Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Thủ tướng thăm Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc; Thủ tướng tiếp một số doanh nhân, trí thức gốc Việt tại Hoa Kỳ

11:34 - 30/05/2017

Theo baochinhphu.vn



Tối 29/5 theo giờ New York, tức rạng sáng 30/5 theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc chào đón Thủ tướng và Đoàn cấp cao Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại buổi gặp gỡ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc báo cáo với Thủ tướng về tình hình hoạt động của cơ quan Phái đoàn. Được thành lập từ năm 1977, cùng với thời điểm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, 40 năm qua, trải qua nhiều thế hệ cán bộ, Phái đoàn luôn là một trong những đơn vị xuất sắc của Bộ Ngoại giao.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết Liên Hợp Quốc luôn mong đợi ở Việt Nam như một quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc. Do đó, tập thể cán bộ, nhân viên của Phái đoàn luôn đoàn kết, gắn bó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà trọng tâm là thực hiện chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; hoàn thành tốt nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là một thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh nhiệm vụ tại Liên Hợp Quốc, Phái đoàn cũng tích cực tham gia hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc tại New York; thúc đẩy hoạt động giao lưu thương mại, kinh tế văn hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng chuyển lời hỏi thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến cán bộ, nhân viên Phái đoàn. Thủ tướng cũng biểu dương những kết quả công tác mà Phái đoàn đã đạt được trong thời gian qua, góp phần vào việc triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thủ tướng nói chuyện với cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thông tin đến cán bộ, nhân viên Phái đoàn về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước những tháng đầu năm 2017, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các chỉ tiêu phát triển chưa cao nhưng có những lĩnh vực vẫn có đà tăng trưởng tốt, nhất là trong xuất khẩu một số mặt hàng có thế mạnh, tăng trưởng du lịch, vị thế của đất nước không ngừng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế.
Thủ tướng đánh giá cao Phái đoàn đã làm việc và phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam, đối tác Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc chuẩn bị chu đáo cho chuyến thăm của Thủ tướng tới Hoa Kỳ.
Thủ tướng tặng quà, động viên cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn Phái đoàn sẽ tiếp tục phát huy tốt thành tích trong công tác đã đạt được; làm tốt hơn nữa nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh nhiệm vụ Thường trực tại Liên Hợp quốc, Phái đoàn cần chú ý đến nhiệm vụ xúc tiến hợp tác kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam với Hoa Kỳ; duy trì và phấn đấu đưa cơ quan ngày càng đạt nhiều thành tích, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước.

Thủ tướng tiếp một số doanh nhân, trí thức gốc Việt tại Hoa Kỳ

Dân trí Tiếp tục các hoạt động tại New York trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ngày 29/5 theo giờ New York, tức rạng sáng 30/5 theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp một số doanh nhân, trí thức gốc Việt tại Hoa Kỳ.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đại diện trí thức gốc Việt. Trong ảnh, Thủ tướng phát biểu tại buổi tiếp. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đại diện trí thức gốc Việt. Trong ảnh, Thủ tướng phát biểu tại buổi tiếp. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp tích cực của các doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển toàn diện, nâng cao uy tín cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, được chính quyền và dư luận sở tại hoan nghênh, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của xã hội sở tại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo về tình hình phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam thời gian qua, tái khẳng định chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị; coi đây là một trọng tâm về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới giai đoạn 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, đóng góp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Các doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cảm ơn và bày tỏ vinh dự được gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng; bày tỏ những tình cảm và ấn tượng tốt đẹp về sự phát triển và quá trình hội nhập của Việt Nam. Đánh giá tích cực về các chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và người Việt Nam tại Hoa Kỳ, các doanh nhân trí thức người Việt bày tỏ mong muốn được đóng góp vào quá trình đổi mới đất nước và thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian tới.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp vợ chồng Giáo sư Ngô Thanh Nhàn và bà Merle Ratner. Thủ tướng cảm ơn những nỗ lực, hỗ trợ và đóng góp tích cực của ông bà trong việc thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Thủ tướng đã ghi nhận những chia sẻ, góp ý của ông bà về các việc cần làm để thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh thời gian tới.
Hai vợ chồng bà Merle Ratner cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có sự quan tâm đặc biệt tới những người bạn tại Hoa Kỳ, mặc dù bận rộn song vẫn tổ chức cuộc gặp thân tình; đồng thời vui mừng nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ với vị thế không ngừng được nâng cao của Việt Nam thời gian qua.
Ông bà cũng nêu một số chia sẻ và góp ý trong thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh của Việt Nam, đồng thời cho biết luôn theo dõi về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, một mối quan hệ đặc biệt từ cựu thù thành bạn và từ bạn thành đối tác; đồng thời bày tỏ sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và sự phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng thăm Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc
Tối 29/5, theo giờ New York, tức rạng sáng 30/5 theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ).

Thủ tướng thăm hỏi, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Thủ tướng thăm hỏi, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Tại buổi gặp gỡ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ- đã báo cáo với Thủ tướng về tình hình hoạt động của cơ quan phái đoàn. Được thành lập từ năm 1977, cùng với thời điểm Việt Nam gia nhập LHQ, 40 năm qua, trải qua nhiều thế hệ cán bộ, phái đoàn luôn là 1 trong những đơn vị xuất sắc của Bộ Ngoại giao. Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết LHQ luôn mong đợi ở Việt Nam như một quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các chương trình nghị sự của LHQ. Do đó, tập thể cán bộ, nhân viên của phái đoàn luôn đoàn kết, gắn bó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà trọng tâm là thực hiện chương trình nghị sự phát triển bền vững của LHQ; hoàn thành tốt nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là 1 thành viên tích cực của LHQ. Bên cạnh nhiệm vụ tại LHQ, phái đoàn cũng tích cực tham gia hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc tại New York; thúc đẩy hoạt động giao lưu thương mại, kinh tế văn hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng chuyển lời hỏi thăm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến cán bộ, nhân viên phái đoàn. Thủ tướng cũng biểu dương những kết quả công tác mà Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ đã đạt được trong thời gian qua, góp phần vào việc triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thông tin đến cán bộ, nhân viên phái đoàn về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước những tháng đầu năm 2017, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các chỉ tiêu phát triển chưa cao nhưng có những lĩnh vực vẫn có đà tăng trưởng tốt, nhất là trong xuất khẩu một số mặt hàng có thế mạnh, tăng trưởng du lịch, vị thế của đất nước không ngừng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao phái đoàn đã làm việc và phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam, đối tác Hoa Kỳ và LHQ chuẩn bị chu đáo cho chuyến thăm của Thủ tướng tới New York.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn phái đoàn sẽ tiếp tục phát huy tốt thành tích trong công tác đã đạt được; làm tốt hơn nữa nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh nhiệm vụ thường trực tại LHQ, phái đoàn cần chú ý đến nhiệm vụ xúc tiến hợp tác kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam với Hoa Kỳ; duy trì và phấn đấu đưa cơ quan ngày càng đạt nhiều thành tích, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước.
TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ bị 'xóa sổ'

VTC 

Mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 500 ha đất bị biến mất hoàn toàn vì sạt lở.
Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT), tình hình xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn các tỉnh ĐBSCL đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô, đe dọa nghiêm trọng đến khu vực ĐBSCL.
Tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến các khu dân cư, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và làm mất dần rừng phòng hộ ven biển, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Dong bang song Cuu Long doi mat voi nguy co bi 'xoa so' - Anh 1
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng liên tục xảy ra tại các tỉnh ở ĐBSCL trong những năm gần đây.
Cụ thể, toàn vùng hiện có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở trên tổng chiều dài khoảng 147 km, tốc độ xói lở từ 5-45 m/năm (trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất).
Trong đó, điển hình là bờ biển Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu), khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau).
Dong bang song Cuu Long doi mat voi nguy co bi 'xoa so' - Anh 2
Sáng 29/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi khảo sát thực tế ở tỉnh Cà Mau về thực trạng sạt lở tại đây.
Theo báo cáo của các địa phương, trong những năm gần đây, rừng ngập mặn vùng ĐBSCL đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và việc giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản, tập trung phần lớn ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Chỉ tính riêng trong 5 năm (từ 2011- 2016), diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 194.723 ha năm 2011 xuống còn còn 179.384 ha năm 2016 (giảm 15.339 ha).
Qua các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn quản lý đã xác định được các nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ biển, trong đó, đáng chú ý phần lớn nguyên nhân là do con người. Cụ thể là việc mất cân bằng bùn cát do việc xây dưng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển đã làm giảm đáng kể lượng bùn cát.
Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, năm 2013 tổng lượng bùn cát đọng lại trên các tuyến sông vùng ĐBSCL khoảng 3 triệu m³, trong khi tổng lượng cát bị khai thác trong năm là 28 triệu m³ (gấp hơn 9 lần).
Bên cạnh đó, việc chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng hải sản, đánh bắt thủy sản ven rừng trong những năm gần đây làm suy thoái nghiêm trọng rừng ngập mặn...
Video: Trắng đêm ở vùng sạt lở Đồng Tháp
Ngoài ra, địa chất vùng ven biển ĐBSCL rất mềm yếu, được cấu tạo từ các dạng trầm tích phù sa, rất dễ bị xói lở do tác động của sóng và dòng ven bờ.
Tình trạng lún sụt đất do việc khai thác nước ngầm quá mức để nuôi trồng thủy, hải sản diễn ra mạnh nhất là ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo báo cáo sơ bộ của Viện Địa chất Na Uy, tốc độ lún sụt trong vài năm gần đây khoảng 3 cm/năm. Các chuyên gia dự báo, nếu Việt Nam không có những giải pháp ứng phó đồng bộ và hiệu quả, ĐBSCL sẽ bị “xóa sổ” trong một tương lai không xa.
Lưu Thủy

Tổng Bí thư: "Cán bộ vơ vét, đục khoét là điều xót xa nhất"

27/05/2016 - 18:57 (GMT+7)

 

Có một số cán bộ lợi dụng chức quyền, vơ vét, đục khoét tài sản của nhà nước, của tập thể trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất


IMG_8249

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành rất nhiều thời gian để nhắc đến sự thoái hoá, biến chất trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba vấn đề cần quan tâm hiện nay. Thứ nhất là tăng quyền mối quan hệ giữa đảng và nhân dân, Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc cho đời sống của nhân dân. Hai là thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Ba là củng cố xây dựng đảng và các tổ chức đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, khắc phục hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên làm cho Đảng xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Đánh giá những năm qua, Đảng và nhà nước đã có rất nhiều cố gắng trong việc chăm lo đời sống nhân dân nhưng Tổng Bí thư cũng thừa nhận rằng, có những chính sách chưa đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Có những địa phương, cơ sở chưa thật sự quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp tích cực để bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
“Trong khi ở nhiều nơi đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm thì có những cán bộ Đảng viên chỉ lo vun vén cá nhân, xoay sở làm giàu; ăn uống chè chén xa hoa, thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm với những khó khăn của quần chúng; một số lợi dụng chức quyền, vơ vét, đục khoét tài sản của nhà nước, của tập thể trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình hình hiện nay, là điều người dân cảm thấy xót xa nhất” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù nói bao nhiều về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều vô nghĩa và không đủ sức thuyết phục.
Bên cạnh đó, phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân và sức mạnh của nhân dân bắt nguồn dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Có thể nói từ trước nay chưa có cuộc vận động dân chủ nào sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả cao như cuộc vận động nhân dân góp ý kiến với Đảng và Nhà nước như trong thời gian gần đây. Nhất là việc nhân dân tham gia ý kiến chuẩn bị cương lĩnh của Đảng rất phong phú sôi nổi, rồi góp ý Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chưa thật sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên nói quyền làm chủ của nhân dân nhưng hô khẩu hiệu suông, không có hành động thiết thực và như thế chẳng có linh hồn”.
Cũng theo Tổng Bí thư, vẫn có những đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên có quan hệ trực tiếp với dân thì cửa quyềnhách dịch, sách nhiễu gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người ăn chặn của dân, vòi vĩnh, đòi quà cáp, biều xén. Một số người có chức có quyền còn tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách ở địa phương nào, đơn vị nào thì như "ông vua con", thậm chí có những cá nhân, tập thể bị trù dập, ức hiếp. Những hành động đó tuy không phổ biến nhưng rất nghiêm trọng. Nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với đảng không thể xem thường.
“Nói quần chúng giảm sút lòng tin với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng của Đảng, mà là đối với cán bộ Đảng viên đang thoái hóa, hư hỏng. Vì thế, các cấp ủy đảng cần có biện pháp kiên quyết, đấu tranh các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử biến chất ra khỏi Đảng. Chỉ có như vậy mới lấy lại lòng tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

RFI: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang món quà gì cho Mỹ ?

