Ngay sau khi nhận được thông tin bạn đọc cung cấp qua đường dây nóng phản ảnh có dấu hiệu bất thường của một “Lâu đài khủng” ở Thái Nguyên, nhóm PV Báo NB&CL đã có mặt tại Khu gang thép (phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên). Từ khoảng cách xa tới hàng cây số chúng tôi đã rất dễ dàng nhìn thấy “toà lâu đài” này dáng hiên ngang, sừng sững, nổi bật giữa một thành phố núi.
Càng tới gần người ta mới càng thấy vẻ hoành tráng của nó. Lâu đài – Biệt thự đó nằm trọn trên một quả đồi rộng tới gần 1.000m2, đối diện sân vận động khu Gang thép. Phần mặt tiền của ngôi nhà, có thể nhận rõ đã lấn ra cả lộ giới quy hoạch, đã được chủ nhân “bày biện” tiểu cảnh bằng góc cây xanh với những hàng cau vua và cây cảnh được trang trí cầu kỳ. Bao bọc xung quanh “toà lâu đài” là hệ thống tường rào cao tầm 3m, được trang trí bằng những hoạ tiết, hoa văn khá cầu kì. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc phương Tây hiện đại nhưng mang dáng dấp của lâu đài cổ. Người dân địa phương cho biết, giá trị xây dựng, trang trí cho ngôi biệt thự – lâu đài này ước tính cỡ vài chục tỷ.
Trong khuôn viên Lâu đài – Biệt thự có khu vực đỗ xe ô tô rộng hàng trăm mét vuông. Theo quan sát của PV, ngôi nhà vẫn đang được trang trí, sửa chữa và hoàn tất thêm. Người dân địa phương gọi “lâu đài khủng” này là “Lâu đài ông Khâm”. Ông Khâm là ai? Không khó để tìm ra câu trả lời chính xác, chủ nhân của “lâu đài” đó là ông Trần Văn Khâm- Tổng giám đốc Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO)- người vừa bị miễn nhiệm hồi tháng 3 năm ngoái. Nhưng vừa qua, ông lại “mã hồi” về ngồi vào chức vụ như cũ!
Dự án chết “lâm sàng”!
Trong khi “Lâu đài – biệt thự” của lãnh đạo Cty CP Gang thép Thái Nguyên rất hoành tráng thì số phận Dự án Xây dựng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, dù đã “đốt” của Nhà nước hơn 4.500 tỷ đồng, nhưng cho đến nay vẫn chỉ là một đống sắt gỉ, đang nằm đắp chiếu bất chấp nắng mưa. Có mặt tại tổ hợp gang thép Thái Nguyên của TISCO, không khỏi xót xa khi hơn 4.500 tỷ đồng đã được đổ vào đây nhưng đổi lại là một nhà máy hoang tàn, cỏ dại mọc xung quanh. Khắp nơi là ống thép, khung nhà, thiết bị… làm dở dang trơ gan cùng mưa nắng.
Thời điểm này, các thiết bị đắt tiền bằng thép như lò cao luyện gang nay đã bắt đầu gỉ sét… Trước đó, vào tháng 7/2007, TISCO đã ký hợp đồng tổng thầu EPC (thiết kế – cung cấp thiết bị – xây dựng công trình) với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) xây dựng mở rộng giai đoạn hai Nhà máy Gang thép Thái Nguyên với công suất 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn 3.843 tỷ đồng (tương đương 160,8 triệu USD).
Tuy nhiên, chỉ một năm sau, tháng 8/2008, MCC đã yêu cầu tăng giá hợp đồng thêm hơn 298 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng, tỉ giá thời điểm đó). Chủ đầu tư sau đó báo cáo lên cấp trên và được đồng ý điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng, tức hơn gấp đôi so với tính toán ban đầu. Mặc dù đã được ưu đãi và tạo điều kiện đến như vậy, nhưng nhà thầu Trung Quốc sau khi nhận được hơn 90% tiền chủ đầu tư “tích cực” thanh toán phần thiết bị dự án… đã “nhanh chân” rút về nước, bỏ mặc Dự án chỏng trơ “đắp chiếu” hơn 4 năm nay. Để tái khởi động lại Dự án này, đầu tháng 3, Bộ Công Thương đã gửi văn bản lên Thủ tướng về các kiến nghị của chủ đầu tư. Theo đó TISCO đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư thiết bị, thuế nhà thầu… cho tổng thầu Trung Quốc với giá trị 530 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong muốn Ngân hàng VDB khoanh nợ gốc, miễn phần lãi vay trong giai đoạn dự án ngừng hoạt động là 386 tỷ đồng. Với các khoản vay của Vietinbank, TISCO đề nghị được miễn 50% lãi vay.
Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Công Thương gửi kiến nghị của TISCO lên Thủ tướng, Bộ Tài chính đã phản đối nhằm đảm bảo an toàn nợ công. Và ngày 15/5, tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá và kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả.
Báo NB&CL sẽ tiếp tục điều tra và thông tin tới bạn đọc về những khuất tất xung quanh câu chuyện này.
THÀNH VĨNH – HỒNG QUANG
(Nhà báo và Công luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét