Kể từ sau quyết định của thủ tướng chính phủ Việt Nam thành lập Tổng công ty dầu khí Việt Nam năm 2006, đây là ngành có thế mạnh cho nguồn thu ngân sách Việt Nam nhờ hoạt động ở vùng có tiềm năng khá ở Biển Đông.
Trong bối cảnh Việt Nam và các nước trong khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, việc nắm được tiến độ của các dự án dầu khí Việt Nam trong 15 năm qua là cần thiết như tổng hợp sau của tác giả Toàn Việt:
Về tổ chức, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam - PVN) thành lập năm 2006, có tiền thân là Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (năm 1990).
Tháng 6/2010, PVN được chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu.
Vì thế, việc khai thác dầu khí thuộc lĩnh vực nhà nước Việt Nam hoàn toàn quản lý không có công ty tư nhân nào trong nước tham gia và gắn chặt với các hoạt động an ninh biển và ngoại giao của Việt Nam.
1. Các địa điểm thăm dò và khai thác
Theo các số liệu chính thức đã công bố, chính quyền Việt Nam đã phân bổ các bể trầm tích thành bảy nhóm, trong đó hoạt động thăm dò và khai thác của PVN diễn ra dày đặc nhất ở các bể ven thềm lục địa:
- bể Sông Hồng (còn gọi là Yinggehai bởi Trung Quốc)
- bể Phú Khánh
- bể Cửu Long
- bể Nam Côn Sơn
- bể Malay-Thổ Chu
- bể Tư Chính - Vũng Mây (mà Trung Quốc gọi là khu vực Wan An Bei, hay Vạn An Bắc)
- nhóm bể Trường Sa và Hoàng Sa.
Ngoài việc một số lô trong bể Cửu Long và Nam Côn Sơn của Việt Nam rơi vào trong 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc, còn có hai khu vực thăm dò khai thác nhạy cảm giữa hai nước, chính là:
- Các lô từ 128 đến 132 và 144 đến 156 thuộc bể Phú Khánh - đều nằm trong 200 hải lý (370km) vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Các lô này chồng lấn với 9 lô dầu Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mở thầu quốc tế vào tháng 6/2012.
- Bể trầm tích Tư Chính - Vũng Mây trên thềm lục địa Đông Nam Việt Nam, bao gồm các lô từ 133 đến 136 và 157 đến 159. Chỉ có một phần lô 158 và 159 nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
2. Những hoạt động liên quan đến dầu khí
Từ cuối năm 1992 khi Quốc hội khóa IX thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (ban hành năm 1988), PVN đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế quảng bá về cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí của Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, sau nhiều thay đổi về nhà đầu tư và cổ phần sở hữu, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP), đơn vị thành viên của PVN, là nhà điều hành và toàn quyền sở hữu Lô 05-1A (bể Nam Côn Sơn) và Lô 46/13 (bể Malay - Thổ Chu).
Cả hai dự án đều đang trong giai đoạn khai thác, phát triển.
Như vậy, hầu hết các dự án đang triển khai trong nước của PVN đều có sự tham gia của các công ty dầu khí và năng lượng nước ngoài. Đáng lưu ý, nhiều dự án vẫn trong giai đoạn tìm kiếm, thăm dò.
3. Nga là đối tác từ ban đầu lớn nhất
Đối tác lớn nhất của PVN trong ngành dầu khí là Nga, với hiệp định Liên Doanh Việt - Xô (Vietsovpetro) ký kết từ tháng 6/1981.
Đây là liên doanh đầu tiên của Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, trong đó Tập đoàn Nga Zarubezhneft chiếm 49% và PVN giữ 51%.
Các lô Vietsovpetro hiện đang điều hành là: Lô 09-1 (Mỏ Bạch Hổ, Rồng, và Gấu Trắng) và Lô 09-3/12 (Mỏ Cá Tầm) thuộc bể Cửu Long, Lô 04-3 (Mỏ Thiên Ưng) và Lô 12/11 thuộc bể Nam Côn Sơn.
Ngoài ra, Zarubezhneft còn tham gia góp vốn thành lập Công ty Dầu khí Việt - Nga - Nhật (VRJ) cùng các đối tác là: Tổng công ty PVEP của Việt Nam và Tập đoàn Idemitsu của Nhật Bản, theo tỷ lệ: Zarubezneft góp 50%, PVEP góp 35% vốn và Idemitsui góp 15% vốn.
Thời hạn hoạt động của VRJ là 30 năm kể từ ngày hợp đồng được ký kết vào tháng 2/2002. Hiện VRJ đang cùng Vietsovpetro khai thác Lô 09-1 và 09-3 (Mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi) thuộc bể Cửu Long, với tỷ lệ sở hữu chia đều là 50%.
Đối tác dầu khí thứ hai của Nga có mặt tại Việt Nam là Tập đoàn khí đốt lớn nhất nước Nga Gazprom. Liên doanh Vietgazprom bắt đầu hoạt động từ ngày 21/6/2002 với tư cách là nhà điều hành hợp đồng dầu khí Lô 112 trên thềm lục địa Việt Nam. Đây là hợp đồng dầu khí được ký kết giữa Gazprom, PetroVietnam, và các công ty con của hai bên là Gazprom Zarubezhneftegaz và Tổng Công ty PVEP.
Bên cạnh Gazprom và Zarubezhneft, Công ty dầu khí quốc gia lớn nhất nước Nga Rosneft bước vào thị trường Việt Nam năm 2013 thông qua TNK Việt Nam. Rosneft Vietnam B.V. là nhà điều hành của hai lô dầu khí (Lô 06-1 có mỏ khí condensate Lan Tây và Lan Đỏ và Lô 05-3/11) thuộc bể Nam Côn Sơn.
Công ty thứ hai của Rosneft tại Việt Nam là Rosneft Pipelines Vietnam B.V., là nhà đầu tư nắm giữ 32,67% cổ phần Đường ống Nam Côn Sơn, vận chuyển khí tự nhiên và dầu nhẹ từ 4 lô ngoài khơi vào bờ.
4. Các đối tác nước ngoài khác
Ngoài đối tác từ Nga, Việt Nam hiện đang hợp tác với nhiều công ty nước ngoài khác, bao gồm:
Xuất xứ | Đối tác nước ngoài | Dự án | Tiến độ thựchiện |
---|---|---|---|
Thái Lan | PTTEP | 7.74% tại Lô B & 48/95 | Khai thác phát triển |
28.5% tại Lô 16-1 | Khai thác phát triển | ||
25% tại Lô 09-2 | Khai thác phát triển | ||
Malaysia | Petronas Carigali Overseas | Nhà điều hành và sở hữu 57.14% tại Lô 102 & 106 | Khai thác phát triển |
40% tại Lô 10 & 11-1 | Khai thác phát triển | ||
Petronas Carigali Vietnam Limited | 50% tại Lô 01/97 & 02/97 | Khai thác phát triển | |
30% tại Lô 46-CN | Tìm kiếm, thăm dò | ||
45% tại Lô 103 & 107 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Talisman Malaysia | Nhà điều hành và sở hữu 35% tại Lô PM3-CAA(Khu vực chồng lấn Việt Nam và Malaysia) | ||
Singapore | Singapore Petroleum Company (SPC) | 22.86% tại Lô 102 & 106 | Khai thác phát triển |
20% tại Lô 19 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Nhật Bản | JX Nippon Oil & Gas Exploration Corp | 30% tại Lô 05-1B & 05-1C | Khai thác phát triển |
Idemitsu Kosan | Nhà điều hành và sở hữu 35% tại Lô 05-1B & 05-1C | Khai thác phát triển | |
Nhà điều hành và sở hữu 75% tại Lô 39 & 40/02 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
INPEX Corp (Năm 2008 INPEX Corp được hợp nhất bởi Teikoku Oil và INPEX Holdings) | 30% tại Lô 05-1B & 05-1C | Khai thác phát triển | |
Sumitomo Corp | 25% tại Lô 39 & 40/02 | Tìm kiếm, thăm dò | |
Hàn Quốc | Korea National Oil Corporation (KNOC) | 14.25% tại Lô 15-1 | Khai thác phát triển |
Nhà điều hành và sở hữu 75% tại Lô 11-2 | Khai thác phát triển | ||
SK Corp / SK Innovation | 9% tại Lô 15-1 | Khai thác phát triển | |
25% tại Lô 15-1/05 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
20% tại Lô 123 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Ấn Độ | Oil and Natural Gas Corporation Limited (ONGC) | Nhà điều hành và sở hữu 50% tại Lô 128 | Tìm kiếm, thăm dò |
45% tại Lô 06-1 | Khai thác phát triển | ||
Ý | Eni S.p.A. / ENI Vietnam B.V. | Nhà điều hành Lô 122 | Tìm kiếm, thăm dò |
Nhà điều hành và sở hữu 50% Lô 120 và 114 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Nhà điều hành và sở hữu 50% Lô 105 & 110/04 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Nhà điều hành và sở hữu 60% Lô 124 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Nhà điều hành và sở hữu 100% Lô 116 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Pháp | Perenco / Perenco Rang Dong Ltd | 36% tại Lô 15-2 | Khai thác phát triển |
23.25% tại Lô 15-1 | Khai thác phát triển | ||
Hà Lan | Shell | Nhà điều hành tại Lô 44 | Tìm kiếm, thăm dò |
Anh | SOCO | Tham gia vào Lô 125 & 126 (từ năm 2015) | Tìm kiếm, thăm dò |
25% tại Lô 09-2 | Khai thác phát triển | ||
28.5% tại Lô 16-1 | Khai thác phát triển | ||
Salamander Energy | Nhà điều hành và sở hữu 75% tại DBSCL-01 | Tìm kiếm, thăm dò | |
Nhà điều hành và sở hữu 35% tại Lô 31 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Premier Oil | 50% tại Lô 104 & 109/05 | Tìm kiếm, thăm dò | |
40% tại Lô 121 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Nhà điều hành và sở hữu 53.125% Lô 12W | Khai thác phát triển | ||
Mỹ | Neon Energy | 25% tại Lô 120 | Khai thác phát triển |
25% tại Lô 105 & 110/04 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Kris Energy | 25% tại Lô 120 | Khai thác phát triển | |
25% tại Lô 105 & 110/04 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Murphy Oil | 35% tại Lô 15-1/05 | Tìm kiếm, thăm dò | |
20% tại Lô 13/03 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Nhà điều hành và sở hữu 65% tại Lô 144 & 145 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Nhà điều hành và sở hữu 60% tại Lô 11-2/11 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
ExxonMobil | Nhà điều hành tại Lô 156, 157, 158, 159 | Tìm kiếm, thăm dò | |
Nhà điều hành tại Lô 117, 118, 119 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Canada | Jadestone Energy - tên cũ là Mitra Energy | 40% tại Lô 19 & 20 | Tìm kiếm, thăm dò |
Nhà điều hành và sở hữu 70% tại Lô 46/07 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Nhà điều hành và sở hữu 35% tại Lô 51 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Nhà điều hành và sở hữu 70% tại Lô 45 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Nhà điều hành và sở hữu 75% tại Lô 127 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Nhà điều hành và sở hữu Lô MVHN/12KS thuộc miền võng Hà Nội | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Úc | Santos | Nhà điều hành và sở hữu 50% tại Lô 123 | Tìm kiếm, thăm dò |
Nhà điều hành và sở hữu 45% tại Lô 13/03 (Tuy nhiên, tính đến năm 2017, không thấy Santos liệt kê Lô 13/03 trong các dự án của họ tại Việt Nam. Hiện cũng không có thông tin cập nhật về tình trạng của Lô 13/03.) | Tìm kiếm, thăm dò | ||
40% tại Lô 124 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
31.875% tại Lô 12W | Khai thác phát triển | ||
Origin Energy | Nhà điều hành và sở hữu 45% tại Lô 121 | Tìm kiếm, thăm dò | |
25% tại Lô DBSCL-01 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
25% tại Lô 31 | Tìm kiếm, thăm dò | ||
Dart Energy / Arrow Energy | Nhà điều hành Lô MVHN-01KT | Tìm kiếm, thăm dò | |
5. Vì sao đối tác thoái vốn hoặc rút đi?
Sự thoái vốn, tạm dừng phát triển dự án, hoặc rút lui hoàn toàn của các đối tác nước ngoài trong các dự án dầu khí tại Việt Nam thường vì hai lý do chính: (i) kết quả tìm kiếm thăm dò không khả quan, không phát hiện được hydrocarbon thương mại, hoặc (ii) áp lực từ Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.
-Pertamina (Indonesia) rút lui khỏi Lô 10 & 11-1 tại Việt Nam năm 2016; trước đó công ty này nắm giữ 10% cổ phần.
-BP (Anh): Tập đoàn BP bắt đầu vào hoạt động tại Việt Nam năm 1989 trong các lĩnh vực chính là thăm dò sản xuất dầu khí cũng như phân phối khí gas lỏng LPG và dầu nhờn.
- Từ 1992 đến 2009, BP nắm tỷ lệ cao nhất tại hai lô 05-2 & 05-3 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, cùng ConocoPhilips (Hoa Kỳ) nắm 50% ở lô 05-3. Năm 2007, Trung Quốc đã gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí có vốn đầu tư $2 tỷ này. Đến năm 2009, sau khi BP và ConocoPhillips chính thức rút khỏi quyền lợi trong hợp đồng, PVN đã thành lập Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC) để triển khai dự án.
- BP còn là chủ đầu tư và nhà điều hành chính của lô 06-1 từ 2002 đến 2010. Sau đó, BP quyết định rút lui khỏi các dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam dưới áp lực từ Trung Quốc.
-Chevron (Mỹ): Tháng 8/2007 giám đốc điều hành Chevron được triệu tập tới tòa đại sứ Trung Quốc ở Washington DC và yêu cầu ngừng việc thăm dò tại lô 122 ngoài khơi Việt Nam. Thông điệp được lặp lại tại một cuộc họp khác ở Bắc Kinh vào tuần sau đó. Chevron quyết định đình chỉ hoạt động tại lô 122 trước cuối tháng.
-Repsol (Tây Ban Nha): Tháng 5/2015 Công ty năng lượng Tây Ban Nha Repsol mua lại Talisman Energy Inc (trước đó của Canada). Giữa tháng 6/2017, Repsol thực hiện khoan tại Lô 136/03 thuộc bể Tư Chính - Vũng Mây nhưng đã phải ngưng hoạt động khoan vài tuần sau đó dưới áp lực từ Trung Quốc.
Cho đến thời điểm hiện nay, sự kiện Repsol phải rút đi vì áp lực của Trung Quốc và quyết tâm của Bắc Kinh xác định chủ quyền trong "Đường Lưỡi Bò" chiếm gần trọn Biển Đông đang là thách thức lớn nhất đối với ngành khai thác dầu khí của Việt Nam sau nhiều năm hoạt động, theo giới quan sát.
Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ tìm câu trả lời thế nào cho vấn đề có thể có tác động trực tiếp đến tương lai ngành khai thác dầu khí nước này trong những năm tới.
Bài tổng hợp của Toàn Việt gửi đến cho chuyên đề dầu khí và Biển Đông của BBC Tiếng Việt thể hiện nhãn quan riêng của tác giả.
Cùng chủ đề:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét