VOV.VN - Thủ tướng đề nghị cần chọn lọc để giảm số lượng quy hoạch hiện nay, không để 20.000 quy hoạch thì tốn kém, hiệu quả thấp.
Sáng 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật.
Chính phủ đã nghe báo cáo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, quy hoạch.
Thủ tướng chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 (Ảnh: chinhphu.vn)
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng nhà nước pháp quyền không chỉ là ban hành bao nhiêu luật mà là chất lượng luật đó như thế nào và tinh thần đổi mới ra sao.
Về các quy định trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh “tạo ra sự thông thoáng trong thương mại” là yêu cầu rất lớn hiện nay. Do đó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, bộ ngành không được đặt ra những điều kiện kinh doanh để ràng buộc sự phát triển của thương mại và đầu tư. Các cơ quan chức năng phải bám vào Nghị quyết 19 và 200 loại công việc để nâng môi trường kinh doanh Việt Nam.
Về dự thảo Luật Quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, duy ý chí, không thể để tình trạng đất nước có tới 20.000 quy hoạch. Không thể bỏ việc quy hoạch như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch hạ tầng cứng như điện, giao thông…, nhưng cần chọn lọc để giảm số lượng quy hoạch hiện nay, chứ để 20.000 quy hoạch thì tốn kém, hiệu quả thấp.
Về Luật Đầu tư công, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ liên quan rà lại một số nội dung, báo cáo Chính phủ trước 30/7 về những vướng mắc để trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét chỉnh sửa.
Những vướng mắc gây chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua cần chỉnh sửa tạo điều kiện phân cấp, quản lý, giao quyền và trách nhiệm rõ hơn cho bộ, ngành, địa phương. Mặt khác, công tác lập kế hoạch phải chi tiết, cụ thể hơn, chủ động hơn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải công bố suất đầu tư làm 1km đường hết bao nhiêu tiền để xem làm đường ở Việt Nam đắt hay rẻ.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về dự thảo Luật Bí mật nhà nước, dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Lý lịch tư pháp, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá…/.
Dân trí "Sinh đẻ là vì mình, vì đất nước, vì thành phố chứ không là chuyện riêng. Rất nhiều nước coi việc sinh đẻ là tự do của cá nhân nhưng tự do mà sinh ít quá thì đất nước bị thiệt hại", ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, chia sẻ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, HĐND TPHCM khóa IX, diễn ra sáng 4/7.
Sinh đẻ vì đất nước, vì thành phố!
Cuối buổi làm việc của phiên khai mạc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM đã mời ông Nguyễn Thiện Nhân lên phát biểu.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành uỷ, ông đồng tình với các báo cáo, tờ trình mà UBND, HĐND TPHCM đưa ra tại kỳ họp.
Riêng chuyên đề xung quanh chính sách dân số, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần chia sẻ thêm để thấy thành tựu và hạn chế để từ đó định hướng thực hiện trong 5-10 năm tới.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TPHCM làm tốt chính sách cân bằng giới tính dân số nhưng cần nâng tỷ suất sinh ở phụ nữ gần 2 con/phụ nữ
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn ra hàng loạt con số cho thấy có sự thay đổi về tỷ lệ sinh sản ở phụ nữ nước ta từ những năm 1960 đến nay.
Theo đó, năm 1960, ở miền Bắc, bình quân một phụ nữ có 6 con. Sau năm 1975 đến 1980, giảm dần từ 6 xuống còn 3 con/phụ nữ. Từ năm 2005 đến nay, cả nước bình quân mỗi phụ nữ có 2 con.
"Trong 10 năm liền Việt Nam duy trì được bình quân mỗi phụ nữ 2 con. Điều này có nghĩa khi cha mẹ mất đi sẽ có 2 người thay thế. Tức khi cha mẹ đangg ở tuổi làm việc thì 2 con còn nhỏ. Khi cha mẹ về hưu thì 2 con thành 2 người lớn. Như vậy, gia đình ổn định, bền vững, góp phần cho đất nước đủ lao động", ông Nhân nói.
Với tỷ lệ như trên, ông Nhân khẳng định đó là "cơ cấu dân số vàng". Khi 2 người về hưu thì có 2 người đóng tiền thuế hỗ trợ cho 2 người về hưu đó. Đấy là may mắn cho đất nước.
Bí thư TPHCM cũng cho rằng, có giai đoạn nước ta kêu gọi mỗi phụ nữ có 1,8 trẻ. Trong khi, nếu một phụ nữ trung bình sinh dưới 2 con cho một quốc gia khoảng 30 năm thì quốc gia đó thiếu lao động trầm trọng.
Chẳng hạn, Hàn Quốc giảm tỷ lệ sinh xuống còn 1,7 - 1,5 và nay là 1,3 con/phụ nữ. Singapore, từ những năm 1970 có tỉ lệ bình quân là 2 và hiện nay cũng chỉ còn 1,3. Tương tự, Nhật Bản hiện nay 1 phụ nữ bình quân chỉ sinh 1,3 con, thậm chí 1,26 con. Do đó, các quốc gia này đang khủng hoảng lao động rất rộng.
Ở Nhật Bản, dự báo trong khoảng 50 năm tính từ năm 2000 dân số sẽ giảm 40 triệu người từ 120 xuống 80 triệu, nên lực lượng lao động càng khan hiếm. Hàn Quốc thiếu lao động trầm trọng nên gần 10 năm qua sang Việt Nam đầu tư và sử dụng 130 ngàn lao động Việt Nam.
"Sinh nhiều thì khổ, sinh ít cũng hại. Hại cho đất nước không đủ lao động nên ở thế giới coi việc duy trì tỷ suất sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ sinh 2 cháu trong đời người là điều vô cùng cần thiết cho đất nước phát triển bền vững về nhân lực và lao động", Bí thư Nhân nói.
Một vấn đề khác được ông Nguyễn Thiện Nhân đề cập là tình trạng mất cân bằng giới tính. Cả nước trong năm vừa qua bình quân có tỷ lệ giới tính là 100 cháu gái/112 cháu trai. Trong khi quy luật tự nhiên, tỷ lệ này là 105/106.
“Chính vì vậy mà Quốc hội khóa này, trong Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 về chính sách dân số đã đặt ra 2 mục tiêu. Thứ nhất là duy trì tỷ suất sinh thay thế, thứ hai là giảm mất cân bằng giới tính", ông Nhân nói.
TPHCM có hiện trạng sinh con như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.
"Chúng ta là thành phố đẻ ít nhất cả nước"
Liên hệ với thực tế tình hình dân số TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TPHCM giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính rất tốt, dẫn đầu cả nước khi 100 cháu gái thì có 106 cháu trai, trong khi cả nước thì tỷ lệ 100/112.
Tuy nhiên, ông Nhân cũng bày tỏ lo ngại khi tỷ suất sinh thay thế của mỗi phụ nữ TPHCM hiện nay chỉ có 1,46 con trong khi mục tiêu cả nước là đảm bảo mỗi phụ nữ có 2 con.
"Chúng ta là thành phố đẻ ít nhất cả nước. Bình quân phụ nữ chỉ có 1,46 con. Tức chúng ta có hiện trạng sinh con như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. Tỷ suất này mà kéo dài thì chúng ta góp phần thiếu lao động cho cả nước", ông Nhân nói.
"Chúng tôi thiết tha mong HĐND quan tâm lưu ý mục tiêu của Quốc hội về chính sách dân số đó là duy trì tỷ lệ sinh của phụ nữ. Mục tiêu của chúng ta là phải kéo tỷ suất từ 1,46 của 9 năm qua lên gần 2 cháu/phụ nữ chứ nếu để tỷ suất 1,64 lâu dài thì có hại cho đất nước", Bí thư Nhân nói thêm.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho biết, TPHCM vẫn cần áp dụng các biện pháp hạn chế gia tăng dân số như triệt sản, nhưng: “Nếu 1 con thì chưa nên triệt sản ngay mà nên chờ đến khi có 2 con, vì nếu một con mà triệt sản thì đến khi muốn sinh cũng không sinh được nữa. Sinh đẻ là vì mình, vì đất nước, vì thành phố chứ không là chuyện riêng. Rất nhiều nước coi việc sinh đẻ là tự do của cá nhân nhưng tự do mà sinh ít quá thì đất nước bị thiệt hại".
Theo ông Nhân, để đạt được mục tiêu tỷ suất sinh con trở lại bình thường như chỉ tiêu của Quốc hội thì HĐND TPHCM cần xác định lại mục tiêu, không phải là tỷ suất sinh hợp lý chung chung mà phải là tỷ suất sinh thay thế.
Công Quan
Thủ tướng: Đất nước 90 triệu dân mà trả lương cho 11 triệu người, cần tinh giản biên chế
Khẳng định trước mắt sẽ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế để giảm chi ngân sách.
Đó là kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Họp giao ban trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương vừa diễn ra.
Nghiêm khắc nhìn nhận nguyên nhân chủ quan
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng cho rằng sự sụt giảm tăng trưởng có yếu tố khách quan nhưng cũng có yếu tố chủ quan. Một phần là do bộ máy mới đi vào điều hành, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm.
"Nghiêm túc rút kinh nghiệm để tìm ra giải pháp. Vì vậy quyết tâm Thủ tướng và Chính phủ là hành động quyết liệt, ưu tiên giải quyết điểm nghẽn, tái cơ cấu nền kinh tế thực chất, tạo cơ sở tăng trưởng bền vững. Trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu Quốc hội đã giao cho Chính phủ" - Thủ tướng khẳng định.
Do đó, việc phấn đấu đạt mục tiêu GDP tăng 6,7%, cần phải có giải pháp đồng bộ, quyết tâm chính trị cao của các bộ ngành, chính phủ và 63 địa phương, trong đó có 13 địa phương trọng điểm kinh tế, thì mới vượt qua khó khăn này.
Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Mục tiêu thống nhất là phải ổn định vĩ mô, đặc biệt cảnh giác cao với lạm phát, nhất là chính sách giá dịch vụ, y tế giáo dục sắp được ban hành.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, các bộ ngành địa phương cần xem việc lập lại trật tự kỷ cương như nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng nhấn mạnh các vấn đề sử dụng tài sản công, những kỷ cương hành chính còn lỏng lẻo, xác định trách nhiệm người đứng đầu. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ có dự thảo về kỷ cương hành chính, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2016.
Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, khai thác tiềm năng tăng trưởng: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh và giải ngân vốn đầu tư; tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất; mở rộng tận dụng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, xúc tiến thương mại.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo điều hành chủ động linh hoạt công cụ tài khóa, chính sách tiền tệ để giữ ổn định vĩ mô, giải ngân cho sản xuất kinh doanh. Thủ tướng lưu ý, vấn đề bất cập trong đầu tư công giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xử lý, giải quyết.
Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy khởi nghiệp
Thứ ba, giải quyết bài toán nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh gắn với tái cơ cấu, Thủ tướng yêu cầu từng ngành và địa phương đặt ra hành động cụ thể, tái cơ cấu với gắn định tính, định lượng, chỉ tiêu cụ thể.
Thứ tư, tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, trong đó tập trung hai trung tâm TPHCM và HN. Thủ tướng cho biết, mục tiêu năm 2020 là có hơn 1 triệu DN, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp tập trung tháo gỡ các nghị định mới, tiếp tục nhiệm vụ thể chế để thực hiện tốt hơn.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi cơ chế chính sách về khởi nghiệp, hàng tháng Bộ trưởng kịp thời báo cáo khó khăn với Chính phủ trong việc thúc đẩy DN khởi nghiệp" - Thủ tướng yêu cầu.
Thúc đẩy xã hội hóa, tự chủ sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế
Thứ năm, đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN và xã hội hóa, tự chủ sự nghiệp công lập. Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, để góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả năng lực cạnh tranh, sản phẩm hàng hóa dịch vụ, chống tham nhũng.
Theo đó, cần có lộ trình cụ thể thoái vốn ngoài ngành, thực tế hiện nay nhiều bộ ngành và địa phương rất chậm cổ phần hóa. Việc sử dụng số tiền cổ phần hóa như thế nào cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng cũng cho phép lấy tiền cổ phần hóa để đầu tư phát triển.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh các Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty phảichịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng về tiến độ cổ phần hóa, đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, các bộ ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, để từ đó giảm chi ngân sách. Theo đó, có chế tài cụ thể với người đứng đầu trong việc tinh giản biên chế.
Thủ tướng chỉ rõ gánh nặng đội ngũ công chức đang hưởng lương nhà nước: "Chúng ta đất nước 90 triệu dân mà trả lương 11 triệu người, trong khi công chức hành chính trên 2,5 triệu người".
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu phải tích cực chống tham nhũng, tiêu cực ở mọi cấp ngành, liên quan đến tài sản, đất đai. Giải quyết khiếu nại đông người ở địa phương...
TTO - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tổ trưởng tổ công tác Chính phủ yêu cầu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể, báo cáo Thủ tướng trước 30-7.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư họp kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức làm chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: T.C.
Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp chiều 4-7 do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tổ trưởng tổ công tác của Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chủ trì.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017 (không bao gồm trái phiếu Chính phủ) là 307.150 tỉ đồng.
Đến hết tháng 6-2017, vốn đã giao kế hoạch là 303.075,66 tỉ đồng, bằng 98,7% kế hoạch.
Giao vốn thấp, giải ngân chậm
Số vốn còn lại Bộ Kế hoạch và đầu tư chưa giao là 4.074,34 tỉ đồng, bằng 1,3% kế hoạch, trong đó chủ yếu bao gồm 3.000 tỉ đồng cho chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (hiện Bộ Kế hoạch và đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan)…
Tuy nhiên, việc giao vốn trái phiếu Chính phủ khó khăn hơn. Tổng vốn đầu tư năm 2017 là 66.485 tỉ đồng, nhưng qua 6 tháng Bộ Kế hoạch và đầu tư mới giao được 5.197,3 tỉ đồng, chiếm 10,4%. Còn vốn trái phiếu Chính phủ chuyển nguồn mới giao được hơn 6.200 tỉ đồng (38,2%).
Như vậy vốn trái phiếu Chính phủ chưa giao vẫn còn gần 55.000 tỉ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nguyên nhân giao chậm trễ vốn trái phiếu Chính phủ là do chế độ quy định điều kiện để bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm cho dự án khởi công mới phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 30-10 của năm trước năm kế hoạch.
Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỉ đồng, bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định (trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 26,8%).
Ngoài ra, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, sau nửa năm đã phát hành được 3/4 số lượng trái phiếu Chính phủ để huy động vốn thực hiện các công trình, dự án, nhưng việc giải ngân đang chậm trễ.
Trước thực trạng trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ không đồng tình với tiến độ giao và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2017 khi cho rằng: “Đã làm ảnh hưởng rất tiêu cực tới việc làm, thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn”.
Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể
Phó thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7-2017.
“Cần thiết sẽ yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra để làm rõ trách nhiệm của ai giao vốn chậm” - phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó thủ tướng yêu cầu trước ngày 30-7, Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp 4.074 tỉ đồng còn lại của vốn ngân sách nhà nước và 55.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ chưa được giao.
Đồng thời nhấn mạnh Chính phủ không chấp nhận giảm vốn trái phiếu Chính phủ để tăng vốn ODA hay vốn khác trong năm 2017, yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư hoàn tất các thủ tục trước ngày 15-7 để giao vốn đợt 2 cho các công trình, dự án.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ soạn thảo công văn truyền đạt tới tất cả các bộ, ngành, địa phương độc lập đánh giá việc thực hiện và đề xuất sửa đổi các pháp luật liên quan tới đầu tư công như Luật đầu tư công, Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật bảo vệ môi trường… để xác định rõ các bất cập, nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan.
Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định 136, nghị định 77, nghị định 15 theo hình thức rút gọn; thực hiện công bố công khai các bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân trong việc thiếu trách nhiệm, trì trệ, gây cản trở đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành cũng thảo luận, xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng họ đã chán ngán với việc Lục Tiểu Linh Đồng lạm dụng thái quá hình ảnh Tôn Ngộ Không.
Tôn Ngộ Không kinh điển nhất Trung Hoa
Lục Tiểu Linh Đồng sinh năm 1959 tại Thượng Hải, trong một gia đình đã có tới 4 đời cha truyền con nối đóng thành công vai Tôn Ngộ Không.
Tây Du Ký bản phim năm 1986 do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Cục Đường sắt Trung Quốc phối hợp sản xuất, khởi quay từ năm 1982 và phát sóng vào năm 1986.
Khi vừa công chiếu, bộ phim đã trở thành hiện tượng trong ngành truyền hình Trung Quốc. Bộ phim đã gắn liền với tên tuổi nhiều nghệ sĩ nhất là Lục Tiểu Linh Đồng khi đạt kỳ tích hơn 3.000 lần phát lại trên truyền hình.
Nhờ vai Tôn Ngộ Không, Lục Tiểu Linh Đồng đã chinh phục khán giả và ban giám khảo các cuộc liên hoan phim truyền hình, đoạt Giải đặc biệt - Liên hoan phim Phi Ưng; Nam diễn viên xuất sắc - LHP Kim Ưng lần thứ 6; Giải nhất 10 ngôi sao điện ảnh, truyền hình Trung Quốc lần thứ 1.
Ông cũng trở thành tượng đài cho hình ảnh nhân vật Tôn Ngộ Không trên màn ảnh Trung Quốc. Sau Lục Tiểu Linh Đồng, có rất nhiều diễn viên khác cũng thử thách với vai Tôn Ngộ Không.
Mặc dù mỗi người mang một nét riêng khác biết nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng hình ảnh Tôn Ngộ Không do Lục Tiểu Linh Đồng thủ vai là không ai có thể vượt qua.
Mọi người đều cho rằng Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng là "bản xịn" bước ra từ tiểu thuyết một cách hoàn hảo nhất.
Nhiều năm qua đi, Lục Tiểu Linh Đồng trở thành niềm tự hào của người dân Trung Hoa, là thần tượng của hàng nghìn khán giả. Tầm ảnh hưởng của ông không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở trên thế giới.
"Nói nhiều, làm ít"
Thời gian qua đi, mặc dù vai diễn Tôn Ngộ Không vẫn mãi tượng đài trong lòng người hâm mộ nhưng hình ảnh Lục Tiểu Linh Đồng ít nhiều bị sa sút. Theo khán giả, nam diễn viên đang cố bấu víu vào ánh hào quang của "Tôn Ngộ Không" để kiếm tiền.
Đầu tháng 3/2017, Lục Tiểu Linh Đồng đã cho ra mắt một cuốn tự truyện mang tên Hành giả. Không chỉ ký tặng sách và giao lưu cùng khán giả, Lục Tiểu Linh Đồng còn biểu diễn những bài võ đặc trưng của nhân vật Tôn Ngộ Không trong sự kiện.
Đã gần 60 tuổi nhưng Lục Tiểu Linh Đồng vẫn chưa nghỉ ngơi. Ông liên tục xuất hiện trong các sự kiện, biểu diễn, ra tự truyện. Nam diễn viên còn chia sẻ về dự án điện ảnh mang tên Dám hỏi đường ở phương nào do ông đảm nhận vai nam chính kiêm cố vấn nghệ thuật. Không những thế, Lục Tiểu Linh Đồng lại tiếp tục nói về dự án Tây du ký 3D với sự hợp tác với Hollywood.
Điều quan trọng, trong các dự án phim này ông đều khẳng định mình sẽ đảm nhận vai chính. Và đây cũng không phải lần đầu tiên Lục Tiểu Linh Đồng nói về điều này.
Riêng chuyện Lục Tiểu Linh Đồng luôn khẳng định mình đóng vai chính khiến nhiều người cảm thấy chán ngán. Họ cho rằng thời của Lục Tiểu Linh Đồng đã hết, ông hãy nhường lại đất diễn cho các diễn viên khác thử sức với Tôn Ngộ Không.
Theo các độc giả Sina thì việc Lục Tiểu Linh Đồng cứ bám lấy hình ảnh Tôn Ngộ Không sẽ khiến cho các diễn viên trẻ khác bị áp lực nếu thử sức với vai Mỹ hầu vương. Họ cũng cho rằng đã đến lúc điện ảnh Trung Hoa cần một người kế nhiệm thay vai Tôn Ngộ Không.
Lục Tiểu Linh Đồng trong ngày ra mắt sách.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng chán ngán với việc Lục Tiểu Linh Đồng lạm dụng thái quá hình tượng Tôn Ngộ Không trong mọi sản phẩm nghệ thuật. Thêm vào đó, chuyện Lục Tiểu Linh Đồng thường xuyên hứa hẹn mọi thứ nhưng mãi không làm khiến nhiều người cũng cảm thấy mệt mỏi.
Cay đắng hơn, có người còn nói Lục Tiểu Linh Đồng là "kẻ nói dối quen miệng" vì thường xuyên rêu rao về các dự án này nọ sắp sửa ra mắt nhưng cũng vài năm chẳng thấy đâu.
TS Nguyễn Hữu Dũng (trái) và GS Nguyễn Gia Bình phân tích vụ việc. Ảnh: T.Hạnh
Chuyên gia BV Bạch Mai khẳng định, thế giới không dùng flo để sục rửa hệ thống RO trên máy chạy thận.
Liên quan đến vụ tai biến chạy thận tại Hoà Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong, TS Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai cho biết, để lọc rửa hệ thống màng lọc RO, hiện thế giới chỉ dùng 3 hoá chất: Formandehyt, javen và peracetic acid.
“Flo là chất cấm kỵ trong y học, trong y văn chưa bao giờ ghi dùng nước này để lọc rửa các máy chạy thận. Trước tai biến ở Hoà Bình, thế giới mới ghi nhận 2 ca ngộ độc flo trong y tế tại Mỹ”, TS Dũng thông tin.
ThS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cung cấp thêm, flo là hoá chất cực độc, dùng làm chất tẩy rửa trong công nghiệp, tuyệt đối không dùng trong y tế.
“Việc có flo xuất hiện với nồng độ cao trong mẫu nước là do được đưa vào từ quá trình xử lý nước chứ không phải tự nhiên”, BS Nguyên nói.
Trên thực tế, nồng độ flo trong nước chạy thận phải dưới 0,2mg/l. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm mẫu nước chạy thận tại Hoà Bình sau 2 tuần xảy ra sự cố vẫn ở mức trên 260mg/l.
GS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết, với ngưỡng này có thể gây tử vong tức thì, phá huỷ hồng cầu, tê liệt tế bào, thậm chí có thể gây mục xương trong thời gian ngắn.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, nhiều người đặt câu hỏi tại sao sau khi làm vệ sinh đường ống, chưa xét nghiệm lại đã cho chạy thận? Đây là 2 việc hoàn toàn độc lập.
Thông thường xét nghiệm vi sinh 1 tháng mới làm 1 lần, xét nghiệm lý hoá làm 1-2 lần/năm và xét nghiệm độc tố. Trong đó duy chỉ có xét nghiệm độc tố có kết quả ngay, xét nghiệm vi sinh cần 3-7 ngày, xét nghiệm lý hoá cần 10-14 ngày.
”Do đó giả sử hôm đó bác sĩ trực có làm xét nghiệm đi chăng nữa thì cũng phải 14 ngày sau mới có kết quả, trong khi bệnh nhân không thể ngừng chạy thận. Do đó khâu kiểm soát và nghiệm thu bảo trì cực kỳ quan trọng”, TS Dũng nói.
TS Dũng cho biết, lịch rửa màng lọc RO thông thường 2 tháng/lần, bình lọc 1 tháng/lần. Với những ngày có lịch lọc rửa, đơn vị ký với bệnh viện sẽ trực tiếp làm.
Phòng vật tư của BV có trách nhiệm giám sát toàn bộ quy trình, xác nhận kết quả xét nghiệm độc tố sau lọc rửa cho đến lúc bàn giao, ký kết.
Sau lọc rửa, trước ca chạy thận đầu tiên, nhân viên y tế trực sẽ được phân công bật máy RO, quan sát 3 thông số gồm: Lưu lượng nước, áp lực nước và TDS (tổng lượng ion trong nước).
Nếu 3 thông số đảm bảo, đèn sẽ bật màu xanh và bác sĩ sẽ thực hiện quy trình chạy thận như bình thường.
”Trong vụ việc này, rõ ràng đơn vị lọc rửa đã đưa tự ý đưa hoá chất không được phép vào sử dụng thì phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Kế đó, cán bộ phòng vật tư chưa kiểm soát kĩ đã nghiệm thu. BS Hoàng Công Lương chỉ phụ trách chuyên môn, không thể kiểm soát tất cả các thông số trong quá trình bảo trì”, TS Dũng phân tích.
Một ngày, khi Thượng Đế đang tản bộ trong khu vườn Hoàn Mỹ, Ngài bỗng thấy tất cả các loài cây đều gục đầu ủ rũ. Thượng Đế quá ngạc nhiên nên đã đến bên một cây đa cao lớn để hỏi han.
Cây đa buồn bã nói: “Vì sao con không thể ngan ngát hương thơm giống như hoa bách hợp?”.
Thượng Đế tới thăm hoa bách hợp, chợt nghe thấy cây hoa than phiền: “Vì sao con không thể kết quả giống như cây sung phía xa kia?”
Một lúc sau, Thượng Đế lại nghe cây sung rầu rĩ: “Vì sao con không được diễm lệ giống như đoá hoa hồng?”.
Thượng Đế dừng bước và nhìn quanh khu vườn Hoàn Mỹ một lượt. Cả một vườn cây xinh đẹp là thế, vậy mà đâu đâu cũng vang lên những tiếng than vãn không ngớt.
Thượng Đế vừa quay đầu rời đi, bỗng Ngài nhìn thấy ánh sáng phát ra từ một góc khuất bé nhỏ bên cạnh tảng đá. Thì ra đó là cây cỏ non tơ đang ưỡn ngực đón nắng mai và vui mừng đung đưa theo gió. Thượng Đế bèn hỏi cây cỏ rằng:“Điều gì khiến con vui mừng như vậy?”.
Cây cỏ trả lời rằng: “Bởi vì con được sinh ra để làm một cây cỏ!”
Thượng Đế lại hỏi: “Vì sao con lại thích làm cỏ?”
Cây cỏ trả lời:
“Bởi là cỏ, con có thể kết bạn với trăm ngàn loài cây khác nhau. Thế nên từ sáng sớm tinh mơ tới đêm tối mịt mùng, con không bao giờ thấy cô đơn, quanh năm suốt tháng cũng không biết thế nào là phiền não hay khổ đau…
Bởi là cỏ, con có thể yên bình mà sinh trưởng ở bất cứ nơi đâu. Dẫu là thảo nguyên bát ngát hay khe đá khiêm nhường, con đều có thể vươn mình kiêu hãnh. Và dẫu đó là nơi màu mỡ xanh tươi hay hoang mạc khô cằn, thì con vẫn có thể khoe màu xanh sức sống.
Bởi là cỏ, con chẳng cần phải so đo được-mất với bất cứ ai. Sáng ngước đầu ngắm mặt trời mọc, đêm cúi đầu nghe sương sớm thì thầm, thư thái nhìn sắc mây, nhảy múa cùng ngàn gió, vui đùa cùng tiếng chim ca, sống đời đời hạnh phúc…
Vậy nên, thưa Thượng Đế, con chỉ đang tận hưởng cuộc sống mà một cây cỏ cần có mà thôi!”
Truyện ngắn kể trên thật đáng để chúng ta suy ngẫm. Trong cuộc sống hiện đại này, dẫu chúng ta đạt được nhiều hơn nữa, sống đầy đủ hơn nữa, thì vẫn thật khó để cảm thấy hạnh phúc. Rất nhiều người phải thốt lên rằng: “Tại sao người thời nay lại có nhiều muộn phiền như vậy?”, “Tại sao tôi luôn luôn bất hạnh, tại sao tôi không thể may mắn như mọi người?”.
Trên thực tế, Thượng Đế đã hào phóng ban cho chúng ta rất nhiều phúc phận, đáp ứng rất nhiều ước nguyện của chúng ta. Nhưng vì sao con người vẫn luôn sầu khổ? Đó là bởi chúng ta đã quen dùng hạnh phúc của người khác để “trừng phạt” chính mình!
Vì sao lại gọi là “dùng hạnh phúc của người khác để trừng phạt chính mình”? Đó là khi nhìn thấy ‘phúc phận trời ban’ của một ai đó, ta lại thầm so sánh với bản thân và lại tự dằn vặt vì mình không đạt được. Cứ khăng khăng nhìn vào những thứ của người khác thay vì học cách trân quý những gì ta đang có, chúng ta đã vô tình đóng chặt cánh cửa để làm tổn thương chính mình.
Thực tế chẳng phải là như vậy hay sao? May mắn của người khác vốn dĩ là chuyện tốt, nhưng người ta lại biến nó thành công cụ để trừng phạt bản thân. Nếu ta nhìn hạnh phúc của người khác bằng tâm thái so bì, cạnh tranh, hay ganh đua không cần thiết, thì sau cùng người duy nhất bị tổn thương vẫn chỉ là chúng ta.
Mỗi người đều được Thượng Đế ban cho rất nhiều phúc khí khác nhau. Có người thì sự nghiệp thăng tiến nhưng cơ thể lại không khỏe mạnh; có người thì học vấn uyên thâm nhưng cuộc sống hôn nhân lại trắc trở, gập ghềnh; cũng có người thì hiểu biết sâu rộng nhưng lại thường trằn trọc mất ngủ vào mỗi đêm; lại có người giàu sang phú quý nhưng không thể sống tự do thoải mái.
Bởi mỗi cá nhân khác nhau có phúc phận khác nhau, thì sao ta không thể dùng con tim quảng đại mà đối đãi với chính mình? Nếu có thể trân quý những gì ta đang có, thay vì so đo với phúc phận của người khác, thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng: Thế giới của ta thật giàu có và phong phú đến nhường nào.
Kinh Thánh viết: “Qua những đố kỵ của ma quỷ mà cái ác xâm nhập vào thế gian”, cũng là muốn nhắn nhủ với thế nhân rằng, đừng lấy hạnh phúc của người khác để “trừng phạt” chính mình. Nếu mỗi người đều mở rộng tấm lòng quảng đại thay cho cái nhìn nhỏ nhen, thì cánh cửa trước mắt ta sẽ vươn xa đến tận chân trời…
Thiện Sinh
Bí quyết dưỡng sinh của thánh nhân, vẹn toàn cả PHÚC, LỘC, THỌ
Mặc dù đạo dưỡng sinh là bất đồng, song thực ra đều có quy luật. Tự cổ chí kim có rất nhiều bậc thánh nhân, danh nhân trường thọ, đã tổng kết ra cho người đời những tinh hoa dưỡng sinh, giúp vẹn toàn đủ đường Phúc Lộc Thọ…
Nhiều nhà đều thờ cúng 3 ông Phúc Lộc Thọ, mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với cả gia đình. Cả 3 điều đó đều quý giá: con cháu đề huề, tài lộc đầy nhà, sống lâu sống khoẻ. Tuy nhiên nếu phải xếp thứ bậc thì hẳn bạn sẽ ưu tiên chọn Thọ, bởi vì nếu có tài lộc, phú quý cao sang đến mấy mà không có “sức khoẻ là vàng” thì cũng chẳng thể hưởng thụ.
Nhưng các bậc cổ nhân lại nắm rất vững bí quyết để có trọn vẹn cả 3 điều này. Bởi họ chú trọng tu dưỡng cả thân lẫn tâm, luôn nghĩ cho người khác, tích đức hành thiện nhận phúc báo, và luôn hài lòng với những gì mình có nên cuộc sống hết sức thanh nhàn, vui vẻ.
Dưới đây đều là những kinh nghiệm quý báu, ngắn gọn, súc tích và là kim chỉ nam cho bất cứ ai muốn trường thọ vô bệnh:
Lão Tử: tương truyền hưởng thọ 160 tuổi. Bí quyết trường thọ của ông là tam bảo (từ, kiệm, khiêm): “thuận theo tự nhiên; điềm nhiên quả dục; khí công dưỡng thần; nuốt nước bọt dưỡng sinh” là câu cách ngôn trường thọ của Lão Tử.
Khổng Tử: hưởng thọ 73 tuổi, cách ngôn của ông: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”, nghĩa là trời vận động mạnh mẽ, người quân tử noi theo đó mà luôn luôn cố gắng vươn lên.
Mạnh Tử: hưởng thọ 74 tuổi, cách ngôn của ông là: “chăm chỉ động não, du ngoạn tứ xứ, ẩm thực thanh đạm”.
Trang Tử: hưởng thọ 83 tuổi, cách ngôn của ông là: “tâm tình thản đãng, khí đủ thần tĩnh, biết đủ thường vui”.
Lương Vũ Đế: hưởng thọ 85 tuổi. Ông đam mê đọc sách, hết lòng tin theo Phật học, khổ đọc kinh Phật, luyện tập cầm kì thư họa.
Đào Hoằng Cảnh (Nhà y học, văn học nổi tiếng thời Nam Triều Trung Quốc): hưởng thọ 81 tuổi, cách ngôn của ông là:“điều dưỡng tình chí, thuận theo bốn mùa; điều dưỡng tình chí, ăn uống điều độ”.
“Thất tình” gồm: Hỷ – Nộ – Ưu – Tư – Bi – Khủng – Kinh. “Hỷ”là vui vẻ, sung sướng; “nộ” là tức giận; “ưu” là u sầu, buồn bã;“tư” là tư lự, lo nghĩ, “bi” là đau buồn, đau thương; “khủng” là sợ hãi; “kinh” là kinh hãi, sửng sốt quá mức. Trong Đông y, “thất tình” được sử dụng để chỉ 7 loại “tình chí” (tình cảm, tinh thần) – có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật.
Tôn Tư Mạc (Danh y nổi tiếng thời Trung Quốc cổ đại): hưởng thọ 101 tuổi, ông chủ trương là: “tứ chi chăm chỉ vận động, ăn uống điều độ, nhai kỹ nuốt chậm, sau ăn rửa mặt súc miệng, giấc ngủ đầy đủ”.
Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh (ông tổ nghành y của Việt Nam, tôn ông là Y Thánh): Thọ 70 tuổi. Năm 55 tuổi, ông được cử đi sứ nhà Minh năm Giáp Tý (1384). Ở Trung Quốc, ông chữa khỏi bệnh cho vợ vua và được phong là “Ðại y Thiền sư”. Thấy ông giỏi y thuật, vua Minh giữ lại không cho về. Ở đây ông vẫn hành nghề y và viết sách cho đến lúc cuối đời. Ông chú trọng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong câu thơ lục bát chỉ với 14 chữ:
“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”
Lý Tú Văn: hưởng thọ 102 tuổi, cách ngôn của bà là: “ăn cơm giữ lại ba phần; sau ăn đi bộ trăm bước”.
Yến Tế Nguyên (họa sĩ): hưởng thọ 105 tuổi. Cách ngôn của ông là: “Không quan tâm đến thiệt hơn, mọi việc đều buông xuống được…; điều gì cần nhớ kỹ thì không thể quên, điều gì không cần nhớ thì nhanh chóng quên đi”.
Mã Dần Sơ: hưởng thọ 100 tuổi, đặc điểm của ông là ăn uống thanh đạm, tâm tình khoáng đạt, kiên trì rèn luyện, thích tắm nước lạnh và bơi lội.
(Mã Dần Sơ là nhà kinh tế học, giáo dục học của Trung Quốc đương đại)
Trương Quần (nguyên lão Quốc Dân Đảng): hưởng thọ 102 tuổi. Cách ngôn của ông là: “thức dậy sớm, ngủ ngon, ăn no bảy phần, thường xuyên chạy bộ, cười nhiều; không phiền não, ngày ngày bận rộn”.
Trần Lập Phu (nguyên lão Quốc Dân Đảng): thọ 106 tuổi. Ông chủ trương “chân không nên lạnh, đầu không nên nóng”. Hiểu nghĩa bề mặt thì chân ở xa tim nên hay bị lạnh, còn não tuy chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng sử 1/5 năng lượng nên luôn toả nhiệt. Nhưng có thể còn có hàm nghĩa: chân không được đóng băng mà phải luôn hoạt động tính cực, “nhàn cư vi bất thiện” nhàn rỗi sẽ sinh ra hành vi xấu; giữ cái đầu lạnh để xử lý mọi việc được tỉnh táo, cả giận thì mất khôn.