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên và là lãnh đạo châu Á thứ ba được tổng thống Mỹ Donald Trump đón tiếp tại Nhà Trắng, sau thủ tướng Nhật Shinzo Abe và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cho dù điều này không có nghĩa Việt Nam là quốc gia châu Á quan trọng thứ ba đối với Hoa Kỳ, nhưng sự hăng hái gặp gỡ nhau và dành ưu tiên trong chương trình nghị sự của đôi bên, cũng nói lên được một ý nghĩa nào đó.

media
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong hội nghị bộ trưởng Thương Mại APEC tại Hà Nội ngày 20/05/2017.REUTERS/Hoang Dinh Nam/Pool
Hoa Kỳ và Việt Nam có các vấn đề quan trọng về an ninh và kinh tế cần thảo luận. Với con số xuất siêu 32 tỉ đô la, Việt Nam đứng hàng thứ sáu trong số những nước đã khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại 502 tỉ đô la trong năm ngoái. Nhờ sự gần gũi về ý thức hệ với Bắc Triều Tiên, Hà Nội có thể đóng một vai trò trong nỗ lực của Washington nhằm cô lập và gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Và là đất nước nằm trải dài ở bờ tây của Biển Đông, Việt Nam nắm giữ chiếc chìa khóa cho sự thăng bằng sức mạnh trong khu vực.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Hà Nội rất muốn biết chính quyền Trump có thể đề nghị những gì để thay thế cho hiệp định này. Hà Nội cũng rất lo lắng về khả năng Washington có thể bỏ qua những quyền lợi của Việt Nam ở Biển Đông, để đổi chác sự hợp tác của Trung Quốc nhằm kềm chế Bắc Triều Tiên.

Theo nhà nghiên cứu Alexander Vuving, nếu những vấn đề nóng bỏng này khiến cho chuyến công du của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được chờ đợi, đó là nhờ một cấp độ mới trong quan hệ Mỹ-Việt. Nếu không, Việt Nam không phải gởi một trong những lãnh đạo cao cấp đến, và tổng thống Mỹ không phải sắp xếp lịch làm việc của mình để đến thăm Việt Nam vào giai đoạn sớm sủa này. Để hiểu được động lực căn bản, trước hết cần nhìn lại những diễn tiến trong thời gian qua.

Nhìn lại những bước ngoặt ngoại giao Mỹ-Việt

Từng là nơi mà ba triệu người Mỹ chiến đấu trong một cuộc chiến kéo dài hàng mấy chục năm, Việt Nam không còn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thập niên 80 và 90. Trong thời kỳ dài này, Raymond Burghadt, đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2001 đến 2004, ghi nhận « cách tiếp cận của Hoa Kỳ với Việt Nam tách biệt với bất kỳ kế hoạch chiến lược nào tại Đông Á ». Việc tái lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt năm 1995 là một dấu mốc hết sức to lớn trong quan hệ song phương, nhưng không phải là một sự xoay chuyển lớn trong chủ trương của Hoa Kỳ. Theo ông Burghadt, quan hệ đôi bên đã được siết chặt hơn vào cuối thập niên 90, chủ yếu nhắm vào các cơ hội kinh doanh, nhưng tiến độ vẫn chậm chạp.

Bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 2001, khi chính quyền George W.Bush có quan điểm khắt khe hơn với Trung Quốc so với thời ông George H.W.Bush và Bill Clinton. Tổng thống Bill Clinton năm 1997 đã cam kết hướng tới việc « xây dựng quan hệ đối tác chiến lược » với Bắc Kinh, nhưng ứng cử viên Bush năm 1999 cho rằng Trung Quốc cần được coi là « đối thủ chiến lược », chứ không phải là « đối tác chiến lược ».

Bà Condoleezza Rice, cố vấn an ninh của ông Bush, trong một bài viết năm 2000 nhận định Trung Quốc có « các lợi ích cốt lõi không thể giải quyết, đặc biệt về Đài Loan và Biển Đông ». Bắc Kinh « bực tức trước vai trò của Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương », và « muốn thay đổi sự thăng bằng quyền lực tại châu Á sang hướng có lợi cho mình ». Quan điểm địa chính trị này đã giúp nâng cao vai trò của Việt Nam trong chính sách Mỹ.

Sự cởi mở của chính quyền Bush đối với Việt Nam – đối thoại về các vấn đề chiến lược và hợp tác trong lãnh vực quốc phòng, an ninh – ban đầu vấp phải thái độ cứng rắn của Hà Nội. Sau một thời gian ngắn ngả sang phương Tây từ 1987-1989, Việt Nam lại xoay sang phía Trung Quốc vào năm 1990, đánh dấu bởi mật nghị Thành Đô vào tháng Chín. Trong khi những người chủ trương cải cách muốn duy trì quan hệ với Mỹ như một cánh cửa mở ra với thế giới, và là đối trọng với Trung Quốc, phe bảo thủ lại khăng khăng nói rằng Trung Quốc là bạn, người Mỹ là kẻ thù.

Năm 1990, cán cân quyền lực nghiêng hẳn về phía bảo thủ. Hậu quả là Việt Nam ở lại trong quỹ đạo của Trung Quốc, và thận trọng « đi dây » giữa hai đại cường. Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 12/2001, tổng bí thư Nông Đức Mạnh hứa sẽ chống lại « chủ nghĩa bá quyền », lặp lại khẩu hiệu của Trung Quốc nhằm đối đầu với vai trò và sức mạnh của Hoa Kỳ. Đó là lần đầu tiên câu « thần chú » chống Mỹ xuất hiện trong thông cáo chung Việt-Trung, nhưng cũng là lần cuối cùng.

Chiến tranh Irak và thế giới đơn cực

Việc Hoa Kỳ đưa quân sang Irak năm 2003 đã khiến Việt Nam thay đổi hẳn quan điểm chiến lược. Chỉ trong không đầy 50 ngày, một cường quốc Trung Đông đã sụp đổ dưới sức mạnh quân sự của Mỹ. Chế độ bảo thủ Việt Nam bỗng thức tỉnh, chợt hiểu rằng đang sống trong một thế giới đơn cực do Hoa Kỳ dẫn đầu. Nhà nghiên cứu Alexander Vuving cho biết, lúc đó các quan chức Hà Nội đã hỏi ông một cách nghiêm túc, là liệu Việt Nam và Bắc Triều Tiên sẽ trở thành mục tiêu sắp tới hay không.

Tháng 7/2003, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 8, không còn coi ý thức hệ là chìa khóa để xác định bạn-thù. Hà Nội chấp nhận các tiêu chí thực tiễn hơn để đánh giá một chính phủ nước ngoài là « đối tác » hay « đối tượng ». Cựu đại sứ Mỹ Burghadt nhớ lại : « Vào nửa cuối năm 2003, các nhà lãnh đạo Việt Nam thông báo cho tôi là họ hoan nghênh những bước đi quan trọng mà nhiều năm qua họ từng chống đối ».

Bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam năm 2003 đã mở đường cho việc tham gia trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Hà Nội đẩy nhanh việc thương lượng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trở thành thành viên năm 2006 ; và đến năm 2008 sẵn sàng chấp nhận đề nghị của chính quyền Bush về việc tham gia hiệp định TPP.

Bắt đầu từ cuối những năm 2000, những thách thức không ngừng tăng lên từ phía Trung Quốc, đặc biệt là thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, đã tạo động lực mới cho mối quan hệ đối tác Việt-Mỹ. Một năm sau tuyên bố tại diễn đàn ASEAN ở Hà Nội tháng 7/2010, rằng « Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia » trên Biển Đông, ngoại trưởng Hillary Clinton đã nêu ra chiến lược mới của Mỹ được gọi là « xoay trục », theo đó Hoa Kỳ muốn triển khai quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Trong chuyến đi Việt Nam tháng 7/2012, bà Clinton đã có động thái hết sức ưu ái, là mời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ. Người Mỹ hy vọng chuyến thăm chưa có tiền lệ này được thực hiện vào năm 2013.

Nhưng phe bảo thủ ở Hà Nội đã phá ngang chuyến đi của ông Trọng. Những gì mà phái cải cách và các đối tác Mỹ đạt được, là không phải ông Nguyễn Phú Trọng, mà chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm Mỹ, và kết quả là bản thông cáo chung về Hợp tác toàn diện Việt-Mỹ. Cần phải có một hành động khiêu khích lớn từ Bắc Kinh mới xoay chuyển được giới bảo thủ.

Giàn khoan Trung Quốc khiến Hà Nội mở mắt

Mùa hè năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan lớn nhất trị giá 1 tỉ đô la mang tên Hải Dương Thạch Du 981 sang vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Hoàng Sa. Sự kiện này gây ra phong trào chống Trung Quốc đại quy mô kéo dài nhiều tháng trời tại Việt Nam. Đây là cuộc khủng hoảng tệ hại nhất giữa hai nước, kể từ sau vụ Trung Quốc thảm sát gần 70 thủ Việt Nam và chiếm sáu đảo nhỏ tại Trường Sa năm 1988.

Cuộc khủng hoảng giàn khoan này đã khiến các lãnh đạo Việt Nam nhận ra rằng Trung Quốc mới thực sự là đối thủ, còn người Mỹ là bạn. Cũng vào thời điểm này, Hà Nội quyết định đẩy nhanh việc chuẩn bị cho chuyến công du của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiến hành vào tháng 7/2015.

Việc tổng thống Barack Obama phá vỡ mọi nghi thức để đón tiếp tổng bí thư Việt Nam, vốn không có chức vụ chính thức trong chính quyền, là một sự kiện mang tính đột phá. Đây là dấu hiệu đáng giá, đã thuyết phục được các lãnh đạo Hà Nội, là Hoa Kỳ không câu nệ chế độ cộng sản của họ.

Nếu vụ giàn khoan năm 2014 lần đầu tiên cho thấy Hà Nội tin tưởng ở Washington hơn Bắc Kinh, thì chuyến đi của ông Trọng càng củng cố thêm khuynh hướng này, và giảm hẳn mối nghi ngại về sự đe dọa của Mỹ. Chuyến công du Việt Nam của ông Obama tháng 5/2016, nhân đó ông đã bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Việt Nam từ nhiều thập niên qua, càng làm tăng thêm sự tin cậy giữa hai cựu thù.

Quan hệ Mỹ-Việt còn chịu ảnh hưởng gián tiếp của Trung Quốc. Là một nước nhỏ, vấn đề sống còn của Việt Nam là phải khôn khéo trong quan hệ ngoại giao và chính trị, giữa Trung Quốc ở sát bên cạnh, và nước Mỹ tận bên kia đại dương. Từ 1990 đến nửa cuối năm 2003, Việt Nam còn nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014 đã giúp Hà Nội vượt qua cái giới hạn mong manh mà lâu nay vẫn tự hạn chế, để xích lại gần hơn với Mỹ. Đó là bối cảnh thuận lợi đồng thời là khó khăn trong chuyến thăm của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

« Make America Great » và quan hệ với Việt Nam

Hai bước ngoặt chính trong chính sách Mỹ đối với Việt Nam (2001 và 2011) là từ quan điểm cần phải cầm chân Trung Quốc, và Việt Nam có thể đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực này. Sự hung hăng của Bắc Kinh cũng khiến cho Washington một lần nữa chìa tay cho Hà Nội (2014). Còn phía Việt Nam, như đã nói, là từ sau vụ Mỹ can thiệp vào Irak (2003).

Theo chuyên gia Vuving, trong lúc việc giữ thăng bằng quan hệ ngoại giao và chính trị giữa Washington và Bắc Kinh là vấn đề sống còn đối với nước Việt Nam nhỏ bé, thì việc giúp Hà Nội ý thức được cán cân quyền lực trên thế giới là chìa khóa thành công cho Hoa Kỳ tại châu Á. Có ba phương diện chính : tăng cường năng lực kinh tế và quân sự của đôi bên, chứng tỏ sức mạnh của Mỹ trước Trung Quốc, và duy trì thái độ hữu nghị với Việt Nam.

Các mục tiêu trên cần được thực hiện qua một loạt các chính sách rộng rãi, chứ không giới hạn ở quan hệ song phương Mỹ-Việt. Đó là : một hiệp định thương mại và đầu tư hướng đến tương lai, chú trọng mặt luật pháp chứ không phải dựa theo hiện trạng đối với Biển Đông, và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

1- Hiệp định thương mại và đầu tư bền vững

Đôi bên cần có một hiệp định thương mại và đầu tư vững chắc, giúp đẩy mạnh nền kinh tế và làm tăng sức mạnh quân sự một cách gián tiếp, mang lại lợi ích địa chính trị lâu dài. Tuy một thỏa thuận đa phương như TPP khó thể đạt được, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể thương lượng một hiệp định mới, không chỉ nhằm cải thiện tình trạng giao thương Mỹ-Việt hiện nay, mà cả môi trường kinh tế Việt Nam. Một ví dụ là năm 2016, Việt Nam xuất siêu 32 tỉ đô sang Hoa Kỳ, nhưng lại nhập siêu 28 tỉ đô la từ Trung Quốc. Hiệp định mới cần nhắm đến việc giảm xuất siêu sang Mỹ qua việc tăng nhập khẩu thiết bị, hàng hóa kỹ thuật cao từ Hoa Kỳ và giảm nhập siêu hàng chất lượng thấp từ Trung Quốc.

2- Quan điểm trọng luật chứ không trọng hiện trạng tại Biển Đông

Ai kiểm soát được tuyến đường hàng hải quan trọng này sẽ khống chế được châu Á, trong khi các đảo nhân tạo do Bắc Kinh hối hả bồi đắp gần đây đã biến Biển Đông thành một nút cổ chai. Nếu Trung Quốc biến được Biển Đông thành ao nhà của mình, thì vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á sẽ bị sút giảm nghiêm trọng.

Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ chỉ nhắm đến việc giữ nguyên trạng, trong khi Trung Quốc nham hiểm lấn dần từng bước theo kiểu tằm ăn dâu. Bắc Kinh đã thành công trong việc vừa làm thay đổi tình trạng địa lý lẫn cán cân quyền lực, nhưng không gây ra xung đột vũ trang với các đối thủ. Khi chấp nhận hiện trạng, Washington vô hình trung đã khiến Trung Quốc có được lợi thế, trong khi mục tiêu phải là giữ nguyên hiện trạng ban đầu, chưa có bàn tay nhào nặn của Bắc Kinh.

Chính hiện trạng khởi thủy mới nằm trong lợi ích của Mỹ. Tình trạng hiện nay tại Biển Đông, với những đảo nhân tạo rộng lớn do Bắc Kinh xây lên, những phi đạo dài, các cảng nước sâu, hỏa tiễn địa-không và hỏa tiễn đối hạm, radar cao tần…hoàn toàn bất lợi so với trước khi Trung Quốc đào đắp.

Theo chuyên gia Vuving, Washington cần nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp, gồm toàn bộ các đạo luật và án lệ phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bên cạnh đó là buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, coi đường 9 đoạn do Bắc Kinh tự vẽ là bất hợp pháp. Quan điểm « trọng luật » này có thể gây căng thẳng tạm thời, nhưng giúp tránh được chiến tranh sau này.

3- Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam

Cho dù Hoa Kỳ vẫn là siêu cường, Trung Quốc đang nhanh chóng thu ngắn khoảng cách tại Đông Á, sẵn sàng trở thành ngang hàng với Mỹ trong khu vực. Để duy trì ảnh hưởng, Hoa Kỳ rất cần đến các đồng minh trong vùng. Nếu Việt Nam trở thành đồng minh, cán cân sẽ nghiêng về phía Mỹ, với một quốc gia có vị trí chiến lược, khả năng kháng cự đã ăn sâu trong 90 triệu dân và kinh nghiệm hơn 2.000 năm đối phó với Trung Quốc cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Liên minh này còn hơn cả một hiệp ước quốc phòng, có thể không đòi hỏi những cam kết tương tự như Hoa Kỳ đã ký kết với các đồng minh khác trong khu vực, và có thể được gọi là « quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện ».

Theo ông Vuving, Washington và Hà Nội đang tiến đến hướng này. Tuyên bố về đối tác toàn diện Mỹ-Việt năm 2013 đề ra việc hợp tác trong nhiều lãnh vực, từ quan hệ ngoại giao cho đến kinh tế thương mại ; từ công nghệ, giáo dục đến quốc phòng và an ninh ; từ văn hóa, thể thao, du lịch cho đến di sản chiến tranh ; từ môi trường, y tế đến vấn đề nhân quyền. Trước thách thức ngày càng lớn từ Trung Quốc, quan hệ đối tác này cần được đào sâu thêm, nâng cấp lên mức độ chiến lược, giúp Hoa Kỳ và Việt Nam đối mặt được với thử thách của thời đại.

Khi nói chuyện với đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm 20/5 tại Hà Nội, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : « Tôi mong rằng Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực ». Chỉ 5 năm trước đây, đó là điều mà các lãnh đạo Việt Nam chỉ nghĩ trong đầu mà không nói ra.

Chuyên gia Alexander Vuving kết luận, muốn thành công trong đối sách với Việt Nam, Hoa Kỳ cần phải thực hiện ba mục tiêu trên : một hiệp định thương mại đầu tư cho tương lai, buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông, và hoàn thành liên minh Mỹ-Việt, làm vô hiệu hóa ưu thế của Bắc Kinh tại Đông Nam Á. Đó cũng là những gì mà ông Nguyễn Xuân Phúc có thể bàn thảo tại Washington trong chuyến đi này.

Thụy My



(RFI)

Quốc Hội đang ra luật để ngăn xã hội chỉ trích, phê bình lãnh đạo?

Kết quả hình ảnh cho Phan Đăng Lưu

Tuy nhiên, đại biểu quốc hội chưa nắm luật mà đi xây dựng luật thì gay go lắm. Đã có điều luật về tội danh “vu khống” rồi. Công dân bình đẳng trước pháp luật nghĩa là công dân thường bị vu khống cũng bị tổn hại ngang bằng lãnh đạo Đảng nhà nước bị vu khống.


Mấy hôm nay nghị trường quốc hội xuất hiện mấy vị đại biểu hăng hái đề nghị bổ sung tội “bôi nhọ lãnh đạo Đảng nhà nước” vào Luật hình sự. Trước hết mấy vị này quên rằng cử tri bầu họ đứng ra đại diện cho quyền lợi dân chúng, cụ thể là quyền tự do ngôn luận. Họ lại nhầm lẫn đi tìm cách trừng phạt dân chúng nhằm bảo vệ lãnh đạo !

Tuy nhiên, đại biểu quốc hội chưa nắm luật mà đi xây dựng luật thì gay go lắm. Đã có điều luật về tội danh “vu khống” rồi. Công dân bình đẳng trước pháp luật nghĩa là công dân thường bị vu khống cũng bị tổn hại ngang bằng lãnh đạo Đảng nhà nước bị vu khống.

Sao lại bày ra tội riêng để ưu tiên bảo vệ Lãnh đạo ?

Làm chính trị thực chất là làm ngôn ngữ.

Quốc hội lập pháp bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Quốc hội cần có chuyên gia Việt ngữ học làm đại biểu.

Các vị cần phải xác định “bôi xấu” hoặc “bôi nhọ” nghĩa là gì.

Các từ ngữ “chỉ trích, phê phán, phê bình” đều có ý nghĩa rõ ràng, xác định.

Từ ngữ “bôi nhọ, nói xấu” là cách nói dân gian, có nghĩa rằng: một khuôn mặt sạch sẽ bị kẻ xấu bôi nhọ lên, đối tượng không xấu mà bị “nói cho ra xấu”. Vậy, thực chất đó là tội vu khống đã có trong luật. Đối tượng bị “bôi nhọ, bôi xấu, nói xấu” cứ việc đi khiếu kiện.

Quốc hội còn bàn bạc chi nữa cho tốn thì giờ ?

Ông Võ Văn Thưởng thông báo rằng Đảng đang chuẩn bị tổ chức “đối thoại”, chắc chắn đảng phải đối diện với sự chỉ trích, chắc hẳn ông Thưởng cũng mong có người nhận lời đối thoại.

Vậy mà Quốc hội lại đang tìm cách ngăn chặn dư luận trái chiều trong đó có chỉ trích.

Nhân việc phê bình chỉ trích được gọi chuyển nghĩa mập mờ thành “bôi nhọ” trên nghị trường quốc hội, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của TS ngữ văn Chu Mộng Long để rộng đường bàn bạc.

Chỉ trích và tiến bộ xã hội

Khái niệm “chỉ trích”, tiếng Anh criticize, censure, tiếng Việt còn gọi là phê bình, phê phán.

Ông cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ là người đặt ra vấn đề chỉ trích trong nội bộ Đảng như một học thuyết về sự tồn tại và phát triển của một tổ chức chính trị. Nhưng rất tiếc, cương lĩnh ấy chỉ dừng lại ở “tự chỉ trích” và duy trì cho đến bây giờ bằng sự giảm thiểu ở mức độ “tự phê bình”, theo phép nói giảm của tiếng Việt.

“Tự chỉ trích” phù hợp với thời Đảng hoạt động bí mật và có ý nghĩa lịch sử của nó. Với hoạt động bí mật, Đảng phải tự biết nhược điểm của mình mà tự chỉ trích để tồn tại và phát triển, nếu không sẽ bị tiêu diệt trong trứng nước. Đảng đã từng làm được cái việc vĩ đại ấy để có Cách mạng tháng Tám và kháng chiến kiến quốc thành công.

Nhưng khi hoạt động công khai và tự đặt vào lòng dân, “tự chỉ trích” trở thành mất hiệu lực, đặc biệt khi đã giảm thiểu mức độ thành “tự phê bình”. Bởi vì về mặt tâm lí, một là, khi có quyền lực trong tay, kẻ sở hữu quyền lực rơi vào sự tự kiêu với "đỉnh cao trí tuệ", khả năng “tự chỉ trích” không còn; hai là, do tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, kẻ sở hữu quyền lực thích trấn áp người khác hơn là “tự chỉ trích”, "tự phê bình".

Ba là, quan trọng hơn, thời cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, đảng viên có mục tiêu lí tưởng rõ ràng để làm thang bậc giá trị mà “tự chỉ trích”. Bây giờ, “một bộ phận không nhỏ” vào Đảng không có mục tiêu lí tưởng rõ ràng (mà có thì chỉ là đầu môi chót lưỡi) nếu không nói là cơ hội, trục lợi, họ không biết đâu là thang bậc giá trị để “tự chỉ trích”.

Khi mất khả năng “tự chỉ trích” họ rất sợ bị chỉ trích. Nuôi tất cả mầm bệnh của thói cơ hội, trục lợi, cho nên họ rất sợ bị người khác chỉ trích, và như một quy luật tất yếu của tâm lí, họ biến những kẻ chỉ trích thành thù địch.

Chỉnh đốn Đảng theo phương pháp “tự phê bình” hiện nay là bất khả, nếu không nói càng ngày càng sa lầy vào đạo đức phê bình giả.

Theo tôi, đến lúc Đảng và chính quyền phải có bản lĩnh cho phép, thậm chí khuyến khích dân tự do chỉ trích, phê bình Đảng và chính quyền. Đó không là mối nguy hiểm mà là lối thoát. Chỉ trích hay phê bình từ phía người dân là một sự tương tác từ bên ngoài để chuyển hóa vào bên trong nội bộ của Đảng, làm cho cán bộ Đảng và chính quyền thức tỉnh giấc mộng đỉnh cao trí tuệ, đỉnh cao quyền lực, giải quyết được các tệ nạn mà Đảng và chính quyền không thể tự giải quyết. Đó mới là cách trao quyền tự do dân chủ cho dân đúng nghĩa, như Lenine trong chống chủ nghĩa cơ hội và thói kiêu ngạo cộng sản, Hồ Chí Minh trong chống bệnh quan liêu, cửa quyền. Các lãnh tụ đã nói, đã hứa nhưng chưa làm được.

Chỉ trích, phê bình không đồng nghĩa với thù địch, chống phá mà là xây dựng. Bởi vì nếu chỉ thù địch, người ta chỉ biết bạo loạn, lật đổ chứ không chỉ trích, phê bình làm gì nữa.

Mà cũng phải nói rõ điều này: ngay cả khi bạo loạn, lật đổ xảy ra cũng là chỉ vì do sự chỉ trích, phê bình không có hiệu quả.

Cho nên, để không xảy ra bạo loạn, lật đổ, tốt nhất Đảng và chính quyền nên biết phát huy hiệu quả của sự chỉ trích hơn là trấn áp bằng bạo lực. Bạo lực chỉ nuôi mầm mống và gia tăng bạo lực.

Bạo lực phản ánh tình trạng quan trí lẫn dân trí, nhưng trước hết, phản ánh trình độ và bản lĩnh của quan chức.

Không thể phủ nhận những năm gần đây, nhờ tương tác của mạng xã hội, của báo chí và dư luận với Đảng và chính quyền, xã hội đã có những tiến bộ rõ rệt. Chính quyền không muốn nghe cũng phải nghe, không muốn tự điều chỉnh cũng phải điều chỉnh. Nhiều sự vụ đã được giải quyết nhanh và xã hội ngày một minh bạch hơn, kể cả duy trì sự ổn định.

Chắc chắn Đảng và chính quyền hiểu điều đó. Hiểu nhưng thực hiện thiếu tự giác.

Vì thiếu tự giác, cho nên hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc giữa Đảng, chính quyền với người dân, trong đó “mặc cảm thù địch” là bức tường rõ nét nhất. Mặc cảm này nằm ở cả hai phía. Người dân mất niềm tin nên một bộ phận không nhỏ bộc lộ hằn thù bằng chửi bới, kích động, trong khi một bộ phận không nhỏ trong Đảng và chính quyền thì nhìn đâu cũng thấy thù địch.

Hố sâu thù địch đạt tới ngưỡng nào đó sẽ bùng nổ thành bạo loạn và hậu quả là sự tàn phá thay vì xây dựng.

Thời đại hiện nay, mâu thuẫn giữa nhà nước và nhân dân mới là mâu thuẫn căn bản chứ không phải giai cấp hay cái gì khác. Các cuộc biểu tình lớn trên thế giới đều là biểu tình chống nhà nước. Nhà nước không khôn ngoan giải quyết quan hệ này, chính nhà nước đã đào hố sâu thù địch và tự chôn mình. Tôi đã nói to điều này khi đi học lớp chính trị cho các quan hiểu nhưng nhiều người cố tình không hiểu.

Phải giải mặc cảm thù địch mới có thể làm quen được với sự chỉ trích. Điều này tùy thuộc vào dân trí lẫn quan trí.

Ở các nước văn minh, cách giải mặc cảm thù địch rất đơn giản là tạo hành lang pháp lí cho sự chỉ trích. Pháp luật chế định người dân có quyền tự do chỉ trích cán bộ lãnh đạo; ngược lại, cán bộ lãnh đạo bất luận trường hợp nào cũng không có quyền trấn áp, đe dọa và sử dụng bạo lực, thậm chí chỉ trích người dân. Lãnh đạo chỉ có quyền lắng nghe người dân, đối thoại, xin lỗi và... từ chức.

Phùng Hoài Ngọc & Chu Mộng Long

 (VNTB)

„Luật sư đi tố giác thân chủ“ – đòn chí mạng nhằm vào „Nhà nước pháp quyền“ Việt Nam

Điều 19 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đang được thảo luận tại Quốc hội quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự luật sư do không tố giác thân chủ về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nếu được thông qua sẽ là một đòn chí mạng vào hình ảnh „Nhà nước pháp quyền“ XHCN của Việt Nam vốn chưa được mấy nước công nhận.

„Luật sư đi tố giác thân chủ“ – đòn chí mạng nhằm vào „Nhà nước pháp quyền“ Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền từ năm 1946 [1]
Trong một nhà nước pháp quyền, Hiến pháp và pháp luật được đặt ở vị trí cao nhất. Cơ quan Tư pháp được độc lập với cơ quan Lập pháp và Hành pháp. Mọi quyết định của họ chỉ được đưa ra dựa trên cơ sở của Hiến pháp và các đạo luật. Ra trước tòa, mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật. Ta có thể hình dung Quan tòa như một người trọng tài không thiên vị, chỉ dựa trên luật pháp để đánh giá lập luận của bên nguyên (công tố viên) và bên bị do luật sư đại diện bào chữa. Công tố viên và cơ quan điều tra thì cố tìm chứng cứ để chứng minh bị cáo phạm tội, trong khi luật sư thì tìm cách chứng minh là thân chủ của mình vô tội hoặc tìm cách làm giảm nhẹ tội cho thân chủ.

Nếu bây giờ luật sư buộc phải tố cáo thân chủ nữa thì bị cáo chẳng khác gì bị công tố viên tấn công trước mặt, lại bị luật sư „đâm dao sau lưng“. Thế thì phiên tòa có thể được coi là khách quan hay không? Nếu chỉ 1 luật sư tố cáo thân chủ thì uy tín của 10.000 luật sư hiện nay ở Việt Nam sẽ ra sao, ai dám thuê họ bào chữa, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình nữa?

Nếu theo dõi các phiên tòa mang tính chất chính trị gần đây, người ta có thể nhận thấy là trên thực tế, những lời bào chữa của luật sư hầu như không sửa đổi được những phán quyết được coi là „quyết định trước khi phiên tòa diễn ra“. Nhưng nghe lập luận buộc tội của công tố viên và lập luận bào chữa của luật sư, người dân vẫn có thể đi đến kết luận riêng của mình, bất chấp phán quyết của Tòa và điều này có thể tiềm ẩn những xung đột xã hội trong tương lai.

Nghe tranh luận trong Quốc hội, người dân có thể nhận thấy một số đại biểu, trong đó có người là luật sư rất phản đối điều luật này, nhưng cũng có những đại biểu như Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) lại kịch liệt bảo vệ.

Người dân rất mong chờ các đại biểu Quốc hội mạnh dạn biểu quyết theo lý trí của mình để đưa Việt Nam trở thành một nhà nước pháp quyền thực sự, được cộng đồng quốc tế công nhận.

Trung Khoa 

(Thoibao.de)

Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ trong ‘lặng lẽ’

Không thấy bất kỳ một giới chức Hoa Kỳ nào có mặt trong buổi lễ đón thủ tướng CSVN khi máy bay chở ông Nguyễn Xuân Phúc và phái đoàn đáp xuống phi trường John F. Kennedy vào lúc 8 giờ sáng (giờ New York) hôm Thứ Hai, 29 Tháng Năm, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng Thống Donald Trump.

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc tới phi trường John F. Kennedy ở New York sáng Thứ Hai, 29 Tháng Năm, 2017 (Hình: Tuổi Trẻ Online)
Hầu hết báo chí Hoa Kỳ không đề cập đến sự kiện ông Nguyễn Xuân Phúc đặt chân đến Hoa Kỳ mà chỉ có tờ Tuổi Trẻ cùng hai trang mạng Zing.vn và Vietnamnet nhắc đến. Tuy nhiên tin tức cũng như hình ảnh của ba tờ báo này không thấy nhắc đến một giới chức nào của Hoa Kỳ tham gia lễ đón.

Theo các trang này, “đón phái đoàn Thủ tướng Việt Nam tại sân bay JFK có Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga.”

Ngoài một vài bức hình được chụp tại phi trường đăng ở ba trang mạng nói trên, không thấy có bất cứ hình ảnh nào khác nhắc đến sự kiện này từ các hãng thông tấn tại Mỹ.

Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ trong 'lặng lẽ'
Ngoài đoàn cán bộ CSVN tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc, không thấy có bóng dáng của nước chủ nhà ra đón Thủ Tướng Phúc tại phi trường JFK (Hình: Tuổi Trẻ Online)
Cũng theo Tuổi Trẻ, chiều cùng ngày, Thủ Tướng Phúc sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với một số doanh nhân thành đạt gốc Việt, trí thức Việt kiều và vợ chồng giáo sư Ngô Thanh Nhàn, người đang làm việc tại Đại học New York. Cũng trong tối này, ông Phúc sẽ có cuộc gặp và nói chuyện với cán bộ, nhân viên phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Liên quan đến sự kiện này, BBC hôm nay có bài “Những kỳ vọng từ chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phúc” của tác giả Jonathan London, Đại học Leiden University, Hòa Lan.

Theo tác giả Jonathan London, chuyến đi của thủ tướng Việt Nam sẽ có ảnh hưởng tới ba vấn đề lớn.

Thứ nhất là vấn đề thương mại. “Trong vấn đề này, thách thức đặt ra là phải tìm được con đường dẫn đến các giải pháp hai bên cùng có lợi.”

Thứ hai là chủ đề về an ninh, “đặc biệt là việc Việt Nam sẽ cùng Mỹ và các quốc gia khác phối hợp ra sao để có thể thúc đẩy việc hiện thực hóa một môi trường an ninh hàng hải Đông Á tuân theo luật pháp quốc tế.”

Thứ ba là vai trò và vị trí của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo tác giả Jonathan London, “Đó là vị trí không chắc chân cho lắm của ông Phúc trong sự phát triển chính trị và kinh tế của Việt Nam, và việc liệu ông Phúc trở thành một lực lượng quan trọng hùng mạnh tới mức nào trong sự phát triển của đất nước.”

Thông tin trước đó cho biết Tổng Thống Donal Trump sẽ tiếp Thủ Tướng Phúc tại Tòa Bạch Ốc vào ngày Thứ Tư, 31 Tháng Năm.

Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho hay, cộng đồng người Mỹ gốc Việt khắp nơi sẽ biểu tình chống Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc khi ông đến Tòa Bạch Ốc.

“Nhiều cộng đồng người Việt các nơi sẽ cử phái đoàn về thủ đô Washington, DC để cùng với cộng động người Việt Nam tại vùng này biểu tình chống ông Nguyễn Xuân Phúc,” ông Đinh Hùng Cường, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt vùng Washington, DC, Maryland và Virginia, cho nhật báo Người Việt biết qua điện thoại.

Theo ông, ngoài cộng đồng người Việt vùng thủ đô Hoa Kỳ và phụ cận, ít nhất có thêm các cộng đồng New York, New Jersey, Massachusetts, Connecticut, New Hampshire, Georgia, và Florida đã loan báo sẽ có phái đoàn tới hợp sức biểu tình.

Bức thư của cộng đồng này gửi các cộng đồng bạn về chuyện phối hợp hành động chung gọi ông Nguyễn Xuân Phúc là “Một tên Cộng Sản với guồng máy cai trị độc ác và tàn bạo, đã chà đạp, đánh đập lương dân vô tội, và giam giữ những nhà đấu tranh dân chủ tại quê nhà.” 

(Người Việt)