Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Lỗ 3.000 tỷ, Đạm Ninh Bình xin Eximbank Trung Quốc chậm trả nợ

China Eximbank cho biết, người chịu trách nhiệm trả nợ không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ Việt Nam...

Lỗ 3.000 tỷ, Đạm Ninh Bình xin Eximbank Trung Quốc chậm trả nợBẠCH DƯƠNG
Bộ Tài chính trong công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ ngày 28/6 vừa qua về khoản vay 250 triệu USD của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) để thực hiện dự án Đạm Ninh Bình, đã nêu nhiều thông tin đáng chú ý về tình hình kinh doanh công trình này và tập đoàn mẹ. 

Dự án Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn một năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng, nằm tại tỉnh Ninh Bình. 

Đây là dự án lớn nhất của Vinachem, do tập đoàn này sở hữu 100% nhưng vốn tự có khi đó chỉ là 100 triệu USD, còn lại Eximbank Trung Quốc cho vay 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc. 

Nhà máy được vận hành chính thức vào năm 2012, tuy nhiên vẫn thua lỗ từ đó đến nay. 

“Mẹ - con” cùng báo lỗ

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2016, tổng tài sản Công ty Đạm Ninh Bình đạt 10.075 tỷ đồng, giảm 8,65% so với năm 2015, nhà máy đã vận hành ổn định, tình hình sản xuất, tiêu thụ đã khả quan hơn. 

Trong năm 2016, Vinachem đã hỗ trợ Đạm Ninh Bình thanh toán nợ đến hạn trả, trong đó có 25 triệu USD để trả China Eximbank.

“Lợi nhuận trong năm 2016 sụt giảm do doanh thu bán hàng giảm mạnh, giá phân bón trên thị trường quốc tế giảm sâu dẫn đến doanh thu không bù đắp được chi phí. Kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ thêm 1.132 tỷ đồng. Công ty chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp, giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh tài chính khó khăn hiện nay”, Bộ Tài chính nhận xét.

Hiện Đạm Ninh Bình vẫn lỗ luỹ kế nặng, khi năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng, năm 2014 ước lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 592 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới nay lên tới trên 3.058 tỷ đồng.

Về tài chính của Vinachem, báo cáo của Bộ Tài chính ghi nhận tổng tài sản năm 2016 của tập đoàn giảm 1,68%, tài sản dài hạn chiếm 63% tổng tài sản, vốn chủ sở hữu tăng 771 tỷ đồng do tăng đầu tư. Năm 2016, Vinachem lỗ 895 tỷ đồng do giá vốn bán hàng và dịch vụ cung cấp tăng cao, chi phí lãi vay tăng 346 tỷ đồng, trong khi các doanh thu và thu nhập khác đều giảm. 

“Chỉ tiêu sinh lời năm 2016 đã bị âm, điều này chứng tỏ tập đoàn kinh doanh chưa hiệu quả, cần điều chỉnh, lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế thị trường. Sức ép về tài chính trong thời gian tới là rất cao, do vẫn tham gia góp vốn vào 40 đơn vị, doanh nghiệp”, báo cáo nêu. 

Lỗ lớn, nợ nhiều, Vinachem kiến nghị được khoanh nợ gốc, chỉ trả nợ lãi phát sinh và phí cho vay lại trong 5 năm từ 2017 đến 2022 đối với khoản vay China Eximbank được Bộ Tài chính uỷ quyền cho Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) là cơ quan cho vay lại. Báo cáo của Vinachem dự kiến số chi trả nợ gốc sẽ kéo dài đến hết năm 2028. 

Bộ Tài chính nhận định, những giải pháp của Vinachem không cụ thể, chủ yếu tập trung vào việc đề nghị được Chính phủ hỗ trợ, không có giải pháp về sản xuất kinh doanh và tài chính để đảm bảo trả nợ cho dự án trong tương lai. 

Về phía Bộ Công Thương, bộ này cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính cân đối nguồn trả nợ khoản vay China Eximbank của dự án Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư.

Bộ Công Thương cho biết, Vinachem không cân đối đủ dòng tiền để trả nợ tại các dự án (dự án Đạm Ninh Bình và dự án muối mỏ kali tại Lào). Do đó, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép Vinachem trước mắt chủ động huy động, cân đối mọi nguồn tài chính để thanh toán cho các ngân hàng theo quy định; chủ động đàm phán với các tổ chức tín dụng để được khoanh nợ.

"Trường hợp China Eximbank không đồng ý, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là BIDV nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho China Eximbank. Để thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV khi có nguồn tài chính”, văn bản nêu. 

Xin Nhà nước trả thay?

Văn bản gửi lên Thủ tướng của Bộ Tài chính cho biết, khoản vay 250 triệu USD với China Eximbank có thời hạn 15 năm, tính đến 31/3/2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD, trong đó Vinachem đã trả nợ gốc 7 kỳ, với tổng số tiền 87,5 triệu USD.

Qua trao đổi sơ bộ với phía China Eximbank, phía Trung Quốc cho biết, không có chính sách hỗ trợ dự án sử dụng vốn vay khó khăn và đối với phía Trung Quốc, người chịu trách nhiệm trả nợ trong mọi trường hợp không phải là doanh nghiệp, mà là Chính phủ Việt Nam”, văn bản nêu. 

Do đó, nếu theo phương án này, từ năm 2017-2022, ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía Trung Quốc thay Vinachem, với tổng số tiền là 125 triệu USD.

Tuy nhiên, hiện nguồn thu của quỹ tích luỹ trả nợ rất hạn chế, trong khi phải đang phải định kỳ trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp khó khăn như Giấy Phương Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (tức Vinashin trước đây, nay là SBIC)...

Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, bội chi cao, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, việc Vinachem đề xuất được giãn nợ khi vẫn có khả năng tập trung nguồn lực để trả nợ nước ngoài là “chưa phù hợp”.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ không đặt vấn đề giãn hoãn nợ với phía ngân hàng Trung Quốc, vì sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ, cũng như ảnh hưởng tới đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ.

Bộ Tài chính yêu cầu: “Vinachem tập trung mọi nguồn lực của tập đoàn để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017, để không làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ”.

Ngoài ra, tiếp tục chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để hoãn giãn nợ vay trong nước, tiếp tục thoái vốn ngoài ngành và sử dụng các nguồn lực này để cân đối nguồn trả nợ cho dự án.

Trước đó, trong văn ngày 27/2/2015, đối với khoản vay này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến: “Yêu cầu Vinachem thực hiện trả nợ vốn vay, lãi, phí của khoản vay theo đúng hợp đồng vay đã ký. Trường hợp không tự cân đối để trả nợ, tập đoàn báo cáo Bộ Tài chính, Công Thương xử lý theo quy định”.

Carl Thayer - Trung Quốc đột ngột hủy bỏ các hoạt động quân sự ở biên giới Việt Nam có ý nghĩa gì?


Sự hủy bỏ đột ngột giao lưu ở biên giới Việt – Trung đã làm suy yếu lòng tin chiến lược giữa Hà Nội và Bắc Kinh và là sự thất bại quan trọng nhất trong quan hệ song phương kể từ vụ giàn khoan HD-981 vào giữa năm 2014.


Cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ tư được dự trù từ lâu diễn ra trong năm nay đã bất ngờ bị hủy bỏ, theo báo cáo là do Trung Quốc không hài lòng khi Việt Nam khôi phục các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Không bên nào chính thức xác nhận điều này này. Bài báo này xem xét các thông tin công khai và riêng tư được cung cấp cho The Diplomat.

Ngày 12 tháng 6, Trung Quốc tuyên bố rằng Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã rời Bắc Kinh đến thăm Tây Ban Nha, Phần Lan và Việt Nam. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết tướng Phạm Trường Long “cũng sẽ tham dự cuộc họp biên giới cấp cao lần thứ tư giữa quân đội Trung Quốc và Việt Nam” trong chuyến thăm Hà Nội của ông.

Cùng đi với tướng Phạm Trường Long là một phái đoàn cấp cao gồm Thiệu Nguyên Minh, Phó tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc; Lưu Chấn Lập, Tham mưu trưởng Lục quân; Lưu Nghị, Phó Tư lệnh Hải quân; Tống Côn, Phó Chính ủy Không quân; và Viên Dự Bách, Tư lệnh Mặt trận Phía Nam.

Báo Quân đội nhân dân Việt Nam đăng tin Phạm Trường Long sẽ “thăm hữu nghị chính thức” từ ngày 18 đến 19 tháng 6. Ngày 13/6, Thiếu tướng Nguyễn Đại Hội, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam, thông báo chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt – Trung lần thứ tư sẽ được tổ chức tại biên giới Lai Châu và Vân Nam của Trung Quốc từ ngày 20 đến 22 tháng 6 và Thượng tướng Phạm Trường Long sẽ “đồng chủ trì chương trình trao đổi với Đại tướng Ngô Xuân Lịch”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
Phạm Trường Long – Ngô Xuân Lịch

Chẳng bao lâu sau đó, xuất hiện sự khác biệt giữa tin công khai và báo cáo cá nhân của các nhà quan sát tại Hà Nội liên quan đến chuyến thăm của Thượng tướng Phạm Trường Long. Tin công khai thì nói mối quan hệ quốc phòng đang diễn ra tốt đẹp và ngày 18 tháng 6 đã đạt được thoả thuận giữa Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Phạm Trường Long về việc đào tạo nhân sự giữa Bộ Quốc phòng hai nước theo Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác quốc phòng đến năm 2025 được ban hành vào tháng 1 năm 2017.

