Một ngày, khi Thượng Đế đang tản bộ trong khu vườn Hoàn Mỹ, Ngài bỗng thấy tất cả các loài cây đều gục đầu ủ rũ. Thượng Đế quá ngạc nhiên nên đã đến bên một cây đa cao lớn để hỏi han.
Cây đa buồn bã nói: “Vì sao con không thể ngan ngát hương thơm giống như hoa bách hợp?”.
Thượng Đế tới thăm hoa bách hợp, chợt nghe thấy cây hoa than phiền: “Vì sao con không thể kết quả giống như cây sung phía xa kia?”
Một lúc sau, Thượng Đế lại nghe cây sung rầu rĩ: “Vì sao con không được diễm lệ giống như đoá hoa hồng?”.
Thượng Đế dừng bước và nhìn quanh khu vườn Hoàn Mỹ một lượt. Cả một vườn cây xinh đẹp là thế, vậy mà đâu đâu cũng vang lên những tiếng than vãn không ngớt.
Thượng Đế vừa quay đầu rời đi, bỗng Ngài nhìn thấy ánh sáng phát ra từ một góc khuất bé nhỏ bên cạnh tảng đá. Thì ra đó là cây cỏ non tơ đang ưỡn ngực đón nắng mai và vui mừng đung đưa theo gió. Thượng Đế bèn hỏi cây cỏ rằng:“Điều gì khiến con vui mừng như vậy?”.
Cây cỏ trả lời rằng: “Bởi vì con được sinh ra để làm một cây cỏ!”
Thượng Đế lại hỏi: “Vì sao con lại thích làm cỏ?”
Cây cỏ trả lời:
“Bởi là cỏ, con có thể kết bạn với trăm ngàn loài cây khác nhau. Thế nên từ sáng sớm tinh mơ tới đêm tối mịt mùng, con không bao giờ thấy cô đơn, quanh năm suốt tháng cũng không biết thế nào là phiền não hay khổ đau…
Bởi là cỏ, con có thể yên bình mà sinh trưởng ở bất cứ nơi đâu. Dẫu là thảo nguyên bát ngát hay khe đá khiêm nhường, con đều có thể vươn mình kiêu hãnh. Và dẫu đó là nơi màu mỡ xanh tươi hay hoang mạc khô cằn, thì con vẫn có thể khoe màu xanh sức sống.
Bởi là cỏ, con chẳng cần phải so đo được-mất với bất cứ ai. Sáng ngước đầu ngắm mặt trời mọc, đêm cúi đầu nghe sương sớm thì thầm, thư thái nhìn sắc mây, nhảy múa cùng ngàn gió, vui đùa cùng tiếng chim ca, sống đời đời hạnh phúc…
Vậy nên, thưa Thượng Đế, con chỉ đang tận hưởng cuộc sống mà một cây cỏ cần có mà thôi!”
Truyện ngắn kể trên thật đáng để chúng ta suy ngẫm. Trong cuộc sống hiện đại này, dẫu chúng ta đạt được nhiều hơn nữa, sống đầy đủ hơn nữa, thì vẫn thật khó để cảm thấy hạnh phúc. Rất nhiều người phải thốt lên rằng: “Tại sao người thời nay lại có nhiều muộn phiền như vậy?”, “Tại sao tôi luôn luôn bất hạnh, tại sao tôi không thể may mắn như mọi người?”.
Trên thực tế, Thượng Đế đã hào phóng ban cho chúng ta rất nhiều phúc phận, đáp ứng rất nhiều ước nguyện của chúng ta. Nhưng vì sao con người vẫn luôn sầu khổ? Đó là bởi chúng ta đã quen dùng hạnh phúc của người khác để “trừng phạt” chính mình!
Vì sao lại gọi là “dùng hạnh phúc của người khác để trừng phạt chính mình”? Đó là khi nhìn thấy ‘phúc phận trời ban’ của một ai đó, ta lại thầm so sánh với bản thân và lại tự dằn vặt vì mình không đạt được. Cứ khăng khăng nhìn vào những thứ của người khác thay vì học cách trân quý những gì ta đang có, chúng ta đã vô tình đóng chặt cánh cửa để làm tổn thương chính mình.
Thực tế chẳng phải là như vậy hay sao? May mắn của người khác vốn dĩ là chuyện tốt, nhưng người ta lại biến nó thành công cụ để trừng phạt bản thân. Nếu ta nhìn hạnh phúc của người khác bằng tâm thái so bì, cạnh tranh, hay ganh đua không cần thiết, thì sau cùng người duy nhất bị tổn thương vẫn chỉ là chúng ta.
Mỗi người đều được Thượng Đế ban cho rất nhiều phúc khí khác nhau. Có người thì sự nghiệp thăng tiến nhưng cơ thể lại không khỏe mạnh; có người thì học vấn uyên thâm nhưng cuộc sống hôn nhân lại trắc trở, gập ghềnh; cũng có người thì hiểu biết sâu rộng nhưng lại thường trằn trọc mất ngủ vào mỗi đêm; lại có người giàu sang phú quý nhưng không thể sống tự do thoải mái.
Bởi mỗi cá nhân khác nhau có phúc phận khác nhau, thì sao ta không thể dùng con tim quảng đại mà đối đãi với chính mình? Nếu có thể trân quý những gì ta đang có, thay vì so đo với phúc phận của người khác, thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng: Thế giới của ta thật giàu có và phong phú đến nhường nào.
Kinh Thánh viết: “Qua những đố kỵ của ma quỷ mà cái ác xâm nhập vào thế gian”, cũng là muốn nhắn nhủ với thế nhân rằng, đừng lấy hạnh phúc của người khác để “trừng phạt” chính mình. Nếu mỗi người đều mở rộng tấm lòng quảng đại thay cho cái nhìn nhỏ nhen, thì cánh cửa trước mắt ta sẽ vươn xa đến tận chân trời…
Thiện Sinh
Bí quyết dưỡng sinh của thánh nhân, vẹn toàn cả PHÚC, LỘC, THỌ
Mặc dù đạo dưỡng sinh là bất đồng, song thực ra đều có quy luật. Tự cổ chí kim có rất nhiều bậc thánh nhân, danh nhân trường thọ, đã tổng kết ra cho người đời những tinh hoa dưỡng sinh, giúp vẹn toàn đủ đường Phúc Lộc Thọ…
Nhiều nhà đều thờ cúng 3 ông Phúc Lộc Thọ, mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với cả gia đình. Cả 3 điều đó đều quý giá: con cháu đề huề, tài lộc đầy nhà, sống lâu sống khoẻ. Tuy nhiên nếu phải xếp thứ bậc thì hẳn bạn sẽ ưu tiên chọn Thọ, bởi vì nếu có tài lộc, phú quý cao sang đến mấy mà không có “sức khoẻ là vàng” thì cũng chẳng thể hưởng thụ.
Nhưng các bậc cổ nhân lại nắm rất vững bí quyết để có trọn vẹn cả 3 điều này. Bởi họ chú trọng tu dưỡng cả thân lẫn tâm, luôn nghĩ cho người khác, tích đức hành thiện nhận phúc báo, và luôn hài lòng với những gì mình có nên cuộc sống hết sức thanh nhàn, vui vẻ.
Dưới đây đều là những kinh nghiệm quý báu, ngắn gọn, súc tích và là kim chỉ nam cho bất cứ ai muốn trường thọ vô bệnh:
Lão Tử: tương truyền hưởng thọ 160 tuổi. Bí quyết trường thọ của ông là tam bảo (từ, kiệm, khiêm): “thuận theo tự nhiên; điềm nhiên quả dục; khí công dưỡng thần; nuốt nước bọt dưỡng sinh” là câu cách ngôn trường thọ của Lão Tử.
Khổng Tử: hưởng thọ 73 tuổi, cách ngôn của ông: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”, nghĩa là trời vận động mạnh mẽ, người quân tử noi theo đó mà luôn luôn cố gắng vươn lên.
Mạnh Tử: hưởng thọ 74 tuổi, cách ngôn của ông là: “chăm chỉ động não, du ngoạn tứ xứ, ẩm thực thanh đạm”.
Trang Tử: hưởng thọ 83 tuổi, cách ngôn của ông là: “tâm tình thản đãng, khí đủ thần tĩnh, biết đủ thường vui”.
Lương Vũ Đế: hưởng thọ 85 tuổi. Ông đam mê đọc sách, hết lòng tin theo Phật học, khổ đọc kinh Phật, luyện tập cầm kì thư họa.
Đào Hoằng Cảnh (Nhà y học, văn học nổi tiếng thời Nam Triều Trung Quốc): hưởng thọ 81 tuổi, cách ngôn của ông là:“điều dưỡng tình chí, thuận theo bốn mùa; điều dưỡng tình chí, ăn uống điều độ”.
“Thất tình” gồm: Hỷ – Nộ – Ưu – Tư – Bi – Khủng – Kinh. “Hỷ”là vui vẻ, sung sướng; “nộ” là tức giận; “ưu” là u sầu, buồn bã;“tư” là tư lự, lo nghĩ, “bi” là đau buồn, đau thương; “khủng” là sợ hãi; “kinh” là kinh hãi, sửng sốt quá mức. Trong Đông y, “thất tình” được sử dụng để chỉ 7 loại “tình chí” (tình cảm, tinh thần) – có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật.
Tôn Tư Mạc (Danh y nổi tiếng thời Trung Quốc cổ đại): hưởng thọ 101 tuổi, ông chủ trương là: “tứ chi chăm chỉ vận động, ăn uống điều độ, nhai kỹ nuốt chậm, sau ăn rửa mặt súc miệng, giấc ngủ đầy đủ”.
Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh (ông tổ nghành y của Việt Nam, tôn ông là Y Thánh): Thọ 70 tuổi. Năm 55 tuổi, ông được cử đi sứ nhà Minh năm Giáp Tý (1384). Ở Trung Quốc, ông chữa khỏi bệnh cho vợ vua và được phong là “Ðại y Thiền sư”. Thấy ông giỏi y thuật, vua Minh giữ lại không cho về. Ở đây ông vẫn hành nghề y và viết sách cho đến lúc cuối đời. Ông chú trọng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong câu thơ lục bát chỉ với 14 chữ:
“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”
Lý Tú Văn: hưởng thọ 102 tuổi, cách ngôn của bà là: “ăn cơm giữ lại ba phần; sau ăn đi bộ trăm bước”.
Yến Tế Nguyên (họa sĩ): hưởng thọ 105 tuổi. Cách ngôn của ông là: “Không quan tâm đến thiệt hơn, mọi việc đều buông xuống được…; điều gì cần nhớ kỹ thì không thể quên, điều gì không cần nhớ thì nhanh chóng quên đi”.
Mã Dần Sơ: hưởng thọ 100 tuổi, đặc điểm của ông là ăn uống thanh đạm, tâm tình khoáng đạt, kiên trì rèn luyện, thích tắm nước lạnh và bơi lội.
(Mã Dần Sơ là nhà kinh tế học, giáo dục học của Trung Quốc đương đại)
Trương Quần (nguyên lão Quốc Dân Đảng): hưởng thọ 102 tuổi. Cách ngôn của ông là: “thức dậy sớm, ngủ ngon, ăn no bảy phần, thường xuyên chạy bộ, cười nhiều; không phiền não, ngày ngày bận rộn”.
Trần Lập Phu (nguyên lão Quốc Dân Đảng): thọ 106 tuổi. Ông chủ trương “chân không nên lạnh, đầu không nên nóng”. Hiểu nghĩa bề mặt thì chân ở xa tim nên hay bị lạnh, còn não tuy chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng sử 1/5 năng lượng nên luôn toả nhiệt. Nhưng có thể còn có hàm nghĩa: chân không được đóng băng mà phải luôn hoạt động tính cực, “nhàn cư vi bất thiện” nhàn rỗi sẽ sinh ra hành vi xấu; giữ cái đầu lạnh để xử lý mọi việc được tỉnh táo, cả giận thì mất khôn.
Theo NTDTVĐại Hải
Xem thêm:
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét