Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Thủ tướng: Không để tình trạng đất nước có tới 20.000 quy hoạch; Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tha thiết mong phụ nữ TPHCM nâng tỷ suất sinh; Chậm giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng yêu cầu kiểm điểm

Thứ 3, 14:38, 04/07/2017

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị cần chọn lọc để giảm số lượng quy hoạch hiện nay, không để 20.000 quy hoạch thì tốn kém, hiệu quả thấp.
Sáng 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật.
Chính phủ đã nghe báo cáo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, quy hoạch.
thu tuong yeu cau bocong bo suat dau tu lam 1km duong het bao nhieu tien hinh 1
Thủ tướng chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 (Ảnh: chinhphu.vn)
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng nhà nước pháp quyền không chỉ là ban hành bao nhiêu luật mà là chất lượng luật đó như thế nào và tinh thần đổi mới ra sao.
Về các quy định trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh “tạo ra sự thông thoáng trong thương mại” là yêu cầu rất lớn hiện nay. Do đó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, bộ ngành không được đặt ra những điều kiện kinh doanh để ràng buộc sự phát triển của thương mại và đầu tư. Các cơ quan chức năng phải bám vào Nghị quyết 19 và 200 loại công việc để nâng môi trường kinh doanh Việt Nam. 
Về dự thảo Luật Quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, duy ý chí, không thể để tình trạng đất nước có tới 20.000 quy hoạch. Không thể bỏ việc quy hoạch như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch hạ tầng cứng như điện, giao thông…, nhưng cần chọn lọc để giảm số lượng quy hoạch hiện nay, chứ để 20.000 quy hoạch thì tốn kém, hiệu quả thấp.
Về Luật Đầu tư công, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ liên quan rà lại một số nội dung, báo cáo Chính phủ trước 30/7 về những vướng mắc để trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét chỉnh sửa.
Những vướng mắc gây chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua cần chỉnh sửa tạo điều kiện phân cấp, quản lý, giao quyền và trách nhiệm rõ hơn cho bộ, ngành, địa phương. Mặt khác, công tác lập kế hoạch phải chi tiết, cụ thể hơn, chủ động hơn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải công bố suất đầu tư làm 1km đường hết bao nhiêu tiền để xem làm đường ở Việt Nam đắt hay rẻ.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về dự thảo Luật Bí mật nhà nước, dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Lý lịch tư pháp, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá…/.




Vũ Dũng/VOV

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tha thiết mong phụ nữ TPHCM nâng tỷ suất sinh

Dân trí "Sinh đẻ là vì mình, vì đất nước, vì thành phố chứ không là chuyện riêng. Rất nhiều nước coi việc sinh đẻ là tự do của cá nhân nhưng tự do mà sinh ít quá thì đất nước bị thiệt hại", ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, chia sẻ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, HĐND TPHCM khóa IX, diễn ra sáng 4/7.


Sinh đẻ vì đất nước, vì thành phố!
Cuối buổi làm việc của phiên khai mạc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM đã mời ông Nguyễn Thiện Nhân lên phát biểu.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành uỷ, ông đồng tình với các báo cáo, tờ trình mà UBND, HĐND TPHCM đưa ra tại kỳ họp.
Riêng chuyên đề xung quanh chính sách dân số, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần chia sẻ thêm để thấy thành tựu và hạn chế để từ đó định hướng thực hiện trong 5-10 năm tới.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TPHCM làm tốt chính sách cân bằng giới tính dân số nhưng cần nâng tỷ suất sinh ở phụ nữ gần 2 con/phụ nữ
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TPHCM làm tốt chính sách cân bằng giới tính dân số nhưng cần nâng tỷ suất sinh ở phụ nữ gần 2 con/phụ nữ
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn ra hàng loạt con số cho thấy có sự thay đổi về tỷ lệ sinh sản ở phụ nữ nước ta từ những năm 1960 đến nay.
Theo đó, năm 1960, ở miền Bắc, bình quân một phụ nữ có 6 con. Sau năm 1975 đến 1980, giảm dần từ 6 xuống còn 3 con/phụ nữ. Từ năm 2005 đến nay, cả nước bình quân mỗi phụ nữ có 2 con.
"Trong 10 năm liền Việt Nam duy trì được bình quân mỗi phụ nữ 2 con. Điều này có nghĩa khi cha mẹ mất đi sẽ có 2 người thay thế. Tức khi cha mẹ đangg ở tuổi làm việc thì 2 con còn nhỏ. Khi cha mẹ về hưu thì 2 con thành 2 người lớn. Như vậy, gia đình ổn định, bền vững, góp phần cho đất nước đủ lao động", ông Nhân nói.
Với tỷ lệ như trên, ông Nhân khẳng định đó là "cơ cấu dân số vàng". Khi 2 người về hưu thì có 2 người đóng tiền thuế hỗ trợ cho 2 người về hưu đó. Đấy là may mắn cho đất nước.
Bí thư TPHCM cũng cho rằng, có giai đoạn nước ta kêu gọi mỗi phụ nữ có 1,8 trẻ. Trong khi, nếu một phụ nữ trung bình sinh dưới 2 con cho một quốc gia khoảng 30 năm thì quốc gia đó thiếu lao động trầm trọng.
Chẳng hạn, Hàn Quốc giảm tỷ lệ sinh xuống còn 1,7 - 1,5 và nay là 1,3 con/phụ nữ. Singapore, từ những năm 1970 có tỉ lệ bình quân là 2 và hiện nay cũng chỉ còn 1,3. Tương tự, Nhật Bản hiện nay 1 phụ nữ bình quân chỉ sinh 1,3 con, thậm chí 1,26 con. Do đó, các quốc gia này đang khủng hoảng lao động rất rộng.
Ở Nhật Bản, dự báo trong khoảng 50 năm tính từ năm 2000 dân số sẽ giảm 40 triệu người từ 120 xuống 80 triệu, nên lực lượng lao động càng khan hiếm. Hàn Quốc thiếu lao động trầm trọng nên gần 10 năm qua sang Việt Nam đầu tư và sử dụng 130 ngàn lao động Việt Nam.
"Sinh nhiều thì khổ, sinh ít cũng hại. Hại cho đất nước không đủ lao động nên ở thế giới coi việc duy trì tỷ suất sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ sinh 2 cháu trong đời người là điều vô cùng cần thiết cho đất nước phát triển bền vững về nhân lực và lao động", Bí thư Nhân nói.
Một vấn đề khác được ông Nguyễn Thiện Nhân đề cập là tình trạng mất cân bằng giới tính. Cả nước trong năm vừa qua bình quân có tỷ lệ giới tính là 100 cháu gái/112 cháu trai. Trong khi quy luật tự nhiên, tỷ lệ này là 105/106.
“Chính vì vậy mà Quốc hội khóa này, trong Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 về chính sách dân số đã đặt ra 2 mục tiêu. Thứ nhất là duy trì tỷ suất sinh thay thế, thứ hai là giảm mất cân bằng giới tính", ông Nhân nói.
TPHCM có hiện trạng sinh con như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.
TPHCM có hiện trạng sinh con như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.
"Chúng ta là thành phố đẻ ít nhất cả nước"
Liên hệ với thực tế tình hình dân số TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TPHCM giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính rất tốt, dẫn đầu cả nước khi 100 cháu gái thì có 106 cháu trai, trong khi cả nước thì tỷ lệ 100/112.
Tuy nhiên, ông Nhân cũng bày tỏ lo ngại khi tỷ suất sinh thay thế của mỗi phụ nữ TPHCM hiện nay chỉ có 1,46 con trong khi mục tiêu cả nước là đảm bảo mỗi phụ nữ có 2 con.
"Chúng ta là thành phố đẻ ít nhất cả nước. Bình quân phụ nữ chỉ có 1,46 con. Tức chúng ta có hiện trạng sinh con như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. Tỷ suất này mà kéo dài thì chúng ta góp phần thiếu lao động cho cả nước", ông Nhân nói.
"Chúng tôi thiết tha mong HĐND quan tâm lưu ý mục tiêu của Quốc hội về chính sách dân số đó là duy trì tỷ lệ sinh của phụ nữ. Mục tiêu của chúng ta là phải kéo tỷ suất từ 1,46 của 9 năm qua lên gần 2 cháu/phụ nữ chứ nếu để tỷ suất 1,64 lâu dài thì có hại cho đất nước", Bí thư Nhân nói thêm.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho biết, TPHCM vẫn cần áp dụng các biện pháp hạn chế gia tăng dân số như triệt sản, nhưng: “Nếu 1 con thì chưa nên triệt sản ngay mà nên chờ đến khi có 2 con, vì nếu một con mà triệt sản thì đến khi muốn sinh cũng không sinh được nữa. Sinh đẻ là vì mình, vì đất nước, vì thành phố chứ không là chuyện riêng. Rất nhiều nước coi việc sinh đẻ là tự do của cá nhân nhưng tự do mà sinh ít quá thì đất nước bị thiệt hại".
Theo ông Nhân, để đạt được mục tiêu tỷ suất sinh con trở lại bình thường như chỉ tiêu của Quốc hội thì HĐND TPHCM cần xác định lại mục tiêu, không phải là tỷ suất sinh hợp lý chung chung mà phải là tỷ suất sinh thay thế.
Công Quan


Thủ tướng: Đất nước 90 triệu dân mà trả lương cho 11 triệu người, cần tinh giản biên chế

01-07-2016 - 19:27 PM Kinh tế vĩ mô - Đầu tư
Thủ tướng: Đất nước 90 triệu dân mà trả lương cho 11 triệu người, cần tinh giản biên chế

Khẳng định trước mắt sẽ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế để giảm chi ngân sách.



Đó là kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Họp giao ban trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương vừa diễn ra.
Nghiêm khắc nhìn nhận nguyên nhân chủ quan
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng cho rằng sự sụt giảm tăng trưởng có yếu tố khách quan nhưng cũng có yếu tố chủ quan. Một phần là do bộ máy mới đi vào điều hành, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm.
"Nghiêm túc rút kinh nghiệm để tìm ra giải pháp. Vì vậy quyết tâm Thủ tướng và Chính phủ là hành động quyết liệt, ưu tiên giải quyết điểm nghẽn, tái cơ cấu nền kinh tế thực chất, tạo cơ sở tăng trưởng bền vững. Trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu Quốc hội đã giao cho Chính phủ" - Thủ tướng khẳng định.
Do đó, việc phấn đấu đạt mục tiêu GDP tăng 6,7%, cần phải có giải pháp đồng bộ, quyết tâm chính trị cao của các bộ ngành, chính phủ và 63 địa phương, trong đó có 13 địa phương trọng điểm kinh tế, thì mới vượt qua khó khăn này.
Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Mục tiêu thống nhất là phải ổn định vĩ mô, đặc biệt cảnh giác cao với lạm phát, nhất là chính sách giá dịch vụ, y tế giáo dục sắp được ban hành.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, các bộ ngành địa phương cần xem việc lập lại trật tự kỷ cương như nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng nhấn mạnh các vấn đề sử dụng tài sản công, những kỷ cương hành chính còn lỏng lẻo, xác định trách nhiệm người đứng đầu. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ có dự thảo về kỷ cương hành chính, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2016.
Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, khai thác tiềm năng tăng trưởng: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh và giải ngân vốn đầu tư; tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất; mở rộng tận dụng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, xúc tiến thương mại.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo điều hành chủ động linh hoạt công cụ tài khóa, chính sách tiền tệ để giữ ổn định vĩ mô, giải ngân cho sản xuất kinh doanh. Thủ tướng lưu ý, vấn đề bất cập trong đầu tư công giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xử lý, giải quyết.
Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy khởi nghiệp
Thứ ba, giải quyết bài toán nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh gắn với tái cơ cấu, Thủ tướng yêu cầu từng ngành và địa phương đặt ra hành động cụ thể, tái cơ cấu với gắn định tính, định lượng, chỉ tiêu cụ thể.
Thứ tư, tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, trong đó tập trung hai trung tâm TPHCM và HN. Thủ tướng cho biết, mục tiêu năm 2020 là có hơn 1 triệu DN, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp tập trung tháo gỡ các nghị định mới, tiếp tục nhiệm vụ thể chế để thực hiện tốt hơn.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi cơ chế chính sách về khởi nghiệp, hàng tháng Bộ trưởng kịp thời báo cáo khó khăn với Chính phủ trong việc thúc đẩy DN khởi nghiệp" - Thủ tướng yêu cầu.
Thúc đẩy xã hội hóa, tự chủ sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế
Thứ năm, đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN và xã hội hóa, tự chủ sự nghiệp công lập. Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, để góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả năng lực cạnh tranh, sản phẩm hàng hóa dịch vụ, chống tham nhũng.
Theo đó, cần có lộ trình cụ thể thoái vốn ngoài ngành, thực tế hiện nay nhiều bộ ngành và địa phương rất chậm cổ phần hóa. Việc sử dụng số tiền cổ phần hóa như thế nào cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng cũng cho phép lấy tiền cổ phần hóa để đầu tư phát triển.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh các Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty phảichịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng về tiến độ cổ phần hóa, đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, các bộ ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, để từ đó giảm chi ngân sách. Theo đó, có chế tài cụ thể với người đứng đầu trong việc tinh giản biên chế.
Thủ tướng chỉ rõ gánh nặng đội ngũ công chức đang hưởng lương nhà nước: "Chúng ta đất nước 90 triệu dân mà trả lương 11 triệu người, trong khi công chức hành chính trên 2,5 triệu người".
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu phải tích cực chống tham nhũng, tiêu cực ở mọi cấp ngành, liên quan đến tài sản, đất đai. Giải quyết khiếu nại đông người ở địa phương...

An Ngọc
Theo Trí thức trẻ

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng yêu cầu kiểm điểm

04/07/2017 19:08 GMT+7
TTO - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tổ trưởng tổ công tác Chính phủ yêu cầu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể, báo cáo Thủ tướng trước 30-7. 
Chậm giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng yêu cầu kiểm điểm
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư họp kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức làm chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: T.C.
Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp chiều 4-7 do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tổ trưởng tổ công tác của Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chủ trì.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017 (không bao gồm trái phiếu Chính phủ) là 307.150 tỉ đồng.
Đến hết tháng 6-2017, vốn đã giao kế hoạch là 303.075,66 tỉ đồng, bằng 98,7% kế hoạch.
Giao vốn thấp, giải ngân chậm
Số vốn còn lại Bộ Kế hoạch và đầu tư chưa giao là 4.074,34 tỉ đồng, bằng 1,3% kế hoạch, trong đó chủ yếu bao gồm 3.000 tỉ đồng cho chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (hiện Bộ Kế hoạch và đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan)…
Tuy nhiên, việc giao vốn trái phiếu Chính phủ khó khăn hơn. Tổng vốn đầu tư năm 2017 là 66.485 tỉ đồng, nhưng qua 6 tháng Bộ Kế hoạch và đầu tư mới giao được 5.197,3 tỉ đồng, chiếm 10,4%. Còn vốn trái phiếu Chính phủ chuyển nguồn mới giao được hơn 6.200 tỉ đồng (38,2%).
Như vậy vốn trái phiếu Chính phủ chưa giao vẫn còn gần 55.000 tỉ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nguyên nhân giao chậm trễ vốn trái phiếu Chính phủ là do chế độ quy định điều kiện để bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm cho dự án khởi công mới phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 30-10 của năm trước năm kế hoạch.
Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỉ đồng, bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định (trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 26,8%).
Ngoài ra, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, sau nửa năm đã phát hành được 3/4 số lượng trái phiếu Chính phủ để huy động vốn thực hiện các công trình, dự án, nhưng việc giải ngân đang chậm trễ.
Trước thực trạng trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ không đồng tình với tiến độ giao và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2017 khi cho rằng: “Đã làm ảnh hưởng rất tiêu cực tới việc làm, thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn”.
Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể
Phó thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7-2017.
“Cần thiết sẽ yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra để làm rõ trách nhiệm của ai giao vốn chậm” - phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó thủ tướng yêu cầu trước ngày 30-7, Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp 4.074 tỉ đồng còn lại của vốn ngân sách nhà nước và 55.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ chưa được giao.
Đồng thời nhấn mạnh Chính phủ không chấp nhận giảm vốn trái phiếu Chính phủ để tăng vốn ODA hay vốn khác trong năm 2017, yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư hoàn tất các thủ tục trước ngày 15-7 để giao vốn đợt 2 cho các công trình, dự án.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ soạn thảo công văn truyền đạt tới tất cả các bộ, ngành, địa phương độc lập đánh giá việc thực hiện và đề xuất sửa đổi các pháp luật liên quan tới đầu tư công như Luật đầu tư công, Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật bảo vệ môi trường… để xác định rõ các bất cập, nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan.
Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định 136, nghị định 77, nghị định 15 theo hình thức rút gọn; thực hiện công bố công khai các bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân trong việc thiếu trách nhiệm, trì trệ, gây cản trở đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành cũng thảo luận, xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
N.AN

Không có nhận xét nào: