Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Liệu Biển Đông có trở thành một Crimea mới?

Posted on  by The Observer

Print Friendly
Nguồn: Nicholas Lyall, Will the South China Sea Become the New Crimea?“, The National Interest, 07/05/2017.
Biên dịch: Trần Quang
Tập Cận Bình đã tránh được thành công hành động quá đà trên biển – nhưng điều này có thể sẽ thay đổi. 
Tình bạn đang nảy nở giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời gian gần đây đã phản ánh những nét tương đồng trong phong cách lãnh đạo cá nhân của họ. Cả hai quốc gia đều được xác định bằng việc chú trọng vào người lãnh đạo cá nhân, ngược lại với thể chế, do đó tiêu biểu cho mô hình “thuyết nhân cách” trong đó các nhà lãnh đạo tự mô tả mình là những nhà cầm quyền mạnh mẽ và độc nhất mà số phận của toàn dân tộc phụ thuộc vào. Mô hình lãnh đạo này, vốn thường thúc đẩy các nhà lãnh đạo theo thuyết nhân cách tìm kiếm uy tín quốc gia cho đất nước của mình nhằm duy trì tiếng tăm trong nước, và cũng có thể dẫn đến sự quá đà về chính sách đối ngoại. Trong khi những nỗ lực nhằm đạt được uy tín quốc gia có thể dẫn đến việc các chế độ theo thuyết nhân cách giành được quyền lực ở bên ngoài, chúng cũng thường cũng dẫn đến việc hình thành các liên minh giữa các nước bị ảnh hưởng để chống lại chế độ theo chủ nghĩa phiêu lưu. Putin hiện đang gánh chịu những tác động của cái bẫy hành động quá đà này sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Crimea: Một chiến thắng phải trả giá đắt 
Trong khi Nga đang ngày càng lo lắng về những căng thẳng gia tăng với NATO ở vùng Baltics, thì chiến lược lớn Á-Âu của Putin vẫn đang đình trệ, vì các nước Trung Á đã trở nên nghi ngờ về chủ nghĩa đế quốc mới có thể xuất hiện của Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea. Dự án chủ đạo của chiến lược này, Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU), hiện đang suy tàn. Điều này là vì các rắc rối kinh tế của Nga – một phần là do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt để đáp trả hành động của Nga ở Ukraine – đã xâm nhập vào các nền kinh tế Trung Á, vốn phụ thuộc vào Nga trong phần lớn thương mại hai chiều của họ. Tác động của các biện pháp trừng phạt, bị làm trầm trọng thêm bởi sự sụt giảm giá dầu trên toàn cầu, được thể hiện qua việc kim ngạch thương mại sụt giảm giữa Kazakhstan và Nga, từ 28,5 tỷ USD năm 2013 xuống 15,5 tỷ USD năm 2015 – giảm 45%. Xu hướng của Moskva ưu tiên chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa phiêu lưu của nước này thay vì cân nhắc đến nền kinh tế khu vực đang khiến các nước thành viên EEU ngày càng thấp thỏm, một vài trong số đó đang dần dần vỡ mộng về dự án này.
Sự vỡ mộng của các nước thành viên EEU và các nước Trung Á khác về chủ nghĩa phiêu lưu của Putin, và sự nghi ngờ của họ đối với chủ nghĩa đế quốc mới của Nga, có thể làm suy yếu nghiêm trọng chiến lược lớn của Moskva. Trước hết, nó có thể khiến các quốc gia này ngày càng sẵn sàng tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn với EU và Trung Quốc, điều sẽ không có lợi cho Nga. Một tác động khác có thể xảy ra là việc các nước thành viên EEU hợp tác để chống lại sự lấn át của Moskva trong liên minh. Thêm vào đó, việc Moskva thiếu vốn để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực có thể khiến các quốc gia Trung Á tăng cường tập trung vào các cải cách trong nước nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của chính họ. Việc giảm phụ thuộc kinh tế vào Nga do kết quả của điều đó – hiện trạng của nhiều trong số những quốc gia này – có thể dẫn đến quyền tự chủ gia tăng so với Nga.
Xét tác động tiêu cực của hành động của Putin ở Crimea tới chiến lược lớn hơn của ông, thì khả năng Tập Cận Bình phải chịu số mệnh tương tự ở Biển Đông sẽ là gì? Sự phát triển chiến lược biển của Trung Quốc kể từ cuối năm 2012 đang làm sáng tỏ điều này.
Tham vọng “cường quốc biển” của Tập Cận Bình đối với Trung Quốc 
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ nhu cầu Trung Quốc trở thành một cường quốc biển, tại một buổi học tập của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7/2013, là một bước ngoặt quan trọng. Bằng việc dựa trên bài phát biểu của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Đại hội Đảng lần thứ 18 vào tháng 11/2012 – nơi chủ đề cường quốc biển lần đầu tiên được đưa ra – việc củng cố tham vọng này của Tập Cận Bình đã đánh dấu lần đầu tiên kể từ giai đoạn giữa của thiên niên kỷ trước khi Trung Quốc thể hiện nguyện vọng chân thành là trở thành một cường quốc biển vượt trội. Nó cũng báo trước một chính sách đối ngoại tham vọng và quyết đoán mà vị lãnh đạo mới đắc cử khi đó đã lên kế hoạch thực hiện.
Tại Hội nghị Công tác ngoại giao xung quanh của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2013, hội nghị đầu tiên theo kiểu này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra một nghị trình được xây dựng dựa trên việc Trung Quốc thúc giục các bên tranh chấp khu vực chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của mình, cũng như ra điều kiện để khu vực chấp nhận “các lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Việc Tập Cận Bình phát triển nghị trình chiến lược này trong năm 2013 đã minh họa cho một sự xem xét lại quan trọng các mô hình chính sách đối ngoại trước đây của Trung Quốc: mô hình của Đặng Tiểu Bình là “giấu mình chờ thời”, trong khi Hồ Cẩm Đào nổi tiếng với niềm tin mạnh mẽ rằng một môi trường láng giềng hòa bình và ổn định có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Sự quyết đoán ngày càng tăng của Chủ tịch Tập Cận Bình được thiết kế để hợp thức hóa “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” của ông với Mỹ, nhờ đó Trung Quốc sẽ nhận được một mức độ tôn trọng và hợp tác mới từ đối phương, phản ánh sự vươn lên của Trung Quốc tới vị trí siêu cường toàn cầu. Cụm từ này là trọng tâm trong việc Tập Cận Bình củng cố hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo có ý chí mạnh mẽ, và đã giúp ông có được uy tín đáng kể trong nước.
Biến động ban đầu trong việc thúc đẩy “cường quốc biển” 
Những phản ứng ban đầu của một số học giả người Trung Quốc đối với mô hình chính sách đối ngoại mới của Tập Cận Bình là cảnh giác. Wang Jisi khẳng định rằng Trung Quốc chỉ cần tập trung vào “cuộc trường chinh về phía Tây” của mình tới khu vực Á-Âu và từ bỏ lập trường mạnh mẽ ở Tây Thái Bình Dương, vì điều này sẽ chỉ dẫn đến mâu thuẫn dai dẳng và mang tính hủy hoại với Mỹ và các đồng minh của nước này. Sự thận trọng của Wang dường như là một lời tiên đoán. Các sự kiện như những gì đã xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2014 – nơi Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã lắp đặt một giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – dường như đã đẩy các nước Đông Nam Á ngày càng xích lại gần nhau hơn trong việc chống lại chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc. Khẳng định của chủ tịch tập đoàn CNOOC rằng tập đoàn sẽ phấn đấu đóng một vai trò chủ chốt trong việc đạt được tham vọng của Tập Cận Bình về việc Trung Quốc giành được địa vị cường quốc biển bằng cách sử dụng các giàn khoan dầu như là “lãnh thổ quốc gia di động” và “vũ khí chiến lược” là một dấu hiệu cho thấy lập trường của Trung Quốc trên biển đang có nhiều biến động.
Sự thúc đẩy không ngừng cho ưu thế vượt trội trên biển đã được đưa vào Sách Trắng Quốc phòng năm 2015 của Trung Quốc, trong đó tuyên bố rằng sự chú trọng truyền thống của Trung Quốc vào lục quân thay vì hải quân sẽ được đảo ngược, và nhiệm vụ của Hải quân Quân Giải phóng nhân dân (PLAN) sẽ được mở rộng từ việc bảo vệ lãnh thổ cho đến bao gồm các hoạt động biển khơi. Các cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của PLAN, như là cuộc tập trận hải quân chung Haishang Lianhe với Nga vào tháng 5/2014, chỉ làm trầm trọng thêm những lo ngại đang gia tăng của các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc.
Sự phản đối chung của các bên tham gia trong khu vực đối với chính sách Biển Đông của Tập Cận Bình đã dần dần gia tăng trong những năm 2014 và 2015, lên đến đỉnh điểm trong phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, nhưng sau đó đã tan đi nhanh chóng. Philippines và Mỹ, vốn sắp sửa tổ chức một liên minh quốc tế yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết tháng 7/2016, đã thất bại ở rào cản uối cùng khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thay vào đó đã xoay sang nối lại quan hệ hữu nghị đơn phương với Bắc Kinh.
Sự tham gia của Philippines là quan trọng đối với số phận của bất kỳ liên minh nào sẽ đối trọng thành công với Trung Quốc, bởi khả năng Việt Nam – một bên tham gia khu vực lớn khác trong tranh chấp này – can dự một hợp tác quân sự mở rộng với Mỹ là không thể. Trong khi Mỹ đã hủy bỏ các lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của mình sang Việt Nam vào tháng 10/2014, những vết sẹo tâm lý còn sót lại của cuộc Chiến tranh Việt Nam vẫn còn dai dẳng một thời gian. Hơn nữa, khác với Philippines, Việt Nam vốn ít có xu hướng tham gia các mối quan hệ liên minh mạnh mẽ và sau đó sử dụng chúng như một nguồn sức mạnh tập thể.
Tập Cận Bình tránh né thành công việc hành động quá đà 
Một thành tựu chiến lược lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình chính là khả năng học cách đẩy các ranh giới đến mức giới hạn mà không mạo hiểm vượt qua nó. Cách giải quyết của Trung Quốc trong vụ việc bãi cạn Nam Luconia với Malaysia chính là một ví dụ như vậy. Tháng 9/2013, một tàu hải giám Trung Quốc đã thả neo ở khu vực bãi cạn mà Malaysia tuyên bố chủ quyền, mở ra các cuộc điều trần tại Quốc hội Malaysia và những phàn nàn lan rộng từ các quan chức chính phủ. Lực lượng Hải giám Trung Quốc cuối cùng đã rút con tàu này vào tháng 11/2015, chỉ ngay trước khi Malaysia chủ trì Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á. Cách lựa chọn thời điểm khéo léo này đã ngăn vấn đề trở thành điểm trọng tâm của sự đàm luận công khai trong các hội nghị thượng đỉnh nổi bật, mà đã có thể mang lại một động lực quan trọng để chống lại Trung Quốc. Thành tích nổi bật của Trung Quốc là việc các tàu hải giám đã quay trở lại các bãi cạn này gần như ngay sau các hội nghị thượng đỉnh, nhưng khi vấn đề này phần lớn đã biến mất khỏi sự đàm luận công khai của Malaysia, nó đã không còn khả năng gây ra sự phản kháng chung.
Thành tích chiến lược khác của Tập Cận Bình là khả năng theo đuổi ngoại giao hai lộ trình. Trung Quốc đã tăng cường mạnh mẽ quan hệ kinh tế với Philippines trong những tháng gần đây, đảm bảo rằng các tranh chấp trên biển không được phép làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao toàn diện. Đề xuất về một gói đầu tư trị giá 10 tỷ USD vào tháng 3/2017 của Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây ra một phản ứng “vỡ òa” từ Tổng thống Duterte, kết quả là ông đã tuyên bố rằng ông tin Trung Quốc đã công nhận một cách thỏa đáng các tuyên bố lãnh thổ của Philippines ở Benham Rise, một trong những điểm nóng lớn trước đây với Trung Quốc. Khả năng cải thiện quan hệ song phương này với một nước mà Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ không phải là chưa từng có: Quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ đã được xác định bằng quan hệ song phương đơm hoa kết trái trong 10-15 năm qua bất chấp tranh chấp biên giới năm 1962 đến nay vẫn còn âm ỉ. Khả năng Tập Cận Bình áp dụng chiến lược ngoại giao hai lộ trình này với các nước khác liên quan đến tranh chấp Biển Đông có thể xác định một cách rõ ràng thành công hay thất bại của ông trong khu vực này.
Cho đến nay, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã đạt được các mục tiêu của mình trong khi tránh né hành động quá đà về mặt chiến lược như Putin ở Crimea. Trên thực tế, sự lãnh đạo theo thuyết nhân cách của Tập Cận Bình trong một chừng mực nào đó đã có hiệu quả như ý muốn của ông ở Biển Đông, với ví dụ điển hình là mối quan hệ gần gũi của ông với Duterte. Trung Quốc đang tiếp tục củng cố các thành quả của mình, khi các dự án cơ sở hạ tầng hiện nay của nước này đã làm gia tăng đáng kể sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở các khu vực phía Nam của “đường 9 đoạn”. Như vậy, Trung Quốc đang ngày càng tiến gần đến việc thiết lập quyền kiểm soát thực tế đối với Biển Đông khi nước này ngày càng có khả năng ngăn các nước Đông Nam Á sử dụng các vùng biển này. Trong khi Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP), tình trạng trì trệ hiện nay giữa các mạng lưới liên minh của Mỹ ở Đông Nam Á đồng nghĩa với việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ vẫn có khả năng kiểm soát hiện trạng.
Nó có thể vẫn sai lầm như thế nào? 
Trong bối cảnh này, điều gì có thể xảy ra mà sẽ ngăn chặn sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực? Trong khi các nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục xây dựng quan hệ gần gũi với Duterte hiện đang có lợi cho Trung Quốc, có khả năng điều này sẽ phản tác dụng. Công chúng Philippines không chia sẻ quan điểm thân mật của Duterte đối với Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình. Các chuyên gia về pháp luật của Philippines đã cảnh báo Duterte rằng ông phải đối mặt với những nguy cơ bị kết tội nếu ông không có một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc (trên thực tế một nhà lập pháp phe đối lập đã đệ đơn yêu cầu kết tội) và các nhân vật chính trị hàng đầu đã cảnh báo Duterte phải đảo ngược giọng điệu khúm núm của ông về sự xâm phạm của Trung Quốc. Bất chấp khuynh hướng phớt lờ chỉ trích của mình, Duterte có lẽ buộc phải chịu thua trước áp lực ngày càng tăng của công chúng nếu Trung Quốc không dịu bớt thái độ của nước này. Tập Cận Bình sẽ phải đưa ra một quyết định quan trọng về vấn đề này. Lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa mới của Trung Quốc bên trong “đường 9 đoạn” có thể là ngòi nổ khiến Philippines rút khỏi mối quan hệ hiện nay với Bắc Kinh. Sau đó, nếu Chính quyền Trump nhận ra, Mỹ sẽ có một cơ hội để khôi phục quan hệ đối tác với Manila. Điều này có thể mang lại một nền tảng để Mỹ sau đó có thể xây dựng một chiến lược đối trọng thành công với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hiện tại, Chủ tịch Tập Cận Bình đang có ưu thế ở Biển Đông. Định hướng tương lai của cuộc tranh chấp lãnh thổ này phần lớn phụ thuộc vào việc liệu Tập Cận Bình có duy trì theo đuổi thành công chính sách ngoại giao hai lộ trình cũng như khả năng của ông tránh vượt qua những “vạch đỏ” chính. Chẳng hạn như việc bắt đầu các dự án xây dựng trên bãi cạn Scarborough có thể là chất xúc tác dẫn đến hình thành một liên minh quốc tế có thể ngăn chặn Trung Quốc.
Nicholas Lyall là nghiên cứu viên tại trường Đại học Quốc gia Úc. Lĩnh vực chính mà ông quan tâm là về Nga, Trung Quốc, đặc biệt là về an ninh mạng, an ninh biển liên quan đến Nga và Trung Quốc. Ấn phẩm gần đây của ông đều viết về chiến tranh phức hợp của Nga, chủ yếu liên quan đến những căng thẳng hiện tại với NATO.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/05/28/lieu-bien-dong-co-tro-thanh-mot-crimea-moi/#sthash.OcAReUrq.dpuf

TRỜI ĐÀ NẴNG CŨNG KHÔNG ƯA TRUNG QUỐC, ĐỔ MƯA ĐỂ LÀM MÙ CÂM TRẬN BẮN PHÁO HOA TÀU ĐÊM QUA; Sự thật về đường "lạ" Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Trời đổ mưa, pháo hoa Trung Quốc “mù câm” vì nghẹt khói

TPO - Màn pháo hoa mong đợi của hàng vạn người dân và du khách đã chìm trong khói đen.

Trời đổ mưa, pháo  hoa Trung Quốc “mù câm” vì nghẹt khóiMàn pháo hoa mù câm vì khói và mưa.
 Đêm nay (27/5), bữa tiệc ánh sáng trên bầu trờ Đà Nẵng được khai màn bởi đội pháo hoa Trung Quốc - LiuYang Dancing Fireworks .
Đây chính là nhà vô địch của Cuộc thi trình diễn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng lần đầu tiên năm 2009. Thành lập năm 1995, Công ty đã từng tham gia trình diễn pháo hoa tại nhiều sự kiện lớn, trong đó có Lễ Khai mạc và Bế mạc Olympics Bắc Kinh 2008 và Lễ Khai mạc World Expo Thượng Hải 2010 (Trung Quốc). Tại cuộc thi trình diễn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2012, Dancing Fireworks cũng đã đạt giải nhì.
Hàng vạn người đã mong chờ thưởng ngoạn màn trình diễn của đội pháo hoa “nhà nòi”. Ngay từ khúc dạo đầu tiên, Trung Quốc đã hứa hẹn với khán giả một đại tiệc pháo hoa tuyệt vời.
Khán giả trên các khán đài tiếc nuối vì không thưởng thức được đại tiệc pháo hoa mà họ mong đợi. Ảnh: Thanh Trần.
Tiếng vỗ tay, hò hét tán dương rộ lên từ các khán đài. Tuy nhiên sau chưa đầy 1 phút, trời Đà Nẵng đổ mưa, ít gió khiến khói đen bao kín màn pháo hoa kỳ công của Trung Quốc.
Những phút cuối mưa nhẹ dần, những màn pháo hoa kỳ công mới lộ ra khỏi làn khói dày đặc. Ảnh: Thanh Trần.
Những đợt pháo chìm trong khói, le lói phát sáng ra bên ngoài. Càng về sau không gian bắn pháo càng mù tịt, hoàn toàn không thấy gì.
Khán giả trên các khán đài tỏ ra luyến tiếc và đồng cảm với bất lợi của đội này. Mặc dù bất lợi, Trung Quốc vẫn cố gắng thể hiện xong màn pháo hoa của mình. Đến những phút cuối, khán giả mới thấy được vài đợt pháo lộ ra khỏi khói đen nhờ mưa nhẹ hạt dần.

Đà Nẵng: Hàng vạn người đội mưa xem pháo hoa

Trước giờ trình diễn của hai đội Trung Quốc và Anh đêm nay (27/5), trời Đà Nẵng đổ mưa lớn làm hàng vạn du khách trên các khán đài náo loạn.


Thanh Trần

Sự thật về đường "lạ" Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Đã có hàng trăm ngàn tấn đường lỏng bắp từ Trung Quốc mà nhiều người còn gọi là đường mới hay đường “lạ” được nhập vào Việt Nam.
 >> Đường "lạ" giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết đến thời điểm này, lượng đường trong nước tồn kho đã lên đến trên 750.000 tấn. Đây là mức tồn kho kỷ lục và có nguy cơ gây mất an toàn đối với ngành mía đường vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, theo VSSA, đã có hàng trăm ngàn tấn đường lỏng bắp (HFCS - High-Fructose Corn Syrup, gọi tắt là đường lỏng) từ Trung Quốc mà nhiều người còn gọi là đường mới hay đường “lạ” được nhập vào Việt Nam khiến ngành mía đường trong nước càng lao đao.
Giá rẻ, dễ mua
Trong vai khách hàng, chúng tôi hỏi mua đường lỏng của Trung Quốc nhưng tiểu thương ở một số chợ trên địa bàn TP.HCM cho biết không bán loại đường này. “Đường lỏng Trung Quốc chủ yếu được bán sỉ cho các công ty sản xuất bánh kẹo, kinh doanh chất phụ gia với số lượng lớn. Còn người tiêu dùng ít sử dụng nên chúng tôi cũng ít bán lẻ” - chị Vy, tiểu thương tại chợ Bà Hoa, quận Tân Bình, nói.
Tuy nhiên, trên một số trang web có rao bán loại đường này. Chẳng hạn, một công ty chào bán đường lỏng Trung Quốc với tên sản phẩm là Nước đường - High fructose corn syrup 55%”, đựng trong những chiếc can thiếc có trọng lượng 25 kg/can.
“Loại đường lỏng này là dạng sirô hỗn hợp các loại đường từ bắp, được dùng làm nguyên liệu trong sản xuất nước giải khát, bánh kẹo… có độ ngọt cao hơn đường trắng, hạn sử dụng tới hai năm. Nếu anh mua dưới 500 kg thì giá 20.000 đồng/kg, trên một tấn giá sẽ giảm còn 17.500 đồng/kg. Nếu anh mua lần đầu để thử thì bên công ty em sẽ hỗ trợ với giá rẻ” - nhân viên công ty trên tư vấn.

Hiện nay đường trắng Việt Nam còn tồn kho trên 750.000 tấn. Đồ họa: THÙY TRANG
Hiện nay đường trắng Việt Nam còn tồn kho trên 750.000 tấn. Đồ họa: THÙY TRANG
Một số công ty khác tại TP.HCM cũng chào bán sản phẩm đường lỏng nhập từ Trung Quốc với giá 17.000-18.000 đồng/kg. Nếu khách mua từ 500 kg trở lên sẽ được nhà cung cấp giao tận nhà.
Như vậy, so với giá đường trắng trong nước được chế biến từ mía đang bán lẻ trên thị trường 19.000-20.000 đồng/kg thì đường lỏng Trung Quốc rẻ hơn 2.000-3.000 đồng/kg.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho hay thực chất đường lỏng Trung Quốc là chất ngọt thay thế được các công ty bánh kẹo, nước giải khát sử dụng. Ông Doanh dẫn chứng: “Sức tiêu thụ đường trắng chỉ tăng 1%-2% trong khi đường lỏng tăng đến 3%-4%. Nguyên nhân do các công ty thực phẩm chuyển sang sử dụng đường lỏng để giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận nhiều hơn”.
Phó tổng giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), bà Dương Thị Tô Châu, cho hay: “Hiện đường lỏng Trung Quốc nhập về cảng TP.HCM giá khoảng 12.000 đồng/kg. Mức giá này rẻ hơn nhiều so với đường trắng bán trong nước 14.000-17.900 đồng/kg tùy loại. Chưa kể độ ngọt của loại đường lỏng gấp 1,1-1,3 lần so với đường trắng trong nước. Điều này cũng là nguyên nhân chính khiến lượng đường tồn kho ở mức cao kỷ lục trong lịch sử ngành mía đường từ trước đến nay”.
Có hiện tượng gian lận thương mại
Hiện nay thuế suất nhập khẩu đường trong hạn ngạch thuế quan là 5% từ các nước ASEAN và 25% đối với đường thô; 40% đối với đường trắng nếu nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN. Thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan là 80% đối với đường thô và 85% đối với đường trắng.
Thế nhưng bà Dương Thị Tô Châu khẳng định đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc lại đang được hưởng mức thuế 0%.
Bà Châu nói: “Đáng lẽ đường lỏng Trung Quốc nhập về Việt Nam phải chịu mức thuế 13%. Nhưng để né khoản thuế này, đường lỏng Trung Quốc được tuồn qua các nước ASEAN sau đó mới xuất vào Việt Nam để được miễn thuế, né thuế”.
Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh cho biết thêm nguồn đường lỏng từ các nước ngoài ASEAN đang được tạm nhập vào các nước thuộc khu vực này, sau đó “hóa phép” nguồn gốc xuất xứ rồi xuất khẩu vào Việt Nam để hưởng thuế 0%. Do không phải nộp thuế, có hiện tượng gian lận thương mại nên đường lỏng thường có giá bán rẻ hơn so với đường trong nước.
Ông Doanh nhấn mạnh: “Loại đường lỏng này được các công ty sản xuất các sản phẩm chế biến từ đường sử dụng nhưng lại không cơ quan nào kiểm soát, giá rẻ, độ ngọt lại cao và cạnh tranh thiếu công bằng với đường nội địa. Đó là chưa kể trên thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi về lợi ích, tác hại của loại đường lỏng. Do vậy các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ”.
Tương tự, bà Châu nói: “Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra loại đường lỏng này được chiết xuất từ phương pháp thủy phân, có cho thêm các chất hóa học nên ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe người sử dụng. Một số nước cũng có những quy định hạn chế loại chất ngọt thay thế này. Điều đáng lo là loại đường lỏng này có thể được chiết xuất từ bắp biến đổi gen, do vậy Việt Nam cần kiểm soát chặt”.
Trước phản ánh của các công ty chế biến đường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Với tác động của loại đường này đến ngành mía đường trong nước, chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp và hiệp hội, sau đó sẽ có những giải pháp cụ thể”.

Đường Việt Nam lao đao vì bị đường lạ Trung Quốc tấn công- Trong ảnh: Chế biến, đóng gói đường tại một doanh nghiệp - Quang Huy
Đường Việt Nam lao đao vì bị đường lạ Trung Quốc tấn công- Trong ảnh: Chế biến, đóng gói đường tại một doanh nghiệp - Quang Huy
Đường bắp làm tăng nguy cơ béo phì
Nhiều nghiên cứu cho thấy đường lỏng bắp (HFCS) là một loại chất làm ngọt tự nhiên có nguồn gốc từ tinh bột bắp. HFCS có vị tương tự như đường nhưng có thể để được lâu hơn trong quá trình bảo quản thực phẩm.
Theo chuyên gia Vũ Thế Thành, ThS quản trị chất lượng, HFCS không bổ béo cho cơ thể mà lại có nguy cơ làm tăng béo phì. Bởi HFCS làm từ bột bắp. Bột bắp được thủy giải hết cỡ thành glucose, sau đó chuyển hóa một phần thành đường fructose. Do đó HFCS là loại sirô hỗn hợp gồm có đường glucose và fructose, có hàm lượng fructose 42%, 55% hoặc 90% tùy loại.
“Fructose trong trái cây dù sao cũng là dạng lành mạnh vì còn kết hợp với nhiều thành phần bổ dưỡng khác trong trái cây. Còn sirô HFCS thì khác, đường chỉ là đường. Ăn ngọt nhiều là điều chẳng nên vì đường này là thứ tạo calo rỗng, chẳng ích lợi gì mà có khi lại chuốc lấy rủi ro về sức khỏe, chủ yếu là tim mạch, tiểu đường type 2 và béo phì” - ông Thành nói.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt giữa đường HFCS (làm từ bột bắp) và đường thông thường (làm từ củ cải ngọt và mía) được chuyển hóa. Theo đó, đường HFCS làm tăng cân và tăng mỡ bụng nhanh hơn đường thông thường.
________________________________
Bộ Công Thương cho hay trong năm 2016 đã có 85.000 tấn đường được đấu giá thành công. Ngoài ra, Chính phủ cho phép nhập khẩu bổ sung ngoài hạn ngạch 100.000 tấn đường theo phương thức phân giao cho các thương nhân nhập khẩu, tức không tổ chức đấu giá.
Năm 2017, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ tiếp tục cho thực hiện đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường.
Theo Quang Huy
Pháp luật TPHCM

THƯ GỬI ANH VÕ VĂN THƯỞNG – TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

Nguyễn Đăng Hưng

Lẽ ra, tôi nên gọi anh là ngài vì sau Đại hội XII, anh đã được bầu vào Bộ Chính trị và được phân công là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Anh thuộc lứa tuổi các học trò các lớp cao học của tôi trong khuôn khổ hợp tác Bỉ-Việt (1995-2007), tôi nghĩ nên gọi anh là anh, như tôi thường gọi các học trò cho thân mật.
Hơn nữa, nhân ngày Tết Việt kiều năm ngoái, mừng Xuân Bính Thân, anh tiếp chúng tôi với tư cách Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, mới vừa đắc cử vào Bộ Chính trị. Anh đã chủ động đến bàn tôi đang ngồi cùng các bạn Việt kiều khá xa khán đài, thân tình bắt tay tôi. Ngày hôm sau, thứ Bảy 10/1/2016 trên trang nhất báo Người Lao Động, có đăng hình khổ lớn với tiêu đề: “ĐAU ĐÁU HƯỚNG VỀ ĐẤT MẸ”.
Tôi viết thư này cho anh vì mấy ngày qua, trên nhiều tờ báo chính thống, thí dụ báo Pháp Luật ngày 15/5/2017, có đăng lời tuyên bố của anh: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” (http://plo.vn/thoi-su/ong-vo-van-thuong-khong-so-doi-thoai-tranh-luan-702827.html).
Anh còn chỉ rõ thêm một cách cụ thể là anh đang cố gắng để Ban Bí thư thông qua vấn đề này trong thời gian tới.
Tôi rất vui đón nhận tin này và tôi không ngạc nhiên đã phát xuất từ anh.
Mong thay, đề đạt này nhanh chóng được Ban Bí thư, Bộ Chính trị đồng ý và các cuộc đối thoại chân tình và thẳng thắn giữa đảng, chính phủ và xã hội dân sự sẽ sớm được tổ chức.
Thật vậy, có nhiều vấn đề nóng bỏng, nhiều chính sách không phù hợp, nhiều hành xử yếu kém đã gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân ở mọi tầng lớp, thành phần nay đã đạt đỉnh điểm. Sự phân liệt, chia cắt giữa dân chúng và nhà cầm quyền đã đến giai đoạn trầm trọng và việc tạo điều kiện để đôi bên hiểu nhau, để chính phủ thấu rõ nguyện vọng của người dân là cần thiết hơn bao giờ hết!
Chắc anh đã thấy trong mấy ngày qua, sự đón nhận nồng nhiệt của người dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, nhất là giới trí thức phản biện về những đề đạt của anh.
Riêng cá nhân tôi, tôi cũng sẽ đồng ý tham gia các buổi trao đổi ý kiến được chính quyền tổ chức. Thậm chí đối thoại trực diện giữa hai cá nhân. Dĩ nhiên, tôi sẽ luôn luôn song hành cùng người dân.
Tôi mong mỏi các cuộc thảo luận nếu có, sẽ được tổ chức một cách công khai, có giám sát của cử tọa đảm bảo tính vô tư, công bằng, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau, chia đều thời gian phát biểu. Người điều hành buổi thảo luận cũng như đề tài phải được hai bên đồng thuận ấn định.
Tôi cho rằng 5 đề tài sau đây là bức thiết nhất:
1. Luật sở hữu đất đai.
2. Vấn đề bảo vệ môi trường.
3. Vấn đề cải cách giáo dục.
4. Vấn đề xử dụng nhân tài và bổ nhiệm nhân sự các cấp.
5. Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Sau cùng, tôi xin chúc anh thành công trong việc thực hiện đề đạt hợp tình hợp lý, hợp lòng dân này.
Trân trọng chào anh!
TSKHKK Nguyễn Đăng Hưng,
Giáo sư Danh dự Đại học Liège, Bỉ
Tác giả gửi BVN

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Chuyên gia dự báo ngày Mỹ tấn công Triều Tiên sắp tới gần

Dân trí Phát biểu tại Hội nghị Đầu tư Chiến lược 2017 ở Orlando, Mỹ ngày 22/5, chuyên gia George Friedman, người sáng lập tổ chức tư vấn chiến lược Geopolitical Futures, cảnh báo Washington đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh nhằm vào Triều Tiên, bất chấp những hệ quả thảm khốc có thể xảy ra, theo Business Insider.
 >> Tổng thống Trump tiết lộ "hỏa lực cực mạnh" của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên
 >> Mỹ có thể phong tỏa hải quân, áp đặt vùng cấm bay chống Triều Tiên

Các đơn vị pháo kích thuộc quân đội Triều Tiên tập trận (Ảnh: KCNA)
Các đơn vị pháo kích thuộc quân đội Triều Tiên tập trận (Ảnh: KCNA)
Theo Business Insider, ông George Friedman, chuyên gia sáng lập tổ chức tư vấn chiến lược Geopolitical Futures, đã đưa ra cảnh báo về mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên trong bài phát biểu tại Hội nghị Đầu tư Chiến lược 2017 ở bang Orlando, Mỹ ngày 22/5. Theo dự đoán của chuyên gia Friedman, Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ đưa ra quyết định tấn công Triều Tiên sau khi ông kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên và trở về Mỹ vào ngày 27/5 tới.
Ông Friedman đã dẫn các phân tích của Geopolitical Futures cho thấy tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên hiện đã leo thang đến mức đỉnh điểm và chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. “Các động thái của Triều Tiên dường như khiến Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài một cuộc xung đột”, ông Friedman cảnh báo.
Chuyên gia Mỹ đã chỉ ra một vài tín hiệu, dựa trên những diễn biến thực tế trong thời gian gần đây, để chứng minh rằng Washington đã chuẩn bị cho một cuộc chiến nhằm vào Bình Nhưỡng.
Đầu tiên là việc hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan lần lượt di chuyển vào vị trí có thể tấn công Triều Tiên vào ngày 20/5. Bên cạnh đó, hơn 100 máy bay F-16 của Mỹ thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập trong khu vực gần bán đảo Triều Tiên, và đây cũng chính là chiến thuật từng được Mỹ sử dụng để báo trước sự khởi đầu của chiến dịch Bão táp Sa mạc tấn công Iraq vào năm 1991.
Trong khi đó, Mỹ cũng đã triển khai máy bay chiến đấu F-35 tới khu vực và các đại diện của chính phủ Mỹ dự kiến sẽ thông báo cho lực lượng Mỹ tại đảo Guam về một loạt vấn đề liên quan tới phòng vệ dân sự, chủ nghĩa khủng bố và tình hình Triều Tiên trong cuộc gặp vào ngày 31/5 tới.
Theo ông Friedman, tất cả những động thái chiến lược trên đều cho thấy một kết cục duy nhất, đó là chiến tranh.
Máy bay F/A-18E Super Hornet hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson tại tây Thái Bình Dương (Ảnh: Reuters)
Máy bay F/A-18E Super Hornet hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson tại tây Thái Bình Dương (Ảnh: Reuters)
Cuộc chiến với tổn thất không thể tính trước
Nhận định của chuyên gia Friedman được đưa ra sau khi Triều Tiên vừa tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo vào cuối tuần trước. Ông Friedman cho rằng ngoài Mỹ, không một cường quốc nào trên thế giới có thể hành động quân sự hiệu quả để ngăn chặn Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. “Điều đó đồng nghĩa với việc, hoặc Mỹ phải hành động, hoặc Triều Tiên sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Friedman nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Friedman cũng chỉ ra một số nguy cơ cũng như khó khăn mà Mỹ phải đối mặt nếu quyết định tấn công Triều Tiên.
Thứ nhất là sự an toàn của 25 triệu dân sống tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc - một đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á. Theo nhận định của ông Friedman, đây là khu vực nằm trong “tầm hủy diệt hàng loạt của pháo kích Triều Tiên” và bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Triều Tiên cũng sẽ bị đáp trả bằng cuộc tấn công tương xứng từ Bình Nhưỡng.
“Chúng ta không thể tính được số thương vong do cuộc chiến này gây ra”, ông Friedman nói, đồng thời cho rằng Mỹ trước hết cần “vô hiệu hóa” các khẩu pháo của Triều Tiên bằng các cuộc nã bom chiến lược.
Ngoài ra, ông Friedman cũng cảnh báo về nguy cơ tình báo sai lệch của Mỹ và nhấn mạnh, bất kỳ thông tin thiếu chính xác nào cũng có thể dẫn tới tổn thất rất lớn về tính mạng con người. Chuyên gia Mỹ cũng kêu gọi Washington chú ý nhiều hơn tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam vì cho rằng đây sẽ là mục tiêu mà Triều Tiên hướng đến khi muốn tấn công Mỹ.
Thành Đạt
Theo Business Insider

Chuẩn bị cấp phép cho 3 dự án điện than tổng trị giá 7,5 tỷ USD

Thứ Năm | 25/05/2017 12:36


Các dự án nhiệt điện than trị giá 7,5 tỷ USD được phát triển bởi nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Arab Saudi.
Việt Nam dự kiến sẽ cấp phép cho 3 nhà máy điện than với tổng trị giá 7,5 tỷ USD vào đầu tháng Sáu tới đây, Reuters dẫn lời Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Mặc dù Việt Nam muốn tăng sản lượng năng lượng tái tạo trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên và các vấn nạn về môi trường, nhưng lưới điện trong nước vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than và thủy điện để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu điện năng ở mức 11% hằng năm.
Các dự án điện than kể trên đang được phát triển bởi những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Arab Saudi, dự kiến sẽ nhận được giấy phép trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản vào tháng tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Thông tin chi tiết được cung cấp bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Tập đoàn Taekwang Power của Hàn Quốc và ACWA Power của Arab Saudi sẽ đầu tư 2,07 tỷ USD cho dự án nhiệt điện có công suất 1.200 MW tại Nam Định. Mỗi nhà đầu tư sẽ nắm 50% cổ phần tại dự án này, và nhà máy dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động thương mại  từ năm 2021.
Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản và Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (Korea Electric Power - Kepco) dự kiến sẽ đầu tư 2,79 tỷ USD cho dự án 1.200 MW tại Thanh Hóa. Dự án này dự kiến sẽ được vận hành vào năm 2021. Mỗi nhà đầu tư cũng chia nhau nắm giữ một nửa lượng cổ phần của dự án.
Trong khi đó, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản sẽ rót 2,64 tỷ USD cho dự án 1.320 MW tại Khánh Hòa, dự kiến vận hành từ năm 2022.
Mới đây, báo Hàn Quốc Pulse News cũng đưa tin hãng POSCO Energy đã được chính phủ Việt Nam bật đèn xanh xây nhà máy điện than thứ hai tại Việt Nam có sự tham gia của tập đoàn này. Đặt tại Nghệ An, dự án sẽ có tổng công suất sản xuất hàng năm là 1.200 MW, với tổng vốn đầu tư ước tính vào khoảng 2,5 tỷ USD.
Trường Văn
Nguồn Reuters

Brzezinski nói về Hoa Kỳ và tình hình thế giới

Posted on  by The Observer

Print Friendly
zbigniew-brzezinski
Nguồn: Zbigniew Brzezinski, “America’s Global Balancing Act”, Project Syndicate, 21/01/2015.
Biên dịch: Lương Khánh Ninh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Với việc Nga xâm lược Ukraine và sáp nhập Crimea, biên giới giữa Iraq và Syria bị phá vỡ và Trung Quốc ngày càng hành động xác quyết hơn trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh có vẻ như đã kết thúc trong năm 2014. Liệu điều này có đúng?
Kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh không thực sự là một “kỷ nguyên”, nó giống với một giai đoạn chuyển tiếp từng bước từ trật tự hai cực thời Chiến tranh Lạnh sang một trật tự quốc tế phức tạp hơn mà bản chất là vẫn tiếp tục xoay quanh hai siêu cường thế giới. Nói ngắn gọn, trục cốt lõi của trật tự thế giới mới ngày càng xoay quanh Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sự ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh hai thực tế quan trọng, khiến nó tách biệt với sự ganh đua thời Chiến tranh Lạnh: không bên nào mang nặng tư tưởng ý thức hệ trong phương hướng hành động, và cả hai bên đều nhận thấy họ cần phải chung sống hòa thuận với nhau.
Cái được cho là chính sách “xoay trục sang châu Á” của Mỹ đã ít được chú ý hơn so với cuộc khủng hoảng tại Ukraine và Trung Đông trong năm 2014. Sự không chắc chắn trong cam kết của Mỹ ở châu Á đã khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và các đồng minh châu Á của Mỹ bị đẩy lên đến mức độ nào?
Tôi không đồng tình với các tiền đề của câu hỏi trên. Tôi thực sự nghĩ Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc cùng nằm ở việc tránh những tình huống mà trong đó hai nước sẽ bị đẩy vào một cuộc đụng độ. Những cuộc đối thoại bước đầu diễn ra gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng như giữa Trung Quốc và Nhật Bản phát ra tín hiệu cho thấy Trung Quốc cũng nhận ra việc làm gia tăng sự oán hận đã có từ xưa không nằm trong lợi ích của nước này. Vấn đề nghiêm trọng hơn của chính sách “xoay trục sang châu Á” là cách thể hiện bằng ngôn từ của chính sách này, nó ám chỉ một lập trường quân sự được thiết kế để “ngăn chặn” hoặc “cô lập” Trung Quốc. Người Trung Quốc đã nhận thấy một cách rõ ràng hơn rằng chúng ta không chủ ý cố gắng để cô lập họ nhưng chúng ta có lợi ích trong việc tránh các cuộc đụng độ ở miền Viễn Đông, vốn là điều có thể dẫn đến những tác động lan tỏa rộng lớn hơn.
Tập Cận Bình đã sử dụng cuộc chiến chống tham nhũng để tập trung nhiều quyền lực vào ông ta hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời Đặng Tiểu Bình 30 năm trước. Ông đánh giá như thế nào về những tiến triển trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ông Tập?
Quyền lực ở Trung Quốc là một điều không được định nghĩa một cách chính thức và những giới hạn của nó được xác định bởi thực tế chính trị hơn là bởi sự dàn xếp mang tính thể chế. Điều đó khiến ta rất khó để đánh giá liệu quyền lực của Tập Cận Bình có lớn hơn bất kỳ lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời Đặng Tiểu Bình hay không. Có điều chắc chắn là ông ta có tính cách chuyên quyền và rõ ràng là tích cực trên trường quốc tế hơn một số người tiền nhiệm. Ông ta cũng rất quyết đoán trong việc tấn công tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng – nguồn gốc quan trọng của những bất ổn trong nước – thậm chí lên đến cả những cấp cao nhất của chính quyền. Về khía cạnh này, ta có thể lập luận rằng quyền lực của Tập bao trùm hơn quyền lực của những người tiền nhiệm, nhưng công bằng mà nói ta cũng phải lưu ý rằng loại hình tham nhũng mà những người tiền nhiệm của ông ta phải đối mặt lại không nghiêm trọng và phổ biến như những năm gần đây.
Đồng thời, việc báo chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày một nhấn mạnh tuyên bố rằng lực lượng vũ trang của Trung Quốc phải được coi là để phục vụ Đảng, không đơn thuần chỉ phục vụ dân tộc, dường như cho thấy nỗi lo ngại rằng quân đội đang xây dựng quan điểm riêng của họ về những vấn đề đối nội của Trung Quốc, bên cạnh việc thể hiện trách nhiệm đối với an ninh quốc gia ngày một quyết đoán hơn. Khá dễ hiểu khi giới tinh hoa trong Đảng không thấy an tâm về điều đó.
Liệu chế độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể chống chọi được giá năng lượng ở mức thấp cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây trong một giai đoạn kéo dài không? Ông nhận thấy những nguy cơ nào sẽ xuất hiện nếu như nền kinh tế Nga tiếp tục suy thoái và Putin ngày càng không thể tưởng thưởng cho những người ủng hộ chính trị cho ông ta?
Dĩ nhiên có tồn tại một nguy cơ rằng đến một lúc nào đó Putin có thể sẽ làm liều và tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu thực sự khủng khiếp và có lẽ sẽ làm bùng nổ một hình thái chiến tranh đối đầu trực diện Đông-Tây mới. Nhưng để nói được điều này ta cũng phải giả định rằng đến một mức độ nào đó Putin sẽ tự mất cân bằng và chuyển hình thái chiến tranh du kích vốn luôn sẵn khả năng rút lui sang chiến tranh một mất một còn với phương Tây. Kết cục của điều này sẽ không thể dự đoán trước, nhưng sẽ có thể rất thảm khốc cho đời sống của người dân Nga trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu như nền kinh tế Nga tiếp tục suy thoái và nếu phương Tây thành công trong việc răn đe Putin khỏi việc tiếp tục sử dụng vũ lực, ta vẫn có thể hình dung ra một vài giải pháp phù hợp có thể được các bên nỗ lực đạt được (một trong số đó đã được tôi công khai khuyến nghị thông qua việc phát biểu về mô hình Phần Lan hóa). Tuy nhiên đổi lại điều này còn phụ thuộc vào mức độ cứng rắn của phương Tây trong việc ủng hộ những nỗ lực nhằm ổn định đất nước của Ukraine.
Sau khi lính Mỹ rút khỏi Afghanistan và Iraq, nhiều nơi trên thế giới nhìn nhận nước Mỹ đang trong giai đoạn “rút lui”, giống như giai đoạn hậu Chiến tranh Việt Nam vậy. Có phải nước Mỹ đang theo đuổi một hình thái nào đó của chủ nghĩa biệt lập mới hay không? Hay liệu sự dịch chuyển hướng nội dễ nhận thấy này của Mỹ sẽ qua nhanh giống như sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc?
Tôi không tin rằng nước Mỹ đang trong giai đoạn “rút lui”. Vấn đề thật sự ở đây là sự tái phân bổ quyền lực trên thế giới đã dẫn đến một tình thế mà trong đó nước Mỹ không còn là chủ thể bá quyền độc tôn nữa. Hoa Kỳ cần phải thừa nhận sự thật rằng thế giới ngày nay phức tạp hơn rất nhiều. Sự phổ biến xung đột trên khắp khu vực Trung Đông hiện diễn ra ngày một nhanh chóng do sự trỗi dậy của chủ nghĩa bè phái tôn giáo hơn là bởi chủ nghĩa can thiệp của Mỹ. Trong hoàn cảnh đầy biến động này, (nước Mỹ) phải chú ý nhiều hơn tới lợi ích quốc gia của những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ả-rập Xê-út, Ai Cập, và Israel. Tương tự, lợi ích quốc gia của bất kỳ nước nào trong số này cũng không được phép trở thành toàn bộ lợi ích của Mỹ.
Điều gì có thể khiến thế giới phải sửng sốt trong năm 2015?
Có lẽ đó là sự xuất hiện trở lại từng bước của một tầng lớp trung lưu tự do và quyết đoán hơn về mặt chính trị ở Nga. Tầng lớp trung lưu ấy đã bắt đầu đóng vai trò quan trọng hơn trong việc định hình chính sách đối nội và đối ngoại của Nga dưới thời Dmitri Medvedev. Với sự trở lại quyền lực của Putin cùng với chủ nghĩa phiêu lưu gần đây của ông ta, tầng lớp này bị đẩy ra lề bởi chủ nghĩa sô-vanh dân tộc được chủ ý khơi dậy và kích động mạnh mẽ. Tuy nhiên, giương cao ngọn cờ sô-vanh có lẽ không phải là giải pháp tối ưu để đối phó với những vấn đề quốc tế, đặc biệt nếu như phương Tây khôn ngoan và thống nhất. Một cách tự nhiên, tầng lớp trung lưu Nga mong muốn được sống trong một xã hội giống như của các nước Tây Âu. Một nước Nga dần bắt đầu xích lại gần phương Tây cũng sẽ là một nước Nga dừng việc gây gián đoạn hệ thống quốc tế.
Zbigniew Brzezinski là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ và là Giáo sư Chính sách Đối ngoại Mỹ tại Đại học Johns Hopkins.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2015/02/15/brzezinski-noi-ve-hoa-ky-va-tinh-hinh-the-gioi/#sthash.CfkiWnhO.dpuf