NGHĨA NHÂN |
Tổng Bí thư phải là người tiêu biểu nhất về đạo đức và trí tuệ của toàn Đảng.
Đó là một những nội dung được quy định rõ trong Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành mới đây.
Theo Quy định 90, các chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cứng đối với các chức danh nói trên là đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh/thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Trung ương quyết định).
Ngoài ra, mỗi chức danh cần có những phẩm chất, năng lực phù hợp với từng vị trí cụ thể.
Tiêu chuẩn Tổng Bí thư
Tổng Bí thư là chức danh cao nhất trong Đảng, do Trung ương bầu ra trong số ủy viên Bộ Chính trị.
Theo Quy định 90, Tổng Bí thư phải là người có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư phải là người tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Có bản lĩnh chính trị, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài.
Phải có phẩm chất, năng lực quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, quốc gia, dân tộc.
Tổng Bí thư cần có năng lực lãnh đạo, điều hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm.
Ba chức danh Nhà nước
Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là ba chức danh đứng đầu Nhà nước, do Quốc hội bầu. Do đặc thù chức năng, nhiệm vụ luật định, Quy định 90 của Bộ Chính trị đặt ra một số tiêu chuẩn riêng cho từng chức danh.
Với Chủ tịch nước, phải có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng và phải có hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp; là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước.
Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Với Thủ tướng Chính phủ, phải có năng lực nổi trội trong hoạch định chiến lược; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp.
Có khả năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế-xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế. Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước...
Với Chủ tịch Quốc hội, phải là người quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong chỉ đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước…
Chủ tịch Quốc hội phải có khả năng hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cách thức để thực hiện kiểm soát quyền lực
Cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, được nhân dân bầu, Đảng, Nhà nước giao các vị trí hết sức quan trọng với chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn cao. Do đó đòi hỏi những cán bộ cấp cao phải là những người trước hết phải có đạo đức trong sáng, biết đặt lợi ích của nhân dân, quốc gia - dân tộc, tập thể lên trên lợi ích cá nhân, sử dụng quyền lực được giao vào những mục đích, mục tiêu chung của xã hội, đất nước, để mang lại sự phát triển của đất nước, cuộc sống công bằng, dân chủ, văn minh cho nhân dân.
Thông qua tiêu chuẩn này, Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu, lý tưởng của Đảng là vì lợi ích của quần chúng nhân dân, cán bộ cấp cao của Đảng được trao quyền lực là để tận tâm, tận lực làm việc phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước chứ không được dùng để thu vén lợi ích cá nhân.
Việc ban hành công khai các tiêu chuẩn này vừa thể hiện quyết tâm của Đảng ta, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đấu tranh không khoan nhượng với tình trạng suy thoái đạo đức, tham nhũng, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng cũng đồng thời là công cụ để đảng viên, nhân dân giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng trong việc sử dụng quyền lực được giao; là một trong những cách thức để thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Theo quy định này, năm 2019 Trung ương, Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng sẽ tiến hành đánh giá cán bộ tổng thể cho cả nhiệm kỳ 2015-2020.
Các cấp ủy, tổ chức đảng sẽ căn cứ quy định này để tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các tiêu chuẩn đối với cấp ủy viên các cấp trong Đảng, sử dụng kết quả đánh giá cán bộ thông qua bộ tiêu chí như một công cụ hữu hiệu để đánh giá đúng cán bộ, chuẩn bị cho việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tại Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; cũng như nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các đại hội nhiệm kỳ tiếp theo.
Ông NGUYỄN THANH BÌNH, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương
(trả lời báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 21-8-2017)
theo Pháp luật TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét