Cách đây gần tám mươi năm, đầu năm 1930, Hoài Thanh đang học ở trường Bưởi (trường phổ thông trung học Chu Văn An hiện nay) thì bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam ở Sở mật thám Hà Nội (nay là trụ sở Sở công an Hà nội) rồi bị giải về Vinh, giam ở nhà lao Vinh. Sau đó chúng kết án Hoài Thanh sáu tháng tù treo và cho phép Hoài Thanh trở lại trường học.
Trở lại trường chưa được bao lâu Hoài Thanh lại bị đuổi học vì mật thám Pháp khám ngăn tủ của ông thấy vẫn có sách chính trị chống đối chúng.
Bị đuổi học, Hoài Thanh ra ở trọ tại một quán cơm số nhà 32 Hàng Đồng. Tại đây ông gặp Lưu Trọng Lư và một vài học sinh vừa bãi khóa ở Quốc học Huế ra đang kiếm chỗ học tư. Hoài Thanh dạy các anh em đó học để có tiền tự học đi thi tú tài Tây (vì đã bị đuổi học thì không được thi tú tài bản xứ).
Đỗ tú tài phần thứ nhất, Hoài Thanh được sự giới thiệu của một cây bút nổi tiếng - nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố - ông được nhận vào làm việc ở toà soạn báo Phổ thông. Ngô Tất Tố rất quý mến Hoài Thanh. Trong cuốn “Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim” Ngô Tất Tố có lời đề tặng ở đầu sách: “Tặng Hoài Thanh - Nguyễn Đức Nguyên, một người trong sạch, có nghị lực trong lớp thanh niên ngày nay”. Có thể nói: Ngô Tất Tố là người thầy quan trọng đầu tiên dắt dẫn Hoài Thanh đi vào con đường văn chương, báo chí chân chính.
Những bài viết của Hoài Thanh và đồng sự trên tờ Phổ thông ít nhiều đều có tính chất đả kích chính quyền thực dân hồi bấy giờ nên thường bị kiểm duyệt bỏ. Hoài Thanh và đồng sự bàn với chủ báo là Đặng Nguyên Quang ra thêm tờ Le Peuple (Nhân dân) mỗi tuần hai kỳ. Lúc bấy giờ, báo tiếng Pháp không bị kiểm duyệt. Hoài Thanh và đồng sự tha hồ đả kích kẻ cầm quyền. Đây là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Pháp của người Việt Nam ở miền Bắc. Báo bán rất chạy. (Tôi rất tiếc đã cất công nhiều lần đi tìm ở Thư viện Quốc gia nhưng Thư viện không còn lưu giữ được - T.S.).
Le Peuple ra được ba số, số 4 đang in thì có lệnh trục xuất Hoài Thanh và Nguyễn Đức Bính (anh em con chú con bác với Hoài Thanh cùng làm ở toà sọan). Hai người bị bắt, giam ở Sở mật thám rồi bị giải về Vinh, đưa về quê nhà (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc ngày nay), giao cho lý trưởng quản thúc. Lúc bấy giờ là cuối năm 1930. Hoài Thanh kể lại:
“Lúc bấy giờ đang cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tôi ngơ ngác không hiểu gì hết. Tôi chỉ biết một điều: với cái án tù treo và cái án trục xuất, tôi rất có thể lại bị bắt và rất có thể bị giết. Lúc bấy giờ các đồn lính lê dương đóng dày đặc ở quê tôi, hàng ngày chúng vẫn giết người không cần lý lẽ gì hết. Lại thêm nạn đói đang hoành hành. Tôi lên Vinh kiếm việc làm.”[1]
Cuộc đời Hoài Thanh từ đấy rồi sẽ ra sao nếu không có cái buổi sáng đi nhận việc làm cho một tên chủ lò gạch người Tây hồi bấy giờ?
Sáng hôm ấy, đúng hẹn, Hoài Thanh đi trên chiếc xe đạp còng cọc của mình từ quê nhà lên thành phố Vinh để gặp chủ lò gạch nhận việc. Đi chưa được nửa đường (làng quê Hoài Thanh cách Vinh mười một cây số) thì xe bị xì lốp. Hoài Thanh đến muộn. Viên chủ Tây cho Hoài Thanh một cái tát rõ đau và mắng:“Buổi đầu nhận việc mà mày đến chậm, mày còn vác mặt đến gặp tao làm gì?”. Hoài Thanh bị đuổi thẳng cổ và không được nói một lời thanh minh cho lý do đến trễ.
Hoài Thanh lại bơ vơ đi tìm việc. Tên chánh mật thám Vinh Billet gọi ông đến gạ làm tay sai cho nó. Ông một hai không nhận.
Một hôm đang lang thang trên đường phố Vinh, ông gặp ông Tôn Quang Phiệt đang dọn đồ ra khỏi nhà một ông chủ người Hoa vì không muốn làm gia sư ở đấy nữa, Ông Phiệt than phiền với Hoài Thanh rằng người chủ này đối xử tàn tệ: coi ông như người ở. Đang bí tìm việc làm, Hoài Thanh đành cắn răng thế chỗ ông Tôn Quang Phiệt.
Ông chủ người Hoa này là chủ khách sạn Cọng hòa ở Vinh. Hoài Thanh làm gia sư ở đây không lâu. Một sự tình cờ, ông Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập ở Huế, có việc ghé qua, biết Hoài Thanh có bằng tú tài Tây bèn thương lượng xin cho Hoài Thanh vào Huế làm thợ chữa mo-rát cho nhà in.. Lúc ấy là năm 1931.
*
Trở lên là những điều tôi không mấy ngạc nhiên về một vài nét trong thời thanh niên của thân phụ tôi: Hoài Thanh. Những điều ấy tôi thường được nghe cha tôi kể lại hoặc đọc trong bản “Tự thuật” của ông dể lại mà tôi đã cho in trong cuốn “Hoài Thanh-Di bút và di cảo”.
Tôi thường tự cho mình là đã hiểu được nhiều về cha mình từ nhân cách, tính tình đến tình cảm của ông dành cho cho mọi người từ vợ con đến bạn bè, cộng sự v.v...Tôi cũng tự cho rằng mình cũng đã tìm hiểu tương đối kỹ càng về sự nghiệp văn chương của ông. Tôi đã dồn tâm sức suốt cả mười mấy năm trời sau khi ông mất (3-1982) để sưu tầm và biên soạn bốn tập “Hoài thanh toàn tập”. Bộ sách ấy đã được nhà xuất bản Văn học cho in trong năm 1999 - đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm sinh Hoài Thanh. Trong quá trình sưu tầm và biên soạn bộ sách tôi vẫn áy náy vì không sưu tầm được đầy đủ những bài báo, bài phê bình văn chương Hoài Thanh đã đăng trên các báo, tạp chí hồi trước cách mạng tháng Tám 1945.
Lúc sinh thời, cha tôi thường tỏ ý tiếc là ông không còn giữ được những bài viết trên các báo trước 1945 và cuốn “Văn chương và hành động” (cuốn này bị Pháp tịch thu nên ông không dám giữ trong nhà). Vài tuần trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra từ đêm 19 tháng 12-1946, các tài liệu, bản thảo và bài đã in báo được cha mẹ tôi gửi lại trong nhà một người bà con ở làng Đông Ngạc (quê mẹ tôi). Chiến tranh lan rộng, người bà con ấy cũng không còn giữ lại được gì. Sau ngày giải phóng Thủ đô, nhiều lần cha mẹ tôi trực tiếp và nhờ một số anh chị em đồng sự lục tìm ở Thư viện Quốc gia và các thư viện khác ở nhiều nơi nhưng kết quả không thu thập lại được bao nhiêu. Cha tôi thường nói với tôi rằng ông rất thích những bài ông đã cho đăng trên báo Tràng An và La Gazette de Hué mà ông thường ký tên Hoài Thanh, H.T. và Nhà Quê hoặc Le nhà Quê. Đó là những bài viết trong thời gian từ đầu năm 1935 đến giữa năm 1936 - khi chính quyền Pháp cấm ông và bà Phan Thị Nga - vợ ông - không đuợc viết cho Tràng An nữa.
Cha tôi thường nói ông rất thích kiểu viết theo lối notes có nghĩa giống như là tùy bút . Lối viết ấy cho phép người viết muốn ghi gì thì ghi, phóng bút mà ghi, không cần phải tính toán gì hết. Trên báo Tràng An và La Gazette de Hué ông viết theo kiểu ấy và đã để cho ngòi bút của mình động đến mọi thứ chuyện trên đời, trong xã hội mà người viết từng quan sát, nhận xét, suy nghĩ...mong sao được chia sẻ với người đọc để cùng sống đẹp hơn, hay hơn, đúng hơn.
May sao, gần đây tôi đã tìm ra được hầu hết các bài viết của Hoài Thanh trên báo Tràng An từ số 4 ra ngày 12-3-1935 đến số 130 ra ngày 9-6-1936. Tràng An số 130 là số mà hai vợ chồng Hoài Thanh và Phan Thị Nga bị mật thám Pháp cấm viết Tràng An từ đấy.
Có được sự may mắn này trước hết chúng tôi rất cám ơn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trong quá trình tìm tư liệu trên báo chí trước 1945 đã phát hiện ra Thư viện Quốc gia vẫn còn lưu giữ được gần trọn bộ Tràng An hai năm 1935 và 1936 mang ký hiệu J245. Ông Ân đã cung cấp cho tôi danh mục chủ yếu các bài viết của Hoài Thanh và Phan Thị Nga trên Tràng An 1935, 1936. Công việc còn lại của chúng tôi là vào thư viện xin scan và chụp lại các bài báo của Hoài Thanh và Phan Thị Nga với sự giúp đỡ khá chu đáo của các cán bộ có nhiệm vụ phục vụ độc giả ở phòng đọc báo.
*
Bảy mươi tư năm đã trôi qua. Hai tập báo Tràng An năm 1935 và 1936, “già” hơn tôi hai tuổi, đã “gặp” nhau sau bao năm tôi tìm kiếm. Thời gian đã thay màu báo. Báo đã ố vàng, rách nát khá nhiều. Chúng tôi nhẹ nhàng nâng niu từng trang, từng trang để tìm bài cần tìm rồi nhờ cán bộ thư viện scan theo danh mục tìm thấy. Rồi lại phải đến thư viện mấy lần nữa để chụp ảnh lại những bài, đoạn scan thiếu hoặc quá mờ khiến các cô ở thư viện “dọa” sẽ không phục vụ được nữa vì báo cũ nát quá. May mà rồi mọi việc cũng xuôi chèo, mát mái. Tư liệu đã được lưu giữ kỹ trong máy tính của tôi và đã được tôi mày mò đánh máy lại kịp in thành sách phục vụ bạn đọc quan tâm tới thân thế và sự nghiệp của Hoài Thanh nhân năm 2009 này là đúng dịp kỷ niệm 100 năm sinh Hoài Thanh.
*
Đọc những bài viết của Hoài Thanh trên Tràng An những năm 1935, 1936 tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên với chính mình khi chợt thấy xấu hổ vì còn chưa thực sự hiểu hết, hiểu cặn kẽ tấm lòng ưu ái với đời, tâm hồn trong suốt như pha lê thời thanh niên của cha mình, của nhà văn Hoài Thanh.
Trong một lá thư cha tôi gửi cho“Dũng (Từ Sơn) và các con” được viết từ Sài Gòn ngày 12-15 tháng 8 năm 1978 ông có bày tỏ cho các con nhiều vấn đề: sống như thế nào là có ích; khi đã quá già yếu thì nên có cách nhìn nhận cuộc sống như thế nào, cơ sở khoa học của lòng yêu đời là thế nào v. v..Cuối bức thư dài ấy ông có viết: “Các con lo lắng nhiều cho sức khoẻ của cha và của má. Lo là phải. Nhưng lo lắng nhiều quá không nên và lo lắng nhiều mà không có điều kiện giải quyết gì thì cũng như không. Thà bằng chuyển cái lo ấy vào chuyện khác, lo làm việc cho tốt, lo nuôi dạy con cái cho tốt..., cũng có thể lo tìm hiểu cha hơn, cha nghĩ các con nên hiểu cha ít ra cũng như anh Trương Chính đã hiểu cha qua các bài viết của anh ấy về cha, nên chú ý hỏi cha những điều sau này sẽ không thể nào hỏi được nữa...”.[2]
Đúng là chúng tôi còn nhiều điều không thể nào hỏi cha mình được nữa. Hoài Thanh mất đã gần ba mươi năm. Chúng tôi chỉ còn có thể tìm các câu trả lời những điều muốn biết về cha mình, về nhà văn Hoài Thanh ở trên các trang sách báo, các trang di bút và di cảo của ông để lại. Thời gian, chiến tranh cùng bao biến động trong cuộc sống riêng chung dã làm chúng hao hụt đi rất nhiều. Và, chắc chắn những hao hụt ấy rất khó hoặc không thể nào tìm lại được. Chính từ suy nghĩ này, chúng tôi đã cố gắng khôi phục lại những bài viết của Hoài Thanh trên báo Tràng An năm 1935, 1936. Chúng tôi rất tiếc không sưu tầm được các bài viết của Hoài Thanh trên tờ Phổ thông, tờ Le Peuple (xuất bản năm 1930 tại Hà Nội). Hoài Thanh đã viết nhiều bài bằng tiếng Pháp trên tờ La Gazette de Huéxuất bản trong hồi 1935, 1936. Hiện nay ở Thư viện Quốc gia chỉ có bộ La Gazette de Hué xuất bản năm 1937 (một vài số) và gần đủ các số của năm 1938 (ký hiệu J244). Chúng tôi không tìm thấy bài nào của Hoài Thanh trong bộ báo còn giữ được này.[3]
*
Ở trên tôi có nhắc lại chuyện nhân một sự tình cờ hồi 1931 mà Hoài Thanh được ông Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập (từ 1935 ông Tín cũng là chủ nhiệm của hai tờ báo: Tràng An và La Gazette de Hué), đưa vào Huế để làm thợ chữa mo-rat. Sự tình cờ này đã tạo điều kiện cho Hoài Thanh dần trở thành một cây bút viết báo và viết văn xuất sắc. Tất nhiên không phải ai làm nghề chữa mo-rat rồi cũng trở thành nhà báo, nhà văn.
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khí chất và bản lĩnh của từng người. Ở đời, gặp một hoàn cảnh ngẫu nhiên, một sự tình cờ nào đó có thể làm cho cuộc đời một con người chuyển hướng ngược lại với điều ước muốn của mình. Đó là điều ta thường thấy ở khá nhiều người. Nhưng không phải không có người gặp một sự tình cờ nào đó đã giúp cho mình vượt lên chính mình hoặc phát huy được khả năng của mình. Hoài Thanh thuộc vào trường hợp sau. Dù sao, nói cho hết lẽ, nếu sáng hôm ấy ở Vinh Hoài Thanh không đến muộn, không bị viên chủ Tây tát và đuổi thẳng cổ thì liệu có một Hoài Thanh của Thi nhân Việt Nam không? Hay là... ai mà đoán được?
*
Vậy là, từ năm 1931, hàng ngày chàng thanh niên Nguyễn Đức Nguyên từ ngôi nhà trọ lợp tranh ở gần miếu Âm Hồn trong thành nội lê chân trên đôi guốc mộc đi bộ đến nhà in Đắc Lập nằm trên đường Paul Bert (nay hình như là đường Trần Hưng Đạo) gần một đầu cầu Tràng Tiền để cắm cúi chữa những bản in bằng chữ quốc ngữ hoặc chữ Pháp. Rời bỏ quê nhà, đi làm thợ ở nhà in vì “bởi ở nhà quê mà không có tư bản thì một mình không sao nuôi sống tám chín người”.[4]Công việc làm thuê để kiếm sống này kéo dài đến năm 1936.
Nếu là người an phận, như vậy cũng là tạm ổn. Nhưng với Hoài Thanh, mục tiêu sống của ông từ thiếu thời cho đến ngày từ giã cõi trần luôn luôn sống vì một niềm khát vọng lớn: vươn tới Chân -Thiện - Mỹ. Các bài viết thời thanh niên, Hoài Thanh thường nói tới mơ ước được trở thành “con người hoàn toàn” chính là do sự thôi thúc này.
“Con người hoàn toàn”, theo quan niệm thời thanh niên của Hoài Thanh, không phải là muốn thần thánh hóa con người mà chính là sự tự hoàn thiện trong hoàn cảnh sống của từng người: “...Có người phải vào sinh ra tử mới hoàn toàn, có người dùng lời nói, dùng ngòi bút, có người chỉ chăm sóc việc nhà, luyện tập nữ công cũng hoàn toàn. Cứ trung bình mà nói, bất kỳ người nào, nếu thực muốn sửa mình, thực có nghị lực thực hành ý muốn đó, đều có thể trở nên người hoàn toàn cả, hoàn toàn trong phạm vi hoàn cảnh, thời đại, giáo dục, nhất là bẩm tính tự nhiên của mình. Nghĩa là không thể buộc ai cũng phải theo chung một lý tưởng về hoàn toàn (un même idéal de perfection). Lý tưởng ấy phải mỗi người mỗi khác. Mà có khác mới hay. Bằng ai cũng như ai, muôn nghìn người sẽ như một đội binh lớn, cuộc đời còn lý thú gì?”.[5]
Bảy mươi tư năm trước, chàng thanh niên Hoài Thanh đã vượt lên trên hoàn cảnh của một nguời thợ chữa mo-rat bình thường tìm cách “dùng ngòi bút” để tự hoàn thiện mình với hy vọng trở thành một “con người hoàn toàn” theo quan niệm của mình, bằng tất cả “nghị lực thực hành ý muốn đó”. Điều này thể hiện rất rõ trong các bài viết của Hoài Thanh đăng trên báo Tràng An hồi 1935, 1936.\
*
“...tôi là một anh học trò và một anh nhà quê. Lai lịch tôi cũng là lai lịch một anh học trò và một anh nhà quê”.[6] Có lẽ vì thế, Hoài Thanh hay dùng bút danh “Nhà Quê” (trên báo Tràng An) và Le Nhà Quê (trên báo La Gazette de Hué). Dùng các bút danh ấy không phải là để “làm dáng độc đáo” mà thực sự bắt nguồn từ trong tâm của ngòi bút Hoài Thanh thời trẻ: hướng lòng mình về chốn hương thôn đang còn chịu bao nhiêu điều vất vả, khổ đau. Nhiều bài viết của Hoài Thanh trên Tràng An hồi 1935, 1936 đã thể hiện rất rõ tình cảm này.
Trong bài viết “Một sự hoang phí ghê gớm - Dân quê” (Tràng An số 4, ngày 12-3- 1935) Hoài Thanh kể chuyện về anh Trinh:
“Viết mấy dòng này, tôi nhớ đến anh Trinh. Các bạn chớ tưởng anh Trinh là một người đã từng làm những việc to tát, đã từng có một tiểu sử lừng lẫy.. Không đâu, anh Trinh chỉ là một phu cày, hồi còn bé , nhà ở gần nhà tôi. Anh người có sức khoẻ, có trí khôn, có trí thông minh khác thường. Anh không được đi học nhưng chỉ xem những công việc vặt anh làm hàng ngày cũng đủ rõ trí thông minh của anh.
Có dạo tôi vẽ cho anh học quốc ngữ, anh chỉ học có mấy tối là biết viết ngay. Giá từ hồi còn bé anh được đi học thì có lẽ anh hơn chúng ta biết chừng nào.
Tôi rất tiếc, tiếc một người sẵn trí thông minh như thế mà vì hoàn cảnh phải mai một. Tôi tiếc vì anh Trinh ở gần nhà tôi, rồi tôi lại tiếc vì cả bao nhiêu anh Trinh khác ở khắp trong nước ta và ở các nước nữa. Mỗi lần tôi thấy một đám đông lam lũ, tôi lại nghĩ: biết bao nhiêu óc thông minh phải mai một ở trong ấy. Thực là một sự hoang phí vô cùng.”
Từ câu chuyện anh Trinh, tác giả nghĩ tiếp:
“Mọi người chúng ta có thể sống một cuộc đời đầy đủ, dồi dào, sung sướng gấp năm, gấp mười bây giờ. Sự hoang phí thì giờ, hoang phí nhân lực ở thời này không sao kể xiết.
Nhưng tưởng không có sự hoang phí nào bằng sự hoang phí tôi nói trên đầu bài này, vì hoang phí đây là hoang phí tinh thần.
Cứ đứng về phương diện loài người mà nói thì trên quả địa cầu không có gì quý bằng người ta. Cái tư bản lớn nhất của thế giới là người ta. Tôi nhớ như một nhà văn sĩ Pháp, Anatole France, đã nói: “Muốn tăng giá trị quả địa cầu, phải tăng giá trị con người ta” (Pour mettre le globe en valeur, il faut mettre l’homme en valeut).
Tác giả mơ ước:
“Tôi mơ ước một ngày - ngày ấy có lẽ tôi không được thấy- toàn thể loài người sẽ có thể phát triển mọi năng lực tự nhiên đã phú bẩm cho. Ngày ấy cuộc đời, sẽ rực rỡ gấp trăm ngàn ngày nay. Ngày nay biết bao nhiêu thiên tài chỉ vì không có cơ hội trau dồi mà không phát triển được; loài người bỏ phí mất một cái vốn tinh thần rất lớn.
Đã thế mà nhiều người gặp may được đi học lại thả giọng khinh bỉ, mạt sát người không học hay ít học, tưởng như mình là giống khác vậy. Lầm lắm đó các ông!”
Chúng ta còn có thể nhận thấy tấm lòng ưu ái của Hoài Thanh với người dân quê thời ấy qua rất nhiều bài víết khác trên Tràng An như: Nghề trồng bắp ở Trung kỳ (Tràng An số 8 ngày 3-1-1935), Tình cảnh dân làm muối rất đáng thương (Tràng An số 10 ngày 2-4-1935), Muốn trừ cái tệ hà hiếp dân gian: Nên cải cách hương thôn tự trị (Tràng An số 18 ngày 30-4-1935)...
Các bài viết chúng tôi vừa nhắc sơ qua ở trên tác giả còn viết với giọng ôn hòa với bọn cầm quyền lúc bấy giờ. Đến bài “ Hãy nhìn về nơi thôn quê” ở Tràng An số 58 ngày 17-9-1935, sau khi nêu rõ nỗi khổ cực ghê gớm của dân quê hồi ấy, Hoài Thanh mạnh mẽ cảnh báo bọn cầm quyền Pháp và Nam triều thời bấy giờ rằng:
“Thôn quê là nền tảng của xứ này. Bao nhiêu những cái rực rỡ ta trông thấy nơi thành thị, những nhà cửa nguy nga, những dinh thự lộng lẫy, chỉ là một lớp hào nhoáng mong manh đặt trên cái nền tảng xây bằng mười mấy triệu con người chân lấm tay bùn. Cái nền tảng đã mục nát như thế, phỏng những kẻ ung dung ngồi ở trên có ngồi đó được mãi chăng. Há không sợ một buổi mai kia cái nền tảng sẽ đổ mà cái tầng trên cũng đổ theo hay sao? Cho nên vấn đề sinh tồn của dân quê là vấn đề sinh tồn của hết thảy mọi hạng người trong nước, không quan tâm đến không xong.”
Hơn một tháng sau bài viết chúng tôi vừa trích dẫn trên, Hoài Thanh viết bài: “Cái họa bang tá ở Nghệ-Tĩnh” đăng trên Tràng An số 68 ngày 22-10-1935 ông lại cảnh báo:
“Thực mấy viên bang tá ở nhà quê lại muốn hách dịch hơn các quan bộ trưởng. Tài sản, tự do, tính mệnh dân quê trong tay bọn ấy, bấp bênh làm sao!
Chánh phủ có cái trách nhiệm bảo hộ tài sản, tự do và tính mệnh của dân, chúng tôi yêu cầu chánh phủ hãy vì dân mà bãi những chức bang tá ấy đi.
Các viên bang tá ở thôn quê vốn đặt ra để bắt cọng sản. Bây giờ không có cọng sản nữa cho họ bắt thành họ phải bắt quàng. Chúng tôi đã thấy những viên bang tá đâm ra bắt thuế, bắt rượu, bắt muối. Tuy vậy vẫn không đủ việc cho họ làm. Không có việc họ phải sinh việc ra để níu lấy một cái chức vị đã đưa đến cho họ sự ăn trên ngồi trước nơi đình làng và nhiều quyền lợi khác. Ngày trước vì cọng sản mà đặt ra bang tá, ngày nay lại chính bang tá sinh ra cọng sản. Cái họa cọng sản đẻ ra cái họa bang tá thì cũng còn cho đi là được, đến cái họa bang tá trở lại đẻ ra họa cọng sản thì thực là sự không hay trong mọi sự không hay!”
Đọc những dòng trích trên, tất nhiên chúng ta hiểu , trong hoàn cảnh làm báo “hợp pháp” bấy giờ, tác giả phải dùng cụm từ “cái họa cọng sản” cũng là điều dễ hiểu khi ta biết lùi về hơn 70 năm trước. Điều quan trọng ở đây là Hoài Thanh đã nhận ra (có lẽ bằng trực giác) cái chân lý mà chủ nghĩa Mác đã từng nêu ra: “Nơi nào có áp bức, nơi ấy có đấu tranh!”.
Hoài Thanh mong người dân mình phải khắc sâu lòng căm thù với bọn thực dân, phong kiến lúc bấy giờ để một ngày nào đó vùng lên thay đổi kiếp sống nhọc nhằn bị bọn cầm quyền giàu sang chà đạp, coi con người dân quê lam lũ như thú vật. Tôi thật ngạc nhiên khi đọc bài “Những điều không vui trong hội chợ Huế”. Bài này đăng trên Tràng An số 102, ngày 6-3-1936. Tác giả cho người đọc thấy nhiều cảnh rất thương tâm. Nào là cảnh: “Một đứa con gái nhỏ chừng mười một mười hai tuổi không biết làm thế nào để chui được vào trong Hội chợ. Áo quần nó rách những lỗ to, mặt nó bơ phờ. Trời chiều lạnh.” Em bé đó đã bị:“... một chú lính khố xanh - nắm tóc lôi ra và đánh túi bụi. Nó nằm lăn ra giữa đất, nó khóc, nó lạy, nó vẫn bị đánh. Nó xin trở lại lấy cái nón; người ta trả lời nó bằng mấy cái đấm chắc chắn của con nhà binh.
Ngoài đường có mụ bán nước kêu vói:“Đừng đánh nó, con điên đó mà!” Nó vẫn bị đánh. Như thường.”
Một cảnh khác, cảnh những con người bị coi như những con vật. Ngòi bút Hoài Thanh quặn lên đau đớn:
“Chỗ ấy, ngay trước mặt gian hàng các tỉnh Kontum, Pleiku. Mấy người Mọi ở Hội chợ! Có lẽ không bao giờ tôi quên họ đuợc. Hình như tôi đọc được trên vừng trán của họ, trong ánh sáng con mắt của họ những ý nghĩ đau khổ và giận dữ. Người ta đưa họ ra bày ở Hội chợ cùng với những súng, nỏ, những cái khiên bọc da của họ, những đồ tre, đồ gỗ, vừng, chè v. v... Họ cũng là một thứ hàng để mua vui cho công chúng. Ngày ngày hàng vạn người qua lại trước mặt họ, xúm lại chung quanh họ, công nhiên hạ những lời bình phẩm họ. Họ không nói một lời, họ cũng không buồn cử động. Tôi thấy một thiếu nữ Mọi có khuôn mặt xinh xinh ngồi yên đến hàng giờ đồng hồ như một bức tượng.
Công chúng nhìn họ, họ nhìn lại với nét mặt căm hờn, tức tối và khinh khi. Làm dân một giống hèn yếu, bất hạnh phải đưa làm trò chơi cho người khác giống mà vẫn giữ được phẩm cách ấy tôi tưởng chỉ có người Mọi. Giá người mình ở vào địa vị ấy thì sẽ ra thế nào? Mình sẽ bập bẹ tiếng người khác giống, sẽ xen lẫn vào với người khác giống và nhai lại những cử chỉ của họ. Phải chăng đó là sự bắt buộc của luật sinh tồn?”
Dưới ngòi bút Hoài Thanh, ông không che dấu lòng cảm phục những con người - những đồng bào chúng ta ở Tây Nguyên (hồi ấy người ta gọi một cách coi thường là “người Mọi”). Tác giả cũng nhân đấy mà trách những người dân mình - những người tự cho mình là “văn minh” hơn:
“Đi xem Hội chợ mà trí tôi vơ vẩn cứ so sánh người Mọi với người mình. Sự so sánh thực chẳng lấy gì làm vinh dự cho mình. Tôi thấy người mình, một bọn thiếu niên, cũng là người có đi học, họp nhau thành đoàn, thấy cô nào xinh xinh là chòng ghẹo một cách hết sức bất nhã. Có lần chúng vây một thiếu nữ rồi giằng khăn áo người ta đến nỗi rách tươm. Lần thì chúng ngoặc cổ người ta hay thốt ra những lời thô bỉ. Kinh đô Huế vốn có tiếng là nơi phong nhã mà bây giờ bỗng đưa ở đâu về những thói như vậy, thực là một điều đáng tiếc”
*
Ngòi bút Hoài Thanh không chỉ cảnh cáo bọn cầm quyền thực dân và Nam triều thời bấy giờ đàn áp, bóc lột dân quê mà thôi. Không ít lúc ngòi bút ông còn chĩa thẳng vào bọn chúng để vạch trần cái thói giả dối, lừa mị nhân dân ta của chúng.
Hồi ấy là thời khủng hoảng kinh tế, bọn Tây cho đổ lúa, gạo xuống biển để giữ giá, chúng còn pha chất độc vào lúa mì bán cho dân ta nuôi gia súc (người không ăn được loại lúa mì này). Tác giả tố cáo:
“Họ thấy gạo, thấy bắp của mình rẻ, họ mua về nuôi súc vật. Rồi ít lâu trở chứng họ lại không mua nữa. Mua thì mất tiền, cái đó cố nhiên. Họ không muốn mất tiền, họ nói với nhau:”Mấy thằng mọi bên An-nam có thức gì mình tống sang cho chúng nó, mình lấy tiền, chớ mình là người thượng quốc, tội gì lại xuất tiền ra mua của chúng nó.”
Lúa mì của họ nhiều; nhưng lúa mì tốt, giá mắc, không lẽ đem nuôi súc vật. Khó gì: tốt, họ làm cho xấu đi, giá cao, họ làm cho giá hạ đi. Họ phá chất (dénaturer) lúa mì. Chính phủ họ cũng xui dục họ phá chất lúa mì, cứ mỗi trăm kilos chính phủ cấp cho 40 quan. Lúa mì phá chất, người ăn không được , chỉ để nuôi súc vật, giá lại rất hạ, gạo với bắp ta không sao cạnh tranh nổi.
Tây họ văn minh rồi đến cái ác của họ cũng văn minh, cũng kỳ dị. Nhà quê An-nam chúng mình, hột cơm rơi xuống đất, còn tiếc, còn nhặt lên đưa vào miệng, bỏ phí đi còn sợ Thần Nông làm tội. Nhà quê Tây, của đương ngon lành, họ cố ý phá cho hư hỏng đi. Rồi lại có người xui họ,giúp tiền cho họ làm việc thất đức
Từ đầu năm đến giờ họ phá hơn 50 vạn tấn lúa không biết rồi họ còn phá mất bao nhiêu tấn nữa!
Tất có người hỏi sao các bác nhà quê Tây lại phải làm rắc rối như vậy, cứ để vậy mà cho súc vật ăn có đuợc không? Ấy mình nghĩ thế là mình không văn minh, người văn minh họ có những cái lý chẳng có lý gì hết. Họ có mười thúng lúa, nếu để nguyên, lúa nhiều tất giá lúa rẻ, họ chỉ để lại năm thúng, còn năm thúng nữa họ phá đi. Họ làm vậy, họ tìm cái lợi của họ, họ cũng khôn chán, nhưng cái xã hội dung thứ, xúi dục cho họ làm vậy thì ngu dại hết chỗ nói.” (Bài “Nhà quê Tây” Tràng An số 14 ngày 16-4-1935).
Tràng An số 15 ngày 19-4-1935, Hoài Thanh viết bài “Tây trắng đẻ ra An-nam, Tây đen và đủ các giống” mỉa mai cái mà thực dân Pháp tự xưng nước Pháp là “mẫu quốc” của các thuộc địa ở châu Á, châu Phi...: “Sự thực cái gia đình lớn hơn trăm triệu con người gồm mẫu quốc Pháp và các ...tử quốc An-nam, Phi châu thuộc Pháp, Ấn độ thuộc Pháp, Guadeloupe, Tahiti, Tuamotou vân vân là như thế “
Hoài Thanh còn viết một loạt bài đả kích thẳng chính quyền Bảo hộ và Nam triều như: “Cũng vì cái ô tô”: tác giả mỉa mai cái hèn hạ của một viên quan hay công chức gì đó của Nam triều vái theo chào một tên quan Tây vụt ô tô qua cái xe nhà (xe kéo) của hắn đang đi ở vệ đường. Bài “Từ tòa Khâm sang các bộ”:vạch mặt lối “chạy chọt” các “quan Tây” ở toà Khâm để mau được bổ làm quan các bộ Nam triều (Tràng An số 50 ngày 20-8-1935).
Bài “Người mình nói chuyện giáo dục” (Tràng An số 51 ngày 23-8-1935): tác giả châm biếm tờ báo “Sao mai” đề ra cái chủ trương “Pháp-Nam thân thiện” như vầy:
“Tuổi nhỏ là cái tuổi vui chơi đùa nghịch - bạn đồng nghiệp nói - ai tốt là bạn, ai xấu không chơi, chứ không biết phân biệt màu da ,phân biệt giai cấp; thế mà không cho chúng nó chung lộn với nhau thì lớn lên chúng nó không hiểu nhau, không cùng dắt tay nhau được...
Thế mà lạ thật, chính phủ là kẻ có trách nhiệm phải dìu dắt Pháp Nam lên con đường thân thiện lại không cho Pháp-Nam học chung với nhau một trường, mà người Nam hễ nhà khá có con học được thì lo chạy đủ cách sao cho con mình được vào học chung trường với trẻ con Pháp như trường Lyscée Albert Sarraut Hanoi đó. Xem thế đủ rõ bằng chứng rằng người Nam đã hiểu việc ích lợi của sự thân thiện trong hai dân tộc Pháp Nam; vậy mà chính phủ hiện chưa nhận thấy rõ được.”
Hoài Thanh mỉa mai:
“À! ra những nhà cho con vào học Lycée Albert Sarraut là vì tấm lòng sốt sắng của họ đối với vấn đề Pháp Nam thân thiện! Thế mới biết người mình bao giờ cũng sốt sắng với các chủ nghĩa. Tuy vậy bạn đồng nghiệp chớ vội trách người Tây; Tây họ cũng thực hành sự thân thiện, nhưng thực hành một cách khác có lẽ lại gắn vô hơn. Ấy là cách của các chú Săng-đá với chị em dưới xóm.
Dầu sao cái ý kiến của bạn đồng nghiệp muốn cho trẻ con Pháp và trẻ con Nam học chung với nhau là một ý kiến hay lắm. Nha Học chánh Đông Dương và bộ Giáo dục Nam triều sẽ không bỏ qua.
Có điều nha Học chánh và bộ Giáo dục chắc phải nhờ báo Sao mai soạn dùm cho mấy quyển sách giáo khoa.
Nếu không, ta sẽ được nghe những cậu bé tóc quăn mũi lõ cất giọng xì xồ xì xào đọc những bài học như lối sau này:
“Cha tôi ngày hai buổi vác cày ra đồng làm việc để nuôi tôi ăn học...”
Hay là những cậu bé An-nam trăm phần trăm đêm đêm tụng kinh:
“Nos ancêtres, les Gaulois,..Nos troupes ocupérent la citadelle et mirent en fuite l'armée annamite”(Tổ tiên chúng ta, người Gaulois...Quân lính chúng ta chiếm lấy thành trì và đánh đuổi tụi lính An-nam).
Thành ra khi không dân mình hoá ra dân một nước độc lập. Như vậy cũng oai nhưng hơi sai sự thật một tí.”
Bài “Lo làm gì thế, ông Hà Đằng?” nhắc tới chuyện ông nguyên viện trưởng viện Dân biểu Trung kỳ viết thư đòi chính phủ Pháp phải chọn một nguời Việt Nam vào nghị viện Pháp mà quên mất rằng: “.. Những chữ quốc quyền, giang sơn kèm với những chữ tây agent diplomatique, immunités diplomatiques khiến chúng tôi đã tưởng nước Nam chưa mất. Nhưng than ôi! Bức thư của ông Hà Đằng chỉ được cái vui tai! Còn sự thực? Sự thực ông không biết đến.
Sự thực là nuớc ta ngày nay mọi việc đều trong tay chính phủ Pháp.
... Người Pháp họ muốn đặt nguyên lão nghị viên cho Đông Dương chẳng qua là để thay mặt những người Pháp ở Đông Dương. Và lẽ cố nhiên chỉ người Pháp ở Đông Dương mới được quyền ứng cử và bầu cử. Đó là việc riêng của họ.
Ông Hà Đằng lo làm gì cho mệt.”
Bài “Nội các bình dân bên Pháp với dân ta” (Tràng An số 125 ngày 27-5-1936) Hoài Thanh đã có sự phân tích khá sắc sảo về bản chất chủ nghĩa thực dân đế quốc. Ông đặt vấn đề: dân ta không nên hy vọng gì nhiều vào chính phủ bình dân mới lên nắm quyền ở Pháp thời ấy. Ông đã dự cảm rất đúng:
“...Vậy thì đúng lý ra, nay đảng Xã hội lên cầm quyền một điều cần phải làm là giả lại quyền tự chủ cho các dân tộc bị chinh phục. Nhưng các bạn cũng thừa biết rằng cái lý không phải điều thường có
... Bởi vì lòng nhơn chẳng phải là điều chi phối mọi việc ở đời. Trong bài xã thuyết Tràng An kỳ trước có câu:” Cường quyền là sự thực, công lý là mộng tưởng. Mộng tưởng dù cao thượng cũng phải phục tùng sự thực”. Sự thực đây là các cường quốc ngày nay dầu đỏ, đen gì cững vậy không bao giờ tự mình lìa với các thuộc địa đâu.
Điều ấy ai cũng thừa bíết, tưởng không phải nói nhiều. Nhưng nhiều người còn hy vọng rằng nội các bình dân lên cầm quyền thì chính sách thực dân của nước Pháp sẽ có phần rộng rãi hơn. Nước Pháp sẽ cho thi hành ở đây những đạo luật bảo vệ cho người lao động, chính phủ Pháp sẽ đoái tưởng đến hạng người đói khổ ở xứ này, sẽ cho dân thuộc địa hưởng những quyền lợi không có hại gì đến người Pháp như tự do hội họp, tự do ngôn luận vân vân.
Chúng tôi cũng muốn hy vọng như vậy. Nhưng chúng tôi còn nhớ ông Varenne, một đảng viên đảng Xã hội Pháp, và cái sắc lệnh 1927 của ông về báo giới...Nhớ, thành chúng tôi không dám hy vọng nhiều.[7]
Thực ra, một nội các bình dân lên cầm quyền chính bên Pháp, chúng tôi vẫn ưng hơn là một nội các khác. Nhưng ưng với không ưng mà làm gì? Chúng tôi biết phận mình lắm mà!”.
Trong các bài viết của mình về việc Tây xâm chiếm và cai trị nước ta, Hoài Thanh đã vạch rõ được cái bản chất cướp nước, xâm luợc, tàn ác cùng với sự đàn áp dã man của chúng đối với dân ta trong các bài như; “Hăm ba tháng năm- ngày thất thủ kinh đô” (Tràng An số 33 ngày 21-6-1935), “Lệ quản thúc làm khổ người ta một cách vô ích” (Tràng An số 79 ngày 29-11-1935), vân vân và vân vân...
Hoài Thanh cũng không quên đề cao những người Pháp chân chính như nhà văn cọng sản Henri Barbusse. Tác giả ca ngợi ông là nhà văn có tài, có tấm lòng yêu thương con người cùng khổ, lên án chiến tranh phi nghĩa, ca ngợi những vần thơ hay về tình yêu, về thiên nhiên của Barbusse trong hai kỳ báo liền (Tràng Ansố 66 và 68 các ngày 15-10 và 22-10 - 1935).
Ông cũng đã hết sức đề cao tác phẩm “Indochina S. O. S” của nữ văn sĩ Pháp Andrée Viollis gọi tác phẩm ấy là “Một cuốn sách bạo”. Hoài Thanh viết:
“Bà André Viollis hơn số đông các bạn đồng nghiệp Ở chỗ bà không những xem những điều người ta muốn cho xem, bà còn tìm cách xem cho được những điều người ta muốn dấu nữa. Những người hoặc sinh trưởng ở xứ này hoặc ở lâu trong xứ này đối với bao nhiêu nỗi khổ cực của dân ta, như tuồng quen đi. Chính ta là người chịu cực khổ đôi lúc ta cũng như quen đi mà cho là thường.
Với tâm trí sáng suốt của một nguời hằng sống trong những không khí dễ thở hơn, bà André Viollis đã làm cho cảm động, ghê sợ, tức tối vì những điều ta vẫn biết mà ta cho là thường. Bà nhìn sự thực Đông Dương bằng một cặp mắt không thành kiến gì mờ ám, bằng một tấm lòng vô tư và giàu tình cảm.
Những cảnh tối tăm trong ngục thất, những cảnh nheo nhóc của đám người đói rét ở Vinh, những cảnh đau thương trong hồi dẹp loạn ở Nghệ - Tĩnh, dưới ngòi bút bình dị của bà tưởng ai xem cũng phải cảm động và nhận là đúng với sự thật.
Đúng với sự thật, đó là tư cách cốt yếu của một thiên phóng sự. Bà André Viollis có đủ tư cách này. Trừ một vài điều lầm nhỏ không đáng kể, thiên phóng sự này có thể gọi là hoàn toàn.”
*
Đọc đi đọc lại nhiều lần những bài viết của Hoài Thanh trên Tràng An hồi 1935, 1936 tôi càng ngạc nhiên về điều mà chúng ta thường gọi là “cái phông văn hoá”- cái nền tảng cần có về kiến thức văn hóa của mỗi người, nhất là của người mang danh là trí thức. Dù theo đuổi một ngành chuyên môn sâu nào dó “cái phông văn hóa” bao giờ cũng là hành trang không thể thiếu cho bất kỳ một ai.
Người ta thường nói: sự học ở nhà trường là rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là học ở ngay trường đời. Nguyên lý này đã được chứng minh cho vô số trường hợp cụ thể trong xã hội của nhiều thời đại - trên thế giới cũng như ở nước ta. Có một sự thực ai cũng thấy là ngay trong xã hội ta hiện nay, không hiếm người có bằng cấp rất cao nhưng “cái phông văn hóa” rất thấp, không ít người bị xem là “ngớ ngẩn” khi phải đối diện với những vấn đề văn hóa cụ thể, những vấn đề có khi chỉ bình thường, không có gì là “cao siêu” lắm.
Trở lại với các bài viết của Hoài Thanh hồi ông mới ở tuổi hai mươi lăm, hai mươi sáu. Tôi cứ ngạc nhiên hoài sao cái cậu “học trò nhà quê” tự kiếm sống để vừa nuôi gia đình, vừa đi học lại có sự hiểu biết nhiều đến thế: từ ngoại ngữ, toán học, khoa học cơ bản đến lịch sử, văn học cổ kim, đông tây đến triết học, văn hoá học v.v... cho đến cả những vấn đề thời sự chính trị, kinh tế,luật pháp... Chắc chắn là có không ít kiến thức Hoài Thanh thu nhận từ nhà trường thời bấy giờ (Hoài Thanh chỉ được học liên tục ở nhà trường từ tiểu học cho đến thi xong “đip-lôm”- tương dương tốt nghiệp trung học phổ thông bây giờ. Từ cấp tương đương trung học phổ thông hiện nay, Hoài Thanh tự học là chính, vì tham gia hoạt động chống đối chính quyền thực dân như đoạn đầu bài này đã nhắc tới). Điều chắc chắn nữa là Hoài Thanh đã học rất nhiều ở “trường đời” để trang bị cho mình một “cái phông văn hóa” khá vững chắc.
Các bài viết theo kiểu Hoài Thanh ưa thích - kiểu notes (tùy bút) - bộc lộ rất rõ tầm kiến thức khá rộng và cũng khá sâu sắc của ông trên nhiều lĩnh vực.
Giữ chuyên mục “Chuyện rông” (ký tên: Nhà Quê) trên báo Tràng An đồng thời tham gia viết tương đồi đều đặn các mục “ Có có không không”, “Chuyện văn chương”, “Văn nghệ”, “Phê bình” và các bài bình luận thời sự chính tri, thời sự quốc tế, kinh tế, xã hội, văn hoá, phong tục, lễ nghi v. v...
Đặc điểm khi cầm bút viết của Hoài Thanh là phải có điều gì muốn nói mới đặt bút viết. Từ một bài viết ngắn cho đến bài chuyên luận, bài phê bình, nghiên cứu... bao giờ Hoài Thanh cũng cẩn thận chăm chút cho ngòi bút của mình. Cách viết cũng là điều Hoài Thanh hết sức quan tâm. Viết về một sự kiện lịch sử như việc kinh đô Huế thất thủ, tác giả đã tìm hiểu qua nhiều nguồn tư liệu: từ sách báo đến các chuyện lưu truyền trong dân gian v.v. Từ cách tìm tư liệu ấy tác giả đã dựng lại một cách sinh động và đầy xúc động cảnh hãi hùng và bi tráng ngày kinh thành Huế thất thủ. Dịch rồi bình giải bài diễn văn của André Gide, tác giả dịch sát nghĩa từng từ mà vẫn thoát và hay - độc giả, kể cả những người hồi ấy đang tranh luận với Hoài Thanh cũng công nhận như vậy. . Điều đáng ngạc nhiên là tác giả đã đọc không chỉ hầu hết tác phẩm của Gide mà còn đọc rất kỹ nhiều nhà văn, nhà lý luận, triết gia châu Âu để đưa ra những điều bình giải xác đáng về sự phong phú, đa dạng và phức tạp trong tư tưởng và các tác phẩm của Gide. Viết về Henri Barbusse, về Phật giáo v. v... tác giả cũng đều giữ đúng tác phong nghiên cứu sâu sắc, kỹ càng và tìm được cách thể hiện đạt hiệu quả tối ưu theo ý mong muốn của mình.
Hơn một năm trời, Hoài Thanh đã viết hơn 100 bài dài ngắn khác nhau. Thường thì bài viết chuyên mục “Chuyện rông” chỉ chừng 300 đến 500 từ. Viết cho các chuyên mục khác thường cũng chỉ chừng một cột báo. Viết các bài chuyên luận thì dài hơn, có khi phải đăng đầy hơn hai trang báo (như bài” Hai ba tháng năm- ngày thất thủ kinh đô”) hoặc phải đăng hai kỳ báo (như bài “Phong triều Phật giáo phục hưng” hay bài viết về Henri Barbusse).
Bài viết nào của Hoài Thanh cũng mang đến cho người đọc một hoặc một vài thông điệp tác giả muốn được bạn đọc cùng chia sẻ. Do vậy độ dài ngắn của từng bài phụ thuộc rất chặt vào nội dung định nói.
Một bài “Chuyện rông”: “Chớ có chết trong thành Huế” (Tràng An số 5 ngày 15-3-1935) tác giả mô tả lại những quy định nhiêu khê của nhà cầm quyền ở Huế thời bấy giờ khiến người đọc muốn ...cười ra nước mắt! Tác giả cho biết:
“Vô luận người chết là quan hay dân cũng phải chịu chun dưới cầu Thanh Long cả. Tôi tưởng người chết mà còn tí tri giác chắc cũng lấy làm tủi nhục cho tấm hình hài mình còn lưu lại ít lâu trên đất này. Mới ngày nào ra vào tự do có khi lại nghênh ngang có lính gác bồng súng chào, mà bây giờ người ta tống đi như kẻ có tội, tệ hơn nữa, như một vật ô uế,thực tủi nhục, có thể chết đi được nếu như như chưa chết một lần rồi.
Nói chơi vậy thôi, chớ người chết khổ thì không lấy gì làm chắc. Có điều chắc là người sống khổ hết chỗ nói. Đưa quan tài xuống đò, rồi lại đưa quan tài lên đò. Người đưa đám cũng phải thuê đò đi theo. Trời nắng còn khá, trời mưa nữa mới rầy. Đường lối lên xuống bùn lầy, đò phải kết hai cái làm một, cất mái đi mới để được quan tài, thành ướt át rõ khổ. Lại khi gặp kỳ lụt nước to, phải đôi ba ngày nuớc rút mới đi được”
Tác giả kết luận chua xót:
“Thời bây giờ mà còn sự câu nệ như thế, có hơi vô lý một chút.
Thực ở xứ này sống đã chật vật đến chết cũng chưa yên.”
Cũng bàn về chuyện cái chết, Hoài Thanh có bàn về một đám ma thật và một đám ma giả. Đám ma thật là đám tang bà Khôn Nguyên Xương Minh hoàng thái hậu - bà nội vua Bảo Đại.
Tác giả tả đám ma này tuy là của bậc vua chúa nhưng chi là sự phóng to lên các nghi thức cùng với sự tăng khối lượng các thứ cờ quạt, minh sinh, hương án mà thôi. Vì vậy đám ma được dân chúng xúm nhau lại xem vui như xem hội. Tác giả nhận xét:
“Cả một hội đồng gồm mấy tiểu ban đặt ra để thảo chương trình; ngót một tháng trời các quan bộ Lễ làm ngày làm đêm không nghỉ. Tổn phí kể trên bảy ngàn đồng. Thế mà đám tang chẳng thấy có gì oai nghiêm. Người đi xem vẫn có cảm giác đi xem một ngày hội vui vẻ, một ngày lễ Nam giao hay một ngày mồng hai tháng năm chẳng hạn.Trách người đi xem chăng? Trách sao phải. Cái hình thức bao giờ cũng dễ cảm xúc người ta. Hình thức thế kia, son vàng chói lói, bảo người ta buồn sao được?
Nghĩ lại người mình kỳ thiệt. Vui buồn gì cũng chừng ấy lễ nghi. Cái chết, điều nghiêm trọng nhất trong một đời, người mình xem như là chuyện chơi vậy. Có kẻ lấy thế làm vinh dự cho chủng tộc vì đã biết khinh cái chết. Chúng tôi cho đó là cái chứng cớ chắc chắn rằng dân tộc mình là một dân tộc trẻ con; trẻ con đến nỗi không thể lý hội được sự nghiêm trọng của cái chết. Trong một bài thơ Tây, người ta thấy mấy đứa bé nô đùa bên xác chết, người mình cũng chung một tâm lý với mấy đứa bé con.
Lễ nghi là hình thức, tín ngưỡng là tinh thần. Ngày xưa người ta tin thì những lễ nghi có cái ý nghĩa của nó. Bây giờ ngay trong những người có cái phận sự thi hành lễ nghi còn mấy ai giữ được lòng tin? Còn mấy ai tin rằng đám tang không có minh sinh chẳng hạn thì sẽ xảy ra những điều không hay cho linh hồn người đã khuất? Đã thế thì cái minh sinh thành ra vô nghĩa. Tất cả tang nghi xưa, ngày nay thành ra vô nghĩa.
Vô nghĩa và chướng mắt, và trái với cái ý nghĩa sống chết nữa, như trên đã nói. Ai muốn tin tôn giáo nào, lý thuyết nào thì tin nhưng sống vui chết buồn là điều tự nhiên trong lòng người, không có tôn giáo nào, lý thuyết nào chống lại được. Lẽ tự nhiên như vậy, lễ nghi phải thích hợp với tự nhiên.
Làm sao ta lại không bắt chước lễ nghi đã giản dị mà có ý nghĩa của các nước. Những đám quốc tang ta thường thấy trên màn ảnh nó nghiêm trang, oai vệ biết chừng nào!”
(Lễ nghi cũng phải cải cách mới được- Tràng An số 87, ngày 27-12-1935)
Và mấy dòng trích sau đây là của Hoài Thanh ghi lại trong hội chợ Huế về một đám ma giả:
“Nghe đâu hiệu cho thuê ô tô đám ma có xin bày trong Hội chợ. Người ta không cho, vì lẽ gì chắc ai cũng hiểu. Thế rồi họ được phép làm một đám ma giả đi diễu khắp đường phố để... quảng cáo. Không cho phép bày trong Hội chợ mà cho phép đi ngoài đường phố thì cái tệ lại gấp hai.
Bạn đọc thử tuởng tượng một đám ma y hệt như đám ma thực, cũng nhà táng, cũng chiêng v.v. chỉ thiếu có người chết nằm trong quan tài, đi bước một khắp các đường phố. Một bọn vô lại thấy hay hay đi theo, có đứa lại rống tíếng khóc chơi:” Cha ơi là cha ơi!”. Cái cảnh tượng ấy diễn ra giữa lúc các đường phố đều chật ních người đi xem Hội chợ. Thực là nhố nhăng, thực là chướng mắt.
Nếu ở đời này có một điều nghiêm trọng, một điều khiến người ta e dè, điều ấy là cái chết. Đối với cái chết lòng kính trọng, lòng lo sợ của người ta là sự tự nhiên, cái chết không phải giống có thể đưa ra mà đùa, mà làm cuộc vui như vậy được.”
(Những điều không vui trong hội chợ Huế- Tràng An số 102 ngày 6-3-1936)
Đời sống, nếp sống văn hóa dân tộc là một trong những vấn đề được ngòi bút Hoài Thanh quan tâm khi viết trên báo Tràng An. Chúng ta có thể tìm thấy qua các bài viết: Mồng năm, Phong trào xem chuyện lịch sử, Xã hội dì ghẻ, Sung sướng mới tự tử, Một vài điều không nên có,Tương lai lễ Nam Giao v.v...
*
Hoài Thanh có những suy nghĩ khá độc đáo về đạo Phật trong bài viết: “Một quan niệm về đạo Phật: Đạo Phật của tôi” trên Tràng An số 21, ngày 10-5-1935.
Chúng ta đều biết, từ lâu rồi, thành phố Huế là một trung tâm Phật giáo của cả nước với rất nhiều chùa và tín đồ thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội. Hoài Thanh, sau 5 năm sống hòa mình trong cảnh sắc thiên nhiên và con người ỏ Huế, khi viết bài này ông chợt nhận ra: “Đạo Phật cũng như dòng nước sông Hương, ánh trời chiều trông tươi vui, ánh trăng lên trông huyền ảo, mà kẻ dạo chơi trên bờ sông, người chèo thuyền dưới sông, mỗi người, tùy vị trí của mình trông nước sông thấy một khác”. Tác giả cho rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo có đấng chí tôn sinh ra muôn loài mà là một triết thuyết về cuộc sống dựa trên một cơ sở khoa học. Ông viết:
“Riêng ý tôi, đạo Phật không phải là một tôn giáo. Đạo Phật là một cái thuyết về triết học, có căn cứ vững vàng vào khoa học.
Có người tinh ranh hỏi bà láng giềng tôi:“Bà tin đức Phật Tổ đem lòng từ bi cứu vớt chúng sinh ra khỏi thế giới khổ hạnh. Nhưng đức Phật Tổ của bà thật cũng lôi thôi. Đã có lòng thương muôn loài không muốn cho muôn loài chịu mọi điều đau đớn, sao lại còn bày vẽ ra thế giới khổ hạnh này làm gì? Tự mình tạo ra cái khổ rồi tự mình diệt đi, làm gì vậy?” Hỏi như thế là buộc cho Phật Tổ cái quyền tạo hoá mà vốn Phật Tổ không có. Đạo Phật là một đạo không có tạo hoá, không có một vị chí tôn gây dựng nên trời đất và muôn loài như thói thường trong các tôn giáo; một đạo vô thần vậy (une religion sans dieu). Trời đất và muôn loài tự nhiên vốn có như vậy, và cũng tự nhiên đi theo những luật bất di bất dịch từ ngàn xưa.
Luật cốt yếu trong đó là luật luân hồi nói một cách khác là luật nhân quả của các nhà khoa học. Nhân duyên nào thì kết quả ấy, không có sức gì, quyền gì thay đổi được. Phép cứu vớt chúng sinh cũng không có gì khác hơn là làm cho chúng sinh giác ngộ cái lẽ tự nhiên ấy và xử trí thế nào cho hợp lẽ.”
Trong một chuyên luận dài đăng liền hai kỳ báo (Tràng An số 43 và 44 các ngày 26 và 30-7-1935) mang tựa đề: “Phong triều Phật giáo phục hưng” Hoài Thanh đã nêu ra khá nhiều lý giải có sức thuyết phục. “Người ta và muôn vật muôn loài đều là hình thức của cái năng lực tiềm tàng[8] tràn lan trong vũ trụ. Năng lực ấy bản thể nó không phải là vật chất mà cũng không phải là tinh thần. Nên lý thuyết của nhà Phật không duy tâm mà cũng không duy vật vì Tâm và Vật xét cho cùng chỉ là một mà thôi. Năng lực ấy đại khái người ta có thể ví như một luồng điện.
Luồng điện rung động mãi mãi không thôi, khi mau, khi chậm khác nhau, theo đó, muôn vật muôn loài cũng mỗi khác nhau. Mỗi chúng ta chẳng hạn, đều do vô số phần tử rất nhỏ của năng lực kết lại, rung động theo một nhịp riêng.
Lúc chết tạm thời các phần tử ấy tan ra, nhưng theo hấp lực tự nhiên các phần tử sẽ kết lại sống một kiếp khác nó là kết quả kiếp đã qua và nhân duyên kiếp sắp tới.
Có điều ta nên biết là cái thuyết về nguyên tử (théorie atomique) của hoá học ngày nay có nhiều chỗ rất giống cái vũ trụ quan nhà Phật.”
Quan sát từ một tình hình đang diễn ra là thời ấy có một phong trào phục hưng Phật giáo khá rầm rộ. Nhiều hội đoàn của Phật tử được thành lập, nhiều sách báo, tạp chí nghiên cứu Phật học thi nhau ra mắt công chúng. Hoài Thanh cho rằng có phong trào ấy là do bởi ba nguyên nhân lớn: lòng tự ái của chủng tộc, lòng khát vọng một cái lý tưởng để theo và nạn kinh tế khủng hoảng.
Tác giả tỏ ra hết sức thận trọng khi viết bài này: “Vì chuyện có liên quan đến tín ngưỡng của mấy muơi vạn con người. Trong đó tuy có một số không ít những kẻ tin vờ, những phường lợi dụng, nhưng ai cũng phải nhận rằng phần đông vẫn sôi nổi một lòng tin thành thực cùng những hy vọng thiết tha. Mà lòng tín ngưỡng của người ta miễn là thành thực bao giờ cũng đáng kính trọng.”
Cũng như bài viết “Đạo Phật của tôi”, tác giả không bình phẩm, lý giải, phân tích gì về giáo lý của đạo Phật, về những nhà tu hành trụ trì ở các chùa, các nhà nghiên cứu Phật học mà chỉ quan tâm và bình luận về mặt ý nghĩa xã hội của phong trào. Đây là một cách tiếp cận đúng. Cũng thật đáng ngạc nhiên, cách đây hơn 70 năm mà tác giả có cách tiếp cận vấn đề tôn giáo không khác gì mấy với chính sách về tôn giáo của nhà nước ta hiện nay .
Theo Hoài Thanh, cái nguyên nhân đầu tiên khiến phong trào Phật giáo phục hưng là: “lòng tự ái chủng tộc”. Ông viết:
“Xét cho đúng, trong lòng hâm mộ đạo Phật của trí thức Việt Nam không phải không pha lẫn một tí lòng tự ái tự nhiên của chủng tộc.Người mình, hay nói rộng ra , tất cả các dân tộc yếu hèn châu Á, trong bao nhiêu thế kỷ nhắm mắt bàn việc thiên hạ, tự thánh tự thần, không còn xem ai vào đâu. Bất giác tiếp xúc với người Âu thấy muôn sự gì người ta cũng hơn mình, từ cái thân thể khoẻ mạnh, đều đặn của người ta cho đến tàu bay, tàu lặn cùng những học thuyết uyên thâm, những công nghiệp vĩ đại.
Trên lý thuyết, trí khôn mình không kịp người ta; chung tay vào việc làm, mình khờ khạo không bằng người ta, thậm chí có lấy sức vũ phu đấu với nhau, mình cũng yếu khôn địch nổi người ta. Nhìn trước nhìn sau người mình không còn thấy một ưu điểm nào hết, không còn biết vin vào đâu để tự an ủi lấy một vài phần.
Thì may sao có đạo Phật. Người mình xem sách Tây thấy Tây họ cũng nghiên cứu đạo Phật cùng với nhiều tôn giáo, nhiều học thuyết khác. Mình có thì giờ đâu mà so sánh, mà chọn lựa các tôn giáo các học thuyết.Triết lý đạo Phật sách Tây có nói đến, hơn thế nữa một vài nhà trí thức phương Tây muốn lập dị lại còn khen triết lý đạo Phật là uyên thâm nữa. Thế đủ rồi. Đủ cho làng trí thức Việt Nam vin lấy đạo Phật như người chết đuối vin lấy tấm gỗ trôi trên mặt nước mà tự nói cùng mình và cùng mọi người: “Ta không đến nỗi hoàn toàn thua kém. Ta cũng có cái hay của ta.” Đạo Phật vẫn không phải của ta. Nhưng hơn ngàn năm đạo Phật nhập tịch đất nước này thế cũng đủ cho người mình chiếm lấy làm của sở hữu, có thể đua khoe với người và tự an ủi mình để giữ lấy mong muốn một cái lòng tự ái tự trọng nó đang trôi theo dòng nước.
Cho nên nếu bảo rằng phong triều phục hưng Phật giáo có bà con xa gần với tinh thần chủng tộc tự giác và tư tưởng quốc gia mới phôi thai lên, tưởng không xa sự thực mấy.”
Về nguyên nhân thứ hai: “lòng khát vọng một cái lý tưởng để theo” tác giả cho rằng đa số quần chúng đều mơ ước có một cuộc đời tốt đẹp hơn, chi ít cũng xây dựng cho mình một niềm tin vào Đấng linh thiêng sẽ cứu rỗi cuộc đời mình. Niềm tin ấy rất đáng trân trọng.:
“....Gia dĩ người ta phàm có biết suy nghĩ ít nhiều không thể sống một cuộc đời bông lông kéo dài theo ngày tháng, không mục đích để theo đuổi không chủ nghĩa để phụng thờ. Sống như thế chẳng bao lâu,người ta sẽ thấy chán đời, chán mình, khinh mình. Phần thiêng liêng trong tâm linh người ta buộc người ta phải vượt mình ra ngoài những sự nhỏ nhen, tầm thường hàng ngày. Cuộc đời cần phải có ý nghĩa, cần phải hiến cho một cái lý tưởng cao rộng hơn cái phạm vi chật hẹp của một đời, một người...
Trở lên là nói hạng trí thức. Nhưng nếu chỉ có hạng trí thức thì sự hâm mộ đạo Phật không thành được phong triều. Đạo Phật cũng như hết thảy các tôn giáo đều tìm số đông tín đồ trong quần chúng. Mà quần chúng thì ở đâu cũng vậy và bao giờ cũng vậy đi theo đạo chỉ vì một lẽ: theo đạo để mua lấy một cái hạnh phúc dưới đời này không tìm thấy. Lẽ này là quan trọng hơn cả. Bản tính người ta vốn chẳng tin gì những sự vơ vẩn không đâu, người ta tin ở những sự thực mắt thấy tai nghe hơn. Nhưng mỗi khi sự thực không đủ cho người ta thỏa mãn, người ta liền mượn những sự mộng tưởng huyền ảo thay vào. Giá thử người ta không bao giờ đói rét, không bao giờ đau ốm, không bao giờ gặp những cảnh thương tâm thì có lẽ không ai theo đạo. Trái lại, càng khổ cực nhiều, càng hay mục kích những tai biến bất kỳ nó vượt ra ngoài sức thao túng của loài người, người ta lại càng dễ tin ở mọi sức mạnh vô hình.”
Về nguyên nhân thứ ba: nạn kinh tế khủng hoảng. Tác giả viết với một giọng văn vừa bi lại vừa hài như muốn tỏ bày niềm xúc động về những bi hài kịch trong xã hội thời bấy giờ:
“Chẳng phải đi tìm chứng cớ xa xôi, ngay như gần đây cũng chỉ từ lúc trong nước có những sự khốn nạn về kinh tế về chính trị kế tiếp nhau không thôi, sự hâm mộ đạo Phật mới thành phong triều tràn khắp trong nước. Những việc đổ máu ở ngoài Bắc chưa xong tiếp đến các cuộc biểu tình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Nam kỳ, bao nhiêu người bị tội tù.[9] Cha khóc con, vợ khóc chồng nước mắt chưa ráo thì lại phải lo sự sống vật chất ngày một éo le. Nào gió bão, nào nước lụt, rồi buôn bán thua lỗ, trăm công nghìn nghề đều đình trễ. Những nhà giàu có hàng ngàn mẫu ruộng, trong tay tư bản trên mấy chục muôn nhất đán đều lung lay. Những gia tài cơ sở vững chãi tưởng chừng không có sức gì di dịch được nhất đán đều bị lôi cuốn trong làn sóng khủng hoảng. Cái hạnh phúc chắc chắn nhất ở đời này, cái hạnh phúc do tiền tài trao cho người ta, người ta không thể tin được nữa? Kinh dinh việc này việc khác mà làm gì? Bao nhiêu người cần lao, bao nhiêu người chân lấm tay bùn làm ăn cần mẫn khôn ngoan vẫn không kiếm đủ ngày hai bữa cơm, mùa vài manh áo, vẫn không bảo đảm được ngày mai! Ngày mai! Ai còn biết ngày mai sẽ đưa tới những tai nạn gì?
Người ta không dám tin ở ngày mai, người ta không dám tin ở trí khôn, ở sức khoẻ của người ta cùng những sự làm ăn bình thường từ trước đến giờ nó vẫn đưa đến cho người ta một cái hạnh phúc tầm thường mà chắc chắn. Người ta chỉ tin ở sự may rủi. Người ta đi tìm hạnh phúc trong sự may rủi. Nát Bàn và mọi sự sung sướng ở kiếp sau đều là sự may rủi, may thì có, rủi thì không. Người ta thắp hương, người ta tụng kinh cũng như người ta mua vé xổ số, may trúng số mười vạn, không may không trúng cũng chẳng sao. Thực ra, thắp hương tụng kinh mà mong vào Nát Bàn nào có chắc gì hơn mua một vé xổ số mà mong trúng số mười vạn! Nhưng kiếp này rồi còn kiếp sau, xổ số này rồi còn xổ số sau.
Phật giáo được hâm mộ và cuộc xổ số Đông Dương được hoan nghênh cùng do một nguyên nhân và trong đạo Trời cũng như trong cuộc xổ số Đông Dương, luật luân hồi là một luật vô cùng tận.”
*
Phần hai của bài viết dược đăng ở kỳ báo tiếp theo, tác giả muốn gửi tới các bạn thanh niên thời bấy giờ một thông điệp về lẽ sống, về thái độ của người thanh niên trước một bối cảnh xã hội “mờ mờ nhân ảnh” lúc bấy giờ.
Một lần nữa tác giả bày tỏ sự thận trọng của mình đối với phong trào phục hưng Phật giáo: “trong lúc xét cỗi gốc một phong triều, chúng tôi hết sức giữ trung lập, chỉ cốt tìm chân lý và không hề phụ thêm lời bài xích hay phê bình. Chúng tôi không phải tín đồ đạo Phật, nhưng đối với lòng tín ngưỡng của bao nhêu người, chúng tôi rất kính cẩn và không muốn xâm phạm đến một cách trái lễ.”
Tác giả nói rõ chỗ đứng của mình trên vấn đề này là: “ ...chúng tôi không bình phẩm giáo lý đạo Phật, chúng tôi chỉ nói cái đạo Phật giữa đời, đạo Phật của các nhà tu và của các môn đệ thực hành xưa nay mà thôi. Chúng tôi không đứng về phương diện siêu hình học, chúng tôi chỉ đứng về phương diện xã hội. Cái thuyết siêu hình của đạo Phật hoặc là một thuyết đúng với chân lý cũng nên. Nhưng đúng hay không đúng, chúng tôi không cần biết. Chúng tôi chỉ biết cái đạo Phật có người tin, có người theo. Một đạo lý dẫu hay mà chưa hề có ai tin theo thì đối với xã hội cũng như không có. Không có không cần nói đến”.
Điều tác giả quan tâm không phải là học thuyết Phật giáo có từ thời Phật Tổ hơn 2500 năm trước cùng với vô vàn kinh kệ và các pho giáo lý, các sách thuyết lý còn lưu giữ và phát triển không ngừng cho đến hiện nay. Tác giả chỉ bàn về những điều trái lý lẽ trong cái đạo Phật đang được thực hành trong xã hội hiện tại.
Tác giả có nhắc đến một sự trái lẽ của đạo lý nhà chùa trong tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng:
“Ai xem Hồn bướm mơ tiên mà không lưu luyến không say sưa vì cảnh chùa? Nhưng càng mến cảnh chùa, người ta càng giận đạo lý nhà chùa đã lạnh lùng ngăn đón hạnh phúc của đôi lứa thiếu niên, Lan và Ngọc. Nhân danh một cái đạo lý khô khan và trái với sự sống, một đôi trai gái trẻ trung, ngây thơ, yêu nhau đến cực điểm phải dằn lòng đoạn tuyệt với bao nhiêu cái vui nồng nàn của ái tình và của cuộc đời hoạt động.
Hồn bướm mơ tiên chỉ nêu một sự trái lẽ. Trong đạo Phật còn bao nhiêu sự trái lẽ phải, trái với lẽ sống”
Theo tác giả, cái “đạo Phật thứ hai”- không phải học thuyết Phật giáo- đang được thực hành lúc bấy giờ có nhiều sự “trái lẽ phải, trái với lẽ sống”.
Tác giả phản biện rằng: “Đã phân tách ra đạo Phật trong lý thuyết của Phật tổ cùng đạo Phật thực hành của người đời và dẹp cái đạo Phật thứ nhất về một bên, chúng tôi không còn ngần ngại gì mà không quả quyết nói rằng đạo Phật thứ hai này có nhiều điều trái với sự sống. Một chứng cớ chắc chắn cho lời nói của chúng tôi là nếu khắp cả các dân tộc tự nhiên đua nhau theo đạo Phật, đua nhau theo một cách triệt để, nghĩa là vào chùa đi tu thì loài ngưòi trong một thời gian rất ngắn sẽ lên cõi Nát Bàn hết, hay nói cho rõ ra, sẽ chết đói hết, chẳng còn ai sống nữa để đi tu”
Tác giả không tán thành cái thái độ xa lánh cuộc đời, xa lánh thực tế cuộc sống là điều không hợp với các quy luật của tự nhiên và xã hội từ bao đời nay:
“Sự thực, cuộc đời như một con sông, vẫn lặng lẽ đi theo con đường của nó từ xưa đến nay, không có lý thuyết nào ngăn đón được, không có sức gì lay chuyển được. Những luật chi phối cuộc đời là những luật bất di bất dịch, không có vì một lẽ gì mà thay đổi. Lý thuyết nào trái với các luật ấy nhất thiết sẽ bị xô đổ cùng với bao nhiêu người tựa vào nó..
... Chân lý ở trước mắt ta chung quanh mình ta, ở trong cuộc đời thực tế phong ba rộn rịp, xán lạn, huy hoàng, trong những kỳ công của khoa học, những sự nghiệp bất hủ, những nỗi vui sướng cùng những nỗi đau thương của loài người, từ khi có loài người. Trong thế giới hữu sấc, hữu hình và hữu tình vậy. Chúng tôi sống trong thế giới này một cuộc đời nồng nàn mà say sưa. Rồi một ngày kia thế giới có tan ra, chúng tôi sẽ thản nhiên đi vào chốn hư vô, không phàn nàn, không nhớ tiếc. Vũ trụ này cùng với loài người và mọi loài nếu chỉ làm một vì sao băng trong đêm tối rồi vụt biến đi không trở lại cũng đủ rồi. Chúng tôi không muốn hy vọng hơn nữa”.
Bàn về đạo Phật, về phong trào phục hưng Phật giáo, thực ra Hoài Thanh muốn kêu gọi các bạn trẻ cần phải có một sự dấn thân vào cuộc sống, vào công việc xã hội phù hợp với lẽ phải, vói quy luật của đời sống. Tác giả không đồng tình với thái độ thoát ly đời sống, tự khoác cho mình chiếc áo “vô vi” ngoảnh mặt làm ngơ trước mọi bất công của xã hội.
Trước một vấn đề phức tạp mang tính xã hội rộng rãi là phong trào phục hưng Phật giáo thời bấy giờ, ngòi bút Hoài Thanh quả là có bản lĩnh vững vàng. Bản lĩnh ấy không phải do “lên gân” hoặc “lên mặt dạy đời” mà rất mềm mại, có lý, có tình dễ đi được vào lòng nguời. Cuối bài, tác giả bày tỏ một sự chia sẻ, cảm thông rất chân thật:
“Chúng tôi viết bài này cốt nhắn nhủ riêng các bạn thanh niên. Chúng tôi không muốn khuyên những người có tuổi mà bao nhiêu sự đau khổ ở đời đã gửi vào nơi cửa Phật. Những người ấy xã hội nên để cho họ yên. Họ trở về với đời không có gì cho đời mà thêm khổ họ. Cứ để họ trông nom cho ngôi chùa, giữ lại cho khách viếng chùa cái thi vị bóng hoàng hôn trên đồi sắn cùng tiếng mõ, mùi hương trong giây phút có thể làm người ta quên những sự mệt nhọc của cuộc đời huyên náo thì cũng là một điều hay”.
*
“Mục đích rõ rệt và tự nhiên của sự sống, là sự sống. Chúng tôi nói thêm: mục đích ấy tự nhiên và chính đáng và nên theo.
Phải tin ở sự sống, phải hăng hái sống, phải làm thế nào cho cái đời của ta và của mọi người chung quanh ta ngày một đầy đủ thêm, dồi dào thêm, đẹp đẽ thêm: đó là một tín ngưỡng căn bản.
Tín ngưỡng ấy vứt đi, bao nhiêu việc lớn lao xưa nay vứt đi hết. Vì vô nghĩa. Cả lâu đài văn minh, đồ sộ, đã dựng lên bởi bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, bao nhiêu sự đau đớn, bao nhiêu sinh mạng, cũng thành ra vô nghĩa.”
Trên đây là mấy câu trích trong bài “Ý nghĩa đời người” mà Hoài Thanh đã viết từ năm 1936 trong bài mở đầu cuốn “Văn chương và hành động”. Tôi nghĩ, đây chính là niềm tin để sống trong một xã hội ngột ngạt thời Hoài Thanh viết báo Tràng An.
Hoài Thanh dành cho mình một số thời gian để đi tìm vẻ đẹp văn chương - một vẻ đẹp theo ông là thuần khiết của tâm hồn con người. Vẻ đẹp ấy có năng lực làm cho con người tạm thời yên ổn trước mọi căng thẳng trong cuộc sống thường ngày. Được đắm mình, hòa tâm hồn mình trong vẻ đẹp tâm hồn người cùng cảnh sắc tuyệt vời của thiên nhiên là một niềm vui của cuộc sống. “Cái hay trong văn chương nó nhẹ nhàng, nó huyền diệu lắm.Nếu có thể ví được, chúng tôi sẽ ví nó như con bướm xinh đậu trên bông hoa tuơi thắm, hay vừng trăng vàng nhấp nhô trên mặt nước sông Hương. Một tiếng động, một hơi gió có thể làm cho con bướm sợ, cho ánh trăng tan” (“Phong trào xem chuyện lịch sử”- Tràng An số 32 ngày18-6-1935)
Trong mục “Chuyện rông” ở Tràng An số 7(22-3-1935) dưới bút danh “Nhà Quê”, Hoài Thanh dựng lên một cuộc đối thoại giữa một tín đồ sùng đạo Phật với người bạn ngoại đạo của mình về sự đối chọi giữa hai quan niệm sống . Ông bạn sùng đạo thì cho rằng cần thoát tục để thoát mọi nỗi phiền muộn ở đời. Ví như đừng yêu hoa vì hoa rồi tàn héo thì sẽ buồn; đừng sa vào tình ái vì khi tan vỡ lại khổ đau v. v.
Người bạn yêu đời cãi lại rằng: “Thì chúng tôi vẫn biết thế mà ai ngu độn đến thế nào lại không biết một sự hiển nhiên như thế, nhưng chúng tôi vẫn cứ yêu hoa. Bông hoa như thế kia anh bảo không yêu sao được? Chúng tôi lại yêu hoa hơn vì chúng tôi biết hoa thường hiện ở đời này trong chốc lát thôi. Cái Hay, cái Đẹp cần gì phải lâu bền mới hay, mới đẹp”
Bạn của vị tín đồ cãi tiếp về sự đau khổ trên đời
“...Chúng tôi không sợ cái đau đớn. Một thế giới không có sự đau đớn mà cũng vắng những tiếng cười thành thực, vui vẻ, thiếu những tính tình nồng nàn, là một cái thế giới chết. Thú thanh nhàn là thú của người già, người bệnh. Các anh thấy chúng tôi có khi buồn, có khi khóc, các anh thương hại. Xin cảm ơn. Nhưng chính các anh mới thực đáng thương hại vì các anh nhát gan, các anh đã hững hờ với bao nhiêu cái hay, cái đẹp ở đời. Khóc chưa phải là khổ, không biết cười, không biết khóc mới thực là khổ. Có như vậy mới là sống thực.”
Trong bài “Sông Hương” (Tràng An số 12 ngày 9-4-1935) nhân vật Niên (phải chăng chính là tác giả?) ngồi bên bờ sông Hương suy nghĩ miên man về đất trời về vũ trụ:
“...ngày nào, ngày nào, một ngày đã lâu lắm, trong một vùng hoang vu, mù bay sương phủ, luồng gió nhẹ lướt đám cỏ bồ làm rơi những giọt sương xuống dòng nước suối róc rách. Rồi từ đó giọt sương đi. Đi ra chốn sóng ngang trời, mênh mông, hung dữ.
Niên tin rằng giọt sương cũng biết vậy. Chẳng thế sao mãi bây giờ mới tới đây như còn dùng dằng lưu luyến những đám cỏ bồ hoa thơm, những chốn núi non lặng lẽ, những làng mạc êm đềm ấm áp như tổ chim cùng những đền, những tháp, những thành quách, lâu đài đã lần lượt in bóng trong mình sương?
... Xa xa mấy ngọn đèn điện bên vệ đường buông xuống dòng sông những cây sào vàng song song, dập dờn, rung rinh. Niên ngắm cảnh, Niên tiếc, Niên sợ: một hơi gió, một làn sóng là có thể phá tan cảnh đẹp trước mắt Niên.Trong lúc đó Niên có cái cảm giác vũ trụ vô cùng hoang phí mà cũng vô cùng dồi dào. Bao nhiêu cái xán lạn, cái rực rỡ, cái yêu kiều tạo ra trong nháy mắt, trong nháy mắt lại thu đi một cách điềm nhiên vô ý thức...”
Nhưng rồi cuộc đời thực kéo suy nghĩ của Niên về với thực tại:
“Mườì một giờ. Một tiếng còi tàu dài rồi những tiếng hậm hực, những tia lửa tung trong bóng tối. Cảnh ấy Niên còn lạ gì nhưng sao hôm nay trông có chiều ghê sợ vậy? Niên mơ màng như vụt nhớ cảnh mặt trời mọc ở một thế giới u ám, lạ lùng nào. Lúc chíếc tàu xào xạc đi qua cầu Bạch Hổ, Niên thấy rõ ràng cái vẻ khủng khiếp, hãi hùng của dòng sông, Niên thoáng nghe tiếng ai rên rỉ…”
Đọc mấy dòng trích trên tôi cứ liên tưởng hoài đến những câu thơ cùng thời của Xuân Diệu:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
......
Nhưng rồi nhà thi sĩ, ở một bài thơ khác, ông cay đắng nhận ra:
Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ
*
Kiểu cảm nhận vẻ đẹp của tâm hồn con người qua văn chương (văn chương hay, tất nhiên!), cảm nhận cái hùng vĩ, xán lạn, huy hoàng vô cùng vô tận của vũ trụ, cảnh sắc nên thơ của non nước, trời mây... một cách đắm say khiến cho có thời Hoài Thanh bị “kết tội” là “chủ soái” của cái gọi là thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật! (Cái “chức“ chủ soái này là do một số người có ý mỉa mai phong cho ông. Hoài Thanh chưa bao giờ nhận mình là người khởi xướng hoặc theo lý thuyết này. Xin xem bài “Một buổi nói chuyện nghệ thuật” Tràng An số 118 ngày 28-4-1936. Bài có in trong sách này.)
Hoài Thanh có thực sự là đồ đệ của thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật” do Théophile Gautier đề xướng và đã được một vài nhà văn danh tiếng Âu châu nhiệt liệt tán thành hồi thế kỷ XIX không? Về vấn đề này, tôi không muốn và thấy không cần bàn ở bài viết này. Bởi vì, công cuộc Đổi Mới được khởi xướng từ 1986 đến nay đã hơn hai mươi năm. Toàn bộ các lĩnh vực của xã hội và đời sống tinh thần của nhân dân ta đã chuyển động theo hướng tích cực của sự nghiệp Đổi mới. Nhiều giá trị văn chương trước đây từng bị phê phán hoặc bị vùi dập oan uổng nay đã được trả lại vẹn nguyên giá trị và đã góp phần đáng kể, đáng tự hào cho nền văn học dân tộc Việt Nam cận-hiện đại. Từ 1988 và cho tới nay, Thi nhân Việt Nam đã tái bản trên 40 lần với vài chục vạn bản; rồi Văn chương và hành động cùng với các bài Hoài Thanh viết trong cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị...” cũng đã được tái bản hoặc có mặt trong nhiều hợp tuyển, nhiều công trình nghiên cứu, được công bố rộng rãi. Hiện tượng ấy mang nhiều ý nghĩa tích cực. Thiết tưởng tôi không cần phải nói gì thêm.
Hoài Thanh đã được “giải oan” khá nhiều qua các công trình nghiên cứu của nhiều giáo sư, nhà lý luận, nhà khoa học và cả các bài viết về ông của nhiều nhà văn cùng thời hoặc thuộc thế hệ sau ông. Hầu hết mọi người đều đã công nhận ông là một nhà văn, nhà nghệ sĩ, nhà văn hoá chân chính, một chiến sĩ tiên phong trên trận địa văn nghệ cách mạng. Giải thưởng cao quý - giải Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật - Nhà nước truy tặng ông là một sự khẳng định mạnh mẽ công lao của Hoài Thanh đối với nền văn học dân tộc, nền văn học cách mạng.
Tôi chỉ xin nói rõ thêm một vài điều về cuộc tranh luận ngày xưa ấy theo sự tìm hiểu qua nhiều tư liệu tôi có trong tay.
Lâu nay nhiều người cứ lầm tưởng Hoài Thanh tham gia tranh luận rất... ồn ào. Các bạn thử đọc lại các tư liệu, sách báo viết về cuộc tranh luận sẽ nhận ra Hoài Thanh không “ồn ào” một chút nào. Có ồn ào, nhưng là nhiều người khác ồn ào, thậm chí không ít người la to, hét lớn... Với Hoài Thanh, trong cuộc tranh luận này ông chỉ trực tiếp đối thoại với “đối phuơng” vẻn vẹn có 4 bài: “Văn chương là văn chương (Tràng An số 48 ngày 13-8-1935); Tiếp theo bài “Văn chương là văn chương” (Tràng An số 62 ngày 1-10-1935); “Chấm dấu hết cho một cuộc biện luận” (Tràng An số 70 ngày 29-10-1935; và bài cuối:”Một lời vu cáo đê hèn” (Tràng An số 80 ngày 3-12-1935). (Bài: “Một bài diễn văn tối quan trọng về văn hóa” dịch toàn văn bài diễn văn của A. Gide đọc tại Hội nghị nhà văn quốc tế ngày 22-7-1935 kèm theo lời bình giải bài diễn văn ấy của Hoài Thanh, đăng trên Tràng An số 82 ngày 10-12-1935 chỉ nên xem là một bài đối thoại gián tiếp chứ không phải là bài tranh luận trực tiếp. Bài này đã in lại trong phần “Phụ lục” của cuốn “Văn chương và hành động” để Hoài Thanh bày tỏ sự đồng quan điểm với A. Gide trong quan niệm về văn chương). Ngoài các bài vừa kể trên, Hoài Thanh có viết trên báo Tràng An số 93 ngày 21-1-1936 bài “Trả lời ông Phan Văn Hùm”. Đây không phải là một bài tranh luận mà chỉ bày tỏ với ông Hùm rằng tác giả không hiểu ông Hùm muốn nói gì nên không trao đổi được với ông. Tác giả luôn kính trọng ông, xem ông là người có thực tâm trong cuộc tranh luận hồi 1935.
Hoài Thanh tự chấm dấu hết cho cuộc tranh biện mà ông cho là vô bổ. Từ khi nó nổ ra trực diện với Hoài Thanh là tháng 8-1936 thì hơn hai tháng sau, với bài viết thứ tư, Hoài Thanh im tiếng. Ông viết “ Văn chương và hành động”(giữa năm 1936) với mong muốn mượn sách nói một cách ôn hoà, thành thực để đáp lời cãi vã mạnh mẽ và có phần quy tội nặng nề cho Hoài Thanh của “chiến tuyến hợp nhất’ lác đác kéo dài cho tới tận năm 1939. Tiếc thay, “Văn chương và hành động” không làm được cái việc Hoài Thanh mong muốn vì nó bị cấm ngay từ lúc sách mới in xong, chưa kịp phát hành. Một vài đoạn trong cuốn sách ấy được đăng lẻ tẻ trên Tao Đàn, Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội báo không đạt hiệu quả mong muốn của tác giả.
Hơn bảy mươi năm đã qua rồi. Các bài tranh biện của cả hai bên đã được công bố rộng rãi.
Người đọc ngày nay rất dễ nhận ra cái điểm đồng quy, điểm đúng của cả hai bên mà sao hồi ấy lại cứ phải cãi nhau, thậm chí "kết tội" này nọ cho nhau?
Tôi tạm tưởng tượng ra một câu chuyện “cổ tích tân thời” có tính chất “minh họa thô sơ” về cuộc tranh luận ngày xa xưa ấy cho vui:
“...Có một ông già dễ thường đến nay đã trên một trăm tuổi kể rằng: một hôm, ông đi vào một quán cơm quen thuộc ăn trưa theo lệ thường. Ngồi cùng bàn với ông là một chàng thanh niên mang dáng vẻ nhà quê nhưng từ cách ăn mặc cho đến lời ăn, cử chỉ. xem ra là người có học thức. Ông già đoán có lẽ anh chàng này hẳn là đang làm thuê cho ông chủ giàu có nào đó nhưng chắc lương không cao nên chỉ thấy chàng gọi cơm với món canh hến. Chàng ta cứ tấm tắc khen ông chủ quán có cách nấu cơm thật ngon và khéo. Và cái món canh hến cũng quá ngon và rẻ. Ông già cũng tán thưởng và đồng tình với lời khen của cậu thanh niên. Cả hai cùng cười vui ha hả. Ở bàn bên cạnh, có một nhóm người có vẻ là dân thành phố vì nhìn mâm cơm của họ thấy có nhiều món ăn đắt tiền hơn nhiều lần món cơm và canh hến của hai người. Bỗng đâu có mấy người ở bàn bên nhảy sang chỉ mặt chàng thanh niên nói to: “Cậu chỉ biết khen cách nấu ăn của quán này là sai. Cậu phải biết: cơm ngon “dẻo thơm một hột” như vậy là ”đắng cay muôn phần” không?”. Chàng thanh niên còn chưa kịp hiểu tại sao khi không lại có chuyện đắng cay trong hột cơm thì bị mấy người kia bồi thêm:” Không có người nông dân vất vả, đổ mồ hôi, sôi nước mắt thì làm sao mà có cơm cho cậu ăn? Chỉ có bọn nhà giàu các cậu mới bày ra cái kiểu nấu nướng phải thế này, phải thế kia thì mới ngon mà không hiểu gì nỗi khổ của người làm ra lúa gạo”.
Sẵn máu hung hăng, hiếu thắng của tuổi trẻ nên họ cãi nhau to tiếng. Chán quá, chàng thanh niên bỏ dở bữa cơm với canh hến đang ngon miệng và chỉ nói lại một câu: “Hạt lúa, hột cơm từ người chân lấm tay bùn làm ra ai mà chả biết. Nhưng cũng hạt gạo ấy mà có người nấu thành một thứ cơm “trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhoét” thì ai mà nuốt nổi?”
Ông già kể tiếp: “Nghe đâu trong một thời gian dài, mấy người mắng chàng thanh niên nhà quê ấy còn tiếp tục xỉ vả chàng là theo kiểu cách ăn uống của bọn nhà giàu, bênh cho bọn nhà giàu v.v..” “ Còn chàng thanh niên – ông già kể tiếp – hoá ra chẳng phải là ai xa lạ: đó là người ông vẫn đọc đuợc những bài báo của cậu bênh vực dân quê, chửi bọn giàu sang bóc lột dân quê. Cậu ấy thường ký tên duới các bài viết của mình là Nhà Quê đấy! Vì cậu ta viết các bài châm chọc nhà cầm quyền, bênh vực người nghèo nên nghe đâu cậu ta bị cấm không được viết báo nữa...”
Ông già kể chuyện ngày xưa ấy mất đã lâu rồi. Hoá ra ông cụ ấy là nhà giáo nhưng cũng là một người viết văn chuyên kể chuyện những người nghèo khổ trong xã hội. Giá ông còn sống đến bây giờ thế nào tôi cũng tìm gặp ông để nói:“Cụ ơi, cái đám cãi nhau ngày xưa ấy hoá ra sau 1945 hầu hết đều là cán bộ cách mạng cả. Có người còn làm rất to nữa đấy cụ ạ”. Còn một chi tiết nữa tôi cũng phải nhắc lại với ông già kể chuyện “cổ tích” (mà tôi bịa ra ) rằng: “Cụ chắc còn nhớ hồi 1941 học giả Đặng Thai Mai đã viết trong cuốn Văn học khái luận nổi tiếng một câu như vầy: “Cuộc luận chiến giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh ngày nay đã thành câu chuyện cũ”
Đặng Thai Mai viết như vậy, tính từ lúc nổ ra cuộc tranh luận chỉ mới năm năm. Năm năm mà “đã thành câu chuyện cũ”. Đã cũ rồi thì cũng chẳng còn gì để bàn lại cho “mới” hơn! (Xin nói thêm: Thực ra thì vấn đề nêu ra từ đầu cuộc tranh luận mà một bên dày công tra sách vở Tây để nói rằng “nghệ thụật vị nhân sinh” mới đúng. Điều này cái gọi là phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã đồng tình ngay từ đầu cuộc tranh luận. trong khi cuộc tranh luận nổ ra mới gần một tháng rưỡi. Ở bài viết thứ hai, bài “Tiếp theo bài”Văn chương là văn chương” ngày 1-10-1935, Hoài Thanh viết: “Nói cho cùng, nghệ thuật nào mà chẳng vị nhân sinh, không vì cái sinh hoạt vật chất thì cũng vì sinh họat tinh thần của người ta”)
*
Qua những bài viết đầy tính chiến đấu về các vấn đề xã hội, văn chương, văn hóa, kinh tế, pháp luật, chính trị, tôn giáo v. v. ta thấy một Hoài Thanh, ngay từ thời còn độ tuổi thanh niên, đã có thái độ dấn thân vào mọi vấn đề của đời sống xã hội. Cách dấn thân của Hoài Thanh là nói thẳng những suy nghĩ, những kiến nghị, những kiến giải... mà ông tự tin là mình nói đúng bằng một tấm lòng chân thật , đầy sự ưu ái với những con người chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ nhất trong xã hội thời bấy giờ. Với ngòi bút của mình, ông tìm mọi cách mỉa mai, phê phán bọn cầm quyền thực dân và Nam triều làm cho bọn cầm quyền đương thời rất khó chịu. Thậm chí ông biết cái gọi là nhà nước Bảo hộ và Nam triều có thể bắt giam, bỏ tù hoặc chi ít bắt ông phải “câm miệng”- nghĩa là tước quyền ngôn luận của ông. Và chúng đã làm như vậy. Từ giữa năm 1936, chúng cấm ông viết Tràng An, không chấp nhận để ông tham gia tòa soạn báo. Liền sau đó, chúng tịch thu cuốn “Văn chương và hành động” của ông chỉ vì dù nội dung chính của cuốn sách là chuyện văn chương, nhưng ông cũng đã nói thẳng trách nhiệm của người cầm bút chân chính đối với xã hội là cần phải hành động chống mọi bất công đang phơi bày ra trước mắt mọi người bởi cường quyền gây ra.
*
Trong bài viết “Hai giờ đêm đi xem lễ Nam Giao” đăng trên Tràng An số 106 ngày 13-3-1936, Hoài Thanh ngơ ngác cảm nhận có một điều gì đó không còn phù hợp với bối cảnh mới của thời đại bấy giờ. Từ cảnh viên toàn quyền và một vài quan Tây cao cấp cùng một số quan lại Nam triều (trong đó có một ông, ông N.H.B. nhờ có mặc áo thụng xanh mà chui được lên đứng ở đàn tế thứ nhất cùng nhà vua và các quan Tây). Giờ khắc thiêng liêng làm lễ cáo với Trời Đất của nhà vua đã đến. Tác giả viết:
“Chừng ba giờ khuya, Hoàng thượng lễ ở đàn thứ nhất xong xuống đứng ở đàn thứ nhì lạy bốn lạy, Ngài đội mũ bình thiên có tua ngọc, mặc áo cổn miễn, người to cao trông rất oai nghi. Người ta không ngờ một người bận âu phục, đánh ten-nít, chơi yacht mà trong lúc hành lễ lại có thể trịnh trọng và tự nhiên được như vậy”.
Tác giả ngơ ngác là phải. Một lễ tế thiêng liêng truyền thống lâu đời của cha ông từ xưa giờ đây chỉ còn thấp thoáng cái hình thức mờ mờ ảo ảo giữa trời khuya ở chốn kinh thành cổ xưa. Nước đã mất vào tay ngoại bang rồi. Trời Đất có biết cho chăng? Hoàng đế vẫn làm lễ nghiêm trang, oai vệ nhưng “Người ta không ngờ một người bận âu phục, đánh ten-nit, chơi yacht mà trong lúc hành lễ lại có thể trịnh trọng và tự nhiên được như vậy”
Ở số báo trước, Hoài Thanh đã suy nghĩ về “Tương lai của lễ Nam Giao”:
“Lễ Nam giao, như nhiều người đã nói, có liên lạc mật thiết với sự thờ phụng tổ tiên. Hoàng đế lấy tư cách là con Trời, làm lễ tế Trời để cầu hạnh phúc cho mình và cho nhân dân.
Một lễ nghi có quan hệ như vậy cần phải hết sức thành kính. Đó là một điều kiện không có không được. Điều kiện ấy hiện nay có hay không? Câu hỏi ấy năm muơi năm về trước không ai nghĩ đến. Hồi bấy giờ cả toàn thể dân Việt Nam đối với bao nhiêu sự đau đớn giữa đời chỉ biết ngây thơ để lòng tin ở thần linh và ở Trời là chúa tể các vị thần linh. Không ai ngờ rằng tế Nam giao không hợp lẽ và không có ích.
Nhưng đến nay thời thế đổi khác. Khoảng đầu thế kỷ hai muơi này đã thấy bao nhiêu lâu đài xưa lần lần đổ nát. Cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, thần linh cũng thấy lũ dân đen lạnh lùng bỏ bàn thờ của mình đầy cát bụi đua nhau đi sùng bái những vị thần linh mới ở tây phuơng sang. Núi sông Việt Nam càng lâu càng thấy vắng bóng thần linh. Tiếng sét trong những cơn giông tố không còn đủ sức khiến người ta cúi đầu; người ta bắt đầu bíết suy nghĩ.
Khoa học không thể nhìn nhận những vị thần linh mà người ta có thể kêu cầu, có thể biếu lễ vật như biếu cho các quan vậy.”
Hoài Thanh nghĩ tiếp:
“Lòng tin đã mất rồi thì cử chỉ biểu lộ lòng tin cũng thành ra không ý nghĩa. Lễ Nam giao cũng không thoát ra ngoài cái lệ chung ấy. Ta thử hỏi trong bao nhiêu người nô nức đi xem Nam giao, kẻ ở Bắc vào, người ở Nam ra, có ai mang theo lòng tín ngưỡng của một người giáo đồ đi viếng nơi đất thánh? Không, người ta đi xem Nam giao chẳng qua cũng như đi xem một cái cảnh lạ với cái ước muốn sống lại trong chốc lát một khoảng đời xưa.
Vậy lễ Nam giao có thể cải cách cho hợp trình độ dân ta ngày nay không? Tôi tưởng khó lắm. Sự dung hợp cái mới cái cũ trong lễ này là một điều chẳng hay gì,
Tôi còn nhớ có thấy trên một bức ảnh của trường Viễn đông bác cổ một cỗ xe tứ mã trong đám rước Hoàng thượng lên Trai cung mà người đánh xe lại bận âu phục và đội mũ tây trắng. Cái mũ tây trắng và bộ âu phục ở đây thật trông nó thế nào!”
*
Tan lễ Nam Giao ra về, tác giả cay đắng nhận ra thân phận một người dân mất nước. Mất nước là mất tất cả. Mất luôn cả cái quyền làm chủ của con người đã đành một lẽ. Đằng này, tác giả bực bội cảm thấy “đến nỗi cái bóng của mình cũng không tự chủ được”:
“Ra về, một mình đi bước một giữa hai rặng phi lao cao vút. Không một hơi gió. Trăng trong suốt; trời xa thẳm, lạnh lùng.
Thỉnh thoảng một cái ô tô ầm ầm chạy tới sau lưng, ánh đèn pha in bóng mình lên rặng tre trước mặt. Mình đi thong thả mà bóng mình lại cứ theo đèn ô tô chạy như điên cuồng và luôn luôn thay đổi hình dạng.
Vơ vẩn tôi nghĩ bực về nỗi đến cái bóng của mình, mình cũng không tự chủ được.”
*
Như vậy đấy: Hoài Thanh và lớp người trí thức cùng thế hệ ông lúc đang độ tuổi hai mươi! Những nẻo đường nào dẫn họ đến tương lai để có được các điều kiện cần thiết cho họ vươn tới cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ là một câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp đúng nhất vào thời điểm ấy.
Riêng với Hoài Thanh, ông chọn việc “dùng ngòi bút” để phấn đấu trở nên “con người hoàn toàn”- có nghĩa là sao cho càng ngày càng sống có ích hơn cho cuộc đời , cho ngày một được gần hơn lẽ sống Chân - Thiện - Mỹ.
Và, thực sự ngòi bút ấy đã để lại cho người đọc hôm nay nhiều ngạc nhiên về tâm hồn trong sáng, tấm lòng đậm tình người , ý chí kiên trì học hỏi, sự hiểu biết sâu rộng của Hoài Thanh.
Qua những trang viết từ thời thanh niên của Hoài Thanh chúng ta càng hiểu thêm về con đường ông đã chọn thời ấy. Đó chưa phải là con đường đúng nhất. Nhưng trong hoàn cảnh thời bấy giờ của Hoài Thanh và nhiều thanh niên cùng thế hệ với ông đã đi theo một con đường đúng. Hoài Thanh không phải là một con người chỉ thờ “đạo văn chương” như một số người thường nghĩ. Ông là người gắn bó với Đời. Văn và Đời không sống tách biệt trong con người ông - đúng hơn là trong tâm hồn ông. Ông luôn mơ ước văn phải hay mà hay trước hết là truyền được cho người ta cái đẹp của tâm hồn và của cuộc đời.
Khi viết bài này, tình cờ tôi được đọc bài viết của bạn Bùi Minh Quốc trên báo Văn nghệ số 8 ngày 21-2-2009 bài: “ Nhà văn và sự nghiệp dân chủ hóa đất nước”. Bạn Quốc đã trích lại một phần bức thư của Nguyễn Minh Châu - nhà văn quân đội được nhiều người yêu quý về tài năng và tấm lòng của anh - gợi ra được nhiều sự thức tỉnh cho người viết văn hôm nay. Riêng tôi rất mừng vì hơn bảy mươi năm trước, Hoài Thanh đã chọn con đường”dùng ngòi bút” để đấu tranh chống cái Ác, cái thái độ dửng dưng trước khổ đau của con người, cái thói bạo ngược của những kẻ cầm quyền v. v. .. Đến nay, gần bảy mươi năm sau, một nhà văn chiến sĩ đã nhắc nhở người viết văn cần có “tiếng nói xã hội” của mình, Nguyễn Minh Châu viết: “...Tôi nghĩ rằng thời nào và ở đâu cũng vậy, các nhà văn chỉ có một việc chính và duy nhất là viết cho hay, ngoài ra, bằng uy tín của mình, anh phải tham gia tiếng nói vào những vấn đề của con người, trước những bất công, trước cái ác, anh không có quyền dửng dưng, thây kệ khi con người bị đày đọa và chà đạp...”
Con đường “dùng ngòi bút” ấy có thể chỉ mới là con đường còn phải có nhiều lúc mò mẫm gian khó, phải chịu nhiều áp lực hữu hình và vô hình. Nhưng thực tế đã chứng minh: Hoài Thanh và thế hệ thanh niên trí thức yêu nước thời ông đã dần tìm ra được con đường lớn của dân tộc từ sau tháng Tám 1945: con đường cách mạng và kháng chiến, con đường đưa đất nước và dân tộc ta ra khỏi kiếp làm nô lệ, ngẩng cao đầu trước thế giới để ngày nay cùng toàn dân tộc xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Láng Hạ đầu Xuân Kỷ Sửu (Tháng2-2009)
TỪ SƠN
Chú thích
[1] Hoài Thanh – Di bút và di cảo, nxb. Văn học, HN,1993, tr. 13, 14
[2] Hoài Thanh- Sđd., tr. 16
[3] Khi đưa in cuốn sách này, chúng tôi đã được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân giúp tìm được bộ La gazette de Hué xuất bản năm 1935 và 1936 có in hơn 100 bài viết bằng tiếng Pháp của Hoài Thanh trên hai mục thường xuyên của báo này là mục “Propos de Nhà Quê” và mục “Echos de Hué” cùng một số bài chuyên luận về kinh tế, chính trị, pháp luật v.v... Vào một dịp thuận tiện, chúng tôi sẽ công bố sưu tầm mới này bằng song ngữ Pháp-Việt để bạn đọc tham khảo. (T. S. chú)
[4] Hoài Thanh- Sđd, tr. 152
[5] Hoài Thanh – Sđd, tr. 154
[6] Như trên - tr.154
[7] Ngay trong thời Mặt trận bình dân cầm quyền bên Pháp, trong năm 1936 nhiều tờ báo tíến bộ đã bị kiểm duyệt gắt gao và không ít tờ báo đã bị đóng cửa. Ngay Hoài Thanh đã bị chính quyền thực dân cấm viết báo Tràng An từ tháng 6-1936 và bị chúng tịch thu cuốn Văn chương và hành động khi sách còn chưa kịp phát hành. (T.S.)
[8] Ngày nay người ta thường gọi là năng lượng vũ trụ.Theo định luật vật lý, năng lượng này không thêm, không bớt mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác
[9] Tác giả nhắc tới những vụ bọn cầm quyền thời bấy giờ đàn áp hết sức dã man các phong trào nổi dậy của đồng bào ta ở Nghệ Tĩnh, Quảng Ngãi và Nam Kỳ.
................................................................
Nguồn: viet-studies ngày 11-5-09