Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Vi phạm pháp luật Việt Nam lại cố tình la lối; Vụ Trịnh Vĩnh Bình: Thủ tục tố tụng ra sao?

Xung quanh vụ kiện của Trịnh Vĩnh Bình:
08:19 06/06/2005
Vừa qua, Trịnh Vĩnh Bình, một bị án bỏ trốn vừa gửi đơn kiện UBND tỉnh Bà Ria - Vũng Tàu (nói cách khác là Chính phủ Việt Nam) ra trước Tòa án quốc tế, đòi bồi thường...100 triệu USD. Vậy, thực chất của vụ kiện này là gì?
Trịnh Vĩnh Bình lúc còn điều hành Liên doanh Bình Châu.
Sinh năm 1947 tại Sóc Trăng, Trịnh Vĩnh Bình cùng vợ con vượt biên năm 1976 rồi định cư tại Hà Lan. Từ năm 1981 đến tháng 8/1998, Bình nhập cảnh Việt Nam 63 lần và cứ mỗi lần như thế, Trịnh Vĩnh Bình lại đem theo vàng, đôla Mỹ. Tổng cộng, số tài sản mà Bình mang vào là 2.338.250 USD cùng 96 ký vàng.
Tại thời điểm này, luật pháp Việt Namchưa cho phép Việt kiều được mua bán, sở hữu, đứng tên nhà cửa, đất đai. Trịnh Vĩnh Bình đã bỏ ra toàn bộ vốn pháp định để thành lập Công ty Tín Thành, chuyên mua bán nông, thủy hải sản và nhờ Trịnh Hiền Thanh làm hộ khẩu giả cho mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Thi, cho các em vợ là Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Bé, Phạm Thị Tuyết Hằng. Tất cả những người này đã có hộ khẩu thường trú tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nhưng lại có thêm hai hộ khẩu nữa ở Tp. HCM và huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, vợ chồng cháu gái của Trịnh Vĩnh Bình là Trịnh Mộng Kiều, Triệu Văn Dữ và ngay như Trịnh Hiền Thanh, ngoài hộ khẩu chính thức ở Tp. HCM, vẫn được Trịnh Vĩnh Bình chỉ đạo làm thêm hộ khẩu ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tất cả những việc này không ngoài mục đích để họ có thể đứng tên, sở hữu nhà cửa, đất đai dưới hình thức mua bán, và xin nhận đất trồng rừng theo chương trình 327.
Từ đó cho đến ngày vụ án bị Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố, thông qua những người thân, Trịnh Vĩnh Bình đã nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745m2 đất. Bên cạnh đó, Bình thành lập Liên doanh trồng rừng Bình Châu rồi chỉ đạo nhân viên, đưa hối lộ 510 triệu đồng cho Tạ Quang Luyện, là cán bộ Công ty Phát triển nhà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời điểm năm 1992, và Nguyễn Văn Huế, cán bộ Chi nhánh Phát triển kinh tế nông thôn phía Nam (cũng vào thời điểm ấy), để mẹ vợ cùng các em vợ Trịnh Vĩnh Bình được nhận 216 hécta đất trồng rừng.
Tuy nhiên, mục đích của Trịnh Vĩnh Bình là nhằm đầu cơ đất đai nên 216 hécta này, Bình chỉ trồng rừng cho có. Khi UBND huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành kiểm tra, số đất ấy hầu như vẫn giữ nguyên hiện trạng khi giao cho mẹ vợ Trịnh Vĩnh Bình.
Hợp thức hóa các thủ tục xong xuôi, Trịnh Vĩnh Bình bắt đầu bán nhà, bán đất để thu lợi mà Bình gọi là “chuyển nhượng thành quả lao động”. Cho đến ngày vụ án bị khởi tố, Bình đã kiếm được từ việc “chuyển nhượng thành quả lao động” 19.806.500.000 đồng. Trước những chứng cứ cụ thể, ngày 11/12/1998, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên phạt Trịnh Vĩnh Bình 13 năm tù giam, nhưng vẫn cho Bình được tại ngoại.
Bình làm đơn kháng án. Gần một năm sau, khi Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Tp. HCM mở phiên xét xử, thì Trịnh Vĩnh Bình chạy vào Bệnh viện Chợ Rẫy xin... cấp cứu với lý do lên cơn cao huyết áp. Khi bác sĩ thông báo cho cán bộ Toà án rằng Trịnh Vĩnh Bình hoàn toàn khỏe mạnh thì Bình mới chịu lên xe.
Qua xem xét một số tình tiết, Tòa phúc thẩm tuyên phạt Trịnh Vĩnh Bình 11 năm tù giam, đồng thời tịch thu những tài sản phạm pháp, tổng cộng 6,1 tỉ đồng và 480 lượng vàng.
Lợi dụng việc vẫn còn được cho tại ngoại, Trịnh Vĩnh Bình bỏ trốn.
Đến đầu tháng 4/2005, Bình chính thức gửi đơn tới Trung tâm Trọng tài quốc tế về giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư, trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, đồng thời nhờ tổ hợp luật sư đa quốc gia Covington Burling, London, Anh và Washington, Mỹ, kiện Chính phủ Việt Nam, đòi bồi thường thiệt hại 100 triệu USD. Một luật sư của Tổ hợp Covington Burling cho biết: “Ông Bình không đích danh khởi kiện Chính phủ Việt Nam nhưng trong trường hợp này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là bị đơn và khi đã đưa ra Tòa án quốc tế thì Chính phủ Việt Nam là đại diện”.
Riêng Trịnh Vĩnh Bình tuyên bố: “Vụ kiện sẽ là điều bất lợi cho ViệtNam khi kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt là kêu gọi người Việt hải ngoại. Vụ kiện sẽ cho người ta một chứng cứ là chuyện đầu tư ở ViệtNam hết sức rủi ro...”.
Qua những lời ấy, có thể thấy mục đích của Trịnh Vĩnh Bình không đơn thuần là chuyện kiện tụng, mà còn cố tình dựng lên một bức tranh đen tối về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nhằm gây hoang mang cho những người đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Luật sư Phan Văn Thành, làm việc trong Công ty luật Nam Cali, phát biểu: “Tôi không tin rằng chuyện đầu tư ở Việt Nam hết sức rủi ro như lời ông Trịnh Vĩnh Bình. Nếu rủi ro thì các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Pháp, Đức... đã không ào ạt đổ tiền đổ của vào đây. Ngay tại Nam Cali, theo tôi biết đã có ít nhất 200 doanh nhân người Việt về Việt Nam làm ăn, có người đem về hàng triệu đôla, kể cả giới luật sư chúng tôi, cũng đã có người về mở văn phòng đại diện”.
Luật sư Nguyễn Đức, ở Dallas, Texas nhận định: “Tôi chưa được đọc chi tiết về vụ việc này nhưng theo tôi, nếu về Việt Nam làm ăn và vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam, và mọi hành động vi phạm pháp luật xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, thì bị xử lý là chuyện hiển nhiên, kiện thế nào được”.
Theo luật sư Trương Xuân Tám, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Xuân Tám, trụ sở đặt tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Bản án đã không bị Tòa tối cao xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nên nó đã có hiệu lực pháp luật. Không một quốc gia nào hoặc một tổ chức trọng tài nào có quyền bác bỏ bản án hình sự này. Như vậy, Trịnh Vĩnh Bình phải có nghĩa vụ chấp hành hình phạt nhưng ông ta đã bỏ trốn. Về mặt pháp lý, Việt Nam cần phát lệnh truy nã và làm việc với quốc gia mà Trịnh Vĩnh Bình đang cư trú, để tiến hành dẫn độ ông ta về nhằm đảm bảo việc thi hành án”
Vũ Cao

http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Vi-pham-phap-luat-Viet-Nam-lai-co-tinh-la-loi-6495/



  • Vụ Trịnh Vĩnh Bình: Thủ tục tố tụng ra sao?

    Vụ Trịnh Vĩnh Bình: Thủ tục tố tụng ra sao?
    (PL)- Theo khoản 2 Điều 1 Quy tắc tố tụng của Phòng Thương mại quốc tế ICC 2017 thì Tòa Trọng tài Quốc tế ICC không đưa ra phán quyết chính thức về các vấn đề tranh chấp.


Tòa Trọng tài Quốc tế ICC không đưa ra phán quyết chính thức
LTS: Từ việc ông Trịnh Vĩnh Bình, một người Hà Lan gốc Việt, khởi kiện chính phủ Việt Nam tại Tòa Trọng tài Quốc tế ICC, Paris (Pháp) đòi bồi thường khoảng 1,25 tỉ USD, nhiều bạn đọc thắc mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến công việc của trọng tài quốc tế.
Vụ Trịnh Vĩnh Bình: Thủ tục tố tụng ra sao? - ảnh 1
Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của TS Trần Thăng Long, khoa Luật quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM.
Các tranh chấp thương mại quốc tế, gồm tranh chấp về hợp đồng và tranh chấp giữa nhà đầu tư là cá nhân với chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, có thể được đưa ra phân xử tại một tòa trọng tài (không phải tòa án). Cơ sở là theo quy định tại hợp đồng hoặc hiệp định quốc tế giữa các quốc gia (như hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư). Đây là trường hợp từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Không ra phán quyết chính thức
Thông thường các hiệp định trên sẽ quy định tranh chấp được giải quyết bằng cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư giữa các quốc gia và công dân quốc gia khác. Đây gọi là cơ chế ICSID (International Centre for Settlement of Investment Disputes) theo Công ước Washington năm 1965. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa tham gia cơ chế này.
Nếu các bên không phải là thành viên của công ước này thì các tranh chấp liên quan sẽ được giải quyết bằng hòa giải. Nếu biện pháp hòa giải không đạt được thì tranh chấp này được giải quyết bằng một trọng tài theo vụ việc (ad hoc) hoặc trọng tài thường trực (trọng tài quy chế).
Cơ sở pháp lý để các tòa trọng tài nói trên phân xử là các điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa công dân của một bên ký kết với chính phủ tại các hiệp định liên quan. Ngoài ra, vụ kiện có thể được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên trong trường hợp chính phủ của nước bị kiện đồng ý chấp nhận vụ kiện được giải quyết bằng một cơ chế như vậy.
Tòa Trọng tài Thương mại quốc tế (the International Court of Arbitration - ICC) là cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của ICC. Nhưng theo khoản 2 Điều 1 Quy tắc tố tụng của Phòng Thương mại quốc tế ICC năm 2017 thì tòa này có chức năng quản lý đối với việc giải quyết tranh chấp được áp dụng theo quy tắc tố tụng của ICC nên sẽ không đưa ra phán quyết chính thức về các vấn đề tranh chấp. ICC chỉ thực hiện việc giám sát tư pháp đối với các thủ tục tố tụng trọng tài, gồm việc xác nhận, chỉ định và thay thế các trọng tài viên. Ngoài ra là đưa ra quyết định về các phản đối đối với các trọng tài viên này, giám sát tiến trình tố tụng trọng tài đảm bảo theo thời hạn, xem xét và chuẩn y các phán quyết trọng tài để đảm bảo chất lượng và tính khả thi…
Vụ Trịnh Vĩnh Bình: Thủ tục tố tụng ra sao? - ảnh 2
Ông Trịnh Vĩnh Bình. Ảnh: INTERNET
Được yêu cầu hủy phán quyết
Hiện có nhiều cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế về thương mại và đầu tư, tùy thuộc vào cơ chế giải quyết được các bên chọn lựa là gì mà phạm vi phân xử và việc thi hành phán quyết sẽ căn cứ vào cơ chế đó. Nội dung của phán quyết sẽ được thể hiện trong phán quyết của tòa trọng tài được thành lập để phân xử vụ tranh chấp.
Thứ nhất, trong trường hợp việc giải quyết bằng trọng tài thì quy tắc tố tụng sẽ tùy thuộc vào cơ chế cụ thể. Chẳng hạn, nếu vụ việc giải quyết bằng cơ chế trọng tài ad hoc thì quy tắc tố tụng có thể do các bên chọn lựa. Lúc này, theo một trong các quy tắc tố tụng trọng tài thương mại quốc tế phổ biến như quy tắc trọng tài của Ủy ban LHQ về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) hoặc quy tắc trọng tài của ICC. Nếu vụ việc được giải quyết bằng cơ chế Tòa Trọng tài Thường trực thì có thể áp dụng quy tắc tố tụng trọng tài của chính tổ chức trọng tài đó, chẳng hạn như quy tắc tố tụng riêng của ICSID.
Thứ hai, giá trị pháp lý và việc thi hành phán quyết thường được xác định trong phán quyết của tòa trọng tài đó. Về cơ bản các phán quyết này sẽ có giá trị chung thẩm, không có thủ tục phúc thẩm và yêu cầu các bên thực thi bằng việc công nhận và cho thi hành tại các nước liên quan. Mặc dù vậy, phán quyết này có thể bị bên phải thi hành yêu cầu tòa án nơi diễn ra phiên xử trọng tài hủy (set aside) và không công nhận, cho thi hành tại nước phải có nghĩa vụ thực thi phán quyết.
Điều này dẫn đến khả năng làm vô hiệu hóa phán quyết trọng tài. Đối với cơ chế của ICSID, theo đề nghị của một bên, phán quyết này cũng có thể được hủy bỏ (annulment) bằng cơ chế xem xét riêng của ICSID.
Có thể từ chối thi hành
Các phán quyết của trọng tài nước ngoài, gồm các phán quyết được tuyên ở trong hay ngoài lãnh thổ của nước liên quan, sẽ cần được công nhận và cho thi hành tại nước liên quan đó. Nếu nước phải thi hành là thành viên của Công ước New York năm 1958 về công nhận các phán quyết trọng tài nước ngoài (Công ước New York 1958), nước này sẽ công nhận phán quyết là có giá trị ràng buộc và sẽ thi hành. Việc thi hành này sẽ tuân theo quy tắc về thủ tục của lãnh thổ nơi quyết định được thi hành.
Mặc dù vậy, theo điểm b khoản 2 Điều 5 của Công ước New York 1958 thì việc công nhận và thi hành quyết định có thể bị từ chối dựa trên lý do là việc này sẽ trái với trật tự công cộng của nước đó. Do đó, việc thi hành các phán quyết chống lại quốc gia thường bị vô hiệu hóa hoặc bị cản trở bằng việc áp dụng nguyên tắc về quyền miễn trừ quốc gia (state immunity). Trong đó có thể viện dẫn yếu tố lợi ích công, việc bảo vệ tài sản quốc gia không sử dụng vào các mục đích thương mại hoặc những đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao (diplomatic privilege).
Trường hợp phán quyết không được thực thi thì các cơ chế giải quyết bằng trọng tài hiện không có chế tài cụ thể để buộc phải thực thi. Tuy nhiên, các biện pháp trả đũa thương mại có thể được các nước liên quan áp dụng nhằm đảm bảo việc thi hành phán quyết cho công dân của mình. Ngoài ra, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của nước phải thực thi phán quyết trong quan hệ quốc tế.
Một vấn đề khác là các tòa trọng tài quốc tế về thương mại chỉ giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế hoặc đầu tư quốc tế. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải chứng minh được vụ kiện có thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài hay không; nguyên đơn có phải là nhà đầu tư hay không; khoản đầu tư của nhà đầu tư có hợp pháp không và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư đã vi phạm như thế nào.
Do đó, các phán quyết không thể đi ra ngoài các nội dung tranh chấp nêu trên. Ngoài ra, phía nguyên đơn có thể đưa ra yêu cầu về bồi thường nhưng việc xác định mức bồi thường cụ thể sẽ do trọng tài quyết định trong phán quyết trên cơ sở xem xét về thiệt hại, sự hợp lý... Điều đó không có nghĩa bên nguyên đơn đòi bồi thường bao nhiêu thì sẽ được tuyên bồi thường bấy nhiêu.
TS TRẦN THĂNG LONG
http://plo.vn/phap-luat/vu-trinh-vinh-binh-thu-tuc-to-tung-ra-sao-724311.html

Không có nhận xét nào: