Trả lời báo chí ngày 29/6, ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái cho biết ông phải vay ngân hàng 20 tỷ đồng để xây biệt phủ và trang trại. Phân tích về khoản vay này, các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trừ những trường hợp đặc biệt, thu nhập của người vay phải vào khoảng 150 - 200 triệu đồng mỗi tháng mới được ngân hàng cho vay 20 tỷ đồng.
>> Yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái giải trình khoản vay 20 tỷ đồng
>> Tài sản “khủng” của Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái chưa từng bị khiếu nại (?!)
>> Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái nói vay 20 tỷ đồng, tích cóp từ thời trẻ xây dinh thự
Khu biệt phủ của gia đình giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Nam Trần)
Lương của một Giám đốc Sở chắc không đủ
Một cán bộ tín dụng ngân hàng thương mại (đề nghị giấu tên) cho biết, đối với khách hàng cá nhân, thông thường khi ngân hàng cho vay, yếu tố đầu tiên phải tính đến là khả năng trả nợ của khách hàng.
Với trường hợp như ông Phạm Sỹ Quý, khi ông này nói vay 20 tỷ đồng thì ngân hàng sẽ phải xét đến thu nhập hàng tháng của ông có đủ khả năng trả nợ một phần gốc và lãi vay hàng tháng hay không.
“Nếu thu nhập của khách hàng không ổn định cũng như không đủ đảm bảo khoản trả nợ hàng tháng thì đương nhiên khoản vay đó sẽ trở thành nợ xấu và bản thân cán bộ tín dụng cũng sẽ bị liên đới trách nhiệm. Do đó, trước khi xét duyệt hồ sơ cho khách hàng vay vốn, mỗi cán bộ tín dụng đều phải tìm hiểu kỹ tình hình tài chính của khách hàng, phải xuống tận nhà để xem các tài sản bảo đảm và khó nhất là việc đánh giá tài sản hình thành trong tương lai”, vị chuyên gia này nhận định.
Cũng trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) chia sẻ ông cũng có xem qua thông tin về khu biệt phủ của ông Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái qua báo chí.
Theo TS Thịnh, xét ở góc độ vay vốn một khoản lớn như vậy, ngân hàng bao giờ cũng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp hoặc tài sản đảm bảo có khả năng thanh toán. Trong trường hợp thế chấp tài sản, cá nhân ông Quý hoàn toàn có thể thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai.
"Tôi đã đi qua Yên Bái và nhìn thấy "biệt phủ" của ông này. Theo đánh giá cá nhân, giá trị của biệt phủ này có thể lớn hơn nhiều khoản vay 20 tỷ đồng. Do đó, ông Sỹ hoàn toàn có thể sử dụng hình thức lấy tài sản được hình thành trong tương lai (khu biệt phủ và trang trại bao quanh) để thế chấp cho khoản vay đó. Vấn đề quan trọng là cán bộ ngân hàng định giá biệt phủ đó bao nhiêu để cho vay. Nếu có hợp đồng tín dụng của ông Quý, chúng ta có thể thấy rõ ngay”, ông Thịnh phân tích.
Cũng theo PGS Đinh Trọng Thịnh, bản thân ngân hàng cho vay cũng phải đảm bảo các điều kiện do hệ thống ngân hàng đặt ra. Trong đó quan trọng nhất là cho vay cá nhân ở mức nào, dựa trên cơ sở nào để cho vay? Dựa trên lương, thu nhập để thời hạn và mức vay bao nhiêu? Phương án trả nợ thế nào? Cần phải biết rằng, khoản vay 20 tỷ đồng là một khoản vay lớn. Vậy ngân hàng phải nắm rõ người vay sẽ dựa vào nguồn thu nhập nào để trả cả một phần gốc và lãi vay hàng tháng? Theo phán đoán của ông Thịnh, tiền lương của một Giám đốc Sở như ông Quý chắc chắn không đủ để trang trải khoản vay này mà chắc phải có thêm các thu nhập bổ sung...
Cũng theo ông Thịnh, với các khoản vay thương mại hiện nay, lãi suất trung bình thường phải trên 10%/năm, như vậy tính sơ sơ mỗi năm lãi suất của khoản vay 20 tỷ cũng khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng phải thu một khoản tiền gốc của khoản vay nữa.
"Không loại trừ người đi vay có thể vay nhiều ngân hàng cùng lúc để có đủ khoản tiền 20 tỷ đồng cho mục tiêu của mình. Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp vay ngân hàng bằng tài sản thế chấp, sau đó không có khả năng trả nợ đã bị cùng lúc 4, 5 ngân hàng tới canh kho. Lúc đó họ mới biết trong kho chỉ có cỏ khô thay vì cà phê như cam kết trong hợp đồng về khoản thế chấp. Nếu để một cá nhân vay nhiều ngân hàng bằng cùng một tài sản thế chấp thì lỗi đầu tiên thuộc về ngân hàng, khi đã không quản chặt việc duyệt vay”, ông Thịnh đánh giá.
"Chắc chắn phải là thu nhập của đại gia"
Cùng chung nhận định trên, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người đi vay có thể sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng. Tuy nhiên, một cá nhân trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản nếu muốn đi vay phải đảm bảo có tối thiểu 30% vốn tự có, còn lại 70% ngân hàng có thể cho vay.
Khi ngân hàng cho vay, thường đối với bất động sản thì thời hạn vay là 10 hoặc 20 năm và phải trả góp cho món nợ đã vay. Lãi suất của các ngân hàng thương mai hiện nay cũng dao động từ 9-11%/năm và có thể điều chỉnh theo từng thời kỳ.
“Khách hàng muốn được vay thì điều kiện tiên quyết phải không có lịch sử tín dụng xấu, không có nợ quá hạn trong quá khứ, phải có công việc ổn định, thu nhập phải đủ chi trả, gồm cả lương và nguồn thu nhập khác. Thông thường, tỷ lệ an toàn cho vay phải tính toàn bộ khoản phải trả nợ hàng tháng của người vay và không quá 60% tổng thu nhập. Bởi người đi vay còn phải trả nhiều chi phí khác cho cuộc sống của họ", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng tính toán, giả sử anh vay ngân hàng khoản vay 20 tỷ đồng với thời hạn 20 năm thì chỉ nguyên khoản trả tiền gốc mỗi tháng cũng phải 83 triệu đồng, cộng với lãi suất trung bình 10%/năm thì mỗi tháng phải trả khoảng 100 triệu đồng nữa.
“Như vậy, thu nhập của người đi vay phải ít nhất từ 150 đến 200 triệu đồng/tháng mới đủ điều kiện vay ngân hàng 20 tỷ đồng. Bởi cá nhân người vay còn phải trả thuế, phải chi tiêu cho gia đình… Với tôi, người có thu nhập như vậy hàng tháng phải thuộc cỡ một đại gia”, ông Hiếu nhận định.
Sau khi ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái công bố trên báo chí rằng ông phải đi vay ngân hàng 20 tỷ đồng để xây biệt phủ và trang trại, sau đó tổ chức thành công viên cho bà con nhân dân đến chơi, nhiều người đã đặt ngay dấu hỏi: Ông Quý và gia đình có thu nhập hàng tháng cao tới mức nào để đủ khả năng vay một khoản vay lớn như vậy?
Giả sử không chỉ là thu nhập của ông Quý mà còn có thu nhập của người thân trong gia đình ông thì dù từ nguồn nào mỗi tháng, ông Quý và gia đình cũng phải đảm bảo có từ 150 - 200 triệu đồng để trả ngân hàng.
Trên báo chí, ông Quý có giải thích là ngoài lương, ông và gia đình có làm cả trang trại, trong đó có trồng lan và thả cá...
Theo Phi Long
Dân Việt
Dân Việt
Muốn vay ngân hàng 20 tỷ đồng phải đáp ứng điều kiện gì?
Một cán bộ công chức Nhà nước vay 20 tỷ đồng tại ngân hàng, lãi và gốc thanh toán hàng tháng sẽ là bao nhiêu và vị cán bộ này sẽ phải đáp ứng điều kiện gì để được giải ngân.
Dư luận những ngày gần đây đang rất quan tâm tới việc một cán bộ công chức Nhà nước tại tỉnh Yên Bái cho biết đã phải vay 20 tỷ đồng từ ngân hàng để xây nhà trên khu đất đồi của diện tích 13.000 m2.
Nhiều người cho rằng với lương, thu nhập của một cán bộ công chức Nhà nước khó có thể đáp ứng được khoản lãi và gốc phải trả hàng tháng đối với khoảng dư nợ 20 tỷ đồng. Thậm chí, điều kiện để một cá nhân có thể được giải ngân 20 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại cũng rất khó khăn.
Vay tín chấp 20 tỷ đồng, thu nhập phải 3-5 tỷ đồng/tháng
Chuyên gia tài chính phân tích, theo quy định tại các ngân hàng thương mại hiện nay, một cá nhân có thể vay ngân hàng qua 2 hình thức là vay tín chấp và vay thế chấp.
Đối với hình thức vay tín chấp, người vay làm công chức Nhà nước phải có mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên, mức lãi suất tín chấp dao động trong khoảng 0,7-1%/tháng. Tuy nhiên với hình thức này số dư nợ được phép vay sẽ phụ thuộc vào mức lương và thu nhập hàng tháng.
Người muốn vay tín chấp 10 triệu đồng phải có mức thu nhập dao động 20-30 triệu đồng mỗi tháng. Đối với khoản vay 20 tỷ đồng, dòng tiền thu nhập mỗi tháng phải dao động trong khoảng 3-5 tỷ đồng/tháng.
Vay thế chấp, mỗi ngày phải trả 11 triệu đồng trong 10 năm
Đối với hình thức vay thế chấp, người vay có thể thế chấp nhà đất hoặc ôtô và người vay phải đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng. Khoản dư nợ sẽ được giải ngân theo thẩm định giá trị khối tài sản thế chấp. Trung bình tại các ngân hàng hiện nay giá trị giải ngân dao động trong khoảng 50-90% giá trị tài sản thế chấp.
Trao đổi với Zing.vn, cán bộ quản lý nợ tại một ngân hàng TMCP lớn cho biết để một cá nhân là công chức Nhà nước được giải ngân 20 tỷ đồng tại ngân hàng thì bắt buộc phải có tài sản thế chấp.
Tính toán lãi và gốc người vay phải trả trong năm đầu tiên với khoản vay 20 tỷ đồng trong 10 năm và lãi suất 10%/năm. Đồ họa: Quang Thắng.
Với tỷ lệ giải ngân trên tài sản thế chấp tại các ngân hàng thương mại hiện nay 50-90% giá trị tài sản, khối tài sản thế chấp này bắt buộc phải có giá trị từ 22 đến 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay cá nhân tại một số ngân hàng hiện dao động trong khoảng 10-13%/năm.
Nếu vay trong vòng 10 năm, số tiền gốc phải trả mỗi tháng của người này lên tới 166,7 triệu đồng, cộng với khoản lãi 166,7 triệu đồng nếu lãi suất cho vay 10%/năm.
Tổng cộng cả lãi và gốc phải trả trung bình trong những tháng đầu vào khoảng 333,3 triệu đồng, tương đương mỗi ngày cá nhân này sẽ phải thanh toán hơn 11 triệu đồng tiền ngân hàng.
Nếu khoản vay có hạn mức 20 năm, tiền gốc phải trả hàng tháng 83,3 triệu đồng, lãi phải trả hàng tháng trong năm đầu tiên khoảng 195,4 triệu đồng. Tổng cộng trong năm đầu tiên số tiền người vay phải thanh toán hàng tháng là 275 triệu đồng, tương đương 9 triệu đồng/ngày.
Trả lời báo chí ngày 29/6, ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết ông phải vay ngân hàng 20 tỷ đồng để xây biệt phủ và trang trại.
Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết Thanh tra Chính phủ sẽ yêu cầu giải trình khoản vay 20 tỷ để xây biệt thự của gia đình ông Phạm Sỹ Quý.
“Nguồn gốc tài sản họ (gia đình ông Quý) giải trình như thế nào phải có cơ sở, vay ngân hàng cũng phải có cơ sở, thuộc trách nhiệm phải giải trình” ông Đạt nói.
Quang Thắng