QĐND - Hiện nay, có khá nhiều bạn đọc còn chưa hiểu rõ về hiện tượng “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trên lĩnh vực kinh tế và cho rằng, trên lĩnh vực kinh tế thì không có gì để có thể “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”. Đây là một cách suy nghĩ chưa đúng, mà trong thực tế, các thế lực thù địch từ lâu đã lợi dụng vấn đề kinh tế để thúc đẩy “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” và tiến tới thực hiện Chiến lược “Diễn biến hòa bình” với tốc độ nhanh hơn.
“Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trên lĩnh vực kinh tế được biểu hiện bằng việc thiếu tin tưởng vào sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đề cao kinh tế tư nhân, xem nhẹ, hạ thấp vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Từ những nhận thức không đúng đắn, một bộ phận trong xã hội muốn từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế và kinh tế nhà nước, từ đó thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng tư bản chủ nghĩa.
Một biểu hiện nữa trong “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trên lĩnh vực kinh tế là một bộ phận ra sức xuyên tạc, công kích, đòi thay đổi đường lối chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước theo hướng tư bản. Ở mức độ này, họ thường ra mặt, lớn tiếng kêu gọi Đảng, Nhà nước ta đổi mới “triệt để” hơn nữa (phải thay đổi hoàn toàn từ tư duy cho đến đường hướng, chính sách phát triển kinh tế), tức là từ bỏ định hướng phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa đi theo tư bản chủ nghĩa. Họ cho rằng, như thế mới khắc phục được sự mâu thuẫn giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” ở mức độ này thực chất là họ đã đứng về phía các thế lực thù địch để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Họ đã thể hiện thái độ, ý đồ chính trị rõ ràng trong hướng lái nền kinh tế nước ta. Bước tiếp theo của họ chính là hành động để phá hoại các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước. Họ cố tình không nhìn nhận những thành quả trong phát triển kinh tế xã hội, một mực đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước về những khó khăn trong phát triển kinh tế của đất nước, về sự tụt hậu của nền kinh tế và sự nghèo đói của một bộ phận người dân. Một mặt họ tìm đủ mọi cách để phá hoại, hoặc ngăn cản các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế cả ở tầm vĩ mô và vi mô, hòng làm cho các chính sách, kế hoạch này không thể trở thành hiện thực. Lực lượng “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” đến mức độ này có nghĩa họ đã đồng lõa với các thế lực thù địch để chống phá cách mạng nước ta.
TRẦN THÔN
Sự khác biệt về bản chất giữa "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" với đổi mới
QĐND - Sau Đại hội XII (1-2016), nhất là sau Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), trên mạng xã hội phát tán ý kiến của một số cán bộ từng có thời gian giữ các chức vụ nhất định trong hệ thống chính trị do Đảng ta lãnh đạo. Tại một cuộc được gọi là “tọa đàm” trên BBC, có "vị khách mời" cho rằng: Khái niệm “tự diễn biến” là cực kỳ mơ hồ, thể hiện sự “bế tắc về lý luận” (!).
Cũng theo "vị khách" đó, “nếu một cơ thể mà không tự chuyển biến, tự diễn biến, thì đó là một cơ thể chết. Xã hội cũng vậy, một xã hội muốn phát triển phải tự vận động và trong quá trình vận động đương nhiên phải có chuyển biến”. Lập tức ý kiến trên và những quan điểm tương tự được các hãng thông tấn, báo chí: VOA, RFA CNN, You Tube (Google) và nhiều trang mạng như "vớ được vàng", lập tức tung hô, tán thưởng. Có người còn cho rằng, làm gì còn đổi mới, làm gì còn Mác - Lê-nin, làm gì còn xã hội xã hội chủ nghĩa, “Đảng cộng sản Việt Nam đang tự diễn biến, tự chuyển hoá".
Vậy, bản chất tư tưởng chính trị nói trên (đồng nhất giữa tự diễn biến, tự chuyển hóa với đổi mới…) là gì? Sự khác biệt giữa "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" với đổi mới như thế nào? Và cuối cùng, công tác tư tưởng, lý luận và báo chí cần làm gì để giữ vững tư tưởng đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa?
Ảnh minh họa.
Trước hết, bản chất tư tưởng chính trị nói trên (phủ nhận tư tưởng đổi mới, đồng nhất giữa "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" với đổi mới) là gì?
Cuộc khủng hoảng sụp đổ bộ phận lớn và quan trọng nhất của hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, các nước Đông Âu những năm 1985-1991 đặt sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vào một tình huống vô cùng khó khăn. Đại hội VI (năm 1986) của Đảng quyết định thay đổi đường lối chính trị-kinh tế, chuyển đổi mô hình xây dựng đất nước từ mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội (với nhà nước chuyên chính vô sản, kinh tế kế hoạch hóa…) sang xây dựng đất nước theo mô hình mới của chủ nghĩa xã hội (với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước).
Với bản chính trị vững vàng và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, chứng kiến cuộc khủng hoảng sụp đổ của Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam sớm nhận thấy nhiều nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là nguy cơ xa rời con đường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI) đề ra các nguyên tắc đổi mới, trong đó có hai nguyên tắc then chốt: Một là, “Chủ nghĩa Mác -Lê-nin (sau này được Đảng ta bổ sung thêm tư tưởng Hồ Chí Minh) là nền tảng tư tưởng của Đảng, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta"; hai là, "Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Bước sang nhiệm kỳ Đại hội VII, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ (tháng 1-1994) Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ ra 4 nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, gồm: Tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Đúng như dự báo của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguy cơ “chệch hướng xã hội chủ nghĩa”, trong thập kỷ qua đã có nhiều biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ngay trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị xã hội. Trước Đại hội XI (tháng 1-2011) và Kỳ họp thứ 6 (28-11-2013) Quốc hội khóa XIII thông qua Hiến pháp 2013, một số cá nhân và nhóm xã hội mạng lâm thời, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên cũ(1), nhóm “ Kiến nghị 72” kiến nghị: “Xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 2013 (về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam), chấp nhận “cạnh tranh chính trị”. Đồng thời, nhóm này “kiến nghị” phi chính trị hóa quân đội, họ viết rằng: “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào…”.
Nhóm “Thư ngỏ 61”, (sau đó là “nhóm 127”) kiến nghị với Bộ Chính trị: “chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ,…”. Nhóm này còn kiến nghị thay đổi đường lối quốc phòng-an ninh: “Quan điểm “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba” là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi…”.
Tóm lại, quan điểm chính trị phủ nhận đường lối đổi mới, đồng nhất quan điểm đối mới với "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là thể hiện sự dao động chính trị, về bản chất phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đối với cán bộ, đảng viên, điều này cũng có nghĩa là họ đã làm trái với Điều lệ và các quy định của Đảng.
Thứ hai, sự khác biệt giữa "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" với đổi mới là gì?
Không phủ nhận rằng, về mặt triết học, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và đổi mới đều là sự vận động của xã hội. Tuy nhiên lấy sự vận động nói chung của xã hội để che dấu sự khác biệt giữa các xu hướng chính trị, đặc biệt là sự khác biệt giữa đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư tưởng cơ hội về chính trị, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa chuyển sang con đường tư bản chủ nghĩa, theo mô hình ngoại nhập phương Tây chỉ là một thủ đoạn chính trị. Sự khác biệt giữa "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" với đường lối đổi mới là ở hai xu hướng chính trị trái chiều: Tư tưởng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thúc đẩy xã hội theo con đường tư bản chủ nghĩa. Còn đổi mới là tư tưởng chính trị, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên sự kiên định này không đồng nghĩa với chủ nghĩa giáo điều mà là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện dân tộc trong thời đại ngày nay.
Để nhận thức đúng, cụ thể những biểu hiện của tư tưởng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Nghị quyết Trung ương 4 ( khóa XII) xác định rõ các tiêu chí sau: (1) “Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”...; “đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”; (2) “Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, “đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”…; (3) “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; (4) “Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ…; (5) “Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang;… (6) “Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch,… (7) “Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; … (8) “Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật…; (9) “Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. …”…
Thứ ba, công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí phải làm gì để giữ vững tư tưởng đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa?
Để thực hiện đường lối đổi mới, các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nhiều biện pháp, từ tư tưởng, chính trị đến tổ chức thực tiễn và công tác xây dựng Đảng. Với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí trong bối cảnh chính trị xã hội ngày nay có vai trò hết sức quan trọng. Để giữ vững tư tưởng đổi mới công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí phải tiếp tục làm sáng rõ những thành quả của cách mạng có tính thời đại của dân tộc. Chẳng hạn cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã giành lại độc lập dân tộc, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, đưa dân tộc Việt Nam tiếp cận các giá trị chung của nền văn minh nhân loại. Các cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược không chỉ bảo vệ độc lập dân tộc mà trở thành ngọn cờ giải phóng cho các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Vì lẽ đó, sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã rút ngắn con đường tiến hóa của dân tộc Việt Nam cả một thời đại.
Công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đạt những thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.900USD (năm 2013) lên 2.215USD (năm 2016). Các quyền con người, trong đó có quyền dân sự, chính trị, nhất là quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do internet ở Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Hiện có khoảng 50 triệu người Việt Nam sử dụng internet, chiếm 52% dân số. Riêng số người sở hữu tài khoản facebook lên tới 35 triệu người, bằng hơn 1/3 dân số, trong đó 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động. Bởi vậy, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Google tại Đông Nam Á và Ấn Độ Rajan Anandan đã khẳng định: “Việt Nam là nước có thị trường internet năng động nhất thế giới. Thị trường duy nhất có số người dùng internet nhiều hơn số người không dùng”
Để thống nhất về tư tưởng chính trị trong Đảng và xã hội, công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí ngày nay cần làm rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Công tác xây dựng Đảng hiện nay cũng hướng theo tư tưởng đó. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) lấy nhiệm vụ “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng nhằm bảo đảm sứ mệnh lịch sử của Đảng là lãnh đạo sự nghiệp xây dựng đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Cương lĩnh của Đảng đã xác định.
Đường lối đối ngoại và quốc phòng, an ninh của Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ duy trì môi trường hòa bình để xây dựng đất nước. Văn kiện Đại hội XII xác định: Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên vị trí hàng đầu; đồng thời khẳng định ý chí quyết tâm, “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; không để đất nước bị động, bất ngờ, trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định rõ “đối tác" và “đối tượng” của cách mạng Việt Nam: “Những ai tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Như vậy, không có chuyện đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam là “ tự cô lập mình”.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí ngày nay là làm rõ sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đến nay, không kể những kẻ cơ hội đóng vai người yêu nước, thì vẫn còn những người theo chủ nghĩa giáo điều, phê phán đường lối đổi mới (xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, xây dựng “nền kinh tế thị trường” có sự quản lý của Nhà nước) là xa rời nhiều nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin như: Nguyên lý xây dựng “nhà nước chuyên chính vô sản”, phát triển “kinh tế kế hoạch hóa”. Bởi vậy công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí cần làm rõ, trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải biết vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật của học thuyết đó để giải quyết những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra, hướng vào mục tiêu giải phóng xã hội, giải phóng con người. Nói một cách cụ thể, kiên trì và bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là kiên trì mục tiêu và phương pháp luận duy vật của học thuyết đó, là bảo vệ sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận đó của Đảng, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, hình thành nhiều giá trị mới của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Để giữ vững tư tưởng đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa, công tác tư tưởng, lý luận ngày nay cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên? Bởi vậy, cần tiếp tục tìm tòi cơ chế chống suy thoái, đặc biệt là tìm tòi cơ chế phát huy dân chủ, nâng cao vai trò của các cơ chế giám sát quyền lực. Nhiệm vụ này không chỉ của cơ quan, tổ chức làm công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí mà là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
(1) -Như nhóm “ Kiến nghị 72” ( gồm 72 người ký tên), nhóm “Thư ngỏ 61” (gồm 61 người ký tên)
BẮC HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét