ngân sách 29 tỷ đồng.
Tại dự án Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu từ tháng 9/2012. Trong đó, Công ty TNHH Điện tử-Tin học-Viễn Thông EITC (Thanh Hóa) là nhà đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng; giá trị xây dựng gần 202 tỷ đồng và hơn 48 tỷ đồng tiền đền bù giải tỏa…
Dư luận Thanh Hóa cho rằng, vào thời điểm cuối năm 2012 đầu năm 2013, nếu các dự án bất động sản này được đem tổ chức đấu giá công khai sẽ thu về cho ngân sách được hàng trăm tỷ đồng.
Thế Kha



Còn bao nhiêu dự án thất thoát, thua lỗ lớn, trở thành gánh nặng cho đất nước?

NGỌC QUANG

(GDVN) - Vấn đề này được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt ra khi thảo luận về chương trình giám sát của Quốc hội 2018.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội cho biết, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể sau đây:
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (dự kiến giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung).
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội (dự kiến giao Uỷ ban Tài chính, Ngân sách giúp chủ trì về nội dung).
- Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (dự kiến giao Uỷ ban Quốc phòng và An ninh giúp chủ trì về nội dung).
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc giúp chủ trì giúp về nội dung).
Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong nhiều dự án thua lỗ, trở thành gánh nặng của ngành Công Thương. ảnh: Báo thanh tra.
Thảo luận về chương việc lựa chọn các chương trình giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội – ông Phùng Quốc Hiển cho biết, 2 trong 4 nội dung là giám sát cổ phần hóa và giám sát trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài, đã thực hiện giám sát rồi. Vì thế nên cân nhắc giám sát ở tầm rộng hơn.
Ông Hiển đề nghị tập trung vào lĩnh vực rất quan trọng là giám sát việc sử dụng vốn ODA, vì đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trong quản lý. 
Về giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo ông Phùng Quốc Hiển, lựa chọn như vậy chỉ gói gọn trong một nhánh, do đó cần phải mở rộng hơn: Giám sát việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có cả doanh nghiệp cổ phần, như vậy sẽ giúp cho hoạt động đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Ông Hiển cũng đề nghị giám sát việc thực hiện chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. 
Cho ý kiến về nội dung này, ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị tiến hành giám sát với các dự án BOT vì có sử dụng vốn ODA và đã xuất hiện những vấn đề nổi cộm. Nếu tiến hành giám sát những dự án này sẽ có lợi cho dân nhiều hơn.
Cũng theo ông Hồ Đức Phớc, vấn đề nổi lên trong thời gian vừa qua là thất thoát đầu tư công, vì vậy đây là mảng cần được quan tâm.

"Xử lý trách nhiệm cá nhân phải nghiêm khắc, dứt khoát, không có vùng cấm"

“Hiện đã công bố 12 dự án thua lỗ lớn, nhưng chưa biết thực chất còn bao nhiêu dự án xảy ra thua lỗ?”, ông Phớc nói.
Đồng quan điểm với ông Hồ Đức Phớc, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cũng đề nghị đưa vào chương trình giám sát những dự án đã thua lỗ và có nguy cơ thất thoát, thua lỗ - đây là một trong những nội dung mà dư luận hết sức quan tâm thời gian qua.
Trong khi đó Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị cân nhắc lại nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Theo bà Khánh, đây là nội dung rất quan trọng, nhưng để thực hiện giám sát được thì phải ấn định thời gian cụ thể, trong khi tờ trình không nêu rõ thời điểm và thời hạn giám sát.
“Quốc hội vừa thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 2 triệu tỷ đồng, trong đó có phần vốn trái phiếu, vốn vay nước ngoài đầu tư xây dựng (ODA), việc phân bổ chưa hoàn tất, tiền chưa phân bổ thì giám sát cái gì?”, bà Khánh đặt vấn đề.
Nữ đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, nội dung này nên lùi thời gian thực hiện để đảm bảo thực hiện giám sát có hiệu quả.


Lo ngại căng thẳng nợ công và nguy cơ vỡ nợ

Vấn đề đội vốn xây dựng cơ bản dẫn tới căng thẳng ngân sách, tăng nợ công và tăng nguy cơ vỡ nợ là lo lắng được các cử tri tại kỳ họp thứ 2 gửi tới kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
cu tri lo ngai cang thang no cong va nguy co vo no
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông - một trong những dự án đầu tư bằng nguồn vôn vay nước ngoài. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.
Tình hình ngân sách đang gặp rất nhiều khó khăn do bội chi và nợ công tăng cao là những lo lắng chung được cử tri các tỉnh, thành phố Bình Dương, Đồng Tháp, Long An, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội nêu rõ.

Đội vốn dự án công

Một trong những nguyên nhân cụ thể được các cử tri nêu ra trước nguy cơ về ngân sách và nợ công là tình trạng đội vốn các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách hiện nay. Tình trạng công trình đang thi công nhưng bị đội vốn đầu tư so với dự toán ban đầu làm căng thẳng, khó khăn hơn trong việc cân đối thu chi ngân sách.
Do đó, cử tri yêu cầu những dự án, công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước cần phải được quy hoạch, thiết kế chi tiết để dự toán đúng và đủ số vốn cần thiết để đầu tư thi công. Đặc biệt, cử tri kiến nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát đối với tiến độ thực hiện và chất lượng các công trình, dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư hoặc được nhận hỗ trợ từ phía đối tác nước ngoài. Bởi hiện trạng phải bồi thường chậm tiến độ, chậm triển khai dự án…hiện nay đang gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Cử tri Hà Nội còn nêu đích danh các dự án nước ngoài đầu tư như nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông… hiệu quả kinh tế kém.
Thừa nhận các thực trạng và nhận thức rõ vấn đề, Quốc hội cho biết đã có nhiều hành động cụ thể, thông qua việc giám sát tối cao của Quốc hội cùng các cơ quan để sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, yêu cầu Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả đầu tư công.
Trong các nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã nhiều lần tiến hành giám sát về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cũng tiến hành giám sát các chuyên đề có liên quan tới lĩnh vực này theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi Ủy ban.
Quốc hội cũng khẳng định, trong năm 2017, tại phiên họp tháng 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”. Đây là vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, bày tỏ nhiều ý kiến bức xúc trong thời gian qua.
Trong nội dung chuẩn bị cho chương trình giám sát năm 2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội xem xét quyết định giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội”.

Lo ngại nguy cơ vỡ nợ

Các cử tri các tỉnh Đồng Nai, TP. HCM, Gia Lai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ kiến nghị bày tỏ lo ngại trước nguy cơ về nợ của Việt Nam. Các cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát các vấn đề về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.
Một số ý kiến cử tri cũng kiến nghị Chính phủ dừng vay vốn để thực hiện các dự án xây dựng và kiểm soát chặt chẽ vay vốn nước ngoài để trả các khoản nợ.
Trả lời về giải pháp giảm thiểu nợ công, hạn chế nguy cơ vỡ nợ, Bộ Tài chính đưa ra giải pháp quản lý chặt chẽ dự toán chi ngân sách, cơ cấu lại nợ công.
Bộ này cam kết giám sát chặt chẽ việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ tập trung ngoài ngân sách cho các mục đích của ngân sách, kể cả sử dụng dự trữ ngoài tệ của Nhà nước và vay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới, khống chế hạn mức bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm.
Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ đảm bảo nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Nam Anh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Ngọc Quang

Đời Thủ tướng Dũng để lại ‘đống rác’ bội chi đến thế nào?


Một báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước 2015 chuẩn bị trình Quốc hội đã phát lộ tình trạng trạng tài khóa 2015 - “buổi chợ chiều” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - đã bội chi gần 11,5 tỷ USD, chiếm đến 6,28% GDP.

Ngày 6.4, miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - 1


Hãy nhớ lại, vào nửa cuối năm 2015 khi chiến dịch tranh đoạt quyền lực tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền đến sát nút, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hào hứng công bố với báo chí rằng bội chi ngân sách chỉ khoảng 5%, tức còn “an toàn” và do đó vẫn còn dư địa để vay quốc tế tiếp.

Nhưng sang năm 2016 khi Nguyễn Tấn Dũng “thất thủ”, Bộ Tài chính liền công bố tỷ lệ bội chi ngân sách 2015 lên đến 6,1% GDP.

Còn bây giờ, sau khi đã quyết toán, số bội chi 2015 là 6,28% GDP, chỉ thấp hơn đôi chút mức kỷ lục về bội chi ngân sách 6,6% GDP của năm 2013 - cũng vào đời Nguyễn Tấn Dũng.

Một hiện tượng đặc thù “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam luôn là sự xa hoa tột đỉnh đối lập với giai tầng giá áo túi cơm: làm thế nào có thể lý giải được những chiến dịch chi đậm của ngân sách cho những con đường có giá thành đắt nhất hành tinh và hàng chục công trình trụ sở công quyền có giá đến hàng ngàn tỷ đồng hoặc hơn, với hình ảnh thịt chuột biến thành bữa ăn của trẻ em vùng xa cùng những người dân nghèo chết thảm khi đu dây qua suối dữ?

Vào cuối cái năm 2015 ấy, dư luận xã hội Việt Nam đã nóng bừng với hiện tượng hàng loạt trụ sở hành chính có giá trị lên đến 3.000 - 10.000 tỷ đồng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Hải Phòng… Trong số đó, có cả những địa phương phải thường xuyên xin gạo cứu đói cho dân như Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, nhưng không nương tay khi rút rỉa tiền ngân sách xây trụ sở hành chính.

Nhưng khi Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Bùi Quang Vinh bật ra một câu nói thật hiếm muộn trong trạng thái bức xúc hiếm thấy tại kỳ họp Quốc Hội hồi Tháng Mười, 2015 rằng tiền trong ngân khố nhà nước cho dự toán năm 2015 chỉ còn vẻn vẹn 45.000 tỷ đồng mà “không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả,” sự thật đã từ trong chăn vọt ra, vào lúc tình cảnh ngân sách trở nên nguy ngập từ dưới lên và cả từ trên xuống.

Khác hẳn vài năm trước, giờ đây ngân sách trung ương đang cực kỳ khốn quẫn. Ngân sách này chỉ có thể lo việc chi trả lương và một ít đề mục về an sinh xã hội, còn đa phần “đầu tư phát triển” phải tiết chế đến mức tối thiểu. Sau trào lưu xây trụ sở và tượng đài từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ vô tội vạ và vô liêm sỉ trong những năm trước, đến giờ ngân sách tìm ra một ngàn tỷ đồng để chi đã là khó khăn. Rất dễ hiểu là nếu chấp nhận dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hay dự án đường cao tốc Bắc - Nam, ngân sách sẽ phải cắm đầu vay vốn nước ngoài với lãi suất cao và do đó sẽ càng làm nặng gánh nợ công quốc gia - vốn đang phi mã đến hàng trăm phần trăm GDP.

Đó cũng là nguồn cơn chính yếu để gần một năm sau cuộc chuyển giao quyền lực chính phủ Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bất chợt có những phát ngôn “lạ” về kinh tế ngay vào khoảng thời gian chuyển thời giữa năm 2016 và 2017: “Nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và đặc biệt là ông cảnh báo tương lai “Sụp đổ tài khóa quốc gia.”

Đất nước cũng bởi thế nghèo đi là phải!


Dân tình cũng bởi thế ngày càng nheo nhóc cùng đôi vai quằn trĩu do sưu cao thuế nặng cho một chế độ đã xa dân đến mức khó còn đường quay lùi!

Minh Quân

(VNTB)

Đụng độ Biển Đông: Việt Nam bắt giữ quan chức Indonesia

23/05/2017

Indonesia đánh chìm tàu đánh cá bất hợp pháp ở ngoài khơi Pangandaran, Tây Java, ngày 14/3/2016.
Hôm 23/5, Indonesia nói nhiều tàu đánh cá Việt Nam đã chạy ra khỏi lãnh hải nước này sau một màn biểu dương lực lượng của cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông.
AP dẫn nguồn Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia nói Việt Nam đang cầm giữ một giới chức ngư nghiệp Indonesia trên một trong những chiếc tàu của Việt Nam, trong khi phía Indonesia bắt giữ 11 thuyền viên người Việt.
Indonesia cho biết vụ xung đột xảy ra hôm Chủ nhật ở phía bắc chuỗi đảo Natuna, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp của Indonesia nói 5 tàu đánh cá Việt Nam đã bị tàu tuần duyên Indonesia chặn lại. Các tàu này nằm dưới sự kiểm soát của Indonesia cho tới khi tàu của cảnh sát biển Việt Nam tới, đâm thủng tàu cá có quan chức Indonesia trên đó, làm chìm tàu. Indonesia cho biết không có ai bị thương.
Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cho biết tàu của họ đã rút lui sau khi màn hình radar cho thấy có thêm nhiều tàu cảnh sát biển Việt Nam đang tiến gần, trong khi tàu chiến Indonesia ở cách đó đến 30 phút.
Thi hành chính sách tăng cường kiểm soát vùng lãnh hải rộng lớn của quần đảo, Indonesia trong 2 năm qua đã đánh đắm hàng trăm tàu đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển nước này. Trong số đó, rất nhiều tàu treo cờ Việt Nam.
AP dẫn lời ông Rifky Effendi Hardjianto, Tổng thư ký Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia, nói tại một cuộc họp báo rằng các quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia đã gặp Đại sứ Việt Nam. Vụ va chạm này sẽ được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao thông thường. Cả hai phía đều đồng ý sẽ tìm cách để tránh tái diễn xung đột.

Nguyễn Đình Cống - Nên tổ chức đối thoại như thế nào?; Ðố đảng Cộng Sản dám đối thoại ?; Nguyễn Quang A - Đối thoại?; ‘Không sợ đối thoại, không sợ tranh luận,’ thật không?

Vấn đề đối thoại do ông Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng nêu ra ngày 18 tháng 5 chẳng qua chỉ là một thông tin tại hội nghị kiểm điểm việc học tập Hồ Chí Minh chứ chưa phải là một nghị quyết của đảng. Ông Thưởng nói đối thoại là cần thiết, đảng không sợ đối thoại, nhưng không nói rõ sẽ tổ chức đối thoại, vì còn phải cố gắng chờ Ban bí thư thông qua. Nghĩa là chưa thông qua và chưa biết đến bao giờ mới thông qua.Vậy phải chăng đây chỉ là cái bánh vẽ hoặc là bánh có tẩm chất bổ làm dịu thần kinh.

Gs Nguyễn Đình Cống
Dù sao thì ông Trưởng ban tuyên giáo đã nói ra miệng, mà “ Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy” . Bỏ qua cái ý cho rằng đây chỉ là bánh vẽ, là thủ đoạn, là quá ngây thơ mới tin. Hãy cứ buộc vào, cho rằng Đảng muốn đối thoại thực sự. Đoán rằng Ban tuyên giáo chưa quen tổ chức đối thoại nên tôi cố tìm hiểu các cuộc đối thoại trên thế giới để gợi ý, may ra có đóng góp được chút gì.

Đối thoại gồm chủ yếu bên A và B, đó là 2 bên có quan điểm hoặc quyền lợi khác nhau trong cùng một vấn đề đặt ra. Hiện nay ở VN, một bên là đại diện cho lãnh đạo của Đảng, tạm gọi là bên A, một bên là đại diện cho nhân dân. Ngoài ra cần có ban điều hành và trong nhiều trường hợp còn cần thêm bên thứ ba. Ban điều hành, đặc biệt là trưởng ban phải là người trung lập, do hai bên A, B hiệp thương chọn ra. Việc này có thể tham khảo cách làm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam . Bên thứ ba là cử tọa trực tiếp tham dự, là những người theo dõi, là thông tin đại chúng.

Tùy theo tính chất/nội dung, có thể chia thành 2 loại : đối thoại về sự việc và đối thoại về nhận thức. Về sự việc, thí dụ như vụ Đồng Tâm vừa rồi. Về nhận thức, thí dụ như đối thoại giữa Trần Đức Thảo và J. Paul Sartre, như giữa các ứng viên tổng thống. Đó là đối thoại về những vấn đề lý luận, đường lối, sách lược.

Mục đích đối thoại không nên hướng vào ai thắng ai thua mà là để A và B tìm hiểu quan điểm của nhau, tranh luận với nhau, phản bác nhau. Với đối thoại sự việc, là để tìm tiếng nói chung, tìm sự thỏa thuận và nhường bộ để dung hòa quyền lợi, tránh xẩy ra xung đột. Với đối thoại nhận thức, còn là để bên thứ ba hiểu rõ quan điểm của A, B nhằm xử lý thông tin. Đối thoại nhận thức không cần rút ra kết luận gì cả, nếu có kết luận thì đó là của mỗi người.

Yêu cầu của đối thoại là công bằng, minh bạch, chỉ dùng lý lẽ, không dùng áp lực. Trừ một số trường hợp do 2 bên thỏa thuân đối thoại riêng, còn thì nên công khai, tốt nhất là có truyền hình trực tiếp. và được thông báo trước.

Quan trọng nhất trong yêu cầu đối thoại là công bằng, trước hết là thành phần tham gia A và B phải cân xứng. Không được tổ chức đối thoại mà A, B được chọn theo kiểu quân xanh quân đỏ cùng bên. Trong đối thoại nhận thức, cho bên A là đại diện của đảng, vậy bên B phải thế nào để cân xứng. Nếu B chỉ là một vài cá nhân bất đồng chính kiến thì họ quá lẻ loi. Một Triệu Tử Long có thể đối địch hàng vạn quân Tào ở Tràng Bản nhưng rồi cũng phải bỏ chạy. Một người bất đồng chính kiến dù giỏi đến đâu cũng khó đối phó với lực lượng hùng hậu của đảng. Tôi đề nghị các tổ chức dân sự đứng ra, liên hiệp lại, cử ra một Ban Đối thoại. Những người ra đối thoại trực tiếp là đại diện của Ban này. Họ ra đối thoại với một niềm tin, đàng sau mình có chỗ dựa. Những cá nhân muốn tham gia đối thoại cần đăng ký qua Ban này.

Trong lúc đối thoại không bên nào được huy động quần chúng làm áp lực.

Vấn đề tài chính. Có thể huy động từ ba nguồn chính : 1- Trợ cấp của Chính quyền. 2- Sự tài trợ của các tổ chức và cá nhân. 3-Một số buổi đối thoại có thể bán vé thu tiền. Tôi nghĩ, nghe một buổi đối thoại công khai về nhận thức còn giá trị hơn nhiều so với xem bóng đá hoặc nghe ca nhạc.

Chưa biết đối thoại có được tổ chức hay không và có tổ chức được những cuộc đối thoại công bằng, minh bạch công khai, mang lại lợi ích thiết thực, có hiệu quả hay không. Chỉ biết rằng nhân dịp ông Võ Văn Thưởng nói về đối thoại tôi xin đề xuất vài ý kiến để ông và mọi người tham khảo.

Nguyễn Đình Cống

(FB Nguyễn Đình Cống)


Ông Võ Văn Thưởng là trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương của đảng Cộng Sản. Ông mới dạy dỗ các cán bộ, đảng viên rằng: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận,…”

Ðáng lẽ ông Thưởng phải giảng bài đó trước cho các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Ðại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm, vân vân. Bao nhiêu người muốn đối thoại và tranh luận với đảng Cộng Sản đều bị bịt miệng, bị bắt, bị bỏ tù, hết lớp này đến lớp khác! Lý do? Vì đảng Cộng Sản không dám đối thoại, không dám tranh luận!


Nếu muốn đối thoại và tranh luận, đảng Cộng Sản hãy mời ngay những người như các luật sư Nguyễn Văn Ðài, Lê Công Ðịnh, anh Trần Huỳnh Duy Thức, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A tới nói chuyện. Chắc chắn họ sẵn sàng! Ðố mấy lý thuyết gia như Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng có thể cãi lý với họ!

Nếu muốn đối thoại và tranh luận, đảng Cộng Sản hãy chấm dứt không bắt bớ các blogers và những người đi biểu tình, như các bà Lê Thu Hà, bà Trần Thu Nguyệt, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, anh Vũ Huy Hoàng, vợ chồng nhà thơ Bùi Chát, Tiểu An, và các nhóm đang hoạt động ôn hòa như Hội Anh Em Dân Chủ, Ðường Việt Nam, vân vân. Tại sao không đối thoại với Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ? Tại sao không đối thoại với các vị mục sư đang bị cầm tù, hoặc Phật Giáo Hòa Hảo?

Ðảng Cộng Sản ngăn cản, cấm đoán, đàn áp những người trên chỉ vì họ không dám đối thoại và tranh luận với ai cả.

Lý do? Vì đầu óc họ hiện đang rỗng tuếch!

Cứ nghe ông trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương nói thì chúng ta cũng thấy cái đầu ông trống vắng thế nào.

Ông Võ Văn Thưởng dạy các đàn em lý do tại sao đảng ông khuyến khích tranh luận: “…bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận.”

Nói như vậy mà không cười, ông Thưởng là một nhà hài hước đại tài. Trước hết, bây giờ còn nói đến “học thuyết cách mạng” kia à? Cái học thuyết cách mạng nào vậy? Giờ này ở nước Việt Nam, giữa năm 2017, mà một cán bộ nói đến “học thuyết cách mạng” thì chẳng khác nào các ông Sở Khanh, Mã Giám Sinh giảng về việc bảo vệ trinh tiết của phụ nữ con nhà lành!

Ðảng Cộng Sản hiện là một đảng cực kỳ bảo thủ! Ðó là tổ chức kiên quyết bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị mạnh nhất thế giới! Ðảng theo đuổi những đường lối chính trị, kinh tế thủ cựu nhất trong lịch sử! Nhân loại đã xóa bỏ lối làm ăn tư bản thời hoang đã từ lâu rồi mà đảng vẫn nuôi nó ở Việt Nam! Loài người đã xóa bỏ bao nhiêu chế độ độc tài chuyên chế như họ đang thi hành ở nước ta, cũng từ lâu lắm rồi! Bây giờ đảng sợ nhất là có ai muốn làm cách mạng!

Một nhân chứng là ông Nguyễn Ðình Cống, 80 tuổi. Năm ngoái ông đã viết thư xin từ bỏ đảng vì “càng ngày tôi càng nhận ra rằng chủ nghĩa Mác Lênin có nhiều độc hại, rằng chủ nghĩa Cộng Sản chỉ là ảo tưởng, rằng thể chế hiện tại của Việt Nam là sự độc tài toàn trị của đảng. Tôi đã viết nhiều bài phân tích sai lầm của Mác, viết nhiều thư gửi tổ chức đảng góp ý kiến về việc từ bỏ chủ nghĩa Mác Lênin và thay đổi thể chế, viết ý kiến đóng góp cho Ðại Hội 12 với hy vọng đại hội sẽ có chuyển biến tốt về phía dân chủ. Thế nhưng Ðại Hội 12 vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin và đường lối chính trị cũ. …Vậy tôi thông báo từ bỏ đảng Cộng Sản Việt Nam!”

Ðảng Cộng Sản không chấp nhận đối thoại, không dám tranh luận với ông Nguyễn Ðình Cống vì họ cần ôm lấy các quyền lợi quá lớn! Ðảng sợ cách mạng lắm! Còn “học thuyết cách mạng” nào đâu mà ông Võ Văn Thưởng vẫn bô bô nói?

Lý do là vì cái đầu của chính ông ta hoàn toàn “trống vắng,” chỉ chất chứa những khẩu hiệu vô vị, tách rời thực tế, lỗi thời, mà loài người đã bỏ vô thùng rác, từ hơn nửa thế kỷ nay, rõ rệt nhất là từ năm 1989!

Cho nên, những lời “tuyên huấn” của ông Võ Văn Thưởng chứa đầy những mâu thuẫn.

Sau khi cổ động cho việc “đối thoại và tranh luận,” mà ông nhấn mạnh “đây là vấn đề rất quan trọng” ông Thưởng lại sợ đám đàn em đang ngồi nghe như vịt nghe sấm khi đứng dậy vội vã chạy ra đường kéo bà con cô bác đòi đối thoại và tranh luận! Ông bèn dặn bảo ngay: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra! Chờ chút nữa!” Bởi vì, ông nói, cái “Ban Tuyên Giáo Trung Ương” mà ông nắm đầu nó cũng đang chờ đợi! Tại sao? Chính “Ban Tuyên Giáo Trung Ương” đang chờ Ban Bí Thư “thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của đảng và pháp luật của nhà nước.”

Tóm lại, Võ Văn Thưởng kêu gọi đối thoại và tranh luận nhưng chính ông ta cũng chưa biết mình phải đối thoại và tranh luận như thế nào! Theo cách của đảng Cộng Sản thì chính Võ Văn Thưởng cũng không dám “đối thoại và tranh luận” với cái “Ban Bí Thư” ngồi chễm trệ trên đầu mình! Mà cái Ban Bí Thư đó cũng biết có mấy thằng khác nó ngồi trên đầu trên cổ họ nữa! Nhìn lên họ sẽ thấy đó là bọn Nguyễn Phú Trọng, Trần Ðại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm, hay là Tập Cận Bình?

Ông Võ Văn Thưởng giải thích rõ hơn tại sao phải chờ cấp trên “thông qua,” bật đèn xanh và cho chỉ thị chi tiết: “Cần có quy định rõ ràng để từng cấp từng ngành từng cơ sở từng đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình và phương pháp trong trao đổi, đối thoại.”

Nói vậy thì ai cũng hiểu: Ðảng Cộng Sản nói đối thoại và tranh luận tức là “đối thoại và tranh luận dưới sự hướng dẫn!”

Các đảng viên Cộng Sản Việt Nam nghe ông Thưởng nói xong, có thể về nhà ngủ yên. Họ đã quen sinh hoạt trong đảng theo lề thói đó từ lâu: Dân Chủ tức là Dân Chủ Tập Trung, Dân Chủ có hướng dẫn. Không đảng viên nào cần suy nghĩ. Mỗi lần đi họp hãy cất cái đầu ở nhà, mang đi thêm nặng mà còn nguy hiểm! Tất cả những gì đòi hỏi suy nghĩ đã có cấp trên làm giúp rồi! Cứ việc “Noi Gương Bác!” Chính Hồ Chí Minh cũng từng từ chối không suy nghĩ, vì đã có người giúp! Khi một nhà báo hỏi sao không thấy ông ta viết sách, như các lãnh tụ cộng sản khác, Hồ Chí Minh giải thích: Những gì cần viết đã có Bác Mao viết cả rồi! Hồ cũng nói nhiều lần, “Bác cháu cúng ta có thể lầm chứ đồng chí Stalin không thể lầm được!” Cụ Nguyễn Văn Trấn đã nghe và thuật lại câu đó. Chỉ việc nhờ Stalin và Mao suy nghĩ giúp là an toàn nhất!

Một người biết “bán cái” công việc suy nghĩ cho cấp trên làm giúp, đó mới là một đảng viên Cộng Sản gương mẫu, biết “Noi Gương Bác!”

Nhưng dân Việt Nam bây giờ không còn là những con cừu ai bảo sao cũng cúi đầu nghe nữa. Hỏi đồng bào Xã Ðồng Tâm thì biết.

Cho nên, chúng ta cứ thiết lập những diễn đàn công khai, nêu rõ mục đích đối thoại và tranh luận giữa người dân Việt Nam với nhau. Tìm đường cho cả nước trong thế kỷ 21 này. Không cần ai ban chỉ thị hướng dẫn! Không kiêng cữ, không sợ hãi, vấn đề nào cũng có thể đem ra thảo luận.

Một giáo sư Ðại Học Quốc Gia ở Hà Nội, Tiến Sĩ Vũ Minh Giang, chủ Tịch Hội Ðồng Khoa Học Ðào Tạo, đã đề nghị một đề tài: “Việt Nam cần thực hiện một cuộc đổi mới đất nước lần thứ hai.” Nếu không, ông lo nước mình “sẽ tụt hậu so với các nước phát triển trên thế giới.”

Ðề nghị bàn với nhau về “Ðổi Mới Ðợt Hai” tức là nể nang ông Nguyễn Phú Trọng lắm rồi. Nói như thế là vẫn coi như chỉ tiếp tục “con đường đổi mới” của đảng. Nhưng đề nghị này là không tưởng. Vì Nguyễn Phú Trọng không bao giờ dám cho ai bàn về một đề tài mà khi đọc lên ai cũng hiểu “Ðổi Mới Ðợt Hai” tức là “Ðổi Mới Chính Trị!” Ðố đảng Cộng Sản Việt Nam dám để yên cho người dân tự do thảo luận, rồi tranh luận về Ðổi Mới Chính Trị! Cho ăn kẹo cũng không dám!

Nhưng có một đề tài thiết thực hơn và cấp bách không kém, chúng ta cần bàn. Ðó là chuyện “Dân Việt Nam phải làm gì khi chế độ Cộng Sản sụp đổ?” Bàn vấn đề này thì chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ cho công an tới đối thoại bằng dùi cui! Nhưng đồng bào chúng ta cứ việc đối thoại và tranh luận với nhau! Không nên để nước đến chân mới nhảy!

Ngô Nhân Dụng


1.) Nếu hiểu đối thoại theo nghĩa rộng là các tương tác giữa người dân và chính quyền thì sự đối thoại là liên tục, thậm chí chả cần nhìn nhau, nói với nhau gì cả. Dân bất bình với chính sách và, bỏ đi, lãn công, làm việc khác,... chính sách hỏng và chính quyền thay đổi cs. Đấy là loại đối thoại không lời rất phổ biến. Ở cực kia, dân có thể tổ chức biểu tình phản đối, nêu đề xuất,...

media
TS Nguyễn Quang A
Giữa 2 thái cực trên có đủ loại kiểu đối thoại theo nghĩa rộng này.

2) Đối thoại theo nghĩa hẹp là dân (hay các đại điện của họ) gặp nhau trao đổi trực tiếp về vấn đề nào đó. Có lẽ đây là cách hiểu phổ biến. Cần làm rõ nhiều chuyện với loại đối thoại này. 

Trước hết Loại này còn tủy thuộc vào chủ đề đối thoại, cấp đối thoại, với cá nhân hay các tổ chức? Dân cư mạng sôi nổi bàn tán về ý kiến của ông Võ Văn Thưởng ủy viên BCT của ĐCSVN người tỏ ý hoan nghênh, kẻ nghi ngờ. Tôi nghĩ phải hỏi ông Thưởng đối thoại về chủ đề gì? Với ai (cá nhân hay tổ chức hay cả hai)? Chỉ sau khi rõ thì mới có thể có ý kiến xác đáng. Thí dụ nếu các vị ấy nói chỉ đối thoại với các đảng viên đã ký tuyên bố 61 là chuyện nội bộ của đảng họ, hay với các tổ chức XHDS độc lập; đó là các chuyện rất rất khác nhau. Cho nên phải ép ông Thưởng làm rõ thì mới có thể bàn.

Chủ đề là quan trọng. Nếu bàn về các ý kiến khác nhau trong học và làm theo HCM là một chuyện còn về đường lối xây dựng đất nước là chuyện khác và về chuyển đất nước sang dân chủ lại là hoàn toàn khác. Cũng phải ép họ làm rõ.

3) không có đối thoại loại 1) sẽ chẳng bao giờ có đối thoại loại 2). Phải lên tiếng, phải tập hợp lại thành các tổ chức đại diện và liên tục đối thoại với họ bằng mọi hình thức loại 1) để gây áp lực 24/7 lên chính quyền một cách hợp hiến, bất bạo động mới ngó hầu có cơ tiến đến đối thoại loại 2) mà nhiều người hy vọng. Quan trọng là chúng ta có thể đối thoại loại 1) mà chả cần họ đồng ý hay không. Đó là quyền của chúng ta.

4) Nên hoan nghênh mọi sáng kiến đối thoại, kể cả của ông Thưởng, song phải đòi ông làm rõ và thúc đẩy cho đối thoại loại 2) bằng cách gây áp lực liên tục với các loại đối thoại loại 1).

Nguyễn Quang A

(FB Nguyễn Quang A)

‘Không sợ đối thoại, không sợ tranh luận,’ thật không?


Trong cuộc họp sơ kết của ngành Tuyên giáo – báo chí ngày 18/5 vừa qua, ông Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đảng Võ Văn Thưởng đăng đàn nói mạnh rằng: ‘’Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, cọ sát ý kíến khác nhau để tìm ra chân lý.’’ Ông còn cho biết sắp có một chỉ thị của Ban Bí thư TƯ hướng dẫn việc đối thọai và tranh luận trong đảng và trong xã hội.
Đây là chuyện lạ, rất bất ngờ.
Tôi phải bấm mạnh vào đùi để xem mình đang tỉnh hay mê sau khi đọc tin này.
Vì có một sự thật rõ ràng là xưa nay Đảng Cộng sản rất ngại, rất sợ việc tranh luận, việc đối thoại, việc cọ sát ý kiến một cách trung thực để tìm ra chân lý.
Cái khả năng lắng nghe ý kiến người khác là gần bằng con số ‘’không.’’ Chính đây là căn bệnh kinh niên, trầm kha, chết người của Đảng Cộng Sản, con đường tử lộ của đảng, kéo theo thảm họa của nhân dân.
Có trăm nghìn sự thật nói lên căn bệnh bịt chặt 2 lỗ tai của người lãnh đạo Cộng Sản. Trước các Đại Hội X, XI, XII, có biết bao ý kiến, kiến nghị của hàng trăm trí thức, đảng viên góp ý vào các văn kiện dự thảo, nhưng đảng không thèm trả lời lấy một câu. Đó là những trí tuệ và tâm huyết mong muốn đối thọai xây dựng, nhưng đảng đã lạnh lùng không thèm đếm xỉa. Đó là thái độ kẻ cả, tự mãn, trịch thượng, vô văn hóa. Thành ra như nói chuyện với người điếc!
Ngay cả 5 bức tâm thư của ĐạiTướng Võ Nguyên Giáp về ‘’Vụ án siêu nghiêm trọng Tổng Cục II‘’ và về ‘’Khai thác bô-xit trên vùng Tây nguyên’’, gửi Bộ Chính Trị và Ban Chấp hành TƯ, cũng không có đến một câu trả lời .
Thế là không sợ tranh luận, không sợ đối thọai ư?
Gần đây Vụ án Đinh La Thăng, bao nhiêu câu hỏi dồn dập. Vụ án đã kết thúc hẳn chưa? Sao bị kết tội nặng thế mà vẫn còn là ủy viên TƯ Đảng, là Phó Ban Kinh Tế TƯ, còn là đảng viên? Còn là Đại biểu Quốc hội. Đã thật công minh, đúng người đúng tội chưa? Tài sản tham nhũng, thất thoát được thu hồi ra sao, bao nhiêu? Còn bao nhiêu người liên can trong vụ án này? Sẽ xử ra sao?
Vẫn không một ai trả lời.
Nay ông Trưởng Ban Tuyên Giáo lại tuyên bố xanh rờn, không chút ngượng ngùng, là ‘’đảng không sợ đối thọai, không sợ tranh luận’’, nếu quả thật là thế thì đây là cả một cuộc cách mạng, đoạn tuyệt với quá khứ, mở ra một thời kỳ hoàn toàn mới, may mắn, tốt đẹp cho bản thân Đảng Cộng Sản, cho toàn xã hội.
Nhân đây xin mạnh dạn gợi ý với ông Trưởng Ban Tuyên Giáo hãy sớm tổ chức một vài cuộc Hội thảo, đối thoại, tranh luận thật sôi nổi, có kết luận rõ ràng về một số vấn đề quan trọng, nóng hổi sau đây:
Về Cương Lĩnh Chính Trị của Đảng Cộng Sản. Học thuyết Mác – Lenin có còn sức sống hay không ? Chế độ độc đảng có thể là một chế độ dân chủ thật sự hay không? Chủ nghĩa Xã Hội là sự thật hay là ảo vọng?
Phương châm ‘’Đất đai, ruộng đất là thuộc quyền sở hữu của toàn dân, do Nhà nước thay mặt thống nhất quản lý’’ có nên duy trì hay không? hay nên trở lại phương châm ‘’Người cày có ruộng‘’ với các hình thức sở hữu tư nhân (là phổ biến), tập thể và công hữu, như trước năm 1960? Đâu là đúng, sai?
Có nên giữ chính sách ‘’các cơ sở quốc doanh có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế‘’ hay không? vì theo đó các Tập đoàn quốc doanh được ưu đãi, nuông chiều quá đáng, làm ăn lỗ lớn hàng trăm nghìn tỷ đồng, lấn át, bóp chết các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ của giai cấp trung lưu đông đảo, là bệ đỡ rộng lớn làm nền cho phồn vinh kinh tế và cải thiện đời sống cho toàn xã hội?
Có nên cho phép Quân Đội và Công An làm kinh tế hay không? Có biết Trung Cộng đã cấm tuyệt đối chuyện này từ 12 năm nay, vì Quân đội làm kinh tế sẽ lao vào kiếm lợi nhuận, tay cầm súng sẽ lỏng lẻo, dễ tạo nên tham nhũng hưởng lạc, hư hỏng, đi trệch khỏi chức năng cơ bản là bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ nhân dân. Việc Tổng công ty Bưu Chính Quân đội Viettel cướp đất trong vụ Đồng Tâm là một điển hình sống, chưa nói đến mâu thuẫn gay gắt giữa Viettel với Tổng Cục Bưu Điện và ngành Viễn thông của Nhà nước.
Hãy tổ chức đối thoại tranh luận về 4 vấn đề lớn, nóng hổi trên đây, chưa nói đến các vấn đề hệ trọng khác, như: nên lựa chọn đường lối đối ngọai nào để có bạn tốt, đáng tin cậy; nên cải cách nền giáo dục ra sao? có nên làm như Bình Thuận xây dựng tượng cha con ông Hồ Chí Minh tốn đến 118 tỷ đồng?
Đảng Cộng Sản, Bộ Chính Trị và ngành Tuyên Huấn Trung ương chủ trương tổ chức tiến hành đối thoại thật sự là chuyện rất đáng hoan nghênh, một cuộc đổi mới gương mẫu rất có lợi cho đất nước, cho nhân dân.
Mở đầu, để tạo nên đà thuận lợi, hãy triệu tập những trí thức của đảng thường có chính kiến xây dựng, mạnh bạo, như các vị: Trần Phương, Nguyễn Văn An, Vũ Khoan, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Đặng Hồng Võ, Bùi Quang Vinh, Trương Đình Tuyển, Trần Quốc Thuận, Hoàng Xuân Phú, Vũ Ngọc Hoàng, Nguyên Ngọc, Phan Huy Lê, Nguyễn Huệ Chi, Trần Quốc Thước, Lê Mã Lương … Đây là một phần ‘túi khôn’ truyền thống của dân tộc.
Xây dựng thật sự và thật lòng một ‘’nền văn hóa đối thoại‘’ trong Đảng và trong xã hội là một bước tiến vượt bực trong tư duy và trong tác phong lãnh đạo của Đảng, sẽ làm lợi vô hạn cho đất nước và cho nhân dân, sẽ là một bước tiến dài để Đảng Cộng Sản thoát khỏi đà suy thoái nguy hiểm và khôi phục niềm tin của nhân dân, niềm tin mà mới đây Giáo sư - Đảng Viên Đào Công Tiến đã báo động là ‘’đã cạn kiệt’’ do Đảng đã buộc nhân dân phải trả giá quá cao cho những sai lầm của mình suốt 70 năm qua.
Trong những sai lầm ấy, có sai lầm sợ đối thoại, sợ tranh luận, không chịu nghe ý kiến phản biện, xây dựng, tự thỏa mãn… đã thành cố tật của các nhà lãnh đạo Cộng sản nước ta. Có gì đáng mừng hơn là sự tự nguyện rũ bỏ cố tật ấy.