Các thông tin báo chí đầu tiên từ Hà Nội và Bắc Kinh tường thuật các cuộc thảo luận được tổ chức vào ngày 18 tháng 6 giữa Thượng tướng Phạm Trường Long và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bình luận của các phương tiện truyền thông do cả hai bên xuất bản đều lạc quan và tích cực. Chẳng hạn, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Trọng “Việt Nam và Trung Quốc là những nước láng giềng xã hội chủ nghĩa thân thiện, quan hệ giữa hai nước và hai đảng phát triển với sự hợp tác và trao đổi sâu rộng trong nhiều lĩnh vực”.

Theo Tân Hoa Xã, ông Quang nói “hợp tác thân thiện hơn nữa giữa hai quân đội sẽ giúp làm sâu sắc hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước và hai đảng, và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác hiệu quả của hai nước”.

Báo Nhân Dân Việt Nam cho biết hai bên “thống nhất nội dung, biện pháp hợp tác trong thời gian tới”. Báo Quân đội nhân dân Việt Nam, viết rằng ông Ngô Xuân Lịch coi chuyến thăm của Phạm Trường Long là “một sự kiện chính trị quan trọng, bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa nhân dân và quân đội hai nước”.

Nhân Dân, cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho biết Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói “cuộc viếng thăm đang diễn ra của Thượng tướng Phạm Trường Long là biểu hiện sinh động về mối quan hệ ngày càng gắn bó mật thiết giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Quân đội hai nước”. Bài báo ghi nhận rằng Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Phạm Trường Long “sẽ đồng chủ trì các hoạt động trong Chương trình giao lưu với Đại tướng Ngô Xuân Lịch”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, từ ngày 20 đến 22 / 6.

Theo Tân Hoa xã, ông Lịch cho biết “mối quan hệ giữa hai quân đội đã có những tiến bộ thực chất trong những năm gần đây, với sự hợp tác vững chắc trong việc bảo vệ biên giới, gìn giữ hoà bình và tìm kiếm cứu nạn”. Theo Tân Hoa Xã, ông Phạm Trường Long đáp lời: “Nhờ sự thúc đẩy của các nhà lãnh đạo hai nước, quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đang phát triển tốt đẹp và sự hợp tác đã đem lại kết quả trong nhiều lĩnh vực”.

Phạm Trường Long thậm chí còn gợi ý rằng Trung Quốc sẽ nối kết Sáng kiến ​​Một vành đai – một con đường của Trung Quốc với kế hoạch Hai hành lang – một vành đai kinh tế của Việt Nam và thúc đẩy hợp tác thực tiễn trong mọi lĩnh vực để cùng phát triển.

Cả hai phương tiện truyền thông Việt Nam và Trung Quốc đều báo cáo rằng vấn đề Biển Đông đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận giữa Phạm Trường Long và các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Tân Hoa Xã trích dẫn Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm tiến thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông thông qua tham vấn”.
Đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc.

Tân Hoa Xã trích dẫn quan điểm của Phạm Trường Long cho rằng “các hòn đảo ở Biển Đông đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại… và tình hình hiện tại ở Biển Đông đã ổn định và đang trở nên tích cực…”. Ông Phạm Trường Long cũng kêu gọi “cả hai bên phải tuân thủ sự đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước và hai đảng đạt được. Hai bên nên tăng cường truyền thông chiến lược và quản lý đúng và kiểm soát những khác biệt để duy trì mối quan hệ tổng thể cũng như hòa bình và ổn định của Biển Đông”.

Nhân Dân, trong bài báo về cuộc gặp gỡ Ngô Xuân Lịch – Phạm Trường Long, lưu ý rằng “cả chủ và khách đồng ý không cho phép các vấn đề liên quan đến biển ảnh hưởng đến quan hệ hai nước”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, rõ ràng xuất hiện sự khác biệt về chuyện Việt Nam khởi động lại việc khoan dầu ở Biển Đông và những khác biệt này dẫn tới việc hủy bỏ các hoạt động trao đổi phòng thủ biên giới đã được hoạch định.

Không rõ Phạm Trường Long nói chung chung về việc Việt Nam thăm dò dầu khí trong vùng biển đang tranh chấp hay nêu đích danh tên các lô thăm dò cụ thể.

Một nguồn tin Việt Nam cho biết trong một email cá nhân rằng Phạm Trường Long “đã đưa vấn đề ra cho các nhà lãnh đạo Việt Nam, bao gồm cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và yêu cầu Việt Nam dừng khoan dầu tại lô 136/03”. Lô 136/03 nằm trong khu vực Vanguard Bank. Các nhà phân tích khác cho biết Phạm Trường Long đã đề cập đến khối 118, còn được gọi là Cá Voi Xanh, nơi mà Exxon Mobile hiện đang hoạt động ngoài khơi miền Trung Việt Nam.

Các nguồn tin của Việt Nam cho biết nhà lãnh đạo, không nói rõ là ai, mà ông Phạm Trường Long tiếp xúc, đã trả lời bằng cách bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam. Chính sự trao đổi bằng lời nói đó đã khiến Phạm Trường Long hủy bỏ việc Trung Quốc tham gia cuộc Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt – Trung lần thứ tư và trở lại Trung Quốc một cách đột ngột.

Không rõ là Phạm Trường Long có rời khỏi Hà Nội ngay vào đêm 18 tháng 6 hay sáng ngày hôm sau. Cuộc giao lưu ở biên giới năm 2017 dự kiến ​​bắt đầu vào ngày 20 tháng 6.

Cần lưu ý rằng một năm trước, Tòa án Trọng tài đã nghe vụ kiện chống lại Trung Quốc do Philippines đưa ra đã phán quyết rằng Đường chín đoạn của Trung Quốc đòi Biển Đông không có cơ sở về mặt luật quốc tế. Toà án cũng phán quyết rằng yêu sách Trung Quốc về chủ quyền dựa trên các quyền lịch sử đã bị xóa bỏ khi Trung Quốc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Phát biểu của Phạm Trường Long về Biển Đông có thể hiểu là nhấn mạnh Việt Nam không tuân thủ “sự nhất trí của các nhà lãnh đạo hai nước và hai bên”. Sự can thiệp của ông làm cho các nhà lãnh đạo của Việt Nam cảm thấy khó chịu vì hai lý do: Thứ nhất, bởi vì nó được chuyển giao bởi một ông tướng, chứ không phải là một nhà ngoại giao của Bộ Ngoại giao, và thứ hai, bởi vì nó đại diện cho sự tái khẳng định đường chín đoạn của Trung Quốc và tuyên bố của Trung Quốc về “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với vùng nước đặc quyền kinh tế mà Việt Nam có chủ quyền.

Vào ngày 22 tháng 6, tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc đưa tin năm nay Việt Nam đã tiến hành thăm dò dầu khí ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa và gián tiếp liên kết điều này với việc Phạm Trường Long huỷ bỏ các cuộc Giao lưu hữu nghị ở biên giới trong năm nay.

Hoàn Cầu thời báo không trích dẫn nguồn tin chính thức, nhưng trích lời nhà phân tích dân sự Lưu Phong nói rằng “Việt Nam đơn phương đã phá vỡ sự đồng thuận của mình với Trung Quốc, về việc gác tranh chấp và cùng khai thác, và đang có những động thái nhằm tăng cường yêu sách lãnh thổ đối với khu vực… Các hành động phi pháp của Việt Nam làm xói mòn sự ổn định của Biển Đông, vi phạm chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, tờ Hoàn Cầu thời báo đã khẳng định rằng Phạm Trường Long “đột ngột cắt ngắn chuyến đi của ông sang Việt Nam” và dẫn lời Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng các hoạt động phòng thủ biên giới bị huỷ bỏ là do “sắp xếp làm việc”. Hoàn Cầu thời báo cũng liên kết việc hủy bỏ giao lưu ở biên giới với sự bất đồng về Biển Đông bằng cách trích dẫn “các phương tiện truyền thông nước ngoài”. Hoàn Cầu thời báo còn lưu ý “chưa có tuyên bố chính thức nào của phía Việt Nam”.

Một nguồn tin riêng tư ở Hà Nội xác nhận một đồng nghiệp Việt Nam dự định tham cuộc giao lưu được cho biết rằng các cuộc giao lưu đó đã bị hủy bỏ và người ấy phải ở lại Hà Nội.

Sự thụt lùi này là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn để đáp trả các khả năng Philippines tiến hành thăm dò dầu và các hoạt động thăm dò dầu trên thực tế của Việt Nam. Nhưng cũng có những sự phát triển khác mà nếu liên kết với nhau thì sẽ giải thích được vì sao Phạm Trường Long lại quay ngoắt một cách dị thường như thế.

Những phát triển này bao gồm: việc chính quyền Trump nối lại quyền tự do đi tuần tra hàng hải của Hoa Kỳ tại quần đảo Trường Sa vào ngày 24 tháng 5; việc Trung Quốc đánh chặn một chiếc máy bay tuần tra hàng hải P-3C Orion của Hoa Kỳ trên vùng biển gần đảo Hải Nam, cũng vào ngày 24 tháng 5; việc ông Phúc viếng thăm Washington và Tokyo cuối tháng 5 và đầu tháng 6, thảo luận về các quan hệ quốc phòng và an ninh hàng hải; các cuộc tập trận hải quân chung của Hoa Kỳ và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản ngoài khơi bờ biển Triều Tiên vào đầu tháng 6; và những lời chỉ trích mạnh mẽ về hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông do Thủ tướng Australia và các bộ trưởng Quốc phòng của Hoa Kỳ, Australia và Nhật Bản đưa ra tại cuộc Đối thoại Shangri-la, cũng vào đầu tháng Sáu.

Bằng chứng về mối liên hệ giữa việc Phạm Trường Long huỷ bỏ các hoạt động giao lưu ở biên giới với các hoạt động của Hoa Kỳ và các đồng minh có thể được tìm thấy trong bài báo của Hoàn Cầu thời báo về chuyến thăm của Phạm Trường Long. Hoàn Cầu thời báo lưu ý:

“Tình hình Biển Đông Sự giảm căng thẳng không phải là mong muốn của các cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ và Nhật Bản nhằm biến Biển Nam Trung Hoa thành nơi cạnh tranh về địa chính trị. Họ mong thấy Việt Nam và Philippines gặp rắc rối với Trung Quốc, tạo cơ hội cho họ can thiệp. Giờ đây họ đã coi trọng Hà Nội hơn sau khi Manila thay đổi thái độ”.

Có những suy đoán rằng Phạm Trường Long đã hành động theo ý của mình; nếu thế, thì ông hành động rất vụng về vì các cuộc phản đối như vậy thường được Bộ ngoại giao Trung Quốc thực hiện. Những lời phát biểu của Phạm Trường Long, một vị tướng PLA cấp cao, có thể hàm ý mối đe dọa sử dụng quân đội. Những lời phát biểu của Phạm Trường Long cũng phản tác dụng vì không đe dọa được các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Thực vậy, trong chỗ riêng tư, các nguồn tin Việt Nam cho biết rằng “các nhà lãnh đạo Việt Nam khiển trách [Phạm Trường Long], và Phạm Trường Long không vui, ông quyết định trở lại Trung Quốc vào ban đêm”.

Sự hủy bỏ đột ngột giao lưu ở biên giới Việt – Trung đã làm suy yếu lòng tin chiến lược giữa Hà Nội và Bắc Kinh và là sự thất bại quan trọng nhất trong quan hệ song phương kể từ vụ giàn khoan HD-981 vào giữa năm 2014.

Không chắc chắn rằng liệu Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh áp lực lên Việt Nam để chứng minh rằng Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 của Trung Quốc hay không. Các nguồn tin từ Việt Nam đã đưa ra ý kiến ​​riêng rằng việc Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu mỏ cỡ lớn HD-981 ở vùng biển gần Hoàng Sa vài ngày trước khi chuyến thăm của ông Phạm Trường Long có thể báo hiệu một cuộc khủng hoảng mới. Cũng những nguồn này cho biết, nhưng chưa được xác nhận, rằng Trung Quốc đã triển khai 40 tàu và thuyền xuống Biển Đông.

Carl Thayer

Nguồn: The Diplomat ngày 29/6/2017

Anh Hoàng dịch

(Bauxite VN)

Thủ tướng: một bộ phận cán bộ chính quyền để xảy ra tai tiếng

03/07/2017 09:13 GMT+7

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ trích một bộ phận cán bộ, công chức thiếu lửa trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là những cán bộ để xảy ra tai tiếng.
Trong sáu tháng đầu năm chúng ta đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, đầy đủ nhưng việc triển khai còn thiếu lửa, không quyết liệt. Còn một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện còn cầm chừng, không tâm huyết, kém hiệu quả. Một bộ phận cán bộ trong các cấp chính quyền còn để tai tiếng do tham nhũng, lợi ích nhóm   
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Cả ngày hôm nay (3-7), Chính phủ họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành. Tham dự phiên họp có cả Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Trần Thanh Mẫn, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình…  
“Có nhiều điểm phấn khởi”
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho biết trong nửa đầu năm 2017, công tác chỉ đạo điều hành đã có nhiều đổi mới, quyết liệt, đã phát huy kết quả bước đầu. Tập thể Chính phủ, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề bức xúc.
Thủ tướng nói: “6 tháng đầu năm nay có thể nói là 6 tháng có thiên thời, địa lợi, nhân hòa của đất nước. Người dân phấn khởi làm ăn, kinh doanh, khởi nghiệp, xu hướng kinh doanh tốt hơn. Như một con người đi khám sức khỏe, các chỉ số cơ bản như huyết áp, mỡ máu, men gan… đều tốt”.
Ông nhắc đến khoảng thời gian Chính phủ nhiệm kỳ mới đã đi qua một năm rưỡi, thì sáu tháng đầu năm nay có nhiều điểm phấn khởi hơn cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái xảy ra nhiều sự cố nặng nề).
Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng phục hồi mạnh (nếu quý I tăng trưởng đạt 5,15% thì quý II tăng 6,17%). Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng, đặc biệt trong tháng 5, 6, giúp tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,73%.
Các ngành nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh. VN là một trong 12 nước dẫn đầu tăng trưởng du lịch. Vốn FDI tăng mạnh. Sáu tháng đầu năm có hơn 61.000 DN đăng ký mới, với tổng số vốn hơn 600.000 tỉ đồng…   
Không chỉ kinh tế, chúng ta còn đạt kết quả khả quan trên một số mặt văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo bền vững…
“Cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa”
“Tại hội nghị này chúng ta cũng thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, khó khăn, thách thức” - người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Ông đề cập trước hết là tình trạng tiêu thụ nông sản, gia súc, gia cầm còn khó khăn, giá giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm sâu, riêng dầu khí giảm hơn 11% (chúng ta chưa có biện pháp để tăng sản lượng dầu khí).
Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng vẫn còn khó khăn, số DN rời thị trường nhiều, DN có nguy cơ thua lỗ, phá sản vẫn nhiều… Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, đến nửa năm mới bằng 30% kế hoạch Thủ tướng giao. Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn rất chậm, đến nay mới thoái vốn được 11.000 tỉ đồng so với kế hoạch 60.000 tỉ đồng…
Còn rất nhiều vấn đề xã hội bức xúc như mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc tập thể, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em…
Ô nhiễm môi trường nhiều nơi còn diễn ra. Nạn chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép. Sạt lở bờ sông, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất đáng lo ngại. Trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.
“Từ những bất cập như vậy, chúng ta thấy nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Tôi nói riêng về tăng trưởng, muốn tăng trưởng được 6,7% cả năm thì 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 7,42%, đây là con số không phải dễ dàng, bởi chúng ta chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ” - Thủ tướng nêu vấn đề.
Đồng thời cho rằng đây là mục tiêu cao nhưng chúng ta có căn cứ, cơ sở để đạt được. Các ngành, các lĩnh vực chủ yếu đều đang phục hồi mạnh, quan hệ quốc tế có nhiều thuận lợi. Chỉ số đổi mới sáng tạo được công bố trong tháng 6 VN tăng 12 bậc.
“Chúng ta phải quyết tâm hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, các địa phương mà đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, các TP lớn” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương phát biểu ý kiến, đề cập đến những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tăng trưởng vừa ổn định vĩ mô, tạo nền tảng phát triển bền vững.
Tập trung các giải pháp đẩy mạnh dải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
“Nhất là phải cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính. Người dân và DN vẫn còn kêu vấn đề này rất nhiều đến Chính phủ, các cấp, các ngành và lãnh đạo các địa phương”, Thủ tướng nói.
LÊ KIÊN

'Sự cố ở Formosa đáng tiếc nhưng không nguy hiểm'

31/05/2017 16:11 GMT+7

TTO - Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá như vậy khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 31-5.
'Sự cố ở Formosa đáng tiếc nhưng không nguy hiểm'
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà - Ảnh: Viễn Sự
Ông Trần Hồng Hà nói: "Tối 30-5, khi xảy ra sự việc tại Formosa thì lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo Tổng cục môi trường và một số cơ quan của Bộ Tài nguyên môi trường đã có mặt ngay ở Formosa".
"Lý do chúng tôi có mặt được sớm là do đã đến Hà Tĩnh từ nhiều ngày trước để chứng kiến, kiểm tra, giám sát việc Formosa vận hành thử".
* Ngay thời điểm xảy ra sự cố ở Formosa, Bộ trưởng đã chỉ đạo gì?
- Tôi đã có chỉ đạo từ trước khi tổ chức vận hành thử chứ không phải đến khi có sự cố mới chỉ đạo.
Đầu tiên là phải bảo đảm an toàn từ môi trường cho đến an toàn cháy nổ và tất cả các biện pháp đều phải đảm bảo an toàn.
Riêng sự việc xảy ra đối với túi lọc bụi lò vôi ở Formosa tối qua, đây chỉ là một công trình phụ trợ quá trình luyện thép lò cao. Do vôi thì Formosa cũng đã trữ sẵn, nên khi xảy ra sự cố vận hành này thì đúng là đáng tiếc nhưng không nguy hiểm.
* Ông đánh giá thế nào về cách mà Formosa đã xử lý khi sự cố xảy ra?
- Quá trình vận hành thử do áp suất về hơi nước, rồi bụi nên có vấn đề, dẫn tới hệ thống này không chịu được và bục túi lọc bụi của lò vôi.
Vôi thì chúng ta biết rồi, khi có sự cố xảy ra ảnh hưởng đến môi trường là không lớn. Tất nhiên đây vẫn là điều đáng tiếc. Nhưng khi có sự cố thì Formosa đã dừng ngay lập tức. Nói chung là Formosa đã có các biện pháp để ứng phó và cách thức xử lý rất là bài bản.
Cho Formosa 15 ngày để khắc phục sự cố nổ lò vôi
UBND Hà Tĩnh cũng vừa phát ra một thông cáo báo chí về sự cố trục trặc kỹ thuật thiết bị lọc bụi túi vải tại lò vôi số 1 của Công ty THHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Về nguyên nhân ban đầu, UBND Hà Tĩnh nhận định: Bụi phát sinh từ quá trình nhập nguyên liệu (đá vôi) vào lò kết hợp với hơi nước bay lên từ quá trình sấy, đốt lò, nung vôi đã bám dính vào thành, vách của thiết bị lọc bụi túi vải làm gây tắc nghẽn quá trình lưu thông khí, bụi; gây chênh lệch áp suất và dẫn đến làm bục thiết bị lọc bụi túi vải tại Lò vôi số 1. 
Về các tác động của sự việc, UBND Hà Tĩnh cho rằng sự việc không gây thiệt hại về người, có thiệt hại về vật chất nhưng không đáng kể và không có tác động, ảnh hưởng đến môi trường; các số liệu quan trắc tự động nước thải, khí thải và môi trường xung quanh tại thời điểm xảy ra vụ việc đều đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Sự việc này cũng không làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành thử nghiệm lò cao số 1 (từ ngày 29-5-2017) và xưởng luyện thép (dự kiến bắt đầu từ ngày 1-6-2017) của Formosa.
Về các biện pháp khắc phục, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trong thời hạn 7 ngày phải khẩn trương đánh giá, xác định được nguyên nhân sự việc một cách khách quan, chính xác để thông tin cho các cơ quan chức năng và dư luận được biết.
Yêu cầu Formosa trong thời hạn 15 ngày phải khắc phục hoàn toàn các trục trặc kỹ thuật của lò vôi số 1; rà soát toàn bộ các hạng mục công trình, thay thế thiết bị lọc bụi túi vải với chất lượng tốt nhất, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về kiểm soát bụi, khí thải trong điều kiện hoạt động tại nhiệt độ cao.
VIỄN SỰ ghi

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: Dự án “chết lâm sàng” – Sếp xây “lâu đài khủng?

Ngay sau khi nhận được thông tin bạn đọc cung cấp qua đường dây nóng phản ảnh có dấu hiệu bất thường của một “Lâu đài khủng” ở Thái Nguyên, nhóm PV Báo NB&CL đã có mặt tại Khu gang thép (phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên). Từ khoảng cách xa tới hàng cây số chúng tôi đã rất dễ dàng nhìn thấy “toà lâu đài” này dáng hiên ngang, sừng sững, nổi bật giữa một thành phố núi.

“Lâu đài – biệt thự” của lãnh đạo Cty CP Gang thép Thái Nguyên
Lâu đài khủng” của ai?

Càng tới gần người ta mới càng thấy vẻ hoành tráng của nó. Lâu đài – Biệt thự đó nằm trọn trên một quả đồi rộng tới gần 1.000m2, đối diện sân vận động khu Gang thép. Phần mặt tiền của ngôi nhà, có thể nhận rõ đã lấn ra cả lộ giới quy hoạch, đã được chủ nhân “bày biện” tiểu cảnh bằng góc cây xanh với những hàng cau vua và cây cảnh được trang trí cầu kỳ. Bao bọc xung quanh “toà lâu đài” là hệ thống tường rào cao tầm 3m, được trang trí bằng những hoạ tiết, hoa văn khá cầu kì. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc phương Tây hiện đại nhưng mang dáng dấp của lâu đài cổ. Người dân địa phương cho biết, giá trị xây dựng, trang trí cho ngôi biệt thự – lâu đài này ước tính cỡ vài chục tỷ.

Trong khuôn viên Lâu đài – Biệt thự có khu vực đỗ xe ô tô rộng hàng trăm mét vuông. Theo quan sát của PV, ngôi nhà vẫn đang được trang trí, sửa chữa và hoàn tất thêm. Người dân địa phương gọi “lâu đài khủng” này là “Lâu đài ông Khâm”. Ông Khâm là ai? Không khó để tìm ra câu trả lời chính xác, chủ nhân của “lâu đài” đó là ông Trần Văn Khâm- Tổng giám đốc Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO)- người vừa bị miễn nhiệm hồi tháng 3 năm ngoái. Nhưng vừa qua, ông lại “mã hồi” về ngồi vào chức vụ như cũ!

Dự án chết “lâm sàng”!

Trong khi “Lâu đài – biệt thự” của lãnh đạo Cty CP Gang thép Thái Nguyên rất hoành tráng thì số phận Dự án Xây dựng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, dù đã “đốt” của Nhà nước hơn 4.500 tỷ đồng, nhưng cho đến nay vẫn chỉ là một đống sắt gỉ, đang nằm đắp chiếu bất chấp nắng mưa. Có mặt tại tổ hợp gang thép Thái Nguyên của TISCO, không khỏi xót xa khi hơn 4.500 tỷ đồng đã được đổ vào đây nhưng đổi lại là một nhà máy hoang tàn, cỏ dại mọc xung quanh. Khắp nơi là ống thép, khung nhà, thiết bị… làm dở dang trơ gan cùng mưa nắng.

Thời điểm này, các thiết bị đắt tiền bằng thép như lò cao luyện gang nay đã bắt đầu gỉ sét… Trước đó, vào tháng 7/2007, TISCO đã ký hợp đồng tổng thầu EPC (thiết kế – cung cấp thiết bị – xây dựng công trình) với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) xây dựng mở rộng giai đoạn hai Nhà máy Gang thép Thái Nguyên với công suất 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn 3.843 tỷ đồng (tương đương 160,8 triệu USD).

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, tháng 8/2008, MCC đã yêu cầu tăng giá hợp đồng thêm hơn 298 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng, tỉ giá thời điểm đó). Chủ đầu tư sau đó báo cáo lên cấp trên và được đồng ý điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng, tức hơn gấp đôi so với tính toán ban đầu. Mặc dù đã được ưu đãi và tạo điều kiện đến như vậy, nhưng nhà thầu Trung Quốc sau khi nhận được hơn 90% tiền chủ đầu tư “tích cực” thanh toán phần thiết bị dự án… đã “nhanh chân” rút về nước, bỏ mặc Dự án chỏng trơ “đắp chiếu” hơn 4 năm nay. Để tái khởi động lại Dự án này, đầu tháng 3, Bộ Công Thương đã gửi văn bản lên Thủ tướng về các kiến nghị của chủ đầu tư. Theo đó TISCO đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư thiết bị, thuế nhà thầu… cho tổng thầu Trung Quốc với giá trị 530 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong muốn Ngân hàng VDB khoanh nợ gốc, miễn phần lãi vay trong giai đoạn dự án ngừng hoạt động là 386 tỷ đồng. Với các khoản vay của Vietinbank, TISCO đề nghị được miễn 50% lãi vay.

Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Công Thương gửi kiến nghị của TISCO lên Thủ tướng, Bộ Tài chính đã phản đối nhằm đảm bảo an toàn nợ công. Và ngày 15/5, tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá và kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả.
Báo NB&CL sẽ tiếp tục điều tra và thông tin tới bạn đọc về những khuất tất xung quanh câu chuyện này.

THÀNH VĨNH – HỒNG QUANG

(Nhà báo và Công luận)

TT Trump mới gởi đến quần đảo Hoàng Sa chiến hạm USS Stethem, chiến hạm hạng nặng có lắp đầu đạn chống hoả tiển.; Chiến đấu cơ Trung Quốc xua tàu Mỹ áp sát đảo ở Hoàng Sa

Lê Bích Trâm đã thêm 2 ảnh mới.
37 phút
Tin mới nhất hôm nay, cách đây 1 giờ đồng hồ (02/07/2017)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi hành động nầy là xâm phạm và nói Bắc Kinh đang phái các chiến hạm và chiến đấu cơ để đáp trả. Trung Quốc không hài lòng và phản đối hành vi của Hoa Kỳ. " Lu Kang, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, nói trong một tuyên bố trên trang web của chính phủ.

ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận


(Quốc tế) - Trung Quốc triển khai tàu quân sự và chiến đấu cơ để phản ứng trước tàu Mỹ USS Stethem tại Biển Đông.

trung-quoc-dieu-chien-dau-co-xua-tau-my-ap-sat-dao-o-hoang-sa
Tàu khu trục USS Stethem. Ảnh minh họa: Wiki
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 2/7 tuyên bố “Trung Quốc đã điều các tàu quân sự và chiến đấu cơ để xua tàu Mỹ”. Ông Lục nói về USS Stethem, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ đã áp sát đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, theo Reuters.
“Phía Trung Quốc không hài lòng và phản đối hành vi của phía Mỹ”, ông Lục nói và cho rằng Mỹ đang “cố ý khuấy động” những rắc rối ở Biển Đông, “chạy theo hướng ngược lại với các quốc gia trong khu vực mong muốn sự ổn định, hợp tác và phát triển”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chiến dịch của Mỹ là hành động “khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng”.
Hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục Stethem ngày 2/7 đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn. Nó bị một tàu chiến Trung Quốc theo đuôi.
Lần gần nhất Mỹ đưa tàu chiến áp sát đảo Tri Tôn là tháng 10 năm ngoái. Tri Tôn là một cồn cát ở quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Trong vài năm qua, đảo bị Trung Quốc xây dựng trái phép.
Động thái của Mỹ diễn ra khi chính quyền Tổng thống Trump dường như mất kiên nhẫn với Bắc Kinh, khi Trung Quốc tiếp tục quân sự hoá tại Biển Đông. Mỹ thất vọng khi Bắc Kinh không kiềm chế được chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
(Theo VnExpress)