Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ khai danh sách người nhận tiền 'chăm sóc'

30/08/2017 14:55 GMT+7

TTO - nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn khai đã chi hàng loạt các khoản "cảm ơn" PVN, chi đối ngoại nhiều tỉ, bồi dưỡng đi công tác nước ngoài, phong bì chúc tết tới 200 triệu đồng.
Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ khai danh sách người nhận tiền 'chăm sóc'
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ khai nhiều khoản chi bồi dưỡng, "chăm sóc" cho các cơ quan, tổ chức - Ảnh: TÂM LỤA
Trong chiều 30-8, trước chất vấn của Hội đồng xét xử, Nguyễn Xuân Sơn - nguyên tổng giám đốc Oceanbank, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã khai hàng loạt tên các cá nhân, tổ chức đã nhận tiền tiền “chăm sóc”của bị cáo.
Chi "cảm ơn" lãnh đạo PVN hàng chục tỉ
Về khoản tiền 69 tỉ đồng do Hà Văn Thắm chuyển, Sơn khai dùng để giao lưu khách hàng, cảm ơn khách hàng là công ty, lãnh đạo doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ của OceanBank. Tuy nhiên bị cáo không nhớ được số tiền cụ thể.
Theo bị cáo Sơn, phần lớn số tiền chăm sóc bị cáo chi cho nhóm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.
Khi chi không phải mỗi mình bị cáo, còn có lãnh đạo chi nhánh của OceanBank. Mỗi lần đi thì cấp dưới chuẩn bị sẵn phong bì để bị cáo đưa.
Khi tòa hỏi tên các cá nhân cụ thể, Sơn khai: Chi cho Ninh Văn Quỳnh, kế toán trưởng của PVN “để Quỳnh cảm ơn các lãnh đạo PVN khoảng vài ba chục tỉ đồng”

Thẩm phán cho biết trong hồ sơ vụ án, Sơn khai có giai đoạn chi tiền "cảm ơn" lãnh đạo PVN khoảng 120 tỉ? Bị cáo Sơn cho biết số tiền này là giai đoạn sau.
Ngoài ra, bị cáo Sơn còn khai trong các lần tháp tùng các đoàn lãnh đạo cao cấp đi công tác trong và ngoài nước thì bị cáo phải chi tiền cho công tác đối ngoại.
Khi đi với các đoàn lãnh đạo PVN, bị cáo Sơn khai chi cho nhiều vị lãnh đạo khác nhau. Ở TP.HCM, bị cáo có chi “cảm ơn” tổng giám đốc công ty Dầu (PVOIL).
Ở Vũng Tàu, Sơn khai chi cho công ty Vietsovpetro, mỗi lần từ 300 đến 400 triệu đồng, có lần chi từ 100 đến 200 triệu đồng. Do đi “cảm ơn” nên bị cáo không thể lấy lại tài liệu cụ thể.
Trước không khai vì sợ ảnh hưởng công ty con của PVN
Có mặt tại tòa với tư cách là người liên quan, ông Ninh Văn Quỳnh -  nguyên kế toán trưởng PVN cho biết ông không nhận tiền như lời Nguyễn Xuân Sơn khai.
Theo ông Quỳnh, PVN có chủ trương ủng hộ OceanBank để phát triển thành một ngân hành mạnh. Có thời điểm PVN gửi tại OceanBank 25.000 tỉ đồng.
“Chúng tôi nhận thức chính sách của Nhà nước là không được nhận lãi ngoài, vì có thể bị kết luận là tham ô, có thể bị truy tố.
Đã có 1 công ty của PVN nhận lãi ngoài liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như sau đó chúng tôi có công văn kịp thời nhắc nhở các đơn bị không được nhận lãi suất ngoài nên chúng tôi không nhận tiền lãi ngoài như Sơn khai” - Ông Ninh Văn Quỳnh cho biết.
Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ khai danh sách người nhận tiền 'chăm sóc'
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai chi nhiều khoản tiền đối ngoại, mừng tuổi - Ảnh: TÂM LỤA
Khi được hỏi về ý kiến của ông Quỳnh, Nguyễn Xuân Sơn đã gửi lời xin lỗi HĐXX vì trước đây không khai ra các cá nhân nhận tiền vì sợ ảnh hưởng đến PVN và các công ty con của PVN.
Đối ngoại 5 năm chi 50 tỉ
Đứng trước tòa, Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận trong khoảng thời gian 2010-2014, bị cáo đã nhận khoảng 200 tỉ đồng từ OceanBank. 
Bị cáo có chuyển cho ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng PVN từ 30-40 tỉ đồng. Giai đoạn làm Tổng giám đốc OceanBank, bị cáo vẫn đi chúc tết các lãnh đạo PVN khoảng 70 tỉ đồng. 
Khi bị cáo về PVN, anh Hà Văn Thắm vẫn chuyển tiền đến để chi cho các dịp lễ tết, chi cho các hoạt động của PVN khoảng 200 tỉ đồng.
Với chức vụ của mình, mỗi năm bị cáo chi cho hoạt động đối ngoại 10 tỉ đồng, 5 năm chi 50 tỉ đồng khi tháp tùng các đoàn công tác.
“Dịp lễ tết, các tập đoàn và doanh nghiệp đều phải chi. Chi từ chuyên viên đến lãnh đạo cao cấp. Mỗi dịp tết PVN chi từ 30 đến 50  tỉ đồng. Việc chi tiền chia ra nhóm từ cấp lớn đến cấp bé. Theo quy định thì chi 500 ngàn/1 người nhưng thực tế chi gấp 200 lần” - Nguyễn Xuân Sơn khai trước tòa.
Thẩm phán hỏi họ tên người nhận tiền, bị cáo Sơn cho biết: Mỗi dịp tết phải chi cho chuyên viên bộ ngành có quan hệ với PVN, mỗi chuyên viên 1 phong bì từ 5-10 triệu. Cấp bộ ngành, thứ trưởng, bộ trưởng cũng phải chi.
Bộ trưởng, thứ trưởng nhận tiền là những ai? - Trả lời câu hỏi này, bị cáo Sơn nói: 
“Xin phép HĐXX, thực chất đó là tấm lòng doanh nghiệp đối với lãnh đạo trong năm đã hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có lần chi 5-10 triệu, có lần 1.000 USD. Bị cáo xin phép không nói ra tên tuổi cụ thể. Đó là thông lệ mỗi lần tết đến, thực hiện từ 5-10 năm nay”
HĐXX tiếp tục chất vấn “mỗi lần chúc tết ai mà phải chi từ 50 đến 200 triệu một người”? Sơn nói: “Bị cáo phép không được nói tên tuổi cụ thể. Việc chi tiền phân ra theo các cấp như cao cấp, trung cấp, kéo dài từ năm 2011 đến năm 2015"
Phiên tòa vẫn đang tiế tục phần thẩm vấn.
TÂM LỤA

Nghe loại âm nhạc trái với Thiên đạo ắt dẫn tới hại người, vong quốc

Cổ nhân đặc biệt chú trọng đến sự ảnh hưởng của âm nhạc đối với tâm tính con người. Tâm tính, đạo đức của một người là nên thuận theo Thiên đạo. Âm nhạc trái với Thiên đạo thì sẽ làm “hủy nhân vong quốc”.

vong quốc, tà âm bất chính, âm nhạc,
Một học giả tu hành đời Đường đã nói: “Âm nhạc tốt tạo nên người tốt, âm nhạc xấu tạo nên người xấu”. (Ảnh: Shen Yun Performing Arts)
Âm nhạc là có cát, có hung
Trong “Luận Ngữ” có ghi chép rằng, một lần, khi học trò Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về vấn đề trị quốc, Khổng Tử đáp: “Yếu xả khí trịnh quốc đích âm nhạc”, tức là phải bỏ đi âm nhạc của nước Trịnh (một nước chư hầu nhà Chu thời Xuân Thu). Âm nhạc của nước Trịnh thời ấy là thuộc loại tà âm phóng túng tình dục.

Theo Khổng Tử, loại âm nhạc khiến nam giới bị trầm mê vào sự hấp dẫn của sắc đẹp thì sẽ làm hại đến tâm tính và tình cảm của họ, hủy hoại ý chí và đạo đức của họ.
Trong “Sử ký. Nhạc thư” viết: “Thính thưởng âm nhạc, hữu cát hữu hung, giá tựu thị âm nhạc quan hồ tâm tính, nhi tâm tính hựu quan hồ tự nhiên chi thiên đích đạo lý”. Tức là nghe, thưởng thức âm nhạc là có điều tốt lành và cũng có điều hung ác không may mắn.
Đây là sự ảnh hưởng của âm nhạc đối với tâm tính của người nghe. Tâm tính, đạo đức của một người là nên thuận theo Thiên đạo. Âm nhạc trái với Thiên đạo thì sẽ làm “hủy nhân vong quốc”.
Người Trung Hoa cổ xưa đặc biệt chú ý đến sự ảnh hưởng của âm nhạc đối với tính nết con người. Họ hiểu rõ và cho rằng lợi ích lớn lao của âm nhạc chính là để giáo dục con người.
Những người am hiểu âm nhạc thời xưa quan niệm rằng, âm nhạc không phải để phát triển cảm giác của những giác quan. Bởi vì họ đã nhìn thấy “Cấu tạo tâm tính” và “Giáo dục qua âm nhạc”, đó là tác dụng nguyên thủy của âm nhạc.
Âm nhạc có nhiều cấp khác nhau. Âm nhạc thấp kém xâm phạm nguyên tắc của sự điều độ, nó không giới hạn việc biểu lộ cảm xúc của con người, sẽ đưa tới suy thoái và bạo lực, cuối cùng nhân loại không còn đạo đức. Loại âm nhạc này là một lời nguyền, tạo nên sự sụp đổ của một triều đại. Âm nhạc ở cấp cao biểu lộ nguyên lý của vũ trụ. Vì vậy, thưởng thức loại âm nhạc này sẽ ảnh hưởng đến đức của người nghe, và người ta có thể nâng cao được đạo đức của mình.
Một học giả tu hành đời Đường đã nói: “Âm nhạc tốt tạo nên người tốt, âm nhạc xấu tạo nên người xấu ác”. Quả đúng là như vậy!
Tà âm bất chính hủy nhân vong quốc
Thời cổ đại có điển cố: “Tang gian bộc thượng chi âm, vong quốc chi âm dã” (âm thanh trong ruộng dâu trên bãi sông Bộc là tiếng nhạc mất nước). Trong “Sử ký” có ghi chép lại điển cố này như sau:
Sư Khoáng là nhà âm nhạc nổi danh thời Xuân Thu, được lịch sử xưng là “Thánh nhạc”. Vua của nước Tấn là Tấn Bình Công vừa hoàn thành xong Vương Cung muốn cử hành điển lễ chúc mừng. Vua nước Vệ là Vệ Linh Công vì mong muốn hai nước có mối quan hệ hữu hảo liền dẫn nhạc công đến chúc mừng. Vua Vệ Linh Công dẫn tùy tùng đến bên bờ sông Bộc Thủy (sông Bộc) thì trời đã tối. Họ đành phải ở lại bên sông để nghỉ tạm qua đêm.
Lúc này, họ nghe thấy một ca khúc mới lạ văng vẳng vang đến, trong lòng vô cùng phấn chấn, hứng thú. Vua Vệ Linh Công liền ra lệnh cho âm nhạc gia Sư Quyên ghi chép lại.
vong quốc, tà âm bất chính, âm nhạc,
Tâm tính, đạo đức của một người là nên thuận theo Thiên đạo. Âm nhạc trái với Thiên đạo thì sẽ làm “hủy nhân vong quốc. (Ảnh: Sohu)
Ngày hôm sau đoàn người đến nước Tấn. Trong buổi tiệc, sau khi được thưởng thức các màn ca múa nhạc của nước Tấn, Vệ Linh Công lệnh cho Sư Quyên diễn tấu bản nhạc mà họ đã nghe ở bờ sông Bộc ngày hôm trước. Với tài gảy đàn của Sư Quyên, âm thanh bản diễn tấu vang lên, lúc thì da diết, bi thương khiến người khác tan nát cõi lòng, lúc lại giống như tiếng mưa phùn không ngớt.
Ngồi ở bàn tiếp đãi, thái sư chưởng nhạc của nước Tấn là Sư Khoáng mỉm cười, dụng tâm nghe. Nhưng chỉ một lát sau nụ cười trên gương mặt ông dần biến mất, thần sắc càng lúc càng nghiêm nghị hơn.
Sư Quyên mới gảy chưa đến một nửa bản nhạc thì Sư Khoáng rốt cuộc không nhịn được, đứng dậy giữ tay Sư Quyên lại và nghiêm nghị nói: “Mau dừng lại! Đây là loại tà âm vong quốc, ngàn vạn lần chớ nên gảy!”.
Vua Tấn Bình Công vội chất vấn thái sư: “Khúc nhạc này thực sự nghe rất hay, ngài sao lại nói là âm nhạc vong quốc được?” 
Sư Khoáng đáp: “Vào cuối đời nhà Ân, có Sư Diên là quan âm nhạc, cùng với vua Trụ làm ra khúc nhạc uỷ mị này. Vua Trụ nghe lấy làm thích lắm. Đến khi Vũ vương ta đánh vua Trụ, Sư Diên ôm đàn chạy về phía đông, nhảy xuống sông Bộc. Từ bấy giờ có ai thích âm nhạc đi qua đấy thì lại có tiếng đàn văng vẳng ở dưới nước vang lên. Khúc nhạc này Sư Quyên nghe được trên đường đi, là khúc đàn ở trên sông Bộc. Loại âm nhạc này rất không tốt, ai say mê nó thì thân sẽ bị hủy mà quốc gia thì bị suy sụp. Cho nên, không thể để Sư Quyên gảy hết đoạn nhạc này”.
Nói đến đây, Sư Khoáng chuyển qua nói với Sư Quyên: “Khúc nhạc mà ngài vừa gảy là khúc nhạc ngài nghe được ở bên sông Bộc phải không?”
Vua Vệ Linh Công và Sư Quyên nghe xong đều sửng sốt và lấy làm lạ. Tấn Bình Công lại hỏi Sư Khoáng rằng: “Đó là âm nhạc của đời trước, gảy nghe chơi thì có hại gì!”.
Sư Khoáng nói: “Vua Trụ vì mê khúc đàn ấy mà đến nỗi mất nước, đó là một thứ âm nhạc bất tường, vậy chớ nên gảy”.
Tấn Bình công nói: “Ta thích nghe âm nhạc mới, Sư Quyên hãy vì ta gảy nốt khúc đàn ấy”. Sư Quyên lại lựa dây rồi gảy nốt khúc đàn ấy. Tiếng đàn êm ái, lên bổng xuống trầm, như than như khóc.
Tấn Bình Công lại nói: “Khúc nhạc này ta nghe thật quá cảm động lòng người, còn có khúc nào hay hơn, cảm động hơn nữa không?”.
Sư Khoáng trả lời: “Có!”
Tấn Bình Công nói: “Có thể cho ta nghe một khúc được không?”
Sư Khoáng nói: “Phải là người có đức dày hành nghĩa thâm hậu mới có thể nghe được khúc này. Nay ngài bạc đức, không nên nghe!”.
Tấn Bình Công nói: “Quả nhân chỉ mong có thể nghe ca khúc ấy, ngài đừng nên chối từ”.
Sư Khoáng bất đắc dĩ phải cầm lấy đàn mà gảy. Mới gảy được một khúc, thì có một đàn chim hạc ở phương Nam bay đến. Gảy thêm khúc nữa thì chim hạc vỗ cánh mà múa, vươn cổ mà hót theo tiếng nhạc.
Tấn Bình Công đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Những người đứng xem ai cũng kinh ngạc. Tấn Bình Công ngồi xuống, nói: “Còn khúc nhạc nào hay hơn, cảm động hơn thế không?”
Sư Khoáng nói: “Có, ngày xưa vua Hoàng đến hội các thần ở núi Thái Sơn, rồi làm ra điệu nhạc này. Vua đời sau đức bạc, không xứng để nghe, nếu nghe thì có họa bại vong”.
Tấn Bình Công thấy vậy liền nói: “Quả nhân nay đã già rồi, còn lo bại vong sao? Nếu được nghe khúc nhạc ấy mà chết thì cũng thoả lòng”.
Sư Khoáng nhất định không chịu gảy. Tấn Bình công đứng dậy, hai ba lần cố ý nài ép. Sư Khoáng bất đắc dĩ lại phải ôm cầm mà gảy.
Mới gảy một khúc, có đám mây đen ở phương Tây hiện lên. Gảy khúc nữa thì bỗng nổi một cơn dông, bao nhiêu ngói ở trên nóc điện bay tung lên và cột hiên gãy hết, lại thấy có tiếng sét dậy trời, rồi mưa như trút nước. Dưới đài ngập mấy thước, trong đài chỗ nào cũng ướt cả, Tấn Bình Công sợ hãi, cùng với Vệ Linh Công nằm phục vào một nơi. Khi mưa gió đã im lặng rồi, nội thị mới vực Tấn Bình Công và Vệ Linh Công ở trên đài xuống.
Tiếp sau đó nước Tấn gặp phải đại hạn suốt ba năm, không một ngọn cỏ nào sống sót, dân chúng lầm than cơ cực.
Theo Trithucvn

Thăm Lão Tử về 3 ngày không nói, cuối cùng Khổng Tử mới thốt lên 1 câu, ngàn năm vẫn đúng!

Diệp Anh | 

Thăm Lão Tử về 3 ngày không nói, cuối cùng Khổng Tử mới thốt lên 1 câu, ngàn năm vẫn đúng!

Khổng Tử đã nói gì sau cuộc gặp gỡ vô cùng ý nghĩa với Lão Tử? Câu trả lời và cuộc đàm đạo giữa hai cao nhân, theo tôi, sau hàng ngàn năm, vẫn giữ nguyên giá trị.

Vào một ngày trong năm 538 trước công nguyên, Khổng Tử nói với đệ tử là Nam Công Kính Thúc rằng mình muốn đi bái kiến Lão Tử. Hiển nhiên, đề nghị này của Khổng Tử được Nam Công Kính Thúc đồng ý, đồng thời lập tức báo lên quốc vương của nước Lỗ.
Vua Lỗ cho phép ông đi, đồng thười bố trí cho ông một xe, 2 ngựa kéo và đoàn người tháp tùng, Nam Công Kính Thúc cũng đi cùng Khổng Tử chuyến này.
Thấy Khổng Tử vượt ngàn dặm xa xôi đến thăm mình, Lão Tử vô cùng phấn khởi.
Ông hỏi Khổng Tử rằng: "Ông đã đắc Đạo rồi chứ?"
Khổng Tử trả lời: "Tôi đã cầu suốt 27 năm nay nhưng vẫn chưa đắc Đạo."
Lão Tử nói: "Nếu như Đạo là một thứ gì đó có hữu hình và có thể mang dâng cho người khác, vậy thì người ta đã tranh nhau lấy đem dâng lên vua. Nếu như Đạo là thứ có thểm đem đi tặng cho người khác, người ta đã đem nó tặng cho người thân.
Nếu như Đạo có thể giảng giải rõ ràng, người ta sẽ đem nó giảng giải cho anh em của họ. Nếu như Đạo có thể truyền thụ cho người khác, người ta sẽ tranh nhau truyền nó cho con cái mình.
Song những điều nói ở trên đều là không thể. Nếu một người có nhận thức không chuẩn xác về Đạo, Đạo tuyệt đối sẽ không chạm được đến trái tim của anh ta."
Thăm Lão Tử về 3 ngày không nói, cuối cùng Khổng Tử mới thốt lên 1 câu, ngàn năm vẫn đúng! - Ảnh 1.
Khổng Tử nói: "Tôi nghiên cứu ‘Thi kinh’, ‘Thư kinh’, ‘Châu lễ’, ‘Châu lạc’, ‘Dị kinh’, ‘Xuân thu’, giảng thuyết đạo lý trị quốc của các vị tiên vương, hiểu rõ con đường thành công của Chu Công, Triệu Công. Tôi đã lấy đó để hầu chuyện hơn 70 quân vương, họ đều không chọn chủ trương của tôi. Xem ra họ thật khó thuyết phục!"
Lão Tử liền đáp: "Những thứ ông nghiên cứu đều là sử cũ, từ các đời tiên vương, ông thử nói xem chúng có tác dụng gì không? Thứ mà ông đang tu hiện nay cũng là thứ đã cũ."
Sau cuộc hội thoại đầu tiên ấy, Lão Tử liền đưa Khổng Tử đi bái kiến đại phu Trường Hoành.
Trường Hoành là người rất am hiểu về lý luận âm nhạc nên đã dạy Khổng Tử về âm luật, về các lý luận âm nhạc, đưa Khổng Tử đi tham dự buổi lễ tế thần, khảo sát các địa điểm tuyên giáo… những việc này khiến Khổng Tử vô cùng cảm kích, thu nạp được nhiều điều mới lạ.
Ở lại vài ngày, ông mới xin phép cáo từ Lão Tử về nước.
Lão Tử tiễn Khổng Tử ra về, nói: "Tôi nghe nói, người phú quý lấy của cải để tặng cho người, người nhân nghĩa lấy lời nói để tặng cho người. Tôi không phải người phú quý, chẳng có của cái để tặng cho ông, nên chỉ muốn tặng ông vài lời.
Thời nay, người thông minh mà sâu sắc, gặp nạn thậm chí là họa chết người là do hay mỉa mai người khác, rước chuyện thị phi. Người giỏi biện luận lại tinh thông mọi chuyện, sở dĩ gặp họa là do quá khoa trương người khác.
Là phận con cái, đừng cho rằng mình cao hơn người, là bề tôi, đừng cho mình ở trên người, hy vọng ông nhớ thật kỹ."
Thăm Lão Tử về 3 ngày không nói, cuối cùng Khổng Tử mới thốt lên 1 câu, ngàn năm vẫn đúng! - Ảnh 2.
Lời dặn dò của Lão Tử ý nói, tôi chẳng có gì tặng cho ông, chỉ tặng cho ông vài câu này thôi, đó là đừng phỉ báng người khác, cũng đừng khoa trương tâng bốc người khác, đừng kiêu căng, ngạo mạn.
Khổng Tử đáp lời: "Đệ tử nhất định sẽ ghi nhớ những lời này trong tâm."
Đi đến bên sông Hoàng Hà, Khổng Tử nhìn thấy sóng nước cuồn cuộn, khí thế như vạn mã đằng phi, tiếng vang như hổ gầm sấm dậy.
Ông đứng bên bờ sông thật lâu, bất giác cất lời cảm thán: "Nước sông chảy suốt đêm ngày không ngừng nghỉ, sinh mệnh con người cũng vậy, không biết nhân sinh sẽ chảy đến đâu đây."
Nghe vậy, Lão Tử liền đáp: "Con người sinh ra trên đời theo lẽ tự nhiên, chết cũng tự nhiên, sống trên đời thuận theo lẽ tự nhiên, có như vậy bản tính mới không loạn, không thuận theo tự nhiên, bận bịu chìm đắm trong nhân và nghĩa, bản tính lúc nào cũng bị gó bó, trói buộc, khó có thể thảnh thơi.
Trong đầu lúc nào cũng cánh cánh suy nghĩ về công danh, tâm vì thế mà bất an, mưu lợi trong tâm, chỉ rước thêm phiền não."
Khổng Tử liền giải thích: "Tôi vẫn lo lắng rằng, không hành đạo, không theo nhân nghĩa, nước sẽ loạn vì bất trị, ví như đời người ngắn ngủi, không thể có công với đời, không có ích cho dân thì tiếc lắm thay."
Trầm ngâm một lát, Lão Tử liền chỉ tay xuống dòng nước trên sông Hoàng Hà nói với Khổng Tử: "Tại sao ông không học đức hạnh của dòng nước kia?"
Khổng Tử hỏi lại: "Nước có đức hạnh gì?"
Lão Tử trả lời: "Trong thiên hạ, có thứ gì mềm mại hơn nước, vậy nhưng chưa chắc kẻ mạnh đã có thể thắng thế, lấy nhu thắng cương, lấy yếu thắng mạnh, đó là thứ mà ta có thể học từ nước."
Khổng Tử nghe vậy bất giác tỉnh ngộ, nói: "Lời của tiên sinh khiến tôi ngộ ra nhiều điều, khai thông bế tắc:
Nước chảy từ cao xuống thấp, uốn lượn quanh co nhưng có phương hướng nhất định. Nước giống như chính nghĩa, mãnh liệt mênh mông không bờ bến, cho dù rơi xuống vực sâu muôn trượng cũng không chút sợ hãi.
Nước mềm mỏng, nhưng không có gì không soi thấu, vạn vật nhập vào xuất ra nước mà biến thành tinh khiết tươi mới. Đó là cái thiện, là trí tuệ tối cao."
Lão Tử gật đầu, đáp: "Lần này trở về, ông nên bỏ cái ngạo khí trong lời nói và biểu cảm, trừ cái chí lớn ở dung mạo. Nếu không, người chưa thấy đã thấy tiếng, thân chưa tới mà gió đã động, phô trương khuếch đại bản thân, như hổ đi trên phố, thử hỏi ai dám dùng ông?"
Khổng Tử vô cùng cảm kích, đáp: "Lời của tiên sinh, đệ tử xin tạc ghi trong lòng, cả đời không quên. Đệ tử sẽ tuân thủ không chút chậm trễ, như cách để tạ ơn tiên sinh". Nói xong, ông cáo từ rồi cùng Nam Cung Kính Thúc lên xe về nước Lỗ.
Thăm Lão Tử về 3 ngày không nói, cuối cùng Khổng Tử mới thốt lên 1 câu, ngàn năm vẫn đúng! - Ảnh 3.
Cuộc gặp gỡ với Lão Tử đã để lại trong Khổng Tử nhiều suy tư, bởi ông đã ngộ được rất nhiều điều mới lạ. Ảnh minh họa.
Từ khi trở về, suốt 3 ngày liền Khổng Tử không nói một lời. Tử Công lấy làm lạ lắm, mới hỏi có chuyện gì, Khổng Tử liền đáp:
"Nếu ta gặp một người có tư tưởng phóng khoáng giống như chim bay, ta có thể dùng luận điểm sắc như mũi tên, ngắm bắn chuẩn xác và chế phục người đó.
Nếu tư tưởng của đối phương như một con hươu có thể chạy, ta có thể dùng chó săn để săn đuổi đến cùng, nhất định sẽ khiến người đó phải khuất phục trước luận điểm của ta.
Nếu tư tưởng của đối phương như một con cá bơi tự do trong nước, ta sẽ dùng móc câu để bắt cho được.
Thế nhưng, nếu đối phương có suy nghĩ, tư tưởng như một con rồng, cưỡi mây đạp gió, du ngoạn ở nơi quá hư hoặc, vô ảnh vô hình không thể chạm tới, ta sẽ chẳng có cách nào bắt được.
Ta đã gặp được Lão Tử, cảnh giới tư tưởng của ông ấy chẳng khác gì con rồng quá đỗi hư không kia, ông ấy đã khiến ta nói không thành lời, lỡ mở miệng mà không thể rút lại được, khiến tâm, thần của ta bất định, không biết ông ấy rốt cuộc là người hay là thánh. Lão Tử, quả thực là thầy của ta!"
Và sau hàng ngàn năm, những tư tưởng sâu xa, thâm thúy của Lão Tử cho đến nay vẫn là những giá trị vô giá đối với hậu thế. Lời của Khổng Tử khi xưa, thật đúng lắm thay!

Vi phạm pháp luật Việt Nam lại cố tình la lối; Vụ Trịnh Vĩnh Bình: Thủ tục tố tụng ra sao?

Xung quanh vụ kiện của Trịnh Vĩnh Bình:
08:19 06/06/2005
Vừa qua, Trịnh Vĩnh Bình, một bị án bỏ trốn vừa gửi đơn kiện UBND tỉnh Bà Ria - Vũng Tàu (nói cách khác là Chính phủ Việt Nam) ra trước Tòa án quốc tế, đòi bồi thường...100 triệu USD. Vậy, thực chất của vụ kiện này là gì?
Trịnh Vĩnh Bình lúc còn điều hành Liên doanh Bình Châu.
Sinh năm 1947 tại Sóc Trăng, Trịnh Vĩnh Bình cùng vợ con vượt biên năm 1976 rồi định cư tại Hà Lan. Từ năm 1981 đến tháng 8/1998, Bình nhập cảnh Việt Nam 63 lần và cứ mỗi lần như thế, Trịnh Vĩnh Bình lại đem theo vàng, đôla Mỹ. Tổng cộng, số tài sản mà Bình mang vào là 2.338.250 USD cùng 96 ký vàng.
Tại thời điểm này, luật pháp Việt Namchưa cho phép Việt kiều được mua bán, sở hữu, đứng tên nhà cửa, đất đai. Trịnh Vĩnh Bình đã bỏ ra toàn bộ vốn pháp định để thành lập Công ty Tín Thành, chuyên mua bán nông, thủy hải sản và nhờ Trịnh Hiền Thanh làm hộ khẩu giả cho mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Thi, cho các em vợ là Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Bé, Phạm Thị Tuyết Hằng. Tất cả những người này đã có hộ khẩu thường trú tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nhưng lại có thêm hai hộ khẩu nữa ở Tp. HCM và huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, vợ chồng cháu gái của Trịnh Vĩnh Bình là Trịnh Mộng Kiều, Triệu Văn Dữ và ngay như Trịnh Hiền Thanh, ngoài hộ khẩu chính thức ở Tp. HCM, vẫn được Trịnh Vĩnh Bình chỉ đạo làm thêm hộ khẩu ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tất cả những việc này không ngoài mục đích để họ có thể đứng tên, sở hữu nhà cửa, đất đai dưới hình thức mua bán, và xin nhận đất trồng rừng theo chương trình 327.
Từ đó cho đến ngày vụ án bị Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố, thông qua những người thân, Trịnh Vĩnh Bình đã nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745m2 đất. Bên cạnh đó, Bình thành lập Liên doanh trồng rừng Bình Châu rồi chỉ đạo nhân viên, đưa hối lộ 510 triệu đồng cho Tạ Quang Luyện, là cán bộ Công ty Phát triển nhà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời điểm năm 1992, và Nguyễn Văn Huế, cán bộ Chi nhánh Phát triển kinh tế nông thôn phía Nam (cũng vào thời điểm ấy), để mẹ vợ cùng các em vợ Trịnh Vĩnh Bình được nhận 216 hécta đất trồng rừng.
Tuy nhiên, mục đích của Trịnh Vĩnh Bình là nhằm đầu cơ đất đai nên 216 hécta này, Bình chỉ trồng rừng cho có. Khi UBND huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành kiểm tra, số đất ấy hầu như vẫn giữ nguyên hiện trạng khi giao cho mẹ vợ Trịnh Vĩnh Bình.
Hợp thức hóa các thủ tục xong xuôi, Trịnh Vĩnh Bình bắt đầu bán nhà, bán đất để thu lợi mà Bình gọi là “chuyển nhượng thành quả lao động”. Cho đến ngày vụ án bị khởi tố, Bình đã kiếm được từ việc “chuyển nhượng thành quả lao động” 19.806.500.000 đồng. Trước những chứng cứ cụ thể, ngày 11/12/1998, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên phạt Trịnh Vĩnh Bình 13 năm tù giam, nhưng vẫn cho Bình được tại ngoại.
Bình làm đơn kháng án. Gần một năm sau, khi Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Tp. HCM mở phiên xét xử, thì Trịnh Vĩnh Bình chạy vào Bệnh viện Chợ Rẫy xin... cấp cứu với lý do lên cơn cao huyết áp. Khi bác sĩ thông báo cho cán bộ Toà án rằng Trịnh Vĩnh Bình hoàn toàn khỏe mạnh thì Bình mới chịu lên xe.
Qua xem xét một số tình tiết, Tòa phúc thẩm tuyên phạt Trịnh Vĩnh Bình 11 năm tù giam, đồng thời tịch thu những tài sản phạm pháp, tổng cộng 6,1 tỉ đồng và 480 lượng vàng.
Lợi dụng việc vẫn còn được cho tại ngoại, Trịnh Vĩnh Bình bỏ trốn.
Đến đầu tháng 4/2005, Bình chính thức gửi đơn tới Trung tâm Trọng tài quốc tế về giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư, trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, đồng thời nhờ tổ hợp luật sư đa quốc gia Covington Burling, London, Anh và Washington, Mỹ, kiện Chính phủ Việt Nam, đòi bồi thường thiệt hại 100 triệu USD. Một luật sư của Tổ hợp Covington Burling cho biết: “Ông Bình không đích danh khởi kiện Chính phủ Việt Nam nhưng trong trường hợp này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là bị đơn và khi đã đưa ra Tòa án quốc tế thì Chính phủ Việt Nam là đại diện”.
Riêng Trịnh Vĩnh Bình tuyên bố: “Vụ kiện sẽ là điều bất lợi cho ViệtNam khi kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt là kêu gọi người Việt hải ngoại. Vụ kiện sẽ cho người ta một chứng cứ là chuyện đầu tư ở ViệtNam hết sức rủi ro...”.
Qua những lời ấy, có thể thấy mục đích của Trịnh Vĩnh Bình không đơn thuần là chuyện kiện tụng, mà còn cố tình dựng lên một bức tranh đen tối về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nhằm gây hoang mang cho những người đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Luật sư Phan Văn Thành, làm việc trong Công ty luật Nam Cali, phát biểu: “Tôi không tin rằng chuyện đầu tư ở Việt Nam hết sức rủi ro như lời ông Trịnh Vĩnh Bình. Nếu rủi ro thì các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Pháp, Đức... đã không ào ạt đổ tiền đổ của vào đây. Ngay tại Nam Cali, theo tôi biết đã có ít nhất 200 doanh nhân người Việt về Việt Nam làm ăn, có người đem về hàng triệu đôla, kể cả giới luật sư chúng tôi, cũng đã có người về mở văn phòng đại diện”.
Luật sư Nguyễn Đức, ở Dallas, Texas nhận định: “Tôi chưa được đọc chi tiết về vụ việc này nhưng theo tôi, nếu về Việt Nam làm ăn và vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam, và mọi hành động vi phạm pháp luật xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, thì bị xử lý là chuyện hiển nhiên, kiện thế nào được”.
Theo luật sư Trương Xuân Tám, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Xuân Tám, trụ sở đặt tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Bản án đã không bị Tòa tối cao xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nên nó đã có hiệu lực pháp luật. Không một quốc gia nào hoặc một tổ chức trọng tài nào có quyền bác bỏ bản án hình sự này. Như vậy, Trịnh Vĩnh Bình phải có nghĩa vụ chấp hành hình phạt nhưng ông ta đã bỏ trốn. Về mặt pháp lý, Việt Nam cần phát lệnh truy nã và làm việc với quốc gia mà Trịnh Vĩnh Bình đang cư trú, để tiến hành dẫn độ ông ta về nhằm đảm bảo việc thi hành án”
Vũ Cao

http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Vi-pham-phap-luat-Viet-Nam-lai-co-tinh-la-loi-6495/



  • Vụ Trịnh Vĩnh Bình: Thủ tục tố tụng ra sao?

    Vụ Trịnh Vĩnh Bình: Thủ tục tố tụng ra sao?
    (PL)- Theo khoản 2 Điều 1 Quy tắc tố tụng của Phòng Thương mại quốc tế ICC 2017 thì Tòa Trọng tài Quốc tế ICC không đưa ra phán quyết chính thức về các vấn đề tranh chấp.


Tòa Trọng tài Quốc tế ICC không đưa ra phán quyết chính thức
LTS: Từ việc ông Trịnh Vĩnh Bình, một người Hà Lan gốc Việt, khởi kiện chính phủ Việt Nam tại Tòa Trọng tài Quốc tế ICC, Paris (Pháp) đòi bồi thường khoảng 1,25 tỉ USD, nhiều bạn đọc thắc mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến công việc của trọng tài quốc tế.
Vụ Trịnh Vĩnh Bình: Thủ tục tố tụng ra sao? - ảnh 1
Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của TS Trần Thăng Long, khoa Luật quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM.
Các tranh chấp thương mại quốc tế, gồm tranh chấp về hợp đồng và tranh chấp giữa nhà đầu tư là cá nhân với chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, có thể được đưa ra phân xử tại một tòa trọng tài (không phải tòa án). Cơ sở là theo quy định tại hợp đồng hoặc hiệp định quốc tế giữa các quốc gia (như hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư). Đây là trường hợp từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Không ra phán quyết chính thức
Thông thường các hiệp định trên sẽ quy định tranh chấp được giải quyết bằng cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư giữa các quốc gia và công dân quốc gia khác. Đây gọi là cơ chế ICSID (International Centre for Settlement of Investment Disputes) theo Công ước Washington năm 1965. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa tham gia cơ chế này.
Nếu các bên không phải là thành viên của công ước này thì các tranh chấp liên quan sẽ được giải quyết bằng hòa giải. Nếu biện pháp hòa giải không đạt được thì tranh chấp này được giải quyết bằng một trọng tài theo vụ việc (ad hoc) hoặc trọng tài thường trực (trọng tài quy chế).
Cơ sở pháp lý để các tòa trọng tài nói trên phân xử là các điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa công dân của một bên ký kết với chính phủ tại các hiệp định liên quan. Ngoài ra, vụ kiện có thể được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên trong trường hợp chính phủ của nước bị kiện đồng ý chấp nhận vụ kiện được giải quyết bằng một cơ chế như vậy.
Tòa Trọng tài Thương mại quốc tế (the International Court of Arbitration - ICC) là cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của ICC. Nhưng theo khoản 2 Điều 1 Quy tắc tố tụng của Phòng Thương mại quốc tế ICC năm 2017 thì tòa này có chức năng quản lý đối với việc giải quyết tranh chấp được áp dụng theo quy tắc tố tụng của ICC nên sẽ không đưa ra phán quyết chính thức về các vấn đề tranh chấp. ICC chỉ thực hiện việc giám sát tư pháp đối với các thủ tục tố tụng trọng tài, gồm việc xác nhận, chỉ định và thay thế các trọng tài viên. Ngoài ra là đưa ra quyết định về các phản đối đối với các trọng tài viên này, giám sát tiến trình tố tụng trọng tài đảm bảo theo thời hạn, xem xét và chuẩn y các phán quyết trọng tài để đảm bảo chất lượng và tính khả thi…
Vụ Trịnh Vĩnh Bình: Thủ tục tố tụng ra sao? - ảnh 2
Ông Trịnh Vĩnh Bình. Ảnh: INTERNET
Được yêu cầu hủy phán quyết
Hiện có nhiều cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế về thương mại và đầu tư, tùy thuộc vào cơ chế giải quyết được các bên chọn lựa là gì mà phạm vi phân xử và việc thi hành phán quyết sẽ căn cứ vào cơ chế đó. Nội dung của phán quyết sẽ được thể hiện trong phán quyết của tòa trọng tài được thành lập để phân xử vụ tranh chấp.
Thứ nhất, trong trường hợp việc giải quyết bằng trọng tài thì quy tắc tố tụng sẽ tùy thuộc vào cơ chế cụ thể. Chẳng hạn, nếu vụ việc giải quyết bằng cơ chế trọng tài ad hoc thì quy tắc tố tụng có thể do các bên chọn lựa. Lúc này, theo một trong các quy tắc tố tụng trọng tài thương mại quốc tế phổ biến như quy tắc trọng tài của Ủy ban LHQ về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) hoặc quy tắc trọng tài của ICC. Nếu vụ việc được giải quyết bằng cơ chế Tòa Trọng tài Thường trực thì có thể áp dụng quy tắc tố tụng trọng tài của chính tổ chức trọng tài đó, chẳng hạn như quy tắc tố tụng riêng của ICSID.
Thứ hai, giá trị pháp lý và việc thi hành phán quyết thường được xác định trong phán quyết của tòa trọng tài đó. Về cơ bản các phán quyết này sẽ có giá trị chung thẩm, không có thủ tục phúc thẩm và yêu cầu các bên thực thi bằng việc công nhận và cho thi hành tại các nước liên quan. Mặc dù vậy, phán quyết này có thể bị bên phải thi hành yêu cầu tòa án nơi diễn ra phiên xử trọng tài hủy (set aside) và không công nhận, cho thi hành tại nước phải có nghĩa vụ thực thi phán quyết.
Điều này dẫn đến khả năng làm vô hiệu hóa phán quyết trọng tài. Đối với cơ chế của ICSID, theo đề nghị của một bên, phán quyết này cũng có thể được hủy bỏ (annulment) bằng cơ chế xem xét riêng của ICSID.
Có thể từ chối thi hành
Các phán quyết của trọng tài nước ngoài, gồm các phán quyết được tuyên ở trong hay ngoài lãnh thổ của nước liên quan, sẽ cần được công nhận và cho thi hành tại nước liên quan đó. Nếu nước phải thi hành là thành viên của Công ước New York năm 1958 về công nhận các phán quyết trọng tài nước ngoài (Công ước New York 1958), nước này sẽ công nhận phán quyết là có giá trị ràng buộc và sẽ thi hành. Việc thi hành này sẽ tuân theo quy tắc về thủ tục của lãnh thổ nơi quyết định được thi hành.
Mặc dù vậy, theo điểm b khoản 2 Điều 5 của Công ước New York 1958 thì việc công nhận và thi hành quyết định có thể bị từ chối dựa trên lý do là việc này sẽ trái với trật tự công cộng của nước đó. Do đó, việc thi hành các phán quyết chống lại quốc gia thường bị vô hiệu hóa hoặc bị cản trở bằng việc áp dụng nguyên tắc về quyền miễn trừ quốc gia (state immunity). Trong đó có thể viện dẫn yếu tố lợi ích công, việc bảo vệ tài sản quốc gia không sử dụng vào các mục đích thương mại hoặc những đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao (diplomatic privilege).
Trường hợp phán quyết không được thực thi thì các cơ chế giải quyết bằng trọng tài hiện không có chế tài cụ thể để buộc phải thực thi. Tuy nhiên, các biện pháp trả đũa thương mại có thể được các nước liên quan áp dụng nhằm đảm bảo việc thi hành phán quyết cho công dân của mình. Ngoài ra, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của nước phải thực thi phán quyết trong quan hệ quốc tế.
Một vấn đề khác là các tòa trọng tài quốc tế về thương mại chỉ giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế hoặc đầu tư quốc tế. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải chứng minh được vụ kiện có thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài hay không; nguyên đơn có phải là nhà đầu tư hay không; khoản đầu tư của nhà đầu tư có hợp pháp không và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư đã vi phạm như thế nào.
Do đó, các phán quyết không thể đi ra ngoài các nội dung tranh chấp nêu trên. Ngoài ra, phía nguyên đơn có thể đưa ra yêu cầu về bồi thường nhưng việc xác định mức bồi thường cụ thể sẽ do trọng tài quyết định trong phán quyết trên cơ sở xem xét về thiệt hại, sự hợp lý... Điều đó không có nghĩa bên nguyên đơn đòi bồi thường bao nhiêu thì sẽ được tuyên bồi thường bấy nhiêu.
TS TRẦN THĂNG LONG
http://plo.vn/phap-luat/vu-trinh-vinh-binh-thu-tuc-to-tung-ra-sao-724311.html